CHƯƠNG 10

     umar Kumar đứng lặng im, bàng hoàng trước cái giường nệm trống.
Chẳng còn Quyên nằm tại đó. Thanh Vân còn ở bệnh viện không? Anh nghĩ.
Kumar nhao tới phòng trẻ sơ sinh. Cái giường trẻ sơ sinh trắng muốt, nhỏ bé chỉ còn lại chiếc gối nhỏ. Không còn Thanh Vân nữa! Kumar cúi xuống. Anh như để mất hồn, bần thần sờ tay xuống tấm drap, nơi bé Thanh Vân nằm. Ừ, buổi chiều hôm qua, nó còn nằm đây, bàn tay nhỏ xíu hồng hào, cổ tay bụ bẫm, những búp tay cụng cựa, ngo ngoe. Mùi thơm quen thuộc quá! Mùi sữa hoi hoi, vơ vẩn còn sót lại đâu đó, thoang thoảng làm Kumar thốt nhiên buồn nao.
Không bác sỹ và hộ lý nào biết bà mẹ trẻ người Việt kia bế đứa con bỏ trốn đi đâu? Kumar cũng không thể lý giải, vì sao cô ấy lại bỏ đi? Anh quá bất ngờ và không lường trước được tình huống này. Cô ấy đi đâu? Cô ấy là người lớn, dù ngoài trời giá rét băng tuyết, bỏ đi cũng không sao, còn đứa trẻ? Nó bé xíu như con thỏ non thế kia. Mùa đông về rồi! Ngoài trời có hôm lạnh dưới âm năm, mười độ. Có đêm âm mười hai độ. Một đứa trẻ nhỏ, thơ bấy, yếu ớt hơn cả mầm cây mới nhú, sao có thể chịu được gió lạnh qua bốn năm giờ, trong đêm đông giá rét thế này? Anh buồn bã rời bệnh viện. Chiếc xe mô – tô thùng, có dòng chữ da cam”Pizza tươi”, mấy lần nổ máy, rồi lại tắt máy. Anh chần chừ, nửa muốn đi, nửa lại chẳng biết đi đâu. Anh đứng yên tới nửa giờ trước cổng viện. Hai bàn tay đặt lên cần lái, cứ để mặc gió lạnh lùa vào cổ áo, mắt đăm đăm nhìn vào bóng đêm thăm thẳm.
Thuở nhỏ, Kumar được giáo dục rằng, đã là người đàn ông Sri Lanka, không bao giờ được bỏ cuộc, phải như con hổ đuổi theo con nai trong rừng, như con rắn hổ mang săn con cầy trên cây, như con sấu kiên nhẫn dìm mình trong nước đầy đất đục, hở đôi mắt thao láo nín chờ con hoãng qua sông và bất chợt chớp đúng thời cơ nhao lên dìm chết con mồi trong khúc sông sâu ngầu bọt. Cũng thời thơ ấu, Kumar cùng theo cha suốt mười ba ngày nằm phục, leo qua ba quả núi, chín con suối, theo dấu con hổ dài hơn hai mét, bắn hạ nó, rửa hờn cho đoàn cừu của gia đình bị hổ xé thây bảy con trên sườn núi Tisikora.
Phải đi tìm cô ấy. Bằng được!
Kumar chạy lòng vòng qua mấy phố, rồi đến trại tị nạn. Không thấy Quyên! Anh lại lái xe khỏi trại, chạy một vòng nữa khắp thành phố trong đêm lạnh cố tìm Quyên.
Đêm ấy, tới quá nửa đêm, tuyết lại lững thững, chầm chậm rơi. Những đám tuyết tung tóe bay, tựa như lão trời già đang ở tít trên cao tung chăn giũ nệm, để bông xốp đầy trời. Tuyết nhẹ như tơ, bông lớn, bông nhỏ đụng vào cửa kính xe tan ngay thành những vệt nước nhòe nhoẹt.
Quyên và đứa trẻ bỏng, yếu ớt lắm! Giờ này em ở đâu, hay em đã tan ra, biến mất như bông tuyết trên mặt kính kia?
Cả tuần liền sau đó, sớm nào Kumar cũng đi tìm mẹ con Quyên. Anh hỏi thăm tất cả các cảnh sát gặp được. Anh hỏi thăm tất cả những khách hàng quen thuộc ở thành phố. Không có một ai trông thấy một người đàn bà Việt Nam nhỏ bé, trên tay có một đứa trẻ sơ sinh đi trong đêm ấy! Mấy lần anh mừng rỡ đuổi theo sau lưng một phụ nữ nhỏ bé tóc đen nhanh nhánh. Anh vượt lên, rồi thất vọng ngỡ ngàng khi nhận ra đó không phải Quyên. Trở về, anh bải hoải, thẫn thờ, buồn hơn và lập tức có cảm giác như đánh mất cái gì. Sau hôm ấy, Kumar lại ngồi bên bức tượng Phật và thầm cầu nguyện. Ngay cả trong mơ, anh cũng thấy đứa trẻ và khuôn mặt Quyên hiện lên. Anh đâu có tình yêu với Quyên. Chỉ đơn giản là thương mẹ con cô ấy. Nhưng anh yêu đứa bé, thuộc cả tiếng khóc của bé hơn hai tháng nay. Tình cảm ấy, ai từng trải, tinh đời sẽ nhận thấy khi quan sát đôi mắt của anh, quan sát những lúc em bế nó trên tay, nhè nhẹ hát tiếng mẹ đẻ một điệu hát mà lời ca vu vơ, như từ đâu sâu thẳm trong tiềm thức ùa ra:
Anh đừng nghĩ là anh đã chiếm được nơi này. Hãy lên ngựa phi nước đại nghe gió thổi bên tai. Có thấy không, bình nguyên, những dải rừng trải rộng chân trời… Những đám mây vẫn tự do bay trên đầu và mặt trời lẫn trăng sao còn đó…
Thấy không, mùi cỏ thơm theo gió từ những cánh đồng thổi lại…
Con hổ ở trong rừng. Con nai ở bên suối và những con ong nhởn nhơ trên khắp mặt đất. Không phải của anh…
Suốt hai ba tháng liền sống trong tình trạng như thế, Kumar vẫn không thể nào dứt bỏ được hình ảnh về Quyên và nhất là đứa trẻ mà anh gắn bó, yêu thương, như nó là con của anh vậy.
Hãy thông cảm cho Kumar. Ở thành phố hẻo lánh này, không có một ai là đồng bào của anh. Không có bạn thân để chia sẻ. Người thầy dạy tiếng Việt già cùng trại tị nạn, người bạn có thể tâm tình, sau bốn năm làm thuê cho một quầy bán quần áo ngoài trời. Do không chịu được giá lạnh và không có kinh nghiệm chống lạnh, đã suy thận cấp tính và mất cách đây không lâu. Những khi buồn, anh chỉ biết tha thẩn trên các đường mòn quanh nơi anh sống và, đôi khi anh trở nên lẩn thẩn, hành động như hồi còn bé xíu, ra trước hiên nhà nói chuyện với một cái cây.
Có một lần, trong đêm, anh mơ thấy Quyên và con cô. Trong giấc mơ anh thấy Quyên ôm con chạy trên một cánh đồng đầy rắn độc. Trước mặt anh, khi đó, khốn nạn thay, lại có một cái vực rất sâu ngăn cản, làm anh không thể nào qua được để tới bên mẹ con Quyên. Anh thét lên. “Quyên, quay lại đây!”Anh nhìn rõ những con rắn trườn tới, vươn cổ lên như muốn mổ vào đôi chân hồng hồng, bụ bẫm của đứa trẻ. Anh thấy bầy rắn nhung nhúc thi nhau quấn chầm chậm vào chân Quyên, rồi quấn chặt cả thân hình kiều diễm của cô. Kumar thét lên: “Quyên!” Tiếng thét làm anh sực tỉnh.Kumar ngồi dậy. Quanh anh, bóng tối dày đặc và không gian cực kỳ im ắng. Mồ hôi anh chảy ra đầm đìa ướt đẫm tóc và trên ngực đầy những giọt mồ hôi tròn vón lại. Anh lấy giấy lau mồ hôi. Không ngủ được, Kumar bước tới cửa sổ.
