Dịch giả : Nguyễn Văn Nhuận
PHẦN THỨ NHÌ
HAI CON ĐƯỜNG

101. Và bây giờ đây, bạch Sư Phụ Từ Bi, xin Ngài chỉ đường cho kẻ khác. Ngài hãy xem, tất cả những kẻ đến gõ cửa để được thâu nhận đương ở trong cảnh dốt nát, tối tăm chờ mong cửa Diệu Pháp mở rộng.
Tiếng của các Thí Sinh
102. Hỡi Ðức Thầy Từ Ái, Ngài há đành chẳng tiết lộ Tâm Pháp (1) sao? Ngài há  đành chẳng dìu dắt Tôi Tớ Ngài vào con đường Giải Thoát sao?
Đức Thầy nói
103. Con đường có hai <!--[if!supportFootnotes]--> [4]<!--[endif]-->; Sự Chí Thiện có ba <!--[if!supportFootnotes]--> [5]<!--[endif]-->; sáu Đức Hạnh <!--[if!supportFootnotes]-->[6]<!--[endif]--> biến đổi thân hình thành cây Trí Tuệ (2).
104.   Ai sẽ bước đến gần?
105.   Ai sẽ vào trước?
106. Ai là người thứ nhất nghe giảng hai con đường vô một và chân lý của Tâm Pháp (3). Pháp môn bảo đừng học, pháp môn đó dạy Minh Triết và tiết lộ một câu chuyện đau thương.
107. Hỡi ôi! Hỡi ôi! tất cả mọi người đều có Alaya nơi mình, đều là một với Ðại Hồn và có nó nơi mình, mà không mấy ai biết dùng Alaya.
108. Kìa xem, cũng như mặt trăng phản chiếu xuống mặt nước im lìm, Alaya phản chiếu trong vật nhỏ cũng như vật lớn, nó soi bóng trong các hột nguyên tử tí ti nhưng không sao soi thấu tâm vạn vật được. Hỡi ôi! ít người lợi dụng được tặng vật vô giá là sự học hỏi chân lý, sự nhận thức đúng đắn các sự vật hiện hữu, sự Tri Thức cái không hiện hữu.
Đệ Tử hỏi:
109.  Thưa Thầy, con phải làm thế nào để đạt được Minh Triết?
110. Thưa Đấng Sáng Suốt, con phải làm thế nào để được toàn thiện?
111. Hỡi Ðệ Tử, hãy tìm kiếm đường đi, nhưng con phải có tấm lòng trong sạch trước khi bắt đầu cuộc hành trình của con. Trước khi cất bước ra đi, con phải tập phân biệt cái chân và cái giả, cái vô thường và cái trường cửu. Trên hết mọi sự con phải tập phân tách sự học của Ðầu Óc và sự Minh Triết của Tâm Hồn, nhãn pháp và tâm pháp.
112. Sự vô minh giống như một cái hũ đậy kín, không có không khí, linh hồn như chim bị nhốt trong hũ, nó hết líu lo, đập lông vỗ cánh, con chim sơn ca câm miệng, tê cóng và chết mòn.
113. Tuy nhiên, sự vô minh còn hơn sự học của Ðầu Óc mà không có sự Minh Triết của Tâm Hồn soi sáng và hướng dẫn.
114. Hột giống Minh Triết không thể nứt mộng đâm chồi trong chỗ không có khí trời. Muốn sống và gặt hái kinh nghiệm, trí phải hiểu cho rộng và cho sâu và có những điểm kéo nó đến Linh Hồn Kim Cương (4). Con chớ tìm những điểm đó trong cõi của Ma Vương mà phải đem tâm hồn lên khỏi ảo cảnh để tìm sự tồn tại đời đời bất dịch, bất biến.  SAT (5) và con phải đề phòng những khêu gợi lừa dối của tưởng tượng.
115. Bởi vì cái trí giống như tấm gương nó chất chứa bụi bậm và phản chiếu (6) hình ảnh bụi bậm đó. Phải có ngọn gió êm dịu của tâm hồn Minh Triết mới thổi bay bụi trần ảo mộng của chúng ta. Hỡi đệ tử Sơ Cơ, con hãy tìm cách hòa hợp trí và tâm hồn con lại.
