Dịch giả : Vũ Đình Phòng, Phùng Uông
Chương 100

Toa tàu Nekhliudov đi, một nửa đã chật người ngồi. Trong số hành khách có người đi ở, có thợ thủ công, có công nhân, có đồ tể, có người Do Thái, có thư ký hiệu buôn, có phụ nữ vợ công nhân, một người lính, hai bà mệnh phụ - một người còn trẻ, một người đã luống tuổi, tay để trần đeo vòng xuyến, - và một người sang trọng vẻ mặt nghiêm nghị, trên mũ lưỡi trai đen có đính chiếc phù hiệu.
Sau một lúc ồn ào chọn chỗ, giờ đây mọi người đều đã yên vị, kẻ đang cắn hạt quỳ, người hút thuốc hoặc chuyện trò náo nhiệt.
Taratx, vẻ mặt hân hoan, ngồi ở bên phải lối đi, vừa giữ chỗ cho Nekhliudov, vừa vui vẻ chuyện trò với một người đàn ông vạm vỡ, mặc áo choàng bằng vải, để hở ngực, ngồi đối diện. Về sau, Nekhliudov môi biết anh nầy là một người làm vườn, đáp tàu đến nơi làm việc mới.
Trước khi tới chỗ Taratx, Nekhliudov dừng lại ở lối đi bên cạnh một ông già tốt lão, râu bạc phơ, mặc một chiếc áo choàng bằng vải Nam kinh, đang nói chuyện với một thiếu phụ ăn vận quê mùa. Ngồi bên cạnh người nầy là một cháu gái lên bảy tuổi, chân bỏ thõng xuống không tới sàn tàu; em bé mặc một chiếc áo ngoài mới, tóc như tơ trắng kết thành bím, miệng luôn luôn cắn hạt quỳ ông cụ quay lại nhìn thấy Nekhliudov, liền thu gọn cái vạt áo từ nãy để xoà trên chiếc ghế dài bóng loáng, và nói với chàng, giọng hiền từ:
- Mời ông ngồi xuống đây.
Nekhliudov cảm ơn ông cụ và ngồi xuống. Chàng vừa ngồi xong thì người thiếu phụ lại tiếp tục câu chuyện bị đứt quãng. Chị kể chuyện chị ra tỉnh với chồng và được anh ta đón tiếp như thế nào; giờ đây chị về quê.
Lần trước tôi ra thăm anh ấy vào dịp tết Carnaval. Cho đến bây giờ, ơn Chúa tôi mới lại ra với anh ấy, - chị ta nói. - Sau nầy, được Chúa thương, đến Giáng sinh tôi sẽ lại ra.
- Thế thì hay quá, - ông cụ vừa nói vừa nhìn sang Nekhliudov. - Thỉnh thoảng cũng nên ra thăm anh ấy, kẻo còn trẻ mà ở ngoài tỉnh thì dễ hư lắm.
- Thưa cụ, không đâu ạ? Nhà con không phải hạng người như vậy đâu ạ? Anh ấy đứng đắn lắm, sống như con gái ấy. Tất cả tiền nong, từng đồng xu một, anh ấy cũng góp nhặt gửi hết về nhà. Nhìn thấy mặt con bé cháu đây, anh ấy mừng mừng là! Mừng quá không nói lên được nữa, - chị ta mỉm cười nói tiếp.
Đứa con gái ngồi nghe mẹ nói chuyện vừa không ngừng cắn hạt quỳ và nhổ bỏ vỏ, đôi mắt bình thản và thông minh ngước nhìn Nekhliudov và ông cụ như để chứng minh những lời mẹ nó nói là đúng.
- Nếu anh ấy khôn ngoan như thế thì càng hay, - ông cụ lại nói. - Thế cái món kia, anh ấy có ưa không? - ông cụ vừa nói vừa đưa mắt nhìn về phía một cặp, đúng hai vợ chồng cùng là công nhân, ngồi ở phía bên kia lối đi.
