Dịch giả : Vũ Đình Phòng, Phùng Uông
Chương 2

Lai lịch nữ phạm nhân Maxlova là một câu chuyện rất bình thường.
Nàng là con hoang của một người đàn bà đi ở, sống với mẹ làm nghề chăn bò tại một ấp nọ; chủ ấp là hai chị em gái, con một gia đình quý tộc. Chị ở gái không lấy chồng ấy mà năm nào cũng đẻ? Và theo lệ thường ở thôn quê người ta làm lễ rửa tội cho đứa bé mới sinh, nhưng rồi đứa con không mong mà có ấy, cái của nợ cản trở công việc làm ăn ấy, không được mẹ nó nuôi nấng nên chỉ ít lâu là chết đói.
Đã đến năm đứa bé chết như vậy rồi. Đứa nào cũng được làm lễ rửa tội nhưng chẳng đứa nào được chăm nuôi nên đều chết cả. Đứa thứ sáu, kết quả của sự dan díu với một anh chàng di-gan (1) qua đường, là một đứa con gái; đáng lẽ nó cũng chịu chung số phận như các anh chị nó trước nhưng may lại gặp lúc một trong hai bà chủ trại tạt qua chuồng bò để mắng người làm về tội để kem có mùi hôi: lúc đó, người sản phụ đang nằm với đứa bé kháu khỉnh trong chuồng bò. Quở trách về chuyện kem xong, bà chủ mắng luôn cả việc để cho người đẻ trong chuồng bò. Bà định quay ra thì chợt trông thấy đứa bé, bà động lòng trắc ẩn và nhận đỡ đầu cho nó. Bà làm lễ rửa tội cho con bé và rồi, vì thương đứa con đỡ đầu, bà cho mẹ nó sữa và tiền. Thế là con bé sống được. Vì vậy, hai bà gọi nó là "con Vớt".
Năm con bé lên ba thì mẹ nó ốm chết. Bà nó phải chăn bò không làm sao trông nom cháu được, hai bà chủ mang nó về nuôi. Con bé có cặp mắt đen láy, người nhanh nhẩu, xinh xắn lạ thường. Hai bà có nó cũng vui. Bà em, bà Sophia Ivanovna, tính tình nhân hậu, đỡ đầu con bé.
Còn bà chị là Maria Ivanovna, tính nết nghiêm khắc. Bà em may mặc cho con bé, dạy nó đọc sách và định nuôi nó làm con nuôi. Trái lại, bà chị bảo phải dạy nó sau nầy thành đứa hầu phòng thạo việc cho nên đối với cô bé bà ta hay tỏ ra khắc khe, thường mắng chửi và khi bực mình còn đánh đập nữa. Dưới hai ảnh hưởng trái ngược như vậy cô bé lớn lên, nửa hầu phòng, nửa con nuôi. Người ta gọi cô bằng một cái tên lơ lửng không phải Katca, cũng không phải Katienka mà là Katiusa(2). Thường ngày, Katiusa khâu vá, quét dọn trong nhà, lau chùi ảnh Thánh, rang, xay, pha cà phê, giặt giũ vặt vãnh; thỉnh thoảng, cô được ngồi hầu hai bà và đọc sách cho hai bà nghe.
Đã có nhiều người dạm hỏi, nhưng Katiusa đều từ chối. Quen sống với chủ một cuộc đời êm ấm nhàn hạ, nàng cảm thấy chung sống với những người lao động đến hỏi mình, cuộc đời nàng hẳn sẽ vất vả nhọc nhằn.
Năm nàng mười sáu tuổi, hai bà chủ có một người cháu trai, một công tước giàu có và lúc đó đang còn là sinh viên đến chơi. Katiusa cảm thấy yêu cậu ta nhưng không dám ngỏ lời mà cũng chẳng dám tự thú ngay cả với lòng mình. Hai năm sau, trên đường ra mặt trận, người thanh niên ấy lại ghé thăm hai cô và ở nán lại đấy bốn ngày; đêm trước hôm ra đi, anh chàng đã quyến rũ được Katiusa, và hôm sau, lúc sắp lên đường, dúi lại cho nàng tờ giấy bạc một trăm rúp. Năm tháng sau, nàng biết chắc mình đã có mang.
