Dịch giả: Nguyễn Xuân Thảo, Trịnh Như Lương
Chương 107

Vương hầu Roman, con trai Boris Buinoxov, hoặc gọi cho gọn hơn, Roman Borisovich, mặc quần áo lót, đang ngồi ở cạnh giường. Ông ta húng hắng ho, gãi ngực và nách. Do một thói quen cũ. Ông muốn vò rối bộ râu nhưng bỗng hạ tay xuống: cằm ông đã bị cạo, sờ vào gai cá tay, thật tởm… Ông ngáp - u-ha-ha a- ha-ha - mặt nhìn khuôn cửa sổ nhỏ. Trời sáng dần, u ám và ảm đạm.
Xưa kia, vào giờ nầy, Roman Borisovich đã xỏ xong tay áo lông chồn, ấn chiếc mũ lông hải ly xụp xuống tận lông mày, và chống chiếc gậy dài, ung dung đi qua các hành lang kêo kẹt bước ra ngoài thềm. Ông có gần năm mươi đày tớ: đứa thì giữ ngựa xe trượt tuyết có mui kín, đứa thì chạy ra mở cổng. Tất cả đều vui vẻ trật mũ, cúi rạp người chào ông, và đứa đứng gần hơn thì hôn chân ông. Chúng nâng tay ông, đờ ông lên xe
Bất cứ thời tiết nào, sáng sáng Roman Borisovich đi đến hoàng cung để đón chờ giờ phút đức vua (và sau nầy là lệnh bà công chúa - tức là công chúa Sofia) quay nhìn về phía ông, và ông đã có được cái diễm phúc ấy nhiều lần.
Mọi thứ đã mất hết? Khi ông thức dậy, ôi, lạy chúa! Sao lại có thể như thế được? Thậm chí cứ nghĩ rằng xưa kia ông sống yên ổn trong danh dự cũng đã thấy lạ lùng… Như ở trên bức vách bằng ván gỗ đáng lẽ để không thì lại treo bức tranh một ả Hà Lan, một con đĩ, váy tốc lên, vẽ ra để đầu độc, cám dỗ. Sa hoàng đã ra lệnh cho ông phải treo bức tranh đó trong phòng ngủ có thể là để chế giễu ông, và cũng có thể là để trừng phạt ông. Phải kiên nhẫn mà chịu đựng nỗi đau khổ của mình
Vương hầu Roman Borisovich, mắt tối sầm, nhìn đống quần áo ông đã vứt tối qua lên ghế: bí tất len ké xọc ngang như bí tất đàn bà, một chiếc quần chẽn ngắn bó chặt cả đăng trước lẫn đằng sau, một cái áo nẹp màu lục có gắn lon trông ngỡ làm bằng sắt tây. Một bộ tóc giả cánh quạ treo ở đinh: dùng gậy đập cũng không rũ hết bụi. Những cái nầy có ích gì?
Viên đại thần giận dữ thét lên:
- Miska!
Một gã thanh niên lanh lẹn, mặc áo sơ-mi dài theo kiểu chính thống, nhảy vào qua khuôn cửa thấp có lót dạ đỏ; hắn cúi gập người xuống rồi đứng thẳng lên và hất mạnh cả mớ tóc ra đằng sau.
- Miska, đưa cho tao những thứ để rửa mặt đây.
Gã trẻ tuổi lấy cái chậu đồng và đổ nước vào.
- Bưng cái chậu cho ngay ngắn vào… Đổ nước vào tay tao!
Roman Borisovich thổi mạnh vào hai bàn tay nhiều hơn là rửa mặt, ông kinh tởm không muốn rửa cằm mình đã cạo nhẵn và ram ráp… Ông ngồi trên giường mặc quần, miệng càu nhàu. Miska đưa cho ông một cái đĩa đựng phấn và một miếng giẻ sạch.
- Còn cái gì đó nữa? - Roman Borisovich quát.
- Để đánh răng ạ.
- Tao không đánh
- Xin tuỳ ý đức ông… Nhưng từ ngày đức Sa hoàng nói phải đánh răng, lệnh bà đã ra lệnh cho con sáng nào cũng phải đệ lên đức ông những thứ cần thiết
- Đợi đó, tao sẽ ném cái đĩa vào mồm mầy… mầy trở thành một thằng lắm lời lắm rồi đấy.
- Xin tuỳ ý đức ông!
