Dịch giả : Cao Ngân Hà & Bạch Liên
Chương 1
ÐƯỜNG ÐẠO VÀ NHỮNG QUYỀN LỢI Ở THẾ GIAN

C. W. L.  Quyển Dưới Chơn Thầy là một trong ba quyển (hai quyển kia là Tiếng Nói Vô Thinh và Ánh Sáng Trên Ðường Ðạo) đặc biệt giúp cho việc bước vào đường Ðạo dễ dàng. Hiện thời, giá trị của quyển Dưới Chơn Thầy đối với chúng ta thật là to tát vì lẽ nó cực kỳ giản dị và đã được Ðức Chưởng Giáo sắp lâm phàm đặc biệt thừa nhận. Nó chứa đựng những bài của Ðức Chơn Sư dạy người đệ tử ấu thơ của Ngài là J. Krishnamurti, mới 13 tuổi, năm 1909 (Krishnamurti có tên Alcyone trong quyển Những Tiền Kiếp của Alcyone mới xuất bản đây, vào năm 1924).[1] Vì lúc đó Krish­namurti chưa thật giỏi tiếng Anh, mà bài học lại bằng Anh Ngữ, cho nên lời dạy và văn từ phải đặc biệt rõ ràng. Ðức Chơn Sư Kouthoumi với tài năng thích ứng phi thường của Ngài, đã trình bày mọi điều kiện để được Ðiểm Ðạo lần thứ nhứt, bằng một ngữ pháp đơn giản tuyệt diệu. Ðó là sự hấp  dẫn của quyển sách này.
Quyển Ánh Sáng Trên Ðường Ðạo xuất bản  năm 1885, và quyển Tiếng Nói Vô Thinh năm 1889. Mỗi tác phẩm đạo đức này đều  có những đặc tính riêng. Chúng ra đời lâu hơn và có tính cách thi vị hơn quyển Dưới Chơn Thầy, dù quyển này cũng có vài câu tuyệt đẹp: điều ấy phải như vậy, vì tác giả là Ðức Thầy Kouthou­mi. Ông Swami T. Subba Rao có nói với chúng tôi rằng quyển Ánh Sáng Trên Ðường Ðạo có nhiều nghĩa chồng chất lên nhau mà ý nghĩa thâm sâu nhất liên hệ đến bậc Ðiểm Ðạo của Ðức Văn Minh Ðại Ðế (Mahachohan) trình độ cao hơn Ðức Chơn Sư của chúng ta hiện nay một bậc. Quyển Tiếng Nói Vô Thinh dẫn chúng ta đến bậc Ðiểm Ðạo của vị La hán  (Arhat). Quyển Dưới Chơn Thầy đặc biệt nói về sự Ðiểm Ðạo lần thứ nhứt. Vậy chúng ta bắt đầu giảng lý quyển này.
Tất cả chúng ta thường nghe kể những điều cần thiết để được  thâu nhận vào đường Ðạo, nhưng người ta sẽ nhắc nhở chúng ta những điều kiện cho tới ngày nào chúng ta thực hiện được tất cả những gì đã dạy trong những kinh sách như quyển này. Không khó gì mà biết thật đúng những điều phải làm; trên con đường chúng ta đi, chướng ngại nào mà chẳng do chúng ta tạo ra? Tuy nhiên những người tuân theo các huấn lệnh ấy tương đối ít lắm, vì họ thường bị bản ngã của họ cản đường. Ðiều gì đã viết trong những quyển sách này, chính mỗi độc giả phải đem ra áp dụng riêng cho một mình mình. Vị Huấn Sư có thể giảng giải, chỉ dẫn nhiều cách thức khác nhau những điều phải thực hiện, nhưng mỗi người phải tự đi theo con đường riêng của mình. Cũng giống như sự thao luyện đặng dự vào một cuộc chạy đua hay là biểu diễn thể dục, Huấn luyện viên có thể chỉ dạy kỹ lưỡng; thí sinh phải vận động bắp thịt mình, ngoài y ra, trong đời này không có ai làm thế cho y điều đó.
