Các yếu tố của sinh hoạt văn học
Phần 1
Nhà văn

Trước khi đi vào từng giai đoạn phát triển của nền văn học này, tưởng nên có một kiểm điểm qua về đôi ba yếu tố quan trọng trong sinh hoạt văn học: về người văn nghệ sĩ, về cuốn sách, về người độc giả của thời 54-75. Những cái này vẫn luôn thay đổi, tùy nơi, tùy thời. Nếu không được nhắc lại những nét đặc điểm trong hoàn cảnh hoạt động mỗi nơi mỗi thời, lắm lúc chúng ta khó thông cảm được với tâm lý, tư tưởng của người văn nghệ, lấy làm khó hiểu về những thái độ, phản ứng của họ trước việc nọ việc kia. Hồi 1978 có mấy người cầm bút Việt Nam vượt biển sang Mỹ, đến Los Angeles, tìm gõ cửa Henry Miller kêu gọi nhà văn hào này làm một cái gì cho Việt Nam. Ông cụ bấy giờ tuy đã gần đất xa trời nhưng không thiếu nhiệt thành: ông bảo rất sẵn sàng. Ông cụ sẵn sàng, mà thái độ tỏ ra không mấy tin tưởng ở ảnh hưởng của mình, không tin bằng mấy người cầm bút trẻ từ phương xa đến. Quả nhiên, rồi sự lên tiếng của một uy tín văn nghệ quốc tế cũng chẳng đi đến đâu. Henry Miller không tin tưởng vì ông biết cái vị trí của người văn nghệ, của nhà tư tưởng, của người trí thức trong xã hội Mỹ. Ở đây có khi ông không sánh nổi một cô đào hát, một cầu thủ bóng bầu dục... Ở đây lời nói của ông không có tiếng vang rộng rãi như lời nói của những đồng nghiệp ở Âu châu, Á châu. Đối với những chuyện chiến tranh, chuyện hòa bình, chuyện chính trị quốc tế, những vấn đề liên quan đến vận mệnh dân tộc, lương tâm nhân loại, quần chúng chờ đợi tiếng nói của những Joan Baez, Jane Fonda, họ reo hò hưởng ứng ầm ĩ những nhân vật ấy, chứ có chờ đâu những Henry Miller, Maurice Durand? Ở một vị trí như thế trong xã hội, các nhà văn Mỹ không thể có thái độ suy tưởng, có phản ứng giống như những Sartre, Malraux ở Pháp; rồi cái cách họ nhìn đời, cái quan niệm về trách nhiệm của họ đối với xã hội, rồi mối quan tâm của họ, những đề tài chọn lựa của họ cũng phải khác đi chứ.
Sau câu chuyện về Henry Miller, xin nhắc lại câu chuyện của Hà Thúc Sinh, chắc chắn cũng là của đa số anh chị em văn nghệ sĩ Miền Nam sau 1975. Hà quân là sĩ quan lại là thi sĩ, sau 30-4-75 bị cộng sản bắt. Một lần trong cuộc thẩm cung ông bị họ dùng khúc cây vẫn căng đầu giường bố của quân đội Mỹ ngày trước mà quật tới tấp vào người vì ông không chịu nhận là CIA. Tên công an cộng sản tức giận điên người: “Tuổi anh mới 30, đã có hàng chục cuốn sách xuất bản. Nhất định phải nằm trong guồng máy CIA (...) Miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ngay những nhà văn hàng đầu mà mỗi ba năm mới được in một quyển sách; mà là sách phải đạt yêu cầu của hội nhà văn đấy nhé. Anh làm gì mà mới 30 tuổi ngụy quyền nó cho anh in nhiều sách thế? (...) Bây giờ hỏi tiếp: Thủ trưởng CIA của mày bây giờ ở đâu? (...) Tao bảo thật. Bọn vừa là sĩ quan vừa viết văn như chúng mày không CIA cũng là CIB.” Hà Thúc Sinh bảo: “Vĩnh buồn trong bụng quá. Giải thích chưa xong vụ in sách, bây giờ lại được đội thêm cái mũ CIA nữa!”[1]
Thôi, Phạm quân,[2] đã đến nước này còn buồn trong bụng mà chi. Muộn mất rồi. Hàng triệu người đã chết cho cái ý muốn được vừa là sĩ quan vừa viết văn mà không bắt buộc phải làm CIA, làm công an gì ráo, mà có thể “dạo núi mình ta”[3] tự do, muốn dạo kiểu nào thì dạo; nhưng rốt cuộc rồi thất bại. Người công an Miền Bắc đeo cứng lấy cái quan niệm viết văn phải theo đường lối của thủ trưởng CIA, nhất định không chịu hiểu cái chuyện phi lý, dị thường ở Miền Nam. Bỏ qua cho hắn. Lớn lên trong một xã hội như thế, hắn đã là một kẻ bạc phước rồi.
Như vậy người văn nghệ sĩ trong xã hội mỗi nơi mỗi khác, mỗi thời mỗi khác. Ngay đồng bào cùng một nước với nhau mà kẻ Bắc người Nam, kẻ già người trẻ đã có cái nhìn khác nhau đối với người văn nghệ. Vậy trước khi nói về các hoạt động văn nghệ, trước khi nói về chuyện các văn nghệ sĩ họ đã làm gì, xin hãy thử tìm hiểu xem họ là cái gì trong xã hội bấy giờ. 
Thế giá
 
