Chương 1

Vào một tháng tám bình thường, nước Pháp có trung bình 41 000 người qua đời. Bảng tổng kết của tháng tám vừa rồi lên tới 56 000. Con số 15 000 dôi ra ấy, các chuyên gia Viện Nghiên Cứu Y Tế Quốc Gia đã không ngần ngại liệt vào hậu quả của trận nắng nóng cao độ. Nguyên nhân chủ yếu là mất nước, sốt nặng, ở một số trường hợp là bệnh hô hấp và tim mạch. Hai đường cong của thời tiết và số tử vong rất cân xứng với nhau, đều có đỉnh điểm là những ngày 11, 12 và 13 tháng 8. Các cụ già là những nạn nhân đầu tiên: 70% có tuổi từ 75 trở lên. Các chuyên gia ghi nhận rằng tỷ lệ tử vong ở phụ nữ, trong mọi lứa tuổi, đều cao hơn nam giới. Kết quả có thể hiểu được với các cụ 80, 90 vì ở lứa tuổi này các cụ bà đông hơn các cụ ông. Nhưng ở các lứa tuổi khác thì tại sao? Đây là một hiện tượng kì quặc và cho đến bây giờ vẫn chưa tìm được lời giải thích. (báo Ouest-France, 26/09/2003)
Paris 11 tháng 8 năm 2003, 39 độ trong bóng râm, 42 độ tầng áp mái. 39 độ làm hai nghìn chín trăm cụ già đột tử. 42 độ khiến Liên có thêm sáu cái mụn, bốn cái đối xứng trên cằm, hai cái hai cánh mũi. Liên vốn sợ mụn. Liên không nhớ đã có mụn từ năm bao nhiêu tuổi. Chỉ nhớ là trong những năm dài, Liên vừa chăm sóc mụn vừa đợi ngày hết dậy thì. Đến bây giờ, tuổi dậy thì đã qua từ lâu, chỉ có mụn là kiên nhẫn. Bác sĩ da liễu lần nào cũng lắc đầu, rồi cho đơn mua một hộp vi-ta-min C nguyên chất. Năm mươi viên vàng vàng chua chua bọc đường làm sao xoa dịu một chục cái trứng cá bọc hung hăng di chuyển trên mặt Liên, càng về sau càng tìm được những vị trí hiểm hóc. Thế nào đến ngày thứ năm mươi cũng có một cái chễm trệ giữa cằm. Ngày thứ năm mốt, Liên lại buồn bã đến gặp bác sĩ. Đó là thời gian còn ở Hà Nội. Nhà Liên cách bệnh viện Da Liễu Trung Ương một phố. Khám bệnh không mất tiền, cầm quyển sổ y bạ ra đứng xếp hàng, hai tiếng sau cũng được gọi tới tên. Hai tiếng trong bệnh viện da liễu là một cố gắng phi thường. Tuổi dậy thì của Liên không có mùi kem cốm Thủy Tạ mà phảng phất mùi tanh của các phòng khám da liễu. Tuổi dậy thì của Liên cũng không vương vấn gương mặt thằng con trai nào. Năm năm đại học vẫn thế. Liên học đại học Mỏ-Địa Chất. Sinh viên nữ đếm trên đầu ngón tay, còn lại toàn nam. Giáo viên cũng toàn nam. Ngày mồng tám tháng ba, sân trường vắng ngắt. Cả thầy lẫn trò lo cắt tóc và mang hoa đến tấn trước kí túc xá Sư Phạm. Liên và mấy đứa con gái năm đầu ngỡ ngàng, Quốc tế Phụ nữ tiếp theo tự động ngồi nhà, hôm sau gặp nhau ở giảng đường không một câu bình luận, như không có chuyện gì xảy ra. Các thầy giáo không hiểu vì ngượng hay thương hại mà suốt buổi chẳng gọi nữ sinh nào lên bảng. Bọn con trai thì im lặng tuyệt đối. Giờ giải lao, một thằng chạy ra hàng nước trước cửa. Lúc Liên quay lại thấy trên bàn có một phong kẹo lạc. Lần sau thấy bánh đậu xanh. Lần sau nữa thấy mè xửng. Năm tốt nghiệp thấy hẳn một gói sô-cô-la Thái Lan, giấy bọc