Dịch giả : Tâm Như
Chương 4
CÕI TRỜI

Cho tới nay các tôn giáo đều đồng ý tuyên bố về sự tồn tại của cõi trời và xác định rằng sự hưởng thụ phúc lạc trên cõi trời nối tiếp một cuộc sống trên trần thế đã được trải qua hoàn mãn. Ki Tô giáo và Hồi giáo bảo rằng nó là phần thưởng mà Thượng Đế ban cho những kẻ nào đã làm vừa lòng ngài, nhưng hầu hết tín ngưỡng khác đều mô tả nó đúng hơn là kết quả cần thiết của một cuộc sống tốt lành cũng giống hệt như quan điểm của chúng ta trong Thông Thiên Học. Thế nhưng mặc dầu mọi tôn giáo đều đồng ý mô tả cuộc sống hạnh phúc này bằng những từ ngữ huy hoàng thì không một tôn giáo nào lại thành công tạo cho ta được một ấn tượng chân thực khi mô tả. Tất cả những gì được viết ra về cõi trời hoàn toàn không giống gì với bất cứ thứ nào mà chúng tôi biết cho đến nỗi mà chúng tôi thấy nhiều sự mô tả dường như rất buồn cười. Chúng tôi lấy làm ngần ngại khi công nhận điều này liên quan tới những huyền thoại quen thuộc với chúng ta từ khi còn tấm bé, nhưng nếu người ta kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện của một trong các tôn giáo lớn khác thì chúng tôi cũng dễ dàng thấy được điều đó. Trong các thánh thư của Phật giáo và Ấn Độ giáo bạn ắt thấy có những bài tường thuật đao to búa lớn về những khu vườn bạt ngàn trong đó cấy cối đều bằng vàng hoặc bạc, còn trái cây thuộc đủ loại ngọc quí, bất giác bạn cũng phải mỉm cười nếu bạn không chợt nghĩ ra rằng xét cho cùng thì đối với những tín đồ Phật giáo hoặc Ấn Độ giáo thì những câu chuyện của chúng ta về đường phố bằng vàng và những cái cổng bằng ngọc trai thật ra cũng có vẻ hoang đường không kém. Sự thật là yếu tố lố bịch chỉ được du nhập vào những câu chuyện này khi chúng ta xét chúng theo nghĩa đen và không nhận ra được rằng mỗi người chép kinh đều phải trải nghiệm cái nhiệm vụ đó theo quan điểm của riêng mình, và tất cả đều thất bại vì sự thật lớn lao ẩn đằng sau mọi điều đó đều hoàn toàn không thể mô tả được. Người chép kinh Ấn Độ chắc chắn đã thấy một số khu vườn rực rỡ của các vị quốc vương Ấn Độ nơi người ta thường sử dụng những điều trang điểm mà y mô tả. Người chép kinh Do Thái giáo không quen thuộc với những điều như thế, nhưng y ở trong một đô thị to lớn và tráng lệ - có lẽ là Alexandria; vì vậy quan niệm của y về sự lộng lẫy giống như một đô thị nhưng được trang bị không giống bất kỳ đô thị nào trên trần thế bằng những vật liệu trang điểm xa hoa. Như vậy mỗi người đều cố gắng mô tả một sự thật vĩ đại đến nỗi không một ngôn từ nào mà họ dùng trong những dụ ngôn như thế lại quen thuộc với tâm trí của y.