Có hàng triệu người ở chung quanh chúng ta tự cho rằng mình sống đúng theo những huấn giới của Tôn giáo mình, nhưng thật ra rất ít người tuân theo cho đúng. Ngay cả những người có đức hạnh và đời sống thánh thiện thường cũng không triệt để tuân theo tất cả những huấn giới đưa ra cho họ. Trong vài trường hợp, những giáo lý Công truyền có tính cách hoặc không trọng yếu, hoặc không thích hợp, nhưng trong Huyền Bí Học không có huấn giới nào vô ích cả. Phải tuân theo thật đúng đắn tất cả những lời dạy. Ðiều này không có nghĩa là phải đạt tới mức hoàn hảo tuyệt đối mọi đức tánh trước khi được Chơn Sư thâu nhận. Phải là một vị Siêu Phàm mới đi đến trình độ toàn thiện đó, những kẻ chí nguyện phải có những đức tánh ấy ở một mức độ hợp lý mới được, vả lại chúng phải xác thực chớ không được là những giả tưởng quí mến. Khi một giáo sư  Hóa Học nói với chúng ta rằng khi phối hợp vài chất Hóa Học theo cách nào đó, chúng ta sẽ có vài hiệu quả. Chúng ta biết  rằng những hiệu quả này sẽ sinh ra. Nếu chúng ta thay đổi tỷ lệ, chúng ta sẽ không có cái chúng ta chờ đợi, mà là cái khác. Trong lãnh vực Ðạo Ðức hình như người ta cho rằng tuân theo huấn thị một cách mơ hồ và qua loa đã đủ lắm rồi. Trong Khoa Huyền Bí Học, thật khác hẳn: ấy là một Khoa Học, phải xem nó như thế. Dù rằng những điều kiện này đã kể cho chúng ta nghe nhiều lần rồi, phải mong sao cho nhiều người trước kia chưa thành công sẽ có thể bước vào Ðường Ðạo, sau khi đã học hỏi kỹ lưỡng những điều kiện này, tìm hiểu và tuân hành một cách hết sức đúng đắn những yêu sách. Cái lãnh vực nội tâm này không phải xa vời, không phải mập mờ, không chắc chắn. Vài năm trước đây, dường như nó xa cách hơn, vì những người mà chúng ta quen biết, được giao thiệp trực tiếp với các Ðấng Chơn Sư rất ít. Một sinh viên có thể tự nói: "Phải rồi, chỉ có vài ba người có thiên tài đặc biệt, hoặc có diễm phúc lạ thường mới gặp được Chơn Sư, ngoài trường hợp đó, dường như cái đặc ân ấy không phải dành cho những người thường". Nhưng hiện giờ có nhiều người được giao thiệp trực tiếp với các Ngài, và cũng không phải vô lý mà tự nói: "Nếu những người khác thành công, tại sao tôi không làm được như họ?". Nếu ta thất bại, thì chắc chắn lý do ở nơi ta. Ðừng tìm nguyên nhân nào khác ở ngoài, vô ích. Nhất định không phải là lỗi tại Ðức Thầy: Ngài luôn luôn hiện diện khi đệ tử sẵn sàng. Có vài người chí nguyện thất bại là tại một khuyết điểm nào đó ngăn cản; ở những người khác có lẽ vì chưa mở mang đầy đủ các đức tánh. Nếu không có mấy khuyết điểm đó tất cả chúng ta sẽ thành công. Công việc thật đáng làm là hết sức bền lòng cố gắng tìm xem coi ta thiếu sót cái chi rồi bồi bổ chỗ khuyết điểm.
Có một thế giới bên trong xác thực và quan trọng hơn thế giới bên ngoài mà chúng ta không ngớt chịu áp lực của nó. Ở đâu người ta cũng gặp những người tự cho rằng mình rất bận rộn và họ biết rất rõ rằng họ đang theo đuổi công kia việc nọ. Tuy nhiên, sự thật là những người này đang làm việc trong hư ảo và bề ngoài. Ít ai hiểu biết sự hiện diện của một thế giới bên trong, thế giới tinh thần vô cùng quan trọng hơn thế giới bên ngoài không biết bao nhiêu lần.
Trên Ðường Ðạo, ta phải đóng vai trò của ta ở ngoài đời nhưng nếu ta làm bổn phận đó, cũng chỉ vì mục đích phục vụ đời sống chân thật bên trong mà thôi. Một diễn viên đóng trò trên sân khấu vì y có đời sống khác phải sống, một đời sống liên tục và kết hợp nhau. Có thể y thay đổi vai trò trong nhiều lúc khác nhau; ta cũng giống như y, ta đầu thai nhiều lần và lấy nhiều xác thể khác nhau. Người diễn viên không ngớt sống đời sống chân thật của con người và nghệ sĩ; và chính vì đời sống chân thật này mà y quyết đóng trò thật khéo trong đời sống tạm thời trên sân khấu. Ta cũng thế, ta muốn thành công trong kiếp sống vật chất tạm thời dưới Thế gian, chính vì Sự Thật vĩ đại bên trong mà đời sống hiện thời chỉ là một phần nhỏ nhít. Hiểu điều đó rồi, chúng ta mới nhận thức được sự trọng yếu tương đối của đời sống bên ngoài: giá trị duy nhất của nó là giúp ta đóng vai trò thật hay, dù nó là thế nào chăng nữa. Bản chất của vai trò cùng tất cả những gì xảy ra cho chúng ta trên sân khấu trần gian này đều không mấy quan trọng. Người diễn viên có thể đóng mọi vai trò buồn thảm hoặc những sự khó khăn giả tạo, nhưng y không màng đến chúng nó. Chẳng hạn mỗi buổi tối, y có thể đóng vai bị giết trong cuộc đấu gươm, đấu súng. Sự chết giả này có thể làm thiệt hại y chăng? Ðiều quan hệ duy nhất làm cho y thích ý là: đóng trò cho thật xuất sắc.