màu vàng, in hình con voi ngậm một bông hoa hồng, giá bằng bát phở tái Tràng Tiền. Liên không nói gì. Hết giờ học cho vào túi, cũng chẳng lên tiếng cám ơn. Bọn con trai không phản ứng, có vẻ như không ngạc nhiên. Trên xe buýt về nhà, Liên gặp một đứa con gái học khóa trên. Nó bảo nó cũng được một phong kẹo lạc. Sau đó cả hai cùng im lặng. Bốn mươi lăm phút trên xe buýt dài vô tận. Hai đứa tránh nhìn vào mắt nhau. Liên nghĩ đến con voi phục phịch và bông hồng chúm chím, không biết ẩn ý gì. Dù sao đó cũng là dịp duy nhất trong năm, Liên được nhận quà từ một người khác giới, không cùng máu mủ. Con bé kia mặt không bị mụn, nhưng bắp tay cuồn cuộn và đầy lông cứng. Bọn sinh viên kháo nhau, đi thực tập xa, ra suối tắm chung, mới thấy cả bắp chân nó cũng cuồn cuộn và đầy lông cứng. Liên đoán nó cũng chẳng được thằng con trai nào để ý, nói gì đến tặng quà. Những đứa con gái khác cũng chẳng hơn. Đứa nào không da đen bóng, cằm vuông chằn chặn thì trán lại nhằng nhịt chứng cá, mắt ti hí như mắt lươn. Đứa nào không mũi hếch, mồm vẩu, cổ lang ben thì lại có cục thịt thừa giữa má, từ cục thịt thừa mọc ra một túm tóc. Ban chấp hành đoàn trường tế nhị, chẳng bao giờ đề nghị chụp ảnh liên hoan. Paris mồng 8 tháng 3 không có băng rôn đỏ lẫn đèn nhấp nháy. Mùa đông còn muốn nán lại ngày nào hay ngày đấy. Buổi sáng, Liên đi qua cửa hàng hoa thấy im lìm như thường lệ. Liên bước vào, cũng không ai hỏi. Cô bán hàng tay cầm một chiếc kéo, lá nào hơi vàng là cặm cụi tỉa. Hai chục lọ các cỡ nhưng chỉ cắm tuy-líp với hoa hồng. Tuy-líp mười euro một chục, hoa hồng hai euro một bông, hồng nhung đắt gấp đôi. Liên tần ngần. Liên vừa rút tiền lúc nãy. Không biết một bông hồng nhung có làm được một bó. Không biết có được xin thêm một chiếc lá măng. Có nên kèm một cái các, viết mấy chữ chúc mừng, bằng tiếng Việt hay tiếng Pháp. Cô bán hàng ngẩng đầu bảo: hồng nhung mùa này đẹp, đẹp và tươi. Liên không nói gì. Cô bán hàng bảo tiếp: làm một bó năm bông nhé. Liên vẫn im lặng. Cô bán hàng thở dài, lại cúi xuống tỉa lá, chắc đã quen lắm với cảnh này. Liên ra ngoài, khép cửa lại, vừa cố không gây tiếng động vừa tự nguyền rủa mình. Có lẽ chẳng bao giờ còn dám quay lại cửa hàng hoa này nữa. Những cái mụn trên mặt Liên ai đã gặp một lần rất khó quên. Căn hộ của Mai Lan cũng im lìm như thường lệ. Đèn chưa bật. Ri-đô vẫn thả. Cửa kính, của chớp đóng chặt. Không thấy bó hoa nào trên bàn. Ba tách cà phê uống dở, lọ đường, hộp sữa không đậy, nắp vứt trên sàn. Liên thở ra. Mai Lan thời điểm này có một anh nhân tình rất oách. Tên là Tom. To cao, đẹp trai. Không hiểu làm nghề gì nhưng biết rõ các ngày lễ và tặng hoa đều đặn. Mai Lan bảo nghề nghiệp không quan trọng, túi tiền nông hay sâu cũng không quan trọng. Liên không bình luận. Mai Lan bảo tiếp: sống rồi sẽ biết. Mai Lan có vẻ thích câu này, nói chuyện hay chêm vào. Mai Lan đúng bằng tuổi Liên, một tháng dăm lần