Chương 12

Một họa sĩ ở vùng Lot tên là Michel Walter mới bắt đầu dựng trên một cánh đồng ở khu Condat 14802 hình người được làm từ dây thép tượng trưng cho số nạn nhân đã qua đời trong trận nắng nóng mùa hè 2003. "Với cuộc triển lãm này, tôi mong ước gây nên một cơn sốc thị giác và cảm giác, bởi bình thường chúng ta không tưởng tượng gần 15000 người chết nghĩa là cái gì. Tôi không muốn chúng ta quên điều đó", họa sĩ 55 tuổi tâm sự. Michel Walter không nhận được một đồng trợ cấp nào cho công việc này, hiện giờ anh đã đặt được gần 5000 hình người trên cánh đồng và hy vọng thực hiện nốt phần còn lại vào tháng 8 tới. Tác phẩm sẽ được bán với giá 2 euro một hình người và sau đó sẽ được gửi tặng các nhà dưỡng lão. Họa sĩ đã sáng tác những hình người bằng dây thép rất khó nhìn thấy từ xa vì theo anh, khi chết, người ta cũng trở nên trong suốt như thế. "Tôi xúc động khi thấy Patrick Pelloux (chủ tịch hội bác sĩ cứu thương) hét rất to trên vô tuyến và tôi tự nhủ cần phải làm một cái gì đó". (báo AFPAP 20/06/2004)
Phép lạ không bao giờ xảy ra. Hay không bao giờ xảy ra với một người như Liên. Liên tin chắc như thế, ngay từ bé, vừa theo linh tính vừa do kinh nghiệm. Cấp một, Liên hầu như không có một đứa bạn thân nào. Tất cả những đứa con gái Liên quen đầu thích cổ tích Tấm Cám. Còn Liên thì cho rằng phải ngốc nghếch lắm mới tin vào bụt và quả thị. Cấp hai, năm đầu tiên, ban giám hiệu tổ chức cho toàn trường xem Ba hạt dẻ dành cho Lọ Lem. Liên ngồi được mười phút thì bỏ ra ngoài, viện lý do đau bụng. Mà Liên đau bụng thật khi chứng kiến những đứa con gái khác xem một cách say sưa, chốc chốc lại hỏi nhau bao giờ thì hoàng tử hiện ra. Sau đó, bộ phim còn ám ảnh lũ ngốc kia một thời gian dài. Chúng nó để tóc như Lọ Lem, học cách đi nhón gót như Lọ Lem, học cách ngước mắt như Lọ Lem và tổ chức đóng kịch Lọ Lem, thực chất là để chọn ra một đứa xinh gái nhất trong bọn, cuộc thi hoa hậu thiếu nhi trên thực tế manh nha từ hồi ấy. Cấp ba, theo quán tính của những năm trước, Liên vẫn chẳng có một đứa bạn nào. Nhưng nguyên nhân thì không hoàn toàn như cũ. Bỏ lại Lọ Lem sau lưng cùng nỗi nhẹ dạ trẻ con ngày nào, những đứa con gái mười bốn tuổi vụt một cái già dặn hơn cả Liên. Chính chúng nó đã gạt Liên ra một bên. Chủ động và thẳng thừng. Khai giảng được vài ngày, trong giờ ra chơi, một đứa con gái tóc tết đuôi sam, áo sơ mi trắng cổ lá sen, vừa được bầu làm lớp phó phụ trách thi đua, tiến lại gần bảo Liên: chúng tớ muốn góp ý với cậu điều này. Liên ngẩng lên. Con bé nói tiếp, giọng vẫn rất thỏ non: cậu nên đến bệnh viện Da Liễu Trung Ương để nhờ bác sĩ chuyên khoa điều trị. Liên im lặng, nhìn nó gườm gườm. Con bé kia chớp mắt mấy cái, quay mặt đi nhổ nước