Dịch giả: Tĩnh Hà - Kiều Oanh
Chương 30
Cuộc chiến tranh vẫn đang tiếp diễn

Lời H. R. Haldeman nói với Tổng thống Nixon, trong băng ghi âm của Phòng Bầu dục, 14-7-1971 về tác động của Hồ sơ Lầu Năm Góc:
"Đối với một người bình thường, tất cả chỉ là một mớ văn chương cầu kỳ. Nhưng trong mớ văn chương cầu kỳ này lại nói lên một điều rất rõ ràng. Anh không thể tin vào chính phủ, anh không thể tin vào những điều họ nói, và anh không thể tin vào những lời phán xử của họ. Và niềm tin vào sự sáng suốt của Tổng thống vốn được thừa nhận rộng rãi ở Mỹ đã bị tổn thương nghiêm trọng, bởi nó chỉ ra rằng người ta sẵn sàng làm những điều mà Tổng thống muốn dù cho điều đó là sai lầm, và Tổng thống cũng có thể sai lầm(103)".
Thông điệp đó đã đến với quần chúng như một lời tuyên bố chung chung. Chính nhờ lệnh cấm đầy kịch tính của Nixon và thái độ bất chấp của phần lớn báo giới Mỹ mà sự chú ý đổ dồn vào nội dung những tài liệu đó đã vượt quá những trông đợi của tôi: phủ kín 50 trang tờ Thời báo New York, chiếm một nửa thời lượng bản tin tối trong suốt một tháng; xuất hiện trên trang nhất của không chỉ 19 tờ báo mà chúng tôi gửi bản sao mà hầu như toàn bộ tất cả các tờ báo trong nước. Và toàn bộ các tiêu đề và bài xã luận, trong suốt một tháng, ngày nào cũng nhắc lại thông điệp mà Haldeman đã tóm tắt một cách cô đọng và nhanh chóng.
Dù rằng thông điệp này xa lạ và khó lọt tai, nhưng không ai thực sự phản bác và không thể chối bỏ nó. Đó là một sự thay đổi trong ý thức của người Mỹ. Nó càng được củng cố sau khi bí mật về vụ Watergate được hé lộ. Một sự thay đổi chỉ đem lại những điều tốt đẹp nếu chúng ta vẫn là một nền Cộng hoà.
Tuy nhiên tôi đã sớm nhận ra rằng tâm lý của những cử tri và những nhà bình luận vẫn khó tin vào những lời suy luận đối với ông Tổng thống đương nhiệm. Ít nhất là họ cũng phản đối trên cơ sở là tôi không có những tài liệu tương tự như những tài liệu mà tôi đã cung cấp về những chính quyền tiền nhiệm. Đây là việc mà tôi phải sớm kết thúc trong vòng 2 năm tới, sau một cơ hội lớn để kiểm chứng điều đó. Bản cáo trạng của Bộ Pháp lý dành cho tôi, sau hai tuần truy nã rộng khắp nhưng thất bại, đã cho tôi thấy cơ hội của mình. Điều đó đã làm cho tôi trở nên nổi tiếng đến mức tôi có thể sử dụng để truyền tải thông điệp chính: cách thức dối lừa của cơ quan hành pháp, lạm dụng quyền lực thời chiến, và chiến lược vô vọng nhằm ngấm ngầm đe doạ và công khai leo thang bạo lực trong những Hồ sơ của Lầu Năm Góc trong suốt 23 năm qua vẫn tiếp tục được chính quyền Nixon theo đuổi, trong năm cầm quyền thứ ba và sau đó.