Đường phố, hai bên là những dãy nhà cao tầng, đứng sin sít, phố như một cái ống, để hút những cơn gió hu hú thổi. Tiếng gió đập vào cửa kính, lọt qua cửa sổ hé mở nghe rõ mồn một. Gió cuốn theo cơ man nào tuyết trắng. Những cơn gió tuyết miênn man biến cả dãy phố thành dòng sông trắng toát, mù mịt, cuồn cuộn trôi, miên man chảy, làm anh rùng mình. Trong con gió trắng tinh ào ào bay dọc phố ấy, hình ảnh Quyên và con cô cứ chập chờn ẩn hiện.
Kumar quay lại giường nhắm mắt lại. Đã hai giờ đêm mà anh không sao ngủ được tiếp. Anh trằn trọc tới sáng..
Sau đêm mơ ấy, Kumar luôn trong tâm trạng bất an. Buổi trưa đưa bánh Pizza giữa trời băng tuyết, lạnh đến âm bảy tám độ, mà anh cứ thấy lòng dạ bồn chồn, chẳng yên như có lửa đốt. Buổi chiều, mấy lần, anh nhầm lẫn khi trả lại tiền thừa cho khách hàng. Anh có linh cảm Quyên và đứa trẻ đang ở đâu đó rất gần. Lại tưởng tượng, cảm thấy, hình như Quyên và con cô sắp gặp sự gì chẳng lành ở nơi nào đó.
Tối tối đi làm về, dẫu khuya thế nào anh vẫn dành thời gian để ngồi bên tượng Phật. Đêm nay, anh ngồi lâu hơn mọi tối. Nhắm mắt lại, Kumar tập trung tâm trí, giữ lặng một niệm, cầu Phật Bà ra tay cứu độ.
Trong thâm tâm anh, sự mong ước ấy, như ngọn lửa luôn cháy, trong cả ý thức và vô thức. Dường như nó thuộc về bản năng của anh, một con người luôn hy vọng và tin tưởng điều tốt lành sẽ tới cho người khác. Cái niềm khao khát âm ỉ trong anh dành cho mẹ con Quyên, ở những ngày ấy, khi hoàn cảnh hai bên không có một người thân, hình như xuất phát từ một góc thăm thẳm, không chỉ dành riêng cho ai. đã gìn giữ cất dấu lâu lắm trong tâm hồn, nay chỉ là điều mơ ước cụ thể hơn mà thôi. Kumar tâm niệm rằng, những mục tiêu người ta đạt được trong cuộc sống vốn chỉ là tương đối. Tất cả những gì mà nỗ lực cá nhân nhằm đạt tới đều là điều bình thường. Nó chỉ giúp người ta tồn tại. Ở nó, người ta không thể tìm thấy hạnh phúc bền vững, dài lâu, bởi thế giới luôn bất an, do chiến tranh bất kỳ, do biết bao thiên tai, dịch bệnh! Theo anh, hạnh phúc thực sự của mỗi kẻ tha hương như anh, chỉ có thể là trạng thái lâu dài, bền vững, khi biết nhận ra, tìm thấy ở trong chính niềm vui, sự may mắn của người khác, của đồng loại. Đó là nguồn vui vô bờ Kumar đã cảm thấy, đã tìm thấy ngày Quyên hồi sinh, tỉnh dậy. Thế mà, không hiểu sao cô ấy bỗng dưng mất tích? Cô ấy mang theo cả một đứa trẻ có bàn tay xinh xẻo, bụ bẫm, có đôi mắt đen trong veo và nụ cười làm anh tan hết mệt mỏi sau mỗi ngày làm việc căng thẳng triền miên.
Buổi tối hôm sau, Kumar đi đưa bánh muộn hơn mọi khi. Chuẩn bị ra về, lại có khách hàng gọi điện tới đặt năm ổ bánh nóng và đồ uống. Giao bánh xong, Kumar gọi điện thoại, báo cho chủ tiệm bánh rằng, anh về nhà luôn, không quay lại tiệm bánh nữa. Chẳng là cuối tháng trước, anh đã thuê được một căn hộ hai phòng, trên tầng hai chung cư. Nam thành phố, cách trại cũng chỉ vài cây số. Đêm đêm dù về muộn, anh vẫn tranh thủ thu dọn, sơn, dán lại giấy tường nhà, tường bếp và sắp xếp cho căn hộ trở nên gọn gàng, sạch sẽ, ấm áp hơn, không tuềnh toàng như phòng anh khi ở trại. Đêm nay, anh muốn vẽ nốt bức tranh tường trong phòng khách. Kumar vẽ không tồi. Những mảnh xanh biểu tả rừng. Dăm con nai đang gặm cỏ và một con hổ. Anh bắt chước các hình ảnh, những con vật từ những bức tranh hay phù điêu ở các đền miếu quê anh. Những hình ảnh ăn sâu vào tâm trí từ khi còn là trẻ thơ, nay được Kumar nhớ lại, vẽ ra trên bức tường lớn nhất của phòng khách. Anh muốn, ai vào căn hộ anh, cũng nhận ra, đó là cánh rừng quê hương anh. Gian phòng này của một ngừi Sri Lanka. Những màu sắc nguyên, tương phản, xanh, đen, đỏ và vàng phân định trên bức tranh nói hộ anh điều ấy.
Trước đây một tháng, ông chủ hiệu bánh đã sắm cho anh một chiếc xe VW Gold đã cũ. Có ô-tô, Kumar không phải chịu đựng cái buốt hắt thẳng vào mặt trong nhiều đêm đưa bánh. Nó ngấm vào thân thể làm anh đau đớn mỗi khi trở trời.
Đêm nay, nhiệt độ ngoài trời xuống âm mười lăm độ. Mọi vật co quắt lại. Lạnh tới độ, khi cần gạt nước không bật vài tích tắc, đã lập tức xuất hiện trên mặt kính sau, trước ô tô một lớp băng mỏng. Dầu là ngồi trong xe, anh luôn bật hết cỡ chiếc quạt hơi sưởi thổi khí nóng dẫn lên từ động cơ.
Đường phố về khuya hệt như một thành phố chết. Các cửa hàng cà-phê, tiệm ăn, quán Bier đã đóng cửa từ lâu. Không có một âm thanh, quang cảnh thành phố im lìm như tranh vẽ! Đèn chiếu sáng công cộng hắt xuống mặt đường những quầng sáng tròn lành lạnh. Ánh sáng của các loại biển hiệu quảng cáo, màu vàng hay da cam hắt ra trên hè phố, trước các cửa hàng, nom cũng nhợt lạnh, ung ủng làm sao.
Kumar chạy ô-tô qua tiệm ăn nhanh Asia Anh thoáng ngạc nhiên: “Muộn thế này, quá giờ đóng cửa lâu rồi, sao tiệm vẫn sáng đèn” Kumar bỗng nhìn thấy bóng ai đó từ tiệm ăn vội bước gia, đi như chạy dọc phố.
Dưới những hàng cây lê đã trút hết lá, toàn cành khẳng khiu, trơ khấc, chua chúa vươn hằn trên vòm trời đêm đầy ánh sao, anh nhìn thoáng thấy bóng một người phụ nữ thui thủi đi trong đêm đông dưới hàng cây, nom nhỏ bé, hiu quạnh.
Xe giảm ga. Tới gần hơn, anh nhận ra dáng một người phụ nữ nhỏ nhắn. Anh giật mình, nhíu mày: “Hay là cô ấy?” Cái bóng chợt vấp chân, ngã xấp xuống mặt đất. ANh nhấn ga lướt tới. Kumar mở to mắt trong đêm tối. Người anh tìm kiếm mấy tháng nay, như một giấc mơ hiện ra kia chăng? Anh vội dừng xe, mở cửa, nhảy ngay xuống vỉa hè. “Quyên! Quyên chăng” Anh bừng lên hy vọng.
Kumar quả là có con mắt tinh như cú trong rừng đêm.
Người đàn bà nhỏ bé ấy chính là Quyên. Cô soài ngã, nằm trên mặt đất lạnh ngắt, thở hổn hển. Đôi tay Quyên vẫn ôm ghì lấy đứa con và đứa trẻ chắc cũng bị đau, chợt khóc ré lên.
