Chương 4

Sáng nay trong giờ học chuyên môn, cô Nguyệt Hằng nhìn tôi chăm chú:
--Em làm sao vậy, Thảo Phương?
Tôi cúi đầu, không đáp, nhưng nước mắt đã tràn mi. Cô Nguyệt Hằng là láng giềng của ngoại nên cô cũng đã biết phần nào tình trạng gia đình của tôi trong những tháng vừa qua. Cô vỗ nhè nhẹ vào vai tôi:
--Tiếng đàn của em đầy vẻ bối rối, cô biết em đang buồn, nhưng đừng vội tuyệt vọng, Thảo Phương ạ, có cô đang ở bên em đây.
Tôi nói trong tiếng nấc:
--Cô ơi, hôm qua ba má em đã ra tòa hòa giải nhưng thất bại rồi cô ạ, em chỉ muốn chết đi cho xong.
--Em đừng nói gở thế - Cô đưa chiếc khăn tay cho tôi - Em lau nước mắt rồi ra ngoài chơi một lát cho thoáng, khi nào bình tĩnh trở lại, hãy vào gặp cô, cô có chuyện quan trọng cần nói với em.
Tôi bước ra cửa vừa lúc Minh Châu ôm cây đàn tranh to tướng đi ngang:
--Làm gì mà mặt mày tèm lem thế kia?
Tôi lau vội giọt nước mắt vừa ứa ra:
--Không có gì. Mày xách đàn đi đâu vậy?
Minh Châu liến thoắng:
--Sáng nay tao tập dàn nhạc, tuần sau lên ti vi thu hình rồi đó, hên ghê Phương ơi, tao được giữ phần sô lô, hách chưa.
Tôi cố gượng cười:
--Mừng cho mày.
Minh Châu đã nhận ra, nó đến gần bên tôi:
--Phương, chuyện ba má mày ra sao rồi, nói cho tao biết đi.
Tôi cúi đầu:
--Mày không giúp được gì cho tao đâu.
Minh Châu dựng cây đàn vào vách, cầm tay tôi:
--Tao sẽ chia sớt nỗi buồn với mày, như vậy, bớt đau khổ hơn Phương ạ.
Tôi chùng lòng xuống:
--Châu ơi, mày luôn luôn là người bạn tốt của tao nhé.
Minh Châu nâng mặt tôi lên:
--Đương nhiên - Rồi nó làm mặt vui - Thôi chả nói đến chuyện này nữa, mình ra căn tin ăn sáng đi.
Hai đứa lựa chiếc bàn tròn dưới gốc me, kéo ghế ngồi chễm chệ. Chị Lan bán hàng chạy ra:
--Hai em ăn gì, hôm nay có miến gà ngon lắm.
Minh Châu vênh váo:
--Hay quá, chị cho em hai tô miến và một dĩa thịt gà, có thêm một cái phao câu nữa.
Tôi trố mắt nhìn bạn, ăn bạo như vậy hèn gì trông nó tròn quay như hột mít. Chưa kịp hỏi, Minh Châu đã vội giải thích:
--Mày biết không, tao ăn để trả thù đời. Vừa rồi lãnh học bổng phải mua một cái áo mưa, thay cái líp xe đạp, rồi còn phải mua thêm sách vở nữa. Viết mấy cái thư chả thấy ba tao gởi tiền lên đành phải nợ nần lung tung. Thì ra ba tao bận về quê có công chuyện ruộng vườn gì đó, mới hôm qua ông lên thanh toán nợ nần cho tao, ông cho thêm một số tiền khổng lồ, lại còn thức ăn nữa, ê hề... Nó vỗ vào vai tôi:
--Trưa nay mày lên chỗ tao ăn cơm nhé.
Tôi vui theo nó:
--Mày trúng mánh thú quá nhỉ.
--Để bù cả tuần này đói rách mày ơi!