116. Phải xa lánh sự vô minh, mà cũng phải lánh xa ảo ảnh, con phải ngoảnh mặt, đừng nhìn những lừa dối của trần thế, con chớ tin giác quan của con, chúng giả dối nhưng trong cái kho chứa cảm giác là thân thể con đó, con hãy tìm con người trường cữu (7) trong cái Vô Ngã, và khi tìm được rồi con hãy nhìn trở vô trong: con là Phật (8) đó.
117. Hãy xa lánh lời ca tụng, hỡi kẻ nhiệt tâm sùng đạo, lời ca tụng đưa đến huyễn ngã. Thân thể con không phải là Chân Ngã con đâu. Chân Ngã con không có thân và lời khen chê đều không ảnh hưởng đến nó được.
118. Tự mình xưng tụng lấy mình, hỡi đệ tử, không khác nào kẻ ngông cuồng leo lên tháp cao ngồi tự đắc, không còn thấy ai hơn là thấy mình.
119. Cái học sai lầm bị nhà Hiền Triết bác bỏ và Ðịnh Luật tốt lành tung nó bay theo gió. Bánh xe pháp quay cho tất cả mọi người, kẻ khiêm tốn cũng như kẻ kiêu căng. Nhãn Pháp (9) để dành cho quấn chúng, Tâm Pháp dành cho kẻ được tuyển lựa. Hạng thứ nhất lập lại một cách kiêu căng: “Hãy coi! Tôi biết.” Hạng sau là những kẻ thâu lượm một cách khiêm tốn và nhỏ nhẹ thú nhận: “Ðây là điều tôi đã nghe được (10)”.
120. Hỡi Ðệ tử, Cái Sàng To là danh từ để gọi Tâm Pháp.
121. Bánh xe Diệu Pháp xoay mau lẹ cả ngày lẫn đêm. Nó làm cho tróc lớp vỏ vô giá trị của hột lúa vàng, nó lọc bột cho hết chất vô dụng. Bàn tay Nhân Quả điều khiển bánh xe, sự tuần hoàn là nhịp đập của trái tim Nhân Quả.
122. Chân tri thức là bột, sự học sai lầm là trấu. Nếu con muốn ăn bánh Minh Triết thì con phải nhồi bột với nước Amrita <!--[if!supportFootnotes]-->[7]<!--[endif]--> trong ngần. Còn nếu con nhồi trấu với nước sương mù Mộng Ảo thì con chỉ có thể làm ra món ăn cho loài chim tử, sanh, lão, khổ.
123. Nếu ai nói với con rằng, muốn thành La Hán con phải dứt sự thương yêu đối với mọi người thì con hãy trả lời là họ nói láo.
124. Nếu ai nói với con rằng, muốn được giải thoát con phải ghét mẹ, bỏ con, đừng nhìn cha nữa mà chỉ gọi người là gia trưởng thôi (11), bởi vì con phải diệt lòng trắc ẩn đối với người và vật, thì con hãy nói cho họ biết là họ nói vô lý.
125. Đó là học thuyết của bọn Tirthikas, hạng người ngoại đạo <!--[if!supportFootnotes]-->[8]<!--[endif]-->.
126. Nếu ai dạy con rằng tội lỗi do hành động gây ra và muốn có hạnh phúc phải đừng làm gì hết, con hãy nói cho họ biết là họ lầm. Không tiếp tục công việc của loài người, giải thoát thần trí khỏi vòng nô lệ bằng cách thôi làm tội lỗi suông, không phải là việc thích đáng cho Chân Nhân đang chịu luân hồi. Ðó là lời của “Tâm Pháp”.
127. “Nhãn Pháp” là hiện thân của cái bên ngoài và cái không tồn tại.
128. “Tâm Pháp” là hiện thân của Bồ Đề <!--[if!supportFootnotes]--> [9]<!--[endif]-->, cái Thường Trụ và Thường Tồn.