– Quyên! Có phải Quyên? – Kumar run run, tiến nhanh lại, khe khẽ gọi.
Thực ra, bấy nay Quyên đã quên sự ám ảnh, làm cô hoảng sợ mà chạy chốn khỏi bệnh viện, của tay da đen. Nghe tiếng người gọi, cô quay sang ngước mắt lên và nhận ngay ra gã da đen hôm nào. Quyên giật thót người. Sao đêm nay cô lại không may tới vậy! Quyên thoáng nghĩ. Tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa! Vừa thoát khỏi quán an nhanh, nơi xảy ra án mạng. Quyên lại gặp ngay kẻ đã làm cô sợ hãi mấy tháng trước. Vẫn bộ mặt đen như than lẫn vào bóng đêm và hàm răng trắng ởn, đôi mắt nhấp nháy đen và trắng như ma hiện hình. Nhưng Quyên chẳng còn hơi sức nào mà chạy tiếp nữa. Mọi việc xảy ra ở nhà Phi và quãng đường hơn trăm mét bế con đi như chạy làm cô không còn hơi sức đâu mà bỏ chạy.
Quyên ngồi dậy. Cô nựng đứa con trong tay. Cô tự nhủ, hãy bình tĩnh lại và cố giữ vẻ mặt bình thản, làm như không để ý tới sự có mặt của gã da đen. Đứa trẻ vẫn khóc vóng lên. Tiếng khóc vỡ ra, tan vào giữa phố đêm thanh vắng, nghe như cấu vào lòng người lớn. Kumar bước lại sát bên Quyên. Anh muốn bế lấy đứa trẻ, đỡ cho Quyên. Nhưng Quyên không muốn, cô không muốn buông tay rời con. Không thể trao con cho gã! Quyên nghĩ. Cô hơi nhíu mày và siết thêm đôi tay, như sợ gã da đen cướp cạn đứa con trên tay cô. Cái siết hơi quá tay ấy làm đứa trẻ phản ứng, giãy giụa và khóc to hơn.
– Yên nào, yên nào! Là lá la …lá la…! – Kumar chợt đưa bàn tay vỗ nhẹ vào tấm chăn bọc đứa bé. Anh cúi xuống, nhè nhẹ hát lên bài ru ca quen thuộc ngày nào. Bàn tay anh nhờ nhờ đen, nhưng lòng bàn tay trắng, những ngón tay ấm sờ nhẹ vào má đứa trẻ còn nguyên dăm giọt nước mắt.
Kỳ lạ thay! Cái giọng dịu dàng, âm âm, âm ấm của gã da đen vừa cất lên, lại làm cho đứa trẻ nín ngay. Nó giương to đôi mắt nhìn Kumar. Hình như nó còn nhận ra hơi thở của người quen. Đứa trẻ trên đôi má bầu bĩnh còn long lanh giọt lệ, vừa khóc đây thôi, chợt hé nụ cười.
Sự kỳ lạ này, có thể tương tự, tựa như trường hợp con người ta trong trạng thái nửa tỉnh, nửa mê, bỗng tỉnh giấc khi nhận ra, dầu mơ hồ, từ thăm thẳm ký ức ùa về, giọng của một người ruột thịt thân yêu, hay của một người bạn tin cậy.
Đứa trẻ ngưng khóc! Liệu phải chăng, nó đã nhận ra cái hơi quen thuộc xưa của người đã biết bao ngày nâng niu nó, bế ẵm, ve vuốt, hôn hít cái má bầu thơm nức của nó? Có phải chăng, nó cũng nhận ra giọng người quen, trong ba bốn tháng, từ khi nó lọt lòng, đã ở bên nó, vui chơi với nó cười và đăm đăm nhìn Kumar hát. Điều ấy là sự thật, đã xảy ra nhiều đêm, nhiều ngày, cả những khi nó thức hay khi đã chìm vào giấc ngủ tự nhiên, trong lời ru ca của Kumar… Quyên hết sức ngạc nhiên khi đứa con cô không không khóc nữa. Cô nhìn thấy con cô giương to đôi mắt đen láy nhìn Kumar trong đêm tối. Cô ngước lên, thoáng nhìn Kumar và bỗng nhiên bớt nỗi sợ hãi vài giây trước đó, lúc Kumar xuất hiện.
Người ta, trong trường hợp của Quyên, nhu cầu tồn tạii ở bản năng mạnh mẽ và chính điều ấy thường chỉ ra ngay một lối thoát; khi người ta ở thế cùng để chọn đúng con đường ít nguy hiểm hơn cả. Cô vừa chạy trốn khỏi nơi xảy ra án mạng. Giờ gặp Kumar bất ngờ như vậy, thực ra cô vẫn sợ. Nhưng có lẽ, nỗi sợ hãi do vụ án mạng nơi Phi gây ra lớn hơn. Rồi việc đứa trẻ nín bặt khi nghe thấy giọng nói của Kumar, phần nào đã chấn an cô. Linh cảm mách bảo cô điều gì đó về sự an lành của con. Có thể vì thế, lúc Kumar nâng cô dậy, Quyên không một phản ứng, ngoan ngoãn đứng lên.
– Em đi đâu đêm hôm thế này? – Kumar đỡ đứa trẻ và hỏi.
Quyên không trả lời. Cô quay lại nhìn về tiệm ăn. Trong cô, dăm tích tắc thôi, lóe lên ý định: “Phải nhanh chóng rời khỏi nơi đây!”. Thế là cô chủ động kéo tay Kumar:
– Nhanh lên! Hãy cho tôi rời khỏi nơi này, càng nhanh càng tốt!
Kumar hành động như một cái máy. Anh vội vàng mở cửa xe. Vội vàng kéo tay Quyên đưa lên xe và, vội vàng nổ máy, đấm số. Chiếc ô tô nhỏ của anh êm êm trườn trên đường, phóng vút đi, để lại làn phố một làn khói mỏng lơ lửng trên mặt đường đen nhanh nhánh. Đèn pha ô-tô chiếu loang loáng, hắt ánh lên muôn vàn tia sáng rọi ngược lại, như ai trong đêm tối đã rắc đầy vụn thủy tinh trên mặt đường khi hơi sương tuyết vẫn đang loang chảy ướt đẫm phố đêm.

*

Không đầy nửa giờ sau Quyên đã ngồi trong căn hộ của Kumar. Trước đó, trên đường về căn hộ, cả Kumar và Quyên đều chông thấy hai chiếc xe cảnh sát và một xe cứu thương không rú còi. Chúng bật đèn xanh, vàng, đỏ nhoe nhóe, nhấp nhánh, chạy như cơn lốc cuốn, ào về hướng tiệm ăn của Phi. Lúc lướt qua dãy xe cảnh sát và cứu thương chạy ngược, Quyên giơ tay ôm chặt lấy ngực. Cô tưởng trái tim cô muốn vỡ tung ra.
Chỉ tới tận khi vào trong căn hộ của Kumar, khi đứa con đã được Kumar vỗ về và đặt trên tấm nệm trắng tinh, thơm phức của anh. Quyên mới bình tĩnh chút ít và chợt nhớn tới việc vừa xảy ra và lo lắng cho Phi.
Không biết cô bỏ chạy như vậy có đúng không. Bỏ một mình Phi ở lại; người đã đùm bọc mẹ con cô bao nhiêu ngày nay, cứu cô khỏi giây phút ê chề nhục nhã; người đã cắt dây trói và nâng cô đứng dậy, giục cô chạy chốn, liệu cô có bất nhẫn quá không? Ngồi một mình trong phòng, khi Kumar nấu vội mì cho bữa ăn muộn, Quyên cứ thấy trong đầu cô hiện lên khuôn mặt dài dại, tán xám của Phi và cả vũng máu sậm đỏ, lênh loang tràn ra trên mặt sàn. Quyên bỗng ôm mặt.
– Ăn đi cho nóng em! Thôi đừng lo lắng buồn gì nữa. Có chuyện gì đã xảy ra vậy? Hãy nói cho tôi nghe! – Kumar đặt bát mì lên bàn và đưa cho cô thìa, dĩa nói tiếp:
– Em hãy bình tĩnh lại. Ăn đi đã, rồi kể cho anh nghe chuyện gì đã xảy ra!