Mặc xong quần áo. Roman Borisovich cử động thử - cứng quá, bó quá. Ông cảm thấy chật chội… Tốt cái nỗi gì? Nhưng lệnh ra rất nghiêm: tất cả các nhà quý tộc phải mặc áo quần kiểu Đức và đội tóc giả dài để đi làm việc. Đành chịu đau khổ vậy… Ông tháo bộ tóc giả trên đinh xuống (bộ tóc không biết làm bằng tóc của người phụ nữ nào) và đội vào một cách chán ngán.
Miska muốn sửa sang lại những món tóc rất quăn, nhưng bị vương hầu đánh vào tay, Roman Borisovich ra ngoài, ở đó có một lò than hồng đang nổ lép bép. Dưới nhà, từ nhà bếp, - đi xuống bằng một cầu thang dốc, - bốc lên một mùi đăng đắng, khen khét.
- Miska, mùi hôi thối ở đâu ra thế? Lại pha cà- phê hả?
- Đức Sa hoàng đã ra lệnh cho lệnh bà và các tiểu thư sáng nào cũng phải uống cà-phê. Cho nên…
- Biết rồi… Không việc gì mà phải nhăn răng ra cười!
- Xin tuỳ ý đức ông
Miska mở cánh cửa nhỏ lót dạ thông sang phòng khách. Roman Borisovich nghiêm trang làm dấu thánh, đến gần bàn để sách kinh. Trên tấm thảm nhung, một quyển kinh mở rộng, lốm đốm những giọt sáp. Ông hớt tàn bấc cây nến nhỏ, đeo cặp kính tròn gọng sắt vào.
Ông nhấm ngón tay, giở trang và đứng trầm ngâm, mắt nhìn đăm đăm vào góc có ánh lên mờ mờ những đồ trang sức của các bức tranh thánh chỉ có một ngọn lửa xanh lè leo lét cháy trước chân dung thánh Nikola Thần thông
Kể cũng đáng phải suy nghĩ thật… Bởi vì nếu tình hình cứ tiếp diễn như thế nầy thì tất cả các gia đình vương tôn quý tộc sẽ lụn bại, ấy là chưa kể đến nỗi ô nhục và những lời chửi rủa. "Thế đấy, họ đang phá hoại giới quý tộc! Cứ thứ làm xem. Dưới thời Ivan Hung đế người ta cũng đã định phá hoại các gia đình vương tôn… Kết quả thế nào? Điên rồ, loạn lạc… Bây giờ cũng sẽ vậy thôi. Bọn chúng ta chính là rường cột của quốc gia… Phá bỏ bọn chúng ta đi thì sẽ không còn quốc gia nữa, không còn lý do để sống nữa… Hay là Sa hoàng muốn cai trị bọn nông nô chăng? Thật ngu dại! Nhà vua còn trẻ không biết lẽ phải và có chút lý trí thì chắc hẳn đã mất hết vì rượu chè ở Kukui?"
Roman Borisovich sửa lại kính, và bắt đầu ê a đọc đúng kiểu. Nhưng ý nghĩ của ông lang thang vơ vẩn ra ngoài dòng chữ:
"Năm mươi tên đày tớ của ta đã phải ra lính… Ta đã phải đóng năm trăm rúp cho hạm đội Voronez. Tại dinh cơ của ta ở Voronez, người ta đã hầu như lấy không lúa mì của ta, người ta đã vét sạch tất cả các vựa thóc của ta. Ta đã nhập kho tích trữ lúa ba năm liền, ta đang chờ được giá cao (nỗi bực tức của ông mãnh liệt đến nỗi ông cảm thấy đắng cả miệng). Bây giờ người ta lại định tịch thu tất cả, tài sản của các tu viện cùng tất cả hoa lợi để bỏ vào Ngân khố. Đã có lệnh truyền chuẩn bị mười thùng thịt muối… Lạy Chúa, tại sao họ lại cần đến thịt muối?".
Ông tiếp tục đọc. Bên ngoài khung cửa sổ nhỏ bằng chì lắp mi-ca, buổi sớm mai đang ngả màu xanh. Miska đứng gần ngưỡng cửa, xì xụp quỳ lạy.
"Trong ngày lễ giữa tuần chay, họ đã làm nhục những gia đình đại quý tộc. Ba mươi lăm tên ăn mặc hoá trang đến vào lúc nửa đêm, thậm chí còn muộn hơn. Thật kinh khủng! Mặt chúng bôi bồ hóng nhem nhuốc. Cả bọn đều say. Không thể đoán được ai là Sa hoàng. Chúng ăn như hùm beo, uống say mèm, nôn mửa, giật váy bọn nữ tì… Chúng be be như dê, gáy như gà trống, kêu như chim vậy".