129. Cái Ðèn cháy tỏ rạng khi mà tim và dầu đều sạch sẽ. Muốn cho tim và dầu được sạch thì phải có người săn sóc lau chùi. Ngọn lửa không biết có sự lau chùi đó. “Nhánh cây bị gió thổi oằn oại, nhưng thân cây vẫn đứng yên”.
130. Sự hành động và sự bất động đều có ở nơi con. Xác thân con cử động, trí con yên tịnh, Tâm Hồn con trong suốt như nước hồ trên đỉnh núi cao.
131. Con có muốn trở nên một nhà Yogi trong “Vòng của Thời Gian” không? Nếu có thì hỡi Ðệ Tử:
132. Con chớ tin là ngồi trong rừng sâu, kiêu hãnh sống riêng biệt với người đời, con chớ tin là đói ăn rễ cây, khát uống nước tuyết, con chớ tin là mấy điều đó sẽ dắt con đến mục đích giải thoát cuối cùng.
133. Con chớ tưởng rằng tự làm cho mình gãy xương, rách thịt là hợp nhất được với “Chơn Ngã Tịch Tịnh”(12) của con. Con chớ tưởng rằng khi đã thắng được tội lỗi của xác thịt thì, hỡi Nạn Nhân của Hình Bóng của mình, phận sự của con đối với vạn vật và nhân loại đã xong xuôi.
134. Những bậc hiền nhân rất khinh bỉ những hành động như thế. Vị Sư Tử Pháp, Ðấng Từ Bi Vô Lượng <!--[if!supportFootnotes]--> [10]<!--[endif]--> đã hiểu rõ nguyên nhân của sự đau khổ trần gian, liền từ bỏ ngay sự yên nghỉ êm đềm nhưng ích kỷ nơi chốn rừng hoang tịch mịch. Bỏ cảnh Aranyaka (14) người trở ra đời làm Thầy của nhân loại. Sau khi Như Lai (15) đạt Niết Bàn, Người đi truyền giáo khắp chốn núi non cùng đồng nội và thuyết pháp trong các đô thị cho Thiên Thần và Người.
135. Con hãy gieo những hành vi tốt và con sẽ gặt hái kết quả của những hành vi đó. Quên sót một hành động bác ái là vi phạm một tội lỗi nặng nề. Bậc hiền triết nói như thế.
136. Con còn kiêng cữ sự hoạt động nữa chăng? Không phải làm như thế mà hồn con sẽ được tự do đâu. Muốn đạt đến Niết Bàn phải đạt sự Tự Tri và sự Tự Tri vốn là con đẻ của hành vi từ thiện.
137. Hỡi Thí sinh, con phải kiên nhẫn như kẻ không sợ sự thất bại, không dua nịnh sự thành công. Con hãy đặt mắt của Tâm Hồn nơi ngôi sao mà con là tia sáng (17); Ngôi sao chói lọi trong chốn sâu thẳm, tối tăm của bản thể trường tồn, trong cõi vô biên vô tận của cái Bất khả Tri.
138. Con hãy bền chí như một kẻ sống đời đời. Những hình bóng của con sống và tàn tạ (18). Cái sẽ sống mãi ở nơi con, cái “biết” ở nơi con, chính nó là tri thức (19) không phải thuộc về đời sống phù du này; đó là con người có tồn tại từ trước, hiện đang tồn tại và sẽ tồn tại mãi mãi, đối với con người đó giờ cuối cùng sẽ không khi nào gõ.
139. Nếu con muốn gặt sự bình an, yên nghỉ êm đềm thì con phải gieo hột giống công lao nơi miếng ruộng sẽ gặt mùa tới, con phải nhận lãnh những nỗi đau khổ của kiếp luân hồi.
140. Hãy lui vào bóng tối để cho kẻ khác hưởng ánh nắng mặt trời. Những giòng nước mắt tưới lên miếng đất khô khan đầy nhọc nhằn, đau khổ sẽ làm mọc lên bông, trái theo luật thù đáp của Nhân Quả. Ở trên lò lửa của đời người và trên làn khói đen của nó bốc lên những ngọn lửa nhẹ nhàng tinh khiết càng ngày càng cao dưới tầm mắt Nhân Quả để cuối cùng dệt nên canh chỉ rực rỡ của ba thứ Ðạo Phục (20).
