Dịch giả: Nguyễn Xuân Thảo, Trịnh Như Lương
Chương 144

Ba anh em Brovkin ngồi ở bàn: Aleksey, Yakov và Gavrila. Hồi bấy giờ thật hiếm khi có thể đoàn tụ được như vậy để chuyện trò cởi mở trước một cốc rượu. Thời buổi ấy, người ta lúc nào cũng vội vã, không được một lúc nào rảnh: hôm nay ở đây, ngày mai đã lại nằm dưới một chiếc áo lông cừu, vùi mình trong rơm, tận trong cùng một chiếc xe trượt tuyết đưa ta đến một nơi cách xa đây hàng ngàn dặm… Tình hình cho thấy là ít người quá: thiếu tay làm!
Yakov từ Voronez tới, Gavrila từ Moskva tới. Cả hai đều được lệnh xây trên tả ngạn sỏng Neva, phía thượng lưu cửa sông Foltanka, những nhà kho, nhà chứa hàng, bến tàu, bến nổi và đóng cừ cho vững khắp bờ sông, để đón những chiến thuyền đầu tiên của hạm đội Baltic, mà người ta đang đóng cấp tốc trên sông Xvia, gần Lodeynoie Pole. Năm ngoái, Alekxandr Danilovich Melsikov đã tới đây sai người đốn rừng và trong tuần lễ thánh, hắn đã đặt nền móng cho xưởng đóng tàu đấu tiên. Người ta đã đưa tới đây những thợ mộc nổi tiếng của quận Oloretz và những người thợ rèn ở Uxtiuzina Zelezopondis. Những nhà hàng hải trẻ tuổi được đào tạo ở Amsterdam, những thợ già bậc thầy ở Voronez và Arkhagensk, những danh sư của Anh và Hà Lan, đang đóng trên sông Xvia những chiến thuyền mang hai mươi khẩu đại bác, những chiến thuyền chạy bằng buồm hoặc bằng mái chèo đủ các cỡ lớn nhỏ, những thuyền có boong, những thuyền đáy phẳng kiểu Hà Lan. Cả Sa hoàng cũng đi xe trượt tuyết tới công trường, trước mùa tuyết tan và người ta đợi nhà vua chẳng bao lâu nữa sẽ về đây, tại Petersburg nầy.
Nhân ngày chủ nhật, Aleksey không mặc áo chẽn, chỉ mặc có chiếc sơ mi mới bằng vải Hà Lan, cổ tay áo viền đăng ten xắn lên, đang băm thịt ướp muối trên bàn băm. Mấy anh em ngồi trước một lon xúp bắp cải nóng bỏng, một chai vodka và ba chiếc cốc bằng thiếc, trước mặt mỗi người để một khoanh bánh lúa mạch nguội.
- Xúp bắp cải và thịt muối thì ở Moskva không thiếu. - Aleksey nói, mặt hắn đỏ hồng hồng, cằm cạo nhẵn nhụi, bộ ria hoe hoe vàng vểnh lên như hai cái móc, tóc cắt ngắn. - bộ tóc giả của hắn treo ở móc gỗ trên tường - Còn như ở đầy chỉ những ngày hội mới được chén thịt muối. Dưa cải bắp thì chỉ có trong hầm nhà Alekxandr Danilovich, nhà Bruxơ và nhà anh là có thôi… Mà có được thì cũng chỉ vì mùa hè vừa qua, bọn nầy đã có sáng kiến trồng lấy bắp cải. Phải, đời sống hiện nay gay go lắm, rất gay gỏ. Cái gì cũng đắt, chẳng mua được gì cả.
Aleksey đổ chỗ thịt băm vào lon xúp và rót rượu vào đầy các cốc. Mấy anh em cúi đầu chào nhau, thở dài một cái, nốc cạn cốc rượu, rồi bắt đầu ăn một cách từ tốn.
- Mọi người sợ đến nơi đây, đàn bà thì hầu như quanh đây không có lấy một mống; quả thực cứ như sống ở sa mạc vậy… Mùa đông còn khả dĩ, chỉ toàn là cảnh bão tuyết khủng khiếp, tối tăm mù mịt: vả lại ở đây mùa đông nầy bận lắm… Nhưng khi gió xuân mát mẻ bắt đầu thổi như ngày hôm nay chẳng hạn, thì trong đầu óc lại nảy ra những ý nghĩ kỳ cục mà chẳng ai dám nói đến… Và ở đây trách nhiệm của bọn anh rất nặng nề
- Phải, vùng nầy xem ra chẳng lấy gì làm vui lắm. - Yakov vừa nói vừa gặm một miếng sụn.