Hầu như chẳng có ai tin tôi cả. Tôi không có những tài liệu để chứng minh cho những điều tôi nói về chính sách bí mật của Nixon, và không ai trong chính quyền bước ra để cung cấp những tài liệu này. Bản cáo trạng đối với tôi về ba tội nghiêm trọng cấp liên bang, cuối năm đó đã tăng thêm khoảng một tá tội danh khác khiến tôi có thể sẽ bị phạt tù tổng cộng 115 năm - cùng với Anthony Russo, người cũng bị thay đổi cáo trạng, có thể tù 25 năm rõ ràng là nhằm ngăn chặn bất kỳ một sự tiết lộ trái thẩm quyền những thông tin giống như của chúng tôi, có lẽ cũng phát huy tác dụng. Có thể thông cảm được rằng, rất ít người trong công chúng muốn tin lời tôi nói về triển vọng của cuộc chiến và sự leo thang tiếp diễn, và vì tôi thiếu những bằng chứng thuyết phục hơn, nên họ không cảm thấy bị bắt buộc phải tin. Vì vậy, tôi chỉ có thể nói, tôi không định thuyết phục những người không tích cực tham gia vào phong trào phản chiến. Những nhà phỏng vấn chuyên nghiệp và hầu hết những nhà bình luận đều lắng nghe tôi và đối xử với tôi một cách trân trọng. Nhưng kể cả những người này và công chúng đều không thực sự nghiêm túc tin vào những lời cảnh báo mà tôi cố gắng truyền đạt: Cuộc chiến này chưa kết thúc và nó không phải đang trong tiến trình kết thúc, thậm chí nó đang mở rộng ra một lần nữa.
Thật không may, những sự kiện xảy ra đã chứng minh là tôi đúng. Tuy nhiên vào mùa thu năm 1971, sự lạc quan trong lời tuyên bố của Nixon về việc khai thông quan hệ với Trung Quốc đã khiến công chúng hiểu điều này nghĩa là cuộc chiến đã là chuyện cũ, lui vào lịch sử, những thông điệp của tôỉ lại trở nên thiếu sức thuyết phục và lạc lõng. Mọi người suy đoán trong thông điệp hào nhoáng của Nixon về chuyến thăm Trung Quốc sắp tới rằng một thoả thuận về Đông Dương đang được định hình. Có lẽ Tổng thống Nixon và Henry Klssinger cũng tin vào điều đó. Còn tôi thì không.
Tôi không thấy có một dấu hiệu nào là Nixon đã từ bỏ những mục tiêu cá nhân: nhằm ép miền Bắc rút quân khỏi miền Nam cùng với Mỹ hoặc chấp nhận một lệnh ngừng bắn nhằm để Chính quyền Thiệu vĩnh viễn nắm quyền tuyệt đối ở Sài Gòn.
Tôi cũng không thấy một dấu hiệu mong manh nào cho thấy Hà Nội sẽ chấp nhận những điều khoản này. Đối với miền Bắc Việt Nam, việc đồng ý ngừng bắn và trên cơ sở lời hứa về những cuộc bầu cử được tổ chức bởi chế độ chống cộng Sài Gòn thì cũng không khác gì những thoả thuận rỗng tuếch mà người Pháp đã đưa ra năm 1946 hay phương án của những "nhà bảo trợ" đưa ra trong Hiệp ước Geneva năm 1954. Tuy nhiên đó chính là điều mà Nixon nghĩ trong đầu; ông ta thậm chí còn không buồn thay đổi cái vỏ bọc của nó.
Những kí ức của ông ta về những năm 1954 đến 1960 khi ông đang là phó Tổng thống cũng sống động như của họ. Ông ta không hề có ý định cho phép có một cuộc bầu cử năm 1972 hoặc 1973 để rồi dẫn đến việc chia sẻ quyền lực ở Sài Gòn hoặc những người Cộng sản nắm quyền, cũng như Dwight Eisenhower hoặc John Foster Dulles đã từng làm năm 1954 và 1956. Thực ra tôi nghi ngờ rằng ông ta đang hy vọng lặp lại chính xác phương án Geneva mà Hà Nội cương quyết phản đối: nghĩa là Liên Xô và Trung Quốc sẽ lại ép một giải pháp như vậy đối với đồng minh nhỏ bé của mình, để đổi lấy việc cải thiện quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên, mặc dù Nixon có kế hoạch thăm cả Trung Quốc và Liên Xô, tôi tin rằng sự đối đầu giữa Trung Quốc và Liên Xô sẽ vẫn tiếp tục, giống hệt trong thập kỷ trước, và đảm bảo cho Hà Nội sự trợ giúp đầy đủ để tránh hậu quả đó. Dù sớm hay muộn, năm sau hoặc năm sau nữa, sẽ có một đợt tấn công mới để rồi Nixon sẽ đáp trả bằng việc tăng cường ném bom và có lẽ cả những biện pháp còn cứng rắn hơn.