Từ đó, nàng chán ghét tất cả và chỉ nghĩ một điều làm sao thoát khỏi sự ô nhục đang đón chờ mình: Nàng không thiết gì công việc hầu hạ hai bà, có làm cũng chỉ làm miễn cưỡng, qua loa; chẳng những thế, một hôm - chính nàng cũng không hiểu vì sao - nàng còn cáu giận, nói hỗn với hai bà - về điều nầy, sau đó nàng cũng thấy hối hận - và xin thôi việc.
Hai bà giận quá nên cũng không giữ. Katiusa đến làm hầu phòng cho một viên cẩm, nhưng cũng chỉ được ba tháng; vì người chủ mới nầy, một ông già năm mươi tuổi cứ xoắn xít lấy nàng. Một hôm, lão quá sấn sổ, khiến Katiusa nổi xung, mắng lão là thằng điên, là "con quỉ già" và xô vào ngực lão mạnh quá khiến lão ngã một cái nên thân. Nàng lập tức bị đuổi việc vì tội vô lễ. Lúc nầy còn kiếm việc làm gì nữa, nàng đã sắp đến ngày sinh nở.
Katiusa đến trọ ở nhà một bà goá biết đỡ đẻ và làm nghề bán rượu ở trong làng. Việc sinh nở cũng nhẹ nhàng; nhưng bà chủ nhà vừa mới đi đỡ cho một người bệnh ở trong làng về, nên đã truyền cho nàng chứng sốt sản hậu. Người ta bèn đem gửi đứa bé mới lọt lòng vào nhà dục anh, và theo lời bà lão mang nó đi gửi thuật lại, thì vừa đến nơi thằng bé đã tắt thở.
Tất cả vốn liếng của Katiusa khi đến trọ ở nhà bà đỡ có một trăm hai mươi bảy rúp, hai mươi bảy rúp, tiền công đi ở và một trăm rúp, tiền kẻ quyến rũ cho. Rời khỏi nhà bà đỡ, nàng chỉ còn vẻn vẹn sáu rúp. Nàng không biết tằn tiện, vừa tiêu cho mình vừa hễ có ai xin cũng cho. Bà đỡ lấy bốn mươi rúp tiền trọ: cả tiền ăn và tiền trà; nàng trả hai mươi nhăm rúp tiền gửi con đi. Bà goá lại mượn cớ tậu bò, vay tạm bốn mươi rúp, còn hai mươi rúp thì tiêu tan vào việc mua sắm quần áo, mua quà bánh, thành ra khi khỏi bệnh thì nàng hết tiền. Nàng phải đi tìm việc, xin vào làm cho một viên kiểm lâm.
Hắn tuy đã có vợ, nhưng cũng như lão cẩm, ngay hôm đầu đã xoắn lấy Katiusa. Nàng rất ghê tởm hắn và cố sức lẩn tránh. Nhưng hắn lại xảo quyệt, nhiều mánh khóe, nhất là dựa vào thế là chủ nhà, sai đi đâu nàng phải đi đấy, hắn đã rình được cơ hội cưỡng dâm nàng.
Mụ vợ biết và một hôm, tóm được chồng đang một mình với Katiusa trong buồng, mụ xông vào đánh nàng. Katiusa cũng không chịu lép, thế là xảy ra ẩu đả; kết quả nàng bị họ tống ra khỏi nhà và quịt cả tiền công.
Katiusa bèn ra tỉnh, đến ở nhờ nhà một bà dì. Chồng bà nầy có nghề đóng sách, trước làm ăn cũng khấm khá, nhưng nay đã mất sạch khách hàng, đâm ra bê tha, chè rượu, hễ vớ được đồng nào uống hết đồng ấy.