Roman Borisovich dẫm chân tại chỗ. Ông nhớ lại ngày cuối cùng, họ đã đổ rượu cho ông say mê man như thế nào, đã lột quần ông rồi đặt ông ngồi vào một cái chậu đầy trứng để làm cho trứng vỡ… Chẳng có gì đáng buồn cười cả… Vợ ông đã nhìn thấy, cả Miska nữa.
"Ôi lạy Chúa! Tất cả những cái đó có ích lợi gì? Ích lợi gì?".
Roman Borisovich nặng nề suy nghĩ: tai hoạ nầy duyên cớ vì đâu? Có lẽ đó là một sự trừng phạt của trời chăng? Ở Moskva, người ta thì thào rằng tên Vua mẹ mìn đã giáng thế. Bọn Cơ Đốc Giáo, bọn Tân Giáo là tay sai của nó; những hàng hoá ngoại lai đều mang dấu ấn của Quỷ vương. Người ta đồn rằng ngày tận thế đã đến. Ông nhìn ngọn nến, khuôn mặt đỏ nhăn nhó.
Roman Borisovich có những mối hoài nghi: "Không thể tin được… Chúa sẽ không để cho dòng dõi quý tộc Nga bị tiêu diệt… Cần phải đợi chờ và kiên nhẫn. Ê - hê hê!".
Sau khi đã thành tâm cầu kinh, ông ngồi xuống dưới vòm nhà, gần cửa sổ, trước một chiếc bàn độc có trải thảm. Ông mở một quyển sổ tay lớn, trong có ghi những món tiền cho vay, những món tiền đã thu hồi, những món ông nhận được của các làng bằng tiền, hoặc bằng lúa mì, hoặc bằng những thứ hàng hoá khác. Ông thong thả lật các trang giấy, đôi môi cạo nhẵn mấp máy.
Xenka, gã thơ lại thứ nhất của ông bước vào phòng. Trước kia là một nông nô, y đã được đề bạt lên chức vụ nầy vì trí thông minh và tính tàn ác của y đối với gia nhân. Thật đúng là một con chó giữ nhà: y biết cách bắt người ta phải trả nợ cho lão chúa đất không sót một xu. Tất nhiên y ăn cắp nhưng có ý thức, biết giữ chừng mực và có băm nhỏ y ra, y cũng không thú nhận. Biết bao lần, Roman Borisovich đã túm bộ râu rậm rạp che kín cả đôi má phính của y và kéo lê y trong phòng, đập đầu y vào tường: "Mầy đã ăn cắp, thú nhận đi; mầy đã ăn cắp!". Xenka, đôi mắt màu hung không hề chớp, nhìn lão lãnh chúa như nhìn đức Chúa trời. Khi lão ta thôi không đánh nữa, y kéo vạt áo bằng dạ thô màu xám, xỉ cái mũi mềm nhũn rồi khóc:
- Thưa đức ông Roman Borisovich, đức ông đánh tôi tớ của đức ông là sai. Cầu chúa tha thứ cho đức ông, con quả là vô tội.
Xenka nghiêng người đi qua cánh cửa hé mở, làm dấu thánh trước tranh Nikola Thần thông, cúi chào lãnh chúa rồi quỳ xuống.
- Sao, Xenka, ngươi báo tin lành gì đó?
- Thưa đức ông Roman Borisovich, nhờ ơn Chúa mọi sự đều tốt lành cả.
Xenka quỳ dưới đất, mắt người nhìn lên trần, bắt đầu trình bày bán báo cáo thuộc lòng: số tiền y đã nhận được ngày hôm qua, ai trả và trả bao nhiêu, số sản phẩm người ta đã nộp và từ đâu gửi đến, ai còn nợ. Y đã giải hai con nợ chầy bửa, hai nông dân Fetka và Kotxka từ làng Ivankovo về và từ tối hôm qua, người ta đang tra tấn chúng con trong sân để bắt chúng phải trả nợ…
Roman Borisovich há hốc miệng vì ngạc nhiên: có thực chúng không muốn trả không? Ông giở sổ ra tra: năm trước đây, Fetka đã vay của ông sáu mươi rúp, nói là để cất một ngôi nhà gỗ mới, sắm một bộ yên cương, một lưỡi cày mới và lúa giống. Kotxka đã vay ba mươi bảy rúp và năm mươi kopeik; hình như nó cũng trí trá nói rằng để dùng vào việc nhà.
