Dịch giả: Nguyễn Xuân Thảo, Trịnh Như Lương
Chương 106

- Anh em ơi, hỡi những người tốt bụng, hãy cho tôi một cốc… Tôi xin thề với anh em là tôi không thể chịu được nữa… Hôm qua, tôi đã bán cây thánh giá ngày rửa tội của tôi để uống.
- Vậy mầy là ai?
- Tôi là người vẽ chân dung các thánh ở Palekh. Ở vùng chúng tôi, người ta làm nghề vẽ tranh từ thuở xưa Nhưng ngày nay thì lụn bại rồi!
- Tên mầy là gì?
- Ondriuska.
Người đó, mặt choắc, mắt sáng rực, hầu như không có mũ, có áo, mũ áo chỉ toàn là những lỗ hổng. Nhưng với một dáng điệu lễ phép, anh ta đĩnh đạc đến gần bàn mọi người dang uống vodka. Khó lòng mà có thể từ chối được một con người khốn khổ.
- Thôi được, ngồi xuống đây!
Người ta rót cho anh một cốc. Và chuyện trò lại tiếp tục. Một nông dân mắt ti hí, cổ ngẳng, có vẻ quỷ quyệt nói:
- Người ta đã xử tử bọn xtreletz… Đó là việc của Sa hoàng! - Hắn giơ một ngón tay vẹo lên - Việc nầy không dính dáng gì đến chúng ta… Nhưng…
Một người dân ngoại ô, mặc áo đẹp của lính xtreletz (bây giờ có nhiều người mặc áo và đội mũ của quân xtreletz; đám vợ goá vừa nức nở khóc vừa bán rẻ quân trang của chồng), dùng móng tay gõ gõ vào chiếc cốc bằng chì của y:
- Nhà ngươi nói đúng! Nhưng… Chính là còn có cái chữ "nhưng" ấy!
Gã nông dân quỷ quyệt giơ ngón tay đe hắn:
- Chúng tôi thì chúng tôi ngồi yên chẳng làm gì. Chính ở Moskva các anh mới động một tí là đã kéo chuông báo động… Như vậy là người ta có lý do để treo cổ bọn xtreletz lên tường và doạ nhân dân… nhưng không phải vấn đề ấy đâu, ông bạn dân ngoại ô ạ. Những người ngay thật như các anh, các anh ngạc nhiên thấy không có hàng họ tới Moskva nữa. Đừng có chờ mà vô ích. Sẽ còn gay go hơn nhiều… Đây nầy, như hôm nay chẳng hạn, thật buồn cười nếu không phải là đáng buồn… Tôi đem đến một thùng cá muối. Tôi muối cá để ăn nhưng cá bị ươn… Tôi đến chợ. Tôi tự nhủ: họ sẽ đánh vỡ mặt mình vì món hàng thối nầy. Ấy thế mà chưa đầy hai tiếng đồng hồ họ đã tranh cướp nhau mua hết… Không, ngày nay Moskva quả là một nơi nguy vong.
Anh chàng vẽ chân dung các thánh nấc lên:
- Chà đúng quá!
Gã nông dân nhìn anh ta và nói, giọng nghiêm trang:
- Có một sắc lệnh đã ban ra: sẽ hạ xác bọn xtreletz trên tường xuống, đem ra khỏi thành phố vào ngày lẻ giữa mùa chay. Vậy mà có đến khoảng tám nghìn xác. Được rồi. Lấy đâu ra xe? Vậy ra vẫn người nông dân phải nai lưng đóng góp chăng? Thế còn các vùng ngoại ô? Phải thiết lập một chế độ trưng dụng ngựa ở các đại xã ngoại ô.
