Chương 2

Nghe nói trên mấy vườn cao su người ta thường cần dùng người có học-thức để cai quản dân làm công trong sở, tuy làm việc nhiều giờ; ăn ở cực khổ, song lương bổng họ cho rộng rãi, Phụng mới đi tìm mấy ông chủ vườn cao su lớn ở trên Sài-gòn đặng năng-nỉ xin việc mà làm. Đi gần hết một buổi sớm mơi, may được gặp hai ông chủ, mà một ông thì nói trong sở có đủ người dùng, còn một ông chủ thì nói hôm tuần trước có cần dùng một người để đem lên sở trên Thủ-dầu-một, mà ngày hôm qua đã có người xin vô làm rồi.
Phụng thất vọng, nên trở về nhà thay đồ rồi nằm dài trên ghế bố, tay gác qua trán, mắt nhắm lim dim.
Nhà Chà-và đi phát thơ đem lại đưa một phong thơ. Phụng lấy thơ coi ngoài bao, thấy tuồng chữ của em thì biết thơ dưới nhà gởi nên trong lòng hồi-hộp, mừng được tin nhà, song không biết mẹ có gởi tiền đặng trả tiền cơm cho bà Phán Thành hay không.
Phụng đi lại bàn viết ngồi, rồi lấy dao thủng-thẳng rọc bao thơ mà rút cái thơ ra, không thấy măng-da(1), mặt biến sắc, tay run-rẩy, lòng lạnh ngắt. Chàng gượng mà coi thơ thì thấy nói như vầy:
“Cher anh Hai,
“Hôm qua má có tiếp được thơ của anh. Trong thơ anh xin má 30 đồng để trả tiền cơm cho người ta. Má biểu em viết thơ trả lời hay rằng bây giờ trong nhà không có tiền dư, nên xin anh đợi 15 tháng tới má lãnh tiền hưu-trí rồi má sẽ gởi lên cho anh.
“Anh Hai ôi, bởi nhà mình nghèo, nên anh học lỡ-dở, rồi bây giờ tấm thân trôi nổi vất-vả như vậy, em nghĩ tới phận anh, thiệt em đau lòng xót dạ biết tới chừng nào.
“Gia-đạo của mình anh đã biết rõ hết. Hồi ba còn sanh tiền, số tiền hưu-trí mỗi kỳ 3 tháng lãnh được 350 đồng, nên bề ăn xài trong nhà được rộng rãi. Từ ngày ba mất rồi, má lãnh còn có phân nửa, mỗi kỳ 3 tháng có 175 đồng, bởi vậy dùng không đủ, em phải làm bánh rồi sai bầy trẻ đi bán để kiếm lời mỗi bữa ít cắc bạc đặng phụ mà chịu tổn-phí trong nhà.
“Mùa mưa nầy cái nhà hư dột nhiều chỗ. Rồi đây còn phải lo tu-bổ cái nhà, tốn hao chừng 100 đồng mới đủ.
“Anh Hai ơi, em buồn, em lo lung lắm, song em cứ làm vui, em không lộ sắc buồn cho má biết. Ngày anh xin phép má đặng đi kiếm công việc làm, em muốn cản anh hết sức, mà em không dám cản, là vì em nghĩ em không đủ sức nuôi anh, lại anh đi học tới bên Tây, nếu bây giờ anh ở nhà thì sợ e thiên-hạ khinh-khi anh, họ chê anh học mà không dùng được. Tại như vậy đó nên em mới để cho anh đi.
“Má còn biểu nói cho anh việc nầy nữa: có thầy Bang-Biện Tịnh cậy mai nói với má xin cưới em. Thầy năm nay đã trên 40 tuổi, nhà giàu lớn, huê-lợi mỗi năm gần 30 ngàn giạ.
“Thầy đã có vợ có con, song có con gái mà thôi, nên muốn cưới em làm bé họa may em sanh con trai cho thầy. Thầy chịu cưới một ngàn đồng bạc, lại hứa cất nhà lại chắc-chắn cho má với em ở.
“Bữa hổm má có hỏi ý em, má nói như em chịu thì má gả. Em nghĩ nhà mình nghèo, bây giờ chỗ giàu có sang-trọng có ai thèm cưới em đâu. Nếu em ưng thầy Bang-Biện Tịnh, thì bây giờ em giúp-đỡ trong nhà mình được, mà có lẽ ngày sau thân em cũng được sung-sướng. Ngặt vì em là con ông Phủ, mà đi làm bé người ta thì xấu hổ quá, xấu hổ cho thân em, mà cũng xấu hổ cho tông-môn nữa. Tại như vậy đó nên em lưỡng-lự, em xin má cho em suy nghĩ ít ngày.
“Ba mất rồi, anh là lớn, anh phải chỉ đường cho em biết mà đi. Vậy nên em xin anh suy-nghĩ, rồi cho em biết coi em có nên ưng làm bé thầy Bang-Biện Tịnh hay không.
“Việc nầy không gắp gì. Anh suy nghĩ rồi tháng sau má lãnh tiền hưu trí rồi em đem tiền lên cho anh, chừng ấy anh sẽ trả lời với em cũng được. Hễ anh chịu thì em chịu, còn như anh không bằng lòng thì em thôi.
