Chương 2

Trước mặt tôi là bữa ăn sáng thịnh soạn, bánh mì, ba tê, jambon, trứng gà ốp la và một ly sữa lớn... nhưng tôi chẳng buồn ăn, nỗi chán chường đã dâng lên bóp nghẹt tim tôi. Phòng ăn rộng thênh thang càng khơi niềm trống trải. Ba đi công tác nói hai ngày về mà nay đã năm ngày vẫn không thấy tăm hơi. Giờ này má đang làm gì nhỉ, chắc vẫn là những ngày chưng diện se sua. Các người bạn thiệt thà đôn hậu của má đâu mất rồi, dì Khuê, dì Hậu, dì Phước, dì Hoa... đó là những giáo viên dạy cùng trường với má, thương yêu tôi như con ruột, mỗi lần ghé nhà thăm trông họ chẳng khác nào những bà tiên hiền lành xoay tít chiếc đũa nhiệm màu để cho ra trước mắt tôi những món đồ chơi hấp dẫn, những cuốn sách hay ho, những gói bánh kẹo đủ màu.. từ ngày má thôi dạy, các dì đã thưa lại nhà, thay vào đó là đám bạn bè mới của má, những cô này mắt xanh mũi đỏ, các bà nạ dòng ăn mặc diêm dúa như tài tử xi nê, sao mà tôi ghét họ thế, họ là quỷ sa tăng, là cơn lốc dữ lôi cuốn má ra khỏi mái ấm gia đình này.
Tôi uể oải đưa miếng bánh mì lên miệng, phải uống hết ly sữa này kẻo chị Hai buồn. Thật ra chị Hai có một cái tên rất Huế, đó là Diệu Tâm, nhưng ba má cứ gọi Hai cho thân mật và từ đó chết tên luôn. Chị là bà con xa của chú Tấn, bạn ba, giúp việc cho gia đình tôi gần một năm nay. Cơn bão dữ dội ở miền Trung năm ngoái đã đưa chị từ Huế lưu lạc vào đây, theo lời chị kể, cha mẹ chị mất hồi chị đang học lớp chín, chị phải giã từ đèn sách, một mình buôn bán nuôi nấng hai em. Bây giờ hai người em của chị đã đi nghĩa vụ, cuộc sống ở miền quê quá nghèo khổ, thêm nữa thiên tai đã làm cho con người càng cơ cực hơn, đó là lý do chị phải rời bỏ quê hương vào tận miền Nam sinh sống. Năm nay chị đã ba mươi tuổi, còn độc thân, tính chị hiền lành thật thà nên ba má rất mến. Chị cũng rất thương yêu tôi và từ khi má bỏ ba dọn về bên ngoại, chị đã lo lắng săn sóc cho tôi bằng tất cả tấm lòng.
Đồng hồ trên tường thong thả gõ chín tiếng, đã đến giờ tập đàn. Tôi nhắm mắt uống cạn ly sữa, thẫn thờ đến bên đàn và buông người xuống ghế. Nắng chiếu qua song cửa in những bông hoa nhảy múa trên nắp đàn, gió phất lay tấm màn hồng chạm vào vai tôi, như vuốt ve mơn trớn, hãy làm cho không gian này đầy ắp tiếng nhạc, hỡi cô bé Thảo Phương! Tôi mở nắp, hàng phím trắng ánh vào mắt tôi tia nhìn như trách móc, phải rồi, suốt ngày hôm qua tôi không tập đàn, đây là lần đầu tiên nỗi buồn đã làm tôi làm biếng kể từ ngày tôi bước chân vào trường nhạc. Thôi đàn ơi, cho Phương xin lỗi nhé. Tôi sửa mình ngồi lại ngay ngắn rồi giở tập nhạc ra, bài Étude cô cho hôm trước Tết, tôi đã gần thuộc, giờ phải ôn lại cho nhuyễn để còn học tiếp bài mới chứ. Những ngón tay tôi ngoan ngoãn đi vào nề nếp và trong không gian tĩnh lặng giờ đây đã dìu dặt tiếng đàn... Tôi quên, quên hết, quên sự lạnh nhạt giữa ba má, quên những giọt nước mắt bao đêm chảy vào trái tim non nớt của mình. Tôi đang đi ngược thời gian tìm về thuở ấu thơ, khu vườn của ngoại và ngôi nhà có cánh cửa màu xanh. Nhà của cô giáo, người làm ra tiếng chim, người đã dắt dìu những bước chân đầu đời của tôi vào thế giới âm thanh tuyệt diệu. Tôi còn nhớ, sau buổi sang nhà cô, những ngày tiếp theo tôi vẫn thường đứng nơi cửa sổ để xem cô dạy đàn, say sưa ngưỡng mộ. Có một lần, học trò về hết, cô đã gọi tôi vào, cô nâng cằm tôi lên và nhìn sâu trong mắt:
--Em thích học đàn lắm sao?
