Dịch giả: Tĩnh Hà - Kiều Oanh
Chương 13
Sức mạnh của chân lý

Vào ngày 21-11-1967, tướng Westmoreland trong một bài phát biểu quan trọng tại Câu lạc bộ báo chí quốc gia cho rằng chúng ta đang bước vào giai đoạn thực hiện những nỗ lực cuối cùng cho cuộc chiến. Tiêu đề của bài báo đăng trên tờ Bưu điện Washington là "Westmoreland - chiến tranh đang tới hồi kết thúc"(85). Mặc dù đó là một quan điểm sai lệch nhưng tôi cho rằng ông ta tin vào điều đó. Dĩ nhiên ông ta biết rằng đó chính là thông điệp mà Johnson thực sự muốn ông ta đưa ra. Đó cũng là một thông điệp lọt tai đối với nhiều người. Thật không may cho Westmoreland, chỉ hai tháng sau tính chân thực của thông điệp đó đã bị phủ định không phải bởi giới báo chí đầy nghi hoặc mà là bởi chính những hành động của phe Việt Cộng khi họ tiến hành một cuộc tổng tiến công vào ngày 29-1-1968, ngày đầu tiên của dịp lễ Tết cổ truyền - một ngày lễ lớn của Việt Nam.
Quy mô và sự phối hợp của cuộc Tổng tiến công vào dịp Tết, gần như là tổng hợp của các cuộc tấn công xảy ra đồng thời tại hầu hết các tỉnh ở miền Nam Việt Nam cũng như ở ngay tại Sài Gòn, sẽ mãi khiến mọi người kinh ngạc. Nhưng tác động ghê gớm của cuộc Tổng tiến công Mậu Thân lên nhận thức của công chúng và thái độ của Quốc hội chỉ có thể hiểu được nếu tính đến sáu tháng dư luận căng thẳng trước đó, mà thời điểm cao trào chỉ cách đó một vài tuần.
Ngay sau khi tôi được gọi đến Washington để giúp lập một nhóm làm việc cao cấp nhằm đánh giá một cách toàn diện các lựa chọn chiến lược của phe Việt Cộng cho Clark Clifford, người sẽ thay thế McNamara làm Bộ trưởng Quốc phòng kể từ ngày 1 tháng ba (McNamara được Tổng thống Johnson "đề bạt" chức chủ tịch Ngân hàng thế giới, một kết quả hiển nhiên của bức thư bí mật McNamara gửi Johnson vào ngày 1-10-1967, khuyến cáo Tổng thống chấm dứt ném bom và tiến hành các cuộc thương lượng với Mặt trận dân tộc giải phóng và Hà Nội). Được gọi đến Washington tư cách là một chuyên gia tư vấn của Công ty Rand, một lần nữa tôi được tiếp cận với các biên bản và thông tin cấp cao lưu hành nội bộ Lầu Năm Góc.
Hiểu biết của tôi về các khuyến nghị chính sách của Hội đồng Tham mưu liên quân từ năm 1964, nhưng đặc biệt kể từ năm trước, đã khiến tôi tin rằng Wheeler và Westmoreland hẳn phải đẩy mạnh việc leo thang chiến tranh lên quy mô lớn. Mối lo ngại của tôi trở nên hiện hữu vào ngày 27-2-68 khi tôi thấy một bản báo cáo tối mật do tướng Wheeler, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân trình lên Tổng thống. Tướng Wheeler đề cập đến việc Westmoreland yêu cầu bổ sung thêm 206.000 quân, gần như giống hệt một yêu cầu mà Westmoreland đã từng nêu lên vào tháng tư năm trước. Báo cáo của Wheeler vẽ lên một bức tranh đen tối về cuộc chiến và xem biện pháp bổ sung quân như một hành động cần thiết nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của Nam Việt Nam. Với đề nghị này của Wheeler và Westmoreland, dường như chúng ta đang đứng cận kề một vòng xoáy leo thang mới của chiến tranh, một vòng xoáy nguy hiểm nhất.
Mặc dù người ta lý giải yêu cầu của Westmoreland như hành động cứu vãn tình hình, tôi tin rằng việc tăng quân số, một quá trình đòi hỏi lệnh động viên quân dự bị, sẽ dẫn tới kết cục là chiến tranh sẽ lan rộng. Việc huy động quân dự bị và mức độ thương vong nghiêm trọng kéo dài của quân đội Mỹ sẽ khiến nhân dân và Quốc hội chia sẻ hơn nhu cầu chiến thắng bằng cách mở rộng quy mô chiến tranh của Hội đồng Tham mưu liên quân. Tôi nghi ngờ rằng lý do thực sự mà Westmoreland và Hội đồng Tham mưu muốn bổ sung quân sổ không phải để tránh thất bại mà là tiến hành việc mở rộng quy mô các chiến dịch, điều mà Westmoreland từ lâu đã cổ xuý, để bao gồm cả Campuchia, Lào và ít nhất là phía nam của Bắc Việt Nam. Ngay sau bài phát biểu tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia vào tháng mười một năm 1967, Westmoreland đã có những lời tuyên bố với báo giới về đường tiếp viện qua Campuchia, những bằng chứng ủng hộ việc mở rộng chiến tranh. Hơn nữa, sau khi đối thủ bị suy yếu bởi cuộc Tổng tiến công Mậu Thân, cảc nguồn tin tại Lầu Năm Góc cho tôi biết rằng Westmoreland tin và hối thúc đây là cơ hội để tiến quân một cách quyết đoán vào Bắc Việt Nam. Tôi nghĩ sẽ có những thất bại đang chờ đợi phía trước trên con đường này.
Tôi không tin rằng quy mô của cuộc xâm lược Bắc Việt Nam sẽ chỉ giới hạn tại phía nam của nó. Thất bại trong việc chấm dứt chiến tranh sẽ dẫn tới sức ép về mặt quân sự nhằm tạo ra một cuộc đổ bộ kiểu Incheon vào khu vực gần Hải Phòng để chiếm Hà Nội và tiến hành chiến tranh trên toàn miền Bắc, nơi xuất phát "nguồn gốc của vấn đề". Nhưng lặp lại kiểu xâm chiếm của người Pháp không chỉ làm trầm trọng hơn vấn đề của chúng ta mà thậm chí còn làm tình hình tồi tệ hơn thế. Thông qua các cuộc thảo luận của tôi với các sĩ quan dưới quyền Westmoreland tại Việt Nam, tôi đã đi đến kết luận rằng ông ta còn mù mờ về sự khác nhau trong nền chính trị của miền Bắc và Nam Việt Nam.
Tại Nam Việt Nam, chúng ta không chiến đấu chống lại toàn bộ dân số. Ngay cả nếu chúng ta chống lại thì cũng chỉ với khoảng năm trăm nghìn lính Mỹ. Tại Bắc Việt Nam, chúng ta sẽ phải chiến đấu với từng người, đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Trong tình huống đó, gần như chắc chắn rằng chúng ta phải đối mặt với sự khó khăn quân sự lớn gấp nhiều lần trước đây, khó khăn tới mức đẩy chúng ta vào thế phải bảo vệ binh lính, mà kết cục sẽ là việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Điều này gần như khó tránh khỏi nếu việc mở rộng chiến tranh tới biên giới với Trung Quốc, kéo lực lượng quân đội của Trung Quốc vào Bắc Việt Nam - một tình huống mà tôi muốn tránh bằng mọi giá. Tuy vậy, như nhận định của tôi, đó chính là hướng diễn biến của tình hình.