Trong khi đó, ông ta vẫn tiếp tục rêu rao về cái gọi là "những cuộc phản công bằng không quân vì mục đích phòng thủ" (đối với miền Bắc đến một mức độ ngang với mức ném bom thời Johnson. Ngay sau đêm Giáng sinh 1972, ông ta lệnh cho hàng ngàn máy bay ném bom miền Bắc Việt Nam suốt 5 ngày, đây là đợt oanh tạc dữ dội nhất kể từ năm 1968). Vậy là 6 tháng sau khi xuất bản Hồ sơ Lầu Năm Góc, khi mọi người hỏi rằng tôi nghĩ những tài liệu này đã đem lại điều gì, tôi trả lời:
"Chẳng có tác dụng gì". Chẳng có tác dụng gì liên quan đến cuộc chiến tranh, mối quan tâm lớn nhất của tôi. Mục đích chính của tôi không phải là thay đổi dư luận: mục đích chính của tôi là ngăn chặn việc ném bom, cuộc chiến tranh, và chính sách của Nixon. Như tôi thấy, cả ba đối tượng này đều chưa bị ảnh hưởng gì bởi dư luận Mỹ, hoặc bởi những tài liệu của tôi, suốt từ khi Nixon lên nắm quyền đến nay.
Hầu hết người Mỹ đều muốn rút khỏi cuộc chiến từ trước khi những tài liệu này được xuất bản; phần đông coi cuộc chiến là phi đạo đức. Có lẽ cả hai nhóm người này đều đang tăng lên sau khi họ đọc các bài báo liên quan đến hồ sơ và bất cứ điều gì mà họ biết. Nhưng tác động đến mức nào? Bất chấp tình cảm của đa số, Tổng thống tiếp tục kéo dài cuộc chiến bằng cách giảm bộ binh nhưng lại tăng cường ném bom và luôn liên tục thuyết phục công chúng rằng ông ta đang đi đến một giải pháp.
Ông ta lại lặp lại luận điệu đó vài tháng sau, tháng giêng năm 1972, tiết lộ rằng đã có một số cuộc hội đàm bí mật và ra vẻ như có một số lời đề nghị "hào phóng" mà ông biết rằng Hà Nội sẽ không bao giờ chấp nhận.
Khi đó tôi đang dành thời gian mấy tháng, trước phiên toà xét xử chúng tôi bắt đầu vào tháng Năm, để viết lời bình luận trong một tập hợp những bài viết của tôi về Việt Nam, nhan đề "Hồ sơ cuộc chiến". Vì tôi đã hoàn thành phần giới thiệu của cuốn sách vào cuối tháng ba, tôi buộc phải viết những nhận định đáng buồn rằng: "Cuộc chiến vẫn tiếp tục và vẫn chờ một "sự kết thúc" bất tận, trong khi các đợt ném bom vẫn diễn ra đều đặn với cường độ ngang với Chiến tranh thế giới lần II". Mấy ngày sau khi tôi viết những dòng đó, miền Bắc mở đợt tấn công chớp nhoáng. Ba năm nay, Mort Halpelin và tôi từng dự báo đợt tấn công này, Nixon và Kissinger từng tìm cách ngăn ngừa nó bằng những lời đe doạ, những đợt ném bom, những đợt xâm lược công khai vào lãnh thổ Campuchia, Lào, và chính sách ngoại giao tam giác với Liên Xô và Trung Quốc. Một niềm tin vô căn cứ rằng sức mạnh của những lời đe doạ và những sự leo thang ít nhất cũng ngăn ngừa được một đợt tấn công ở quy mô luôn là tâm điểm trong chính sách chiến lược của chính quyền Mỹ suốt 3 năm qua. Đợt tấn công nổ ra ngay vào năm bầu cử Tổng thống cho thấy sự thất bại hoàn toàn của chính sách trước đó. Như Halpelin và tôi cũng dự báo, họ phản ứng bằng một đợt leo thang dài hơi, chưa từng có.
