Dịch giả : Vũ Đình Phòng, Phùng Uông
Chương 41

Nekhliudov đi ra khỏi nhà từ sớm. Trên đường phố vẫn còn có một người nhà quê đang vừa đi vừa rao giọng nghe lạ tai.
"Sữa đây! Sữa đây! Ai mua sữa ra mua!"
Chiều hôm qua, trời đổ một trận mưa ấm áp đầu tiên của mùa xuân. Khắp nơi, chỗ nào đường không lát là cỏ mọc lên xanh rờn. Những cây phong trong vườn phủ một lớp tơ xanh; anh đào, bạch dương đã nở tung những chùm lá dài thơm ngát. Ở các nhà và các cửa hàng, người ta đang lau chùi những khung cửa kính. Ở chợ giời, nơi xe Nekhliudov chạy ngang qua, một đám đông dày đặc, chen chúc nhau bê những chiếc lều dựng thành hàng: có những người ăn mặc rách rưới, giầy ống cắp nách, quần và áo gi-lê vắt vai, đang đi đi lại lại.
Trước cửa những tiệm rượu đã đông nghịt thợ thuyền được nghỉ, không phải đến xưởng làm; đàn ông áo quần sạch sẽ và giầy ống bóng loáng; đàn bà chít khăn lụa màu sặc sỡ, mặc áo choàng có đính những hạt thuỷ tinh.
Cảnh binh súng lục đeo bằng những sợi dây màu vàng: đứng im ở góc phố chờ những chuyện vi cảnh xảy ra để giải trí cho đỡ buồn. Trong những lối đi ở các đại lộ trên bồn cỏ xanh còn ướt trẻ con chơi đùa chạy nhẩy với những con chó, còn các chị vú nuôi ngồi túm năm tụm ba trên các ghế dài, chuyện trò vui vẻ.
Trên các đường phố, - phía bên trái râm mát còn ấm ướt giữa mặt đường đã khô ráo, - xe cộ không ngớt qua lại rộn rịp: xe bò nặng nề kêu rít ầm ĩ, xe ngựa lọc sọc: tàu điện leng keng. Trong không trung vang dội những tiếng chuông trầm bổng kêu gọi mọi người tới dự buổi lễ giống như buổi lễ đang cử hành trong nhà lao. Dân chúng ăn mặc đẹp đẽ, người nào đi về phía khu nhà thờ người ấy.
Người đánh xe chỉ đưa Nekhliudov tới chỗ rẽ vào nhà tù chứ không vào tận nơi.
Một số người, có cả đàn ông đàn bà, phần lớn mang theo gói bọc, đang đứng ở chỗ ngoặt đó, cách nhà tù khoảng một trăm bước. Bên phải là những ngôi nhà gỗ lụp sụp bên tlái là một toà nhà hai tầng có biển treo.
Còn chính ngôi nhà tù đồ sộ xây dựng bằng đá thì đứng sừng sững ở phía trước. Những người đến thăm chưa được tới gần. Tên lính gác vác súng đi đi lại lại, quát mắng những ai định đi vòng qua mặt.
Trước cổng dãy nhà gỗ, bên phải, một viên cai ngục mặc đồng phục có đính lon, tay cầm cuốn sổ, ngồi trên ghế dài đối diện với người lính gác. Người tới thăm phải đến nói tên người mình muốn gặp cho hắn ghi.
Nekhliudov cũng đến nói tên Ekaterina Maxlova. Viên cai ghi vào sổ.
- Tại sao vẫn chưa cho vào? - Nekhliudov hỏi.
- Còn đang buổi lễ. Lễ xong, sẽ cho vào.
Nekhliudov quay ra chỗ đám người đứng chờ. Một người quần áo rách rưới mũ nhầu nát giầy thủng, chân không bí tất, mặt chằng chịt những vết sẹo đỏ hỏn, tách khỏi đám đông đi về phía nhà tù.
- Thằng kia? Đi đâu? - Tên lính gác cầm súng quát.
- Làm gì mà rống lên thế? - Anh chàng rách rưới thản nhiên trả lời và quay trở lại. - Không cho vào thì tao đợi? Chứ sao lại quát? Như ông tướng ấy!
Đám đông cười biểu đồng tình.