Khác với anh và em, Yakov ăn mặc cẩu thả, chiếc áo ngoài màu nâu đứt hết khuy, đầy vết bẩn, một chiếc cà vạt nhớp nhúa quấn quanh cái cổ lông lá, người hắn sặc mùi thuốc lá. Tóc chải bờm xờm - hắn không mang tóc giả - dài xuống tận vai.
- Chú nói sao, - Aleksey đáp - về phía dưới hạ lưu một chút, gần bờ biển, về phía ấp Dudechev phong cảnh trông vui mắt lắm chứ. Ở đấy có những rừng phong rất đẹp cỏ mọc cao đến ngang thắt lưng, lúa mạch mọc rất tốt cả rau, quả nữa… Ở cửa sông Neva thì chỉ toàn là bãi hoang và sình lầy, quả có thế. Nhưng Sa hoàng lại quyết định lập thành phố của Người ngay tại đó. Địa điểm ấy rất thuận lợi về phương diện chiến lược. Chỉ có cái phiền là bọn Thuỵ Điển không ngừng quấy nhiễu chúng ta. Năm ngoái chúng đã tấn công ta về phía sông Xextra trong khi hạm đội của chúng tấn công ta bằng đường biển: ta đã bị khốn đốn với chúng, nhưng rồi cũng đánh lui được chúng. Bây giờ thì chúng sẽ không dám đụng đến ta về phía biển nữa. Tháng giêng, ta đã đặt những thùng đồ đầy sỏi xuống dưới băng, gần đảo Kotlin và suốt mùa đông, ta đã chở đá đổ xuống đáy nước. Trước khi băng trên sông tan, ta sẽ hoàn thành việc xây dựng một pháo đài hình tròn có đặt năm mươi khẩu đại bác. Piotr Alekseevich đã từ Voronez gửi đến những bản thiết kế công trình ấy cùng với một mô hình bằng gỗ do chính hoàng thượng tự tay làm và ra lệnh cho bọn anh đặt tên pháo đài đó là Kronslot.
- Ấy em cũng biết được đôi chút về chuyện ấy, - Yakov nói. - Thậm chí chính Sa hoàng và em đã từng cãi nhau về cái mô hình đó. Em bảo hoàng thượng rằng pháo đài thấp quá, khi nước biển dâng lên to, nước sẽ tràn ngập các cỗ súng, phải xây tường cao thêm lên hai mươi versok. Để trả lời em hoàng thượng đã nện em bằng gậy tầy. Sáng hôm sau, hoàng thượng cho gọi em đến. "Yakov, - hoàng thượng bảo, - ngươi nói đúng, chính ta sai". Nói rồi, hoàng thượng cho em một cốc vodka và một cái kẹo giòn. Hoàng thượng và em đã làm lành với nhau. Và hoàng thượng đã tặng em cái tẩu nầy đây.
Yakov rút trong túi áo đựng đầy các đồ vặt vãnh ra một cái tẩu cặn thuốc bóng đen, cán tẩu bằng gỗ anh đào, đầu bị nhấm nham nhở. Hắn nhồi thuốc vào tẩu rồi vừa đánh bật lửa vừa khụt khịt. Bỗng Gavrila, người em út cao lớn và lanh lẹn hơn hai anh, môi mờ mờ một vệt ria nhỏ màu nâu, giống người chị là Xanka ở cặp má của một gã thiếu niên và đôi mắt to vẩy cái thìa và đột ngột nói:
- Aliosa nầy, em vừa bắt được một con gián.
- Đâu nào, đồ ngốc, mảnh than đấy chứ.