Ngay từ ngày 1-4-1972, tôi đã tiên đoán được việc thả thuỷ lôi ở Hải Phòng và theo đó, tôi chắc rằng, sẽ có những đợt ném bom không hạn chế ra miền Bắc, bao gồm cả B52. Tôi cũng chẳng biết nói gì thêm sau những lời cảnh báo của mình trước đó. Đối với ý nghĩa của sự kiện này, đây là lúc để xuất bản những tài liệu cuối cùng của tôi về cuộc chiến, tài liệu mã số NSSM-1 và một tài liệu tự chọn. Tôi từng muốn xuất bản những tài liệu này vào mùa thu năm ngoái, ngay sau khi Hồ sơ Lầu Năm Góc được phát tán, nhưng Patricia đã khuyên rằng trong bối cảnh Trung Quốc đang muốn khai thông quan hệ với Mỹ và Quốc hội lại đang tạm hoãn, những tài liệu này sẽ có ít tác dụng.
Nay ít nhất thì những tài liệu này sẽ chứng minh được rằng Nixon có ý định thả thuỷ lôi ở Hải Phòng từ năm 1969 và sự thiếu hiệu quả của quân đội Mỹ đã được các nhà phân tích tình báo dân sự dự báo trước.
Những luật sư của tôi chắc rằng, việc tiếp tục tung ra tài liệu này ra sẽ dẫn đến thêm một tội danh nữa trong cáo trạng của tôi, như họ đã từng thấy ở năm 1971. Hơn thế nữa, nó lại liên quan đến tài liệu mật của Hội đồng An ninh quốc gia từ chính quyền hiện tại, loại tài liệu không thể biện luận là thuộc diện tài liệu "lịch sử" được. Do vậy việc tránh tội là hầu như không thể. Tuy nhiên, họ không gây sức ép với việc tôi chuẩn bị đưa ra lời kêu gọi. Và vì chúng tôi sắp phải đối đầu với một cuộc tổng tấn công mà chúng tôi đã tránh né trong 7 năm qua, cả Patricia cũng đồng ý rằng đây là thời cơ để chúng tôi làm tất cả những gì có thể. Sự nhượng bộ duy nhất mà tôi đồng ý với các luật sư của mình là tôi sẽ không khiêu khích Bộ Tư pháp bằng việc cung cấp 500 trang tài liệu mật tại một buổi họp báo hoặc công khai tuyên bố mình là nguồn cung cấp những tài liệu đó.
Một lần nữa, Thượng nghị sỹ Mike Gravel sẵn sàng đóng vai trò trung gian đưa thông tin vào Hồ sơ quốc hội của Thượng nghị viện và lần này là cả giới truyền thông nữa. Mặc dầu đang phải cố gắng bảo vệ những người phụ tá khỏi bị kết tội vì có vai trò trong việc xuất bản Hồ sơ Lầu Năm Góc tại nhà xuất bản Beacon - ông đã kháng án đến Toà án tối cao - ông vẫn khuyến khích tôi đưa cho ông ta bất cứ tài liệu gì tôi có. Tôi đã giao tài liệu NSSM-l cho ông để chờ thời điểm thích hợp. Vào tháng sáu ông bị Thượng nghị viện ngăn không cho đưa những văn bản trên vào Hồ sơ quốc hội qua một bài phát biểu tại Thượng viện. Dự tính được điều này, ông đã đưa những tài liệu này cho Jack Anderson và tờ Tuần tin tức và thế là chúng xuất hiện trong những bài viết nổi bật trên các báo Bưu điện Washington và Ngôi sao Washington, bắt đầu từ ngày 25-4-1972, chính vào ngày mà Thượng nghị viện ngăn cản Gravel đọc những tài liệu này trước Quốc hội.
Tám ngày sau, ngày 3-5-1972, tôi tranh thủ sự hiện diện của Thượng nghị sỹ Gravel và Hạ nghị sỹ Ron Dellums tại cuộc mít tinh trên bậc thềm trước toà nhà Quốc hội, là nơi tôi đang diễn thuyết - theo sự gợi ý của một trợ lý tư pháp của Dellum là ông Mike Duberstein - để Gravel có thể chuyển tài liệu cho Dellums. Sau khi cắt bỏ kí hiệu phân loại mật bằng một chiếc kéo, Duberstein đặt 500 trang tài liệu mật vào trong hộc dành cho những kiến nghị bổ sung cho Hồ sơ Quốc hội, theo đó tất cả đã được xuất bản vào ngày 10 và 11-5. Vậy là những Thượng nghị sỹ đang bàn cãi trong cuộc họp kín rằng liệu họ có đủ thẩm quyền để nhận tài liệu mật của Gravel hay cứ mặc kệ kí hiệu mật đi thì cuối cùng tất cả đều được đọc.