Chúng ta phải hiểu một cách dễ dàng rằng thế giới bao quanh chúng ta là một thế giới giả hình, giả tạo và bản tánh những sự kinh nghiệm cho chúng ta không có chi là quan trọng. Mọi việc bên ngoài xảy đến cho chúng ta là nghiệp quả của chúng ta, nguyên nhân phát sinh vốn thuộc về mấy kiếp trước và hiện giờ không thế sửa đổi được. Vậy thì bận  tâm với những biến cố thật vô ích; chúng đến do sự qui định của nghiệp báo quá khứ, nên chúng ta phải nhận lãnh một cách kiên nhẫn. Nhiều người không làm như vậy được, họ để cho quả báo gây ra cho họ những sự đau khổ, buồn thảm và lo âu quá độ. Ðiều phải làm là luôn luôn cố gắng nhận lãnh bài học do Luật Nhân Quả mang đến rồi xua đuổi nó ra khỏi Cái Trí, được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Cũng như "Con Ong và Ðóa Hoa" theo cách nói của người Ấn Ðộ, người anh em của chúng ta. Cách trả quả của mỗi người tạo thành tánh khí của y trong tương lai: chỉ có điều này mới là quan hệ thôi. Ta nên dùng quả báo để khai mở tánh can đảm, kiên nhẫn và những đức tánh  khác nữa, rồi xua đuổi nó ra khỏi Cái Trí.
Thật không phải dễ dàng mà thấy được như thế, vì chung quanh chúng ta cả ngàn người đều cho cái bi kịch này là hệ trọng  và xem nó như đời sống chân thật duy nhất. Những điều họ nói về chúng ta và họ làm cho chúng ta, khiến chúng ta có phần khó chịu, nhưng trên đường chúng ta đi có một chướng ngại hết sức nghiêm trọng hơn (mà ta không nghĩ đến): đó là cái áp lực liên tục không ngừng và vô cùng rộng lớn của dư luận quần chúng. Nó thật là ghê gớm dễ sợ, bởi vì chỉ có một người biết chân lý sống giữa hàng triệu người vô minh. Họ tự nói rằng: "Chúng ta hãy mau mau thu góp của cải, tiền bạc và lưu tâm đến dư luận quần chúng đối với chúng ta, đó là điều cốt yếu của đời sống". Biết bao tư tưởng rải ra vì ý nghĩ của những kẻ khao khát danh vọng Trần gian, những kẻ khẩn khoản cầu cạnh được mời dự vào những tiệc tùng, những cuộc khiêu vũ, những kẻ tìm cách biên tên Hầu Tước này, Bá Tước nọ trên bản danh sách của những cuộc viếng thăm của họ. Trong những vấn đề đạo đức chúng ta cũng bị một biển cả bao vây, vì những người quảng đại thì rất ít, mà những người khác thì rất đông đảo. Những ảo tưởng của xã hội cũng dẫy đầy, chẳng hạn tánh "quá đoan trang của người Anh", họ cho là khiếm nhã, không lịch sự trong khi chỉ nghe nói qua loa về tình dục. Do đó trẻ  em thiếu  sự hiểu biết sơ đẳng, chúng trưởng thành trong sự nguy hiểm và đôi khi vướng phải tai họa bất ngờ, vì tật xấu là con sông tuôn chảy không ngừng và kẻ dốt dễ bị sẩy chân. Phong tục thời cổ Hy Lạp và La Mã được xem như là không được đoan chính, tuy nhiên ký ức thuở ấy vẫn còn trong trí nhớ tôi khiến tôi phải nói rằng tư tưởng của thời kỳ cổ điển  đó ít bợn nhơ hơn hiện thời tại Âu Châu.