Chị Lan bưng thức ăn ra, Minh Châu yêu cầu tiếp:
--Cho em thêm hai ly sữa tươi nữa.
Rồi nó gắp miếng phao câu béo ngậy để vào tô của tôi:
--Người ta bảo ăn óc bổ óc, ăn tim bổ tim, vậy tao cho mầy ăn cái này để cái thân hình khô đét của mày nở nang thêm tí nữa.
Tôi rùn vai:
--Mày nói thấy ghê.
Minh Châu nghiêm mặt lại:
--Tao nói rất thật, dạo này mày ốm quá, Phương ạ.
Tôi ăn mới nửa tô miến, đã bỏ đũa xuống:
--Tao no lắm rồi.
Không nài ép, Minh Châu đẩy ly sữa tươi đến trước mặt tôi:
--Gắng uống đi Phương, xong đi chơi với tao. Mình ra chợ Bến Thành mua đôi dép rồi về nhà tao, chiều đi học văn hóa luôn nhen.
--Nhưng tao chưa học xong chuyên môn, cô Nguyệt Hằng đang chờ tao đấy.
Minh Châu thương mến nhìn tôi:
--Vậy mày vào học đi, tao ngồi đây đợi.
Tôi bước vào phòng khi còn một mình cô Nguyệt Hằng đang ngồi bên đàn, các bạn đồng học đã về hết. Cô ngẩng lên:
--Hay quá, em đã lại. Thảo Phương, đến đây với cô.
Cô ngồi đối dịên với tôi, đôi mắt cô trong sáng phản chiếu gương mặt tôi với mái tóc dài cài chiếc kẹp xanh. Giọng cô ấm áp:
--Điều cô muốn nói với em là, dù tình cảm giữa ba má như thế nào đi nữa, hai người vẫn rất thương yêu em và quan tâm đến tương lai của em. Em biết điều đó chứ?
Tôi dạ nhỏ.
--Vậy thì, nếu em thật lòng thương ba má, em không nên nản lòng mà phải chăm lo vun quén cho tương lai mình nhiều hơn nữa. Nghĩa là, em phải dẹp đi mọi ưu tư để gắng học, cả văn hóa lẫn chuyên môn, không ai lo được tương lai cho mình bằng chính bản thân mình, em phải nghe lời cô, Thảo Phương ạ.
Tôi rưng rưng nước mắt:
--Thưa cô, em sẽ vì ba má và.. vì cô nữa, em sẽ cố gắng.
Cô Nguyệt Hằng ôm lấy đôi vai tôi:
--Cám ơn em đã nghĩ đến cô, quả em đã không phụ lòng cô.
Cô mở xắc lấy ra một chương nhạc photocopie rất rõ nét, đưa cho tôi:
--Đây là bài Nocturne số 9 của Chopin, một tác phẩm mà cô rất tâm đắc vì nó đã gợi cho cô thật nhiều kỷ niệm của tuổi hoa niên. Thảo Phương, em sẽ đánh bài này vào kỳ thi cuối năm.
Tôi cảm động đón lấy bài nhạc. Cô bước đến bên đàn:
--Cô sẽ đàn cho em nghe một đoạn.
Những nốt nhạc bay bổng nhẹ nhàng nâng hồn tôi chơi vơi, tiếng đàn đưa cô về quá khứ và dẫn tôi vào một đêm sương mờ thời thơ ấu xa xưa. Từ vườn bên, tiếng đàn đã len qua hàng rào dâm bụt, nhảy múa trên thảm cỏ mềm đẫm ướt sương khuya. Tiếng đàn mơn man nụ hoa hàm tiếu, làm thức giấc những ngọn lá khô mê ngủ trong vườn nhà ngoại, và làm cho cô bé sáu tuổi Thảo Phương phải ngây ngất say sưa...
Cô đã ngưng đàn, cô âu yếm nhìn tôi đang vẫn còn ngẩn ngơ:
--Cô tin là em sẽ chơi hay bài này vì em là một cô bé rất có tâm hồn.