141. Ba thứ Đạo Phục đó là Nirmanakàya, Sambhogakàya và Dharmakàya, thứ y phục tuyệt diệu (21).
142. Quả thật là áo Shangua (22) có thể mua được ánh sáng đời đời. Áo Shangua đủ đem lại cho con người cảnh Niết Bàn tịch diệt; nó chấm dứt sinh tử, nhưng hỡi Ðệ tử, nó cũng giết chết lòng từ bi. Có thể nào những Ðức Phật trọn lành một khi đã choàng vào mình sự vinh diệu của Pháp thân (Dharmakàya) thì không còn giúp vào sự cứu vớt nhân loại được nữa. Hỡi ôi! Ðám sinh linh kia sẽ bị hy sinh cho cái Ta đó sao? Cả nhân loại sẽ bị hy sinh cho hạnh phúc của những Ðơn vị?
143. Hỡi Ðệ tử sơ cơ, con hãy biết rằng đó là con Ðường mở rộng, con đường hạnh phúc ích kỷ mà những Bậc Bồ Tát đi theo con đường “Tâm Pháp”, những Ðức Phật Từ Bi xa lánh.
144. Sống để làm lợi ích cho nhân loại là bước thứ nhất; thực hành sáu hạnh cao quý (23) là bước thứ nhì.
145. Mặc áo Nirmanakàya vi diệu là khước từ hạnh phúc đời đời cho mình để giúp vào sự cứu giúp nhân loại. Ðạt được chân phúc Niết Bàn nhưng không hưởng đó là bước cao quý cực điểm, bước chót trên con Ðường Từ Bỏ.
146. Con hãy biết, hỡi Ðệ Tử, đó là con Ðường Bí mật mà các Ðức Phật Trọn Lành đã chọn lựa, các Ngài hy sinh mình cho chúng sinh còn yếu đuối.
147. Tuy nhiên, nếu “Tâm Pháp” quá cao đối với con, nếu con cần tự giúp lấy con và sợ không dám cứu trợ kẻ khác thì, hỡi kẻ yếu tính, ta cảnh cáo cho con biết, con nên an phận theo “Nhãn Pháp” thì hơn. Con hãy cứ hy vọng. Bởi vì nếu hiện giờ con chưa có thể theo đuổi “con Ðường Bí Mật” thì mai mốt nó sẽ vừa với sức con, con nên biết rằng những sự gắng sức hướng về đường thiện hay đường ác, dù nhỏ đến đâu nữa cũng không thể tiêu mất nơi cõi nguyên nhân. Dù cho làn khói bay cũng không thể không còn dấu vết. “Một lời nói phũ phàng thốt ra trong những kiếp trước, cũng không tiêu mà vẫn luôn luôn trở lại”<!--[if!supportFootnotes]-->[11]<!--[endif]-->. Dây tiêu không thể trổ sanh bông hường và hoa lài trắng tinh khả ái không thể biến thành gai góc.
148. Ngày nay con có thể tạo những cơ hội may mắn cho ngày mai của con. Trong cuộc “Ðại hành trình”(25) những nguyên nhân gieo ra mỗi giờ đều sẽ có mùa kết quả của mỗi thứ, bởi vì Ðịnh Luật Chí Công thống trị Thế Gian. Với một trớn đẩy tới mãnh liệt không khi nào sai lạc, luật công bình mang lại cho con người hạnh phúc hay đau khổ, cái hậu quả của nghiệp báo của tất cả tư tưởng, hành vi của chúng ta từ kiếp trước.
149. Con hãy lãnh lấy tất cả những gì mà công lao dành cho con, hỡi người có tấm lòng son sắt. Hãy vui vẻ, an lòng lãnh số phận mình. Ðó là Nghiệp Quả của con. Nghiệp Quả của các kiếp luân hồi của con, mà cũng là vận mệnh của những kẻ, trong cảnh đau buồn, sanh ra đồng thời với con, họ đã vui mừng và than khóc kiếp này sang kiếp khác, liên hệ với các hành động từ kiếp trước của con.