Cũng phải vài giây sau đó Quyên mới bình tĩnh lại, đôi vai cô không còn run lên từng chặp nữa.
Cô quay sang nhìn Kumar.
Đôi mắt của gã rất hiền. Cái miệng rõ tươi. Dưới ánh đèn, giờ đây nước da Kumar sáng ra, chứ không đen sì như trong đêm tối. Không hiểu sao, ngày xưa mình lại sợ gã vậy? Cô tự hỏi mình.
Quả thực, xét về các nét trên khuôn mặt Kumar, nếu loại bỏ nước da đen, thì anh rõ ràng nom vừa rất đàn ông lại vừa thanh thoát, chẳng khác một người Việt. Tóc Kumar đen. Khuôn mặt trái xoan, cái cằm chẻ. Đôi mắt đen, lông mày cũng như tô than, màu mắt, con ngươi giống như mắt người Việt. Mũi anh cao và thẳng chứ không tèn tẹt như đa số con trai Việt, lại cũng không cao ngồng, nhọn hoăn hoắt, hay khoằm khoằm như mũi bọn Tây. Đôi môi hình trái tim có sắc hồng chứ không có những tia máu như cô tưởng tượng.
Con người ta như vậy đấy. Cũng là Kumar thôi, khi trước, lúc cô vừa thoát khỏi cái chết, với sự ám ảnh của những bất hạnh khi vượt biên, hoặc sau những chuyến bẽ bàng chua cay, khi gặp người chồng bạc bẽo và tàn nhẫn, cảm giác về Kumar thật khác với cảm giác đối diện trước Kumar bây giờ. Giờ đây, sau sự hốt hoảng khi chạy trốn khỏi tiệm ăn, trong nỗi sợ hãi bị trả thù, nếu Y quay lại – như Phi nói – và cả nỗi lo sợ khi cô rơi vào tay cảnh sát, cô bỗng thấy Kumar không đáng sợ như xưa nữa.
Quyên để nguyên bát mì không đụng tới. Cô không thấy đói. Còn bụng dạ nào để ăn trong hoàn cảnh này. Quyên không nên giấu Kumar làm gì! Nghĩ vậy, cô cắn môi, suy nghĩ một lát rồi thong thả, bình tĩnh kể cho Kumar nghe mọi chuyện đã xảy ra với cô.
Kumar im lặng ngồi nhìn Quyên không chớp, lắng tai nghe không sót một từ trong câu chuyện Quyên kể.
Mọi câu hỏi của Kumar bấy nay lần lượt được giải đáp.
Tất nhiên cô không nói về nỗi sợ hãi và những cảm giác của cô khi lần đầu gặp Kumar, tưởng tượng anh hung dữ ra sao trong mơ. Cô nói, lý do bỏ viện, vì cô sợ gặp ngườichồng cũ. Cô kể cho anh nghe về Phi, những tháng sống ở đó ra sao và không hề che giấu được việc cô không kiềm chế được, đáp lại tấm lòng của Phi, như sự trả ơn cho Phi như thế nào?
Kumar đã sống ở Đức quá lâu, lại ở trại với người Việt cũng quá lâu, nên anh hoàn toàn hiểu được tình cảnh của Quyên. Người ta mà phụ nữ Việt Nam vốn duy tình lắm. Sự thiên về duy cảm của họ, trong cách nghĩ và nếp sống, luôn luôn có hai mặt. Ở trong những hoàn cảnh cùng quẫy hay đặc biệt, trái tim họ run rảy, mong manh, dễ vỡ và rất dễ lại rơi vào những cạm bẫy hay cảnh ngộ chớ trêu, để bước chân lầm lỡ… – Khi bà ta nhao tới, chắc định đẩy anh ta ra để chạy trốn, đã lao chúng con dao Phi cầm trong tay. Bà ấy ngã vật xuống. Tôi thấy anh Phi sững sờ vài giây rồi quăng con dao đầy máu xuống và ôm lấy đầu. Con tôi lại khóc. Anh ấy đứng dậy, tới bên tôi. Anh cắt dây trói cho tôi. Tôi thực hoảng sợ vô cùng vì lần đầu tiên chứng kiến cảnh tượng kinh khủng như thế. Nhìn thấy vũng máu lớn, tôi hoa mắt, choáng váng gần như ngã khuỵa. Nhưng tôi khẳng định, như tôi đã nhìn thấy rõ. Phi là người vô tình, chứ không cố sát. Cái bà ấy tự lao vào dao. Bà ấy tự lao vào dao. – Quyên buồn bã nhắc đi nhắc lại, kể với Kumar như nói với một quan tòa. – Tôi không thể nào làm gì hơn ôm chặt lấy con tôi mà khóc. Phi cứ đi đi lại lại trong phòng và như chợt tỉnh ra, anh ấy lấy một cái drap trắng trong tủ của tôi phủ lên người chết. Rồi anh ấy đẩy tôi đi xuống thang gác, bảo tôi bế lấy con chạy đi. Thực ra tôi chẳng biết chạy đi đâu cả. Nhưng anh ta bảo, thằng Y có thể quay trở lại bất ngờ và giết tất cả. Tôi vô cùng hoảng sợ. Thế là tôi vơ vội mấy thứ cần thiết và bỏ chạy khỏi nơi đó. Tôi biết chạy đi đâu đây. Nhưng tôi sợ. Sợ lắm!
Quyên ngừng nói. Cô ôm lấy ngực, thở gấp, y như sự kiện mới xảy ra vài giây thôi.
Kumar im lặng. Anh nhìn Quyên không chớp. Rõ ràng cô ta đã rơi vào một trường hợp thật khó mà tìm ra sự xử lý sáng suốt hơn.
Quyên lại cất tiếng, buồn bã nói:
– Tôi thật chẳng ra gì, bỏ lại người đã cưu mang tôi bấy nay.
Kể xong câu chuyện, Quyên như kẻ đã trút hết một gánh nặng. Bấy giờ cô mới thấm mệt. Như người bị rút hết cả sinh khí, thân xác cô bỗng mềm oặt và gục đầu, như cái lá héo, rũ xuống, đôi mắt cô giờ đây không có nổi một giọt nước mắt, khô nhưng vẫn thăm thẳm, buồn đau đớn.
Kumar rời ghế, đứng dậy tới bên Quyên. Người đàn ông khác chủng tộc đặt một bàn tay lên vai cô. Bàn tay anh ấm và nặng.”Có lẽ mình chẳng nên nói gì thì hơn. Cô ta đang hoảng loạn”. Anh nghĩ vậy, và rời Quyên, xuống ngay tủ bếp, lấy một cốc nước mang lại cho Quyên.
– Bình tĩnh lại chút nào! – Giọng Kumar ấm và ân cần.
Ngoài phố vọng vào tiếng xe chạy gấp, có tiếng phanh rin rít trên đường cua gấp. Hình như có cả tiếng còi hú.
– Em ạ. Mọi việc để ngày mai. Em phải ra trình cảnh sát. Em là nhân chứng thứ hai, rất quan trọng, sau tên bị chém kia. Cảnh sát Đức sẽ tìm ra ngay anh ta. Có phải như thế thì mới cứu được Phi. – Kumar bình tĩnh nói. – Em không có tội! Nếu là anh, khi đó, có lẽ cũng không đủ tỉnh táo và sức mạnh để ở lại và hành động hợp lý hơn. Phi sẽ hiểu… Họ ngồi yên lặng với nhau hơn nửa giờ. “Khuya rồi. Lạnh đấy. Em ngủ đi!” Kumar để Quyên lại trong phòng đặt đứa trẻ. Anh ra phòng khách và ngả mình trên đệm đi- văng. Không hiểu sao khi đó anh lại nhớ tới câu chuyện cổ tích của tuổi thơ kể về nàng Sitamona.