- Chà! quân chó má, chà, đồ vô lại. Ngươi đã ra lệnh dùng gậy đánh chúng rồi đấy chứ?
- Dạ, đã đánh chúng từ tối hôm qua rồi đấy ạ, - Xenka nói - Mỗi đứa có hai người đánh. Và đã ra lệnh là phải đánh không tiếc tay. Nhưng thưa đức ông Roman Borisovich, đức ông chẳng phải phiền lòng: nếu thằng Fetka và thằng Kotxka không trả nợ, ta đã có biên lai của chúng, ta sẽ bắt chúng làm nông nô mười năm. Ta đang cần nông nô.
Roman Borisovich ném bút lông ngỗng xuống bàn:
- Tao cần tiền chứ không cần nông nô. Bọn nông nô, tao phải nuôi chúng để rồi Sa hoàng lại bắt chúng đi lính?
- Nếu đức ông cần tiền, xin đức ông hãy làm như Ivan Artemist Brovkin: ông ta đã xây một xưởng dệt vải trong khu Zamoxkvoretoe, bán vải buồm cho nhà nước. Ông ta giàu nứt đố đổ vách.
- Tao có nghe nói thế… Nhưng tao cuộc rằng ngươi nói láo.
Đã từ lâu xưởng dệt của Brovkin làm cho Roman Borisovich mất ăn mất ngủ. Hàng ngày hoặc hầu như hàng ngày Xenka nói với ông về chuyện nầy: hiển nhiên là bản thân y cũng muốn vớ bẫm trong việc đó.
Lev Kirilovich Nareskin (người chú của Sa hoàng) hành động chắc chắn hơn: ông giao tiền cho người Hà Lan Van De Vích ở xloboda Đức và người Hà Lan nầy gửi tiền sang Sở hối đoái Amsterdam để sinh lợi. Cứ một vạn rúp, Nareskin kiếm được mỗi năm sáu trăm rúp lãi. "Sáu trăm rúp!".
- Cha ông chúng ta sống không phải lo âu, - Roman Borisovich dằn giọng nói. - Và quốc gia vững vàng hơn nhiều (ông mặc chiếc áo bông lót lông cừu do Xenka giơ lên cho ông xỏ tay). Chúng ta cùng ngồi họp với Sa hoàng, trầm ngâm suy nghĩ và đó là tất cả sự lo lắng của chúng ta… Còn ngày nay thì chúng ta thấy tiếc rẻ khi thức giấc.
Roman Borisovich đi vào cầu thang: ông đi xuống rồi đi lên qua những hành lang lạnh lẽo. Trên đường đi ông mở một cánh cửa ẩm sũng; từ trong đó bốc ra một mùi chua chua, một nơi nước nóng; ở cuối phòng, qua ánh sáng leo lét của một thanh đóm đang cháy, người ta trông thấy thấp thoáng bốn người nông dân - đi chân không, mặc áo sơ-mi - đang lấy chân vò lông cừu: "Nầy, nầy, hãy làm việc đi, hãy làm việc đi, đừng có quên Chúa", Roman Borisovich nói. Những người nông dân không trả lời. Roman Borisovich tiếp tục đi, mở cửa phòng thêu. Một đám con gái và thiếu nữ - có đến hai chục người - bỏ bàn và khung thêu đứng dậy rồi cúi rạp chào ông. Vương hầu khịt mũi: "Nầy, bọn con gái, phòng chúng mầy hôi lắm. Làm việc đi, làm việc đi đừng có quên Chúa".
Roman Borisovich ghé mắt nhìn qua xưởng thợ may và xưởng thuộc da, có những tấm da ngâm trong những vạc lớn. Những người nông dân, nét mặt lầm lì, đang vò da bằng tay… Xenka đã thắp ngọn nến mỡ bò của một cái đèn tròn có đục lỗ, đang mở khoá những buồng chứa đồ và các chạn cất thực phẩm. Tất cả đều ngăn nắp. Roman Bônxovich đi xuống cái sân rộng. Đã sáng rõ rồi. Trời nhiều mây. Người ta cho cừu uống nước ở giếng. Những xe chất cỏ khô xếp thành dãy từ cổng đến kho chứa cỏ. Đám nông dân ngả mũ. "Nầy, bọn nông dân, xe của chúng mầy chất nhẹ quá đấy!", Roman Borisovich thét mắng.