phiên dịch cho các đoàn Việt Nam. Thu nhập chính thức dưới mức trung bình, hầu như không phải đóng thuế. Trước đây Mai Lan từng là hoa khôi một khoa ngoại ngữ, được lên phim từ ngày còn đi học phổ thông. Năm thứ tư, bỏ học làm người mẫu và diễn viên điện ảnh chuyên nghiệp. Một thời rất hay lên báo, là người của công chúng theo từ ngữ bây giờ. Mười lăm năm trước, Mai Lan tập đi trong hành lang một khách sạn vịnh Hạ Long. Khách sạn là kết quả đầu tiên của quan hệ hợp tác kinh tế Pháp-Việt. Bên Pháp bỏ vốn xây dựng hoàn toàn, từ tiền thuê kiến trúc sư đến tiền nguyên vật liệu, công nhân và kĩ sư thi công. Nghe nói riêng thiết kế nội thất đã lên tới vài triệu đô-la, phần lớn chuyển từ Pháp sang. Bên Việt bỏ đất, lo toàn bộ giấy tờ hành chính: giấy phép mở khách sạn do bộ Du Lịch cấp, giấy phép xây dựng do sở Quy Hoạch Đô Thị Quảng Ninh kí, giấy phép hành nghề do ủy ban nhân dân thị xã Hạ Long đóng dấu. Và trăm nghìn đơn từ khác. Trong ban điều hành, vẫn theo nguyên tắc hợp tác song phương, chức vụ nào cũng một Pháp, một Việt. Hai tổng giám đốc, hai giám đốc phụ trách tài chính, hai giám đốc phụ trách nhân sự, hai giám đốc phụ trách đối ngoại, hai giám đốc phụ trách đường lối phát triển chung. Đến cả công việc quản lý khăn mặt và ga giải giường cũng mỗi bên một đại diện. Hoá đơn, sổ sách kế toán luôn luôn hai chữ kí. Cho tới hôm đóng cái đinh cuối cùng lên tường, toàn bộ chi phí là một con số khổng lồ, gấp vài lần dự án ban đầu. Hai tổng giám đốc nhận định nếu không bằng mọi cách kéo được một phần ba khách du lịch toàn Đông Nam á, khách sạn chắc chắn bị phá sản. Lễ khánh thành, ban điều hành thuê năm người mẫu về trình diễn thời trang trên sân khấu nổi, một đoàn múa rối nước về làm việc ở hồ sen tiền sảnh, một nhóm ca nhạc thính phòng gồm hai đơn ca chính, hai đơn ca phụ và ba nhạc công đàn hát trong phòng khách chính, trưởng nhóm là một ả đào có tiếng của khu Khâm Thiên, sau trở thành nghệ sĩ nhân dân nhà hát dân tộc. Khách dự nửa Pháp, nửa Việt, ăn mặc chải chuốt, nước hoa thơm lừng. Sâm banh nổ bôm bốp. Thức ăn bày biện cầu kì. Bông hoa hồng tỉa bằng cà chua đẹp hơn hoa thật. Nhiều món lạ như chả cá chim tẩm vừng trắng, tôm hùm nướng bưởi đào, sườn cừu tiềm thuốc bắc, lưỡi bò quay ngũ vị hương. Nhưng vừa lạ vừa đẹp là món súp Hồng Nga, đầu bếp chính người Thượng Hải, khách sạn giới thiệu là chef de cuisine, biểu diễn tay nghề ngay trước mặt thực khách. Đúng mười giờ tối, phụ bếp mang ra một cái xoong ba mươi lít, đặt lên bếp than. Bên cạnh, chef de cuisine cầm một con dao nhỏ mũi nhọn, lưỡi mỏng tựa giấy pơ-luya, thoăn thoắt tỉa củ cải trắng, được củ nào thả ngay vào xoong. Mươi phút sau nước bắt đầu sôi, dầu vừng và nhiều loại gia vị pha trộn với nhau tạo nên mùi thơm quyến rũ. ấn tượng hơn cả là đàn vịt con trắng phau nổi lên mặt nước. Thực khách đứng xem vỗ tay không ngừng. Chef de cuisine thản nhiên cầm cà rốt, rồi