Trên thực tế, thách thức sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ có thể xuất hiện sớm hơn thời điểm trên rất nhiều, ngay tại Nam Việt Nam. Ngày 10-2-68, tờ Bưu điện Washington trích lời phát biểu của tướng Wheeler trước một vài thượng nghị sỹ rằng Hội đồng Tham mưu sẽ khuyến nghị sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật nếu thấy việc này là cần thiết để bảo vệ năm nghìn lính thuỷ đánh bộ đang bị mắc kẹt tại cứ điểm Khe Sanh, mặc dù ông ta không cho rằng lực lượng tại đây sẽ yêu cầu giúp đỡ Thượng nghị sỹ Fulbright, Uỷ ban đối ngoại Thượng viện, cùng với hai Thượng nghị sỹ Clark và Aiken, đã lên án khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân - điều mà Thủ tướng Anh, Harold Wilson nhân chuyến thăm Washington đúng dịp diễn ra cuộc tranh luận này đã gọi là "hoàn toàn điên rồ" - sau khi Ngoại trưởng Rusk không thể loại bỏ khả năng này trong lúc trả lời chất vấn tại Thượng viện.
Tổng thống Johnson tuyên bố tại một buổi họp báo ngày 16-2-68 rằng theo hiểu biết của ông, Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng và Hội đồng Tham mưu "chưa hề đề cập đến" việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Tôi biết điều này đã không phản ánh đúng sự thật. Mort Halperin làm việc cho Lầu Năm Góc từng nói với tôi rằng tại các buổi ăn trưa làm việc thứ ba hàng tuần, Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng thống và tướng Wheeler thường thảo luận về chủ đề này. Tổng thống đã yêu cầu Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân phải đảm bảo tuyệt đối việc bảo vệ thành công Khe Sanh mà không cần viện tới vũ khí hạt nhân. Sau khi tham vấn tướng Westmoreland, tướng Wheeler đã không thể đưa ra sự bảo đảm đó dưới điều kiện thời tiết xấu, việc cứu viện hàng không thường gặp nhiều khó khăn.
Sau này Westmoreland viết trong hồi ký năm 1976 của ông ta rằng ông ta nhìn thấy nhiều mặt tích cực hơn của việc sử dụng vũ khí hạt nhân vào thời điểm đó tại khu vực xung quanh Khe Sanh, nơi "con số thương vong dân thường sẽ ở mức thấp nhất có thể"(86).
Nếu các quan chức của Washington tiếp tục muốn "gửi một thông điệp" tới Hà Nội thì dĩ nhiên việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật loại nhỏ sẽ là một cách thức để thực hiện điều đó(87)… việc sử dụng một số vũ khí hạt nhân chiến thuật loại nhỏ tại Việt Nam - hay thậm chí việc đe doạ sử dụng chúng - có thể nhanh chóng chấm dứt chiến tranh tại đây… Mặc dù tôi đã lập một nhóm nhỏ bí mật để nghiên cứu vấn đề này, Washington lo ngại việc này có thể đến tai giới truyền thông đến mức họ yêu cầu tôi phải ngừng ngay lại. Lúc đó và thậm chí cho đến bây giờ tôi cảm thấy việc bỏ qua khả năng này là một sai lầm.
Thực ra một tin đồn rò rỉ tới Uỷ ban đối ngoại Thượng viện ngày 5-2-68 về sự tồn tại của một nhóm nghiên cứu như vậy đã châm ngòi cho cuộc tranh luận trong suốt tháng hai và tháng ba tại Quốc hội và trong giới truyền thông về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân. Tôi không biết một cách đích xác mối quan tâm của tướng Westmoreland vào thời điểm đó; trong tình hình đó đơn giản tôi chỉ phỏng đoán mà không thể chứng minh được vấn đề Bản báo cáo của tướng Wheeler sau khi từ Việt Nam trở về vào ngày 27-2-68 cũng còn xa mới có thể minh chứng cho nhận định của tôi. Rõ ràng, khả năng quân đội Bắc Việt mở cuộc tấn công lớn vào Khe Sanh và khả năng ứng phó quyết đoán đối với tình huống đó đã chi phối tư duy của tướng Westmoreland.
Sau khi đọc bản báo cáo của Wheeler, tôi liên lạc với Frank Mankiewicz, phụ trách báo chí cho Robert Kennedy, người đã giúp tôi dàn xếp cuộc gặp hồi tháng mười trước đó giữa Robert và tôi.
Khi tôi nói với Frank rằng tôi có thông tin quan trọng dành cho Thượng nghị sỹ, ông đã thu xếp cho tôi gặp Robert tại tư gia ở McLean, tiểu bang Virginia. Vào ngày 28-2-68, tôi đưa cho Robert bản báo cáo của Wheeler và ngay lập tức ông đã đọc nó trước sự hiện diện của tôi.
Đó là lần đầu tiên tôi có thể nhớ đã đưa một văn bản mật cho một người bên ngoài ngành hành pháp, đó là chưa kể đến tài liệu tối mật chỉ dành riêng cho Tổng thống. Mặc dù vậy, trong tình huống này, tôi chỉ nghĩ đến Robert Kennedy như một trường hợp cá biệt. Tôi không nghĩ tôi sẽ tiết lộ tài liệu này cho bất kỳ một thượng nghị sỹ nào khác vào thời điểm đó. Về cơ bản tôi xem Robert Kennedy như một nhân vật của ngành hành pháp.
Với tư cách là em trai của Tổng thống John F. Kennedy, xét trên một vài phương diện, Robert chính là một trợ lý của Tổng thống. Tất nhiên ông đã có thể tiếp cận những thông tin hành pháp tương tự.
Ngay sau ngày 28-2-68, Thượng nghị sỹ Fulbright và một vài thượng nghĩ sĩ khác đã liên tục phát biểu với báo giới xung quanh những tin đồn về yêu cầu bổ sung quân với số lượng lớn của Westmoreland. Không ai đề cập đến con số cụ thể. Các thượng nghĩ sĩ cho biết bất kỳ yêu cầu nào như vậy hay một thay đổi lớn trong chính sách không thể xảy ra mà không có sự tham vấn và sự cho phép của Quốc hội. Trong ba năm rưỡi lại nay Tổng thống đã tiến hành chiến tranh trên cơ sở Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ. Trên thực tế Thượng nghị sỹ Fulbright đã cảnh báo Tổng thống không được nghĩ đến việc mở rộng chiến tranh mà không có ý kiến của Quốc hội.
Bất chấp động thái này, như Hồ sơ Lầu Năm Góc tiết lộ và như hiểu biết của tôi vào lúc đó, tất cả những tín hiệu của Lầu Năm Góc đều cho biết nhiều khả năng Tổng thống sẽ chấp thuận đề nghị của Wheeler. Người ta hy vọng rằng Bộ trưởng Quốc phòng Clifford, cuối cùng, dưới sức ép từ Westmoreland, Wheeler và có lẽ là cả Tổng thống, sẽ khuyến nghị việc chấp thuận yêu cầu bổ sung thêm quân, kể cả việc huy động lực lượng tân binh.
Nhưng sau đó vào ngày chủ nhật, mồng 10-3-68, tờ Thời báo New York đã đăng tải một bài báo nêu chính xác yêu cầu tuyển thêm 206.000 quân. Một ai đó, không phải tôi, tôi phải nói một cách đáng tiếc như vậy, đã để rò rỉ con số trên, cùng với phần lớn nội dung bản báo cáo của Wheeler và cuộc tranh luận đang diễn ra trong thâm cung Lầu Năm Góc vào lúc đó. Bài báo của Neil Sheehan và Hedrick Smith là một quả bom tấn. Sau vài ngày bày tỏ sự lo ngại về những tin đồn đại bổ sung quân kiểu như vậy, Fulbright nói thẳng rằng theo quan điểm của ông Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ không hề có một giá trị gì hết. Lần đầu tiên ông đã bày tỏ niềm tin của mình rằng Quốc hội đã thông qua nghị quyết đó một cách ép buộc do những thông tin lừa dối và rằng ông cảm thấy việc bảo trợ cho nghị quyết đó là hành động hối tiếc nhất của ông kể từ khi ông tham gia vào hệ thống công quyền.