bọt, rồi bình tĩnh thả từng từ: Chúng tớ không muốn cậu bị bọn con trai nhìn một cách thiếu thiện cảm. Cuối cùng, con bé đứng lên, giơ tay bắt tay Liên: chúng tớ chúc cậu vượt qua thử thách này nhé. Y hệt trong phim thiếu niên Liên Xô. Liên ngẩn ngơ nhìn theo con bé. Hoàn thành xong nhiệm vụ tế nhị ấy, nó đi về phía những đứa con gái khác, mặt tươi như hoa, cái đuôi sam vắt vẻo. Tuổi dậy thì của Liên phảng phất mùi tanh của phòng khám bệnh da liễu từ đó. Liên đã chăm chỉ xếp hàng, đã uống thuốc theo đơn của bác sĩ chuyên khoa, đã thực hiện mọi lời khuyên thầy thuốc cắt ra từ báo Phụ Nữ và báo Tiền Phong. Nhưng phép lạ không hề xảy ra. Liên chưa bao giờ tin là nó sẽ xảy ra. Có lẽ nhờ thế mà Liên không quá thất vọng. Hết phổ thông, Liên trở nên chai lì hoàn toàn. Anh trai Liên thấy Liên vào đại học Mỏ-Địa Chất thì mừng ra mặt. Lúc đó anh đang làm bí thư thứ hai Thương Vụ Việt Nam tại Xô-phi-a và đang phấn đấu chức vụ bí thư thứ nhất. Anh về phép. Mang quà đến cho Liên: một đôi mùi xoa in hoa hồng và ba quả táo tây. Anh bảo năm năm nữa, tay anh sẽ cố vươn đến ban tổ chức bộ Công Nghiệp, để xin được cho Liên một chỗ làm ngay Hà Nội. Cái đó sẽ tính, anh nhắc lại câu anh ưa thích. Vài tháng, anh viết thư về nhà hỏi tin tức học hành của Liên, xong lại bắt Liên viết thư báo cáo. Anh tỏ ra chú ý đến Liên nhất nhà. Liên cảm động. Bố mẹ Liên cũng cảm động. Mọi người thay nhau khen anh. Không ai biết bí mật lá quẻ đền Trần. Không ai hiểu anh đã từng qua năm năm đại học, đã từng cắt tóc mang hoa đến tấn trước kí túc xá Sư Phạm, đã từng chứng kiến cảnh nằm nhà thở dài ngày mồng tám tháng ba của các bà cô tương lai trường Mỏ-Địa Chất. Nếu Liên em gái anh mà nhập vào đám ấy thì sẽ còn là thần nữ cứu tinh, quan lộ của anh sẽ vững như được lát gạch Bát Tràng. Anh tưởng tượng bọn con trai cùng trường đang thi nhau tìm những từ quái đản nhất để tả đám mụn bọc trên mặt Liên: da cóc, vỏ cam sành, chả quế, bánh đa vừng, ngô bung, kẹo lạc, cơm độn mì sợi. Anh tự nhủ bọn quỉ sứ này thật lắm trí tưởng tượng nhưng tuổi trẻ là thế, ngông cuồng, chính anh cũng từng bị điêu đứng bởi những khuôn mặt khả ái. Anh càng yên tâm khi phát hiện ra rằng Liên mãi mãi không là nổi một cái quần tây, đến năm thứ hai ghế cơm vẫn sống, luộc rau vẫn đỏ. Anh cực kì yên tâm vì chính mắt trông thấy ngày nhận bằng tốt nghiệp, Liên leo lên xe buýt đứng bốn mươi lăm phút để đi về nhà. Không một bông hoa. Không một tấm thiếp. Hai chiếc khăn mùi xoa in hoa hồng anh tặng cách đây năm năm vẫn còn nguyên dưới đáy va li, bên cạnh là ba mét lụa Trung Quốc màu hoa thiên lý. Năm ấy Liên hai mươi tư, đúng năm tuổi. Cùng năm, anh lên chức vụ trưởng. Anh thực hiện lời hứa. Liên học xong đại học, nằm