Rồi cô đưa cho tôi một cuộn băng nhỏ:
--Trong này có bài Nocturne do một nhạc sĩ nổi tiếng thế giới là Rubinstein đánh, em đem về nghe để học thêm.
Cô vẫn nhìn tôi đăm đăm, hình như cô muốn nói với tôi một điều gì nhưng rồi cô im lặng, cô chỉ vịn nhẹ vào vai tôi:
--Thôi em về, cô đặt cả kỳ vọng nơi em.
Minh Châu ở tập thể trong một căn phòng tận trên lầu 8. Phòng nhỏ nhưng có đến sáu bạn ở chung, toàn là dân nhạc viện nhưng gia đình ở xa thành phố, đứa ở Long An, đứa Sông Bé.. Còn Minh Châu thì ở tận Mỹ Tho. Nhà có thang máy nhưng đã bị hư từ đời nảo đời nào, hai đứa leo bằng lô ca chân đến tận cửa phòng thì muốn hụt hơi, phải đứng thở dốc một hồi mới mở được cửa. Các bạn đã đi vắng hết nhưng mùng màn thì ngổnn ngang khắp nơi, báo chí rớt tràn lan trên sàn. Minh Châu nhặt tất cả bỏ lên bàn, cằn nhằn:
--Đúng là lũ ma lười chảy nhớt.
Thấy tôi vẫn còn đứng tần ngần giữa cảnh chiến trường bừa bãi, Minh Châu kéo tay tôi:
--Mặc kệ bọn chúng, tới nhà tao chơi nè.
"Nhà" của Minh Châu là cái giường xếp của nó, những gọng nhôm trắng và tấm bạt căng thẳng có in hình hoa hồng rất đẹp. Nó kéo tôi nằm xuống:
--Nghỉ một lát cho khỏe rồi ăn cơm.
--Nấu cơm nhanh lên kẻo trễ giờ học đó.
--Yên trí lớn, tao đã nấu một nồi từ hồi sớm, giờ chỉ việc giở ra ăn.
Hai đứa duỗi thẳng tay chân thoải mái, Minh Châu bật nút cassette, một giọng hát trong trẻo cất lên:
Về đây đứng bên mái trường xưa
Thấy như mình trôi trong ngày cũ
..............................
Bao nhiêu tiếng cười ngày xưa ấy
Vang trong lớp học sân trường
Như vách đá còn vang vọng mãi
Lời chim muông reo trong nắng
Ai mang đến gần trời lưu luyến...
Tôi bật lại bài hát nghe một lần nữa:
--Nhạc hay quá, bài gì vậy Châu?
--Bài "Về Thăm Mái Trường Xưa" của Trịnh Công Sơn, băng nhạc tao mới vừa mua đó.
--Sao cái "air" nghe như của Phạm Trọng Cầu? Bài hát quá dễ thương. Mày chép lời cho tao nhé.
--Ờ, còn mày ghi phần nhạc lại cho tao, được "hông"? Tao cũng thích bài này lắm.
Rồi Minh Châu ngồi dậy:
--Dọn cơm ăn hén.
Minh Châu trải tờ giấy ra giường rồi bưng cái nồi National nhỏ xíu đặt trước mặt. Tôi dọn chén đũa ra, hai đứa ăn cơm với dưa chua chấm thịt kho nước dừa, thật là ngon miệng và vui làm sao. Chả bù những bữa cơm ở nhà một mình lủi thủi, dù cao lương mỹ vị nhưng nuốt vào chẳng khác gì sỏi đá khô cằn. Ăn vừa xong thì cả bọn kéo về phá như quỉ, đứa vo gạo, đứa xách nước ầm ĩ cả lên.
--Ê, hết nước rồi, chiều nay đứa nào có nhiệm vụ hứng nước đây?