Ở Đông phương ngày xưa văn nghệ sĩ từng được quý trọng. Tài như Lý Bạch thì ngất ngưởng vào triều sai bảo người này mài mực người kia cởi giày đã đành, mà trong dân gian cũng không thiếu những câu chuyện về các chàng thanh niên hoặc nhờ đối được một câu hóc búa mà được hưởng ân huệ của gái đẹp, hoặc trót phạm tội mà làm được thơ hay nên quan trên tha tội. Cho tới hồi tiền chiến, gần đây thôi, văn nhân hãy còn hưởng được rất nhiều cảm tình của quần chúng và nhiều kính nể của nhà cầm quyền. Trong đời ông Bảo Đại có vài lần ông nghĩ mình thực sự tiến hành một khởi đầu quan trọng, tức là ngày ông từ Pháp hồi loan lên ngôi hoàng đế và ngày Nhật lật đổ Pháp trao quyền lại cho ông. Tìm người có tài kinh bang tế thế để dìu dắt quốc dân, lần trước ông chọn Phạm Quỳnh, lần sau ông chọn Trần Trọng Kim, cả hai không có quan tước, bằng cấp gì lớn, mà là những học giả nổi tiếng trong văn giới. Ngay xung quanh Hồ Chí Minh và trong chính phủ ông này vào những năm đầu của chế độ cũng không ít văn nghệ sĩ: Huy Cận, Tố Hữu, Đặng Thai Mai, Nhất Linh, Hoàng Đạo... Thi sĩ tài danh như Tản Đà thì tha hồ ngang tàng: làm khách dài hạn ở nhà người ta mà buồn buồn cạy gạch bông ở phòng khách lên, xới đất nền nhà để... trồng rau mùi. Tây Sơn là kẻ thù của nhà Nguyễn, thế mà dưới thời Nguyễn triều Tản Đà đi ngang qua Bình Định, cứ tìm đến tận đền thờ các vua Tây Sơn, mở cửa ra, hương đèn cúng tế khóc lóc; hương chức sở tại hoảng hồn bắt giải lên tỉnh; viên tổng đốc nghe đến tính danh bèn... cho qua: ai khác làm việc ấy thì phải tội, thi sĩ làm thì được mời nhậu rượu đàm đạo chuyện đời cho vui. Lừng lẫy thì thế, còn khiêm tốn như một anh phóng viên đi nhặt những mẩu tin vặt ở tỉnh lẻ gửi về cho báo hàng ngày cũng cứ được trọng vọng: ngày trước ở cái tỉnh lỵ Thanh Hóa của Nguyễn Tuân làm phóng viên như thế được gọi là “quan tham nhật trình” (Chiếc lư đồng mắt cua). “Quan tham nhật trình” đi hát ả đào, đi nhà thổ đều đều, thường được chị em hoan nghênh. Đến như các danh sĩ Nhất Linh, Khái Hưng v.v... mà một hôm bỗng nhiên cao hứng kéo đến Khâm Thiên thì, ôi thôi, náo động cả xóm.
Nghệ sĩ là vậy: từ triều đình cho đến khắp bá tánh đều kính yêu, thậm chí các chị em ta trong giới ăn chơi nghe danh nghệ sĩ cũng cuống lên. Không trách nghệ sĩ thời trước vênh váo nghênh ngang, khinh thế ngạo vật; không trách Huyền Kiêu treo bảng trước gác trọ:
“Nơi đây cao ngọa Huyền Kiêu
Một trong nhóm Tây Hồ danh sĩ”
Là danh sĩ thì phải “cao ngọa” chứ, Huyền Kiêu có làm gì quá đáng đâu; ông chỉ tiếp tục một truyền thống.
Vào cuối năm 1983, để ngăn chận Hoa Kỳ mang hỏa tiễn sang Âu châu đối đầu với những hỏa tiễn Nga xô đã dàn ra từ lâu, cả một phong trào “hòa bình” nổi dậy ào ào, vẽ ra một viễn tượng khủng khiếp để dọa dẫm thiên hạ, phản đối vũ khí nguyên tử, phản đối ý định đối đầu với Nga xô. Xã hội Tây phương nhốn nháo, quần chúng hoang mang, hoảng hốt. Đài truyền hình Pháp hỏi ý kiến các nhân vật tai mắt: Triết gia André Glucksmann cả tiếng nhận định về sự sống còn của nền văn minh trong thời đại nguyên tử; tổng thống Francois Mitterand trầm ngâm đọc thơ Valéry; rồi khi đến lượt cựu thủ tướng Raymond Barre, ông này lại cũng không thua, viện dẫn đến y phục của bà De Guermantes trong bộ Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust.
Một bà giáo tuổi ngoại lục tuần chịu quá: “Tôi không thích ông Mitterand vì tôi không phải là đảng viên Xã hội. Nhưng xét ông ấy trong tư cách một nhà trí thức thì tôi phục quá đi mất.” Một nhà ngoại giao Mỹ ở Pháp nhận xét: Bên Pháp nếu một chính khách bị kẻ nào đó tung ra cái tin đồn là ông ta ít đọc sách thì tai hại không khác nào bên Mỹ một chính khách bị tung tin đồng tính luyến ái. Bị một quả như thế khó lòng khá nổi.
Regis Debray, nhà văn tả phái viết vừa tiểu thuyết vừa triết học, từng cặp kè với “Che” Guevara độ nọ, đã bảo: “Không có xã hội nào tâng bốc người trí thức kỹ như xã hội ta.” Kỹ chứ: thì chính Debray đang làm cố vấn cho Mitterand, tiểu thuyết gia Max Gallo làm phát ngôn viên chính phủ, cũng như André Malraux từng làm bộ trưởng dưới thời De Gaulle, Jean Giraudoux làm bộ trưởng Thông tin hồi Thế chiến thứ II v.v... Mà ngay những người lãnh đạo: De Gaulle, Mitterand, hay Pompidou, hay Giscard D'Estaing v.v... họ cũng đều là trí thức cả, họ làu làu thơ phú, thông sử thạo triết cả... Nếu không thế, sức mấy họ được các bà giáo già giáo trẻ kính phục, quần chúng quý trọng, cử tri dồn phiếu?
Ở Pháp văn chương, tư tưởng, văn nhân nghệ sĩ có vai trò rất quan trọng, không tâng bốc không xong. Mà có tâng bốc lắm khi vẫn không xong cho: Hạng ấy khó tính lắm cơ. Có lần phát ngôn viên chính phủ Max Gallo lên tiếng phàn nàn là giới trí thức không chịu ủng hộ tổng thống Mitterand. Có phàn nàn là có bận tâm, có buồn trong bụng. Ở Mỹ, trí thức ủng hộ hay không ủng hộ, chính phủ đâu thèm để ý đến làm gì. Có phiền chăng là phiền cái đám phóng viên truyền hình, phóng viên báo chí cứ chạy lăng xăng, nhặt những hình ảnh tin tức có lợi cho địch vậy thôi, còn triết gia với văn sĩ làm nhảm thứ gì mặc họ, can gì đến chính phủ.
Trông tình hình xã hội Pháp, ký giả Mỹ Stanley Meisler chịu nước này là một hiện tượng có một không hai trên hoàn cầu.[4]
Chuyện giữa Mỹ với Pháp thôi không xen vào làm gì. Chỉ biết Việt Nam ta trước theo truyền thống trọng văn của Tàu sau lại chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp, “hiện tượng có một không hai trên hoàn cầu” về mặt quý chuộng văn học; như vậy Việt Nam quý trọng văn nghệ sĩ là phải cách lắm.
Được cưng chiều quá đáng thường đâm hư hỏng. Nghệ sĩ tiền chiến, thuộc thế hệ mà Vũ Ngọc Phan xếp vào “lớp sau”, một số sống trụy lạc, trác táng: nhảy nhót, say sưa, nghiện ngập. Có kẻ đem ngay cái hư hỏng ấy ra mà phô trương như một thành tích. Thỉnh thoảng họ có thể ranh mãnh tự mắng qua loa mấy câu, rồi thì tha hồ nghênh ngang hưởng lạc vô trách nhiệm và tự ca ngợi mình như những chí lớn thất thế, những tâm hồn nghệ sĩ siêu đẳng v.v..., khinh thị cái xã hội cần lao, coi sự đứng đắn chăm chỉ như một bằng cớ của tầm thường, coi sự nghiêm chỉnh lành mạnh như một tang chứng của ngờ nghệch. Từ hạng quan tham nhật trình trở lên, họ đua nhau biểu diễn nhiều trò lố lăng của đời sống “nghệ sĩ” khắp các trà đình, tửu điếm, nhà chứa, tiệm hút v.v...
Như thế cho đến 1945. Rồi thời thế đổi khác, trong văn chương thì hạng nhân vật lanh tay lẹ mắt như cậu Lãnh Út trong Chùa Đàn thoắt cái đã tự biến mình ra một con số; đang họanh hoẹ giữa những rượu ngon với cô đầu với đàn hát, thấy khí thế đằng đằng xung quanh, rụp một cái, cậu “hóa” ngay ra một... nhà cách mạng, tù tội hẳn hoi, thể thống ra phết. Ấy, “cậu” lanh trí như thế quyền biến như thế mà vẫn không được tha thứ, từ ấy đến giờ chẳng bao giờ được nhà nước cho ló mặt ra, vì cái nhà cách mạng nọ vẫn cứ ra làm sao ấy! Chùa Đàn [5] không hề được tái bản.
Dầu sao nhân vật vẫn dễ xoay xở hơn tác giả. Sau 1945 các tác giả ngoài Bắc không thể nhất đán biến ra được cái gì ngoạn mục cả, người nào người nấy bị bắt buộc phải đấm ngực thùm thụp, tự sỉ vả mình, tự chối bỏ mình, thề thốt inh ỏi cả lên, xin nhất quyết vâng lời lãnh đạo... Rồi thì tất cả danh sĩ từ những kẻ khiêm cung từ tốn cho đến cái đám từng cao ngọa các thanh lâu, tửu điếm, đều bị xua làm những trò ti tiện: tranh nhau nhớ râu thương dép nhao nhao. Danh sĩ kẻ trước người sau hóa thành hề: mỗi lần được vinh dự nói đến Bác là hoặc rút mùi-xoa chặm nước mắt giả, hoặc chắp tay ngước mặt đờ đẫn, thế mà vẫn lo chưa diễn tả được hết vẻ hèn mọn.
Ở Miền Nam văn nghệ sĩ không bị đè bẹp dí dưới chân lãnh tụ, nhưng văn nghệ sĩ cũng không còn ngất ngưởng như xưa.
Có lần Nguyễn Ngu Í đến phỏng vấn Sơn Nam. Ngu Í nói: “Bây giờ, hễ nói đến Miền Nam thì người ta nhớ ngay đến Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam. Còn với anh em văn nhân toàn quốc, anh cũng có ‘hạng’”.[6] Sau câu nói ấy Ngu Í nhận thấy: “Anh không cãi lại điểm này.”[7] Kẻ nói và người nghe không cãi, cả hai có lý: Sơn Nam là một trong những tiểu thuyết gia có tiếng nhất Miền Nam. Nhưng khi chuyển sang chuyện làm chính trị, Ngu Í nhận xét: “Bây giờ phiêu lưu vào con đường chánh trị cam go, anh sẽ được gì? Ghế bộ trưởng, đổng lý văn phòng, chắc chẳng ai giao cho anh đâu, mà cả cái chức tỉnh trưởng...”[8] Tức thì Sơn Nam đưa tay lên: “Đừng nói gì đến cái chức tỉnh trưởng, quận trưởng cũng chẳng ai dám giao chức ấy cho mình.”[9] Cả hai lại có lý nữa! Không những văn nghệ sĩ không được mời vào các chức vụ chính trị, hành chánh, mà thậm chí những công việc chuyên về văn học nghệ thuật họ cũng không được giao cho nữa: Văn hóa vụ trưởng, Quốc vụ khanh Văn hóa v.v... chẳng bao giờ là một văn nghệ sĩ, một học giả cả.
Có thể bảo đây không còn là thời thái bình mà nhà nước muốn rước các văn nhân danh sĩ vào làm thơm tho chế độ. Đây là một thời nhiễu nhương, đời sống khó khăn, chiến tranh ác liệt, khắp nơi toàn những giết chóc, giành giật dữ dằn, không thích hợp với văn nghệ sĩ. Vả lại sự kiện không được nhà nước mời mọc đâu có làm giảm giá nhà văn? Sự trọng đãi của chính phủ không quý bằng lòng ái mộ của quần chúng, sự trọng vọng của xã hội.
Có thể lắm. Tuy nhiên ngay cả những cái ấy nhà văn của thế hệ này cũng không được hưởng bao nhiêu. Cứ xem trường hợp Sơn Nam thì biết: đó là một trong vài “Nam kỳ danh sĩ” chứ phải chơi sao. Ông ở trọ năm năm liền một căn nhà nhỏ hẹp, trong một con hẻm, cạnh một rạp chiếu bóng nên rất ồn. Ông sống như một cậu học trò trung học, thường khi lẫn lộn với họ trong nhà trọ, và ông khoe “bà chủ trọ hiền từ, đối đãi với tôi như con cháu trong nhà”.[10]
Cái thái độ của quần chúng, của xã hội đối với một nhà văn danh tiếng chỉ có vậy thôi: coi như con cháu trong nhà. Tôi tưởng tượng một người như thế khó treo bảng như Huyền Kiêu trước cửa, mặc dù mức độ thành đạt của Sơn Nam tứ tuần hẳn phải cao hơn của Huyền Kiêu thuở thiếu thời.
Vì sao mà địa vị của người cầm bút bỗng dưng xuống thấp như vậy? Họ đã làm điều gì sai quấy? Hay đồng bào ta đã đánh mất cái truyền thống trọng văn đi rồi?
Thiết tưởng sự tình này không do văn nghệ sĩ cũng không do đồng bào. Thủ phạm là cuộc chiến tranh, hay nói cho đúng hơn là tình hình đất nước từ sau cuộc Thế chiến thứ II. Tình hình ấy thường khiến cho các hoạt động chính trị và quân sự áp đảo hẳn sinh hoạt văn học nghệ thuật.
Có một thời câu chuyện gửi bó rau sắng chùa Hương, gửi mớ que diêm Thanh Hóa làm đóm hút thuốc lào cho thi sĩ Tản Đà, rồi những thơ qua thơ lại ỡm ờ được người đời theo dõi, thích thú, nhắc đi nhắc lại hoài mấy năm chưa chán. Nhưng lại có thời khác chuyện sống chết của mọi người, chuyện mất còn của đất nước được định đoạt trên bàn hội nghị hay trên chiến trường: lúc bấy giờ chỉ có các ông tướng với các chính trị gia là quan trọng. Đất nước càng gặp gian truân, những nhân vật nọ càng thu hút sự chú ý của dư luận. Còn văn nhân chẳng ai ghét bỏ gì, nhưng họ bị lu mờ, họ tự xóa trong cảnh gió bụi.
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,
Khách văn thơ nhiều nỗi thiệt thòi.”
Nguyễn Hiến Lê có lần nói một câu chua chát: “Trong những thời loạn thì văn hóa chỉ đóng một vai trò chạy cờ, nghĩa là một vai trò rất phụ, có thì thêm rôm mà chẳng có thì cũng chẳng ai thấy thiếu.” (Tin Sách, số tháng 5-1965). Con người nói ra câu ấy tận tụy đóng vai trò chạy cờ suốt ba mươi năm loạn lạc của đất nước, cho đến khi nước nhà có hòa bình thì ngưng bút hẳn. Ít ra là ngưng viết lách công khai. Oái ăm là thế. Loạn lạc tuy vậy vẫn chưa tai hại cho văn hóa bằng độc tài.
 
Nói sinh hoạt văn nghệ bị hoạt động quân sự và chính trị áp đảo, nói nhà văn sau 1954 bị lu mờ, nói vậy không hề hàm cái ý ở Miền Nam bấy giờ nhà văn “xuống nước”, phải quỵ lụy giới chính trị và quân sự. Ở Miền Nam trong hai mươi năm tuyệt nhiên không có thứ thơ văn ca ngợi lãnh tụ, xưng tụng các nhân vật quyền thế. Trái lại, thơ văn đả kích chế giễu nhà cầm quyền đã có lúc thịnh hành thành phong trào. Thật vậy, sau 1963 những Chu Tử, Sức Mấy, Kiều Phong, Đạo Cấy v.v... liên tiếp “đánh phá” lung tung, từ chánh phó Tổng thống, Chủ tịch Quốc hội cho đến các tướng tá, tỉnh trưởng, trên gần khắp các báo hàng ngày, hàng tuần. Lời lẽ của họ sát phạt, cay độc, lắm lúc hỗn xược thậm tệ, không chút kiêng nể gì. Ngay cả một tổ chức hàng năm vẫn nhận trợ cấp của chính quyền như hội Bút Việt mà có lúc vẫn lớn tiếng công kích chính quyền. Chính quyền định cúp tài trợ, Bút Việt đòi kiện trước Quốc hội. Về vấn đề này, linh mục Thanh Lãng trình bày không chút mặc cảm: “... từ 18 năm nay, tức là từ ngày có Văn bút, từ đầu năm 1957, hàng năm Ngân sách Quốc gia vẫn đài thọ cho Văn bút một ngân khoản, để sinh hoạt nội bộ và đi dự hội nghị quốc tế. Ngân khoản đó đã từng được đưa ra thảo luận tại Quốc hội. Ngân khoản đó, tài trợ cho Văn bút không phải để Văn bút trả lương cho hội viên. Tất cả mọi người làm việc cho Văn bút đều không có lãnh lương lậu gì cả. Nguồn tài trợ đó chỉ để tiêu cho các sinh hoạt thuần túy văn hóa: tổ chức giải thưởng Văn học hàng năm, tổ chức các cuộc nói chuyện hàng tháng, sinh hoạt hội thoại hàng tuần.
Theo quan niệm đại học, ngân sách quốc gia phải đài thọ Văn hóa cũng như đài thọ cho Y tế để xây nhà thương, trả lương bác sĩ để chữa bịnh cho dân, đài thọ cho Giáo dục để xây trường trả lương giáo chức dạy học, đài thọ cho Công chánh để làm đường, bắc cầu cho dân đi.”[11]
Đó là một điều. Lại vẫn có điều nữa phải nói thêm cho rõ. Trên đây, chúng tôi bảo văn nhân trong thời kỳ này bị lu mờ, tuy “chẳng ai ghét bỏ gì”. Nói thế e có thể bị hiểu một cách quá đáng. Sao mà đến nổi ghét bỏ. Ở đâu trên thế gian này lại có nơi người ta ghét bỏ văn nhân nghệ sĩ? Chẳng qua là sau 1954, thời buổi nhiễu nhương khổ ải có đánh trụt sự sùng bái chữ nghĩa nơi đồng bào ta, chứ còn đối với văn nghệ sĩ có bao giờ đồng bào không quý không yêu? Yêu như chủ nhà trọ yêu thương Sơn Nam. Yêu như một người bạn tù yêu quý Hà Thúc Sinh: mới quen biết nhau trong tù, người bạn thức khuya dậy sớm, chăm nom thuốc thang, đổ phân đổ đái cho Phạm quân vì đã đoán không lầm Phạm quân là một người văn nghệ; ra ngoài tù người bạn không nề đạp xích-lô chở Phạm quân dạo phố Sài Gòn, tìm mối cho Phạm quân đi chui vượt biển, rồi lúc nguy biến không ngần ngại hi sinh thân mình để cứu văn nghệ sĩ và hai cái xắc chứa bản thảo.[12] Liệu ở đâu, ở thời nào có thể tìm được một lòng yêu quý cao hơn, một sự tin tưởng sâu hơn đối với văn nhân thi sĩ, lòng yêu quý tin tưởng làm chúng ta ai nấy hổ thẹn, ngại mình không xứng đáng. Những “danh sĩ” thời nay có mất đi cái trọng vọng bên ngoài, họ lại được sự tin yêu trong lòng đồng bào.
Anh cựu sĩ quan bảo anh cựu sĩ quan thi sĩ: “... tao biết từ lâu mày là thằng viết lách.” “Mày cứ biết rằng tao từng đọc thơ của mày trên Văn.” [13]
Đó là lý do tin yêu. Cứ “mày” với “tao” thế thôi. Chẳng cần cung kính trọng vọng gì ráo; những “mày” với “tao”, trong xưng hô ấy biết bao nhiêu tình. Không ngôi vị cao sang trong xã hội nữa, nhưng mật thiết gắn bó với xã hội với quần chúng hơn xưa: phải chăng đó là một đặc điểm trong cái vị trí của người văn sĩ thời kỳ 54-75? Thời kỳ mà bom đạn, chết chóc đã làm tan tác những hia mão xênh xang, những phù danh hư ảo, để chỉ còn trơ lại... tấm chân tình?
 