nhà mười tháng thì nhận được giấy của ban tổ chức bộ Công Nghiệp. Một tuần sau, xách túi đến làm việc ở phòng hành chính, xí nghiệp giầy vải Yên Viên. Những đứa bạn gái cùng trường vẫn tiếp tục nằm nhà. Một đứa được gọi đến làm việc ở mỏ thiếc Tĩnh Túc Cao Bằng, đang hoang mang không biết có nên đi. Liên cám ơn anh trai. Bố mẹ làm một bữa cải thiện mời cả nhà về ăn, mừng ngày Liên nhận tháng lương đầu tiên. Bữa cơm có nem rán và rau muống chẻ, rau sống và các loại rau thơm. Anh trai Liên gắp một miếng nem rồi hỏi: cô em làm đấy à? Liên lắc đầu. Anh gắp một cọng rau muống rồi hỏi: cô em chẻ đấy à? Liên lắc đầu. Anh húp một thìa nước chấm rồi hỏi: cô em pha đấy à? Liên lắc đầu. Anh nhìn mâm cơm một lúc rồi hỏi: cô em rửa rau sống à? Liên ngượng ngịu gật đầu. Bát rau sống nát bươm. Mùi, húng lả tả. Cuối bữa, bố mẹ bảo: anh thương em thì thương cho chót, làm thế nào kiếm cho nó được tấm chồng. Chị dâu Liên nhanh nhảu: anh xem mấy ông bạn cũ. Anh trai Liên lừ mắt: bà này biết gÊ, lấy mấy thằng góa vợ với ly dị thì ở không còn hơn. Bố mẹ không nói gì. Liên đứng lên đi vào bếp. Anh trai Liên nhìn theo bảo: cứ đợi nó chín chắn thêm tị nữa. Bố mẹ bảo: con Liên tuổi mụ đã hai sáu hai bảy, chín chắn là đến bao giờ. Anh bảo: cái ấy sẽ tính. Nói xong dục vợ con ra về. Xí nghiệp giày vải Yên Viên nơi Liên làm việc bảy năm liền sau đó cũng chẳng để lại kỉ niệm nào ngoài những ngày lễ Quốc Tế Phụ Nữ được tổ chức rầm rộ. Bộ cử một đoàn đại biểu về trao quà cho một trăm năm mươi nữ nhân viên. Sau đó giám đốc, phó giám đốc, bí thư đảng ủy, phó bí thư đảng ủy lên đọc lời cám ơn. Cả bốn đều là nữ, cán bộ chủ lực đầu ngành. Sau năm năm, Liên được đề bạt lên phó phòng hành chính. Giám đốc xí nghiệp, một chiến sĩ thi đua công đoàn ba mươi năm bề dày công tác, nhiều lần gọi Liên lên làm việc riêng. Chủ yếu để truyền lại các kinh nghiệm chuyên môn. Hứa sẽ chuyển Liên sang phụ trách công đoàn. Để từ đấy phát triển lên. Từng bước là phải như thế. Thuật ngữ thời ấy gọi là ươm mầm lãnh đạo. Anh trai Liên không ngừng theo dõi đường đi của Liên. Anh còn xuống tận nơi để trao đổi với ban lãnh đạo. Anh rất yên tâm trước cái lô cốt nữ quyền vững chắc mà anh đã gửi Liên vào. Quan lộ của anh có Liên làm thần nữ cứu tinh hai tư giờ trên hai tư, cho đến ngày anh đến tuổi cầm sổ hưu. Liên không tin vào phép lạ. Nhưng anh thì tin như tin con ngươi của mắt mình. Không có phép lạ làm sao mà một thằng không đánh vần nổi hai câu tiếng Bun lại ngoi đúng Thương Vụ Xô-phi-a? Không có phép lạ làm sao một thằng chưa mất một ngày nhá lương khô ngoài chiến trường lại được kết nạp đảng ngay tại chi bộ sứ quán Việt Nam? Không có phép lạ làm sao một thằng ngồi chưa ấm chỗ trưởng phòng