Từ tất cả những ngôi nhà gỗ nát và những túp lều lụp xụp có lò nhưng không có ống khói, toả ra những làn khói bị gió tạt xuống và lan ra khắp sân. Đâu đâu cũng thấy những đống tro và phân. Những mớ quần áo rách rưới khô cứng vì lạnh bay phần phật trước gió trên những sợi dây căng. Trước chuồng ngựa, hai nông dân, mặt quay vào tường, đầu trần, đang dậm chân tại chỗ, vẻ mặt rầu rĩ. Trông thấy lão vương hầu bước ra thềm, hai tên đày tớ lực lưỡng vội vã từ trong chuồng ngựa chạy ra vớ lấy những chiếc gậy vứt vung vãi trên mặt đất và để tỏ ra mẫn cán, phang vào đít, vào đùi hai người nông dân.
- Ôi, ối, lạy Chúa, sao vậy? - Fetka và Kotxka rên rỉ.
Từ trên thềm cao, Roman Borisovich khuyến khích bọn đày tớ:
- Tốt, tốt, đánh nữa đi, cho đáng kiếp chúng nó?
Fetka, một nông dân cao ngắng, mặt rỗ và đỏ, quay lại:
- Thưa đức ông Roman Borisovich, vị ân nhân của chúng con, xin đức ông hãy rủ lòng thương, chúng con không còn gì hết. Con xin thề với đức ông là chúng con đã ăn hết bánh mì từ trước ngày lễ Noen rồi. Nếu đức ông ưng, xin đức ông hãy bắt gia súc của con. Không thể nào chịu nổi một sự hành hạ như thế nầy
Xenka nói với Roman Borisovich:
- Gia súc của nó nhỏ, gầy, nó nói dối đấy! Nhưng có thể bắt con gái nó để bù vào nửa món nợ. Phần còn lại nó sẽ làm trừ.
Roman Borisovich nhăn mặt quay đi:
- Để ta suy nghĩ đã. Tối nay sẽ bàn lại.
Vượt lên trên những làn khói, vượt lên trên hàng cây trụi lá, một tiếng chuông vang lên, khô khan. Một đàn quạ bay trên những mái nhà tròn hoen gỉ. "Ôi, nghiêm trọng thay tội lỗi của chúng ta", Roman Borisovich lẩm bẩm. Lần cuối cùng, ông đưa mắt nhìn bao quát cơ nghiệp của mình và đi vào phòng ăn để uống cà phê.
Bà vương hầu Avdochia và ba con gái ngồi ở cuối bàn, trên những chiếc ghế xếp kiểu Hà Lan. Ở phía đó, chiếc khăn gấm đã được gấp lại để khỏi bị bẩn. Bà vương hầu, mặc áo dài rộng kiểu Nga bằng nhung sẫm nhưng lại đội một chiếc mũ ngoại quốc. Các cô con gái mặc áo dài kiểu Đức có đuôi quét đất. Natalia - mặc áo màu hoa đào, Olga - áo màu xanh lục ké xọc, và cô con gái đầu lòng, Antonida - áo màu "chiều tà không thể nào quên được". Cả ba cô đều búi tóc người, rắc bột, kẻ lông mày, thoa má một vết son tròn, tay đỏ.
Dĩ nhiên, xưa kia, cả Avdochia lẫn con gái đều không có quyền vào phòng ăn: họ ở phòng riêng, ngồi trước cửa sổ nhỏ, bận công việc kim chỉ. Mùa hạ, họ chơi đu trong vườn cấm. Một ngày nọ, Sa hoàng đã tới cùng với bọn tùy tùng say rượu. Đứng ở ngưỡng cửa, nhà vua đưa cặp mắt đáng ghê sợ soi mói nhìn vào phòng ăn: "Các cô con gái của nhà ngươi đâu? Hãy cho các cô ấy ngồi vào bàn?"
Người ta chạy đi tìm các cô.
Các cô lo sợ kinh hoảng, khóc nức nở. Người ta dẫn ba cô ngốc đang sợ chết khiếp tới. Sa hoàng vuốt cằm từng cô một. "Có biết khiêu vũ không?". Khiêu vũ, chao ôi! Ngay đến trả lời, các cô cũng không trả lời nổi: nước mắt giàn giữa vì hổ thẹn. "Phải học… Vào ngày lễ giữa tuần chay các cô phải biết nhảy các điệu nhịp ba, polka, đối vũ…". Sa hoàng nắm lấy áo vương hầu Roman lắc mạnh: "Ta muốn gia đình nhà ngươi phải tập lấy những cung cách lịch sự, nghe chưa?". Người ta đặt các cô con gái vào bàn, chuốc rượu các cô. Và điều lạ lùng là bọn con gái vô liêm sỉ ấy lại uống. Và chỉ một lát sau, các cô đã vui cười, như không có việc gì xảy ra cả.