Đôi má nhẽo của người dân ngoại ô run run. Hắn nhìn người nông dân với một vẻ trách móc và lắc đầu:
- Nầy, anh dân cày… Đáng lẽ mùa đông nhà ngươi nên đến đứng dưới chân tường thành. Gió đung đưa những kẻ bị treo cổ, chúng lắc lư… Cái nỗi sợ đó cùng đã đủ cho bọn ta lắm rồi
- Đành rằng chôn xác họ ngay thì dễ dàng hơn, - gã nông dân nói. - Ngày chủ nhật trước tuần chay, người ta đã đánh tới đây mười tám xe trượt tuyết chở hàng hoá. Chưa kịp dỡ hàng thì bọn lính đã xộc đến: "Dỡ hết hàng xuống!" - "Thế nào? sao vậy?" - "Không được bàn cãi gì hết?" - Họ rút gươm ra doạ chúng tôi, lật ngược xe của chúng tôi. Tôi có đem đến một thúng nấm hương muối. Bọn quỷ thọt ấy đã lật đổ cả thúng. Chúng thét: "Đi ngay ra cửa ô Vacvarskie". Mà ở cửa ô Vacvarskie thì có chừng ba trăm xác xtreletz vứt thành đống… "Chất lên xe của mầy, mau, đồ chó chết?". Chúng tôi đã chở những xác chết ấy đến tận đêm. Chẳng được ăn, được uống lấy một miếng, không kịp cho ngựa ăn… Trở về quê, nhìn người đồng hương mà xấu hổ.
Một người lạ mặt bước tới gần. Hắn đặt mạnh một chai vodka xuống bàn.
- Bọn ngu ngốc thì người ta dùng làm phu gánh nước, - hắn nói và ngang nhiên ngồi xuống, rồi rót rượu cho tất cả mọi người. Hắn trân tráo nháy mắt - Chúc các bạn sức khoẻ! - Không chùi ria, hắn nhấm một nhánh tỏi. Mặt hắn sạm nắng gió, hăng hái, râu hắn xoăn, hoa râm.
Gã nông dân có đôi mắt ti hí thận trọng cầm lấy cái cốc người kia đưa cho gã.
- Anh cho nông dân là đồ ngốc phải không? Nầy, không phải đâu, người nông dân rất hiểu sự đời. (Gã cân nhắc chiếc cốc trong tay rồi uống cạn và hậm hự vì khoan khoái) Không phải đâu, các bạn ạ… (Gã với tay lấy một nhánh tỏi). Sáng nay các bạn có trông thấy đoàn xe đi về Voronez không? Người ta lột da người nông dân không thương xót. Nông dân phải trả thuế, trả tô, nộp thực phẩm cho lãnh chúa, trả tiền chăm nom sửa sang cầu cống. Đi chợ cũng phải trả tiền
Người có chòm râu hoa râm há to miệng có hàm răng đẹp và cười ầm lên. Gã nông dân chưng hứng, khụt khịt:
- Được. Nhưng bây giờ người ta đòi chúng tôi nộp ngựa cho các đoàn xe vận tải của Sa hoàng. Và người ta bắt chúng tôi đem bánh mì khô đến… Không, các bạn ạ. Các bạn thử đếm những nhà trong làng còn có người ở xem có bao nhiêu. Những người khác đi đâu cả? Hãy tìm xem… Hiện giờ, tất cả hoặc hầu hết mọi người ở thôn quê, đều sẵn sàng đi trốn. Người nông dân là một thằng ngốc khi họ no nê. Nhưng cứ cái đà nầy, nếu cứ vơ vét hết sạch của họ… (Gã nắm lấy chòm râu lơ thơ của gã và giả bộ chào). Người nông dân sẽ xỏ đôi giầy gai mới vào và ra đi, muốn đi đâu thì đi!
- Về phía bắc… Về phía các hồ… Vào sa mạc? - Người vẽ tranh thánh lại gần gã nông dân và nhìn gã trừng trừng với đôi mắt tối sầm, nóng hổi.
Gã nông dân đẩy anh ta ra: "Im đi!…" Người dân ngoại ô nhìn quanh rồi gần như nằm bò lên bàn, thì thào:
- Nghe đây, các chú, quả thật có nhiều người sợ và bỏ đi tới mé bên kia hồ Belo, về phía các hồ Von, Matka, Vich… Phía đó bình yên… (Đôi má phính của hắn rung động). Chỉ có kẻ đi trốn mới sống sót được thôi!
Tròng mắt đen láy của người vẽ tranh thánh mở rộng, choán cả lòng mắt. Anh ta nhìn những người đang nót chuyện, hết nhìn người nầy lại nhìn người kia.