tỉa, rồi ghép, rồi thả vào xoong, chỉ một phút từ dưới nước hiện lên một con vịt cái đỏ tươi. Vịt cái đỏ, hay Hồng Nga theo tiếng Hán, lập tức dẫn đầu, đàn vịt mấy chục con tung tăng bơi lội, bên trên là khói sương, bên dưới là nước hồ trong vắt. Tiếng vỗ tay vang dội, đèn máy ảnh loang loáng. Ai đó kêu to: Magnifique. Lập tức một người khác thốt lên: tuyệt vời. Tiếng Pháp, tiếng Việt không lùi một phân. Chef de cuisine thản nhiên cầm su hào, rồi tỉa, rồi ghép, rồi thả vào xoong, chưa đầy phút, một bầy cá xanh như ngọc uốn lượn nhẹ nhàng bên cạnh đàn vịt. Tiền sảnh im phăng phắc. Thực khách xúc động ra mặt. Chef de cuisine thản nhiên cầm củ cải nâu, rồi tỉa, rồi ghép, rồi đặt vào xoong nước. Một trái núi tí hon có cả ngọn, sườn, thung lũng, nổi giữa mặt hồ. Máy ảnh chớp liên tục. Chef de cuisine thản nhiên cầm củ cải hồng, rồi tỉa, rồi ghép, rồi đặt vào sườn núi. Ngư ông nhàn tản thả câu, đầy đủ lệ bộ quần, áo, mũ, túi. Cuối cùng, khi thực khách vẫn còn ngây ngất, mấy cọng mùi từ tay chef de cuisine rơi xuống nước hóa sen mọc trong hồ. Quang cảnh xoong súp vô cùng ngoạn mục, màu sắc sinh động, khói thơm loang tỏa dịu dàng. Phụ bếp mang ra một chồng bát sứ trắng, múc cho mỗi thực khách một bát. Bát được vịt con, bát được cá con. Vị vừa thanh, vừa mát. Củ cải, su hào sần sật, ngọt lịm. Hai tổng giám đốc rất hài lòng, mang hai lẵng hoa to ra tặng chef de cuisine, bắt tay nói chia chiển. Các thực khách cũng tiến lại bắt tay, xin được chụp ảnh chung. Pháo hoa bắn đúng năm mươi phát mới ngừng. Cả một khoảng trời sáng trưng. Đèn lồng các màu lấp lánh. Mười lăm phút trước giờ biểu diễn thời trang. Hành lang hun hút còn thơm mùi sơn Pháp. Những bức tranh trên tường cũng thơm mùi sơn Pháp. Sông Xen và công viên Luých-xăm-bua. Lá vàng xoay xoay trong gió. Cái khăn của Mai Lan tự nhiên bay khỏi vai. Cái khăn cũng gắn mác Pháp. Năm bộ thời trang của Mai Lan tối hôm đó đều do Hermes và Yves St Laurent đảm nhiệm, kể cả son phấn và thợ hoá trang. Nói chung mọi thứ y hệt như trong phim Pháp. Chàng hoàng tử hiện ra. Mắt rất dịu dàng. Bàn tay đỡ cái khăn của Mai Lan cũng dịu dàng. Hết buổi diễn hai người đi dạo trên bãi biển. Tay trong tay. Vịnh Hạ Long lấp lánh. Cát biển mịn màng. Đêm hôm đó, Mai Lan không về Hà Nội cùng đoàn người mẫu mà ngủ lại khách sạn, trên một cái giường giả cổ, thời Louis XIV. Cửa sổ mở toang trông thẳng ra biển. Đạo diễn phim Đông Dương có nhìn thấy cũng phải thèm. Bây giờ kể lại cho Liên, Mai Lan bảo không cái dại nào như cái dại này, tao biết nó có vợ mà vẫn đâm đầu vào. Mai Lan bảo đừng hỏi tên nó tao kinh lắm. Nửa năm sau sang Pháp hết dại, Mai Lan cho nó nghỉ, đẻ con cũng không báo, không thèm trả lời điện thoại. Con My ra viện ba mươi ngày, Mai Lan thuê luật sư đòi tiền nuôi con. Luật sư bắt kể từ đầu chí cuối. Mai Lan phải tả lại khách sạn, phòng ngủ, cái giường giả cổ, đêm biểu diễn, các món ăn, chef