Dịch giả : Tâm Như
Chương 7
CÁC THIÊN THẦN HỘ MỆNH

Theo ý tôi, một trong những điều đẹp đẽ nhất trong giáo huấn Thông Thiên Học đó là việc nó trả lại cho con người tất cả mọi niềm tin hữu dụng và hữu ích nhất của những tôn giáo mà con người đã vượt qua rồi. Có nhiều người, mặc dù  cảm thấy rằng mình không thể chấp nhận được nhiều điều vốn thường được coi là vấn đề đương nhiên, song le họ lại ngoái nhìn một số ý niệm ấu trĩ trí tuệ với một sự nuối tiếc nào đó. Họ đã ra khỏi ánh sáng nhá nhem để nhập vào ánh sáng trọn vẹn; họ biết ơn vì sự thật đó nên họ không thể quay lại với thái độ trước kia cho dù họ có muốn như vậy; thế nhưng một số mơ ước trong cảnh ánh sáng nhá nhem thật là dễ thương và ánh sáng thanh thiên bạch nhật đôi khi dường như khó sánh được với những sắc thái mờ ảo hơn. Ở đây Thông Thiên Học đã đến cứu chuộc họ  và cho họ thấy rằng mọi sự vinh quang mỹ lệ và thi vị, mọi cảnh thoáng nhìn mà họ thường mơ hồ cảm nhận được trong ánh sáng nhá nhem vốn tồn tại dưới dạng một thực tại sống động, và thay vì biến mất đi trước ánh sáng thanh thiên bạch nhật thì sự rực rỡ của nó chỉ càng được phô diễn linh động hơn nữa. Nhưng giáo huấn của ta trả lại cho họ sự thi vị đó dựa vào một căn bản hoàn toàn mới – căn bản đó là một sự kiện khoa học thay vì là một truyền thuyết bấp bênh. Ta thấy một ví dụ điển hình của đức tin đó trong tựa đề “Thiên thần Hộ mệnh”. Có nhiều truyền thuyết dễ thương về sự hộ mệnh tâm linh và sự can thiệp của thiên thần mà tất cả chúng ta đều muốn tin theo miễn là chúng ta thấy được cách thức chấp nhận chúng một cách hợp lý, và tôi hi vọng rằng mình sẽ giải thích được điều này đến mức tối đa.
Niềm tin vào sự can thiệp như thế đã có từ rất lâu đời. Trong những huyền thoại xa xưa nhất của Ấn Độ, ta đã thấy có những chuyện tường thuật về việc thỉnh thoảng chư tiểu thần linh xuất hiện vào những lúc khủng hoảng trong sự vụ của con người; anh hùng ca của Hi Lạp cũng đầy dẫy những câu chuyện giống như thế, còn trong lịch sử của chính đế quốc La Mã ta cũng đọc thấy việc hai anh em sinh đôi trên trời là Castor và Pollux đã dẫn dắt những đạo binh của nước Cộng hòa non trẻ trong trận chiến ở Hồ Regillus. Vào thời trung cổ người ta có ghi lại việc thánh James đã dẫn dắt quân đội Tây Ban Nha đi tới chiến thắng, và có nhiều chuyện kể việc các thiên thần quan phòng cho những kẻ hành hương mộ đạo hoặc can thiệp vào đúng lúc để che chở cho y khỏi bị hại. Kẻ kiêu kỳ ắt bảo rằng: “Đây chỉ là một sự mê tín dị đoan của dân gian”; có lẽ là như vậy nhưng bất cứ khi nào chúng ta gặp một sự mê tín dị đoan của dân gian lan tràn phổ biến dai dẳng như thế thì hầu như chúng ta chắc chắn sẽ tìm thấy được một hạt nhân chân lý nào đó đằng sau điều này – nó thường là bị xuyên tạc và ngoa ngoắc, thế nhưng đó vẫn còn là sự thật. Và đây là trường hợp mà ta đang xét đến.