Người đến thăm phần lớn ăn mặc xềnh xoàng, có người còn rách rưới, nhưng cũng có mấy người đàn ông, đàn bà trông bề ngoài có vẻ sang trọng. Đứng cạnh Nekhliudov là một người hồng hào, ăn bận tươm tất, mày râu nhẵn nhụi, xách một bọc, chắc hẳn là bọc quần áo. Nekhliudov hỏi anh ta có phải hôm nay mới đến đây lần đầu không. Anh mang bọc trả lời là chủ nhật nào cũng tới đây, rồi hai người nói chuyện với nhau. Anh ta là người gác cổng nhà ngân hàng, đến đây thăm người anh bị tù về một tội giả mạo. Con người chất phác ấy kể hết chuyện cho Nekhliudov nghe. Khi anh ta định hỏi chuyện lại thì cả hai người chợt chú ý đến một chiếc xe độc mã bánh cao su, đóng một con ngựa ô ta đẹp, đang đi tới; trên xe có một sinh viên cùng với một tiểu thư đeo mạng. Anh sinh viên tay ôm một bọc lớn, lại gần Nekhliudov và hỏi xem có thể và phải làm gì để phân phát cho tù nhân số bánh "kalasơ" anh ta mang đến.
- Đây là ý muốn của người yêu của tôi. Cô ấy đây. Cha mẹ cô ấy khuyên chúng tôi mang đến cho tù nhân chỗ bánh nầy.
- Tôi cũng mới tới đây lần đầu nên không rõ. Ông có thể hỏi người kia xem, - Nekhliudov vừa nói vừa chỉ viên cai ngục đeo lon vẫn ngồi với cuốn ổ tay ở phía bên phải.
Giữa lúc Nekhliudov nói chuyện với anh sinh viên thì hai cánh cổng sắt to nhà tù, có khoét một lỗ hổng ở giữa mở ra. Một sĩ quan mặc quân phục đi ra cùng với một cai ngục khác. Tên cai cầm sổ tuyên bố bắt đầu cho người vào thăm. Tên lính gác đứng né sang một bên và tất cả mọi người xô vào phía cổng, dường như sợ trễ, người nào cũng bước thật nhanh, có người lon ton chạy.
Một tên cai ngục đứng bên cổng lần lượt đếm to những người bước qua: "Mười sáu, mười bảy" v.v… Một tên khác đứng bên trong vỗ vào từng người đếm lại trước khi để họ đi vào trong nữa, như vậy để khi khách ra sẽ kiểm tra lại, khỏi bỏ sót người nào chưa ra và khỏi để lọt một người tù nào ra ngoài. Tên nầy không để ý xem người đi qua mặt mình là ai, hắn vỗ vào lưng Nekhliudov. Khi bàn tay nắn đụng vào chàng, Nekhliudov thấy mình bị xúc phạm; nhưng chàng lại sực nhớ mình tới đây để làm gì và chàng lấy làm ngượng về cái cảm giác bực tức cho là mình bị xúc phạm đó.
Ngay sau cửa là một gian phòng rộng: trần xây cuốn có những cửa sổ nhỏ chăng lưới sắt. Trong gian phòng gọi là phòng công cộng nầy, Nekhliudov hoàn toàn không ngờ đâu lại thấy trong một cái hốc khoét vào tường có một cây thánh giá to mang hình Chúa đóng đanh câu rút "Cái ấy để làm gì nhỉ?" - chàng suy nghĩ; trong tư tưởng, chàng đã vô tình gắn hình ảnh Chúa Cứu thế với những người tự do chứ không phải với những người tù tội.
Nekhliudov bước chậm rãi để nhường cho những người đang vội vượt lên trước. Chàng có nhiều cảm giác lẫn lộn, vừa thấy ghê tởm đối với những kẻ gian ác bị giam ở đây, vừa thấy thương hại những người vô tội như cậu thanh niên hôm qua và kẻ cùng bị giam lẫn với họ, lại thấy ngại ngần và bồi hồi cảm động về cuộc gặp mặt sắp tới ở lối ra cuối gian phòng thứ nhất nầy, đứng bên cửa ra vào có một tên cai ngục đang nói gì đó, nhưng Nekhliudov mải suy nghĩ không chú ý đến lời hắn nói, cứ tiếp tục đi theo sau đám đông vào thăm nghĩa là đi về phía khu tù đàn ông chứ không phải về phía khu đàn bà mà chàng cần tới.