- Thế là phải đưa những cung cách lịch sự vào trong nhà. Bà vương hầu vì ngu ngốc nên lúc nào cũng ngạc nhiên. Nhưng các cô con gái thì chẳng bao lâu trở nên táo tợn, hỗn xược, nhõng nhẽo. Phải cho các cô cái nầy rồi cái kia. Các cô không muốn thêu thùa nữa. Từ sáng sớm, các cô đã ăn bận chỉnh tề, vui thú uống trà, cà phê.
Roman Borisovich bước vào phòng ăn. Ông liếc nhìn các cô con gái. Các cô chỉ khẽ nghiêng đầu chào. Bà Avdochia đứng dậy chào chồng: "Chào ông…" Antonida rít lên qua kẽ răng: "Ngồi xuống, Mutler"(1)… Roman Borisovich mới đi từ ngoài trời lạnh vào, muốn uống một cốc vodka và ăn một nhánh tỏi… Vodka thì còn có thể được nhưng tỏi thì chắc chắn là họ sẽ không để cho ông ăn.
- Thực tình tôi không muốn uống cà phê hôm nay. Có lẽ tôi bị lạnh ở ngoài thềm… Bà nó cho tôi một thứ gì mạnh.
- Fater (2), - Antonida nói, - sáng nào bố cũng nhắc: vodka. Biết bao giờ bố mới học được
- Câm mồm đi, đồ ngựa cái, - Roman Borisovich quát nếu không tao lấy roi…
Các tiểu thư ngoảnh mặt đi một cách ghê tởm. Bà Avdochia đưa cho chồng một ly rượu mạnh và cúi chào theo kiểu cổ. Bà khẽ nói: "Ăn đi ông, chẳng việc gì mà nhịn…".
Ông cạn cốc và thở mạnh. Ông nhấm một quả dưa chuột muối, nước muối rớt cả xuống áo. Trên bàn ăn không có món bắp cải muối với quả nham lê đỏ, cũng không có món nấm muối băm nhỏ với hành. Vừa nhai một miếng bánh chả nhỏ, chẳng biết là nhồi cái quái gì, ông vừa hỏi:
- Miska đâu?
- Nó đang học số học, ông ạ. Thực tình tôi không biết rồi đầu óc nó sẽ ra thế nào?
Olga, mặt rỗ hoa, vốn cay cú cái món "lịch sự nhất" mím môi, dằn giọng:
- Miska đi chơi suốt ngày với bọn nông dân. Hôm qua nó lại chơi đánh đàn balalaika với chúng ở chuồng ngựa, chúng nó đánh bài, đét mũi nhau.
- Nó hãy còn bé, - bà Avdochia rền rĩ.
Mọi người im lặng một lát, Natalia, cô út, nhí nhảnh và hiếu động, nghiêng đầu về phía cửa sổ nhỏ (gần đây người ta đã thay thế mi-ca bằng những ô kính nhỏ).
- Nầy nầy, các cô, có khách đến?
Các cô gái xôn xao, giơ cao cánh tay lắc lắc để cho bàn tay xuống máu, trắng ra. Đám nữ tì chạy ra, cất dọn bát đĩa bẩn trên bàn và lật khăn trải bàn xuống.
Lão quản gia, một đày tớ già ngoan đạo, mặt mầy cạo nhẵn nhụi và ăn mặc như để đi dự hội hoá trang ngày lễ Noen, gõ gậy xuống sàn và cất cao giọng giới thiệu bà lãnh chúa Vonkova. Roman Borisovich miễn cưỡng rời khỏi bàn ăn để sắm vai con người lịch sự trước bà khách mới đến: vẫy vẫy mũ, khuỵu chân lia tròn.