Không khí phản đối đã không ngăn được quyết định tăng quân của Tổng thống. Tuy nhiên, rõ ràng sau vụ rò rỉ thông tin ngày 10-3-68, Johnson không thể cho phép việc triển khai quân như vậy một cách công khai mà không gây nên sự chống đối quyết liệt. Trước đó, điều này chưa gây nên vấn đề gì cho ông ta bởi vì chưa bao giờ ông ta công khai tuyên bố kế hoạch leo thang chiến tranh. Chắc hẳn ông ta đã nhận định rằng trong trường hợp này, cũng giống như các trường hợp trước đây, ông ta có thể thành công trong việc leo thang chiến tranh từng bước một, một cách bí mật và người ta không thể biết mức độ của sự leo thang có thể đến đâu. Việc rò rỉ thông tin về yêu cầu bổ sung lượng quân 206.000 là dấu hiệu đầu tiên cho thấy ông ta không thể "ém" vấn đề này một lần nữa.
Thoạt tiên tôi rất ngạc nhiên vì cú sốc mà vụ rò rỉ thông tin đã gây ra cho các nghị sỹ và phản ứng của họ đã làm tôi bối rối.
Yêu cầu bổ sung quân số này gần giống như yêu cầu mà Westmoreland đã đưa ra vào tháng 5-1967 và với mức độ cũng gần tương tự như thế. Vậy điều gì đã khiến người ta giật mình đến như vậy? Ngay lập tức một ý nghĩ lướt qua đầu tôi rằng trên thực tế công chúng chưa bao giờ nghe nói đến một yêu cầu "người thực việc thực" như thế bao giờ cả. Tất cả những yêu cầu trước đây đều được giữ kín. Về mặt công khai, người ta luôn phủ nhận sự tồn tại của những yêu cầu như vậy và Tổng thống thường phải nói dối để che đậy. Tướng Westmoreland một cách không công khai đã khẳng định những lời nói dối đó. Ông ta chưa bao giờ tiết lộ rằng yêu cầu quân số của ông ta là lớn hơn mức mà Tổng thống công bố. Khi Johnson tuyên bố vào tháng Năm rằng Westmoreland chỉ yêu cầu mức dưới 40.000 quân, ông ta yên tâm rằng dư luận nói chung sẽ không phát hiện điều gì khuất tắt với vị tổng tư lệnh của họ.
Trong bối cảnh sự kiện Tết Mậu Thân, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân hiển nhiên sẽ gây sức ép buộc Tổng thống tuyên bố tăng cường cam kết, một hành động tăng quân số mà chắc chắn sẽ đòi hỏi cả việc động viên lực lượng quân dự bị. Tuy nhiên nhìn chung Quốc hội cho rằng đó chỉ là một cơ hội chính trị vì ai cũng có thể giúp Johnson để đưa ra một tuyên bố như vậy Tuy nhiên, ông ta đã có một giải pháp thay thế khá tin cậy.
Một lần nữa ông ta có thể che giấu quy mô của yêu cầu tăng quân và mức độ đáp ứng của ông ta. Tất cả những kinh nghiệm trước đây đã mách bảo với tôi rằng đó chính là điều mà tôi nghĩ
Tổng thống sẽ thực hiện. Tôi muốn ngăn cản ông. Tôi lo sợ rằng mỗi khi Tổng thống gửi thêm quân và động viên lực lượng dự bị, công luận và Quốc hội sẽ yêu cầu một cuộc tấn công tổng lực chống lại miền Bắc, cho tới tận và thậm chí vượt sang cả biên giới với Trung Quốc, vừa để "bảo vệ lực lượng" và để biện minh cho hành động tăng quân bằng một chiến thắng. Đó là điều mà Hội đồng Tham mưu trông đợi. Tôi chắc rằng đó là lý do chính Hội đồng muốn tăng cường lực lượng kể từ năm 1965 và tôi nghĩ sự trông đợi đó là hợp lý. Liệu một trong các thành viên của Hội đồng có thực sự muốn chiến tranh với Trung Quốc và sử dụng vũ khí hạt nhân hay không thì cho đến nay tôi vẫn chưa có câu trả lời. Điều này thực sự là một mối nguy.
Tác động đáng ngạc nhiên của vụ tiết lộ thông tin trái phép về yêu cầu tăng cường quân số - vào lúc đó là một trong những bí mật cao nhất của chính quyền - đột nhiên đã làm tôi thức tỉnh về trách nhiệm của tôi với tư cách là một công dân. Cho đến giờ phút đó tôi vẫn chưa bao giờ nghĩ đến chuyện tiết lộ thông tin mật cho Quốc hội và càng ít nghĩ đến khả năng tiết lộ thông tin cho công luận thông qua báo giới. Tôi chỉ mới "nhúng chàm" một chút thôi với việc cung cấp thông tin tối mật về bản báo cáo của Wheeler cho Robert Kennedy, nhưng theo nhận thức của tôi đó không phải là một hành động tiết lộ. Tôi chỉ xem nó như việc cung cấp thông tin cho một người đã từng và có thể sẽ là một quan chức cấp cao trong ngành hành pháp.
Khi tôi tiếp tục theo dõi tác động của vụ rò rỉ thông tin này, tôi chợt thấy bầu trời như quang ra sau những dám mây tan. Tôi nhận ra một điều hệ trọng rằng: khả năng của Tổng thống trong việc cho chiến tranh leo thang, toàn bộ chiến lược của ông ta dành cho cuộc chiến đã phụ thuộc vào việc che giấu, nói dối thông tin và do đó tuỳ thuộc vào khả năng của ông ta trong việc ngăn chặn việc tiết lộ thông tin không được phép - hành động nói lên sự thật - của các quan chức. Điều này không hoàn toàn có nghĩa là ông ta đã không hề triển khai toàn bộ các kế hoạch chiến tranh một cách công khai hay ông ta không có khả năng thực hiện điều đó. Tuy nhiên thực tế là ông ta chưa bao giờ quyết định xem xét khả năng này, và giờ đây sau vụ Tết Mậu Thân người ta bắt đầu nghi ngờ ông ta sẽ cho sự thật một cơ hội.
Trong hoàn cảnh này, ý tưởng về yêu cầu tăng quân số trong nội bộ miền Nam Việt Nam, lựa chọn của tướng Westmoreland trong quá trình giải trình yêu cầu tăng quân, sẽ tỏ ra khó chấp nhận đối với công luận và Quốc hội đến mức Johnson lại phải sử dụng chiêu bài che đậy và nói dối nếu cấp dưới yêu cầu ông ta như vậy. Điều này đồng nghĩa với việc ông ta phải nhờ cậy vào đội ngũ cộng sự dưới quyền, những người có thông tin, giữ tất cả những bí mật và che đậy những lời nói dối của ông ta trước Quốc hội. Kinh nghiệm trong vòng ba năm qua cho phép ông ta sự tự tin để thực hiện chỉ có điều ấy.
Lẽ ra đã có nhiều sự trợ giúp hơn dành cho việc tăng cường quân số nếu ông ta hay Hội đồng Tham mưu liên quân công khai đề xuất ý kiến mà trước đây Westmoreland đã từng chủ trương: một chiến lược chiến tranh hoàn toàn mới cho phép quân đội có thể giành được chiến thắng. Nhưng ngay cả điều đó cũng sẽ dẫn tới những cuộc tranh cãi căng thẳng và cuối cùng sẽ đối mặt với khả năng bị bác bỏ. Hội đồng Tham mưu muốn đạt tới điều này dưới hình thức một quyết định đã rồi của Tổng thống sau khi có sự tăng quân mà một phần thông tin về quy mô thực tế của nó đã được che đậy như thường lệ. Mức độ ngạc nhiên của công luận và Quốc hội khi họ vừa biết đến quy mô của việc tăng quân lần đầu tiên đã khiến tôi tập trung vào tấm màn mỏng thông tin - tuy hầu như không thể xuyên thủng - ngăn cách ngành hành pháp và lập pháp. Tôi đã chứng kiến nhiều năm nay khả năng nói dối dễ dàng của Tổng thống về các chính sách của ông ta với nhận định chắc chắn rằng những lời nói dối đó sẽ không bị bóc trần. Nhận định đó đúng hay không tuỳ thuộc vào mức độ trung thành của hạ cấp đối với cấp trên, đối với nghề nghiệp của họ, đối với hiệu năng lời thề và cam kết giữ bí mật của họ, không kể đó là bí mật gì và tác động của việc giấu thông tin sẽ như thế nào.