Chúng ta là người biết chút ít hơn kẻ khác về trạng thái bên trong của sự vật, chúng ta phải chống lại trở lực thật sự đáng sợ này và tự nhủ: "Không! Không có gì hết. Tất cả mấy điều đó không có thật và chúng ta nguyện cầu xin được dắt từ cõi giả đến cõi chân". Sự Chân thật là sự sống ẩn tàng, đời sống trường cửu, đời sống mà theo danh từ trong Thánh Kinh gọi là đời sống ẩn khuất "Với Ðấng Christ trong lòng Ðức Chúa Trời". Luôn luôn, đừng bao giờ quên ý tưởng ấy và chỉ cho ngoại giới như là điều quan trọng phụ thuộc thôi. Ðiều này không phải dễ làm, nhưng đó chính là điều chúng ta phải thực hiện. Một trong các Ðức Thầy của chúng ta có nói rằng: "Người nào muốn theo Chúng Ta thì phải bỏ thế giới của y để sang qua thế giới của Chúng Ta". Ðiều đó có nghĩa là phải bỏ đời sống thường nhật ở Thế gian để sống cuộc đời ẩn dật của người tu sĩ, nhưng mà phải hoàn thành mọi nhiệm vụ giao phó cho ta một cách nhiệt thành hơn trước trong tấn kịch kỳ lạ của cuộc sống; nhưng mà người chí nguyện cần phải từ bỏ tư cách  tầm thường  của y  để tập  lấy tư cách của Ðức Thầy.
Những ai đã thành công trong sự cố gắng đó, một ngày kia, sẽ  được một Chơn  Sư thâu nhận làm đệ tử.  Khi tư tưởng của đệ tử đã thành một phần tư tưởng của Ðức Thầy, thì trò có thể lấy tư tưởng của Thầy mà kiểm soát lại chính tư tưởng của mình. Tư  tưởng của Ðức Thầy không bao giờ chịu ảnh hưởng của quần chúng. Như thế đệ tử có thể biết chính xác ý nghĩ của Ðức Thầy về một vấn đề nào đó. Chẳng bao lâu thói quen ấy làm cho y hiểu được quan điểm mới đó, mặc dầu y sẽ luôn luôn không ngớt kinh ngạc. Vài điều  trước kia người đệ tử cho là chánh yếu nay đã mất tính cách quan trọng của chúng nó, và trở nên tầm thường; còn những điều mà trước kia y nghĩ rằng không đáng kể nay lại vô cùng quan trọng, bởi vì dù lớn lao hay bé nhỏ, tất cả đều ảnh hưởng đến đời sống hữu dụng của chúng ta. Tất cả những gì ảnh hưởng đến sự hữu dụng ấy đều quan trọng: đó là lúc chúng ta chạm trán với Thực tế.
Áp lực của hoàn cảnh gây ra cho cái Trí, trên cõi Trung Giới và cõi Thượng Giới (Trí Tuệ) không có gì là cao thượng. Ta hãy để nó ngoài tai và chỉ lắng nghe những âm thanh từ cõi cao, nghe tiếng nói và tư tưởng của Ðức Thầy. Chúng ta không có gì ngạc nhiên tại sao ngày xưa bên Ấn Ðộ và các nước khác những người quyết tâm sống đời sống tinh thần, luôn luôn bắt đầu từ bỏ cuộc sống thường nhật, đi trú ẩn trong hang động hay rừng già cô tịch. Như thế họ được lợi trong việc tránh khỏi luồng áp lực của dư luận vô minh và được tự do theo đuổi chí nguyện của mình. Nhiều vị Thánh Thiên Chúa Giáo cũng từ bỏ những hoạt động ở Thế gian để sống ẩn dật hay làm những vị tu sĩ, hoặc kết hợp những người cùng chí hướng với mình. Sự lợi ích của việc lánh Trần còn lớn lao hơn đối với ai được diễm phúc sống trong hào quang của Ðức Thầy hoặc một đệ tử cao cấp của Ngài. Những làn rung động của vừng hào quang này luôn luôn tác động trên các thể của người đệ tử,  điều chỉnh chúng, làm rơi những thành phần vật chất bất hảo và nuôi dưỡng chúng với những yếu tố mà chúng cần dùng. Người đệ tử phải không ngớt chăm lo việc khai mở một đức tánh nhất định, như đức Bác ái chẳng hạn. Nếu để y luyện tập một mình, y chỉ thực hiện một cách gián đoạn vì cứ mãi quên; nhưng hào quang của Bề Trên giữ y lại trước sự hiện diện của những tư tưởng và tình cảm khuôn mẫu mà y muốn tạo nên trong tâm y mãi mãi. Kết quả đạt được giống như sự điều chỉnh chi thể xiêu vẹo của đứa trẻ: người ta để chi thể đó trong một khí cụ cho đến lúc nó nở nang và lấy lại hình dạng bình thường. Ở trong hào quang của Ðức Thầy, người đệ tử không thể phát sinh  một tư  tưởng xấu, dù y muốn nghĩ đến nó, điều đó cũng không thể xảy ra được. Trong vị thế đó, chúng ta mỉm cười khi xem xét tư tưởng chúng ta ngày hôm qua và chúng ta tự nói rằng: "Không bao giờ tôi có sự cảm xúc này; nó đã tan như giấc mộng". Nhưng ngày mai, khi xa Ðức Thầy, có thể chúng ta phải tự phấn đấu quyết liệt mới giữ được tư cách cao thượng mà chúng ta nhận thấy quá dễ dàng trước sự hiện diện của Chơn Sư.