--Con Thu.
--Nói có lộn không đó. - Thu la lên - Tao mới hứng hôm qua nè, giờ đến phiên con Châu.
Châu vừa dẹp nồi cơm vừa phản đối:
--Lại nhầm nữa rồi bạn, chiều nay con Tuyết diễn xuất màn này.
Cả bọn lao nhao, nhỏ Sương nghênh mặt:
--Sao tụi mày đổ qua đổ về mãi thế, tự giác lên đi. Nào, ai?
Ngọc Tuyết từ sau tấm màn đi ra:
--Tao, tao nè. Gớm, thay cái áo cũng không xong với tụi mày, làm gì mà ầm ĩ thế.
Gặp đúng đối tượng, mỗi đứa nhắc một câu:
--Ê Tuyết, nhớ hứng cho đầy nghe.
--Tuyết ơi, hứng xô của tao trước nhé.
--Hứng thêm vào mấy cái thau giặt đồ nữa đó.
--Nhớ mở hết "volume" nghe!
Tôi ngồi yên trên giường, lặng lẽ theo dõi các bạn cãi nhau, lòng thấy vui vui. Đời sống tập thể của chúng nó thật là náo động. Dù có nhiều bất tiện như phải leo lầu, phải xách nước từ tầng trệt lên, xa cách mặt đất đến nỗi đâm ra lười biếng, lên rồi thì không muốn xuống, mà khi đã xuống rồi thì chả muốn lên, nhưng thật vui. Nghe Minh Châu kể, toàn khu tập thể nước chảy rất yếu, không lên nổi lầu hai, nhưng thường thường vào lúc 5 giờ chiều, nước đột xuất mạnh, lên đến tận lầu tám. Vì vậy chúng nó phải thay phiên nhau có mặt ở nhà vào thời điểm đó, dựa trên thời khóa biểu của mỗi đứa hàng tuần. Để khỏi giành giựt, sáu đứa sắm sáu cái xô nhựa màu khác nhau, người ở nhà có nhiệm vụ hứng đầy sáu xô. Nước này thường dùng để nấu ăn và tắm, còn giặt giũ phải đem xuống dưới nhà. Trong số năm bạn ở chung với Minh Châu, tôi chỉ quen với Thu Sương và Ngọc Tuyết vì chúng học cùng khoa piano với tôi (nhưng chúng không phải là học trò của cô Nguyệt Hằng, Thu Sương học với thầy Sơn, còn Ngọc Tuyết học cô Hồng Hạnh).
Chợt thấy tôi, Ngọc Tuyết reo lên:
--A, Thảo Phương, mày có tin mừng, sao không khao tụi này đi!
Tôi ngạc nhiên:
--Tin mừng gì?
--Mày chưa biết thật sao? Mày sắp được đi dự thi "Tài Năng Trẻ" tại Hà Nội đấy.
--Mày đừng có xạo.
Ngọc Tuyết nhìn qua Thu Sương:
--Ê Sương, nó không tin kìa.
Thu Sương đến ngồi bên tôi:
--Thật đó mày, hỗi nãy dưới căn tin, hai đứa tao thấy cô Minh Ngọc đưa cho cô Nguyệt Hằng của mày một bản danh sách có hàng chữ đầu rất lớn: "Tên các học sinh dự kiến tham dự cuộc thi tài năng trẻ tại Hà Nội" và tao đã nghe cô của mày đề nghị tên "Trần Thị Thảo Phương".
Tôi nhìn vào mặt Thu Sương:
--Chắc mày nghe lộn đó, tao mà thi với ai.
Ngọc Tuyết xen vào:
--Mày giỏi thí mồ.
Minh Châu vỗ tay loạn xạ:
--Hay quá, hay quá, vậy là con Thảo Phương sắp ra thăm Hà Nội 36 phố phường rồi...
Tôi kéo tay nó:
--Đi học thôi, trễ rồi đó.