Tất nhiên có những tình huống, chẳng hạn như đàm phán ngoại giao, một số nguồn và biện pháp thu thập thông tin tình báo nhất định hay các bí mật khác nhau về tác chiến với thời gian tính nhạy cảm đòi hỏi việc đảm bảo bí mật khắt khe. Nhưng điều mà tôi chợt nhận ra là có những thời điểm việc Tổng thống quá tự tin về khả năng giữ bí mật sẽ rất nguy hiểm. Sự tự tin đó sẽ khuyến khích ông ta bắt đầu tham gia bí mật vào một quá trình mà về sau ông ta không còn có khả năng kiểm soát, một sai lầm chết người mà lẽ ra có thể tránh được bằng những cuộc tranh luận công khai. Tháng 8-1964 là một khoảng thời gian, giống như tháng ba hay tháng bảy năm 1965, đã khiến tôi nhìn nhận vấn đề với con mắt hoàn toàn khác., Tôi chưa bao giờ nêu câu hỏi xung quanh nhận định của nhiều sinh viên về quyền lực của Tổng thống rằng bí mật đóng vai trò sống còn đối với các lựa chọn chính sách của Tổng thống.
Nhưng giờ đây tôi hiểu ra hệ thống thông tin bí mật và nói dối chỉ đem đến cho ông những lựa chọn mà ông sẽ thực hiện tốt hơn trong điều kiện không có hệ thống đó hay ít ra nó cũng gây nên định kiến nguy hiểm cho Tổng thống khi ông ta quyết định một vấn đề gì đó. Sở dĩ nguy hiểm là vì Tổng thống sẽ khó khăn hơn trong việc chống lại sức ép từ giới quân đội. Che giấn thông tin khỏi công luận sẽ chống lại sức ép ngược từ hướng đó. Che giấu thông tin cũng sẽ tạo điều kiện cho Hội đồng Tham mưu đạt được phần nào mục đích trong khi không gây rắc rối cho Tổng thống về mặt chính trị nội bộ. Do đó Tổng thống có thể sẽ cảm thấy sức ép phải thuận theo ít nhất một phần yêu cầu của Hội đồng Tham mưu. Trên thực tế ông ta lo ngại rằng nếu ông ta không đáp ứng yêu cầu của họ, họ sẽ tiết lộ yêu cầu đó cho phái diều hâu trong Quốc hội và gây phiền toái cho bản thân ông ta ở mặt trận trong nước. Đây là điều mà một Tổng thống thường vẫn lo ngại (đặc biệt là Johnson vì một lý do nào đó): bị buộc tội hèn nhát, nhu nhược hay thiếu quyết đoán trong việc thực thi điều mà quân đội cho rằng cần phải thực hiện. Do vậy Tổng thống thường có động cơ mạnh mẽ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Hội đồng Tham mưu, hy vọng rằng ông ta sẽ được "lại quả" nhiều hơn thế khi uý lạo được giới chức quân sự. Đó cũng chính là điều mà tôi chứng kiến Johnson làm vào tháng 7-1965.
Giờ đây tôi đang đối mặt với bóng ma của một tiến trình leo thang rất hiện hữu, rất cận kề dưới chiêu bài kêu gọi tăng quân số của Westmoreland. Tôi rất muốn loại ra khỏi danh sách các lựa chọn của Tổng thống một lựa chọn mà kinh nghiệm và thiên hướng trong quá khứ thường dẫn tới hành động của Tổng thống: tuân thủ một phần hay toàn bộ lời đề nghị, dưới vỏ bọc bí mật và dối trá. Tôi muốn ông ta thức tỉnh trước một thực tế mới, ông ta cần nhận thức rằng ông ta đã đánh mất khả năng giữ bí mật từ công luận Mỹ.
Tôi vẫn chưa biết ai là người tiết lộ con số 206.000. Có thể ai đó đã nhỡ miệng. Có thể đó là từ một chính khách có quan điểm diều hâu, người ủng hộ yêu cầu tăng cường lực lượng, hay từ một ai đó chống lại việc này. Dù trong trường hợp nào đi nữa, người anh hùng này, nhà ái quốc này hay có thể chỉ là một người bất cẩn cũng đã giúp tôi "khai sáng". Trước đây, tôi đã chấp nhận đạo đức nghề nghiệp theo cảm quan, nghĩ rằng tiết lộ thông tin luôn luôn là điều xấu, là sự phản bội, hay nhẹ nhất cũng là một điều không mấy lành mạnh. Tôi đã sai. Rõ ràng việc tiết lộ thông tin cũng có thể là một cử chỉ ái quốc, một hành vi mang tính xây dựng.
Tuy nhiên, mục đích tôi nghĩ vào lúc đó không chỉ là thông báo cho Quốc hội biết điều đã xảy ra. Suy nghĩ của tôi là bóc trần và đảo ngược quy trình nói dối của Tổng thống về chính sách chiến tranh. Mục tiêu cuối cùng của việc rò rỉ thông tin, theo như tôi hình dung, không phải là Quốc hội, mà là chính bản thân Tổng thống hoặc đội ngũ cố vấn, những người có thể đưa ra một kết luận hợp lý và trình lên để Tổng thống biết. Thông tin thích hợp dành cho Tổng thống nhất định là phải có một ai đó cao cấp trong chính quyền có khả năng tiếp cận tới thông tin mật sẵn sàng cho Quốc hội biết về những vấn đề hệ trọng. Đó có thể là một người trong Bộ Quốc phòng hay một cơ quan khác, một người vượt qua lằn ranh của giới tuyến và từ bỏ thái độ khư khư cố thủ về nghề nghiệp.
Suy nghĩ trong đầu của tôi vào lúc đó khá đơn giản: vào một ngày nào đó tiết lộ thông tin về một bí mật đặc biệt, một bí mật cho thấy mức độ tiếp cận thông tin ở cấp cao. Như vậy, nội dung thông tin tiết lộ sẽ kém quan trọng hơn so với bản thân hành động đó. Ý nghĩa đích thực của việc tiết lộ sẽ rõ rành rành đối với Tổng thống: bất kỳ khi nào ông ta đưa ra quyết định cung cấp hầu hết hay toàn bộ số quân mà Westmoreland yêu cầu, ngay lập tức toàn công luận sẽ biết đến việc này.
Giữa tháng ba, lần đầu tiên tôi tới toà soạn để trao các báo cáo và điện mật cho một nhà báo. Tôi chọn Neil Shechan, phóng viên đưa tin về Lầu Năm Góc cho tờ Thời báo New York.
Tôi trao cho anh ta những tài liệu mật và tối mật mà nhóm công tác giải quyết yêu cầu của Westmoreland đã có trong tay. Tôi biết điều này sẽ thu hẹp phạm vi tìm kiếm nguồn cung cấp thông tin rò rỉ và quá trình điều tra sẽ dễ dàng lần đến tôi. Nhưng tôi muốn Nhà Trắng suy luận được rằng cho dù ai là người cung cấp những thông tin này thì gần như chắc chắn người đó biết được quyết định của Tổng thống về yêu cầu tăng quân số.
Kết quả đầu tiên cho kế hoạch của tôi là một bài báo đăng trên tờ Thời báo New York do Shechan viết số ngày 19 tháng ba, số ở Washington thì đề ngày trước đó. Tiêu đề của bài báo là: "Nước Mỹ chưa đánh giá đúng mức sức mạnh của kẻ thù trước tổng tiến công. CIA cho biết lực lượng kẻ thù lớn hơn nhiều so với ước lượng của thông tin tình báo, con số chênh lệch là từ 50.000 đến 100.000".