Trong thời đại hiện tại, những người chí nguyện bước vào Ðường Ðạo phải cố gắng luyện tập trong đời sống hoạt động của họ để đạt được tư cách cần thiết đó, bởi vì họ được kêu gọi để giúp đỡ nhân loại không phải bằng sự tham thiền hoặc chỉ bằng tư tưởng mà thôi, như một vị ẩn sĩ hay tu sĩ, mà họ phải nhận nhiều công việc khác nhau. Ðó là một ý tưởng cực đẹp, một đặc ân lớn lao, nhưng mà khó, khó lắm vậy. Hậu quả của sự khó khăn này: ấy là sự thành công rất hiếm. Thường thường người ta bằng lòng xem giáo lý Thông Thiên Học giống như một người Công Giáo bậc trung giữ  Ðạo của họ, nghĩa là xem nó như một đề tài tuyệt diệu để đàm thoại trong ngày chúa nhật, chớ không phải một ý tưởng phải tuân theo mỗi ngày, từ sáng đến tối. Người sinh viên tự hiến mình một cách nghiêm chỉnh cho đời sống nội tâm không thể ở trong hư ảo; y phải suy luận hợp lý và phải thực tế, y phải không ngớt áp dụng lý tưởng của y  vào đời sống hằng ngày. Sự kiên tâm này khó đạt được. Không phải người ta ít sẵn sàng cố gắng phụng sự lý tưởng Thông Thiên Học: nếu họ có thể giúp đỡ Ðức Thầy  hoàn  thành một công việc nhất định cho Ngài, họ sẽ làm, dù phải hy sinh tánh mạng. Hãy nhớ lời của Thánh August­in: "Lắm kẻ muốn chết vì Chúa, chớ ít ai chịu sống cho Ngài". Chịu  khổ  nhục, tuẫn tiết là ý tưởng trọng đại, anh hùng, là hành vi cao thượng. Nhưng người chấp nhận điều đó biết mình thực hiện được một sự cố gắng phi thường và sự tin chắc này nâng đỡ y, giúp y chịu được sự đau đớn khổ sở; trong chốc lát y làm tròn nhiệm vụ hy sinh cao cả ấy. Hiện nay bổn phận phải thi hành nặng nề hơn nhiều. Chúng ta không thể duy trì mức độ anh dũng này khi những sự lo lắng  nhỏ nhặt cứ mãi hiện đến và bao vây chúng ta. Thật khó giữ được tánh tình một mực trong khi ngày này qua ngày kia ta phải trông  nom những người nản chí, họ không muốn làm những gì mà chúng ta thấy đó là bổn phận của họ. Sống vì Chúa trong mọi chuyện nhỏ mọn là điều phiền phức khó khăn. Và đúng thế, bởi những chuyện dường như nhỏ mọn cho nên mới khó theo con Ðường Ðạo.
Ta hãy đọc ba quyển sách nầy; hãy theo dõi từng lời giáo huấn và xem coi ta có thể thực hiện chúng tới mức độ nào. Nhiều người đã làm điều đó rồi và đã bước vào Ðường Ðạo. Tại sao chúng ta không thành công như họ? Sự thành công bắt buộc phải thắng phục bản ngã; nó bắt buộc chúng ta phải tự điều khiển mình, nghĩ suy đến những sự việc và nơi nào có cỏ xấu mọc lên, chúng ta hãy nhổ nó. Bề sâu của rễ và sự khổ đau mà chúng ta phải chịu đựng không có gì đáng kể. Phải làm cho nó sạch đi. Công việc này thật khó khăn! Nhưng những người đã lên được vài bậc cao trên Ðường Ðạo quả quyết với chúng ta rằng làm như thế đáng công lắm, đáng công vô cùng, đáng làm một sự cố gắng, nhiều hay ít, hoặc một lần một, hoặc dù phải lập đi lập lại một trăm lần đi chăng nữa.