150. Bây giờ con hãy làm cho người, rồi ngày mai người sẽ làm cho con.
151. Chính mầm Từ Bỏ bản ngã sẽ trổ sanh trái ngọt của sự Giải Thoát cuối cùng.
152. Kẻ nào vì sợ Ma Vương, vì e mình còn lòng vị kỷ, mà không dám giúp người, kẻ đó đành phải chịu chết. Kẻ đi đường xa mệt mỏi muốn xuống sông tắm cho mát mà sợ nước cuốn, có thể chịu nóng không nổi mà chết. Vì lòng ích kỷ mà không dám làm gì hết chỉ đem lại quả xấu mà thôi.
153. Người sùng đạo ích kỷ sống không mục đích. Người không làm tròn phận sự ở đời cũng sống vô ích.
154. Con hãy lăn theo bánh xe đời, hãy lăn theo bánh xe nghĩa vụ đối với nòi giống, họ hàng, bạn hữu và thù nghịch và đừng nghĩ đến những vui thích cũng như những khổ cực. Con hãy làm khô kiệt sự thù báo của Nhân Quả. Hãy đạt những Siddhis cho kiếp tới của con.
155. Nếu con không thể làm Mặt Trời thì hãy yên phận làm hành tinh nhỏ. Thực thế, nếu con bị trở ngăn không thể dọi tia sáng như Mặt Trời đứng bóng trên đỉnh núi tinh khiết trường tồn thì hỡi Ðệ Tử Sơ Cơ, con hãy chọn một nghĩa vụ khiêm tốn hơn.
156. Hãy chỉ “con Ðường” - dù khi phải sống lẫn lộn trong đám quần chúng không ai biết đến con – như sao hôm chỉ đàng cho những kẻ đi trong đem tối.
157. Kìa con hãy nhìn xem “Con Mắt của Migmar” <!--[if!supportFootnotes]-->[12]<!--[endif]--> xuyên qua lớp lưới bao mặt mầu đỏ sậm để lặng nhìn địa cầu đang yên giấc. Con hãy xem “Bàn Tay” sáng rực của Lhagpa <!--[if!supportFootnotes]--> [13]<!--[endif]--> đưa ra trên đầu các nhà khổ tu một cách yêu thương che chở. Cả hai hiện giờ là bộ hạ của Nyima <!--[if!supportFootnotes]--> [14]<!--[endif]--> (26) lặng lẽ thức canh trong đêm tối lúc vắng chủ. Tuy nhiên, trong những Kalpas trước, cả hai đều sáng chói như Nyima và trong “Tương Lai” sẽ có thể trở nên hai ngôi Mặt Trời trở lại. Ðó là cuộc thăng trầm của Luật Nhân Quả trong vũ trụ.
158. Hỡi Ðệ Tử, con hãy theo gương hai ngôi hành tinh đó, con hãy soi sáng và ủy lạo kẻ khổ nhọc trên Ðường Ðạo và hãy tìm kẻ biết ít hơn con, kẻ đương ngồi nản chí, phiền muộn lòng đói bánh Minh Triết và cả bánh nuôi cái hình bóng, không gặp Thầy, không một tia hy vọng, không một lời an ủi, con hãy nói Pháp cho người ta nghe.
159. Con hãy nói với y, hỡi thí sinh, kẻ nào đem tính kiêu căng và tự ái làm tôi tớ cho lòng sùng đạo, kẻ nào tuy còn lưu luyến cuộc đời nhưng đem tính nhẫn nại và phục tùng đối với Ðịnh Luật, như một đóa hoa dịu dàng dưới chân của Ðức Thích Ca Mâu Ni, kẻ đó sẽ trở nên một Tu Ðà Hoàn (27) trong kiếp hiện tại. Pháp lực hoàn thiện có thể nháng thấy đàng xa, thật xa, nhưng y đã bước được bước đầu, y đã nhập lưu và y có thể hoạch đắc sự thấy của con phượng hoàng trên đỉnh núi cao, sự nghe của con hoãng cái.