Điều này gợi lại cuộc chiến giữa CIA và MACV sáu tháng trước đó về vấn đề MACV bị loại ra khỏi quy trình lên kế hoạch chiến tranh, trong đó có việc đánh giá sức mạnh của kẻ thù trên các phương diện tổ chức bộ máy chính trị và lực lượng không chính quy. Sau cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân một cuộc tấn công chủ yếu xảy ra tại các thành phố bởi chính những lực lượng mà Westmoreland đã loại ra khỏi danh mục thống kê sức mạnh của kẻ thù, CIA đã từ bỏ sự thoả hiệp hành chính với MACV. CIA đã cộng thêm khoảng vài trăm nghìn quân trong đánh giá tổng lực của đối thủ. Chính báo cáo của CIA đã gây nên sự mâu thuẫn ngay chính từ bên trong hệ thống với tuyên bố nguỵ tạo do Westmoreland đưa ra tại Câu lạc bộ báo chí quốc gia rằng sức mạnh của quân thù đã di xuống từ năm 1967.
Bài báo của Sheehan là vô cùng chi tiết và có thể làm một độc giả bình thường bị rối. Nhưng câu kết thì hết sức mạch lạc: Westmoreland hoặc đã chủ ý hướng dẫn sai dư luận hoặc đã xảo quyệt một cách nguy hiểm với các tuyên bố công khai của ông ta trước cuộc tổng tiến công. Tôi muốn chuyển tới những độc giả trong Nhà Trắng một thông điệp rằng các phóng viên của tờ Thời báo viết bài báo đó đã lấy nguồn trực tiếp từ những tài liệu dành cho cấp cao trong nội bộ chính quyền.
Thông điệp đó đã tới đích. Vào ngày bài báo được đăng tải, Bộ trưởng Quốc phòng Clifford nhận một công văn tối mật từ Richard Steadman, phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng (phần in nghiêng do tác giả tự thêm vào):
Con số về sức mạnh của kẻ thù đăng trên tờ Thời báo New York vào sáng nay hoàn toàn trùng khớp với con số trên hai cột cuối cùng của bảng biểu kèm theo với ký hiệu Tối mật, Nofom (không để người ngoại quốc xem). Con số của CIA được trích từ một biên bản ngày 1 tháng ba chuẩn bị một phần cho công tác đánh giá tình hình tại Việt Nam. Tài liệu này (kèm theo) được ký hiệu Mật. Cột cuối cùng được thêm vào để chứng minh tính chính xác của số liệu mà Sheehan trích từ tài liệu của cơ quan Đánh giá tình báo quốc gia (NIE). Tài liệu này mang ký hiệu Tối mật. Đâu đó trong chính phủ chắc chắn phải có một sự vi phạm quy chế an ninh với mức độ đặc biệt nghiêm trọng, và tôi tin rằng cần phải điều tra, truy tố vụ này nếu thấy thích hợp.
Ngày tiếp theo, 20-3-68, một bài báo nữa được đăng, dựa trên cùng những thông tin mà tôi đã trao cho Sheehan với hàng đề tác giả là Charles Mohr và hàng đề nơi viết là Sài Gòn.
Bài báo này có tác dụng khắc sâu thêm ấn tượng về tình trạng rò rỉ thông tin ở khắp mọi nơi. Bài báo này đề cập đến những con số mới và đánh giá mới.
Sau đó, vào ngày thứ năm, 21-3, Shechan tiếp tục công bố một bài báo khác, còn số ở Washington thì đề ngày là 20-3. Bài báo bắt đầu như sau:
Trong một báo cáo cuối năm trình 29 ngày trước cuộc Tổng tiến công của phe Cộng sản vào các thành phố và thị xã lớn ở miền Nam, tướng William C. Westmoreland dự đoán rằng những thắng lợi của quân đội đồng minh của năm trước sẽ nhân lên nhiều lần vào năm 1968. Tư lệnh quân đội tại miền Nam Việt Nam đã gửi báo cáo này về Washington vào ngày 1 tháng giêng.
Tờ Thời báo New York đã có được những đoạn trích của báo cáo này từ một tài liệu mật. Những đoạn trích này cho thấy quân đội Mỹ không chỉ không dự báo được cuộc tổng tiến công mà còn không hình dung được khả năng thất bại với quy mô đến như vậy do các cuộc tấn công của kẻ thù gây nên vào ngày Tết, ngày lễ năm mới âm lịch.
Nội dung chính của báo cáo Westmoreland mà Sheehan đã trích trực tiếp (từ bản viết tay mà tôi đã đưa cho anh ta) gồm việc "huỷ diệt và trung lập hoá" các căn cứ địch tại Nam Việt Nam nhất định sẽ "buộc chúng phải trông cậy nhiều hơn vào các thánh địa tại Campuchia, Lào và Bắc phần khu vực phi quân sự DMZ". Nhưng bài báo tiếp tục như sau: "Tuy nhiên kể từ thời điểm đó, các chuyên gia tình báo Mỹ đã kết luận rằng các cuộc tấn công xuất phát từ các căn cứ ngay tại Nam Việt Nam vào các thành phố và thị xã lớn đang ngày càng tăng lên". Shechan viết tiếp dự báo của Westmoreland "rõ ràng đã phản ánh niềm tin mà ông ta đã bày tỏ trong chuyện trở về Mỹ vào tháng mười một rằng sức ép quân đội đồng minh đã khiến kẻ thù phải bỏ chạy khỏi các khu vực tập trung dân cư lớn và hoá giải khả năng của kẻ thù trong việc tổ chức các cuộc tấn công lớn xuất phát từ căn cứ ngay tại Nam Việt Nam. Ông ta khẳng định rằng kẻ thù chỉ có thể tổ chức các cuộc tấn công ở khu vực biên giới từ những căn cứ dọc theo biên giới Campuchia, Lào và Bắc Việt Nam".
Lời khẳng định trên của Westmoreland đối với Tổng thống (và trước đó với Câu lạc bộ báo chí) mang hàm ý vượt lên cả thành công của ông ta tại Nam Việt Nam. Ông ta đang làm nổi bật hơn tầm quan trọng của việc bổ sung quân nhằm tạo điều kiện cho các lực lượng vượt qua những.biên giới đó để tiến vào đất Campuchia, Lào và Bắc Việt Nam. Bức thông điệp chính mà ông ta muốn đưa ra là chúng ta đã đuổi đánh quân địch ra tận biên giới và chúng ta cần truy đuổi chúng ngay cả bên ngoài biên giới. Đó chính xác là những gì mà Westmoreland đã bí mật khuyến nghị vào thời điểm đó. Tất nhiên vào lúc này, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy đối thủ đã tổ chức các chiến dịch như vậy nhằm lôi kéo các lực lượng của Westmoreland ra khỏi các khu vực đông dân cư sinh sống để họ có thể tiếp cận mục tiêu dễ dàng hơn.
Những đoạn trích từ bản báo cáo cuối năm có tính chất bảo đảm của Westmoreland đối với Tổng thống đã được đăng trên tờ Thời báo số buổi sáng ngày 21-3. Tối hôm đó tướng Wheeler được Nhà Trắng thông báo bất ngờ rằng Westmoreland sẽ rời khỏi Việt Nam để đảm nhiệm vị trí Tham mưu trưởng lục quân. Johnson đưa ra tuyên bố về việc này vào ngày hôm sau, ngày 22-3. Ngày 23-3, Wheeler bay đến gặp Westmoreland và nói với ông ta rằng sẽ không có lệnh động viên và không có thay đổi trong chiến lược mở rộng chiến tranh.