Đưa miệng chai vodka kề môi, đầu ngửa ra đằng sau, anh chồng nốc một hơi, trong khi đó chị vợ hai tay ôm cái bị vừa lấy chai rượu ra, chăm chú nhìn chồng.
- Không, nhà con không uống rượu, cũng không hút thuốc, - người đàn bà thừa dịp đó để ca tụng chồng một lần nữa. - Những người như anh ấy, cụ ạ, ở thế gian nầy không nhiều lắm đâu! Anh ấy như thế đấy. - Chị nói thêm và quay về phía Nekhliudov.
- Thế thì còn gì hay hơn nữa! - ông cụ vừa nhắc lại vừa nhìn anh công nhân uống rượu.
Anh nầy đưa chai rượu cho vợ, chị vợ cầm lấy vừa nâng lên gần môi vừa cười, đầu gật gù. Thấy Nekhliudov và ông cụ nhìn mình, anh công nhân quay lại phía chàng, nói:
- Có gì đâu thưa ngài? Ngài nhìn chúng tôi vì chúng tôi uống rượu à? Lúc chúng tôi trần lực ra làm thì chẳng thấy ai ngó đến, nhưng khi chúng tôi uống rượu thì người nào cũng nhìn. Tôi kiếm được tiền thì tôi uống rượu, tôi khao vợ tôi, có thế thôi.
- Phải, phải. - Nekhliudov nói, chẳng biết trả lời thế nào khác.
- Có phải thế không ạ, thưa ngài? Vợ tôi là người nền nếp, đảm đang; tôi rất vừa ý, không phải phàn nàn gì cả vì nhà tôi biết thương tôi. Có phải thế không mình, Mavra?
- Nầy, cầm lấy, em không uống nữa đâu, - người vợ, miệng nói, tay đưa trả lại chồng chai rượu. - Anh ba hoa gì thế? - Chị ta nói thêm.
Đấy nhà tôi nó thế đấy, - anh công nhân nói tiếp, - nhà tôi tốt, tốt đáo để, có điều là lắm lúc bỗng không lại rít ken két như bánh xe không dầu ấy. Anh nói có đúng không hả, Mavra?
Mavra cười, quờ quạng cánh tay, có vẻ hơi say.
- Chà! Anh lại bốc lên rồi đấy…
- Và nhà tôi là như vậy đấy, tốt lắm, nhưng không phải bao giờ cũng thế đâu, y như con ngựa ấy; chỉ cần luồn một dây cương xuống dưới khẩu đuôi nó, nó sẽ cho ngài thấy những chuyện không thể tưởng tượng được…
- Tôi nói thực đấy. Xin ngài bỏ quá cho. Tôi hơi quá chén! Ờ, làm gì bây giờ? - Anh công nhân nói xong, gối đầu lên đùi vợ đang mủm mỉm cười, sửa soạn ngủ.
Nekhliudov ngồi nán lại với ông cụ một lúc; nghe ông cụ kể chuyện về cuộc đời mình. Ông cụ làm nghề thợ xây bếp lò, cụ đã làm việc suốt năm mươi ba năm nay, và trong một đời cụ đã xây không biết bao nhiêu là lò. Bây giờ, cụ định nghỉ ngơi một chút, nhưng cũng chẳng có lúc nào được rảnh. Cụ vừa ra tỉnh kiếm việc làm cho mấy đứa con cháu, và bây giờ cụ trở về thăm quê nhà.
Nghe xong câu chuyện, Nekhliudov đứng dậy trở về chỗ Taratx vẫn giữ cho chàng.
- Ngài cứ ngồi xuống đi, chúng tôi sẽ để cái túi hành lý ra đây, - người làm vườn đối diện với Taratx, hoà nhã nói, mắt ngước lên nhìn Nekhliudov.