Tuy nhiên, chính quyền Mỹ cũng đã học được một vài bài học. Lần này không hề có yêu cầu báo chí hạn chế hoặc lệnh cấm của toà án, không phạt, không khiển trách, không tính thêm tội danh trong cáo trạng của tôi, mặc dù ông Tổng thống cũng như ông Chánh án Toà án tối cao biết quá rõ nguồn cung cấp một lượng thông tin mật ấy là từ đâu rồi. Những quan chức khôn ngoan đã không hề phản ứng hoặc bình luận gì trước việc xuất bản đó. Kết quả là, việc tiết lộ 500 trang văn bản bí mật của chính quyền Nixon chỉ gây một chút xáo động, không có tác động gì thực sự đáng kể.
Nỗi lo lắng của tôi về những điều sẽ đến với người dân Bắc Việt là hoàn toàn xác thực, bởi vì một đoạn băng ghi lại những đối thoại ở Nhà Trắng mãi đến gần đây mới được tiết lộ. Vào ngày 25-4-1972, buổi sáng mà tờ Bưu điện Washington lần đầu tiên cho đăng tài liệu NSSM-1 và những phân tích về việc thả thuỷ lôi ở Hải Phòng, có cuộc trao đổi trong Phòng Bầu Dục như sau:
Tổng thống Nixon: Chúng ta phải bỏ kiểu không kích 3 ngày liên tiếp (ở khu vực Hà Nội và Hải Phòng). Chúng ta ta cần phải nghĩ đến một đợt ném bom dốc toàn lực - kéo dài cho đến khi chúng … - Và bây giờ với việc đánh bom toàn lực tôi đang nghĩ đến những điều xa hơn thế. Tôi nghĩ đến đê đập, tôi nghĩ đến đường sắt, và tôi nghĩ đến tất nhiên, cả những bến cảng…
Kissinger: … Tôi đồng ý với ngài.
Tổng thống Nixon: … Chúng ta phải sử dụng lực lượng lớn …
Hai tiếng sau, vào buổi trưa, H. R Haldeman và Ron Ziegler cùng dự với Kissinger và Nixon:
Tổng thống: Chúng ta giết được bao nhiêu bên Lào?
Ziegler: Có lẽ là 10 ngàn hoặc 15 ngàn?
Kissinger: Nói chung ở bên Lào, ta hạ được khoảng 10, 15 ngàn…
Tổng thống: Thế đấy, quay lại chuyện đợt tấn công vào miền Bắc mà ta đang tính… nhà máy điện, bất kể cái gì còn lại - trạm xăng dầu, bến cảng… và tôi đang tính có lẽ ta sẽ nên đánh cả các đê đập. Điều đó sẽ làm chết nhiều người chứ?
Kissinger: Khoảng 200.000 người.
Tổng thống: Không, không, không,… tôi thà dùng bom nguyên tử còn hơn. Anh hiểu không hả Henry.
Kissinger: Điều đó, tôi nghĩ, có lẽ là quá nhiều.
Tổng thống: Bom nguyên tử, điều đó làm anh khó nghĩ à? Tôi chỉ muốn anh nghĩ rộng ra, Henry, vì Chúa(104).
Một tuần sau, ngày 2-5-1972, sau khi nghe Kissinger và Haig trình bày về lợi ích của việc kết hợp ném bom và phong toả, Tổng thống đã đồng ý tiến hành cả hai. Như ông ta tuyên bố: "Phong toả kết hợp ném bom toạ độ sẽ giúp chúng ta đạt được mục tiêu - khiến bọn Bắc Việt phải quỳ gối"(105).
Vậy là, dù cho "kể cả Miền Nam sụp đổ" thì, một khả năng theo dự báo của Kissinger, miền Bắc dưới áp lực kép sẽ "phải trao lại tù nhân, nước Mỹ không thể bị đánh bại. Chúng ta không thể thua ở Việt Nam… Vì vậy chúng ta phải rút kiếm. Vì vậy - việc phong toả sẽ tiếp tục. Và tôi phải nói là… tôi thích nó … và tôi muốn mọi người hiểu rõ điều này. Lý thuyết về chiến lược đánh bom toạ độ là đúng đắn và tôi muốn nơi đó phải bị đánh bom nát vụn. Nếu chúng ta hành động, chúng ta hãy dội bom lên lũ khốn kiếp đó khắp mọi nơi. Hãy cất cánh bay, hãy cất cánh bay".