Thành phần
 
Chúng ta vừa nói về cái cương vị của nhà văn trong xã hội, về thế giá của họ, về cái độc lập tinh thần của họ đối với nhà cầm quyền. Những cái đó tùy thuộc ít nhiều ở cuộc sống vật chất của họ: họ sinh sống bằng những nghề nghiệp gì, mức sống ra sao v.v...
Trong khi ở Miền Bắc đội ngũ công tác văn nghệ do nhà nước nuôi (và dạy), thì ở Miền Nam nhà văn phần nhiều sống đời vật chất ít dính dấp đến chính quyền.
Trong một danh sách 33 nhà văn viết tiểu thuyết, phóng sự, bút ký, quen biết nhất đối với độc giả Miền Nam, tôi nhận thấy 19 vị làm những nghề tự do, 9 vị là giáo chức, 4 vị là quân nhân, chỉ có một người là công chức.
Nghề tự do chiếm gần 58%, trong đó đa số là nghề làm báo. Nhiều vị làm chủ báo (như Chu Tử, Mai Thảo, Viên Linh, Mặc Đỗ, Nguyễn Thị Vinh v.v...), những vị khác hoặc viết bài hoặc trông coi tòa soạn các nhật báo, tạp chí v.v... (như Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Nguyễn Mạnh Côn, Nhã Ca, Thụy Vũ, Lê Xuyên, Trùng Dương v.v...).
Giáo chức từ tiểu học đến đại học chiếm 27%, trong số này có những vị về sau không còn dạy học nữa, mà lại phục vụ trong quân đội. Nhân tiện cũng xin thưa rằng trong khi phân chia chúng tôi không xem những vị nguyên là giáo chức bị động viên hay đang làm nghề tự do bị trưng tập vào quân đội là những quân nhân: chúng tôi xếp các vị ấy vào nghề cũ. Tuy nhiên đối với những vị bất cứ vì lý do nào đã vào quân đội khá lâu, cuộc đời trong quân ngũ dài đôi ba mươi năm, dài suýt soát bằng cuộc đời làm văn nghệ, thì chúng tôi xem như là quân nhân chuyên nghiệp. Cái tỉ số khá cao của giáo chức trong văn giới cũng là một điều có ý nghĩa, bởi vì sau nghề tự do thì nghề dạy học có lẽ là hưởng được nhiều độc lập hơn cả: ở Miền Nam vẫn có chủ trương chính trị không xâm nhập học đường.
Cộng lại, hai thành phần nghề tự do và nghề giáo chiếm 85% tổng số nhà văn Miền Nam.
Trong giới biên khảo thì thành phần giáo chức (đại học) nhiều nhất. Trong một danh sách 14 vị, có đến 7 vị là giáo sư đại học (50%), 5 vị làm nghề tự do (36%).
Trong giới thi sĩ thì thành phần làm nghề tự do và thành phần quân nhân số lượng suýt soát ngang nhau. Lớp thi sĩ này nếu không bị kẹt trong quân đội (như Nguyễn Bắc Sơn, Hà Thúc Sinh, Hà Thượng Nhân, Tô Thùy Yên v.v...) thì vẫn thích nghêu ngao ngoài vòng cương tỏa (như Tú Kếu, Trần Dạ Từ, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Đức Sơn v.v...) hơn là tự trói buộc vào khuôn khổ mô phạm nên lảng tránh giáo nghiệp?
Một cái nhìn thoáng qua cho ta thấy so với lớp văn nghệ sĩ tiền chiến thì lớp 54-75 có nhiều thành phần quân nhân và giáo chức hơn. Hồi tiền chiến không có những Văn Quang, Thanh Nam... - những quân nhân - cái đó dễ hiểu. Nhưng còn giáo chức, tại sao sau 1954 dưới mái trường bỗng phát ra văn tài đông đảo?
Số là trong thời buổi chiến tranh nghề giáo quả có chỗ được ưu đãi nên thu hút nhiều nhân tài. Ở Miền Nam sau 1954 sĩ số ở mọi cấp tăng lên vùn vụt: số trường và số thày đều không theo kịp nhu cầu. Nhà nước đã không đào tạo kịp thày giáo thì chớ, nhà nước nỡ nào bắt đi những thày giáo đang dạy tại lớp? Bởi vậy trong khi thanh niên làm việc tại các ngành khác đến tuổi quân dịch đều bị gọi vào quân trường thì giáo chức dễ xin hoãn dịch vì lý do nhu cầu công vụ.
Mặt khác đời giáo chức thời chiến vẫn thuận lợi cho việc trước tác hơn các cuộc đời khác. Giáo chức ít gặp gian truân, được gần sách vở: ngày ngày giảng dạy ở trung, đại học, và lui tới đều đều các thư viện tại thủ đô chẳng hạn, thật là một hoàn cảnh thích hợp cho việc biên khảo.
Trong khi ấy nhiều khả năng văn nghệ một khi bị cuốn vào guồng máy chiến tranh ở các khu vực hoạt động náo nhiệt khác đành không có cơ hội phát triển. Duy Lam ngay ở những tác phẩm đầu tay đã chứng tỏ một tài năng có nhiều triển vọng, được Nhất Linh tin cậy; thế nhưng rồi về sau mỗi lúc trách nhiệm trong quân đội của ông mỗi nặng nề, làm sao ông còn có thì giờ và tâm trí để suy tưởng, sáng tác nữa. Lại như Lôi Tam từ thuở còn là sinh viên đã xuất hiện trên tạp chí Sáng Tạo; nhưng sau khi rời học viện Quốc gia Hành chánh ông chợt biến mất khỏi văn đàn. Từ một chức phó quận trưởng miền núi ngoài Trung cho đến chức Tổng thư ký Giám sát viện, lúc tả xông hữu đột để giữ một căn cứ hẻo lánh bất an, và cũng để giữ lấy mạng sống của mình, khi bù đầu vào những lem nhem tràn ngập một bộ máy chính quyền bị kẹt cứng vì nạn tham nhũng: làm sao viết nổi! Những Đỗ Tiến Đức bên hành chánh, Giao Chỉ bên quân đội, có thể đã lâm trường hợp ấy cả. Cả việc quan lẫn việc quân đều trở ngại cho sáng tác như nhau. Đây không phải cái thời làm quan phong lưu như thời Chu Mạnh Trinh, thời Ưng Bình Thúc Giạ Thị.
Cho nên giả sử ở một hoàn cảnh khác, hoàn cảnh cho phép mọi người ở mọi ngành hoạt động cùng được hưởng cuộc sống tương đối thoải mái như ngành giáo dục, chắc chắn thời kỳ văn học 1954-75 sẽ phong phú hơn nhiều. Chắc chắn chứ. Có hoàn cảnh tốt, không chắc viết hay hơn (thật ra nào ai biết được có cái gì thì viết hay?); nhưng có hoàn cảnh tốt thì dễ viết được nhiều hơn, thì dễ có nhiều người viết hơn: như vậy không đủ quý rồi sao?
 
Phái tính
 
Đã nói về thành phần trong văn giới, nên có sự phân biệt hai thành phần này: nam và nữ. Nói chung, suốt thời kỳ 54-75 trong văn giới nữ phái vẫn còn ít hơn nam phái, mặc dù so với thời tiền chiến thì đã thấy có sự gia tăng rõ rệt. Hồi tiền chiến chỉ có dăm ba nữ thi sĩ, và một nữ tiểu thuyết gia; thời 1954-75 ở Miền Nam nữ giới viết tiểu thuyết mỗi lúc mỗi nhiều. Tuy nhiên vẫn có một địa hạt vắng bóng phụ nữ: biên khảo. Viết từng bài khảo luận thì phụ nữ có viết, lắm khi viết về những vấn đề chuyên môn ở trình độ cao; nhưng chuyên khảo hẳn về từng đề tài, biên soạn thành sách thì không thấy. Vào thời kỳ ấy chúng ta có nữ luật sư, nữ bác sĩ, nữ giáo sư, nữ chủ nhiệm, chủ bút v.v... nhưng không có nữ học giả, nữ biên khảo gia.
Như thế không hẳn là phụ nữ tiến chậm. Ít ra trong thời kỳ này và riêng trong địa hạt văn học, phụ nữ tiến nhanh hơn nam giới. Ban đầu thì thấp, càng về sau tỉ số nữ sĩ trên văn đàn càng tăng cao và càng thêm thế chủ động.
Nhớ có lần, trên tạp chí Bách Khoa, Nguyễn Mộng Giác từng để ý đến hiện tượng ấy. Ông đặt ra một mốc thời gian: Đó là khoảng những năm 1965, 1966. Trước đó lớp người chủ động trên văn đàn toàn gồm nam phái. Sau 1966, nữ phái xuất hiện ngày một nhiều: Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca, Túy Hồng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Thụy Vũ v.v... Tên tuổi họ có mặt thường xuyên trên các tạp chí, nhật báo; có năm họ chiếm cả ba giải của Giải thưởng Văn học Nghệ thuật toàn quốc; họ dẫn đầu số sách phát hành. Vào những năm cuối cùng của thời kỳ, hàng ngũ của họ lại được tăng thêm nữa: Trần Thị NgH, Lệ Hằng, Nguyễn Thị Ngọc Minh, Du Li, Vô Ưu...
Tại sao vậy? Lại vẫn chiến tranh! Trong thời giặc giã làm thân trai chỉ có một đường, là chúi đầu vào sách vở, học liên miên, học ráo riết. Nhà nước ấn định số tuổi tối đa được hưởng hoãn dịch vì lý do học vấn, đến tuổi ấy mà không lên đến lớp ấy thì phải xếp sách đi vào quân trường. Cho nên con gái được phép hỏng thi, con trai thì không. Con trai hỏng thi có thể hỏng cả một đời. Văn chương thơ phú con trai không dám nghĩ tới, làm sao mà ra đời thành văn thi sĩ được. Đầu năm 1975 nha Sinh hoạt Học đường thuộc bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên có tổ chức một cuộc thi dành cho báo Xuân học đường. Giải nhất về tay trường Gia Long (Sài Gòn), giải nhì trường Bùi Thị Xuân (Đà Lạt): toàn trường nữ cả! Trong tổng số sáu giải thưởng, trường nữ chiếm hết bốn. Từ lớp 12 tiến lên thành cô tú, rồi ra đời, mấy chốc. Các cô tú lấn át các cậu tú mạnh đến thế, cứ đà này tương lai văn nghệ Miền Nam thuộc về nữ phái là cái chắc.
Ngày xưa Xuân Diệu từng có lần kêu:
Mùa thi sắp tới! - em Thơ,
Cái hôn âu yếm xin chờ năm sau!”
Thuở ấy hỏng thi chẳng qua không được làm tham tá sở Đoan mà một thi sĩ tài danh đã phải chọn thi trước thơ, huống chi sau này chuyện hỏng thi mở ra cả một viễn tượng hãi hùng.
Chiến tranh chèn ép nam giới ủng hộ nữ giới không thể chối cãi. Tôi còn nghĩ rằng giá hoàn cảnh xã hội thuận lợi hơn thì số văn nghệ sĩ nữ phái ở Miền Nam còn cao hơn nhiều nữa. Vì quả thực mãi đến thời kỳ này phái thứ hai vẫn còn chịu lắm ràng buộc trong gia đình hơn phái thứ nhất. Để ý mà xem, một phần rất lớn các nữ sĩ của chúng ta đều có chồng đồng nghiệp: Mộng Tuyết, Nhã Ca, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Túy Hồng, Phương Khanh, Nguyễn Thị Vinh, Tuệ Mai, Nguyễn Thị Hoàng, Hoàng Hương Trang v.v... Chàng có cầm bút nàng mới cầm vững được cây bút của nàng. Không thế, bút nàng trước sau rồi cũng đến rơi mất. Các nữ sĩ cần sự tán trợ của chồng, trong khi ấy nam phái không cần: dù vợ làm gì đi nữa, chồng vẫn cứ viết văn làm thơ được như thường. Tất nhiên tình hình ấy không do luật pháp qui định, chẳng qua nếp sống gia đình và xã hội hãy còn gây trở ngại cho hoạt động nghệ thuật của nữ giới. Dù sao hoàn cảnh thay đổi dần, mỗi lúc mỗi thuận lợi. Hình như những nữ sĩ lớp sau chót, như Lệ Hằng, Vô Ưu, Trần Thị NgH, Nguyễn Thị Ngọc Minh v.v... không cần sự tán trợ từ gia đình nữa.
Thành thử đứng về phương diện phái tính, văn học Miền Nam thời kỳ 54-75 càng ngày càng nghiêng về nữ phái. Thời gian ủng hộ hồng quần. Thoạt đầu trên văn đàn nghe tiếng ồm ồm, cuối cùng nghe ra eo éo. Dù sao trên một danh sách sáu chục văn thi sĩ (kể cả biên khảo gia), tính ra vẫn chỉ có chừng mươi nữ sĩ: 17 phần trăm. Nam phái chỉ kịp trông thấy một viễn tượng thua sút, chứ kỳ thực chưa nếm mùi thua sút.
 