Vương hầu Buinoxov phải làm những trò khỉ nầy trước mặt ai vậy? Cách đây bảy năm, nữ lãnh chúa Vonkova nầy tên là Xanka, xỉ mũi bằng vạt váy rách của mình. Bà ta xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo rớt. Bố bà ta, Ivaska Brovkin, là một tên nông nô cùng khổ. Đáng lẽ bà ta còn phải làm lụng vất vả cho đến lúc chết trước một cái lò không có ống khói. Ấy thế mà thấy chưa, viên quản gia phải xướng danh bà ta đấy. Bà ta đi xe thếp vàng đến đây! Chồng bà ta được Sa hoàng sủng ái… (Chồng bà ta là cháu con chú con bác của vương hầu Roman). Ma vương đã giúp bố bà ta: lão ấy đi buôn, theo người ta đồn, hiện nay lão được nhận tất cả công việc tiếp tế cho quân đội.
Lão quản gia mở cửa (thấp và hẹp theo kiểu cổ), một chiếc áo màu hồng vàng sột soạt. Bà lãnh chúa Vonkova, uốn éo đôi vai để trần, bước vào, bộ mặt xinh xắn điềm nhiên vác lên, với làn mi hạ thấp. Nàng dừng lại giữa phòng. Những chiếc nhẫn lóng lánh trên tay, nàng cầm lấy tấm váy rộng thêu đầy đăng ten và hoa hồng, đưa về phía trước bàn chân nhỏ nhắn đi giầy sa-tanh, gót cao hai versok(3) và cúi chào không gập đầu gối chân trước, theo đúng quy tắc của phép lịch sự kiểu Pháp. Nàng cúi cái đầu rắc đầy bột, có cắm lông đà điểu chào bên phải, bên trái, khi đã xong xuôi, nàng người cặp mắt xanh, mỉm cười, hé mở hai hàm răng:
- Chào phu nhân và các tiểu thư!
Các cô Buinoxov đến lượt mình cũng ngả người về phía sau và hau háu nhìn bà khách. Roman Borisovich, hai tay và hai chân giang ra, cầm mũ vẫy vẫy. Người ta mời bà lãnh chúa xơi một tách cà phê. Người ta hỏi thăm sức khỏe của gia đình và quý quyến. Các tiểu thư ngắm nghía cái áo của bà khách và thán phục kiểu tóc của bà.
- À à chắc hẳn là tóc được dựng trên gọng.
- Còn chúng mình thì người ta đặt đũa và độn giẻ vào dưới tóc.
Xanka trả lời các cô:
- Tìm được một người thợ uốn tóc, thật là cả một sự vất vả. Cả Moskva chỉ có một người thôi. Ngày lễ giữa tuần chay, các phu nhân phải chờ đợi suốt một tuần mới đến lượt, và những bà đến trước đã được sửa tóc thì ngồi ngủ trên ghế. Tôi đã nói với cha tôi mướn một người thợ uốn tóc ở Amsterdam đưa về đây.
- Nhờ bà chuyển lời chào thân ái của tôi đến ngài Ivan Artemist tôn kính - vương hầu nói. - Xưởng dệt vải của ngài hoạt động ra sao? Tôi luôn luôn muốn tới thăm xưởng. Đó là một xí nghiệp mới lạ.
- Cha tôi hiện nay ở Voronez. Cả Vaxia lúc nầy cũng ở Voronez, cạnh đức vua.
- Thưa bà Alekxandra Ivanovna, chúng tôi biết, chúng tôi biết.
- Hôm qua, tôi nhận được một bức thư của Vaxia. - Xanka luồn hai ngón tay vào áo trong để hở rất thấp (Roman Borisovich chớp chớp mắt: chỉ một tí nữa thôi là mụ nầy sẽ trần truồng đến nơi) và rút ra một mảnh giấy nhỏ màu lam. - Có thể nhà tôi sẽ được cử đi Paris.
Vương hầu đằng hắng và hỏi:
- Ông nhà nói gì? Có nói gì về đức vua không?
Xanka rất thong thả mở bức thư, trán cau lại. Má và cổ nàng ửng hồng. Nàng nói rất nhỏ:
- Tôi tập đọc chưa được bao lâu. Xin thứ lỗi cho…
Lấy ngón tay dò theo những hàng chữ nét đậm, vấy mực lung tung, đầy chữ viết tắt và viết ngoáy, Xanka bắt đầu đọc rành rẽ, chậm rãi từng chữ:
"Chào Xasenka, nguồn ánh sáng của anh muôn năm… Hiện tình ở Voronez như sau… Sẽ không ở đây nữa… Anh không muốn làm em phải lo lắng, nhưng anh được nghe nói đức vua định cử anh cùng với Andrey Artamonovich Matveev đến La Hay, rồi đến Paris. Anh không biết nên nghĩ thế nào: đi xa quá và anh sợ Nhờ ơn Chúa, tất cả mọi người đều mạnh khỏe.