Ngày 4-5, sau khi bàn luận về quyết định của mình với Kissinger, Al Haig, và John Connally, Nixon đã suy nghĩ về triển vọng cuộc chiến với Việt Nam. Nghe trong băng của Phòng Bầu Dục, ông ta đập xuống bàn như đang chỉ vào một tấm bản đồ tưởng tượng, hoặc có lẽ một tấm bản đồ thật ở đó:
"Việt Nam! Lũ khốn đó đang ở trong chỗ này, ngay chỗ này (đập) Đây là nước Mỹ (đập). Đây là Tây (đập) Âu, cái vùng nhỏ xíu kiêu căng, đã gây quá nhiều thiệt hại… Đây là Liên Xô (đập), và đây là (đập) Trung Đông… Đây là (đập) lũ Châu Phi ngu dốt… và đây là lũ Mỹ La tinh không đến nỗi ngu lắm. Đây là chúng ta. Chúng nó muốn gây sự với nước Mỹ. Bây giờ, mẹ kiếp bọn Ananút, chúng ta phải làm việc thôi. Chúng ta sẽ nghiền nát chúng. Đây chẳng phải là giận dữ hay gì cả. Những lời chê bai rằng tôi "nóng nảy" đều nhảm nhí. Đáng ra tôi phải làm việc này từ lâu rồi, tôi đã không nghe theo bản năng mình.
"Tôi sẽ cho thấy là nước Mỹ không thua. Tôi nói thẳng như thế, và chính xác là như thế. Miền Nam Việt Nam có thể thua. Nhưng nước Mỹ không thể thua. Điều này có nghĩa là tôi đã có quyết định. Bất kể điều gì xảy ra với miền Nam Việt Nam, chúng ta sẽ nghiền nát miền Bắc.
"Chỉ một lần, chúng ta sẽ phải dùng hết sức lực của đất nước này đối với cái nước nhỏ bé khốn kiếp kia: để chiến thắng trong cuộc chiến. Chúng ta không thể dùng từ "chiến thắng". Nhưng những người khác thì được".
Trong một cuộc trao đổi sau đó, Nixon có nói với Kissinger:
"Có một điểm duy nhất mà tôi và anh còn bất đồng… là liên quan đến việc đánh bom. Anh quá quan tâm đến lũ dân thường, còn tôi cóc cần, tôi không quan tâm".
Kissinger trả lời: "Tôi quan tâm đến dân thường vì tôi không muốn cả thế giới đoàn kết chống lại ông như chống lại một tên đồ tể".
Tại cuộc mít tinh trước toà nhà Quốc hội ngày 3-5, tôi đã tiên đoán được việc thả thuỷ lôi ở Hải Phòng sắp tới. Hoá ra, ông Tổng thống đã bí mật quyết định một ngày trước đó.
Việc này được tiến hành 6 ngày sau đó, vào ngày 8-5-1972.
Richard Nixon đã chờ đợi chiến dịch này kể từ khi chưa nắm quyền đến lúc nắm quyền, trong gần một thập kỷ. Tôi đã phản đối kế hoạch này, và lo rằng nó sẽ dẫn đến việc ném bom ồ ạt, và kéo dài. Tôi vẫn nhớ cảm giác chiều hôm đó và nói với Patricia, đó là ngày đen tối nhất của đời tôi. Sau đó khi chúng tôi chuẩn bị cho phiên toà ở Los Angeles, tôi nói với Mort Halpelin, người tham gia vào nhóm biện hộ với vai trò cố vấn: "Này, có lẽ chúng ta sắp kết thúc lời dự báo mà anh nói với tôi 3 năm trước".
Ông ta trả lời: "Không, Hà Nội vẫn chưa bị đánh bom".