Mức sống
 
Bây giờ chúng ta muốn biết chút gì cụ thể về đời sống vật chất của nhà văn. Và điều đó thật khó. Bởi vì tài sản của mỗi người, lợi tức hàng năm hàng tháng của mỗi người, những cái ấy ở ta chẳng bao giờ được thống kê cả. Muốn biết tài sản và lợi tức của những tướng lãnh, những viên chức cao cấp trong chính quyền, những người có lương bổng nhất định, rõ ràng, còn khó thay, huống hồ đi tìm biết tài sản lợi tức của văn nghệ sĩ, của hạng người làm nghề tự do, cái thu đã bất thường mà cái chi càng bất thường hơn nữa. Trong giai đoạn mà tham nhũng thành một tai tiếng ở Miền Nam ai nấy đều muốn có một tài liệu minh bạch về mức độ giàu có của các giới lãnh đạo quân chính, thế nhưng rốt cuộc cho đến ngày nay chúng ta vẫn chỉ có những lời đồn đại phỏng đoán về va-li vàng của ông này, về trương mục của ông nọ, tất cả đều mơ hồ. Thế thì làm sao mong có được cái gì “cụ thể” về các nhà văn! Sau đây chẳng qua là những suy đoán căn cứ trên sự quan sát trong những dịp tiếp xúc giữa bạn bè với nhau, vậy thôi.
Trước hết trong xã hội các nhà văn cũng có sự khác biệt nhau như ở cái xã hội rộng lớn bên ngoài. Có nhà văn giàu cũng có nhà văn nghèo. Cái giàu ấy thường không do lợi tức văn chương mà do những khoản thu từ văn phòng luật sư, từ phòng mạch bác sĩ, từ một trường tư thục, một cơ sở kinh doanh do vợ điều khiển v.v... Nghiêm Xuân Hồng, Nguyên Sa, Ký Giả Lô Răng, Trần Ngọc Ninh v.v... sống sung túc. Trái lại, có những văn thi sĩ nghèo như Nguyễn Đức Sơn, Bùi Giáng, Kiêm Minh, Hoàng Ngọc Tuấn, Doãn Dân v.v..., hoặc sống lang bạt ở đô thành hoặc lao tác vất vả ở một góc rừng xa.
Phần lớn các văn nghệ sĩ đều có nghề sinh sống ngoài văn thơ; cái lợi tức như thế không liên hệ đến văn chương nên không nói làm gì. Mà riêng về cái lợi tức của nghề văn, vấn đề cũng không đơn giản. Nếu chỉ kể tiền nhuận bút các bài đăng báo và tiền tác quyền các sách được xuất bản thì chẳng là bao. Nhuận bút từ các tạp chí chỉ là những món tiền nhỏ, mà tác quyền một cuốn sách cũng không phải là món thu trông cậy để nuôi sống gia đình. Vào khoảng 64, 65 về trước, một cuốn sách vài trăm trang bán chừng 50$. Trừ những tác giả được quần chúng hâm mộ, sách ít khi in hơn 2.000 bản lần đầu; cho rằng sách được in đến mức ấy thì tác quyền 10% vẫn chỉ là 10.000$. Trong khi đó lương cán bộ phù động của chính quyền cũng hơn 3.000$ mỗi tháng, tức gần 40 nghìn một năm. Mà lương cán bộ thì năm nào cũng có tháng nào cũng lãnh, chứ nhà văn làm sao dám chắc năm nào cũng được xuất bản một cuốn sách? Lương là khoản thu thường lệ, còn tác quyền vẫn được xem như một khoản bất thường, một dịp vui mừng đánh dấu một thành công nghệ thuật. Bởi vậy cách tiêu tiền lương và tiền tác quyền có khác. Còn nhớ Y Uyên khi được nhà Nguyễn Đình Vượng nhắn tin, từ Phú Yên về Sài Gòn lãnh hình như bảy nghìn (?) đồng tiền tác quyền tập truyện Ngựa tía, thì ngay đêm hôm ấy rủ bạn bè ăn chả cá ở đường Lý Trần Quán, rồi kéo nhau đi vui chơi, tiêu sạch khoản tiền sách trước khi trời sáng.
Tuy vậy không thể bảo nhất định chỉ viết văn viết sách thì không thể sống nổi. Thỉnh thoảng, thực tế vẫn đưa ra những chứng minh ngược lại. Một nhà văn thành công, được độc giả yêu thích tương đối rộng rãi, biết dung hòa quan niệm sáng tác của riêng mình với nhu cầu của quần chúng, lại khéo biết tính toán cân nhắc, thì vẫn có thể sống đầy đủ bằng lợi tức các tác phẩm. Như ông Nguyễn Hiến Lê chẳng hạn. Trong suốt một thời gian dài gần vài mươi năm, ông chỉ viết văn thôi, không làm một việc gì khác, mà luôn luôn giữ được mức sống khá cao. Vào giai đoạn sau cùng, ông ở một ngôi biệt thự lầu; trong thời buổi lạm phát phi mã không lúc nào thấy ông gặp lúng túng, lo ngại; ngoài ra còn có thể dành dụm cho một tuổi già phong lưu.
Nhiều vị khác cũng lấy ngòi bút làm sinh kế duy nhất, như Bình Nguyên Lộc, Mai Thảo, Sơn Nam, Ngọc Linh, Lê Xuyên, Duyên Anh, Nhã Ca v.v... và cũng sống vững. Tuy nhiên ở đây cái gọi là “lợi tức của nghề văn” có nghĩa rộng rãi hơn, không chỉ gồm có nhuận bút và tác quyền. Ngoài những khoản thu có tính cách bất thường ấy, còn có một món lương hàng tháng: hoặc lương thư ký tòa soạn, lương chủ bút, lương chủ nhiệm, hoặc lương phụ trách trang thiếu nhi, trang phụ nữ, trang thể thao v.v... cho một tờ nhật báo; hoặc lương tổng thư ký một tuần báo, một tờ tạp chí nào đó.
Trong các thứ “lương” hàng tháng trả cho một cây bút, ở Miền Nam còn có món này: lương viết truyện phơi-dơ-tông. Theo Thanh Nam, địa vị của truyện đăng nhật trình trong Nam quan trọng hơn ngoài Bắc nhiều lắm, ngay trước 1954 đã xảy ra cái hiện tượng Ngọc Sơn – Phi Long: Hai tờ nhật báo Tiếng Chuông và Sài Gòn Mới giành nhau Ngọc Sơn (còn ký bút hiệu khác là Phi Long), từ 15 nghìn mỗi tháng trả lên đến 50.000$ một tháng! Nhật báo với số phát hành lớn, nhằm vào quảng đại quần chúng, cho nên trong giai đoạn đầu của thời kỳ 1954-75, không có mấy nhà văn tên tuổi chịu viết truyện bình dân. Nhưng sau 1963, nhật báo tung ra nhiều rồi lạm phát tăng mạnh thì kẻ trước người sau khá nhiều nhà văn líu ríu gia nhập hàng ngũ những cây bút phơi-dơ-tông. Bấy giờ không nghe có ai đạt đến số lương của Ngọc Sơn trước kia, nhưng lương phơi-dơ-tông vẫn là một món thu đáng kể vào một giai đoạn khó khăn.
Trên nhật báo Chính Luận số ra ngày 4 tháng 2 năm 1974 có kẻ lược tính về chi phí hàng tháng cho một gia đình bảy người: độ 47 nghìn đồng, chưa kể các khoản bất thường về xăng nhớt cho xe, sách báo, quần áo, thuốc men. (Cộng thêm những khoản ấy vào thì độ chừng 65 nghìn đồng.) Đó là căn cứ trên giá gạo mỗi tạ 16 nghìn đồng, tiền chợ mỗi ngày 400$, giá dầu hôi một lít 140$. Lúc bấy giờ một nhà văn viết được sáu cái truyện nhật trình đều đều, mỗi truyện lãnh 10 nghìn một tháng, là đủ nuôi gia đình.[14] Sáu cái truyện, có nhiều đấy; nhưng một số nhà văn không chịu viết có sáu cái, mà còn nhiều hơn nữa, mười cái chẳng hạn.[15] Nếu không viết đến sáu cái thì hãy bằng lòng đôi ba cái thôi, cộng với lương thư ký tòa soạn, lương phụ trách trang nọ trang kia, thỉnh thoảng cộng thêm món tác quyền của một vài cuốn sách vừa xuất bản hay tái bản, thế cũng xong.
Gia đình bảy người chỉ một người ngồi nhà viết lách tí toáy, vợ nghỉ ngơi toàn thời gian tại gia, con đi học toàn thời gian tại trường: so với cuộc sống của chúng ta ở Hoa Kỳ hiện nay thì nhà văn Miền Nam bấy giờ dễ chịu quá rồi.
Trên đây là sự phỏng tính chung chung, bây giờ thử đưa ra vài trường hợp cụ thể. Đầu năm 1969, Lê Phương Chi có phỏng vấn sáu nữ sĩ để tìm hiểu về ‘Thời cuộc và đời sống’, bài này đăng trên tạp chí Bách Khoa số 292 (ra ngày 1 tháng 3 năm 1969). Trong các nữ sĩ được phỏng vấn có Túy Hồng và Nhã Ca. Gia đình Túy Hồng và gia đình Nhã Ca cả vợ chồng cùng là văn sĩ; họ là những cặp thuần túy nghệ sĩ, sống bằng ngòi bút.
Vào độ ấy Túy Hồng kêu than: “Cuộc sống của chúng tôi cực khổ và lem luốc lắm anh ạ.” Tuy nhiên khi Lê Phương Chi hỏi kỹ hơn, nữ sĩ cho biết vợ kiếm hàng tháng ba chục nghìn, chồng “cũng vậy”. Cả hai sáu chục nghìn đồng một tháng, tiền thuê nhà bảy nghìn đồng. “Kiếm thì cũng khá, nhưng chúng tôi tiêu hoang quá. Thanh Nam xài rộng quen rồi khó mà thu hẹp.” (Cũng trên cùng một số báo Bách Khoa này, Thế Uyên có nhắn tìm một căn nhà thuê cho gia đình ở, khoảng ba nghìn đồng mỗi tháng.)
Về phần gia đình Nhã Ca, theo lời Trần Dạ Từ thì lợi tức của Nhã Ca mỗi năm về sáng tác phẩm vào khoảng sáu trăm ngàn đồng. Cộng thêm với lợi tức làm báo của Trần nữa thì vượt xa gia đình Túy Hồng Thanh Nam.
Bảy trăm nghìn một năm mà không “tiêu hoang quá” thì cũng không đến nỗi cực khổ lem luốc, huống hồ hơn một triệu một năm tất nhiên dù là gia đình văn nghệ thuần túy cũng có thể thảnh thơi như thường.
Nói vậy nhưng vào những ngày tháng cuối cùng của chế độ, khi vật giá leo thang ngày một, khi hạm gạo bị lôi ra bắn mà khủng hoảng kinh tế cũng không giải quyết nổi thì dù làm nghề gì đi nữa cũng không thể tránh khỏi những lúc lận đận. Giá gạo tháng 2-74 là 16 nghìn đồng, hồi tháng 1-74 chỉ có 11 nghìn, và đến 11-74 là 23 nghìn. Tiền chợ tháng 2-74 chi 400$, đến tháng 11-74 phải đến 835$ mỗi ngày. Tháng 2-74 mỗi sáng bỏ ra 150$ điểm tâm tạm đủ, tháng 11-74 phải chi ngót 350$ mới gọi được là lót lòng v.v... Cho nên Tết năm ấy, cái Tết cuối cùng của Miền Nam tự do, giai phẩm Bách Khoa gửi phóng viên đi hỏi han về đời sống của giới cầm bút thì ai nấy kêu trời như bọng: Kêu túng, kêu thiếu, kêu đói. Nguyễn Thị Thụy Vũ làm om sòm: bà phải “đi khách” văn nghệ (tức viết bừa viết bãi cho báo hàng ngày), bà phải hành nghề bói bài để kiếm sống (thì cũng như Tản Đà xem tướng số!).
Dù sao trừ một giai đoạn đặc biệt bất thường, tôi không nghĩ rằng người văn sĩ trung bình của thời kỳ 54-75 bị khó khăn về vật chất. Bởi vì ngoài các nhu cầu của cuộc sống hàng ngày, một số lớn văn thi sĩ Miền Nam bấy giờ còn đủ sức chủ trương những nhà xuất bản. Đó là điều không phải lúc nào cũng làm được.
Có tác phẩm đưa cho nhà xuất bản chuyên nghiệp in để nhận tác quyền, như thế “khỏe” nhất, giản dị nhất. Tuy nhiên nhiều tác giả vẫn muốn tự in lấy sách của mình. Thứ nhất là để có tiền nhiều hơn gấp hai gấp ba. Thứ nhì là mình có thể chọn in cuốn nào tùy thích, in của mình và của bạn bè mình. Mang bản thảo đến nhà xuất bản phải chịu sự định đoạt của họ: có những cuốn mình thích mà họ từ chối, có những cuốn họ niềm nở mình lại chưa vừa ý. Nhưng in sách phải có vốn, nên trước kia thường thường văn sĩ đành mang bản thảo đến nhà xuất bản, rồi chờ đợi quyết định, rồi tới lui chờ chực nhận tác quyền, rồi than thở bị bóc lột v.v... Lớp văn thi sĩ sau 1954 ở Miền Nam nếu muốn thì bán bản thảo; nếu không, có thể “chủ trương” ngay lấy một nhà xuất bản riêng. Và rất nhiều vị chọn cách này.
 