Hầu hết tôn giáo đều nói cho người ta biết có những thiên thần hộ mệnh sát cánh với con người vào lúc y đang buồn khổ và phiền não. Ki Tô giáo cũng không phải là ngoại lệ đối với thông lệ này. Nhưng khổ nỗi giáo hội Ki Tô lại chịu một tai họa do sự đảo lộn phi thường về sự thật vốn được gọi là phong trào Cải cách tôn giáo và trong cuộc đảo lộn đó rất nhiều điều đã mất đi đối với đa số chúng ta mà không hề thu hồi lại được. Quả thật là có những sự lam dụng khủng khiếp và trong giáo hội cần có sự cải cách; tôi đâu có chối bỏ điều đó, thế nhưng chắc chắn là phong trào Cải cách tôn giáo đã phê phán rất nghiệt ngã những tội lỗi có trước thời khai sinh ra nó. Cái gọi là Giáo hội Tin lành đã cám dỗ và làm u ám thế giới các tín đồ của mình vì trong đám nhiều điều sai trái kỳ quặc và u mê mà nó cố tình ra sức tuyên truyền thì có một thuyết theo đó không có thứ gì tồn tại để đóng vai trò trung gian giữa một bên là Đấng thiêng liêng và một bên là con người cách xa nhau một trời một vực. Nó diễn giảng cho ta cái quan niệm kỳ quặc về việc Đấng Cai trị vũ trụ thường xuyên bất thường can thiệp vào việc vận hành những định luật của chính mình dựa vào kết quả những nghị quyết của chính mình, và điều này thường thể theo sự nài nỉ của các thần dân mà xét theo biểu kiến được giả định là biết rõ hơn điều nào tốt cho bản thân so với Thượng Đế biết điều gì tốt cho thần dân. Nếu chúng ta mà đâm ra tin vào điều đó thì ta ắt không thể nào cởi bỏ ra được khỏi tâm trí mình cái ý tưởng cho rằng sự can thiệp như thế có thể và quả thật ắt phải là thiên vị và bất công. Trong Thông Thiên Học chúng ta không có tư tưởng nào như thế vì chúng ta tin tưởng vào sự tuyệt đối công bằng của Đấng thiêng liêng, do đó chúng ta thừa nhận rằng không thể có sự can thiệp nếu kẻ hữu quan không xứng đáng được trợ giúp như thế. Cho dù như vậy thì sự can thiệp cũng đến với y thông qua các tác nhân chứ không bao giờ có sự ra tay trực tiếp của Đấng thiêng liêng. Theo nghiên cứu và kinh nghiệm bản thân của nhiều người trong chúng tôi, chúng tôi biết rằng giữa trình độ con người và trình độ của Đấng thiêng liêng có nhiều trình độ trung gian. Niềm tin xưa cũ về các thiên thần và tổng thiên thần vốn được biện minh dựa vào các sự kiện, vì cũng như có đủ thứ giới bên dưới giới nhân loại, cũng vậy có những giới tiến hóa vượt trên giới nhân loại. Chúng ta thấy ngay trên chúng ta và giữ địa vị đối với chúng ta giống như đến lượt chúng ta giữ địa vị đối với giới động vật có một giới vĩ đại gồm các chư thiên hoặc thiên thần; bên trên các đấng này lại có một giới tiến hóa mà ta thường gọi là Dhyan Chohans hoặc tổng thiên thần (mặc dù hồng danh của các đẳng cấp này không quan trọng) và cứ tiến lên mãi cho tới tận chân của Đấng thiêng liêng. Tất cả đều là một sự sống được phân cấp từ Chính Thượng Đế xuống tới hạt bụi bên dưới chân ta, đó là một cái thang dài dằng dặc trong đó nhân loại chỉ chiếm có một nấc thang. Có nhiều nấc thang bên dưới và bên trên chúng ta, mỗi nấc thang đều đã bị chiếm chỗ hết. Quả thật chúng ta rất phi lý khi giả sử rằng mình cấu thành dạng phát triển cao nhất có thể được, tức là thành tựu tối hậu của cơ tiến hóa. Đôi khi giữa nhân quần có giáng lâm những con người tiến hóa hơn hẳn để cho ta thấy trình độ kế tiếp của mình và nêu gương cho ta noi theo. Những nhân vật như Đức Phật và Chúa Ki Tô cũng như nhiều bậc đạo sư thứ yếu khác đều phô bày trước mắt ta một lý tưởng cao cả mà ta có thể triển khai, cho dù ta thấy hiện nay mình còn lâu mới đạt đến mức đó.