- Càng chật càng vui, ông ạ - Taratx tươi cười nói với cái giọng trầm bổng của anh; anh đưa hai cánh tay chắc nịch nhất bổng cái túi nặng tới ba mươi cân coi như không, để ra phía cửa sổ. - Chỗ ngồi thì thiếu gì, mà có đứng một tí, hay thậm chí nằm xuống dưới gầm ghế cũng được cơ mà. Thế nầy, bọn mình dễ chịu chán. Việc gì phải tranh cãi nhau? - Anh ta nói, nét mặt đầy vẻ thân ái hiền hậu.
Nói về mình, Taratx thường bảo khi không uống rượu, anh chẳng nói một lời, nhưng mà rượu vào là anh tìm ngay ra được những lời rất đúng và gì anh cũng nói được cả: Quả thật như vậy, khi tỉnh táo, Taratx thường hết sức trấm lặng nhưng khi đã uống rượu - rất ít khi và cũng chỉ trong những trường hợp đặc biệt thôi - thì anh hoá ra hay nói, vui vẻ, dễ thương lạ. Lúc đó, anh nói đã nhiều lại hay, rất giản dị, chất phác và đặc biệt là rất đáng yêu, - cái vẻ đáng yêu toả ra từ đôi mắt xanh lam hiền hậu, từ nụ cười cởi mở luôn luôn nở trên môi. Hôm nay, anh chàng đang vào lúc vui. Nekhliudov đến gần, anh ngừng câu chuyện đang nói; nhưng khi đã xếp đặt xong cái túi, anh lại ngồi xuống, đặt đôi tay khỏe mạnh lên đùi, nhìn thẳng vào mắt người làm vườn và tiếp tục kể. Anh kể với người bạn mới quen về vợ mình, vì sao vợ anh đi đày, và vì sao giờ đây anh lại đi theo vợ đi Siberi.
Nekhliudov trước đó chưa được biết rõ chi tiết câu chuyện, nên chàng chú ý lắng nghe. Chàng đến vào lúc anh kể đến đoạn việc đầu độc thành sự đã rồi và gia đình biết Fedoxia là kẻ thủ phạm…
- Tôi đang nói về nỗi đau khổ của tôi, - Taratx thành thực và thân mật nói với Nekhliudov. - Tôi may mắn được một người rất đỗi thông cảm với tôi, chúng tôi đã tâm sự với nhau và tôi đang kể cho anh ấy nghe hết câu chuyện.
- Anh cứ kể tiếp đi, - Nekhliudov nói.
- Như vậy, anh ạ, thế là câu chuyện được phát giác.
Mẹ tôi cầm lấy cái bánh: "Tao ra đồn đây" - bà cụ nói. Bố tôi là một ông già rất đúng mực. "Khoan đã, bà nó, - ông cụ nói, - con bé còn non dại, việc nó làm chính nó cũng không biết mình làm gì đâu. Ta phải thương nó chứ. Sau nầy, nó có thể hồi tâm tỉnh ngộ". Nhưng, nói gì thì nói, mẹ tôi cứ khăng khăng không nghe. Bà cụ bảo: "Giữ nó trong nhà, để rồi mai nó giết cả nhà như lũ nhái ấy à?" và thế là bà cụ đi ra trình đồn, anh ạ. Lão trưởng đồn lập tức sục tới nhà tôi… và tức khắc lấy nhân chứng.
- Thế còn anh thì thấy thế nào? - Người làm vườn hỏi.