Ngày 25-3, Tổng thống Johnson phát biểu tại một cuộc gặp mặt tại Nhà Trắng của các cựu quan chức, những "nhà thông thái": Tình hình tài chính của chúng ta đang trở nên tồi tệ (88)… Ba tuần qua đã chứng kiến một tâm lý hoảng loạn mà nguyên nhân là bản báo cáo của Ted Kennedy về nạn tham nhũng và tình trạng chẳng tốt đẹp gì của Quân đội Việt Nam cộng hoà cũng như chính phủ của nó và giờ đây là yêu cầu 206.000 quân và một lệnh tổng động viên lên tới 400.000 của Westmoreland. Chi phí cho lệnh tổng động viên này là 15 tỷ đô la, làm thiệt hại tới giá trị của đồng đô la và vàng. Vụ rò rỉ thông tin với tờ Thời báo New York đã làm thương tổn chúng ta. Đất nước đang nao núng. Tôi sẽ phải chịu tỷ lệ ý kiến không tán thành áp đảo trong các cuộc thăm dò dư luận và bỏ phiếu. Tôi sẽ trôi theo dòng nước rút. Tôi sẽ bị cuốn phăng đi mà không có đồng minh hay quân đội hỗ trợ… Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu họ phế bỏ Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ. Thượng nghị sỹ Russell muốn chúng ta tham chiến và giành lấy Hải Phòng. Thượng nghị sỹ Eugene McCarthy và Kennedy và cánh tả đều có đặc tình trong các bộ. Tờ Thời báo và tờ Bưu điện đang chống lại chúng ta. Hầu hết báo chí đều chống lại chúng ta. Chúng ta sẽ hoàn thành công việc này như thế nào? Trong năm bầu cử chúng ta cần nhiều tiền hơn, nhiều thuế hơn, nhiều quân số hơn, đồng thời phải giảm chi tiêu. Bởi vậy, tôi vẫn không thể nói với cử tri điều họ mong đợi. Chúng ta không giành được sự ủng hộ cho cuộc chiến. Tất cả những điều này là đều do lời đề nghị 206.000 quân, vụ rò rỉ thông tin, Teddy Kennedy và Bobby Kennedy gây ra. Lẽ ra tôi đã phải trao cho Westmoreland 206.000 quân nếu ông ta nói ông ta cần họ và nếu chúng ta có thể có được số quân đó.
Thứ ba, ngày 2-4-1968, tôi ăn trưa ở Princeton cùng với các đại biểu tham dự Hội thảo "Nước Mỹ trong một thế giới cách mạng". Điều kỳ lạ là cuộc hội thảo này do trường Woodrow Wilson, Đại học Princeton và Uỷ ban Hành lễ Những người bạn Mỹ (AFSC) tài trợ. Hầu hết những người ngồi cùng bàn với tôi đều nhận tài trợ từ AFSC, chỉ cần nhìn vào bề ngoài của họ và những câu chuyện họ kể thì biết. Họ là những nhà hoạt động đầu tiên mà tôi từng gặp kể từ phong trào chống vũ khí hạt nhân trong những năm 50 và phong trào quyền dân sự và phản đối chiến tranh trong những năm 60. Nhiều người trong số họ đã bị bỏ tù nhiều lần vì những hành động gây rối hay chống quân dịch đi Triều Tiên hay Chiến tranh thế giới II.
Cuộc sống của họ và của tôi có một điểm song song và giao thoa chẳng giống ai. Giống như tôi, họ căm ghét vũ khí hạt nhân.
Nhưng một vài người vào giữa những năm 50 đã đi tới tận vùng biển cấm Bikini trên con thuyền "Nguyên tắc vàng" để phản đối việc thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Một vài năm sau tôi tham gia vào các kế hoạch chiến tranh hạt nhân, hy vọng sẽ cầm cự được một cuộc tấn công hạt nhân bất ngờ của Liên Xô trong giai đoạn mà người ta cho là có khoảng cách về tiềm lực tên lửa.
Giờ đây tất cả chúng tôi đều chống chiến tranh Việt Nam.
Ai mà không chống chiến tranh cơ chứ, vào thời điểm tháng 4 năm 1968? Bod Eaton và những người khác cùng ngồi tại bàn này, noi gương tàu "Nguyên tắc vàng" đã đi trên một con tàu tương tự mang tên Phượng Hoàng tới cảng Hải Phòng ở miền Bắc Việt Nam chở đầy thuốc men. Từ đó họ đã đi xuống phía Nam Việt Nam, để rồi con tàu bị xua đuổi, đúng vào lúc tôi đang làm việc tại Đại sứ quán ở Sài Gòn. Thật tuyệt vời khi giờ đây tôi lại thấy mình ngồi cùng một bàn với họ.
Về nội dung của cuộc hội thảo, có thể kết luận rằng họ đồng cảm với nhiều sự nghiệp cách mạng. Mối quan tâm của tôi đối với cuộc hội thảo bắt đầu từ công việc trước đây và hiện nay của tôi về việc chặn đứng hay đánh bại các cuộc cách mạng do phe Cộng sản lãnh đạo. Trên thực tế tôi là một người chống cách mạng chuyên nghiệp.
Tôi đã học việc về kỹ năng này tại Lầu Năm Góc trong khoảng thời gian 1964-1965. Sau đó trong vòng hai năm ở Việt Nam tôi tập trung vào "bình định hoá", một công việc lẽ ra cần được định nghĩa bởi các quan chức Mỹ, mặc dù trên thực tế chẳng có định nghĩa nào, như là hành động chống cách mạng ở vùng nông thôn. Chỉ một tháng trước cuộc hội thảo ở Princeton, cuộc Tổng tiến công Mậu Thân cho thấy tất cả những gì mà đồng nghiệp của tôi và tôi làm đều thất bại. Điều này không làm tôi ngạc nhiên. Đề tài nghiên cứu của tôi tại Rand vào thời điểm này là "Bài học về các lực lượng nổi loạn và nổi dậy" và cũng chẳng giấu gì khi tôi tìm hiểu vấn đề này hoàn toàn dựa trên những bài học rút ra từ sự thất bại trên. Tôi cũng không hy vọng áp dụng những bài học này nhằm đem lại hiệu quả lớn hơn mà không phải ngăn chặn việc leo thang và đưa chúng ta ra khỏi cuộc xung đột đó. Kể từ lúc tôi quay lại Mỹ vào mùa hè năm 1967, cuộc kháng chiến giành độc lập của người Việt Nam là một cuộc cách mạng mà tôi không hề muốn đất nước tôi phải cố gắng đương đầu nữa. Cuộc Tổng tiến công đã khẳng định một chân lý đơn giản nhưng ngoạn mục về hầu hết những gì mà tôi đã báo cáo lên cho chính phủ kể từ khi tôi trở về. Cuộc chiến là một sự bế tắc không hồi kết, vô vọng và đẫm máu.
Dường như cuối cùng Tổng thống cũng thấu hiểu bức thông điệp này. Chỉ hai đêm trước đó vào ngày chủ nhật, 31-3-1968, trong lúc đang chuẩn bị hành lý để đi dự Hội thảo tại Princeton, tôi theo dõi Johnson phát biểu trên truyền hình trước toàn thể dân chúng rằng ông ta đang cho ngừng lại việc ném bom miền Bắc và kêu gọi đàm phán. Ông ta cũng thông báo rằng ông ta sẽ không tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ hai. Giờ đây tại Princeton, Tom Hayden, nhà sáng lập tổ chức Sinh viên vì một xã hội dân chủ và một trong những phát ngôn viên chính của tổ chức này, thông báo: "Chúng ta vừa lật đổ một Tổng thống hay ít ra cũng đã tiến rất gần tới ngưỡng đó vì hệ thống chúng ta cho phép điều này. Chúng ta đã kết thúc một cuộc chiến".
"Chúng ta", Hayden hẳn đã không có tên tôi trong đầu. Tuy vậy cũng giống như bất kỳ ai khác tôi muốn tin rằng cuộc chiến đã qua đi (nó vẫn chưa và sẽ chưa; Hayden đã sai về nhận định đó. Về khía cạnh này thì Lyndon Johnson cũng chưa thấu hiểu bức thông điệp). Với việc tiết lộ thông tin tài liệu tối mật một vài tuần trước cuộc gặp gỡ với những nhà hoạt động hoà bình phong phú về nguồn gốc này, tôi ý thức mình có nguy cơ bị bắt hay bỏ tù hoặc khả năng lớn nhất mà tôi nghĩ là bị tước quyền tiếp cận thông tin và kết thúc sự nghiệp của mình với một cách hoàn toàn khác với hành động gây mất trật tự của những người bạn đang ở trước mặt tôi. Chắc chắn tôi không tư duy việc mình làm trên những khía cạnh đó. Tôi không chắc rằng thậm chí tôi đã nghe thấy những điều đó hay chưa. Nhưng vì những điều mà tôi sắp sửa được nghe, nhìn lại, tôi nhận thấy mình đã có một thái độ sẵn sàng khác thường.