đã lên ghế vụ phó Ngoại Thương? Không có phép lạ làm sao ba mươi sáu tấm ảnh màu khỏa thân cùng em út không tước mất chức vụ trưởng lại còn đưa lên hàng thứ trưởng? Năm mươi tuổi anh trai Liên hoàn toàn có lý khi tin vào các phép lạ. Ba mươi ba tuổi, Liên vẫn còn trinh trắng. Ngày mồng tám tháng ba hàng năm mang về một gói quà to tướng. Trị giá vài chục lần thanh kẹo lạc của bọn con trai Mỏ-Địa Chất ngày xưa. Buổi sáng bảy giờ đạp xe đi làm. Buổi chiều năm giờ rưỡi có mặt ở nhà. Buổi tối ngồi xem vô tuyến. Chủ nhật quét nhà cho mẹ, thông ống điếu cho bố, trông các cháu cho anh chị. Anh trai Liên luôn tìm cách gửi một đứa lên nhà ông bà với cô Liên. Chị gái Liên cũng kèm một đứa. Cho chúng nó chơi với nhau. Ba mươi ba tuổi, Liên nghiễm nhiên là bà cô trong nhà. Họ hàng chặc lưỡi. Hàng xóm ái ngại. Một trăm năm mươi đồng nghiệp nữ thì thào. Bố mẹ Liên lâu dần cũng quen. Anh trai Liên vẫn bận rộn với sự nghiệp. Chị gái Liên thì có cách cư xử hết sức lạ lùng. Thỉnh thoảng dục lấy chồng đi em, có vẫn hơn không. Thỉnh thoảng ngăn đừng lấy quàng lấy xiên em ạ, ở vậy còn hơn gặp của không ra gì. Liên chỉ biết im lặng. Không có phép lạ nào xảy ra. Phép lạ là ảo tưởng. Như nước hoa Miracle ngọt ngào đủ tám tiếng. Như kiến trúc sư tóc vàng nồng nàn đủ một đêm. Liên im lặng. Mai Lan dẫn Liên đi xem từng phòng, từng ngóc ngách, cả cái mà Mai Lan gọi là hầm rượu. Đến làm cho tao nhé. Tuần a buổi. Hợp đồng đàng hoàng. Khi nào tao không đi dịch được, mày đi hộ tao, tiền công tao đưa mày hết. Tao cũng cần một người bạn. Từ khi sang đây sao cô đơn quá. Liên thở dài gật đầu. Tháng sau đến ngày gia hạn thẻ cư trú. Hồ sơ cần một hợp đồng làm việc. Động tác thở dài biểu lộ thái độ đồng cảm. Còn cái gật đầu là sự tính toán. Nhận ra điều ấy thì muộn. Đã thấy căn hộ của Mai Lan thân thuộc lắm rồi. Về đến nhà, đèn đường đã sáng. Bà gác cổng chạy ra bảo có ai đó gửi cho Liên một túi ny lông kín. Ai đó không gõ cửa, không để lại tên, đã đặt túi ngay trước cửa phòng bà, ngoài túi ghi mỗi cái họ của Liên. Liên mở ra thì rụng rời chân tay. Trong túi là bốn hộp cả rau lẫn thịt rất nhiều pờ-rô-tít như con bé bác sĩ bệnh viện Lao Trung Ương vác lên ngày nào. Đọc tờ giấy dán bên ngoài, thấy vẫn còn hạn. Nghĩ một lúc, xách lên phòng. Tuần sau, tuần sau nữa, một tháng liền, Liên nhận được bốn túi ny lông giống nhau. Được bà gác cổng phát hiện trước cửa phòng, vào những thời điểm rất tinh vi, ban đêm hoặc sáng sớm, muộn hơn cả người đi chơi về muộn nhất, sớm hơn cả công nhân quét rác ngoài đường. Điều đó chứng tỏ chủ nhân của những chiếc túi ny lông chưa muốn xuất đầu lộ diện. Liên xếp tất cả vào một góc dưới gậm giường. Tháng sau, không nhận được gì, cũng quên câu chuyện.