Bác ấy nói đúng đấy… Bọn chúng tôi ở Palekh, chúng tôi đã vẽ sáu trăm bức tranh thánh cho tuần chay… Thật là ít ỏi so với những năm khác… Hôm nay không bán lấy được một cái ở Moskva. Dân Palekh rất buồn. Tại sao vậy? Các bức hoạ của chúng tôi sáng sủa; theo tục lệ, chúng tôi có viết tên Chúa Jesus. Tay chúa ban phước lành với ba ngón. Và chúng tôi vẽ thánh giá có bốn cánh. Chúng tôi làm tất cả theo đúng quy cách của nhà thờ chính thống. Các anh hiểu rõ chứ? Những người mua các bức thánh hoạ của chúng tôi, nhưng người lái buôn Korzinkin, Diatskov, Vikulin bảo chúng tôi: "Các anh đừng vẽ như thế nầy nữa. Phải tiêu huỷ các mộc bản ấy đi, chúng đã bị nguyền rủa rồi: đã có dấu ấn trên đó!"
- Dấu ấn gì?
Người vẽ các bức thánh hoạ nấc lên một tiếng. Người dân ngoại ô nằm rạp lên mặt bàn, răng đánh lập cập.
- Người ta nói có vết tích dấu ấn của nó, họ bảo thế. Các anh đã thấy vết chân chim trên mặt đất chưa - bốn nét có phải không? Trên các bức thánh hoạ của các anh cũng thấy có vết tích ấy đấy!" - "Đâu?" - "Thế cái thánh giá bốn cánh kia? Các anh hiểu chưa? Đừng đem món hàng nầy đến Moskva nữa. Bây giờ tất cả dân Moskva đã hiểu rõ do đâu mà có mùi hôi thối rồi".
Gã nông dân chớp chớp mắt. Gã có tin lời người hoạ sĩ không" Khó mà nói được… Người có chòm râu hoa râm cười nhạt, miệng nhấm nhánh tỏi. Người dân đại xã gật gù và bỗng nhiên, sau khi liếc nhìn nhanh chung quanh, y chề môi và thì thầm:
- Còn thuốc lá? Sách nào nói rằng con người ta phải nuốt khói? Ai khạc khói ra bằng mồm? Hả? Tất cả các thành phố và miền Siberi đã bị đem đấu thầu cho người Anh. Karmartenov lấy số tiền bốn vạn tám nghìn rúp cho phép nó bán thuốc lá. Và có chiếu chỉ ra lệnh mọi người phải hút cái thứ cỏ có chất nicotin địa ngục ấy. Ai làm nên chuyện nầy? Rồi chè, rồi cà phê? Rồi khoai tây? Khiếp! Thật đáng nguyền rủa. Khoai tây, đó là vật dục của Quỷ vương.
Tất cả các thứ độc địa ấy từ ngoại dương đưa vào, chính bọn theo Tân giáo và Cơ đốc giáo buôn bán các thứ ấy ở nước chúng ta. Những kẻ uống chè sinh ra buồn nản, những kẻ uống cà-phê thì linh hồn bị trói chặt(1) - Y lại nhổ - Khiếp. Tôi thà chết còn hơn là chứa những của dơ dáy ấy trong cửa hiệu
- Ông buôn bán gì? - Người có bộ râu hoa râm hỏi.
- Thời buổi nầy nói gì đến buôn bán… Chỉ có người Đức buôn bán chứ bọn chúng ta thì chỉ có gào lên vì đói. Ông không biết Opsey, hoặc em hắn là Konxtantin. Cả hai đều là xtreletz trong trung đoàn Hundermac. Cửa hiệu của tôi ở đấy, nhà tắm công cộng của họ ở ngay cạnh… Những người như họ, ngày nay không còn nữa. Cả hai đã bị tử hình… Opsey thường nói: "Chúng ta đau khổ vì hồi đó, năm 82, ở điện Kreml, chúng ta đã không nghe lời các cụ thánh lão. Bọn xtreletz chúng ta, đáng lẽ chúng ta đoàn kết nhau lại để bảo vệ tín ngưỡng cũ, thì không một tên ngoại quốc nào có thể ở lại Moskva được. Đức tin sẽ toả sáng, dân sẽ được no nê và hả lòng… Còn ngày nay, thậm chí chúng ta cũng không biết cứu rồi linh hồn chúng ta bằng cách nào đây…". Đó là những con người công bằng, xác họ đã đung đưa trên tường thành suốt mùa đông. Ngày nay không còn quân xtreletz nữa, người ta có thể tay không cũng tóm cổ được chúng ta… Họ sẽ cạo nhẵn mõm tất cả chúng ta và sẽ bắt chúng ta uống cà-phê, rồi các anh xem.