Từ thời đó trở đi đã có những người chứng kiến được sự vinh quang của cõi trời và đã cố gắng mô tả nó một cách hết sức không hài lòng. Trong số những người đó có một vài người nghiên cứu Thông Thiên Học  và trong quyển Cẩm nang Thông Thiên Học Số 6 [1], bạn ắt thấy một nỗ lực của chính tôi theo chiều hướng đó. Giờ đây chúng tôi không nói tới vàng bạc, hồng ngọc và kim cương khi chúng tôi muốn truyền đạt ý niệm về sự tinh vi lớn lao nhất cũng như vẻ đẹp của màu sắc và hình tướng; đúng ra thì chúng tôi rút lấy những dụ ngôn từ màu sắc lúc mặt trời lặn và từ mọi sự vinh quang thuộc biển cả và bầu trời vì đối với chúng tôi những thứ này còn hơn cả thiên đường nữa. Thế nhưng những người nào trong chúng tôi đã thấy được sự thật đều thừa biết rằng bất chấp mọi nỗ lực mô tả, chúng tôi đã thất bại hoàn toàn trong việc truyền đạt bất kỳ ý tưởng nào về thực tại cũng giống như những người chép kinh ở Đông phương thì không một ngôn từ nào có thể mô tả được mặc dù mọi người đều một ngày kia sẽ tự mình chứng kiến được nó và biết được nó.
Đó là vì cõi trời này không phải là một giấc mơ; nó là một thực tại chói lọi; nhưng nếu muốn hiểu được bất cứ điều gì về nó thì trước hết chúng ta phải thay đổi một trong những ý niệm tiên quyết của mình về đề tài này. Cõi trời không phải là một nơi chốn mà là một trạng thái tâm thức. Nếu bạn vặn hỏi tôi “Cõi trời ở đâu?” thì tôi ắt phải trả lời bạn rằng nó ở ngay đây, xung quanh bạn vào chính lúc này, gần kề bên bạn giống như không khí mà bạn đang hít thở. Cách đây đã lâu, Đức Phật cũng có dạy rằng ánh sáng luôn luôn ở xung quanh bạn; bạn chỉ cần giựt cái băng bịt mắt mình ra là sẽ thấy ánh sáng. Nhưng việc giựt cái băng ra là thế nào? Nó có ý nghĩa biểu tượng ra sao? Đó chỉ là vấn đề nâng tâm thức lên tới một mức độ cao hơn, học cách tập trung tâm thức vào một hiện thể bằng vật chất tinh vi hơn. Tôi đã nói tới khả năng làm như vậy liên quan đến thể vía, nhờ đó ta thấy được cõi trung giới; việc này chỉ cần đẩy tiến trình đó lên một giai đoạn tiếp nối nữa qua việc nâng tâm thức lên tới cõi trí tuệ, vì con người cũng có một cơ thể tương ứng với mức độ đó, thông qua nó y có thể nhận được những rung động của cõi trí tuệ, và nhờ vậy sống trong sự rực rỡ chói lọi của cõi trời trong khi vẫn còn đang ở trong thể xác, mặc dù quả thật là sau khi trải qua một kinh nghiệm như thế thì y ắt chẳng lấy gì làm thích thú khi phải trở lại với xác phàm.
Kẻ phàm phu chỉ đạt đến tình trạng phúc lạc này sau khi chết và không phải ngay tức khắc sau khi chết ngoại trừ những trường hợp rất hiềm hoi. Tôi đã giải thích sau khi chết Chơn ngã đã đều đều triệt thoái vào trong bản thân như thế nào. Trọn cả sinh hoạt trên cõi trung giới thật ra là một quá trình thường xuyên triệt thoái, khi trải qua thời gian linh hồn đạt đến giới hạn của cõi này thì linh hồn cũng chết đi với cõi đó giống hệt khi linh hồn chết đi với cõi trần. Điều này có nghĩa là linh hồn vứt bỏ hiện thể thuộc cõi này, bỏ nó lại đằng sau trong khi chuyển sang một sinh hoạt cao siêu hơn và còn viên mãn hơn nữa. Trước khi có sự chết lần thứ nhì này thì cũng chẳng có một loại đau khổ hoặc đau đớn nào, nhưng cũng giống như sự chết lần thứ nhất thường có một thời kỳ vô ý thức mà Chơn nhơn chỉ thức tỉnh dần dần khỏi trạng thái đó. Cách đây một vài năm, tôi có viết một quyển sách tên là Cõi Devachan, trong ấy ở một chừng mực nào đó tôi cố gắng mô tả điều mà mình chứng kiến và sắp xếp thành