Bà dì mở một hiệu giặt nhỏ để sinh sống, nuôi con và dìu lấy đức ông chồng thảm hại. Bà bảo Maxlova làm thợ giặt cho bà. Nhưng thấy cảnh làm ăn vất vả của những người thợ giặt ở đấy Maxlova khất lại và vẫn cứ tìm đến các sở tìm việc để kiếm chân đi ở. Cuối cùng nàng tìm được việc, làm cho một bà lớn có hai cậu con trai học trung học. Nàng mới làm được một tuần thì cậu lớn, học lớp sáu, mép lún phún hàng ria, bỏ cả học hành, cứ xoắn lấy nàng mà tán tỉnh, không để cho nàng yên.
Bà mẹ đổ tội cho Maxlova và đuổi nàng. Chưa kiếm được việc khác, một hôm, đến sở tìm việc, Maxlova gặp một "bà", đôi cánh tay để trần, núc ních, đeo đầy vàng nhẫn.
Biết được tình cảnh Maxlova đang cần tìm chỗ làm, bà ta đưa cho nàng biết địa chỉ của mình và mời nàng lại chơi. Maxlova đến. Bà ta niềm nở lấy bánh ngon, rượu ngọt ra thết nàng, đồng thời sai chị hầu phòng mang một lá thiếp đi đâu không rõ. Đến tối, có một người cao lớn, râu bạc, tóc hoa râm để dài, bước vào phòng. Ông già ngồi ngay xuống cạnh Katiusa rồi cặp mắt long lanh, miệng cười tủm tỉm, lão ngắm nghía nàng, và nói bông lơn. Được một lát, bà chủ gọi ông già sang buồng bên cạnh và nàng nghe rõ lời mụ nói: "Còn nguyên xi đấy! Gái quê đấy!". Sau đó, mụ gọi Maxlova sang và bảo đấy là một ngài văn sĩ rất lắm tiền, hễ nàng cho ngài được vừa lòng thì bao nhiêu ngài cũng không tiếc. Nàng đã làm cho ông già văn sĩ vừa lòng, ông ta đã cho nàng hai mươi nhăm rúp và hứa sẽ còn lại với nàng luôn. Số tiền hai mươi nhăm rúp bay đi rất nhanh trả tiền trọ nợ bà dì và sắm một bộ quần áo mới, một chiếc mũ và ít băng nơ trang điểm. Vài hôm sau, ông già văn sĩ lại cho gọi nàng đến; lần nầy ông ta cho nàng hai mươi nhăm rúp và bảo dọn đến ở một căn nhà ông ta thuê riêng cho nàng.
Ở đây Maxlova lại yêu một thầy ký hiệu buôn vui tính, nhà ở chung sân. Nàng thú thật chuyện đó với ông già văn sĩ và dọn sang một gian phòng nhỏ hơn. Thầy ký đã hứa lấy nàng làm vợ, bỗng tếch đi Nizni không nói gì với nàng: thật đã quá rõ, hắn bỏ rơi nàng. Thế là Maxlova lại bơ vơ một thân. Nàng định ở lại một mình gian phòng đang ở; nhưng nhà chức trách không cho phép. Muốn sống như vậy, nàng phải chịu đi khám lục sì và lãnh "thẻ vàng"(1). Nàng đành trở về nhà bà dì. Thấy nàng ăn mặc hợp thời trang lại có cả mũ và áo khoác ngoài, bà dì tiếp đãi rất trọng vọng, không dám đả động đến chuyện bảo nàng làm nghề thợ giặt nữa. Bà cho rằng cô cháu đã leo tới bậc thượng lưu trong xã hội. Còn riêng đối với nàng, chuyện có làm thợ giặt hay không, nàng đã dứt khoát. Giờ đây, nhìn vào cuộc sống đầy đoạ của những người thợ giặt ở nhà dưới, nhìn da mặt xanh xao, cánh tay gầy guộc của họ có người đã bị lao phổi, - nàng thấy ái ngại. Họ quanh năm làm quần quật, giặt giặt là là trong cái hơi nóng ba mươi độ, sặc mùi xà phòng, bên khung cửa sổ bỏ ngỏ, mùa hè cũng như mùa đông. Chỉ mới nghĩ đến là mình có thể phải làm công việc lao khổ nầy, nàng cũng đã rùng mình ghê sợ. Chính giữa lúc ấy, lúc đời nàng đang lâm vào bước nguy khốn, không tìm đâu được một "quý nhân phù trợ", thì nàng gặp một mụ "mối", chuyên nghề lùng gái cho các nhà chơi.