de cuisine và súp Hồng Nga, nhiệt độ của biển, cát dưới chân, phải đưa cả cái khăn Hermes ra làm chứng, cả thư mời biểu diễn của ban điều hành khách sạn, cả kết quả những lần khám thai, soi thai và thử nước tiểu, cả giấy chứng nhận của khoa sản có chữ kí của bác sĩ trưởng khoa và y tá đỡ đẻ. Sáu tháng sau, thêm mười hai lần gặp luật sư, tốn một đống tiền mà chẳng đòi được đồng nào, lại phải bế con đi xét nghiệm máu. Nó bảo nó chỉ ngủ với Mai Lan đúng một lần, trên cái giường giả cổ. Mai Lan không cãi, cái này khoa học không chứng minh được, cãi nhau vừa mệt vừa tốn tiền điện thoại. Một tuần sau có kết quả thử máu của con My. Một tuần sau nữa có kết quả so sánh máu nó và máu con My. Mai Lan phô-tô-cô-pi gửi cho nó một bản, cho vợ nó một bản, cho bố mẹ nó một bản, cả ba đều bằng thư bảo đảm. Ra tòa thêm vài lần nữa thì nó chịu thua, mỗi tháng chuyển vào tài khoản ngân hàng tên con My bốn nghìn quan, bây giờ là sáu trăm linh chín phảy chín chín euro. Mai Lan không cho làm tròn. Con My không cho làm tròn. Luật pháp cũng không cho. Kết luận, Mai Lan bảo: sống rồi sẽ biết, bọn đàn ông bạc như vôi, nhất là bọn tóc vàng. Dừng lại một lúc, lại bảo: nhất là kiến trúc sư...
Liên đoán bố con My tóc vàng và hành nghề kiến trúc sư, không chừng trang trí nội thất khách sạn vịnh Hạ Long cũng nên, chắc là hợp đồng bộn tiền, có thế mới nhớ cái giường giả cổ thời Louis XIV. Con My tóc không vàng, mơ trở thành tài tử điện ảnh. Mười bốn tuổi cao một thước sáu lăm, ngực và mông nở, bụng mỏng dính. Mai Lan bảo kỉ lục của con My là chưa biết đi đã thích mặc áo hở rốn. Xong lại bảo lúc mình chưa biết đi, chẳng có gì để diện, oách nhất là cái váy Đức Hạnh mặc gần rách mà vẫn chùm đầu gối. Liên cười. Mai Lan nghĩ một lúc nói: trẻ con nhà quê xếch-xi hơn trẻ con Hà Nội, lúc nào cũng chơi áo hở rốn với quần thủng đít. Quan hệ của Mai Lan và con My như bạn bè, chủ yếu dựa trên sự bình đẳng. Trong nhà chẳng ai đợi cơm ai, người nào đói thì ăn trước, cũng không cần để phần thức ăn. Mỗi người một phòng riêng, tự trang trí sắp đặt, muốn mời bạn bè đến người kia cũng không có ý kiến. Đi đâu, làm gì, không nhất thiết phải báo cáo. Mai Lan có thể về nhà vào bất cứ giờ nào. Con My cũng vậy. Nhiều lần hai mẹ con gặp nhau trong thang máy lúc tờ mờ sáng. Cách đây hai tháng, Mai Lan làm mất chìa khóa, trước đấy lại uống mấy cốc rượu, quên cả mã số vào cửa. Con My đi sinh nhật về, một thằng bạn đèo xe máy, thấy mẹ ngồi ngủ gật ngay trên hè đường, tóc tai thảm hại. Vừa kéo mẹ đứng dậy, vừa càu nhàu làm thế là mất thể diện nó trước mặt bạn trai, bạn trai mới quen, con nhà đàng hoàng, quận Mười Sáu từ ba đời nay. Mai Lan không phản ứng, vào đến nhà, lao lên giường ngủ tiếp, giày tất vẫn để nguyên, hình như còn quên đánh cả răng. Sáng hôm sau, Liên đến dọn dẹp thì được chứng kiến cuộc nói chuyện tay đôi của hai mẹ con. Người đầu tiên lên tiếng là con My. Nó