160. Con hãy nói với y, hỡi kẻ chí nguyện, lòng sùng đạo chân thành có thể hoàn lại cho y những tri thức mà y đã có trong những kiếp trước. Thần nhãn, thần nhĩ không thể nào đạt được trong kiếp ngắn ngủi.
161. Hãy khiêm tốn, nếu con muốn có Minh Triết.
162. Hãy khiêm tốn hơn nữa, nếu con đã có được rồi.
163. Hãy giống như biển cả thu nhận tất cả sông, suối. Vẻ yên tĩnh mênh mông của biển cả cũng vẫn không có gì thay đổi; nó không biết là có nước sông, suối thêm vào cho nó.
164. Hãy dùng sức Chơn Nhơn để trấn áp phàm nhơn.
165. Hãy dùng sức Chơn Thần để trấn áp Chơn Nhơn.
166. Phải đấy, cao cả thay kẻ nào giết chết dục vọng.
167. Còn cao cả hơn nữa kẻ nào mà Chơn Nhơn đã giết chết sự biết có dục vọng.
168. Hãy đề phòng bản ngã sợ e nó làm nhơ đến Chơn Ngã.
169. Con đường đi đến tự do cuối cùng ở bên trong Chơn Ngã của con.
170. Con đường này bắt đầu và chấm dứt ở ngoài bản ngã (28).
171. Mẹ của tất cả Sông, Rạch không được thiên hạ và người, Tirthikas không cho là có giá trị gì; đối với con mắt của bọn điên cuồng thì nhân thân vốn trống rỗng mặc dầu chứa đầy nước Amrita (cam lồ). Tuy nhiên, nguồn cội của các sông thánh vốn ở nơi thánh địa (29) và kẻ có đức Minh Triết được mọi người quý trọng.
172. Bậc La Hán và Hiền Giả quán thông mọi sự (30) vốn hiếm có như bóng cây Udumbara. Những vị La Hán sanh ra lúc nửa đêm, đồng thời với cây thiêng có chín và bảy cộng (31) với bông thiêng nở trong đêm tối dưới giọt sương tinh khiết, trong lòng giá lạnh ở đỉnh núi cao trùm tuyết, nơi mà bàn chân của những kẻ còn mang tội lỗi không khi nào bước đến được.
173. Không một vị La Hán nào, hỡi Ðệ tử, chứng được quả này trong kiếp mà Linh Hồn mới lần thứ nhất bắt đầu có nguyện vọng về sự giải thoát cuối cùng. Tuy nhiên, con chớ lo lắng, không một chiến sĩ nào có lòng ứng mộ để quyết chiến trong trận tranh phong giữa đạo quân sống và đạo quân chết (32), không một tên quân mới mộ nào là không được quyền vào trong con đường đưa đến chiến địa.
174. Bởi vì chiến sĩ phải thắng hay phải ngã.
175. Thắng tất là Niết Bàn sẽ về người. Trước khi người cổi bỏ cái hình bóng của người, di hài của người, cái nguyên nhân sinh ra những ưu tư và đau khổ vô tận vô biên, người sẽ được chúng sinh tôn kính như một vị Phật.
176. Nếu có ngã đi nữa thì cái chết của người cũng không vô ích, những kẻ thù mà người đã giết trong trận giặc chót sẽ không sống lại trong kiếp lai sinh.
177. Nhưng nếu con muốn đến Niết Bàn hay là bỏ đi không hưởng (33) con chớ vì lý do muốn hành động hay không muốn hành động, hỡi con người có tấm lòng can đảm.
178. Con nên biết rằng vị Bồ Tát không hưởng sự Giải Thoát để mang những nỗi khổ cực của “Ðời Sống Bí Mật” (34) được xưng tụng là “Bậc Thượng Tôn”, hỡi đệ tử ứng mộ để chịu sự đau khổ từ chu kỳ này sang chu kỳ khác.