Lối sống
 
Ngoài vấn đề mức sống, còn có vấn đề lối sống. Đa số văn nghệ sĩ trước 1975 họ sống ra sao? họ “hiện sinh” như thế nào? họ làm việc như thế nào? họ ăn chơi, hưởng thụ, tìm hứng cách nào?
Chuyện lối sống cũng như chuyện mức sống: không làm gì có một mẫu chung cho văn giới. Ngoài đời phức tạp thế nào thì trong văn giới rắc rối thế ấy. Có người sống rất mực đài các như Đông Hồ ở Đại ẩn am, rất mực phong lưu như Nhất Linh ở bên bờ suối Đa Mê, có người hết sức mực thước nghiêm chỉnh như Nguyễn Hiến Lê, Bình Nguyên Lộc, Lê Ngọc Trụ, có người sống đơn sơ như Sơn Nam, lại cũng có kẻ ngông nghênh như Nguyễn Đức Sơn, phóng khoáng như Hoàng Ngọc Tuấn, phóng khoáng nữa như Mai Thảo, Duyên Anh v.v... Thiên hình vạn trạng. Tuy nhiên, đa số nói chung thì các nhà văn Miền Nam thời 54-75 là những người sống đời bình dị, lành mạnh và làm việc nhiều.
Nhân một dịp cuối năm ký giả Lê Phương Chi đến thăm Lê Xuyên ở tòa báo Đại Dân Tộc, thấy ông bận tíu tít. Đây là công việc của ông ở tòa soạn: “Mọi khi, buổi sáng bù đầu với công việc tin, mi, phim, bài vở v.v... cho đến khi tờ Đại Dân Tộc lên khuôn là anh ăn một dĩa cơm với một chai bia, rồi nằm lên bàn viết, đánh một giấc, hoặc tiếp bạn bè lai rai cho đến 21 giờ đêm mới mò về nhà.”[16] Như thế chưa hết đâu: “hiện nay Lê Xuyên chỉ còn một truyện dài ở Quật Cường ('Cậu Ba Thời'), vì không còn thì giờ để viết, dù vẫn còn vài tờ nhật báo nhờ viết.”[17] Hiện nay thì vậy, có lúc khác mỗi ngày ông viết nhiều lắm chứ đâu phải chỉ một truyện dài.
Lần khác, Ngu Í hỏi Bình Nguyên Lộc về chuyện giờ giấc. Nhà văn cho biết mỗi ngày từ năm giờ sáng ông đã phải có mặt ở tòa báo. Ngu Í giật mình kêu:
“Năm giờ sáng! Mùa này năm giờ, trời còn tối đen. Chắc anh kiếm xe khó lắm.”
Bình Nguyên Lộc bảo ông không cần kiếm xe: ông đi bộ. Và tới nơi là làm việc “bù đầu bù óc”, sợ khách, sợ cả điện thoại, vì phải lo nghe tin, viết tin.[18] Hết việc ở tòa soạn, về nhà lại việc nhà: đọc, viết. Bình Nguyên Lộc có thói quen mở cát-xét nho nhỏ, vừa nghe nhạc êm dịu vừa viết. Ông viết đều đặn mỗi ngày, không chờ hứng chờ thú gì cả. Suốt hai mươi năm biết ông, tôi chỉ thấy ông giản dị trong bộ đồ trắng: quần trắng, áo trắng, nịt trắng, giày vải trắng, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt long trọng bắt buộc phải mặc khác.
Doãn Quốc Sỹ vừa dạy ở đôi ba trường đại học, vừa viết văn, vừa chủ trương một nhà xuất bản, cho nên tổ chức ngay trong gia đình một nếp sống “khoa học” để tiết kiệm thì giờ, ngay bữa ăn cũng “cải cách” theo lối mới: Cơm và mọi món ăn đều cho chung vào một cái đĩa lớn, tất cả “sống chung hòa bình” với nhau, bố mẹ con cái mỗi người một đĩa duy nhất, ăn xong phần ai nấy rửa.[19]
Tiêu biểu cho nếp sống mẫu mực, nghiêm chỉnh là Nguyễn Hiến Lê. Ông không thức quá khuya, dậy quá sớm, ông không làm việc “bù đầu bù óc”. Ông làm vừa sức mình, nhưng rất đều, giữ đúng chương trình, mỗi ngày ngồi vào bàn viết vào giờ nhất định, rời khỏi bàn viết vào giờ nhất định. “Tôi tự đặt cho mình một kỷ luật, trừ khi đau ốm còn ngày nào thì cũng dậy từ 6 giờ hay 6 giờ rưỡi, điểm tâm lúc 7 giờ, rồi nằm đọc sách, chín giờ lại bàn viết để viết luôn đến 12 giờ, bữa trưa. Ăn trưa xong tôi nghỉ khoảng một giờ, nhắm mắt lại, chợp được độ nửa giờ là nhiều; một giờ rưỡi dậy, nằm ở giường đọc sách đến 3 giờ. Chiều lại viết từ 3 giờ đến 5 giờ rưỡi, 6 giờ; tắm xong, ăn bữa tối lúc 7 giờ. Cả buổi tối, cho tới 10 giờ, tôi chỉ nằm đọc sách báo.” Cứ như vậy trong hơn 30 năm ông viết được 120 nhan đề. Ông tính ra: “120 nhan đề đó được khoảng 30.000 trang, chia cho 33 năm chỉ có khoảng 900 trang một năm, trung bình chưa được 3 trang mỗi ngày mà!” (Đời viết văn của tôi).
Sau 1975 dưới chế độ mới, ông không cho xuất bản tác phẩm nữa nhưng ngoài bảy mươi tuổi ông vẫn tiếp tục viết. Trong một lá thư từ Long Xuyên năm 1982, ông nói về đời sống hàng ngày: “Năm giờ sáng dậy, làm mươi exercises nhẹ, cử động khắp các bắp thịt, thở bụng khoảng 1 giờ thì xong. Ra vườn bắt sâu cho mấy chậu kiểng, đi bách bộ trong mấy đường chung quanh nhà, ăn sáng, rồi nằm đọc sách, 9 giờ viết tới 12 giờ; chiều viết từ 3 giờ đến 5 giờ; tối đi bách bộ trong vườn, 9 giờ đi ngủ.” (Thư đề ngày 15-10-1982)
Còn Sơn Nam, lối sống có thể nói là hơi... dưới mức giản dị. Như đã biết, ở thì ở trọ như một cậu học trò, viết văn còn cực hơn học trò làm bài: “Xóm này ồn, tôi thường phải đợi đến khuya mới làm việc. Có khi viết ở các quán cà-phê. Có những buổi trưa, vào giờ ăn cơm, anh lại đây tìm tôi mà không gặp, là vì tôi mệt, về đây ồn ào mệt thêm, nên tạt vào tiệm chệt nào đó ăn cơm, rồi tấp vô nhà bạn quen gần đó mà nghỉ một chút.”[20]
Làm thì làm thế, còn hưởng thụ? Lê Phương Chi bảo: “Hỏi anh, khi được nghỉ mấy ngày Tết, anh sẽ làm gì để vui với gia đình, Lê Xuyên cho biết: ‘Được nghỉ là ngủ, rồi nhậu lai rai, và nghe nhạc; sau khi ngủ, nghe nhạc và nhậu chán rồi thì đi chơi với người yêu. Như vậy được không?’”
Được quá chứ còn đòi gì nữa. Vì cái “người yêu” nói oang oang lên báo cho cả-và-thiên-hạ cùng biết đây nhất định không ai khác hơn là bà Lê Xuyên. Lành mạnh, mẫu mực quá. Nên nhớ Lê Xuyên là một trong những cây bút nam phái viết “dữ” nhất lúc bấy giờ, có nhiều tác phẩm bị kẹt ở sở Kiểm duyệt mãi không xuất bản được.
Về chuyện hưởng thụ, xin trở lại lần nữa với Sơn Nam, vì một ý kiến táo bạo. Cũng trong cuộc phỏng vấn do Ngu Í hồi 1965 ấy, có một lúc “bỗng nhiên khói thuốc ngưng tỏa và giọng nói trở nên khác lạ!
- Nói anh nghe. Tình thế nước nhà mà cứ thế này mãi, thì đôi ba năm nữa, tên Sơn Nam này sẽ bắt tình với Phù Dung tiên nữ!” Nguyễn Ngu Í ngạc nhiên, Sơn Nam giải thích:
- “Anh nghĩ coi: chịu cực, chịu khổ, chịu thiếu, chịu thốn năm này đến năm khác, mong có ngày được thấy quê hương mình yên ổn, thế mà căm hờn, chia rẽ, chết chóc cứ diễn ra mãi, mà đã hai mươi năm rồi, chứ ít ỏi gì sao, thì mình cũng có quyền cho phép mình tìm lãng quên và an ủi trong tay nàng Tiên Nâu! Vì dầu sao mình cũng làm chủ đời mình một phần nào chớ! Bằng không sẽ tủi phận đến chừng nào: người Việt mình có khác nào con ong cái kiến.” [21]
Phẫn chí thì nói vậy nhưng, như chúng ta đều biết, ba năm sau, tức vào khoảng tết Mậu Thân, Sơn Nam không bắt tình với Phù Dung tiên nữ, rồi thêm ba năm sau nữa vẫn chưa bắt tình, và rồi lại thêm một lần ba năm nữa Sơn Nam vẫn cứ còn chịu cực chịu khổ. Tất cả sự “hưởng thụ” của nhà văn này chỉ là mua một số sách đẹp, sắm và chăm sóc một mớ cây kiểng không nhiều để có thể đùm túm mang theo mỗi lần dời nhà trọ, và họa hoằn mua một món đồ cổ... nhẹ tiền.
Và Sơn Nam không phải là người hiền Nhan Hồi duy nhất của thế hệ mình. Đại khái lớp người cầm bút này sống đạm bạc, lành mạnh, đạo hạnh, cơ hồ khắc khổ như thế cả: Bình Nguyên Lộc, Lê Ngọc Trụ, Nhật Tiến, Lê Tất Điều, Nguyễn Đức Sơn, Dương Nghiễm Mậu, Túy Hồng, Y Uyên, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Văn Hầu, Thế Uyên, Viên Linh v.v...
Hoặc có kẻ bảo: Những nhà văn nhà giáo vừa kể trong thời chiến lấy đâu ra tiền mà vung vít? lành mạnh là cái bắt buộc. - Không hẳn thế đâu. Nghệ sĩ tiền chiến không nghèo sao? Những cây bút phóng đãng nhất thời ấy đâu phải là những kẻ giàu sang? Vả lại hãy lấy một người không nghèo chút nào của thời 54-75: Nguyên Sa chẳng hạn. Nhà thơ của tình yêu, nhà nghệ sĩ hào hoa, tiền của dư dật, con người ấy “ăn chơi” ra sao? Suốt đời “áo ngủ, quần ngủ, ở nhà thôi”, quanh năm ăn cơm nhà. Mai Thảo biết Nguyên Sa từ ngày ông này mới ở Pháp về cho tới ngày bỏ nước sang Mỹ, Mai Thảo kêu: “Hàng quán gặp những gia đình quanh năm cơm nhà như gia đình Nguyên Sa là sập tiệm.” Không có bạn bè nào quyến rủ được Nguyên Sa rời mái gia đình đi chơi đêm. “Rủ, cười cười: Ông thức khuya được. Tôi không thức khuya được. Phải ngủ sớm mai đi dạy học sớm. Rủ nữa, lắc: Ông uống rượu được, tôi không uống rượu được. Ở nhà thôi. Ở nhà thôi. Cứ sớm cứ tối. Cứ cái này ông được tôi không được. Rất minh bạch, gọi đó là điệp khúc Nguyên Sa ở nhà thôi.”[22] Những gia đình nề nếp nhất cũng chỉ dám ao ước có được mấy nàng con gái ngoan đến thế thôi.