bảo: ngay từ đầu con đã bảo thằng này không ổn. Mai Lan không nói gì. Phòng ăn im ắng, chỉ nghe tiếng cà phê sôi ùng ục trên bếp ga. Liên rót cho hai mẹ con mỗi người một tách. Mai Lan ngước mắt nhìn nhưng không động đến, một lúc sau mới bảo: thế nào là ổn? Con My bảo: đi chơi xong, tiễn phụ nữ về nhà là ổn. Mai Lan bảo: nhưng nó độc thân. Con My bảo: không nên nguyên tắc thế mẹ ạ. Mai Lan lại bảo: sống rồi sẽ biết, mày mới tí tuổi đầu. Con My bảo: mẹ cũng phải xem lại cái thân thể của mẹ. Mai Lan bỏ tách cà phê lên bàn hỏi: mày nói thế là làm sao. Con My bảo: mẹ vào buồng tắm, cởi ki-mô-nô rồi nhảy lên cân hộ con. Mai Lan cười cười: con này tinh thật, tháng vừa rồi tao tăng ba cân. Con My đứng dậy. Trước khi ra khỏi phòng còn quay lại bảo: cô Liên từ nay đừng mua sữa. Mai Lan cười cười: sữa O phần trăm chất béo thì chết ai. Con My bảo: không nên cả tin thế mẹ ạ. Trong nhà hai mẹ con mỗi người ăn một kiểu. Mai Lan hầu như hai bữa cơm, bác sĩ bảo cơm không béo bằng bánh mì và mì ống. Một đĩa cơm thêm một chút đồ ăn mặn như thịt kho hay trứng rán, một chút rau xào, một chút mì vị yểu, cho vào lò vi sóng. Mai Lan bảo thế giống cơm đĩa Sài Gòn. Rồi vừa ăn vừa xem vô tuyến. Trước mặt bao giờ cũng có ly nước đá, lại ăn cơm bằng thìa, nên giống Sài Gòn thật. Con My vội đến đâu thì vội cũng đầy đủ lệ bộ. Một tị nước chấm cũng rót riêng. Một tị rau xào cũng bày riêng. Thịt và trứng rán đều thái nhỏ. Nó bảo: răng hàm của mẹ làm việc khỏe ghê. Mai Lan cười cười: bọn Trung Quốc nhai còn kinh hơn. Con My bảo: Củng Lợi có thế đâu. Mai Lan lại cười cười: ngày xưa tao lên phim, nhai im hơn cả Tây. Con My bảo: trong mồm có khỉ gì đâu mà nhai. Mai Lan bảo: ngày xưa tao đóng cùng Chánh Tín phim Ván bài lật ngửa, mấy lần ngồi trước con gà quay mà chẳng được miếng nào, cả đoàn chẳng ai được miếng nào. Quay xong, đạo diễn gói con gà lại đem trả cho tiệm Vĩnh Hương. Con gà y nguyên, da không trầy, bông hoa hồng ngậm ở mỏ vẫn tươi. Có thế lần sau người ta mới cho mượn tiếp. Con My đứng lên bảo: không nên sống bằng quá khứ mẹ ạ. Rồi chẳng đợi Mai Lan phản ứng, nó ra khỏi phòng, tóc xõa ngang vai đen nhánh. Liên tự nhiên nghĩ bố con My mà gặp nó bây giờ thế nào cũng bắt đi thử máu lần nữa. Mai Lan có lần cười cười bảo: hai năm nữa con My về Việt Nam thi hoa hậu được. Liên lại nghĩ không hiểu sao con My họ Nguyễn. Chẳng lẽ chỉ để sau này dự thi hoa hậu báo Tiền Phong. Sống rồi sẽ biết, Liên đành tự bảo như thế, xong lại tự cười nhạo, thế là học thuộc câu của Mai Lan. Liên học ở Mai Lan nhiều thứ. Mai Lan đã dậy Liên biết cách sử dụng máy giặt, máy xay thịt, máy xay sinh tố, máy rửa bát, máy hút bụi, rồi hút bụi thì nhớ hút cả gậm tủ, gậm giường, nhớ nhấc đệm lên hút. Lần đầu đến nhà Mai Lan, nhìn một ngăn các loại nước rửa, Liên còn không biết chai nào để lau cửa kính, để lau bếp, lau lò, chai nào để làm trắng hố xí, làm bóng gạch men kính, làm