179. Con đường vốn có một, hỡi đệ tử, nhưng đến cuối cùng nó chia làm hai. Có bốn và bảy cửa <!--[if!supportFootnotes]--> [15]<!--[endif]--> đánh dấu các đoạn đường. Ở mút con đường bên này là hạnh phúc hưởng liền, ở mút con đường kia là hạnh phúc hoãn lại. Cả hai đều là sự ban thưởng công lao. Sự lựa chọn ở trong tay con đó.
180. Một con đường thành hai, một con đường Công khai và một con đường Bí Mật (35). Con đường thứ nhất dắt đến mục đích, đường thứ hai dắt đến sự Tự hy sinh.
181. Khi đã hy sinh cái Giả Tạm cho cái Thường Tồn thì phần thưởng về con: giọt nước trở về nguồn cội. Con đường công khai dắt đến cảnh bất dịch, bất biến, đến Niết Bàn, đến trạng thái vinh quang cực điểm, đến chân phúc quá sức tưởng tượng của con người.
182. Như thế thì con đường thứ nhất là sự Giải Thoát.
183. Nhưng con Ðường thứ nhì là Sự Từ Bỏ, do đó cũng gọi là con “Ðường Ðau Khổ”.
184. Con Ðường Bí Mật dắt vị La Hán đến sự khổ trí không thể tả, khổ vì thấy người sống mà vẫn chết (36) và thương xót mà không làm thế nào được đối với những kẻ phải chịu khổ cực theo luật Nhân Quả mà bậc hiền giả không dám làm cho dịu bớt.
185. Bởi kinh sách có nói: “Hãy dạy người đừng tạo Nhân, còn Quả giống như ngọn thủy triều đang lớn, phải để cho nó đi xuôi chiều của nó”.
186. Con vừa đạt đến mục đích của con Ðường Công Khai là con sẽ cởi bỏ thân Bồ Tát và hưởng cảnh quang vinh cực điểm của Dharmakàya (37) tức là quên mất Thế Gian và loài người.
187. Con Ðường Bí Mật cũng dắt đến chân phúc của Ðại Niết Bàn, nhưng sau khi đã trải qua vô số Kalpas; sau bao lần được cảnh Niết Bàn mà không hưởng vì lòng từ bi vô lượng đối với chúng sinh khờ dại.
188. Nhưng người ta nói rằng: “kẻ hưởng sau sẽ có quả vị to nhất”. Samyak Sambudda Ðức Thầy Trọn Lành đã bỏ Chân Ngã để cứu vớt chúng sinh và ngừng bước ở ngưỡng cửa Niết Bàn, trạng thái tinh khiết.
189. Bây giờ con đã biết rõ về hai con đường. Ðến một ngày kia, hỡi con người có tâm hồn nồng nhiệt, khi con đã đi đến cuối con Ðường và qua khỏi bảy Cửa con sẽ phải chọn lấy một. Tâm trí con đã sáng suốt. Con không còn bị bối rối trong những tư tưởng sai lầm, bởi con đã biết tất cả. Chân lý lộ nguyên hình và nghiêm nghị ngó ngay mặt con. Nó nói:
190. Vì lòng thương mình mà hưởng những quả An Nghỉ và Giải Thoát cũng có ngọt ngào đôi chút, nhưng những quả của nghĩa vụ lâu dài và cay đắng, của hy sinh vì lòng thương kẻ khác, vì lòng thương anh em đồng loại đau khổ, còn ngọt ngào hơn nữa.”
191. Vị Ðộc Giác Phật (38) vâng lời bản ngã. Vị Bồ Tát đã chiến thắng, đã nắm phần thưởng trong tay nhưng vì lòng từ bi vô lượng mà nói:
192. “Vì lòng thương người tôi xin nhường phần thưởng to tát này lại”. Ngài làm tròn đại nguyện Từ Bỏ.
193. Ngài là một Đấng Cứu Thế.
194. Con hãy xem! Mục đích của chân phúc và Con Ðường Ðau Khổ dài đằng đẳng ở chốn xa xăm kia. Trong hai con đường con có thể chọn một, hỡi kẻ có chí nguyện chịu buồn thảm, trong những chu kỳ sẽ tới.
195. OM VAJRAPÀNI HUM.