Nếu sự can thiệp đặc biệt vào sự vụ của con người đôi khi cũng xảy ra thì phải chăng ta ắt coi giới thiên thần là các tác nhân có thể được dùng vào việc đó? Có lẽ đôi khi như vậy, nhưng rất hiếm hoi vì các đấng cao cả này cũng có việc riêng phải làm liên quan tới địa vị của các ngài trong sơ đồ tổng thể vạn hữu và các ngài cũng chẳng mấy khi để ý tới chúng ta nhằm can thiệp vào đó. Con người đã mặc nhiên cống cao ngã mạn quá độ khi có khuynh hướng nghĩ rằng mọi quyền năng vĩ đại trong vũ trụ phải chăm chăm vào y và sẵn sàng trợ giúp y bất cứ khi nào y đau khổ vì sự điên rồ hoặc vô minh của chính mình. Y quên rằng mình đâu xả thân đóng vai trò cứu trợ mang lại ích lợi cho các giới tiến hóa bên dưới mình hoặc chăm sóc và giúp đỡ những con thú hoang. Đôi khi y còn đóng vai trò ma quỉ chính thống đối với chúng, phá đám cuộc sống vô tội và vô hại của chúng bằng cách vô cớ hành hạ và tiêu diệt chúng chỉ để thỏa mãn cái lòng tham dục độc ác thoái hóa của mình mà y dám gọi là ‘môn thể thao’; đôi khi y giam cầm súc vật, bỏ ra chút ít công lao chăm sóc chúng nhưng chỉ cốt để chúng làm việc cho mình chứ nào có ngó ngàng gì tới sự tiến hóa của chúng. Thế thì làm sao y có thể trông mong được những đấng ở bên trên y có một sự quan phòng mà bản thân y còn lâu mới dành cho những sinh linh bên dưới mình? Rất có thể là giới thiên thần cứ cặm cụi làm việc của riêng mình mà chẳng buồn để ý gì tới chúng ta, cũng như ta chẳng thèm chú ý tới những con chim sẻ đậu trên cây. Thỉnh thoảng cũng có khi một thiên thần đâm ra biết được một sự đau khổ hoặc khó khăn nào đó của con người khiến cho vị đó động lòng thương hại và ra sức giúp đỡ chúng ta cũng giống như chúng ta ra sức giúp đỡ một con thú bị quẫn bách; nhưng chắc chắn là tầm nhìn rộng lớn của thiên thần sẽ nhận ra được sự thật là ở giai đoạn tiến hóa hiện nay trong đại đa số trường hợp thì sự can thiệp như thế ắt là hại nhiều hơn lợi. Trong quá khứ xa xưa, con người thường được các tác nhân phi nhân loại trợ giúp vì lúc bấy giờ trong đám nhân loại ấu trĩ của chúng ta chưa thể có ai vượt lên trở thành một bậc đạo sư; nhưng giờ đây khi chúng ta đã đạt tới sự trưởng thành thì giả sử rằng chúng ta đã đến giai đoạn mà ta có thể tự mình cung ứng những vị lãnh đạo và những người trợ giúp thuộc hàng ngũ nhân loại.