sạch can ke ở bồn tắm, chai nào để rửa đồ sứ, chai nào để rửa đồ pha lê, chai nào để rửa đồ i-nốc, chai nào để rửa đồ bạc, đồ mạ vàng. Liên hoảng sợ. Trước đây Liên biết mỗi việc tắm cho các cụ già. Các cụ già thì không cầu kì mấy, chỉ một lọ hóa chất vừa dùng để gội đầu vừa dùng để tắm. Cái cần nhất là phải có sức khỏe. Vài ngày, Liên lại bị ngã cùng một cụ nào đấy trong buồng tắm. Oạch một cái, cả hai nằm quay đơ trên nền gạch đá hoa, bao giờ cũng song song với nhau. Có lẽ vì các cụ bám tay Liên chắc quá, để có bị ngã thì kéo Liên theo. Móng tay cụ nào cũng dài và quặp vào bên trong. Một tuần cắt một lần mà vẫn kịp dài và quặp vào bên trong. Cắt móng tay cho các cụ cũng cần sức khỏe. Người càng cao tuổi thì chất sừng càng phát triển. Phát triển đến độ kéo thường không cắt được. Đến độ, cắt xong một tay, Liên phải ngồi thở mười lăm phút mới dám cắt đến tay kia. Cắt xong còn phải dùng dũa để mài cho bớt sắc. Móng chân thì không cần mài vì móng chân không bám được vào tay Liên, không làm bắp tay Liên nhiều lần rớm máu. Liên chỉ cắt móng chân cho các cụ vài tuần một lần. Có lần quên bẵng đi vài tháng, một cụ bị vấp ngã, móng chân bật ra, phải gọi xe cấp cứu. Lần ấy Liên suýt bị đuổi việc. Liên nhẩm tính, mỗi ngày Liên tắm cho hai cụ, một năm có hai trăm bốn mươi ngày làm việc, hai năm đổ đồng là bốn trăm tám mươi ngày, là chín trăm sáu mươi lần Liên đeo găng cao su, đổ hoá chất ngập lòng bàn tay. Rồi xát khắp đầu, cổ, vai, ngực, lưng, bụng, đùi, bắp chân rồi ngược lên bắp tay, rồi đi sâu vào nách, rồi lần theo lườn, rồi thọc vào bẹn, rồi quay sang mông, rồi di lên lưng, rồi luồn vào gáy. Như thế mới được một vòng. Qui định của công ty là mười lăm phút ba vòng. Liên luôn phải trừ hao vì công ty cố tình quên các khoản phụ, các đòi hỏi vô kì bất tận, chủ yếu là tự phát, của khách hàng. Công ty không thể dự kiến được cụ này thì thích cọ lưng, cụ kia thích xoa bụng, cụ khác thích dừng lâu hơn một chút ở háng. Không kể một cụ bà cứ nhất định ngực trái có khối u rồi bắt phải xoa xoa mấy chục vòng. Không kể hai cụ ông rên rỉ trên mông có cái nhọt bọc, chỗ đi tiểu tiện hơi xót, chỗ đi đại tiện bị rát từ mấy ngày nay. Liên đã tin những vị trí tế nhị đều cần bàn tay Liên. Về sau khối u ngực trái lại chạy sang ngực phải, cái nhọt bọc ở mông lại biến thành cái mụn ở bẹn, chỗ đi tiểu tiện hết xót nhưng lại bị tấy, chỗ đi đại tiện đã đỡ rát thì bắt đầu ngứa, không hiểu có phải đang lên da non. Liên không thích bị làm nũng như thế. Liên cảnh cáo bằng cách cào vào vai, hay để nước nóng thêm vài độ, hay làm hoá chất rơi trúng mắt, hay cắt móng tay thật sâu, hay chải đầu thật mạnh, hay lúc cài khuy áo huých cho một cái vào ngực, hay lúc kéo phéc-mơ-tuya quần kéo theo cả da, hay lúc đi tất chừa ngón chân út ra ngoài, hay lúc quàng khăn nhét một viên sỏi vào cổ, hay lúc ngoáy tai chọc một nhát vào màng nhĩ. Các cụ kêu choe chóe. Buồng tắm