Tôi cúi đầu dạ nhỏ rồi nhìn về cây đàn với sự háo hức lạ lùng. Cô đã dẫn tôi đến ngồi cfung cô trước đàn, rồi cô dạo một đoạn nhạc ngắn, cô bảo tôi:
--Em hãy nghe cho kỹ rồi hát lại, thử được không nào.
Lần đầu tôi chỉ sai một chỗ, nhưng sau đó tôi hát đúng, dù cô thay đổi rất nhiều nốt nhạc, và tôi rất thích thú với trò chơi này. Ít lâu sau, khi cô trở thành người bạn láng giềng khá thân thiết của má, tôi mới biết cô tên là Nguyệt Hằng, giảng viên dạy dương cầm tại nhạc viện thành phố. Cô thua má ba tuổi, rất nổi tiếng từ trước năm 75. Sau này, cô vẫn được giữ lại trường nhạc, nhưng cô ít trình diễn và sống ẩn mình hơn trước. Và cũng ngay khi quen biết má, cô đã sốt sắng bảo má:
--Chị nên cho cháu Thảo Phương học đàn. Cháu có nhạc cảm rất tốt, năng khiếu của cháu nếu không được phát triển thì rất uổng.
Má đã ngập ngừng:
--Hằng thấy đó, mình không đủ điều kiện, cho cháu học cũng được nhưng lấy đàn đâu cho cháu tập bây giờ.
--Chị khỏi lo, đàn bên em buổi chiều rất rảnh, em sẵn sàng cho cháu sang tập.
Khi má đem chuyện này nói với ba, ba đã trợn mắt nhìn má:
--Em có biết giá một cây đàn piano là bao nhiêu không? Nếu lương anh và em cộng lại, không ăn, không uống, thì cũng phải đến ba bốn năm mới mua nổi một cây đàn loại thường.
Má rơm rớm nước mắt:
--Cô Hằng đã nói, có nhiều lần cô thử dạy Thảo Phương, và cô nhận xét rằng con của chúng ta rất có năng khiếu...
Ba ngắt lời:
--Em phải biết rằng Thảo Phương nó có rất nhiều năng khiếu, như múa chẳng hạn, nhưng nó có thích học đâu.
Tôi chạy đến ôm chầm lấy ba:
--Nhưng con thích học đàn, con chỉ thích học đàn thôi ba ơi.
Đó là năm tôi lên lớp Hai và những giọt nước mắt của tôi đã làm ba xiêu lòng. Má gửi tôi cho cô Nguyệt Hằng và tôi đã nhanh chóng chiếm trọn cảm tình của cô. Má dạy thêm giờ phụ trội, ba mở lớp học ở nhà để kiếm thêm tiền mua sách nhạc cho tôi. Ôi những cuốn sách giản dị sao mà đắt kinh khủng thế, có nhiều loại mua không nổi, ba má phải mượn về rồi thay nhau chép tay cho tôi học. Biết được sự hy sinh của ba má, tôi càng cố gắng và điều an ủi lớn lao nhất của ba má là hơn một năm sau đó, tôi đã trúng tuyển vào nhạc viện thành phố.
Tiếng nói trong trẻo của chị Hai đã kéo tôi vào thực tế:
--Kìa, sao cô không ăn hết dĩa trứng đi?