Thuở ấy, trong cuộc nội chiến tranh giành ảnh hưởng giữa các vùng đất, thủ lĩnh bộ tộc Sinnatuerrai, chồng của nàng Sitamona bị giết. Bộ tộc Sinnatuerrai mất chủ tướng, bị kẻ thù đánh cho tan tác. Sitamnona chạy trong đám loạn quân, mang theo đứa con của dòng giống Sinnatuerrai rồi lạc trong một khu rừng. Hai ba ngày trôi đi giữa rừng rậm Anura, nàng đói lả và kiệt sức, không có một giọt sữa cho con bú. Trong cơn tuyệt vọng, nàng nghĩ đến sự bất tử của Đức Phật, nàng quỳ xuống xin Đức Phật. Lời cầu vừa dứt, bên khe suối trước mắt bỗng suất hiện một con hổ trắng rất lớn. Nó từ từ bước trên đường mòn tiến tới nàng. Sitamona hoảng sợ vô cùng, rút phắt con dao cài ở thắt lưng, dù nàng biết rằng, ngay cả một dũng sĩ với một thanh gươm sắc cũng khó lòng chống lại con hổ to lớn kia. Con hổ dài hơn hai mét, lông dài trắng như tuyết, đường bệ từ từ tiến lại. Cầu xin Đức Phật xong, nàng vẫn thấy con hổ tiến lại, bèn nói: “Này con hổ kia. Ta biết ngươi có sức mạnh vô biên, là chúa tể của rừng Anura. Nhưng người là mẹ, ta sẽ thề sống chết với sức lực cuối cùng để bảo vệ con ta. Cho dù một dũng sỹ không sợ”. Nói xong, Sitamona đặt con ra phía sau, trừng mắt, cầm con dao nhỏ trong tay, một hai sống chết nhằm bảo vệ đứa con. Kỳ lạ thay, con hổ đứng lại, nheo mắt và không tỏ ra hung hãn. Trong chớp mắt sau đó, nó quật đuôi, vọt qua đầu nàng rồi quắp đứa con tha đi. Sitamona hoảng hốt đuổi theo hổ. Hình như con hổ có ý đợi nàng, nó chẳng hề vội vã, cứ thong thả đi sâu vào cánh rừng đại ngàn Anura. Hổ dẫn nàng tới một con suối nhỏ và vượt qua nó. Bỗng đột ngột hiện ra trước mắt nàng Sitamona một ngôi chùa nhỏ, ẩn mình dưới những tàn lá. Con hổ đặt đứa con của nàng trên tấm thảm rộng màu huyết dụ gầm lên một tiếng rõ lớn. Sitamona ngạc nhiên vô cùng, khi thấy hổ trắng quất đuôi vọt đi như chưa từng xuất hiện.
Nàng Sitamona đi khắp ngôi chùa hoang. Quanh nơi ấy, nàng phát hiện ra rất nhiều hoa trái đủ cho nàng lần hồi sinh sống, có sữa nuôi con khôn lớn. Thi thoảng nàng lại lấy một góc hươu, nai hay một con thú nào đó thịt còn tươi roi rói. Hình như chúa sơn lâm đã bắt các thú vật đem đến cống cho nàng.
Năm tháng trôi đi, đứa trẻ ngày càng lớn khôn và sau này, nó chính là tràng chai kiêu hãnh, tổ tiên của dòng họ Sinnatuerrai nổi tiếng, chinh phục lại toàn bộ các bộ lạc khác trên vùng đất bao la Anura. Sau khi con đã thành chủ soái, Sitamona đi đâu không rõ.
Người kể chuyện nói rằng, nàng trở lại ngôi chùa cũ và tu rồi hóa thân tại đó. Người kể chuyện còn nói, chính Đức Phật đã hóa thân vào con hổ chỉ lối đưa đường cho nàng Sitamona. Nhưng có người lại giải thích khác, cho là, con hổ to lớn ấy chính là một con hổ mẹ từng mất con, nếu hiểu được tấm lòng của nàng Sitamona và cứu nàng. Người kể chuyện này bảo, khi người ta yêu tới cùng chân ngã, sẽ cảm thông được với muôn loài, thậm trí là cả vũ trụ. Cuộc sống sẽ hội đủ cơ duyên cho kẻ chân thành, dám liều chết cho tình yêu của mình và tạo được hoàn cảnh cho những mầm thiện hay mầm ác sinh diệt.
Kumar hồi nhỏ không biết tin vào giả định nào trong hai giả thuyết. Ở quê anh, người ta thờ cả Phật và hổ, vậy có phải Thần hổ được thờ là con hổ trắng xưa kia đã cứu nàng Sitamona hay không? Nhưng dù thắc mắc ấy chưa được giải đáp. Kumar luôn tin rằng, có thể Đức Phật là hiện thân tất cả, hiện hữu ở mọi nơi, trong những hình hài khác nhau, tạo nên những cơ duyên để thử thách lòng kiên nhẫn của người và vật, giúp họ nhận ra chính họ mà thoát khỏi các kiếp nạn. Giờ đây Kumar đã bôn ba nhiều, anh luôn cảm thấy điều ấy đúng và anh cố gắng biết bao nhiêu để rồi lên hoàn cảnh, bất cứ khi nào cũng cố gắng làm mọi điều tốt lành, tử tế. Đêm nay anh đã gặp mẹ con Quyên. Cuộc gặp này âu cũng là chuỗi cơ duyên mà Đức Phật bày đặt ra bấy nay chăng?
Cả đêm anh không ngủ. Kumar miên man tính, ngày mai sẽ trình diện cảnh sát và nói gì? Anh cũng nhớ những buổi ban đầu gặp Quyên, cái đêm cô tự vẫn và nhất là khuôn mặt đẹp thiêm thiếp triền miên hai tháng của Quyên trong viện. Lòng anh nhói đau khi nhớ lại những sự việc ấy. Bây giờ mẹ con cô lại gặp việc trớ trêu này. Sao người ta lại có những cảnh ngộ oái oăm như thế? Mà sao bao nhiêu điều như vậy lại cứ dồn vào Quyên? Phải giúp cô ấy thôi. Anh nào đã yêu nhưng thương Quyên quá. Cô ấy luôn làm anh nhớ tới người chị vô vàn yêu thương, đã không còn trên đời này nữa của anh. Theo Kumar, thế gian sinh ra đàn ông và đàn bà cho họ gặp nhau, tan và hợp, nhưng đàn bà bao giờ cũng là người khổ nhất. ở đâu cũng khổ! Trong hoàn cảnh nào cũng khổ, nhất là khi chiến tranh hay đói nghèo mà ly loạn, thì thân phận họ, đúng là như cái lá nhỏ dạt trôi, trôi mãi, có khi vô định trên mặt suối, trên những con sông, rồi có ngày mủn ra, chìm xuống, tan rã vào bùn cát… Bên phòng lớn, Quyên cũng trằn trọc mãi. Gần tới sáng, cô nhỏm dậy rón rén tới bên cửa sổ nhìn ra ngoài. Trời đêm thăm thẳm và gió cứ hu hú thổi trên các lỗ hở của ống máng, nghe như tiếng trụ rất nhỏ, xa xăm của chó sói. Quyên bống nhớ tới hàng rào nơi trại tị nạn những ngày đầu cô tới Đức. Trong đầu cô hiện lên những đóa hoa hồng dây thắm đỏ rực rỡ từng chùm trong nắng. Bức tường hoàn toàn hồng bao quanh trại.Đóa hồng cô thấy đẹp nhất, to nhất, thắm nhất, nặng trĩu những giọt sương qua đêm bị nhiều ngọn gió dập lên dập xuống, đập vào hàng rào, sớm ra tã tượi, buông hết những cánh hồng mỏng bay từ tán trên mặt đất.
Quyên, mi là cái gì? Giờ mi về đâu?