bảng biểu đến mức tối đa đủ thứ phân bộ của Vùng Đất Ánh Sáng vinh diệu này, cung cấp những ví dụ mà chúng tôi quan sát được trong quá trình khảo cứu về sinh hoạt của cõi trời. Bây giờ tôi sẽ cố gắng trình bày vấn đề đó theo một quan điểm khác, và những người nào nếu muốn đều có thể bổ sung thông tin bằng cách đọc chính quyển sách đó. Có lẽ phát biểu mở đầu bao quát nhất chính là: Đây là cõi của Tư tưởng Thượng Đế, ở đây chúng ta đang ở chính phạm vi của tư tưởng và mọi thứ mà con người có thể nghĩ ra được đều là một thực tại sống động linh hoạt ở đây. Chúng ta lao động vất vả với một điểm bất lợi lớn lao vì ta có thói quen coi những sự việc vật chất  là có thực, còn những sự việc không thuộc về vật chất là giống như giấc mơ và vì vậy không có thực. Trong khi đó thì thực ra mọi sự việc có tính cách vật chất đều bị chôn vùi và ẩn giấu trong loại vật chất này; vì thế cho dù nó có bất kỳ loại thực tại nào thì thực tại đó cũng ít hiển nhiên và khó lòng nhận ra được hơn là khi ta quan sát nó theo một quan điểm của cõi cao. Vì vậy khi nghe nói tới thế giới tư tưởng, chúng ta nghĩ ngay rằng đó là một thế giới không thực được tạo ra từ ‘một loại vật liệu cấu thành các giấc mơ’ (theo cách nói của thi sĩ).
Ta hãy cố nhận thức được rằng khi một người bỏ xác phàm và mở rộng tâm thức đối với sinh hoạt trên cõi trung giới thì cảm giác đầu tiên của y là thấy sinh hoạt đó vô cùng linh động và có thực sao cho y nghĩ rằng: “Giờ đây thì lần đầu tiên tôi mới được biết thế nào là sống”. Nhưng khi đến lượt y rời bỏ sinh hoạt đó để nhập vào một sinh hoạt cao hơn thì y cũng lập lại kinh nghiệm giống hệt như thế, vì đến lượt sinh hoạt này vốn cũng viên mãn bao quát và mãnh liệt hơn sinh hoạt trên cõi trung giới rất nhiều đến nỗi mà một lần nữa ta không thể so sánh được. Thế nhưng còn có một sinh hoạt khác vượt ngoài tầm tất cả những thứ này mà ngay cả sinh hoạt của cõi này so với nó cũng chỉ giống như ánh trăng so với ánh mặt trời; nhưng hiện nay thật là vô ích khi nghĩ tới điều đó.
Có thể có nhiều người nghe ra thấy là phi lý khi cõi tư tưởng lại được cho là có thực hơn cõi hồng trần; được thôi, đối với họ thì cứ phải như thế cho tới khi họ có được một kinh nghiệm nào đó về một sinh hoạt cao hơn cõi trần này, đến lúc đó thì họ mới biết nhiều hơn hẳn bất kỳ ngôn từ nào có thể mô tả cho họ được.
Vậy là trên cõi này ta thấy có tồn tại sự viên mãn vô hạn của Trí tuệ Thượng Đế mở ra với mọi sự giàu có vô biên cho mọi linh hồn tỉ lệ với mức độ tư cách mà linh hồn có được để tiếp thu. Nếu con người đã hoàn tất cơ tiến hóa được dành cho mình; nếu y đã thực chứng viên mãn được và đã phát triển trọn vẹn được mầm mống thiên tính bên trong mình, thì trọn cả sự vinh quang này ắt ở trong tầm tay của y; nhưng vì không ai trong chúng ta đã từng làm được như thế, vì chúng ta chỉ dần dần thăng lên được tới mức độ thành tựu rực rỡ như thế, cho nên té ra là cho đến nay chẳng ai có thể lĩnh hội được trọn vẹn điều đó mà mỗi người đều chỉ rút ra được và thừa nhận từ đó cái mức độ mà những nỗ lực trước kia của mình đã chuẩn bị bản thân mình tiếp thu được. Dụ ngôn Đông phương có trình bày rằng những cá nhân khác nhau mang lại những năng lực rất khác nhau, mỗi người mang lại cái tách của riêng mình, và một số tách thì lớn còn một số tách lại nhỏ; nhưng cho dù lớn hay nhỏ thì mỗi cái tách đều được rót đầy đến mức tối đa, biển phúc lạc có chứa nhiều hơn mức mà tất cả mọi người đều thỏa thuê.