Đến đây không khỏi có kẻ mỉm cười, cho là tôi đang cố gắng biến giới văn nghệ thành ra những ông đạo ăn chay trường. Vâng, tôi biết người ta có thể kể ra một số tên tuổi khác để phản đối, để chế giễu tôi. Quả nhiên, không ai chối cãi được điều này là trong giới văn nghệ sĩ sau 1954 tại Miền Nam vẫn có những vị chú trọng hưởng thụ: phiện, rượu, đỏ đen... Nhưng xin thử lưu ý một tí xem: tôi ngờ rằng cái tệ trạng ấy không thuộc thời kỳ này, không tiêu biểu cho thời kỳ này, nó là một tàn tích di lưu lại từ cuộc sống “nghệ sĩ” kiểu tiền chiến, được mang vào từ Hà Nội, thủ đô văn nghệ tiền chiến, do những vị nghệ sĩ của thời ấy, hoặc những “mầm non” đã từng lui tới gần gũi những vị ấy, từng tham dự hay học đòi nếp sống “nghệ sĩ” thời ấy. Còn văn nghệ thời kỳ 54-75, đến giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến, khi thể xác đã trải qua đủ mọi bề hiểm nguy gian khổ, khi tinh thần đã cực kỳ mệt mỏi não nề, đến giai đoạn mà quân đội Mỹ đổ qua đông đảo nhất, mà cuộc sống trở nên hỗn độn xô bồ nhất, đến giai đoạn ấy họ thất vọng chán nản có đổ ra liều lĩnh hưởng thụ chẳng qua cũng chỉ rủ nhau đến các quán cà-phê lúc bấy giờ thi nhau mọc như nấm. Những quán Gió, quán Mây, quán Tre, quán Trúc... độ ấy thành ra một phong trào. Nghe điệu nhạc buồn êm dịu, “phản chiến”; nhấm nháp tách cà-phê ngon, thế thôi. Thế gọi là hưởng thụ!
Nhân một chuyện làm bạn với Phù Dung tiên nữ, chúng ta đã nghe câu phát biểu của Sơn Nam. Hãy đối chiếu với cách nói của một người văn nghệ lớp trước là Vũ Bằng: “... ăn một bữa chả thật ngon, được chủ nhân để dành cho vài chục gắp ‘lòng’, chan mỡ nước kêu lách tách, rồi uống nước trà mạn sen, ăn một miếng trầu nóng ran cả người lên, đoạn đi ngất ngưởng trong gió lạnh, tìm một cái xe bỏ áo tơi cánh gà trực chỉ Khâm Thiên hay Vạn Thái nghe một vài khẩu trống, không, anh phải nhận với tôi là cái bọn tiểu tư sản sống vô bổ và đầy tội lỗi thực đấy, nhưng sướng lắm ¾ sướng không chịu được (...) Về khuya trời rét ngọt, nằm trên một tấm nệm rồi trùm cái chăn len trên mình, nghe các em lẩy Kiều hay hát vo bài Tỳ bà, thỉnh thoảng lại làm một điếu, hãm một miếng táo hay một trái nho, rồi lim dim con mắt lại mơ mơ màng màng, tôi quả quyết với anh rằng cách mạng, đảo chánh, chống bất công xã hội... tất cả những cái đó anh cho là ‘đồ bỏ’ không ăn nhằm gì hết.”[23]
Một bên buồn giận thời thế mà hờn dỗi, mà dọa dẫm chứ kỳ thực chưa hề biết đến cái chuyện động trời kia nó ra làm sao cả; một bên thì đã hưởng đến tận cùng và rít lên tiếng xuýt xoa: “sướng không chịu được”.
Ngoài Vũ Bằng, thời tiền chiến còn gửi lại một Vũ ông nữa, không kém sành sõi. Vũ Khắc Khoan hồi tưởng một thời hào hùng:
Rằng ta tự thuở nào tuổi trẻ Nguyện không hùa theo kẻ làm cao
Rằng ta trượng phu hề lòng như trăng sao
Chí như Hy-mã
Đỉnh nhọn hề vươn cao
Thời nhiễu nhương hề, ta phù suy vùng vẫy.”
“Ta” nhớ lại những đêm mê ly:
“Sương khuya nhuốm bạc mái đầu
Bạn vàng: kẻ trước người sau
Giới nghiêm cũng mặc, hẻm nào cũng vô
Ờ, lại có những chiều nổi gió
Rượu ngà ngà, cổ áo nâng cao
Khói huyền dâng lên mờ sao
Đêm Ba-tư quánh màu ma túy.”
Những hề hiếc huênh hoang nọ vọng về từ một thời xưa, cũng như cái khói huyền mờ sao ngang nhiên tỏa nghi ngút trong trang thơ ấy nó cũng bay về từ một thuở xa. Người ta không bắt gặp giọng ấy khói ấy trong thi phẩm của lớp sau này, trong Nguyên Sa, Trần Dạ Từ, Trần Đức Uyển, Nhã Ca, Nguyễn Bắc Sơn, Viên Linh, Nguyễn Đức Sơn v.v...
Dĩ nhiên ở đây không có cái ý định đem những cá nhân ra khen chê kẻ “hư” người “ngoan” làm gì. Lại cũng không phải là một vụ đấu đạo đức giữa các thời kỳ văn học để tranh hơn tranh thua. Trong lịch sử văn học chỉ có kẻ viết hay người viết dở, thời rực rỡ thành tích với thời tàn lụi lu mờ mà thôi, chứ làm gì có sự ưu tiên dành cho lối sống đạo hạnh? Hiền như bụt mà viết nhạt như nước ốc, chắc chắn không phải là nghệ sĩ xuất sắc, đáng mơ ước.
Tuy vậy ở đây chuyện ấy vẫn đáng được nêu lên. Vì một cái tiếng oan. Số là sau 1954 có một độ tư tưởng của J.P. Sartre ảnh hưởng mạnh mẽ ở Miền Nam. Chủ nghĩa hiện sinh được nhắc nhở rộng rãi. Trong quần chúng, nếp sống “hiện sinh” lại thường được hiểu như một nếp sống phóng túng, đọa lạc. Thế rồi sau 1975 nhà cầm quyền cộng sản trong chủ trương hạ uy thế chế độ trước đã làm ầm lên về nền văn hóa “đồi trụy” trước 1975: nào “tố” trên sách trên báo, nào tổ chức triển lãm, học tập..., bấy nhiêu vu cáo tạo cho người ta cái cảm tưởng thời 54-75 là thời hoành hành của quỉ dâm dục, của Phù Dung tiên nữ, và văn nghệ thời ấy chỉ những hoan hô ca ngợi tội ác. Nhảm cả.
Trong giới nào cũng vậy, ngoài cái đa số thuộc hạng trung bình phải có một số ngoại khổ; và ngay trong cái hạng lành mạnh cũng có một đời sống bình thường và những lúc bất thường. Những lúc ấy văn nghệ sĩ nhậu cũng tưng bừng như ai, và họ không giấu giếm. Những trận nhậu trong thơ Nguyễn Bắc Sơn, Hà Thúc Sinh v.v... Phật hay Chúa có chứng kiến cũng lấy làm thương cảm: những trận nhậu hoặc trước khi đụng độ, hoặc sau cuộc giao tranh, hoặc được tin thằng bạn vừa ngã xuống, hoặc lâu ngày ở mặt trận về gặp lại bạn bè v.v..., những trận nhậu của quân nhân thời chiến.
Tường Linh mời Vũ Hữu Định thêm một ly rượu mà nói:
Xin hứa ly này thôi, ráng lên
Phải chăng ngươi mới nhắc vài tên
Chúng không về nữa... không về nữa
Hãy cố say rồi ngươi sẽ quên...”
(‘Gặp lại Vũ Hữu Định’)
Trần Tuấn Kiệt kể về một trận nhậu như thế của Mặc Tưởng. “Nhớ lại buổi cùng Tiễn, Thành uống rượu đế cùng Mặc Tưởng ở tại nhà bên Gia Định có cả họa sĩ Nguyễn Trung. Mặc Tưởng đau buồn chi đó uống bằng thau rượu đế pha đủ thứ, lúc đó chàng say khước, và Nguyễn Trung cũng say, Nguyễn Trung chở hai đứa sau xe Honda, lúc đó Mặc Tưởng nằm ngang cánh tay, chúng tôi ngâm thơ vang đường phố khiến mấy chú cảnh sát gác cầu phải lắc đầu.”[24] Cái “đau buồn chi đó” của thi sĩ phải đến một mức nào mới đến nỗi thế, chứ về chàng Thục Viên đã bảo: “Tôi không biết nói sao về nỗi mến tiếc một người quá hiền hậu quá đàng hoàng.”
Thục Viên có lý do để mến tiếc một người như Mặc Tưởng, một người say khước mà vẫn quá hiền hậu quá đàng hoàng. Có một độ nhiều văn thi sĩ trẻ tuổi đã thành lập những đoàn công tác xã hội ¾ đoàn công tác “Sống” chẳng hạn - từ Sài Gòn rủ nhau đi về những thôn ấp xa xôi, nghèo nàn, sống với dân địa phương, làm việc với họ, giúp đỡ họ. Thục Viên và Mặc Tưởng cùng tham gia đoàn công tác “Sống”. Thục Viên ghi nhớ [25] chuyến đi công tác ở ấp Tân Lợi. Ấp này trước kia có tên là ấp Bon Sa, dân cư hầu hết là người gốc Miên, và 70% mắc bệnh cùi! Nghĩ rằng mình đang đi đứng ăn uống tại một nơi đầy vi trùng nguy hiểm không khỏi có kẻ lo lắng. Thi sĩ Mặc Tưởng ngại tắm chung một dòng nước với dân trong ấp, và ông có ý muốn làm một cái bình lọc nước để dùng riêng. Thái độ ấy đã bị anh chị em trong đoàn cho là thiếu tế nhị, sợ tủi thân dân địa phương, “nếu không thể làm cho dân chúng mỗi nhà một cái bình lọc nước, thì đừng để dân thấy cán bộ cách biệt họ trong cái sống!” Họ nhao nhao phản đối, Mặc Tưởng đỏ mặt rút lui ý kiến. Rồi “cán bộ” quả không chết vì bệnh cùi, ông không có thì giờ để chết vì bệnh: ít lâu sau đó ông gục ngã trên chiến trường.
Trong văn giới lớp trẻ chắc chắn cũng có kẻ thích ve chai hũ cốc như một thứ... hốp-bi! Cũng như có một số khác chọn cái ghế thường trực ở Đêm Màu Hồng, chọn giọng hát tiếng đàn làm hốp-bi. Cũng lại có số được tiếng là những tay câu cá rất tài tình: Nguyễn Đình Toàn, Tường Linh, Duy Sinh; có người trồng rau rất thiện nghệ như Nguyễn Đức Sơn.
Nhưng đã kể những thú chơi của họ, sao lại không kể những hy sinh của họ? Đây không phải là sự hi sinh bắt buộc ngoài mặt trận trong thời chiến, mà là những hi sinh tự nguyện của nghệ sĩ trước cảnh đời thiếu thốn của một vài lớp người trong xã hội, như Thục Viên vừa kể.
Nói chung, hiền hậu, đàng hoàng, với những cái hốp-bi lành, vô hại thường thuộc lớp trẻ. Cái cầu kỳ, tai quái, rớt lại từ thời tiền chiến và thường khi thuộc về... đàn anh.
Tất nhiên người văn nghệ sĩ Miền Nam dù sống ở Sài Gòn, ở Cần Thơ, hay ở Huế, Đà Nẵng, dù là sống đời tự do hay bị khép vào khuôn khổ kỷ luật nhà binh cũng không sống khắc khổ như anh cán bộ cộng sản trên núi Trường Sơn hay nằm vùng ở miệt U Minh. Họ cũng không đến nỗi khắc khổ như những cán bộ văn nghệ ngoài Bắc: cái ăn cái mặc của họ nhất định đầy đủ hơn. Nhưng không phải chỉ vì thế mà họ thành ra đồi trụy!
Trước 1975, Sài Gòn nó “phồn vinh giả tạo” ra sao, ai nấy đều biết; thế mà sống giữa Sài Gòn những nhà văn như Nguyễn Hiến Lê, Lê Ngọc Trụ, Nhật Tiến, Lê Tất Điều, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Trần Đại, Y Uyên v.v..., học giả cũng như nghệ sĩ, lớp già cũng như lớp trẻ, phần lớn họ sống đứng đắn, lành mạnh như thế nào, điều ấy không cần biện bạch. Sau này, sau 1975, văn công văn sĩ ngoài Bắc đổ vào, trong số những kẻ được đảng dạy dỗ kỹ càng nhất được mấy người từ chối hưởng thụ các thú vui tư sản, dù chỉ hưởng thụ được cái rơi rớt của một thời tàn.
 