Đến phố xá miền Tây yên tĩnh tới kỳ lạ. Trên vòm trời thăm thẳm dầy đặc những chòm sao lấp lánh. Cô thấy buồn nghê ngớm, nhớ nhà vô cùng. Giá như bây giờ cô được ở Hà Nội, trong ngôi nhà nhỏ ấy và bên mẹ, có lẽ cô sẽ gục đầu vào lòng mẹ khóc thỏa thuê cho vơi đi những nỗi ê chề, đau đớn, tủi nhục của một quãng thời gian tha hương, dù chưa nhiều nhặn gì. Cô đi đâu bây giờ? Nếu như cô ở lại đây liệu có nguy hiểm nào kéo tới như tình huống đã xảy ra khi ở nhà Phi không? Hay là cô tới trại mới? Không được. Thế nào mai cảnh sát cũng biết, cô đã có mặt bấy nay ở nhà Phi. Tới trại ấy, khi họ thẩm tra về vụ án này, tiếng Đức không biết nửa câu, cô không thể giải thích mọi việc. Vả lại cô làm gì có tiền thuê luật sư. Cô ở lại với Kumar, có lẽ thuận lợi hơn, nhất là thời điểm này. Thời điểm là sớm mai cô sẽ làm như Kumar dặn, trình diện để là nhân chứng, chữa tội cho Phi. Cô cũng không thể bỏ mặc Phi lúc này. Nếu vậy, Kumar rành tiếng Đức, có thể giúp cô và Phi qua cơn hoạn nạn. Nhưng ở lại đây, liệu có xảy ra chuyện gì như đã xảy ra khi cô trú ngụ ở nhà Phi không? Có lẽ không! Ngày trước, cô chốn chạy Kumar, không phải sự chốn chạy một con đực, mà cô bị ám ảnh bởi giấc mơ coi Kumar là ác quỷ, muốn chiếm đoạt đứa trẻ. Nay cô đã cảm thấy, dù mong manh, anh ta yêu thương đứa con cô, chăm sóc nó khi cô hôn mê, lại vô tư bỏ công tìm kiếm cô và nó bấy nay. ừ, mà thân cô thì còn gì nữa để mất? Cô đâu còn là đóa hoa Đỗ Quyên ngậm sương ban mai, trinh nguyên và sang trọng. Cô chỉ là một kẻ bị hãm hiếp tới có chửa, một người vợ bị chồng khinh bỉ, đã từng tự sát không thành, lại nhục nhã ê chề ở nhà Phi… Với cô, bây giờ chẳng có điều gì giá trị, lớn lao hơn đứa con của cô.
Thôi, cứ liều mình ở lại đây đã. Nghĩ vậy, Quyên thấy nhẹ lòng, nhắm mắt cố ngủ.
Đêm ấy không có chuyện gì xảy ra.
Cô không hề nghe bất kì tiếng động nào, ngoài tiếng gió và gần sáng cô nghe thấy có tiếng động ngoài cửa sổ. Nhìn lên, một con mèo rõ lớn, đôi mắt to xanh biếc nhìn cô không chớp. Cô nhìn rõ đôi mắt vàng như hai hòn bi tròn loé sáng trong ánh đèn pin Kumar đưa cho cô hồi đêm.
Hồi cô nằm viện, Kumar có lần bảo, anh chỉ thích nuôi chó, không thích mèo lắm. Vậy đây là con mèo hoang. Mà ở Tây sao lắm mèo hoang thế? “Đêm lạnh lắm. Sao mày cứ lang thang một mình đêm hôm thế này?” Quyên tự xót xa, thầm nghĩ.
Con mèo hoang đưa hai chân khẽ cào vuốt vào tấm kính. Quyên nhỏm dậy, đi tới cửa, vặn chốt, mở hé cửa sổ. Con mèo nhảy phắt xuống nền nhà và đường bệ bỏ đi, ung dung bước từng bước một chậm rãi về phía nhà bếp, như thể ngôi nhà Kumar đã quen thuộc vô cùng với nó.
Quyên thở dài!

*

Sự gắn bó của Quyên sau đêm gặp gỡ với gã Sri Lanka như số phận bày đặt.
Sáng sớm hôm sau, Kumar trình diện cảnh sát, với tư cách anh là nhân chứng gặp Quyên ngay sau khi cô bước ra khỏi nhà Phi. Khớp nối với giờ Phi gọi điện thoại báo cho cảnh sát rằng mình đã giết vợ, người ta xác nhận điều anh khai báo. Kumar cũng đưa ngay Quyên tới trình diện đồn cảnh sát gần nhất. Theo anh, cô là nhân chứng rất quan trọng của vụ án mạng. Tất nhiên, Quyên cũng sợ, nhưng khi Kumar nói rằng, lời khai của cô có thể giúp Phi tránh được tội cố sát. Quyên đồng ý đi với Kumar tới trình diện cảnh sát.
Đi cùng anh, Quyên vững tâm hơn. Nhất là vài tuần sau đó, trong quá trình cảnh sát thẩm vấn cô, Kumar như một phiên dịch thạo nghề, giúp đỡ cô khỏi sự sợ hãi và lúng túng.
Tháng Giêng, rất ngẫu nhiên, người ta tìm thấy rằng Y trong một lần kiểm tra tìm mấy kẻ không giấy phép lao động, ở khu chợ bán buôn Rihn 100 của người Việt Nam tại Berlin. Vụ án nhanh chóng kết thúc quá trình điều tra, ngay sau khi lấy thêm lời khai của Y. Việc tìm thấy Y cũng làm đám cảnh sát rất khó hiểu. Tại sao ở một góc chiếu, Y là người bị hại mà hắn im lặng, không tố cáo, phát giác, lại lẩn trốn suốt bấy lâu nay? Cảnh sát suy đoán, có điều gì đó ẩn khuất của Y trong vụ án này và khai thác Y gần hai tháng. Cuối cùng họ cũng chỉ nhận được một thông tin đơn giản tới không thể hiểu với người Đức rằng, tôi – Y – không muốn rắc rối.
Đúng là chẳng hiểu được, khi Y khai: “Tôi đã nhìn cái ảnh chụp bà ấy trên báo, nằm chết tại nhà anh Phi. Chết thì đằng nào cũng chết rồi! Nếu tôi khai báo, tôi sẽ mất thời giờ lắm”. Người ta mở rộng điều tra, nhưng vẫn không sáng tỏ hơn điều gì. Cảnh sát chấm dứt tìm hiểu thêm vì nhận ra cộng đồng của Y là một cộng đồng khép kín, nên khó có thể khai thác gì hơn những điều mà máy móc và phương tiện kỹ thuật có thể mang lại thông tin cho họ. Bởi vì, máy gh âm từ xa, chương trình nghe lén điện thoại… chẳng tác dụng gì khi Y đã bị bắt. Tuy nhiên từ các vết tích còn lại của kỹ thuật thu âm lén, họ thừa biết, Y có quan hệ khá rộng với nhiều nhân vật trong nhóm mafia Việt, đang bị theo dõi bấy nay.

*

Đêm trước ngày tòa xử án, Quyên trằn trọc tới sáng.
Sáng ra, cô và Kumar dậy rõ sớm. Bữa sáng bánh mì và cả sữa tươi cũng giường như đắng ngắt.
Họ có mặt tại phiên tòa rất đúng giờ, phút chờ đợi cảnh sát dẫn Phi tới, Quyên thấp thỏm, đừng ngồi không yên: “Không biết anh ấy bây giờ hình hài ra sao?” Tới khi Phi vừa hiện ra ở cánh cửa nách với hai cảnh sát dẫn giải, Quyên nhỏm phắt dậy và tái mặt.
Kumar ngồi bên nắm lấy tay cô, cô ngục mặt xuống, những giọt lệ từ đôi mắt đẹp lã chã rơi.
Phi đã gầy đi nhiều, hai mắt quầng thâm và mệt mỏi. Rõ ràng Phi đã qua những ngày dằn vặt và đau đớn. Đêm qua nằm nhìn trân trân lên trắng trần nhà. Quyên nhớ lại những hình ảnh, kỷ niệm trong thời gian ở quán ăn nơi Phi đã dành cho mẹ con biết bao điều tốt đẹp.
Kumar im lặng bên Quyên. Khó ai có thể biết anh nghĩ gì. Nhưng nếu quan sát nét mặt ưu tư của anh, khi anh quay sang nhìn Quyên, thì có thể hiểu, lòng anh cũng vò xé khi thấy Quyên xúc động như thế. Anh là loại người từng trải, biết kiềm chế những xúc cảm cá nhân, nhưng cũng không phải là loại người ích kỷ chỉ nghĩ tới mình. Anh không dám chắc, Quyên đã từng nghĩ gì, song những việc xảy ra, kể cả tình cảm của Quyên dành cho Phi như vậy đều có thể hiểu được. Nếu ở trường hợp như Quyên, gặp lại một người đã vì mình mà rơi vào vòng lao lý thì có lẽ anh cũng động lòng. Chỉ có điều, anh là người con trai Sri lanka không dễ dàng nhỏ lệ như Quyên mà thôi.