Maxlova nghiện thuốc lá đã lâu, hơn nữa, về cuối thời kỳ dan díu với gã ký hiệu buôn và sau khi bị hắn bỏ rơi nàng lại hay uống rượu, lâu dần thành thói quen.
Nàng thích uống rượu không phải chỉ vì thấy ngon mà trước hết là vì rượu giúp nàng quên được mọi nỗi đắng cay cơ cực nàng đã nếm trải; chỉ có rượu mới khiến nàng thấy mình phóng khoáng và tin tưởng ở phẩm giá con người mình. Không rượu, nàng chỉ thấy chán chường và tủi hổ. Mụ "mối" làm một bữa khoản đãi bà dì và cố chuốc rượu cho nàng thật say rồi mới ngỏ lời khuyên nàng vào hành nghề ở một kỹ viện sang trọng nhất thành phố. Mụ giảng giải cho nàng thấy mọi cái lợi, cái hay của cuộc đời đó Maxlova phải chọn một trong hai con đường: hoặc cam chịu thân phận tôi đòi hèn hạ, khó thoát khỏi những trò săn đuổi của bọn đàn ông và đôi khi vẫn làm chuyện dâm ô vụng trộm; hoặc sống cuộc đời bảo đảm, yên ổn, hợp pháp, âm dật công khai, thường xuyên, vừa kiếm được lắm tiền, vừa được pháp luật cho phép. Nàng chọn con đường thứ hai. Nàng còn nghĩ rằng làm như vậy là nàng trả thù được cả kẻ đã quyến rũ nàng lẫn gã ký hiệu buôn, cùng tất cả những kẻ đã làm nàng đau khổ. Hơn nữa, có một nhân tố đẩy nàng đi đến quyết định dứt khoát là, như lời mụ "mối" nói, nàng có thể tha hồ may mặc bất kỳ thứ áo gì: nhung, phay, là, lụa, cả áo nhảy, tay trần, hở ngực, hở vai. Và khi Maxlova hình dung thấy mình đang mặc chiếc áo lụa mầu hoàng yến rực rỡ, điểm giải nhung đen, phô ngực, khoe vai, thì nàng không thể nào kiên gan được nữa; nàng trao ngay giấy tờ cho mụ "mối". Tức thì chiều hôm đó, mụ gọi xe ngựa chở nàng đến ngôi nhà tăm tiếng lừng lẫy của bà trùm Kitaeva.
Và từ đó Maxlova bước vào một cuộc sống liên miên tội lỗi ngược với đạo lý của loài người, trái với lời răn của Chúa, một cuộc sống được chính phủ - một chính phủ hằng chăm lo hạnh phúc cho quốc dân - chẳng những cho phép mà còn bảo trợ, cuộc sống đoạ đày của hàng ngàn vạn phụ nữ, kết quả là cứ mười người thì chín bị ác bệnh dày vò, cằn non chết yểu.