Mọi tôn giáo đều có nhắc tới sự phúc lạc này của cõi trời, thế nhưng ít tôn giáo nào lại trình bày cho ta thấy được một cách đủ minh bạch và chính xác về cái ý niệm chủ chốt mà chỉ có nó thôi mới giải thích hợp lý được làm thế nào mà mọi người đều có thể hưởng phúc lạc như vậy – đây quả thực là chủ điểm của quan niệm này – sự thật là mỗi người đều tạo ra cõi trời của riêng mình bằng cách chọn lựa trong số những điều rực rỡ khôn tả thuộc về Tư tưởng của Chính Thượng Đế. Một người tự quyết định lấy cả mức độ lâu dài lẫn đặc tính của sinh hoạt trên cõi trời do những nguyên nhân mà chính y đã gây ra trong buổi sinh thời; vì vậy chẳng những y có đúng cái số lượng mà y xứng đáng, đúng cái phẩm chất hoan lạc  thích hợp nhất với tính tình đặc dị của y, vì đây là một cõi trong đó do chính sự kiện tâm thức của một sinh linh trụ vào đây thì mọi sinh linh đều hưởng được sự phúc lạc tâm linh cao siêu nhất mà mình có thể thụ hưởng – đây là một cõi mà quyền năng đáp ứng với hoài bão của y chỉ bị hạn chế bởi chính năng lực hoài bão của y.
Y đã tạo ra cho chính mình một thể vía bằng vào những ham muốn và đam mê trong buổi sinh thời, và y phải sống trong thể vía đó suốt cái kiếp tồn tại trên cõi trung giới mà thời khắc đó là hạnh phúc hay đau khổ đối với y tùy theo đặc tính của nó. Giờ đây khi đã trải qua cái giai đoạn luyện ngục đó rồi, vì cái phần thấp hèn trong bản thể của y đã bị tiêu mòn mất; bây giờ chỉ còn lại những tư tưởng cao siêu và tinh anh hơn, những hoài bão cao cả và vị tha mà y đã tuôn ra trong buổi sinh thời. Những thứ này tụ tập xung quanh y tạo thành một loại lớp vỏ xung quanh y, thông qua một môi trường như thế y có thể đáp ứng với một vài loại rung động diễn ra trong vật chất tinh vi này. Những tư tưởng bao quanh y là những quyền năng giúp cho y rút tỉa được kho của cải trên cõi trời, và y thấy nó là  một kho chứa có tầm cỡ vô hạn sao cho y có thể rút tỉa từ đó phù hợp với năng lực của những tư tưởng và hoài bão mà y đã sản sinh ra trong sinh hoạt trên cõi trần và cõi trung giới. Giờ đây mọi tình cảm và lòng sùng tín cao siêu nhất của y đang tạo ra được kết quả vì chẳng còn lại điều gì khác hơn nữa; mọi thứ có tính cách ích kỷ hoặc đeo bám đều đã bị bỏ lại đằng sau trên cõi trung giới.