Một người phụ nữ trẻ đang ngồi gần như đối diện bên kia bàn. Đến từ Ấn Độ, cô ấy khoác một bộ san (áo quấn của phụ nữ Ấn Độ), nước da màu sẫm, gần như đen. Trên trán của cô ấy có một chấm đỏ. Cô ấy đang nói chuyện bằng một giọng du dương với một vài người bạn ngồi bên cạnh tôi. Tôi không muốn nhìn chằm chằm vào cô ấy và cũng không cố gắng nghe câu chuyện của cô ấy. Sau đó, trong một khoảng im lặng giữa chúng tôi, khi cô ấy đáp lại bình luận của ai đó về khái niệm "kẻ thù", tôi nghe cô ấy nói: "Tôi đến từ một nền văn hoá không dung nạp ý niệm "kẻ thù".
Một tuyên bố lạ tai. Khó hiểu. Không có khái niệm "kẻ thù"? Thế còn các khái niệm mặt trời, mặt trăng, bạn bè, nước?
Tôi đến từ một nền văn hoá mà khái niệm kẻ thù chiếm vị trí trung tâm, dường như không thể thiếu được, văn hoá của Rand, thuỷ quân lục chiến Mỹ, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, chính trị đối ngoại, chính trị đối nội, lý thuyết trò chơi, lý thuyết mặc cả Nhận diện kẻ thù, hiểu và dự đoán hành vi của họ để chiến đấu và kiểm soát họ tốt hơn, phân tích mối quan hệ của kẻ thù vô hình: Tất cả những điều này trong nhiều năm là bánh mỳ với bơ hàng ngày của tôi, một phần của không khí mà tôi thở. Để cố gắng hoạt động trong một thế giới con người và những quốc gia mà không có khái niệm kẻ thù dường như quá khó khăn, gần như không thể hiểu được, nó giống như thực hiện phép tính của người La Mã mà không cần đến con số không.
Nếu câu nhận xét bị nghe lỏm của cô ấy xuất phát từ một người ít đáng chú hơn, có thể tôi sẽ phải bối rối một lúc và sau đó để vấn đề trôi đi. Nhưng cô ấy… đẹp và lối kể chuyện của cô ấy gần như hát, bởi vậy thay vì đó tôi say sưa nhìn cô ấy và hỏi: "Ý cô là gì?"
Cô ấy đã trả lời tôi một cách ngắn gọn. Điều cô nói đã cuốn hút tôi. Tôi muốn cô ấy nói nhiều hơn. Chúng tôi hẹn nhau vào sáng hôm sau. Sau bữa sáng chúng tôi nói chuyện với nhau, bỏ qua phiên họp, rồi ăn trưa, sau đó tiếp tục hết cả phiên buổi chiều và tới tận đêm.
Tên cô ấy là Janaki, một người phụ nữ xuất thân từ vùng Madras, miền Nam Ấn Độ. Chấm đỏ trên trán cô ấy là "dấu chân của Chúa"; cô ấy là tín đồ Shivaite Brahmin. Bố mẹ cô ấy là những đệ tử trung thành của Mahatma Gandhi và trong nhiều năm cô ấy đã tham gia phong trào sarvodaya, một phong trào hoạt động mang tính xây dựng với mục đích đem đến những chuyển đổi ở nông thôn và do một đệ tử của Gandhi là Vinoba Bhave lãnh đạo, song song với phong trào Bhoodan lấy đất của nhà giàu chia cho nông dân không có đất. Năm 1963, cô ấy đã tham gia cuộc tuần hành xuyên Ấn tới biên giới với Trung Quốc để phản đối vai trò của Ấn Độ trong cuộc chiến tranh Trung-Ấn.
Hành động của những người này, theo Janaki, đã gây sốc cho chính bản thân Vinoba khi mà tinh thần dân tộc chủ nghĩa trong thời chiến đã vượt cao hơn tinh thần hoà bình của ông. Cô ấy không ăn thịt hay khoác lên người bất cứ thứ gì lấy từ những con vật bị giết (Một cách tình cờ, tôi có một chiếc vali bằng da mà tôi rất thích. Cô ấy khen "Nó thật đẹp" đồng thời hỏi "Đó là cái gì vậy?")
Ý mà cô ấy muốn nói trong cuộc tranh luận kéo dài với tôi là: Trước hết, để trả lời câu hỏi của tôi theo lời dạy của đức Gandhi không nên xem ai hay đối xử ai như "kẻ thù", kể cả những người mà anh cho là có quyền quyết định mạng sống của họ, hay căm ghét, hay xem như người xa lạ, những người mà anh cho là không thể học được điều gì hay không hề biết, không hề cảm thông. Một cách đơn giản đây không phải là những thái độ đúng mực của con người đối với con người. Không nên đối xử với ai dù ở giai đoạn "chi sơ" hay mãi mãi về sau như những người tội lỗi, như thể họ không bao giờ có tính thiện trong mình, như thể họ xa lạ và kém phẩm chất con người hơn những con người khác, như thể ta không thể học hỏi được gì từ họ hay như thể ta không thể làm gì để chuyển hoá họ, ngay cả nếu họ có làm gì đó gây hại cho người khác, làm một điều gì đó thật khủng khiếp tội lỗi hay đáng bị lên án. Bởi vì vậy ý niệm kẻ thù là không cần thiết và sẽ dẫn đến những kết quả tai hại.
Janaki nói thêm điều này vẫn đúng cho dù con người vẫn thường làm điều sai trái, ở cả mức độ cực đoan nhất của hành động sai trái khi ta không chỉ cần bị lên án mà còn phải chống lại bằng phương cách phi bạo động hay biện pháp quân sự, với cái giá mà người trong cuộc phải trả, thậm chí cả mạng sống của mình. Đây là suy nghĩ mà người ta dùng để mô tả một số hành động nhất định như "tội lỗi", mặc dù họ không phải là người gây nên hành động đó. Nhưng khi phản đối những hành động sai trái của con người, kể cả những hành động sai trái nhất, tồi tệ nhất, khi muốn cảm hoá trái tim của họ và trên tất cả, để bảo vệ những người khác từ hành vi gây hại của họ, chúng ta không cần, không nên tìm cách huỷ hoại họ hay đe doạ gây thương tổn đến thể xác của họ.
Điều này đã mang đến những thay đổi nào? Đó là thái độ bất hợp tác: rút các nguồn quỹ, thuế, từ chối quân dịch, tẩy chay, tổng đình công. Đó là ngăn cản bằng phương pháp bất bạo động: từ sự ra đời của "Nguyên tắc vàng" trong khu vực thử hạt nhân đến biểu tình ngồi, bãi công tại chỗ ở các quầy ăn trưa. Đó là bày tỏ: nêu lên sự thật, thực hiện niềm tin đích thực của một cá thể về quyền con người, và về những điều sai trái, chấm dứt sự im lặng mà có thể được diễn giải hay dẫn đến sự chấp thuận hay ủng hộ.
Tất cả những phương pháp này vượt xa "quyền khiếu nại" thông thường để trở thành một lực lượng đối đầu và làm mai một quyền lực bằng những hình thức quyền lực khác, dù đó là bất bạo động hay phản đối quyết liệt, điều mà Gandhi gọi là satyagraha (sức mạnh chân lý).