Vào tháng bảy, sau khi nghe bản kiến nghị của hội thẩm đoàn tiến trình tranh tụng của chúng tôi bị hoãn lại sau khi Bộ Tư pháp phát hiện ra thiết bị nghe trộm điện tử trong số một luật sư của chúng tôi. Trong suốt quá trình trì hoãn kéo dài đó, tôi đã dành suốt mùa biểu tình năm 1972 để cảnh báo bất kỳ ai rằng tôi biết khả năng chiến tranh sẽ còn leo thang. Trong số đó bao gồm hầu như tất cả các đoàn báo chí đến đưa tin về việc tái đắc cử của Tổng thống tại Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hoà, và tại một cuộc họp báo do Hạ nghị sỹ McCloskey tài trợ. Ở khắp nơi, khán giả của tôi đều rất lịch sự nhưng vẫn hoàn toàn hoài nghi thông điệp của tôi. Họ thấy dễ tin hơn vào tuyên bố của Kissinger hồi cuối tháng 10 rằng "hoà bình đã ở trong tầm tay", thông điệp này đã đưa đến việc tái đắc cử của Tổng thống trong tuần sau đó với một chiến thắng áp đảo lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ. Ở một vài góc độ, độ chênh lệch phiếu của Nixon còn cao hơn cả Lyndon Johnson năm 1964, người đã chiến thắng với khẩu hiệu "chúng ta không cần mở rộng chiến tranh nữa", ba tháng trước khi ông ta bắt đầu đánh bom Bắc và Nam Việt Nam.
Một tháng sau cuộc bầu cử và một tuần trước lễ Giáng sinh năm 1972, Tổng thống Nixon lệnh cho những chiếc B52 ra Hà Nội lần đầu tiên. Trong 11 ngày đêm tiếp theo - trong kỳ nghỉ Giáng sinh - máy bay Mỹ đã trút xuống Bắc Việt Nam 20.000 tấn bom (lượng chất nổ ngang với quả bom nguyên tử ném xuống Nagasaki). Con số này được cộng vào với con số 150.000 tấn được ném xuống Bắc Việt Nam từ tháng tư đến tháng mười.
Nếu tính từ thời điểm Hồ sơ Lầu Năm Góc được tiết lộ một năm rưỡi trước đó - sau khi đa số người dân Mỹ được thăm dò ý kiến cho rằng tham gia vào cuộc chiến là phi đạo đức" - thì Tổng thống Nixon đã ném khoảng 1,5 triệu tấn bom xuống vùng Đông Dương. Tức là ngang với toàn bộ số tấn bom mà Mỹ ném xuống châu Âu trong Chiến tranh thế giới thứ lần II.
Trong tuần lễ Giáng sinh năm 1972, tôi luôn được hỏi rằng tôi nghĩ gì về tác dụng của việc phát tán Hồ sơ Lầu Năm Góc đối với cuộc chiến. Tôi vẫn trả lời giống như câu trả lời một năm trước đó: "Chẳng có gì, chẳng có tác động gì cả. Điều này đúng cả với phong trào hoà bình rộng lớn, mà việc xuất bản những tài liệu này chỉ là một phần. Và không chỉ phong trào hoà bình mà cả toàn bộ phong trào chống chiến tranh cũng chẳng có tác động gì cả. Cả khối cử tri cũng không gây được tác động".
Trong suốt những tuần lễ Mỹ ném bom với mật độ dày đặc nhất trong lịch sử, 6 tuần sau thắng lợi vang dội của Tổng thống Mỹ nhờ lời hứa hẹn "Hoà bình trong tầm tay", tôi vẫn tiếp tục nói: "Người Mỹ chúng ta cũng có nhiều khả năng gây ảnh hưởng đến những gì đang xảy ra ở Hà Nội và Hải Phòng trong tuần này, như người Liên Xô có thể gây ảnh hưởng tới cuộc xâm lược Tiệp Khắc. Không như Liên Xô, chúng ta có một nền dân chủ thật sự. Điều mà chúng ta không có ở lúc này là một sự kiểm soát dân chủ đối với chính sách đối ngoại của Mỹ.
Vào cuối tháng 1-1973, Hiệp định Hoà bình Paris được ký kết, Mỹ dừng ném bom Đông Dương, trừ Campuchia vẫn còn bị ném bom tăng cường. Tuy nhiên, như tôi dự báo - cùng với Nhà Trắng - cái tiêu đề chính thức "Hiệp định về chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình ở Việt Nam" vẫn chứng tỏ lối tư duy độc đoán. Hiệp định đã không đem lại một khoảng khắc hoà bình hay ngừng bắn nào cho miền Nam Việt Nam và không mở ra triển vọng nào cho việc kết thúc chiến tranh. Điều mà Kissinger và sếp của mình có trong tay vào tháng mười và đã thoả thuận lại, về cơ bản là không thay đổi. Tháng 1-1973, theo quan điểm của họ hoặc trên thực tế, chưa phải là lúc kết thúc cuộc chiến. Đó chỉ là một thoả thuận với Hà Nội về việc Mỹ đơn phương rút bộ binh để đổi lấy việc trao trả tù binh chiến tranh Mỹ, cùng với những lời cam kết rỗng tuếch về việc chuẩn bị và tiến hành những cuộc bầu cử công khai ở miền Nam Việt Nam, có sự tham gia của Mặt trận dân tộc giải phóng.
