Dịch giả: Nguyễn Xuân Thảo, Trịnh Như Lương
Chương 109

Mùa thu đó, ở xloboda Đức, cạnh nhà thờ Tân giáo, người ta đã xây dựng một toà nhà bằng gạch kiểu Hà Lan có tám cửa sổ trông ra phố. Bộ Hoàng cung đã hấp tấp xây xong toà nhà đó trong hai tháng. Anna Ivanovna Monx dọn đến ở toà nhà nầy cùng với mẹ và em trai là Vilim.
Sa hoàng đến đó một cách công khai và thường ngủ lại đêm. Ở Kukui (và ở Moskva cũng vậy), người ta gọi nhà nầy là cung của nữ hoàng. Anna Ivanovna sắp đặt một nếp sống rất sang trọng: một quản gia và những người hầu mặc áo dấu, ở chuồng ngựa có hai cỗ ngựa, mỗi cỗ sáu con ngựa Ba Lan rất đắt tiền và đủ loại xe dùng trong mọi trường hợp.
Ngày nay, người ta không còn có thể vào nhà họ Monx như xưa kia ở quán rượu để uống một cốc bia: "Hê, hê, - người Đức nói với nhau, - cách đây nào có bao lâu, cô nàng Ansen mắt xanh, đeo tạp dề sạch sẽ, còn đi bưng rượu bia bày lên mặt bàn và đỏ mặt lên như hoa hồng bạch khi một khách hàng vui tính vỗ vào cái mông nhỏ bé của cô mà nói: "Nầy, con cá nhỏ của tôi ơi hãy uống chỗ bọt rượu bia đi, xin nhường cô phần hương hoa, tôi xin nhận phần bia…"
Giờ đây, trong đám dân ở xloboda Kukui, chỉ những kẻ tai mắt, những công thương gia mới lui tới nhà họ Monx mà cũng chỉ vào dịp những ngày lễ, hoặc khi được mời đến dự tiệc. Dĩ nhiên là người ta có đùa cợt nhưng không quá trớn. Mục sư Xtrum bao giờ cũng ngồi bên phải Ansen. Lão thích kể những đoạn vùi hoặc có tính chất khuyến thiện trong lịch sử La Mã. Khách khứa, người phì nộn, nét mặt mơ màng, dùng cốc bia để biểu thị ý kiến và thở dài một cách khoan khoái, mồm than thở về nhân sự vô thường. Anna Ivanovna rất quan tâm đến việc cho ngôn ngữ cử chỉ trong phòng khách của mình được trang nhã.
Những năm ấy, sắc đẹp của nàng rạng rỡ như hoa nở: dáng đi của nàng đường bệ, mắt nàng phản ánh sự bình tĩnh, lòng thành tín và tâm tư ưu buồn. Mặc dù người ta nói gì đi nữa, mặc dù người ta cúi chào sát đất cỗ xe lồng kính của nàng - thực ra Sa hoàng tìm đến chỉ là để ăn nằm với nàng. Rồi đây sẽ ra sao? Bộ Quản lý bất động sản đã trao tặng Anna Ivanovna nhiều làng.
Những buổi vũ hội, nàng có đủ châu ngọc để trang sức như người khác; nàng đeo ở ngực bức chân dung của vua Piotr to bằng một chiếc đĩa con, nạm kim cương. Quả thực đối với nàng, người ta không từ chối một cái gì cả: "Nhưng rồi sau đây sẽ ra sao? Rồi đây, tình hình vẫn cứ thế thôi".
Ngày tháng trôi qua. Phần lớn thời gian, vua Piotr sống ở Voronez hoặc dùng ngựa trạm phóng từ Nam hải đến Bắc hải. Anna Ivanovna gửi thư cho nhà vua và mỗi lần lại kèm theo hàng nửa tá chanh hoặc cam (đem từ Riga về), xúc xích nhồi thịt ướp thảo quả, rượu mạnh ngâm thanh thảo. Nhưng ai giữ mãi được người yêu bằng thư từ và quà cáp? Và giả sử có một phụ nữ khác bám lấy nhà vua và len lỏi được vào trái tim nhà vua thì sao? Anna Ivanovna đã trằn trọc nhiều đêm trắng trên đệm lông, không sao ngủ được. Mọi thứ đều mong manh, mập mờ, không minh bạch. Đâu đâu cũng toàn là những kẻ thù đang rình lúc cô nàng họ Monx thất thế.