Tôi rời đàn, bước về phía chị:
--Nhưng em đã uống xong ly sữa, chị vui lòng chưa?
Chị Hai để chiếc giỏ thức ăn xuống nền nhà, cầm lấy tay tôi săm soi:
--Cô còn ốm lắm, phải ăn thật nhiều để lấy sức mà học hành, cô Phương à.
Tôi thẫn thờ ngồi xuống ghế:
--Tình trạng gia đình như thế này, làm sao em học cho được.
Chị Hai nhìn tôi ái ngại, có lẽ chị không lựa được lời nào để khuyên tôi cho có hiệu quả hơn, nên chị chỉ lắc đầu rồi xách giỏ xuống bếp.
Có tiếng chuông reo ngoài cổng. A, bác đưa thư. Hai lá thư gửi cho tôi, một của ba và cái kia là của Minh Châu. Chà, con nhỏ bữa nay bày đặt dữ, sắp vào học rồi mà cứ ở riết Mỹ Tho ăn Tết chả chịu lên, lại thơ thẩn gì đây? Thôi, để đó, mở thư ba xem trước đã, ba chỉ viết có mấy dòng hẹn thứ năm mới về bận công tác đột xuất. Tôi cất hai lá thư vào túi, chạy xuống bếp. Chị Hai đang loay hoay xào nấu, mùi hành phi thơm lừng bốc lên điếc cả mũi, tôi đập vào vai chị:
--Chị Hai trông nhà nhé, em phải lên phòng học bài đây.
Chị ngẩng lên, vài sợi tóc rối rơi xuống trán, trông thật dễ thương:
--Cô khóa cửa chưa?
--Rồi, cổng ngoài em cũng khóa luôn. À, chị Hai ơi, thứ năm ba mới về, em vừa mới nhận được thư nè.
Chị Hai đưa cao chiếc đũa bếp, nhíu mày:
--Chết cha, rứa mà tôi mua đồ ăn quá loạn, chừ làm sao đây?
Tôi cười:
--Cứ cho vào hết tủ lạnh, mai mốt khỏi đi chợ càng khỏe, có sao đâu. Thôi em đi học bài nhé.
Ra khỏi bếp, tôi vẫn còn nghe tiếng chị Hai nói một mình:
--Ông đi đường ông, bà đi đường bà, con cái thì bỏ lăn bỏ lóc, tội trời vạ đất.
Tôi nằm xuống giường kê gối thật cao rồi bóc thư Minh Châu ra đọc:
Mỹ Tho, ngày....
Thảo Phương thân mến!
Lâu rồi không gặp mày thật là nhớ, muốn lên trước ngày vào học vài hôm nhưng không được vì ba má tao không cho, ông bả cứ giữ riết tao lại. Ngày mốt có đám giỗ bà ngoại tao, chắc là thứ năm tao mới lên thành phố được, vậy là bị trễ học hai ngày, nhớ xin phép cô chủ nhiệm giúp tao với nhé.
Ngày tao lên sẽ có rất nhiều quà cho mày.