Đã kể qua mấy nếp sống giản dị, chúng ta cũng không việc gì phải giấu giếm những nếp sống cầu kỳ của các bậc tuổi tác: cầu kỳ như lối chơi lan của Nhất Linh, chơi cổ ngoạn của Vương Hồng Sển, chơi trầm hương của Đông Hồ v.v... Dù cầu kỳ, những cái ấy không hề dính líu gì đến chuyện sa đọa với hiện sinh.
Thú chơi lan của Nhất Linh đã được nhiều người nhắc nhở trên sách báo; thú chơi cổ ngoạn đã được chính Vương tiên sinh viết thành sách. Giờ chỉ xin nói qua về Đông Hồ.
Cuối năm Tân Sửu (1961) Nguyễn Ngu Í cùng bạn bè đến Đại ẩn am thăm Đông Hồ như thường lệ mọi năm. Và cũng như mọi năm thi sĩ đón bạn với thơ, rượu, với hoa, câu đối, với món ăn linh đình. Nhà thì đầy mai, những cây bạch mai từ Hà Tiên đưa lên, tranh thơm với hương trầm. Khắp phòng la liệt tranh vẽ cùng câu đối. Chủ nhân “ung dung với bộ y phục thời xưa, đôi tay áo rộng quyện khói hương trầm, càng tăng thêm phong thái của những thất hiền lục dật”, mời mỗi vị khách nếm thử một chén rượu “Bạch mai quỳnh dịch” do mình “giám chế” với hoa tươi, chính thứ mai Hà Tiên nọ. Rượu khai vị xong, rồi làm thơ vịnh hoa bằng chữ nho, rồi dịch thơ, viết lên giấy màu hoàng yến v.v... Rồi chủ khách ngồi vào bàn, trước cái thực đơn gồm những: “Quần hào tập đại - Lão bạng sinh châu - Ngọc duẩn hoành hành - Phượng hoàng chi - Anh vũ liệp - Hỗn độn sơ khai - Kiền khôn thủy diện - Bình thủy tương phùng - Đông hồ xuân sắc - Bồ đào ngọc dịch - Vũ di kỳ chủng!”[26]
Ngu Í không vẽ vời thêm thắt đâu, và đây cũng không phải là một dịp bất thường đâu. Tôi có dịp dự một bữa ăn như thế tại nhà thi sĩ Đông Hồ (sau này, khi ông dời về Gia Định chứ không còn ở Yểm Yểm thư trang nữa) và cũng gặp một quang cảnh cùng không khí như Ngu Í đã mô tả. Và không phải chỉ vào một dịp tất niên thi sĩ mới chỉnh tề trịnh trọng: bất cứ lần nào hoặc ông đến nhà tôi hoặc tôi đến thăm ông, đều thấy ông nghiêm chỉnh kỹ lưỡng từ y phục cho đến từng cử chỉ. Mỗi lần đến ông, chúng tôi thường được mời ngồi chờ ở phòng khách một lúc khá lâu (Doãn Quốc Sỹ nói đùa là thi sĩ còn bận “trang điểm”), lúc xuất hiện ông luôn luôn mặc áo dài, đốt một lò trầm trước khi bắt đầu câu chuyện. Ông hết sức tinh nhạy trong việc phân biệt các thứ mùi hương: hương trầm, hương bông hoa, mùi nước hoa...
Lớp lớn lên sau 45 và nhất là sau 54, sống một thời vội vàng hối hả, thỉnh thoảng có cơ hội tiếp xúc với một nhân vật thuộc thế hệ trước như thi sĩ Đông Hồ, không khỏi vừa tò mò thích thú lại vừa bâng khuâng trước vẻ đẹp của một nếp sống đang thành xa lạ dần: sống thanh nhàn, trang nhã, nhẩn nha nghe ngóng thưởng thức từng giây phút của cuộc nhân sinh. Bâng khuâng, có thể với nhiều quý mến, nhưng không mấy ai nghĩ đến chuyện học đòi, tiếp tục nữa.
 
Các nhóm, các đoàn
 
Chúng ta vừa đề cập tới một cuộc gặp gỡ tất niên tại nhà Đông Hồ với Nguyễn Ngu Í, Nguyễn Hiến Lê, Thiên Giang, Hư Chu v.v..., tới một đoàn công tác xã hội “Sống” tại ấp Bon Sa với những Thục Viên, Mặc Tưởng v.v... Những cái ấy đưa ta đến ý nghĩ: Văn nghệ sĩ thời kỳ 54-75 có chia ra làm nhiều nhóm khác nhau không? Những nhóm ấy có chủ trương, đường lối riêng, có sinh hoạt chặt chẽ, có ảnh hưởng vào văn học đương thời ra sao?
Nhóm thì có đấy, có nhiều. Có những nhóm qui tụ xung quanh một quan niệm văn nghệ như nhóm Văn Hóa Ngày Nay (sau đó được tiếp tục bằng Tân Phong) với những Nhất Linh, Duy Lam, Nhật Tiến, Thế Uyên, Nguyễn Thị Vinh, Linh Bảo v.v... Có những nhóm qui tụ chung quanh một lập trường chính trị như nhóm Tin Văn với Vũ Hạnh, Lữ Phương, Nguyễn Nguyên..., nhóm Trình Bày với Thế Nguyên, Nguyễn Ngọc Lan, Nguyễn Văn Trung... Có nhóm qui tụ những người bạn gần nhau trên một lập trường tư tưởng như nhóm Quan Điểm với Nghiêm Xuân Hồng, Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Tạ Văn Nho v.v...
Lại có những nhóm văn nghệ khác qui tụ xung quanh một tờ báo, thường thường là một tạp chí sống tương đối dài và có ảnh hưởng tương đối rộng. Chẳng hạn nhóm Bách Khoa với Võ Phiến, Nguyễn Hiến Lê, Vũ Hạnh, Nguyễn Ngu Í..., nhóm Sáng Tạo với Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ, Duy Thanh v.v..., nhóm Văn với Trần Phong Giao, Mai Thảo, Nguyễn Xuân Hoàng...
Cũng có một vài nhóm qui tụ xung quanh một nhân vật. Chẳng hạn xung quanh Nguyễn Đức Quỳnh có Thế Phong, Hồ Nam, Uyên Thao v.v...; xung quanh Chu Tử một độ có nhóm Sống với Thục Viên, Trần Phong Vũ, Tú Kếu...
Trong giới biên khảo người ta có thể qui tụ vào một lãnh vực chuyên môn, chẳng hạn nhóm Nghiên Cứu Sử Địa với Nguyễn Khắc Ngữ, Lâm Thanh Liêm v.v...
Về mặt sinh hoạt, rầm rộ nhất chắc chắn là nhóm Nguyễn Đức Quỳnh với những buổi họp “Đàm trường viễn kiến” hàng tuần có thuyết trình, có thảo luận, cho đến năm 1963 thì bị chính quyền giải tán vì lý do chính trị. Nhóm Bách Khoa trong những năm từ 1954 cho đến 1963-64 gì đó cũng có những buổi họp hàng tuần, vào buổi tối, tại tòa soạn 160 Phan Đình Phùng, thường thường chỉ để chuyện trò, trao đổi ý kiến về những số báo vừa ra và sắp tới. Ngoài ra, trong các nhóm khác anh chị em gặp nhau ở tòa soạn, ở quán cà-phê, ở những chỗ cùng nhau vui chơi giải trí, chuyện văn chương nghệ thuật lẫn lộn với chuyện tiêu khiển, thỉnh thoảng mới có những cuộc hội họp chính thức để bàn việc.
Nhóm thì có, văn đoàn cũng có nữa, nhưng không thấy có một kết tập nào chặt chẽ như Tự Lực văn đoàn thời tiền chiến. Cái văn đoàn của Nhất Linh trước kia gồm một số nhà văn trước sau gắn bó với nhau, cùng chung một tôn chỉ, một quan niệm văn nghệ, hoạt động có qui củ trên tinh thần đồng đội. Sau này, khi chủ trương Văn Hóa Ngày Nay Nhất Linh vẫn có quan niệm rõ ràng, nhưng ông không thuyết phục được những bạn trẻ cộng tác với ông, rồi tờ báo cũng không tồn tại được bao lâu, cho nên thực ra Văn Hóa Ngày Nay không thành nổi một thế lực trong sinh hoạt văn học mà sinh hoạt nội bộ của nhóm thì nghểnh ngảng. Còn trong nhóm Tin Văn, các tay chủ trương có gặp nhau trên một ý đồ chính trị, tuy nhiên giữa Nguyễn Nguyên với Vũ Hạnh không có sự đề huề, Vũ Hạnh lại chân trong chân ngoài không hẳn thiết tha với tờ báo của nhóm: trong khi chủ trương Tin Văn vẫn không rời Bách Khoa. Đến như Bách Khoa thì tờ tạp chí sống mười tám năm, gần bao trùm hết thời kỳ từ cuộc di cư Bắc-Nam Việt Nam cho tới cuộc di cư mùa xuân 1975, vậy mà cái “nhóm” Bách Khoa vẫn lỏng lẻo thế nào. Trong số những cây bút đã cộng tác với tờ báo ngay từ đầu như Võ Phiến, Vũ Hạnh thì kẻ hữu người tả chưa hề bao giờ chung một chí hướng; lại có người luôn luôn lảng tránh chuyện thời sự chính trị như Nguyễn Hiến Lê, Cô Liêu... Vũ Hạnh thỉnh thoảng có bài đăng đây đó; còn tôi thì ngoài Bách Khoa ra vẫn có sự cộng tác với hầu hết các tạp chí văn nghệ: Sáng Tạo, Thế Kỷ Hai Mươi, Khởi Hành, Thời Tập, Văn, Văn Hữu v.v...
Ở Nam Việt Nam sau 1954 không có những văn đoàn như Tự Lực văn đoàn, không có trường thơ như trường thơ Bạch Nga, không có nhóm như nhóm Xuân Thu nhã tập, không có tổ chức đoàn nhóm chặt chẽ lâu bền, không có trường phái nêu cao cờ xúy, không có thi văn phái với tuyên ngôn tuyên bố minh bạch.
Nhưng nói vậy không phải có ý cho rằng các nhóm văn nghệ Miền Nam lúc bấy giờ đều hữu danh vô thực. Dù không kết hợp chặt chẽ, những kẻ gần nhau vẫn thường có chỗ giống nhau, không nhiều thì ít, không ở mặt này thì ở mặt khác. Quí vị trong các nhóm Tin Văn, Trình Bày có một thái độ chính trị gần nhau; quí vị trong Quan Điểm có thái độ sống gần nhau; quí vị được Nhất Linh chọn đưa vào Văn Hóa Ngày Nay cũng có một cách viết gần nhau...
Điều đáng nói nữa là các nhóm có vai trò hẳn hoi trong sự phát triển của văn học nghệ thuật Miền Nam. Trong những cuộc gặp gỡ giữa bạn bè trong nhóm với nhau nhiều vấn đề đã được đưa ra bàn cãi, những cuốn sách tờ báo ngoại quốc được trao đổi lẫn nhau, những quan điểm chiều hướng nghệ thuật mới, những tên tuổi mới xuất hiện hoặc trong nước hoặc ngoài nước, một hiện tượng lạ hay một mầm non xuất sắc vừa nhú lên đâu đó liền được thông báo cho nhau biết v.v... Trong trường hợp của tôi chẳng hạn, hồi tôi còn sống ngoài Qui Nhơn, mỗi lần mua được sách báo ngoại văn tòa soạn Bách Khoa đều gửi ra cho xem. Ngay khi đã vào sống ở Sài Gòn không phải sách gì muốn mua cũng được: ngân sách gia đình của một người Việt trung bình không dồi dào tới mức ấy. Tòa soạn Bách Khoa là chỗ trao đổi tài liệu: một vị giáo sư già có nhiều quen biết với Trung tâm Văn hóa Pháp và mua lại đều đều nhiều thứ sách báo Pháp với giá rẻ, một vị giáo sư Văn khoa trẻ tuổi và cũng là một trong số khảo luận gia viết nhiều nhất bấy giờ thường tìm cách mua được nhiều sách báo xuất bản ở Hà Nội, các vị ấy sẵn lòng cho Bách Khoa mượn; riêng tòa soạn cố nhiên cũng sắm được nhiều sách báo. Tôi đã nhờ vả nhiều vào cái vốn tài liệu chung của nhóm để bồi dưỡng sự hiểu biết của mình.
Mặt khác, từng nhóm riêng đã đem cái “thế lực” và phương tiện của mình để “tung” các văn tài mới: giới thiệu họ với các báo, với các nhà xuất bản, với những người điểm sách, phê bình v.v... Chắc chắn những lời khuyến khích ngợi khen rộng rãi của Nguyễn Đức Quỳnh đã thêm tự tín cho nhiều cây bút trẻ đương thời. Các anh em trong nhóm Bách Khoa đã cố gắng góp phần làm dễ dàng bước đầu của một số nhà văn sau này càng ngày càng vững vàng bản lĩnh: Trùng Dương, Túy Hồng, Y Uyên, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ v.v... Tạp chí Sáng Tạo đã tạo cơ hội xuất hiện cho những Dương Nghiễm Mậu, Cung Tiến, Doãn Quốc Sỹ... Tạp chí Văn sau đó lại giới thiệu với độc giả một lớp mới: Trần Thị NgH, Nguyễn Thị Ngọc Minh v.v...
 