Ngay cả đến Lơfo, người bạn thân thiết nhất của nàng, mỗi khi nàng hướng câu chuyện vào vấn đề ấy cũng nói quanh co, - chẳng hiểu Piotr sẽ tiếp tục cuộc sống lộn xộn vô trật tự của chàng thanh niên không vợ như thế nầy cho đến bao giờ? - và cười một cách khó hiểu; hắn trìu mến véo má Ansen và bảo: "Điều hứa hẹn thường phải đợi lâu…". Ôi, chẳng ai hiểu nàng cả: Anna Ivanovna chẳng hề mơ tưởng gì đến ngai vàng, đến quyền uy - quyền uy là một điều đáng sợ, phù vân… Không, nàng chỉ mong muốn sự ổn định, trật tự, đoan chính chỉ còn một cách cuối cùng - bùa mê, yêu thuật.
Theo lời khuyên của mẹ, một hôm trong lúc vua Piotr đang ngủ say, Anna Ivanovna đã lẻn ra khỏi giường và khâu vào gấu áo nhà vua một mảnh vải nhỏ thấm máu của nàng… Khi lên đường đi Voronez, nhà vua đã để áo lại Preobrazenskoe và từ ngày ấy không bao giờ mặc chiếc áo đó nữa. Mẹ Anne mời nhiều bà thầy bói đến phòng ở phía sau. Nhưng cả mẹ lẫn con đều không dám nói ra mình muốn hỏi về người nào. Vương hầu - chấp chính Romodanovski bắt tội điếu hình những kẻ làm nghề tà thuật.
Ví thử bây giờ có một người bình thường (nhưng giàu có) say mê Anna Ivanovna, nàng sẵn sàng từ bỏ tất cả để sống một cuộc đời yên ổn. Một căn nhà nhỏ sạch sẽ, không có quản gia cũng được; ánh nắng trải trên sàn nhà đánh xi; trên bậu cửa sổ, những chậu hoa nhài toả hương thơm ngát; từ trong bếp bốc ra mùi cà phê rang; chuông nhà thờ binh boong dịu lòng người, và những nhà thân hào đi ngang qua cửa kính cẩn chào Anna Ivanovna đang ngồi thêu thùa sau cửa sổ
Sau khi Lơfo chết, hình như lúc nào cũng có một đám mây đen lơ lửng trên đầu Anna Ivanovna. Trong tuần lễ ấy (trước khi vua Piotr đến), nàng đã khóc nhiều đến nỗi mẹ nàng phải mời thầy thuốc Policolo đến. Thầy thuốc đã cho thụt và uống thuốc nhuận tràng để tẩy những chất nhớt thừa xuất hiện trong máu vì sầu não.
Chính Anna Ivanovna cũng không hiểu tại sao nàng kinh hoàng chờ đợi vua Piotr tới. Nàng nhớ đến gương mặt sạm màu đất và cái má sưng vù vì đau răng, khi Piotr tới nhà Lơfo sau cuộc hành hình bọn xtreletz tàn khốc nhất. Giận dữ đọng lại trong cặp mắt mở to của nhà vua. Hai bàn tay, đỏ ửng vì lạnh, đặt trước một chiếc đĩa không. Nhà vua không ăn, không nghe những câu nói bông đùa của mọi người ngồi ở bàn. (Khách vừa nói đùa vừa đánh răng lập cập). Nhà vua chẳng nhìn ai, nói những điều không ai hiểu: "Bọn chúng không phải chỉ là bốn trung đoàn, chúng rất đông… Khi đặt đầu vào thớt trảm, chúng đều làm dấu thánh với hai ngón tay… Để bảo vệ thời cổ, để bảo vệ sự nghèo khổ… Để sống trần trụi và ngu dốt. Dân các đại xã? Không phải bắt đầu từ Azop mà phải khởi sự từ Moskva!"
Cho đến nay Anna Ivanovna vẫn còn rùng mình khi nhớ lại nét mặt Pite lúc ấy. Nàng cảm thấy con người đó, kẻ đao phủ đó, đã dứt nàng ra khỏi khung cửa sổ yên tĩnh của nàng và đẩy nàng tới những mối lo âu ác nghiệt… Tại sao? Có đúng thật Pite là Quỷ vương như người Nga vẫn thì thào với nhau không? Tối đến, nằm trên giường, dưới ánh sáng dịu dàng của một ngọn nến nhỏ, Anna Ivanovna vặn cánh tay, nức nở, tuyệt vọng:
- Mẹ ơi, mẹ, làm thế nào? Con không yêu Pite, Pite sẽ đến, nóng nảy… Còn con, con cứ như là chết rồi ấy… Đối với con, có lẽ chui vào áo quan như Franx đáng thương kia còn hơn.