Thương,
Minh Châu
Lá thư ngắn ngủn. Chà, chắc là vì lý do lên trễ, sợ cô chủ nhiệm la nên chi nàng mới đoái hoài đến tôi đây, lại còn hứa hẹn quà cáp hối lộ nữa chứ. Phen này lên đây sẽ biết tay con Phương này, Châu ơi. Tôi rút bớt một chiếc gối dưới đầu cho thân hình duỗi thẳng ra, rồi đọc lại lá thư của con bạn thân một lần nữa. Minh Châu, cô bé dễ thương có mái tóc dài óng ả luôn luôn xõa kín nửa lưng, cứ một tháng nó lại đi cắt tóc một lần làm cho tôi và các bạn cứ có cảm tưởng là tóc nó chưa hề dài ra một milimét nào cả. Thời gian trôi nhanh thật, mới đó mà đã tám năm. Nhớ ngày nào mới vào trường, tôi rời tay ba má chạy lăng xăng khắp chốn, mắt trong veo ngỡ ngàng nhìn bao điều lạ. So với ngôi trường cấp 1 tôi đang học thì đây quả là một thiên đường. Thiên đường đó mở ra trước mắt tôi với hội trường rộng lớn, với những phòng học rộng rãi thoáng mát và điều làm tôi ngạc nhiên một cách thích thú là trong mỗi phòng đều có một cây đàn piano đặt trang trọng bên tấm bảng đen có kẻ sẵn ô nhạc. Ôi cây đàn piano trong mơ ước của ba má, của tôi... Hàng ngày tôi vẫn sang tập đàn bên nhà cô Nguyệt Hằng với tấm lòng của cô bé Lọ Lem mơ nhặt được ba hạt dẻ thần để thực hiện niềm ao ước thầm kín: một mái nhà nhỏ cho ba má, cây đàn piano và chồng sách nhạc tinh khôi cho tôi, bởi hiện giờ ba má tôi phải ở đậu nhà ngoại, còn tôi thì học đàn nhờ và sách mượn. Cũng trong ngày này, tôi đã gặp Minh Châu. Hai đứa đã cùng chạy nhảy dưới bóng mát của cây me to phía sau trường và tranh nhau nhặt những quả me vàng chín rụng đầy sân. Tâm hồn tuổi thơ rất dễ cảm thông, chỉ một thoáng ngỡ ngàng, chúng tôi thân nhau ngay và bày ra nhiều trò chơi đến nỗi ba má tôi và ba má nó giục mãi, hai đứa mới chịu chia tay ra về. Vào trường, tôi lại được tiếp tục học chuyên môn với cô Nguyệt Hằng, mỗi tuần ba chở tôi lên thành phố hai lần để học đàn, hợp xướng và ký xướng âm. Thật vui mừng khi tôi được xếp ngồi cạnh Minh Châu trong lớp hợp xướng và ký xướng âm. Tôi được biết Minh Châu ở xa thành phố hơn tôi nhiều, mãi tận Mỹ Tho. May mà gia đình nó khá giả, có xe vận tải chạy tuyến Mỹ Tho - thành phố Hồ Chí Minh, nên việc đi lại học hành của nó cũng tiện. Về chuyên môn, Minh Châu học khác khoa tôi, nó học đàn tranh, nhưng điều đó không ngăn được tình thân ái giữa chúng tôi ngày càng mật thiết.
Có tiếng gõ nhẹ vào cánh cửa phòng:
--Cô Phương ơi, mở cửa.
--Chị vào đi.
Chị Hai bưng vào một mâm đầy thức ăn. Tôi ngồi dậy:
--Em ăn sáng hãy còn no.
Chị Hai đặt mâm lên bàn học của tôi:
--Tôi nấu món ăn Huế đặc biệt cho cô ăn đó, ngon lắm.
--Em còn no mà.
--Khi sáng tới chừ, no chi mà no. Gắng ăn đi cô.
Nhìn đôi mắt van lơn của chị, tôi không nỡ lắc đầu, nên bảo chị:
--Chị ăn chung với em nghe.
Nét mặt chị Hai rạng rỡ:
--Được, để tôi xuống nhà lấy thêm chén đũa.
Tôi ăn cơm chả thấy ngon lành gì cả nhưng cũng cố nuốt kẻo tội nghiệp chị Hai.
--Chị Hai làm món này ngon lắm.
Được thể, chị trút hết dĩa thức ăn vào chén của tôi:
--Chả tôm đó cô, món Huế chính cống đó.
--Sao chị làm được hay quá vậy?
Chị Hai được dịp kể:
--Ồ, hồi đó tôi sống bằng nghề làm chả tôm để nuôi hai đứa em ăn học, cha mẹ tôi mất sớm lắm cô à.
Tôi tò mò:
--Vậy hai người em của chị có chăm chỉ học hành không?
Chị Hai tươi cười:
--Chúng nó ngoan lắm cô ơi, học lại giỏi nữa, năm mô cũng có phần thưởng.
Tôi đặt chén cơm xuống bàn:
--Chị thật hạnh phúc, hồi ba má chị còn chắc gia đình chị vui vẻ lắm nhỉ.
Chị Hai gắp thêm thức ăn cho tôi:
--Nhà tôi nghèo nhưng được cái là hòa thuận nên cũng vui.