Còn tôi, anh ạ, lúc ấy bụng nó đau quặn lên, tôi lăn ra đất và nôn mửa. Ruột gan trong người cứ lộn cả lên, tôi không nói được một tiếng. Thế là bố tôi đóng ngựa vào xe, cho Fedoxia lên xe và đi lên đồn? Rồi đến nhà quan dự thẩm. Còn Fedoxia, anh ạ, ngay từ đầu, cô ấy thú nhận hết, trước mặt quan dự thẩm cô ấy cũng khai đầu đuôi rành mạch: cô ấy lấy thuốc độc ở đâu và đã pha vào bánh như thế nào. "Tại sao mày lại làm như vậy?" người ta hỏi cô ấy. Cô ấy trả lời: "Bởi vì tôi ghê tởm nó lắm, tôi thà đi Siberi còn hơn sống với nó", nghĩa là với tôi đấy! - Taratx tươi cười giải thích - Thế là cô ấy nhận hết mọi tội. Và dĩ nhiên là phải vào tù. Ông bố tôi về một mình… Nhưng mùa màng lại sắp tới. Ở nhà tôi chỉ có mỗi mình mẹ tôi là đàn bà thôi, mà bà cụ đã yếu rồi. Chúng tôi nghĩ: "Làm thế nào bây giờ, liệu xin bảo lĩnh cho cô ấy ra, có được không? Bố tôi liền đến ngay nhà một ông quan. Không ăn thua gì; lại đến một ông khác. Ông cụ chịu đi cầu cạnh đến năm người, tưởng đành chịu. May quá về sau có một ông lục sự, một con người rất tài, thật khó mà tìm được đến một người thứ hai như vậy. Ông ta bảo: "Đưa tôi năm "rúp" tôi sẽ chạy cho cô ta được ra". Về sau thoả thuận với nhau là ba "rúp". Thế rồi, anh ạ tôi đã mang cầm số vải chính tay cô ta dệt trước đây, lấy tiền đưa cho ông ta. Ông ta đặt bút viết đơn… - Taratx nói, kéo dài giọng như là nói về một phát súng vậy, - là thành ngay lập tức. Lúc đó tôi đã bắt đầu dậy được, tôi thân hành đánh xe ra tỉnh đón cô ta. Anh ạ, thế là tôi ra tỉnh. Tôi để gửi con ngựa ở quán trọ, cầm lá đơn đến nhà tù "Anh muốn hỏi gì?" - "Sự thể là, - tôi nói, - tôi có người vợ bị giam tại nơi các ông đây." - "Thế có giấy tờ gì không?". Tôi chìa lá đơn ra. Hắn ta liếc qua một cái: "Đợi đấy". Tôi ngồi xuống một cái ghế dài. Mặt trời đã hơi xế bóng. Một ông quan ra hỏi: "Mày là Vacgusov phải không?" - "Dạ chính tôi ạ" - "Thế thì nhận lấy người nhà." - ông ta nói. Tức thì người ta mở cổng đưa cô ta ra, mặc quần áo riêng của mình, vẫn đàng hoàng. "Thôi, ta đi về!"
- Anh đi bộ à?
- Không, có ngựa.
Chúng tôi về đến nhà trọ, tôi trả tiền gửi ngựa và đóng ngựa vào xe. Tôi lót chỗ cỏ còn lại xuống dưới một mảnh vải thô để cô ta ngồi lên đó. Cô ta lấy khăn chùm kín cả người. Chúng tôi lên đường. Cô ta im lặng, còn tôi cũng không nói gì cả. Khi về gần đến nhà, cô ta mới hỏi tôi thế nầy: "Mẹ thế nào, vẫn còn sống chứ?" - Tôi bảo "còn sống" "Thế bố, vẫn còn sống chứ? - "Còn sống" - "Taratx, anh tha cho tôi đã chót dại nhé. Tôi cũng không hiểu việc tôi làm nữa". Tôi trả lời cô ta: "Cô nói nhiều quá, vô ích, tôi đã bỏ qua từ lâu rồi". Cô ta không nói gì nữa. Chúng tôi về tới nhà. Cô ta sụp xuống chân mẹ tôi. Bà cụ nói: "Chúa tha thứ cho con!". Còn bố tôi ông cụ chào và bảo cô