Phiên tòa kéo dài gần hết năm tiếng đồng hồ trong buổi sáng hôm đó. Điều khó nhất là Quyên phải tường trình trước tòa vài tình tiết trong buổi tối xảy ra án mạng, coi những chứng cứ giúp họ xem xét điều đã đầy Phi vào trạng thái điên khùng, cầm dao chém Y như bản cung. Cô cứ ôm tay ôm mãi lấy ngực. Cuối cùng cô cũng chỉ nói ra một câu đơn giản, đủ để tòa hiểu tình huống trước đó: “Chúng tôi đang nằm bên nhau, yêu… nhau”. Vâng, yêu nhau thì bà ấy và Y xuất hiện. Tôi không hề biết rằng, bà ta là vợ của anh Phi”.
Quyên ý thức rất rõ rằng, dùng hai từ “yêu nhau” là không đúng hoàn toàn. Song Quyên không thể nào tìm từ khác, dù vì trong thâm tâm, cô tự biết cô chưa khi nào yêu Phi cả, nhưng cô không thể nào dùng từ “làm tình”. Với cô, từ ấy nghe xa lạ. Cô cũng không giám sử dụng cái từ “cặp bồ” mà đồng bào cô vẫn dùng. Cô ghê tởm khi nghĩ tới những chữ cặp bồ và làm tình. Thôi thì cô đã thương gã, biết ơn gã và có giờ phút không kiềm chế, thả lỏng cô, như sự trả ơn để cho gã “yêu” cô. Nhưng cô nói ra như vậy thì khó ai hiểu nổi.
Phiên tòa kết thúc. Phi nhận án hai năm từ về tội ngộ sát. Y cũng bị luận tội về cố ý nhục mạ và có hành vi xâm phạm thân thể Quyên. Hắn bị tuyên phạt 3 tháng án treo và phạt tiền 2.000 Euro.
Phi được nói lời cuối cùng. Anh yêu cầu cho anh gặp Quyên một chút, Tòa đồng ý với đề nghị ấy, cho phép Phi gặp Quyên. Việc ấy diễn ra ở phòng bên. Quyên chạy tới, lần đầu tiên từ khi quen biết nhau, cô chủ động ôm lấy Phi, để nước mắt chảy xuống trên đôi vai của anh. Phi nghẹn ngào và lúng túng. Anh đứng yên như cây gỗ. Chẳng nói một lời, bàn tay cứ vuốt mãi lên mái tóc cô, tận tới khi viên cảnh sát nhắc nhở, anh mới buông Quyên ra và bước theo họ. Khi sắp khuất vào sau cánh cửa ngách bên tòa án, anh quay lại. Đôi mắt đau đớn nhìn Quyên. Mãi mãi sau này Quyên vẫn nhớ ánh mắt anh ấy khi ấy và hiểu, Phi yêu cô thật lòng.
Suốt cả buổi xử án, Kumar ngồi bên Quyên, anh hoàn toàn không tỏ một thái độ gì trước mọi biểu hiện tình cảm của Quyên. Lúc Quyên gặp Phi, anh bước ra phòng bên ngồi chờ.
Tự nhiên anh thấy nao nao buồn.

*

Mùa xuân năm ấy tới muộn.
Hiếm bao giờ, trong cả ba bốn tháng đông trước đó, có một ngày hanh hao xa vắng, để vạn vật se sẽ run rẩy. Bởi lẽ giản dị là, khi qua những tháng dài mùa đông lê thê, với bao ngày đằng đẵng tẻ nhạt, lạnh lẽo, quá đỗi u ám, buồn chán thì dường như người ta càng khao khát, mong chờ tới khắc khoải một ngày không mưa, không tuyết chẳng gió và nắng vàng chan chứa ùa về.
Bữa ấy nắng về đột ngột. Mặt trời từ trong đám mây xám, chói chang hiện ra, làm cả không gian trước đó đang hết sức ảm đạm, bỗng bừng rạng khác thường, như báo hiệu mùa đông sắp giã từ. Những tia nắng đầu tiên tựa màu hổ phách, mang cho người ta cảm giác ấm áp lạ thường. Thoáng chốc nhìn từng chùm nắng chiếu xuyên qua những vòm lá, người ta bất giác nhận ra một thời khắc vạn vật chợt tỉnh thức, hồi sinh và dường như tất cả đều nghẹn ngào đến bàng hoàng trước tia nắng đầu tiên. Và, con người, Quyên, một trong ti tỉ sinh linh, chủ thể chính, đầy nhạy cảm của hành tinh này cũng chợt run lên… Ấy là khi tháng Ba, forsythia nhoi nhói xé vỏ cây, vùn vụt bật ra những mầm hoa, búp lá để vài hôm muôn vàn bông hoa nhỏ nở bung, bừng lên mầu rực rỡ, tựa như từng đám lửa vàng cháy sáng rực cả góc vườn.
Tuyết sương vừa tan, trong đêm những củ hoa dầm lâu trong băng giá và u tối bỗng cựa mình. Từ lòng đất những chồi trắng xanh thi nhau nảy ra chua chúa, tách khỏi ám củ màu nâu. Đám chồi ấy trong vài đêm kiên trì chọc qua lòng đất lạnh lẽo âm thầm nhao lên, vươn trên mặt đất, chuyển màu xanh nõn, để sau chỉ vài ngày, những đóa tuy-lip chợt hé mở, vụt lớn, rồi nở bung, nom tựa như trăm ngàn ngọn đuốc cháy đỏ rực, nhoi nhói thắp ánh sáng suốt ngày đêm trên các luống hoa năm trước.
Sức sống cuồn cuộn trào lên trông thấy ở khắp nơi trên mặt đất vừa hừng ấm, như tất thảy vạn vật cùng nhau hò hẹn vào xuân.
Tới giữa tháng Tư, hoa lê và hoa anh đào rụt rè khoe sắc trên những cành cây xám đen gầy khẳng khiu. Ai tinh tế sẽ nhận ra vào một sớm mai, trên những cành lê cong queo, khô xác, còn đầy những giọt sương đêm, bỗng xuất hiện vô khối đọt tơ nhu nhú xanh. Và, chỉ sau có hai ngày nồng nàn nắng ấm, đám đọt tơ li ti mong manh ấy thoắt phổng lên, biến thành những đóa hoa lê trắng muốt. Chẳng đợi lâu đâu, nửa tuần thôi, cả rừng lê bừng rộ, chan chứa cả dãy phố, cả cánh rừng ven thành phố, một màu trắng ngàn ngạt, tinh khiết. Mom xa xa, những trảng hoa lê tựa như dải lụa trắng tinh đầy phấn, phủ trên những khoảnh vườn, dải rừng mà tháng trước còn thui thủi choàng khăn màu u xám.
Đám anh đào muộn mằn hơn một chút. Dường như loài cây mà hoa đầy màu sắc lộng lẫy này cần thời gian nhiều hơn để tự nó hút thêm nhụy đất, phan trộn thêm những gam màu diễm lệ cho mùa xuân. Từng vạt hoa tím sẫm, hồng nhạt, nở bung rộn rã cả mắt. Chờ một làn gió nhẹ, muôn ngàn cánh hoa anh đào rụng xuống, chao đi chao lại khắp vườn. Đôi khi có cơn gió lớn, cả khu vườn cây quả lập tức như có ức vạn con bướm tím, hồng la đà, rập rờn bay khắp nơi, khắp chốn.
Cũng còn có hôm tuyết lất phất nửa giờ, – như thể đó là ngày ông trời già muộn nằm giũ chăn màn để cất đi trước mùa hè, – tuyết rải tung tóe xuống khắp thành phố đám tơ trời trắng mong manh, nhỏ, nhẹ, xốp như bông; hệt như những gì còn sót lại của mùa giá băng, xin được lần cuối trút hết, để trả lại nền trời xanh văn vắt.
Rồi cứ nắng. Nắng chan hòa, vàng ấm miên man ngày lại ngày, khi se hanh, khi âm ẩm tràn ngập mặt đất. Rừng sáng rực, phố xá sáng rực, các cánh đồng ngời lên màu xanh miên man. Ngay cả các con sông cũng trở mình, trong xanh hơn và êm đềm hơn. Rồi những ngọn gió trên sông cũng thoát tinh khiết lạ thường và thơm hừng mùi thảo mộc từ những cánh rừng, đồng cỏ bên sông tràn xuống.