- Sau khi đã ăn hết lúa mì, đến mùa xuân mọi người sẽ đi hết, - gã nông dân nói với một giọng quả quyết.
- Anh em ơi! - người vẽ các tranh thánh lo âu, đăm đăm nhìn khung cửa kính nhỏ sũng nước. - Anh em ạ, ở phương bắc có những sa mạc lộng lẫy, một nơi ẩn cư yên tĩnh, một cuộc sống đạo đức, tĩnh mịch.
Sự huyên náo và nhiệt độ tăng lên trong quán, cánh cửa lót chiếu gai đập mạnh, tiếng không vang.
Một bọn say rượu cãi lộn, một người mình trần đến thắt lưng, cổ không đeo thánh giá rửa tội, loạng choạng trước quầy và nằn nì xin mua chịu một cốc. Một số khách hàng túm tóc lôi một người ra hành lang rồi họ gân cổ quát tháo, đánh đập người kia tơi bời và chắc hẳn có lý do.
Một người ăn mầy, người gần gập làm đôi, chống hai nạng dừng lại trước bàn. Nó tủm tỉm cười, khuôn mặt đầy nếp nhăn nhân hậu. Người có bộ râu hoa râm liếc nhìn nó và cau mầy. Người còng nói:
- Nầy, con chim ưng của ta, ngươi từ miền nào đến đây?
- Từ đây không thể nhìn thấy được. Đi đi. Mầy còn đợi gì nữa?
- Ngươi từ đâu tới? - người còng sẽ hỏi rất nhanh - Đi đi anh làm cho người ta để ý đấy
Không hỏi thêm gì nữa, người còng vểnh chòm râu lơ thơ, khua vang đôi nạng, đi về phía cuối phòng. Người dân ngoại ô, lo sợ, hỏi:
- Ai đấy?
- Một lữ khách trên đường đi của những trẻ mồ côi - người có râu nghiêm nghị trả lời.
- Hắn nói với ông tiếng gì vậy?
- Tiếng nói của loài chim.
- Hình như hắn đã nhận ra ông đấy, ông bạn ạ
- Hỏi ít chứ, nhà ngươi sẽ đỡ ngu ngốc đi… - Y rũ những vụn bánh mì lốm đốm trên bộ râu và đặt hai bàn tay to tướng lên bàn - Bây giờ hãy nghe đây… Chúng ta từ miền sông Đông đến đây có việc mua bán.
Người dân ngoại ô vội nhích lại gần và chớp chớp mắt:
- Ông mua gì?
- Thuốc súng đại bác; ta cần một chục thùng. Chì - năm mươi pud (2). Dạ loại tốt để may quân phục mùa đông, sắt móng ngựa, đinh. Ta có tiền.
- Dạ tốt, sắt, những thứ nầy tìm được… Chì và thuốc súng thì khó: không thông qua các sở thì không thể kiếm ra được.
- Đó chính là việc phải làm, cố gắng làm sao không phải qua các sở.
- Tôi có một người bạn làm thơ lại, nhưng cần có quà cáp - Dĩ nhiên…
Người dân ngoại ô cài vội áo lông cừu lại, nói hắn sẽ cố thử xem sao - hắn sẽ dẫn viên thơ lại lại ngay.
Hắn chạy vội ra ngoài. Gã nông dân cũng muốn buôn bán. Gã cau trán và đằng hắng:
- Nầy ông bạn, ông có cần lông cừu, hoặc da không? Năm mươi pud chì… Phải chăng các bạn Cô-dắc muốn đánh nhau?
- Để bắn chim cun cút đấy.
Người có râu ngoảnh đi. Người đi nạng đã trở lại.
Tay cầm chiếc mũ đựng những của bố thí đã nhận được, nó ngồi xuống cạnh người có râu và không nhìn anh ta:
- Chào Ivan!
- Chào Opdokim, - người có râu trả lời không nhìn lại - Đã lâu không gặp nhau, ataman.