Ban ngày, ngủ một giấc mê mệt sau những cuộc truy hoan cuồng loạn thâu đêm. Ba bốn giờ chiều thức dậy, mệt rã rời, rời đống chăn đệm hoen ố, nốc một thôi nước khoáng (3), dùng cà-phê, rồi uể oải lê bước qua các phòng, trong bộ áo ngủ, áo choàng hay áo chẽn, thẫn thờ nhìn qua cửa sổ sau bức rèm the, cãi cọ với nhau vài câu vu vơ, rồi đi rửa mặt, trát phấn, bôi kem, xức nước hoa vào người, vào tóc ướm đôi bộ cánh, cãi vã với chủ về chuyện xiêm áo ngắm nghía, uốn éo trước gương, tô điểm lại mặt mày dùng vài thức ăn ngọt béo; rồi vận bộ áo lụa dài bóng loáng, hở hang cả thân hình đủng đỉnh ra phòng khách choáng lộn, đèn nến sáng trưng rồi có khách đến: âm nhạc, khiêu vũ, kẹo rượu, thuốc lá. Rồi làm trò dâm dục với trẻ, với già, từ trẻ mới choai đến già khọm đế, người không vợ, người có vợ, dân buôn, dân thầy, cả Armenia, Do Thái, Tarta, sang có, hèn có, khỏe có, ốm có, người say, người tỉnh, người thô lỗ cục cằn, người hoà nhã, lính có, dân có, công chức, sinh viên, học sinh, thôi thì đủ hạng người, đủ lứa tuổi, đủ loại tính nết trên đời. Và rồi lại rượu, thuốc lá và âm nhạc, trận cười cứ thế thâu đêm.
Và chỉ đến sáng mới được giải thoát để ngủ một giấc mê mệt. Cứ thế, ngày nầy qua ngày khác, suốt tuần. Và hết tuần lại phải đến sở Nhà nước, sở cảnh sát, trình diện để khám lại. Bọn công chức, thầy thuốc ở đấy, khi thì lên mặt đạo mạo, nghiêm khắc, khi thì đùa nghịch trắng trợn, bất chấp cả sự e thẹn - tính e thẹn mà thiên nhiên phú cho con người và loài vật nhằm ngăn chặn tội lỗi - khám xong lại phát "thẻ", cho phép họ trở về tiếp tục những tội lỗi họ đã cùng đồng loã phạm suốt tuần qua. Rồi sang tuần khác lại thế. Cuộc đời họ, ngày nào cũng vậy, mùa hạ cũng như mùa đông, ngày thường cũng như ngày lễ.
Maxlova sống như vậy bảy năm ròng. Suốt bảy năm đó có một lần vào nhà thương và hai lần đổi chỗ ở. Đến năm thứ bảy kể từ ngày vào nhà chứa, và nếu kể từ ngày sa ngã lần đầu là năm thứ tám, năm nàng đúng hai mươi sáu tuổi thì xảy ra việc khiến nàng bị bắt giam; sau sáu tháng bị giam lẫn với bọn trộm cắp giết người, giờ đây nàng bị giải ra toà xét xử.
 
Chú thích:
(1) Tên một dân tộc sống lang thang, lúc đầu ở Ấn Độ, về sau đi tản mát khắp châu Âu
(2) Ba cách gọi chệch đi của tên Katerina trong tiếng Nga; cách thứ nhất (Katca) tỏ thái độ suồng sả, khinh rẻ, cách thứ hai (Katienka) tỏ thái độ yêu quý, cách thứ ba (Katiusa) tỏ thái độ nửa vời, vừa coi thường, hơi khinh rẻ, vừa có chút thương hại, có khi lẫn yêu mến
(3) Giấy phép mãi dâm dưới chế độ Nga hoàng. Những đoạn trong ngoặc […] là những đoạn đã bị Nga hoàng kiểm duyệt cắt bỏ.
 

Truyện PHỤC SINH Lời mở đầu Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 Chương 118 Chương 119 Chương 120 Chương 121 Chương 122 Chương 123 Chương 124 Chương 125 Chương 126 Chương 127 Chương 128 Chương 129 (chương kết)