Trên cánh đồng, khi mưa ấm lất phất rơi, cỏ cây, hoa dại cũng đua chen nhau mọc, để các khoảnh đất nối liền nhau, bao la một màu rất đỗi dịu dàng, non nõn, xanh mướt, chạy mãi tới tận chân trời cũng xanh ngăn ngắt. Nhìn kìa, quanh ta chẳng thể rạch ròi, đâu là trời, đâu là đất. Tất cả, tạo cho người ta một cảm giác thật là dễ chịu… Thiên nhiên hớn hở thay đổi như vậy làm cho Quyên thấy dịu đi những đau đớn trải qua.
Tháng sau nữa, Kumar xin được căn hộ rộng hơn. Căn hộ mới có ban-công nhìn ra cánh đồng. Quyên hay bế con ra đó ngồi trong những buổi chiều, dõi tầm mắt ra xa. Tháng Năm, không khí ấm dần lên. Có ngày nhiệt độ tới ba mươi độ mà vẫn thấy dễ chịu. “Cái nắng ở xứ này bao giờ cũng dịu dàng và không khí thì thật trong sạch, tinh khiết đến lạ thường”. Thế mà những khi ấy, lòng Quyên chợt nôn nao buồn. Bởi dù có sự sạch sẽ hay đẹp đẽ tới mấy thì ngay cả nắng và không khí cũng xa lạ và chưa bao giờ thuộc về cô. Cái tâm sự của người tha hương với tâm hồn như Quyên rõ là kỳ lạ! Cảnh sắc có tươi tới mấy, không gian có đẹp xiết bao, cũng chỉ mang lại cho cô niềm vui thoáng chốc để sau đó những miên man suy nghĩ và nhớ nôn nao nơi cô lớn lên, từng sống, dù là vùng sống ấy, nơi quê hương quen thuộc, chẳng có những ưu việt vật chất hơn nơi cô đang sống.
Mùa này Hà Nội qua xuân vào hè đây. Tự nhiên cô nhớ cái nắng hạ chan chứa oi nồng, bứt dứt và dâm dấp mồ hôi… Cô nhớ, đếm lại trong đầu bao nhiêu dãy phố, hoa bằng lăng từng dãy nở tím suốt từ tháng Sáu tới tháng Bảy và phượng chúm chím khoe nụ để có dăm ngày kế đó làm cả một đỏ rực rỡ nom như những mảnh lửa cháy đỏ chập chờn trong hây hây gió đông thổi trên những tàn xanh dịu mát. Cô nhớ từng bữa dạo quanh Hà Nội của cô có màu vàng ấm áp sáng lên mỗi chiều của những chùm hoa hoàng điệp. Ừ, hoàng điệp vàng mà chẳng buồn. Cái sắc màu vàng mơ tươi sáng của những chùm hoa nhỏ này làm cho đường phố mềm đi, bớt đi oi ả hơn, nhất là vào những ngày có gió nhẹ, người đang tâm trạng có thể bâng khuâng chút ít để chợt nhớ thương ai đó, điều gì đó ấp ủ bấy nay… không như loài đỗ quyên, màu đỏ sậm mà mỗi khi ngắm, dù vừa sau Tết, đang vui thế, ồn ã thế đã thấy lòng cô sao trở nên buồn thế. Phải chăng, những tên hoa, màu hoa cũng ẩn chứa, gợi mở một số phận định trước, nếu ai đó đã lấy tên loài hoa ấy đặt tên cho một con người?
Tết vừa qua liệu mẹ có gói bánh chưng như hồi con ở nhà không?…

*

Căn hộ Kumar mới nhận gồm ba phòng. Tại phòng ngủ lớn, anh đặt một cái giường rộng, màu phớt hồng dành cho Quyên. Cái cũi nhỏ bằng tre, mua ở gian trưng bày triển lãm đồ mây tre Việt Nam, đặt bên giường hồng, làm Quyên thấy vui vui. Theo cô, Kumar là người đàn ông chu đáo và tâm lý.
Hàng ngày đáp lại sự chăm sóc che chở bấy nay của Kumar, Quyên giúp anh những việc trong nhà. Công việc cũng không nhiều nhặn gì, cô thu xếp, lau dọn nhà cửa. Cô giặt quần áo cho cả Kumar, là ủi chúng thơm phừc và sắp xếp cẩn thận. Cô lo bữa sáng và nấu cho Kumar được ăn nóng bữa tối. Những ngày nghỉ, họ được một ngày trọn vẹn bên đứa trẻ và đôi khi cũng bày biện những bữa ăn là lạ, mất nhiều công chế biến, làm cho Kumar có một cảm giác như được sống trong một gia đình ấm cúng. Thi thoảng, có ngày ít khách ở quán, Kumar tranh thủ tạt về ăn trưa ở nhà. Những ngày ấy, anh đều báo cho Quyên trước và vui vẻ bày tỏ: “Em biết không, tôi ăn ở nhà thấy ngon miệng hơn”.
Những việc tương tự như vậy, với người khác thật là nhỏ nhoi, cũng làm cho Quyên vui ra mặt. Cô thường im lặng, tủm tỉm cười.
Thời gian vùn vụt trôi đi. Quyên cảm giác cuộc sống bình thường đang dần dần trở lại.
Quả thật như vậy! Nhìn Kumar thể hiện tình cảm của anh với Thanh Vân, cô cũng thấy vui, ấm áp! Nhất là khi thấy đôi mắt anh sáng rực, cười trẻ trung, hồn nhiên và dễ thương, nhao vào bế Thanh Vân lễ và cõng nó đi tới ba bốn vòng xung quanh gian phòng khách rộng. Cái phòng khách, nơi có bức tranh Kumar vẽ trong suốt mùa xuân vừa mới hoàn thành.
Những niềm vui nhỏ bé ấy, của một kẻ tha hương cứ từng ngày, từng ngày sống trong cô, cho cô cảm giác an bình và chính những niềm vui tương tự như thế làm Quyên dần dần dịu đi cơn chấn động trước đó. Những chấn động đã từng gây cho cô bao mệt mỏi và đau đớn mỗi khi nhớ lại nó.
Tháng Tám, cô viết thư về cho mẹ. Thư kể chuyện chồng cô mất tích và cô đang cố gắng thu xếp cuộc sống ổn định. Thư không kể việc cô đã có con, mẹ cô đã có một đứa cháu ngoại gần một tuổi. Quyên nghĩ bây giờ chưa cần thiết báo cho mẹ tin ây. Cô sẽ phải giải thích rất dài dòng và làm mẹ chỉ buồn lo mà thôi.
Tháng Mười, cô viết một lá thư rõ dài cho bố mẹ chồng. Thư thuật việc vợ chồng cô bỏ nước Nga vượt biên qua Đức, cảnh sống trại tị nạn và việc chồng cô mất tích. Cô xin lỗi bố mẹ chồng vì việc không thể tìm thấy chồng cô, dù đã nhờ cả cảnh sát kiếm tìm hơn một năm nay.
Sau khi thả lá thư gửi cha mẹ chồng vào khe hộp thư bưu điện thành phố, cô thần người ra tới nửa tiếng.
Rõ ràng, sự việc xảy ra với cô ở biên giới không phải lỗi ở cô. Việc Dũng mất tích cũng không phải lỗi ở cô. Nhưng việc cô ở đây với Kumar, hay trước đó ăn nhờ ở đợ nơi Phi, cho cô cảm giác, sau khi gửi lá thư viết cho bố mẹ chồng, hình như cô mắc lỗi với gia đình Dũng. Có lẽ phải đi tìm nhà để ở riêng thôi. Hay là lại đi tới Sở ngoại kiều lấy cái giấy chuyển trại? Tất nhiên, ở Hà Nội, không một ai có thể biết bao nhiêu sự việc đã xảy ra thế nào, cũng như hiện tại cô đang nương nhờ tại nhà của Kumar ra làm sao, nhưng lương tâm cô thì rõ, biết tất cả.
Đêm đó trăng non, lại mây thấp.
Quyên từ ban-công nhìn xuống. Từng quầng ánh sáng đèn đường hắt xuống đám là vừa rụng ngày qua, phản lên một màu vàng lợt.