- Anh đi ăn xin à?
- Tôi ốm… Mùa hè nầy tôi nghỉ ngơi trong rừng.
Nhưng cái đó không hợp với tuổi tôi nữa rồi. Chán lắm rồi, đến lúc chết thôi!
- Hãy kiên nhẫn một chút!
- Sao, có tin vui chăng?
Ivan cười khẩy. Qua làn khói hắn nhìn những người khách say rượu. Đôi mắt hắn trở nên lạnh lùng. Hắn nhếch mép, nói rất khẽ:
- Chúng ta đang phát động cả miền sông Đông đứng dậy.
Opdokim cúi xuống chiếc mũ của mình, như để đếm chỗ tiền lẻ:
- Tôi không biết, - nó nói rạch rồi từng chữ, - nghe nói người Cô-dắc miền sông Đông đã xẹp xuống. Họ sống ở các trang trại và sắm sanh, trở nên giàu có.
- Có nhiều bọn mới đến, bọn khố rách áo ôm. Chúng sẽ khởi sự, người Cô-dắc sẽ tiếp viện… Nếu không thì cũng đành: hoặc phải vượt sang Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc phải làm nông nô suốt đời ở Moskva… Thuở đó, chúng ta đã giúp Sa hoàng trước thành Azop. Bây giờ Sa hoàng đã chiếm cả miền Đông. Nhà vua ra lệnh phải đem nộp bọn mới đến. Từ Moskva, người ta đã đưa tới lũ cha cố đế nhổ bật đức tin cũ. Hết thời sông Đông êm đềm rồi
- Đối với một công việc như thế phải có một người có đủ sức làm, - Opdokim nói, - để sự việc không xoay ngang như với Xtepan (tức là Xtepan Razin)
- Chúng ta đã có một người, ông ta không phải như Xtepan đã mất đầu vì ngu ngốc, mà là một lãnh tụ thực sự… Tất cả những người razkonic sẽ theo ông ta.
- Ivan, anh làm tôi suy nghĩ đấy, anh đã cám dỗ tôi Ivan ạ, trong khi tôi đang muốn nghỉ ngơi
- Hãy đến nhập bọn với chúng tôi vào mùa xuân. Chúng tôi cần có những ataman lão thành. Chúng ta sẽ tha hồ tung hoành, hơn cả thời Xtepan nữa kia!
- Tôi ngờ, tôi ngờ lắm… Dòng dõi đó, còn lại được bao nhiêu? Anh và tôi, có thế thôi, thực tình…
Người dân ngoại ô trở lại, thở hổn hển, má rung rinh. Theo sau hắn là một viên thơ lại đầu hói, dáng điệu quan trọng, mặc áo nẹp kiểu Đức màu nâu đính khuy đồng, chân đi ủng dạ vẹt gót. Trên ngực hắn có một chiếc lông ngỗng cài vào khuyết áp. Vẻ khinh khỉnh, hắn ngồi vào bàn không chào hỏi ai. Nét mặt gian tham, đôi mắt đục như mắt Quỷ vương, lỗ mũi rộng. Người dân ngoại ô, đứng sau lưng hắn, nói thầm vào tai hắn:
- Kuzma Egortys, đây là người…
Không để ý đến những lời nói đó, viên thơ lại nói với một giọng uể oải:
- Bánh tráng! Bánh tráng với cá nướng!
 

Truyện PIE ĐỆ NHẤT Tiểu sử & chú thích Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 Chương 118 Chương 119 Chương 120 Chương 121 Chương 122 Chương 123 Chương 124 Chương 125 Chương 126 Chương 127 Chương 128 Chương 129 Chương 130 Chương 131 Chương 132 Chương 133 Chương 134 Chương 135 Chương 136 Chương 137 Chương 138 Chương 139 Chương 140 Chương 141 Chương 142 Chương 143 Chương 144 Chương 145 Chương 146 Chương 147 Chương 148 Chương 149 Chương 150 Chương 151 Chương 152 Chương 153 Chương 154 Chương 155 Chương 156 Chương 157 Chương 158 Chương 159 Chương 160 Chương 161 Chương 162 Chương 163 Chương 164 Chương 165 Chương 166 Chương 167 Chương 168 Chương 169 Chương 170 (chương kết)