Một buổi sáng, vẫn để nguyên quần áo ngủ, mắt sưng húp, nàng nhìn qua cửa sổ thấy chiếc xe trượt tuyết có mui của Sa hoàng đỗ ở bên kia hàng giậu trên đường phố lồi lõm. Lần nầy nàng không hối hả vội vã như mọi lần: mặc kệ, cứ để nhà vua thấy nàng ăn mặc như thế nầy, đầu đội mũ ngủ, vai phủ chiếc khăn quàng len. Khi đi qua khu vườn nhỏ, vua Piotr cũng trông thấy nàng ở cửa sổ. Nhà vua gật đầu chào, không mỉm cười.
Tới cửa, vua Piotr chùi chân vào chiếc nệm rơm. Trông nhà vua tỉnh táo và bình tĩnh.
- Chào Annuska, - nhà vua dịu dàng nói, hôn nàng vào trán. - Thế là chúng ta mồ côi rồi đấy. - Nhà vua ngồi xuống, lưng tựa vào tường, bên chiếc đồng hồ treo, quả lắc đồng như một bộ mặt tươi cười đang chậm rãi đung đưa. Vua Piotr nói khẽ, như ngạc nhiên thấy thần chết thật không biết điều. - Franx - Franx… Một đô đốc tồi nhưng đáng giá cả một hạm đội. Thật là một tai hoạ, một tai hoạ lớn, Annuska ạ… Nàng còn nhớ ngày Franx dẫn ta lần đầu tiên đến nhà nàng chứ. Nàng còn là một cô bé, sợ ta đánh vỡ mất hộp nhạc. Lẽ ra thần chết không nên lấy mất Franx đi… Franx không còn nữa! Thực không tưởng tượng được!
Anna Ivanovna lắng nghe, chiếc khăn len angora chùm kín đầu đến tận mắt. Nàng không chuẩn bị trước nên chẳng biết đáp sao. Nước mắt nàng ròng ròng dưới khăn. Sau cánh cửa, người ta thận trọng nhẹ nhàng sắp xếp bát đĩa. Anna Ivanovna khịt khịt mũi đầm đìa nước mắt, và ấp úng rằng chắc giờ đây, Franx đã ở bên Chúa. Vua Piotr nhìn nàng một cách kỳ quặc.
- Pite, bệ hạ từ xa tới chưa ăn uống gì. Xin bệ hạ nghỉ lại đây. Mời bệ hạ ăn uống đôi chút. Cũng vừa may hôm nay có xúc xích nướng mà bệ hạ vẫn thích
Nàng buồn rầu hiểu rằng ngay đến xúc xích nhà vua cũng không biết. Nàng ngồi xuống cạnh nhà vua, cầm lấy bàn tay có mùi da cừu và đưa lên miệng hôn. Còn tay kia, nhà vua vuốt ve tóc nàng dưới mũ:
- Tối nay, ta sẽ tạt qua đây một lát… Thôi đủ rồi, đủ rồi, tay ta ướt hết cả… Cho ta một miếng xúc xích, một cốc vodka… Đi lấy đi, đi lấy đi… Hôm nay ta bận nhiều việc lắm.
 

Truyện PIE ĐỆ NHẤT Tiểu sử & chú thích Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 Chương 118 Chương 119 Chương 120 Chương 121 Chương 122 Chương 123 Chương 124 Chương 125 Chương 126 Chương 127 Chương 128 Chương 129 Chương 130 Chương 131 Chương 132 Chương 133 Chương 134 Chương 135 Chương 136 Chương 137 Chương 138 Chương 139 Chương 140 Chương 141 Chương 142 Chương 143 Chương 144 Chương 145 Chương 146 Chương 147 Chương 148 Chương 149 Chương 150 Chương 151 Chương 152 Chương 153 Chương 154 Chương 155 Chương 156 Chương 157 Chương 158 Chương 159 Chương 160 Chương 161 Chương 162 Chương 163 Chương 164 Chương 165 Chương 166 Chương 167 Chương 168 Chương 169 Chương 170 (chương kết)