Herr (4) Pite gửi lời chào em, mới đây đức vua có nhắc đến em, trong một bữa ăn tối. Ngày nào hoàng thượng cũng làm việc. Hoàng thượng làm việc ở các công xưởng như một người thợ bình thường, tự tay rèn đinh và móc sắt tự tay trét thuyền. Mọi người không có thì giờ cạo râu, hoàng thượng thúc ép mọi người rất dữ, ai nấy mệt nhoài. Nhưng hạm đội đã hoàn thành…"
Roman Borisovich gõ móng tay xuống bàn:
- Hừm… Dĩ nhiên, hạm đội, hừm… Tự tay rèn lấy, tự tay trét lấy… Như vậy là đức vua không biết dùng sức lực của mình vào đâu
Đọc xong, Xanka nhẹ nhàng lau môi. Nàng gấp thư lại, bỏ vào trong áo.
Đức vua sẽ trở về vào tuần lễ thánh. Tôi sẽ quỳ xuống chân người… Tôi muốn đi Paris.
Antonida, Olga và Natalia vỗ tay: "Chà! chà, chà!"
Nữ vương hầu Avdochia làm dấu thánh giá: "Lệnh bà làm chúng tôi sợ. Khiếp quá: đi Paris… Ở đấy mọi thứ hắn là đều bẩn thỉu, nhơ nhớp!".
Đôi mắt lam của Xanka tối sầm lại: nàng ép mạnh nhẫn vào ngực:
- Ở Moskva, tôi buồn quá! Nếu tôi được bay ra nước ngoài thì thích biết bao… Có một người Pháp hiện đang ở nhà công chúa Praxkovia Fedorovna. Ông ta dạy các kiểu cách lịch sự. Ông ấy cũng dạy cả tôi nữa. Giá mà các vị được nghe tất cả những chuyện ông ấy kể (nàng thở dài nhẹ). Đêm nào tôi cũng nằm mơ thấy mình khiêu vũ điệu nhịp ba, mặc áo màu quả dâu. Tôi khiêu vũ khéo hơn tất cả các bà khác, đầu óc tôi quay cuồng, phái đàn ông đang khiêu vũ bỗng tránh ra một bên, vua Louis tiến về phía tôi và đưa cho tôi một bông hồng… Ở Moskva, bây giờ buồn quá đi thôi Nhờ ơn Chúa, người ta đã hạ thây bọn xtreletz xuống, làm thế là tốt vì tôi sợ người chết một cách khủng khiếp!
Bà lãnh chúa Vonkova đã ra về. Roman Borisovich ngồi lại ở bàn một lúc; rồi ông ra lệnh cho đóng xe trượt tuyết mui kín để đến Bộ Đại Điện làm việc. Bây giờ ai ai cũng phải phục vụ. Cứ làm như ở Moskva thiếu công chức ấy! Người ta bắt buộc các nhà quý tộc phải cầm bút cạo giấy. Còn Sa hoàng thì người lem luốc hắc ín, nồng nặng mùi thuốc lá, đi múa rìu và uống rượu mạnh cùng với bọn nông dân:
"Ôi tình hình xấu lắm, ôi chẳng có gì đáng vui cả!" vương hầu Roman-Borisovich rền rĩ bước lên xe trượt tuyết.
 
Chú thích:
(1) Tiếng Đức: mẹ.
(2) Tiếng Đức: bố.
(3) Một versok bằng 4,4 cm.
(4) Tiếng Đức: ông, ngài.
 

Truyện PIE ĐỆ NHẤT Tiểu sử & chú thích Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 Chương 118 Chương 119 Chương 120 Chương 121 Chương 122 Chương 123 Chương 124 Chương 125 Chương 126 Chương 127 Chương 128 Chương 129 Chương 130 Chương 131 Chương 132 Chương 133 Chương 134 Chương 135 Chương 136 Chương 137 Chương 138 Chương 139 Chương 140 Chương 141 Chương 142 Chương 143 Chương 144 Chương 145 Chương 146 Chương 147 Chương 148 Chương 149 Chương 150 Chương 151 Chương 152 Chương 153 Chương 154 Chương 155 Chương 156 Chương 157 Chương 158 Chương 159 Chương 160 Chương 161 Chương 162 Chương 163 Chương 164 Chương 165 Chương 166 Chương 167 Chương 168 Chương 169 Chương 170 (chương kết)