Có một giới khác trong Thiên nhiên mà ta ít biết tới đó là giới Tinh linh ngũ hành, tức thần tiên. Ở đây truyền thuyết dân gian lại bảo tồn được dấu vết về sự tồn tại của một đẳng cấp sinh linh mà khoa học chưa biết tới. Người ta đã gọi chúng bằng nhiều tên khác nhau: tiên lùn, thổ địa, yêu tinh, quỉ lùn, thiên tinh, thủy thần, tiên ông v. v..., và có ít vùng nào mà kho truyện dân gian lại không có vai trò của thần tiên trong đó. Họ là những sinh linh có cơ thể hoặc là thể vía hoặc là thể phách, do đó chỉ trong những trường hợp hãn hữu đặc biệt thì con người mới thấy được họ. Họ thường tránh kề cận với con người vì họ không thích những cơn bộc phát dã man về dục vọng và đam mê của con người, do đó ta thường thấy họ ở một nơi chốn hẻo lánh nào đó, chỉ có những người dân sơn cước hoặc kẻ chăn chiên mà công việc khiến y phải xa lánh nơi phồn hoa đô hội thì mới có dịp thấy họ. Đôi khi có xảy ra việc một trong những sinh linh này gắn bó với một người nào đó và tận tụy phục vụ cho y như chuyện kể ở vùng cao nguyên Tô Cách Lan; nhưng theo thông lệ thì ta khó lòng mà trông mong có được sự trợ giúp thông minh của những thực thể thuộc hạng này.
Thế rồi còn có các vị cao đồ, các Chơn sư Minh triết vốn là những người giống như chúng ta song tiến hóa cao hơn chúng ta nhiều đến nỗi mà đối với ta các ngài dường như là các vị thần về quyền năng minh triết và lòng từ bi. Trọn cả cuộc đời các ngài được tận hiến cho công việc trợ giúp cơ tiến hóa; do đó phải chăng các ngài đôi khi cũng có thể can thiệp vào những sự vụ của con người? Cũng đôi khi thôi, nhưng chỉ rất hiếm hoi vì các ngài có những công việc khác cao cả hơn cần phải thực hiện. Kẻ vô minh đôi khi gợi ý rằng các Chơn sư nên xuống tận các đô thị lớn của chúng ta để giúp đỡ người nghèo khổ. Tôi xin nói rằng đó là kẻ vô minh vì chỉ có kẻ nào hết sức vô minh và cống cao ngã mạn không thể tưởng tượng được mới dám chỉ trích như thế về hành động của các đấng vô cùng minh triết và cao cả hơn bản thân y. Kẻ biết điều và khiêm tốn ắt nhận thức được rằng các ngài làm điều gì thì ắt phải có lý do chính đáng, và bản thân y mà chê trách các ngài thì đúng là đã đạt tới đỉnh cao của sự ngu ngốc và bội bạc. Các ngài có công việc riêng trên các cõi cao hơn hẳn so với mức mà ta có thể đạt tới được; các ngài giao tiếp trực tiếp với linh hồn của con người, tỏa sáng cho các linh hồn giống như ánh sáng mặt trời chiếu cho một đóa hoa, dắt dẫn linh hồn tiến lên mãi và mang lại quyền năng cũng như sự sống cho linh hồn; đó là một công trình vĩ đại hơn hẳn so với việc chữa trị chăm sóc hoặc nuôi dưỡng thể xác của con người, mặc dù việc này cũng có thể là tốt trong phạm vi của nó. Sử dụng các ngài để làm việc trên cõi trần ắt là việc phí phạm thần lực vô cùng lớn hơn việc bắt các nhà học giả lỗi lạc nhất về khoa học của chúng ta đi lao động đập đá để làm đường, lấy cớ đó là một việc lao động tay chân công ích trong khi công tác khoa học không trực tiếp có ích lợi cho người nghèo! Chơn sư ít có can thiệp vào việc của cõi trần vì ngài có thể được sử dụng hữu ích hơn nhiều nữa.