Năng suất
 
Cuối cùng, có lẽ không thể không nói đến điều này: nhà văn thời kỳ 54-75 viết lách ra sao? Có nhóm hay không nhóm, mức sống cao hay thấp, sống lành mạnh hay bê bối, địa vị xã hội lên xuống thế nào?..., những chuyện đó sẽ thành vô vị cả nếu chúng ta không biết được chuyện viết lách. “Viết lách ra sao”, chúng tôi không có ý nói đến vấn đề tài nghệ, vốn quá rắc rối. Hãy chỉ đề cập đến những gì cụ thể đơn giản. Chẳng hạn đến cái lượng viết. Về mặt này phải chịu trong thời kỳ ấy đa số viết khỏe. Biên khảo như Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Hiến Lê, Kim Định; sáng tác như Nhã Ca, Bình Nguyên Lộc, Thảo Trường, Duyên Anh v.v..., trong vòng hai mươi năm rất nhiều người cho xuất bản ba, bốn chục tác phẩm, có kẻ đã viết hay in đến hơn trăm tác phẩm. Điều nên nhớ là họ sống giữa một thời chiến tranh, lắm người tay súng tay bút. Hãy nghe Thanh Nam kể lại chuyện giờ giấc của ông hồi làm cho đài “Tiếng nói quân đội”, vào giai đoạn “dễ chịu” nhất tức là lúc đài được thoát khỏi bộ Tổng tham mưu mà dọn ra đặt ké ở chân cầu thang đài phát thanh Sài Gòn. Ở đó, quân nhân Thanh Nam ngày hai buổi phải có mặt tại bàn giấy, hì hục viết đủ bài vở cho đài rồi “quãng 11 giờ rưỡi, tôi đã phải thay thường phục ra đón xe tới tòa báo Thẩm Mỹ làm việc. Tô Kiều Ngân cũng vậy, nhưng vì làm việc ở bộ Tổng tham mưu giờ giấc gắt gao nên hơn 12 giờ anh mới phóng Mobylette tới. Hai đứa làm cho đến 2 giờ thì xuống Grimaud ngay trước tòa báo, xế cửa tiệm sách Lê Phan, ghé vào một trong những kiosque ở đó ăn vội vã một đĩa cơm rồi lại hấp tấp trở về sở làm. Hôm nào nhiều việc, chúng tôi lại trở lại tòa báo buổi tối làm cho đến 10 giờ khuya rồi đi chơi luôn.”[27]
Trong số những cây bút siêng năng phải kể đến các thi sĩ trào phúng: Thần Đăng, Hà Thượng Nhân, Tú Kếu... Mỗi ngày họ đều ít nhất có một bài, lắm khi đôi ba bài trên mặt báo: báo hàng ngày, hàng tuần v.v... Như thế liên tiếp trong nhiều năm. Trong truyền thống bỡn cợt của ta Tú Xương chỉ mới lai rai, Tú Mỡ đã thành chuyên nghiệp, đến Tú Kếu thì ôi thôi, cười như máy, cười thật dễ dàng mà không hề gượng gạo.
Trong chuyện viết lách của thế hệ này còn có điểm nữa tưởng cũng không nên bỏ qua: là đến một tuổi nào đó có nhiều tiểu thuyết gia xoay sang biên khảo. Sơn Nam cũng là tác giả của Tìm hiểu đất Hậu giang, Văn minh miệt vườn..., Bình Nguyên Lộc viết Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Lột trần Việt ngữ..., Nguyễn Văn Xuân viết về Phong trào duy tân, Khi những lưu dân trở lại, khảo về hát bộ, về Phan Chu Trinh v.v..., Võ Phiến viết Tiểu thuyết hiện đại, Chúng ta qua cách viết, Chúng ta qua tiếng nói, Tạp luận v.v..., Doãn Quốc Sỹ soạn sách về ngữ pháp, về văn học Việt Nam hiện đại (bằng Anh văn)... Những hoạt động ấy ít thấy ở giới sáng tác tiền chiến, ở những Khái Hưng, Nhất Linh, Lan Khai, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân v.v... Đặc điểm này do đâu, và có ý nghĩa như thế nào, hãy khoan xét đến. Chỉ biết rằng được thế nó cũng làm cho cái giai đoạn sau của cuộc đời các tiểu thuyết gia Miền Nam thời kỳ 54-75 không đến nỗi tàn tạ. Trong cuốn sách về tuổi già hình như Simone de Beauvoir có nhận xét tuổi tác không làm suy giảm khả năng của triết gia, nhạc sĩ, họa sĩ, nhưng thường làm giảm khả năng sáng tác của tiểu thuyết gia. Lớp 54-75 về già tự dưng có một lối thoát!
Thời kỳ văn học 54-75 thì đến 75 dĩ nhiên là chấm dứt; nhưng các nhà văn của thời kỳ ấy lại không hề đồng loạt chấm dứt đời mình vào năm 1975. Nói về họ mà ngừng lại ở thời điểm này, e thiếu hào hứng; bởi vì cái “ly kỳ” của đời họ, giai đoạn “ngoạn mục” nhất của cuộc đời đa số các văn thi sĩ thuộc thế hệ này lại bắt đầu chính từ sau 1975. Tuy vậy chúng ta đành từ giã họ ngay lúc này. Sau đó có kẻ vẫn tiếp tục là nhà văn, có người lại hóa làm công nhân viên, làm phu phen, làm nông dân, làm tù nhân, một số đã ra khỏi cuộc đời; sau đó có những kẻ lưu lạc sang Tây phương sống một cuộc đời mới, có thể là giàu sang nhàn tản, lại có người còn kẹt trong một thế bần cùng nhục nhã v.v... Những chuyện thiên biến vạn hóa như thế chưa chấm dứt, vả lại cũng không giúp chúng ta hiểu gì thêm về thời kỳ văn học trước 75 ở Nam Việt Nam, bởi vậy xin dành lại cho những ai sau này còn lưu tâm đến cái sinh hoạt tinh thần Việt Nam sau 1975 ngoài vòng kiểm soát của nhà cầm quyền cộng sản. 
 
________________________
[1]Hà Thúc Sinh, ‘Phòng Thẩm cung’, đặc san Lướt Sóng, 1983, xuân Quý Hợi, xuất bản tại California, trang 37, 38.
[2]Hà Thúc Sinh tên thật là Phạm Vĩnh Xuân.
[3]Nhan đề một thi tập của Hà Thúc Sinh, xuất bản ở Sài Gòn trước 1975.
[4]Stanley Meisler, “Politics and Proust, Intellect is très chic in France”, nhật báo Los Angeles Times, số ra ngày 19–12–1983.
[5]của Nguyễn Tuân.
[6]Nguyễn Ngu Í, Sống và viết với..., Ngèi Xanh xuất bản, Sài Gòn, 1966, trang 206, 207.
[7]Như trên.
[8]Như trên.
[9]Như trên.
[10]Như trên, tr. 209.
[11]Tạp chí Nhà Văn, Sài Gòn, số tháng 2.1975, tr. 118.
[12]Hà Thúc Sinh, ‘Người bạn’, tạp chí Nhân Văn, Hoa Kỳ, số Xuân Giáp Tý, 1984.
[13]Như trên.
[14]Hồi 73, 74 một truyện dài đăng nhật báo mỗi tháng có thể được trả đến 15.000$; mỗi ngày một bài hài đàm, hàng tháng có thể lãnh 20.000$.
[15]Trên tạp chí Văn số 199 ra ngày 1-4-72, trong cuộc phỏng vấn của Nguyễn Nam Anh, ông Bình Nguyên Lộc cho biết vào năm 1957 ông viết mỗi ngày 11 feuilletons. Sau đó Lê Xuyên và An Khê dẫn đầu. An Khê từng viết tới 12 feuilletons mỗi ngày.
[16]Bách Khoa, số Xuân, phát hành ngày 24-1-75, trang 108.
[17]Như trên.
[18]Nguyễn Ngu Í, Sống và viết với..., Ngèi Xanh, Sài Gòn, 1966.
[19]Như trên.
[20]Như trên, trang 200, 201.
[21]Như trên.
[22]Chân dung, Văn Khoa xuất bản, California, 1985.
[23]Vũ Bằng, Thương nhớ mười hai, Sống Mới tái bản tại Arizona, Hoa Kỳ, trang 208, 211.
[24]Trần Tuấn Kiệt, Tác giả và tác phẩm, tái bản tại Hoa Kỳ, không ghi năm tháng và tên nhà xuất bản.
[25]Thục Viên, ‘Cây cầu của Mặc Tưởng ở Bon Sa’, in lại trong cuốn Tác giả và tác phẩm của Trần Tuấn Kiệt.
[26]Nguyễn Ngu Í, Sống và viết với..., Ngèi Xanh xuất bản, Sài Gòn, 1966, trang 156.
[27]Thanh Nam, ‘Hai mươi năm viết văn làm báo ở Sài Gòn’, tạp chí Văn, Hoa Kỳ, số 18, trang 65.