Cô ấy cũng cho rằng hầu như tất cả mọi hành động sai trái, giống như tất cả mọi hình thức quyền lực cưỡng chế, hợp pháp hay không hợp pháp, đều tuỳ thuộc vào sự hợp tác, sự phục tùng, sự ủng hộ, vào sự đồng lòng hay ít nhất là sự bao dung của nhiều con người. Điều đó tuỳ thuộc vào nhiều cộng tác viên hơn là vai trò hiện có của họ; những cộng tác viên này bao gồm kể cả nhiều nạn nhân, cùng với những người đứng ngoài cuộc một cách thụ động mà trên thực tế chính là những tòng phạm. Hiệu ứng quyền lực có thể xoá bỏ một sự hợp tác như vậy. Hành động của những cá nhân có thể dẫn đến thái độ bất hợp tác có tổ chức, giống như câu chuyện của Rosa mà đã dẫn đến cuộc tẩy chay xe buýt ở Montogomery. Việc cô ấy từ chối tuân theo một mệnh lệnh hợp pháp theo hệ thống luật tại Alabama để không nhường ghế cho một hành khách nam người da trắng, việc cô ấy thay vì đó lựa chọn chấp nhận bị bắt, đã thách thức thói quen phục tùng của cộng đồng người da đen tại Montogomery. Nhắc lại lời phân giải của một đồng môn về bài luận của Thoreau liên quan đến chủ đề bạo động dân sự, noi gương hành động của Park, Martin Luther King đã nói, Janaki giúp tôi trích lại: "Một điều gì đó đã bắt đầu nói với tôi: "Người chấp nhận sự tội lỗi bằng sự nhịn nhục thì sẽ dính sâu vào tội lỗi cũng như giúp khắc sâu tội lỗi. Người chấp nhận tội lỗi mà không hề có biểu hiện phản đối thì thực sự đang đồng loã với nó … Kể từ giờ phút này tôi sẽ xem phong trào của chúng ta (tẩy chay xe buýt) như một hành động bất hợp tác ở quy mô lớn"(89).
Khi tôi lắng nghe Janaki, tôi nhận thấy mình đang nghe một học thuyết nhất quán đến mức ngạc nhiên và một tập hợp kinh nghiệm phù hợp hỗ trợ cho học thuyết đó, tất cả đều mới mẻ đối với tôi Nó đã kích thích những câu hỏi về mặt học thuật, rất sáng sủa, một cách hiểu mới về các vấn đề và giải pháp. Lẽ đương nhiên là có nhiều phép tính bạn có thể thực hiện mà không cần đến con số không, ít ra là đối với cá nhân tôi không cần phải có một điểm bắt đầu quen thuộc. Tuy nhiên nếu chúng ta thực hiện điều đó mà không có một khái niệm "kẻ thù" và không có mối đe doạ sử dụng vũ lực thì nó sẽ cũng không tách rời khỏi ý niệm về xung đột hận thù, tranh đấu, chống đối, kháng cự và phát xét đạo lý. Ngược lại, như tôi vỡ lẽ ra sau này, tất cả những ý niệm này chiếm một vị trí then chết trong tư duy và hành động của Gandhi. Nhưng Janaki đưa ra một cách lập luận mới về những điều đó và những ví du liên hệ về chúng. Đó không phải là cách tư duy duy nhất, nó không thay thế cho tất cả những điều khác mà tôi đã được học, nhưng tôi thấy nó đem đến một nhận thức mới, thực sự mới cho tôi. Những điều như vậy không phải lúc nào cũng xảy ra. Dường như học thuyết này đã đem đến một điều gì đó mà tư duy thông thường chưa từng gợi ý, một cơ hội đem đến sự thay đổi thực sự, đi ngược lại học thuyết của bạo lực và thù hận.
Cô ấy diễn thuyết rất nhiều về Martin Luther King và hối thúc tôi đọc cuốn "Bước đến nền tự do", cuốn sách mà cô ấy dùng để trích dẫn giúp tôi câu nói ở trên. Tôi chưa bao giờ nghĩ nhiều về King và chắc chắn là tôi chưa biết khái niệm hành động phi bạo động quân sự của ông. Trước đây tôi chưa hiểu hết sức mạnh chống đối chiến tranh Việt Nam của King kể từ năm 1965. Tôi rất ấn tượng với sự mô tả của cô ấy về lập trường King đưa ra tại Nhà thờ Riverside ở thành phố New York gần một năm trước, vào ngày 4-4-1967. Bất chấp lời nhắn nhủ nhiệt huyết của đồng minh bạn bè, da trắng và da đen, ông đã thực hiện bước đi mạo hiểm dẫn tới nguy cơ đánh mất sự ủng hộ dành cho phong trào quyền dân sự và mất khả năng tiếp cận Nhà Trắng bằng cách tố cáo cuộc chiến một cách không khoan nhượng bởi vì như ông đã nói "Đã đến lúc im lặng nghĩa là phản bội" (Khi tôi đọc toàn văn bài phát biểu sau này tôi nhận ra vào năm 1967 ông đã thâu tóm được ý nghĩa lịch sử của cuộc chiến mà tôi chưa hề biết trong hai năm. Hơn nữa, những đề xuất cụ thể của ông về việc tách bạch vấn đề - chấm dứt ném bom miền Bắc và miền Nam, xác định một mốc thời gian cho việc đơn phương rút quân của Mỹ, chấp nhận Mặt trận dân tộc giải phóng có vai trò trong đàm phán và trong bất kỳ một chính phủ Việt Nam nào trong tương lai - đã vượt quá tầm của bất kỳ đề xuất công khai nào của bất kỳ nhân vật tai to mặt lớn nào trong giai đoạn 1967-1968. Lẽ ra đề xuất của ông có thể và nên là cơ sở cho việc chấm dứt cuộc chiến vào bất kỳ tháng nào trong năm năm sau đó). Janaki khuyên tôi nên gặp ông - cô ấy nghĩ cô ấy có thể thu xếp được việc đó - và tôi quyết định tôi cần phải diện kiến con người này. Câu chuyện của Janaki đã đem đến một niềm hy vọng về những điều có thể diễn ra trên đất nước này (Mỹ) một niềm hy vọng mà tôi cũng đã nhận thấy, chỉ cách đó vài tháng thôi và ở trong một bối cảnh khác, ở Robert Kennedy.
Chúng tôi không quay lại cuộc hội thảo. Chúng tôi ở lại cùng nhau và tiếp tục trao đổi với nhan cho tới tận ngày hôm sau Chiều muộn hôm đó, vào ngày 4-4-1968, chúng tôi theo dõi tin tức buổi tối và biết rằng Martin Luther King đã bị ám sát. Dường như cả Washington đang bốc cháy.
Chú thích:
(85) Chiến tranh đang tới hồi kết thúc: Báo Bưu điện Washington, 22 tháng 11, 1967.
(86) (87) "con số thương vong của dân thường sẽ ở mức thấp nhất có thể"; "Nếu các quan chức Washington" - Westmoreland, trang 338.
Thực chất, cuộc tranh luận trong Quốc hội: Xem thêm một số tài liệu khác như "Chuyến đi thăm châu Á của chuyên gia khơi lên tin đồn về việc sử dụng vũ khí nguyên tử", Thời báo New York, 11 tháng 2, 1968; "Cú gọi nặc danh khơi lên tin đồn về việc sử dụng vũ khí nguyên tử ở Việt Nam", Thời báo New York, 13 tháng 2; "Wheeler phủ nhận khả năng sử dụng vũ khí nguyên tử tại Khe Sanh", Thời báo New York, 15 tháng 2; "Fulbright và Rusk xung đột về khả năng hạt nhân", Báo Bưu điện Washington, 6 tháng 2; "McCarthy yêu cầu "thẩm tra bản báo cáo về vũ khí"- Báo Bưu điện Washington, 17 tháng 2; "SANE ủng hộ Mỹ sử dụng bom nguyên tử", Thời báo New York, 3 tháng 3; "Sử dụng vũ khí nguyên tử sẽ dẫn đến thảm hoạ", Báo Bưu điện Washington, 9 tháng 3.
(88) "Tình hình tài chính của chúng ta" - trích trong Gardner, trang 454-56; Clifford, trang 515-16.
(89) "Một điều gì đó đã bắt đầu nói với tôi" - King, trang 51-52.