Nhường cho những người vội đi lên trước, chàng là người cuối cùng vào gian phòng dành cho việc thăm hỏi.
Điều đầu tiên làm chàng sửng sốt khi mở cửa bước vào là tiếng inh ỏi của hàng trăm thứ giọng hoà lẫn thành một thứ tiếng ồn ào, ầm ĩ. Chỉ tới khi đến gần đám người đang bám chặt lấy tấm lưới sắt ngăn gian phòng ra làm đôi y như đàn ruồi bâu trên miếng đường, Nekhliudov mới hiểu tại sao lại thế. Gian phòng có mấy cửa sổ trên bức tường phía sau; phòng được ngăn ra làm hai phần không phải bằng một tấm mà bằng hai tấm lưới sắt căng suốt từ trên trần xuống đến mặt đất. Bọn cai ngục đi đi lại lại trong khoảng giữa hai tấm lưới sắt. Một bên là tù nhân, một bên kia là khách vào thăm giữa họ là hai tấm lưới cách nhau ba arsin, thành thử không nói đến việc trao đổi cho nhau cái gì, mà chỉ nhìn mặt nhau cho rõ cũng không thể được, nhất là với những người cận thị.
Nói chuyện khó lắm, phải hết sức gào to lên thì bên kia lưới mới nghe rõ. cả hai bên, mọi người đều phải áp sát mặt vào lưới vợ, chồng, cha, mẹ, con cái, họ cố nhìn mặt nhau và cố nói sao cho người thân của mình ở bên kia nghe thấy nên tiếng họ át lẫn nhau, ai cũng cố hét cho tiếng mình át được tiếng người khác. Chính vì thế mà hoá ra ầm ĩ, inh ỏi làm cho Nekhliudov sửng sốt khi mới bước vào. Không làm sao mà nghe ra được những điều họ nói. Chỉ có thể nhìn mặt họ mà đoán xem họ nói gì và quan hệ giữa họ với nhau là thế nào. Gần Nekhliudov là một bà cụ già đội khăn vuông, áp mình vào lưới, cằm run run đang gào gì đó với một thanh niên xanh xao, nửa đầu cạo trọc. Người tù nầy, nhíu mày, nhăn trán, chăm chú nghe. Bên cạnh bà cụ, một thanh niên mặt áo chẽn, tay để lên tai lắng nghe một người tù trông rất giống anh ta nét mặt nom đau khổ, râu đã điểm bạc; người thanh niên vừa nghe vừa lắc đầu. Cách đấy một chút là một người đàn ông rách rưới, đang vung đôi tay, miệng hò hét và cười to. Bên cạnh là một chị phụ nữ ngồi xệp xuống sàn, đầu đội một chiếc khăn len đẹp, tay ẵm một đứa con nhỏ. Chị khóc nức nở, chắc hẳn là lần đầu tiên chị được gặp người đàn ông tóc bạc, mặc áo tu, đầu cạo trọc chân đeo xiềng, đứng bên kia lưới. Đứng ngay sau người đàn bà ấy là người gác cổng nhà ngân hàng ban nãy đã nói chuyện với Nekhliudov. Anh ta đang gân cổ gào một câu gì đó với một người tù trán hói, mắt sáng long lanh đứng ở phía bên kia.
Khi Nekhliudov thấy rằng mình cũng sẽ phải nói chuyện trong những điều kiện như thế thì chàng nổi lòng công phẫn đối với những kẻ đã có thể bày ra và cho ban hành một chế độ như vậy. Chàng lấy làm lạ rằng một tình trạng ghê rợn, chà đạp lên tình cảm con người như thế mà không thấy một ai tỏ ra phẫn uất cả. Từ lính tráng, giám mục đến cả những người thân thuộc tới thăm và cả các tù nhân đều như thừa nhận cái cách nói chuyện với nhau như thế là đương nhiên, là cần thiết.
Nekhliudov nán lại trong phòng nầy năm phút, lòng trĩu nặng một nỗi buồn kỳ lạ, thấy mình bất lực và không thể hoà hợp được với cái xã hội xung quanh, chàng thấy một cảm giác buồn nôn giống như khi bị say sóng.
 

Truyện PHỤC SINH Lời mở đầu Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 Chương 118 Chương 119 Chương 120 Chương 121 Chương 122 Chương 123 Chương 124 Chương 125 Chương 126 Chương 127 Chương 128 Chương 129 (chương kết)