Đó là vì có hai loại tình yêu. Có một loại tình yêu vốn khó lòng xứng đáng với tên gọi cao quí như thế; đối tượng lúc nào cũng nghĩ đến việc nó sẽ nhận được bao nhiêu tình yêu để đổi lấy lượng tình yêu mà nó đã đầu tư trong việc luyến ái, nó luôn luôn lo lắng để xem cái lượng tình ái chính xác mà người khác dành cho nó được bao nhiêu, và vì thế nó thường xuyên vướng mắc vào cái vòng lẩn quẩn ác hại của sự ghen tuông và nghi ngờ. Một loại xúc cảm như thế có tính cách đeo bám và đầy tham dục ắt thể hiện thành kết quả nghi ngờ và khốn khổ trên cõi trung giới mà nó rõ rệt là thuộc về đó. Nhưng còn có một loại tình yêu nữa chẳng bao giờ buồn nghĩ xem mình đã được yêu đến mức độ nào, mà chỉ nhắm vào một mục đích là tuôn đổ ra một cách không dè dặt tình cảm của mình hiến dâng cho đối tượng và chỉ cân nhắc đến việc liệu cái xúc cảm đang trào dâng trong tâm hồn mình như thế sẽ biểu hiện ra thành hành động đến mức độ nào. Ở đây không có sự giới hạn vì không có sự đeo bám, không có sự thu hút về bản ngã, không có việc nghĩ tới được yêu đáp trả lại và cũng vì thế có một sự tuôn đổ thần lực ghê gớm mà không một vật chất của cõi trung giới nào có thể biểu hiện được, không một chiều đo nào thuộc cõi trung giới có thể dung chứa được. Nó cần tới một loại vật chất tinh vi hơn và một không gian rộng lớn hơn thuộc một mức độ cao hơn, và năng lượng được sản sinh ra như thế phải thuộc về cõi trí tuệ. Cũng giống như vậy, có một loại sùng tín tôn giáo vốn chủ yếu là chỉ nghĩ tới việc mình cầu nguyện để được cái gì và hạ thấp sự thờ cúng của mình xuống tới mức buôn thần bán thánh; trong khi đó cũng có một lòng sùng tín chân thực vốn hoàn toàn quên mình trong khi lặng ngắm đấng thiêng lịêng. Chúng ta đều thừa biết rằng trong khi đạt được lòng sùng tín cao nhất, ta vẫn thấy có một điều gì đó chưa được thỏa mãn, những hoài bão cao siêu nhất của ta chưa được thực hiện và khi chúng ta thật sự yêu thương một cách bất vị kỷ thì cảm xúc của chúng ta vượt xa hơn hẳn mọi khả năng biểu lộ trên cõi trần đến nỗi mà xúc cảm sâu xa được khuấy động trong tâm hồn ta do loại âm nhạc cao quí nhất hoặc loại nghệ thuật toàn bích nhất đều đạt đến những đỉnh cao và độ sâu mà ta không hề biết tới trên cõi trần thế buồn tẻ này. Thế nhưng mọi thứ đó đều là một loại thần lực mầu nhiệm vượt hẳn mọi tính toán của ta và bằng cách nào đó nó phải tạo ra kết quả ở đâu đó vì luật bảo toàn năng lượng vẫn có giá trị trên các cõi tư tưởng và hoài bão cao siêu cũng chắc chắn giống như luật bảo toàn năng lượng trong cơ học bình thường. Nhưng vì nó phải phản tác động lên kẻ nào đã tác động nó, thế mà nó không thể tác động trên cõi trần vì vật chất của cõi trần có phạm vi hạn hẹp và tương đối thô trược, cho nên bằng cách nào và khi nào thì nó có thể tạo ra được kết quả tất yếu của mình? Nó chỉ còn có nước đợi cho đến khi con người đạt tới mức độ của nó; nó vẫn cứ là loại năng lượng được tích trữ cho đến khi có cơ hội. Trong khi tâm thức của y tập trung vào cõi hồng trần và cõi trung giới thì nó không thể phản tác động lên y, nhưng ngay khi y đã chuyển dời chính mình hoàn toàn lên cõi trí tuệ thì nó đã sẵn sàng dành cho y những cổng tháo nước của nó đã được mở toang ra và tác động của nó bắt đầu. Sự công bằng hoàn toàn đã được thực hiện và chẳng có một thứ gì bị mất đi đâu cho dù đối với chúng ta trong hạ giới này thì nó dường như đã bị mất hút mục tiêu và chẳng đi đến một kết quả nào.