ta: "Chuyện đã qua rồi nhắc lại có ích gì đâu. Hai vợ chồng mày, hãy ăn ở với nhau cho tử tế hơn con ạ, bây giờ không phải là lúc nói đến chuyện ấy nữa. Phải lo thu hoạch mùa màng đi thôi. Ở đồng Xkorodino, có một sào ruộng bón nhiều phân nên năm nay trời cho hắc mạch rất tốt, dùng liềm không được, lúa chằng chịt với nhau đổ nằm rạp như dải giường cả một lượt Phải gặt thôi. Hai vợ chồng mày, ngày mai đi mà gặt, con ạ!". Và từ lúc đó, anh ạ, cô ta bắt tay vào công việc, làm hăng lắm, đến nỗi mọi người phải ngạc nhiên. Năm đó, chúng tôi có ba mẫu ruộng thuê và, ơn chúa, hắc mạch cũng như yến mạch, đều tốt chưa từng thấy. Tôi gặt, cô ta bó, đôi khi cả hai chúng tôi cùng gặt. Làm ăn thì tôi thạo lắm, chẳng để hỏng việc gì, nhưng cô ta làm còn thạo hơn tôi nhiều. Cô ta đã đảm, lại trẻ, đang sức. Cô ta ham công việc đến nỗi, anh ạ, chính tôi phải ngăn cô ta lại. Về đến nhà, những ngón tay phồng cả lên, cánh tay mỏi rời, phải nghỉ ngơi chứ; ấy thế mà cô ta cơm cũng chẳng kịp ăn, còn chạy xuống nhà ngang sửa soạn dây dợ cho sáng hôm sau. Thật là khác hẳn xưa!
- Thế đối với anh, cô ta có trở nên dịu dàng hơn không người làm vườn hỏi.
- Chuyện đó thì khỏi phải nói? Cô ta cứ dính chặt vào tôi như sơn ấy, hai người như một. Tôi mới chớm nghĩ đến cái gì, là cô ta đoán ra ngay. Ngay cả mẹ tôi, trước bà cụ giận là thế, mà bây giờ cũng phải nói: "Như con Fedoxia nhà ta đã biến đổi thành một đứa nào khác hẳn, hoàn toàn khác". Một hôm, chúng tôi đánh hai xe đi lượm lúa: hai vợ chồng tôi cùng ngồi với nhau trên xe đi đầu. Tôi hỏi: "Fedoxia, làm sao em lại có thể nghĩ tới chuyện ấy được?" - "Làm sao em lại có thể nghĩ tới à? Lúc đó em không muốn ăn ở với anh. Em nghĩ thà chết còn hơn, sống như vậy không chịu được". – "Thế bây giờ?" - "Bây giờ ư? Bây giờ thì mình ở trong trái tim em rồi".
Taratx ngừng lại, mỉm một nụ cười sung sướng và lắc đầu ngạc nhiên:
- Gặt hái vừa xong, tôi đánh một xe gai đi ngâm, lúc trở về thì - anh ta lặng đi, không nói, - có trát đòi cô ta ra toà. Còn chúng tôi thì cả đến cái duyên do vì đâu mà vợ tôi phải ra toà, cũng đã quên rồi.
- Cái đó là do ma quỷ nó xui nên thế thôi! - Người làm vườn nói. - Có thể nào một con người lại tự mình tính đến chuyện sát hại một con người khác không? Ở quê tôi cũng có một người… - và người làm vườn sắp sửa kể chuyện thì tầu đi chậm lại. - Như đến ga rồi thì phải? Phải đi uống cái gì đi chứ, anh ta nói.
Thế là câu chuyện kết thúc và Nekhliudov đi theo sau người làm vườn, bước xuống những tấm ván ướt át trên sân ga.
 

Truyện PHỤC SINH Lời mở đầu Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 Chương 118 Chương 119 Chương 120 Chương 121 Chương 122 Chương 123 Chương 124 Chương 125 Chương 126 Chương 127 Chương 128 Chương 129 (chương kết)