“Để gặp nhau rồi em sẽ nói chuyện dài, bây giờ em kính chúc cho anh được vạn sự như ý”
Loan
Bái thơ
Phụng đọc thơ dứt rồi, thì vừa giận, vừa tức, vừa tủi, vừa buồn, nên cặp mắt đỏ au, ngực nhảy thình-thịch. Chàng xếp thơ bỏ vào túi rồi đi qua đi lại mà suy-nghĩ trót một giờ đồng-hồ.
Đến 11 giờ rưỡi, chàng khóa cửa đi lại nhà ông Phán Thành mà ăn cơm. Chừng ăn cơm rồi, chàng đợi thầy Giao đi về, chàng mới nói với bà Phán:
- Thưa bà, bữa hổm cháu hứa với bà trong ít bữa bà già cháu gởi tiền lên rồi cháu sẽ trả tiền cơm cho bà. Bữa nay cháu có được thơ dưới nhà gởi lên nói 15 tây tháng tới, nghĩ là 20 ngày nữa, bà già cháu lãnh tiền hưu-trí rồi mới gởi cho cháu được. Cháu nói lỡ lời bây giờ thất ước với bà, thiệt cháu có lỗi nhiều quá.
- Hôm trước cậu nói trong vài ngày sẽ có tiền, tôi năn nỉ xin bà Lợi huỡn lại cho tôi 5 ngày. Bây giờ nói với bà tới 15 tây tháng tới chắc bà cằn-nhằn dữ lắm.
- Xin bà đừng phiền, tại cháu không tiền, chớ không phải cháu có mà không muốn trả cho bà. Số bạc bà vay của bà Lợi xin để cháu chịu tiền lời cho.
- Câu không có tiền thì tôi phải nói với bà Lợi để lại một tháng nữa rồi tôi sẽ trả chớ biết làm sao.
- Cháu làm cho bà phải nhọc lòng hết sức. Bà là người ơn của cháu, nấu cơm cho cháu ăn, mà cháu cù nhầy không trả tiền coi kỳ cục quá. Tại gặp hồi khốn đốn, nên mới lỗi với bà như vậy. Xin bà thương giùm thân phận của cháu, đừng phiền cháu tội nghiệp.
- Không, tôi không có phiền cậu đâu. Tôi với ông Phán thấy tánh nết của cậu thì thương cậu lung lắm chớ. Nếu vợ chồng tôi dư dã như người ta thì nuôi cơm cậu cũng được, ngặt vì vợ chồng tôi cũng nghèo nên mới hỏi tiền cơm đó đặng mua gạo, đi chợ, mà nấu cho cậu ăn.
- Cháu xin bà đừng nghi-ngờ gì hết, thế nào cháu cũng trả ce='height:10px;'>
- Để cho cậu chịu sao phải? Nếu cậu không có tiền, vậy chớ mấy tháng nay cậu làm sao mà ăn xài.
- Cháu không có xài việc chi hết. Mấy tháng nay anh Trinh thường đưa tiền cho cháu, khi 10 đồng, khi 20, biểu cháu lấy mà xài. Lần nào cháu cũng từ chối, cháu nói cháu có tiền, cháu không chịu lấy.
- Ông Trinh ăn lương lớn, mà ông không có vợ con, ông xài tiền không hết, ông chia bớt cho cậu xài, có hại gì mà cậu ngại.
- Tuy cháu với anh Trinh làm anh em từ hồi còn nhỏ, qua bên Tây cũng gần-gũi nhau nữa, song cháu được ở đậu nơi nhà ảnh nghĩ cũng đã quá rồi, nếu cháu còn lấy tiền của ảnh mà xài thì cháu không an bụng. Vậy xin bà đừng nói cho ảnh biết sự cháu không có tiền. Nếu ảnh hay cháu không có tiền mà trả tiền cơm thì chắc ảnh trả liền. Mà hễ để cho ảnh làm như vậy thì cháu hổ quá, chắc cháu phải đi về xứ, không dám ở trên nầy nữa. Xin bà giấu dùm cho cháu.
- Ai nói làm chi. Cậu nghèo mà cậu giữ liêm sỉ lung quá!
- Phải biết liêm sỉ mới đáng làm người chớ.
- Tội nghiệp quá! Người như cậu vậy mà ông Trời lại không cho giàu có chớ: hèn chi ông Phán tôi ổng nghi ông Trời không công bình.
- Cháu khổ riết rồi cháu cũng nghi như ông Phán vậy đó bà.
- Đừng có nói như vậy không nên. Cậu còn nhỏ, cậu phải tin tưởng Trời, Phật, cậu mới đi ngay đường được.
Ông Phán ở trong bước ra và cười và nói: “Bà cứ giảng dạy luân-lý hoài! Nghe buồn quá!”
Phụng đứng dậy từ vợ chồng ông Phán mà về. Bà Phán ngó theo và nói với chồng: “Người trẻ tuổi mà biết đều quá. Thế mà phải chịu mghèo, thiệt tội nghiệp hết sức.”
Chú thích:
(1-) phóng tác từ Prestouplénié i nakazanié (1866) của văn hào Nga Fédor Mikhaïlovitch Dostoievski
(2-) (tiếng Pháp: Caskette) = nón lưỡi trai, nón có rìa che nắng
(3-) (tiếng Pháp: guêtre) dây da hoặc vải đan chéo dùng bọc ống chân (bắp chuối) từ đầu gối đến ống giày, từ ngữ này đã được việt hóa.
(4-) Nay là đại lộ Trần Hưng Đạo