Vì lãnh đạo của cả Washington và Sài Gòn đều sớm cho thấy họ không có ý định tuân thủ những điều khoản về bầu cử, cục diện vẫn là Mặt trận dân tộc giải phóng bị gạt ra ngoài lề các hoạt động chính trị công khai trong miền Nam. Trong khi đó, chính quyền Thiệu, được sự hậu thuẫn của người Mỹ, vẫn tuyên bố nắm quyền lực hợp pháp và duy nhất. Vì vậy, sẽ không thể có triển vọng tiếp tục ngừng bắn như vậy đối với Mặt trận dân tộc giải phóng và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, hoặc đối với Việt Nam cộng hoà. Với việc chiến sự vẫn tiếp tục giữa Quân đội Việt Nam cộng hoà và Mặt trận dân tộc giải phóng (Việt Nam Dân chủ Cộng hoà), tôi dự đoán Mỹ chắc chắn sẽ ném bom trở lại miền Bắc, miền Nam Việt Nam, và Lào sau hai tháng tạm ngưng chờ quân Mỹ rút hết. Cuốn "Không hoà bình, Chẳng danh dự" của Larry Berman (2001), một tài liệu đầu tiên về chính sách của Nixon và các cuộc đàm phán đã phản ánh hầu như đầy đủ các tài liệu và các cuộc phỏng vấn của cả hai bên, khẳng định rõ rằng Nixon luôn có dự định đó. Nixon đã bí mật, nhắc đi nhắc lại những cam kết "đảm bảo 100%" với Tổng thống Thiệu rằng ông ta sẽ tái ném bom quy mô lớn càng sớm càng tốt.
Nixon thực sự có ý định thực hiện lời hứa đó, Kissinger cũng vậy. Như Berman tiết lộ, Kissinger ra sức thúc giục các đợt không kích với quy mô tương đương đợt Giáng sinh năm 1972, lại Lào và Việt Nam năm 1973, kể cả trước khi các lực lượng Mỹ kịp rút hết.
Tuy nhiên đợt ném bom mà Nhà Trắng chăm chăm thực hiện đã không xảy ra, vì những lý do, cuối cùng, chính là nền dân chủ Mỹ, và chế độ pháp quyền. Việc xét xử Tony Russo và tôi, với việc tranh tụng trước toà bắt đầu lại vào tháng Giêng đã bộc lộ cho công chúng thấy phản ứng của Nixon đối với việc phát tán Hồ sơ Lầu Năm Góc. Nhưng đó không phải là phản ứng duy nhất. Việc phát tán trái quy tắc của tôi đã làm khuấy động một chuỗi phản ứng trong bộ máy cầm quyền và dẫn đến việc kiềm chế rất hiệu quả sự lạm dụng những quyền lực thời chiến của Tổng thống Nixon trong vài năm sau đó, ngăn ngừa việc Mỹ ném bom trở lại Việt Nam và Lào, và rút ngắn cuộc chiến.
 
Chú thích:
(103) "Đối với một người bình thường" - Tổng thống và Haldeman, 15:09, 14 tháng 7, 1971, Phòng Bầu Dục. Cục hồ sơ An ninh quốc gia. Xem biên bản tại Cục hồ sơ An ninh quốc gia, Đại học George Washington, www.gwu.edy/NSAEBB
(104) "Chúng ta phải bỏ kiểu không kích" - Tổng thống và Kissinger, 10:45, 25 tháng 4, 1972, Toà nhà Văn phòng Hành pháp.
(105) "Phong toả kết hợp ném bom toạ độ" - Tổng thống và Haig, 24:42, 2-5-1972, Trao đổi tại Phòng Bầu dục 717-20.