biến thành vườn thú. Liên cũng được một mẻ cười. Thế mới chừa cái thói làm nũng. Các cô mẫu giáo của Liên ngày xưa hay nói câu này lắm. Đứa nào kêu mỏi chân rồi không chịu xếp hàng đi tè là các cô cho một phát vào mông. Đứa nào kêu đau răng rồi ngậm cơm không chịu nuốt là các cô cho một phát vào mông. Đứa nào kêu nhức đầu không chịu ngủ trưa là các cô cho một phát vào mông. Các cô phát rất mạnh vì mông toàn thịt không nguy hiểm. Mông trẻ con Việt Nam lại có một vết tím bẩm sinh nên có tím thêm tẹo nữa cũng không gây phiền hà. Các cô vừa phát vừa bảo thế mới chừa cái thói làm nũng. Cái phát vào mông có tác dụng thật. Đến giờ, cả lớp ăn cơm, đi tè, ngủ trưa đâu vào đấy. Khoa học khẳng định tâm lý người già có nhiều điểm trùng tâm lý trẻ con. Các cụ hiểu ngay động tác của Liên. Lần sau cái mụn hết sưng, khối u biến mất, tiểu tiện, đại tiện không có gì phàn nàn. Các cụ nào ít nhạy cảm hơn, tiếp tục làm nũng thì cũng chỉ tiếp tục được đến lần thứ ba vì màng nhĩ đã thủng đến nơi, ngón chân út sắp gãy, da ngực mấy vết bầm, da lưng mấy vết xước. Nói chung người cao tuổi nhạy cảm hơn ta tưởng. Thể lực càng yếu thì càng nhạy cảm. Đáng ngờ nhất là các cụ nhạy cảm quá. Đến nỗi ngay tối hôm đấy, Liên nhận được điện thoại của con cháu các cụ. Những lần đầu Liên thấy sợ. Con cháu các cụ qua điện thoại giọng nói đều giống nhau, vốn từ cũng giống nhau, cách dọa báo cáo lên công ty quản lý Liên cũng giống nhau, ngay cả tiếng ống nghe rơi xuống khô khốc cũng y hệt như nhau. Liên tưởng tượng bên ngoài họ cũng có những khuôn mặt giống nhau, ánh mắt giống nhau, nếp nhăn trên trán cũng giống nhau, lông mày châu lại cũng giống nhau, tất cả phẫn nộ vì thái độ làm việc thiếu nghiêm túc của Liên. Vài tuần lo sợ cũng khiến Liên hiểu rằng chẳng con cháu nào của các cụ báo cáo lên công ty quản lý Liên. Các cụ có nhạy cảm thế chứ nhạy cảm nữa thì cũng không khiến được con cháu nặng lời với Liên lần thứ hai. Trái lại, Liên còn có cảm giác đằng sau câu dọa dẫm đã thuộc là một điều khác, rất khó biến thành lời. Một hôm, Liên nhận được một cú điện thoại đặc biệt. Đầu dây bên kia tự giới thiệu họ tên. Giọng khá mềm mại. Liên chưa kịp phản ứng thì ông ta (đó là một người đàn ông) xin lỗi sẽ làm phiền Liên mười lăm phút. Liên không hiểu chuyện gì, con cháu các cụ chưa ai gọi điện để xin lỗi Liên bao giờ. Ông ta lại xin lỗi lần nữa chỉ để hỏi Liên có biết khái niệm bán nhà đổi lấy niên kim trọn đời. Liên không nói gì. Nhưng ông ta cũng chẳng đợi câu trả lời. Dường như đã chuẩn bị sẵn từ trước, giọng vẫn mềm mại, ông ta bảo bà già mà Liên đến tắm mỗi sáng thứ năm hàng tuần ấy là một bà già cực kì láu cá. Liên nhớ ngay, bà già hay than phiền về khối u ác tính ở ngực. Ông ta bỗng giơ tay đấm vào ngực, đầu dây bên này, Liên vẫn nghe một tiếng thùm thụp. Ông ta dừng lại một giây, cho qua cơn xúc động, rồi tuôn một tràng dài đúng mười lăm phút như báo trước.