Tôi cúi đầu:
--Em đang ao ước một gia đình hoà thuận, chị Hai à.
Chị Hai nhìn tôi thương cảm:
--Cô đừng buồn nữa, thế nào ông bà cũng sẽ nghĩ lại, cô yên tâm đi.
Tôi lắc đầu chán nản:
--Ba má em đã đưa đơn ra tòa rồi.
Chị Hai tỏ vẻ hiểu biết:
--Còn hòa giải năm lần bảy lượt nữa, đâu phải ly hôn liền mô mà cô lo.
Tôi đẩy mâm cơm về phía chị Hai:
--Em ăn xong rồi, chị dọn đi.
Còn lại một mình, tôi không sao dỗ được giấc ngủ trưa. Ngủ đi Thảo Phương, sự nghỉ ngơi của tâm trí sẽ đem lại cho mày sức khỏe, sự sáng suốt và nỗi chịu đựng những tháng ngày khó khăn sắp đến. Ba và má sắp ra tòa, liệu lần hòa giải đầu tiên có thành công không? Rồi tôi sẽ ra sao? Ở với má hay ở với ba? Dù với ai thì niềm đau trong tôi vẫn không hàn gắn được, nỗi mất mát gặm nhấm tâm hồn, bào mòn trái tim và se buốt thịt da. Tôi mở mắt ra nhìn tấm ảnh màu được phóng lớn treo nơi bàn học. Ba đang nhìn tôi, mái tóc dày hơi quăn, vầng trán rộng, đôi mắt cười theo môi, trông ba có vẻ nghệ sĩ hơn là một giáo viên. Còn má nữa, má đang âu yếm tựa mái tóc đen huyền vào vai ba với gương mặt tràn đầy hạnh phúc. Xen giữa hai người là tôi đó, cô bé Thảo Phương có hai bím tóc thắt nơ hồng xinh xắn, đôi mắt tròn xoe như hai hạt nhãn lồng, nhìn thẳng về phía trước đầy tin tưởng. Tôi lại thả hồn về quá khứ, tấm ảnh này ba má đã dẫn tôi đi chụp trước lần trình diễn đầu tiên của tôi tại trường. Đó là vào dịp Tết năm tôi học sơ cấp 2. Nói làm sao được hết nỗi vui mừng của ba má khi nghe cô Nguyệt Hằng báo tin tôi được chọn độc tấu trong chương trình liên hoan mừng Xuân tại hội trường của Nhạc viện. Thật là một vinh dự. Chính cô Nguyệt Hằng cũng đã nói, từ trước đến nay, cô dạy rất nhiều học trò nhưng chưa có em nào mới vào trường một năm mà đã được chọn trình diễn. Có lẽ đó là thành quả của hai điểm 10 sáng chói mà tôi đã được trong hai lần thi học kỳ vừa qua. Chẳng những cô Nguyệt Hằng thương yêu tôi, mà bà Minh Ngọc, trưởng khoa piano, một vị giáo sư lớn tuổi rất khó tính, cũng rất bằng lòng khi nghe tôi đàn. Bà bảo, tuy còn nhỏ nhưng tiếng đàn của tôi rất có hồn, đây là điểm thành công nhất của ngừơi nhạc sĩ, là năng khiếu bẩm sinh không thể luyện tập mà có được. Đêm đó, tôi đánh rất tự tin bản "Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ" của Mozart, một bản nhạc khá khó đối với một đứa trẻ lên chín như tôi, nhưng tôi đã thành công giữa những tràn pháo tay rộn rã. Có một vị thính giả già bằng ông ngoại đã bước lên sân khấu tặng cho tôi một con búp bê có bao giấy kiếng rất đẹp và ôm hôn tôi. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ những giọt nước mắt cảm động hơi ứa ra từ hai khóe mi nhăn nheo của ông. Ngày đó sao mà êm đềm hạnh phúc. Tôi khép mắt lại nghe lòng bâng khuâng rời rã, ngủ đi Thảo Phương, nhưng không được, tôi lại mở mắt ra, khung ảnh màu trước mặt đã nhòa nhạt tự bao giờ.