kẻ thù của nhân dân

Stalin là người đề xướng quan niệm "kẻ thù của nhân dân". Thuật ngữ này tự nó loại trừ sự cần thiết phải chứng tỏ những sai lầm về tư tưởng của từng cá nhân hay đoàn thể. Nó tạo điều kiện cho việc vi phạm mọi chuẩn mực của pháp luật cách mạng, áp dụng những biện pháp khủng bố tàn bạo nhất với bất kỳ ai không đồng tình với Stalin trong bất kỳ một vấn đề nào, đối với những người mới chỉ bị nghi vấn là đang chuẩn bị hoạt động chống phá cũng như với những kẻ vô tăm tiếng.
Tự bản thân, quan niệm "kẻ thù của nhân dân", trong thực tế, đã loại bỏ khả năng mở ra bất kỳ một cuộc đấu tranh tư tưởng nào, hoặc ngăn cản người khác không được phát biểu ý kiến về một vấn đề nhất định, ngay cả khi vấn đề ấy là thực tiễn, chứ không mang tính lý luận. Trái hẳn với mọi nguyên tắc pháp lý, người ta chỉ dựa vào lời "thú tội" của bị cáo để buộc tội, coi đó là bằng chứng chính yếu và duy nhất trong thực tế. Các cuộc thẩm tra sau này đã chứng tỏ: bằng nhục hình, người ta đã cưỡng bức các bị cáo phải tuôn ra những lời "thú tội".
Điều này dẫn đến chỗ pháp lý cách mạng bị vi phạm trầm trọng, và nhiều người hoàn toàn vô tội - trong quá khứ từng bảo vệ đường lối của đảng - đã trở thành nạn nhân.
Phải nhớ rằng ngay cả đối với những người trước kia đã chống lại đường lối của đảng, lắm lúc, dù chẳng có lý do gì chính đáng, họ cũng bị giết hại. Quan niệm "kẻ thù của nhân dân" được áp dụng nhiều nhất chính là để sát hại thể xác những người như thế.
Một thực tế nữa là trong số những người bị thanh trừng như "kẻ thù của đảng và nhân dân", có nhiều người trước đây từng cộng tác với Lênin. Trong số đó, hồi sinh thời Lênin có vài người đã từng phạm những sai lầm, nhưng Lênin - thường thường hài lòng với công việc của họ - đã cố gắng giúp họ sửa chữa những sai lầm ấy và tìm mọi cách giữ họ lại trong hàng ngũ đảng; đồng chí bao giờ cũng cố gắng thuyết phục họ theo lẽ phải của đồng chí.
Về điểm này, các đại biểu Đại hội đảng cần được biết nội dung một bức thư - chưa bao giờ được công bố - mà đồng chí V.I. Lênin gửi đến Bộ Chính trị Ban chấp hành trung ương tháng 10-1920. Nhấn mạnh về nhiệm vụ của U'y ban Kiểm tra, Lênin nói rằng ủy ban này phải trở nên một "cơ quan thực thụ của lương tri đảng và lương tri vô sản":
Nhân danh nhiệm vụ đặc biệt của mình, U'y ban Kiểm tra cần quan tâm chu đáo đến từng cá nhân, thậm chí phải coi mình như một liều thuốc chữa bệnh đối với các đại diện phe đối lập, những người bị khủng hoảng tinh thần sau những thất bại của họ trong chính quyền xô-viết hay trong đảng. Cần phải cố gắng an ủi họ, giải thích cho họ hiểu vấn đề trên tình đồng chí, tìm cho họ (nên tránh lối ra lệnh) một công tác phù hợp với đặc tính tâm lý của họ, phải đưa những hướng dẫn và chỉ thị về vấn đề này cho Ban Tổ chức trung ương, v.v...
Mỗi người chúng ta đều biết Lênin rất nghiêm khắc đối với những kẻ thù tư tưởng của chủ nghĩa Mác, với những ai đi sai đường lối đúng dắn của đảng. Nhưng đồng thời, cũng như tài liệu được trích dẫn nói trên chứng tỏ, trong quá trình lãnh đạo đảng, Lênin đòi hỏi đảng phải cư xử thật sâu sắc với những ai tỏ ra do dự hoặc chưa đồng tình với đường lối của đảng trong một giai đoạn tạm thời, nhưng sau này có thể trở về với đảng. Lênin khuyên nhủ chúng ta phải kiên nhẫn cải tạo những người này và đừng áp dụng những biện pháp cực đoan đối với họ.
Sự sáng suốt của Lênin trong quan hệ với con người đã bộc lộ rất rõ trong hành động đối với các cán bộ đảng.
Nhưng trong mối quan hệ với mọi người, Stalin lại cư xử hoàn toàn trái ngược. Những phương pháp của Lênin hoàn toàn xa lạ đối với Stalin. Kiên nhẫn đối với con người, chú trọng việc thường xuyên cải tạo họ, tìm cách thuyết phục họ về với mình, không cưỡng chế mà chỉ dùng tác động tư tưởng thông qua tập thể đảng - đây là những điều Stalin không hề biết đến.
Stalin đã bác bỏ phương pháp thuyết phục và giáo dục lê-nin-nít, vứt bỏ phương pháp đấu tranh tư tưởng và chỉ sử dụng phương pháp bạo lực hành chính, đàn áp và khủng bố hàng loạt. Dựa vào các cơ quan hình sự, Stalin đã áp dụng những phương pháp ấy, ngày càng trên diện rộng và ngày càng dai dẳng, giữa chừng, đồng chí ấy thường xuyên chà đạp lên mọi chuẩn mực đạo lý và pháp lý xô-viết.
Sự độc đoán của một cá nhân đã thúc đẩy và động viên hành vi độc đoán cho những kẻ khác. Những vụ bắt bớ đồng loạt hàng ngàn người, những vụ hành quyết không đem ra xét xử tại tòa án và không qua thẩm xét thông thường đã tạo nên trạng thái "bất an", tràn đầy nỗi lo âu, thậm chí khiếp đảm.
Tất nhiên, điều này không củng cố sự đoàn kết giữa các cán bộ đảng và mọi tầng lớp quần chúng lao động. Trái lại, nó dẫn đến việc khai trừ khỏi đảng và thủ tiêu nhiều chiến sĩ trung thành với đảng, chỉ vì họ không làm vừa ý Stalin.
Đảng ta đã đấu tranh nhằm thực hiện những kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội của Lênin. Đây là cuộc đấu tranh về ý thức hệ. Nếu trong cuộc đấu tranh này, những nguyên tắc lê-nin-nít được thực hiện và nếu sự tôn trọng nguyên tắc được hòa hợp đúng đắn với sự quan tâm, chăm sóc con người, nếu con người không bị gạt bỏ mà được đối xử phải lẽ, hiển nhiên là chúng ta đã không gặp phải sự vi phạm luật pháp cách mạng một cách thô bạo như thế, và hàng vạn người đã không trở thành nạn nhân của những phương pháp khủng bố. Lẽ ra, chỉ được dùng các biện pháp bất thường chống lại những kẻ quả thực có hành động phá hoại hệ thống xô-viết.