Aleksey nhặt trong thìa của em, một cái gì đen đen vứt lên bàn. Gavrila ngả đầu ra đằng sau, phá lên cười, để lộ hai hàm răng trắng như đường:
- Thật giống mồ ma mẹ chúng ta như lột. Nhiều lần bố vứt thìa đi, kêu lên: "Kinh quá! Một con gián trong xúp!" Thế là mẹ đáp liền: "Đâu nào, ông nó, mảnh than đấy chứ!". Thật là vừa ngộ vừa buồn. Aliosa, hồi ấy anh đã lớn rồi nhưng Yakov hẳn còn nhỏ, chúng ta đã nằm suốt mùa đông trên ổ ở bếp lò, quần chẳng có. Xanka kể chuyện làm chúng ta sợ. Tất cả những cái đó nghĩ sao mà xa thế.
Ba anh em đặt thìa xuống và tì khuỷu tay lên bàn ngồi đăm chiêu tư lự một lát, như thể thấm thía nỗi buồn của dĩ vãng. Aleksey rót rượu đầy các cốc và câu chuyện lại tiếp tục, thong thả, từ tốn. Aleksey than phiền: hắn chịu trách nhiệm trông coi công việc trong thành, nơi xẻ ván cho nhà thờ Piotr và Paul đang xây.
Thiếu cưa, thiếu rìu, ngày càng khó kiếm ra bánh mì, kê và muối cho thợ; nạn thiếu rơm cỏ làm chết những con ngựa kéo xe trượt tuyết chở đá, chở gỗ làm kèo làm cột từ bờ vịnh Phần Lan đến. Bây giờ xe trượt tuyết không thể đi lại được nữa, lẽ ra phải có xe có bánh nhưng lại thiếu bánh xe.
Rồi, sau khi rót rượu, ba anh em điểm qua tình hình chính trị châu Âu. Họ ngạc nhiên và chê trách. Những nước hình như là rất thuần phong mỹ tục, lẽ ra phải làm ăn yên lành và buôn bán lương thiện, ấy thế mà không. Vua Pháp đánh nhau trên đất liền, trên mặt biển chống lại người Anh, người Hà Lan và Hoàng đế Áo và chẳng biết bao giờ cuộc chiến tranh ấy mới chấm dứt. Người Thổ Nhĩ Kỳ, người Vơnidơ và người Tây Ban Nha tranh nhau Địa Trung Hải và đốt cháy hạm đội của nhau. Chỉ có Frederich, vua nước Phổ là ngồi yên lúc nầy, hít gió đánh hơi, rình một miếng nào béo bở có thể chiếm được mà không khó nhọc mấy. Xứ Xăc, xứ Xilezi nước Ba Lan và Lidva đều cháy bùng bùng khắp chốn vì chiến tranh và những cuộc xung đột nội bộ. Cách đây hai tháng, vua Charles đã ra lệnh cho người Ba Lan người thì về phe Auguste, người thì theo cánh Xtanixlav, và trong nghị hội toàn quốc và nghị hội các tỉnh, các quận, họ bốc lên, rút gươm choảng nhau; mỗi ông chúa lại lập ra một đám quý tộc nghèo phục vụ cho mình, đi đốt lãnh địa, làng mạc của đối phương. Còn vua Charles thì kéo quân đi hoành hành khắp trong nước, bắt dân chúng nuôi quân lính của mình, cướp phá các thành phố và đe rằng, một khi đã khuất phục được Ba Lan, sẽ quay sang đánh Sa hoàng Piotr, thiêu cháy Moskva và tàn phá nước Nga xong đâu đó, ông ta sẽ tự xưng là một Alekxandr của Maxêđoan(1) mới. Phải, có thể nói được rằng: toàn thế giới đã phát điên, phát rồ rồi!
Thình lình, bên ngoài, một băng nhũ lớn rơi xuống, kêu choang choang. Mấy chàng thanh niên quay đầu lại; qua cửa sổ có bốn ô kính nhỏ, ăn sâu vào trong tường, họ trông thấy bầu trời thăm thẳm, một màu lam ướt như chỉ ở đây, trên bờ biển mới có; họ nghe thấy tiếng nước từ trên mái nhà nhỏ giọt rơi xuống lộp độp, dồn dập và tiếng chim sẻ ríu rít trên bụi cây trụi lá. Khi ấy họ thổ lộ tâm sự với nhau:
- Chúng ta đây là ba anh em, - Aleksey thốt lên, tư lự - Ba gã khốn khổ không vợ. Anh có thằng lính hầu giặt áo sơ mi cho anh, khi cần thì đính lại cho anh một chiếc khuy, nhưng dẫu sao thì cũng không phải thế… không phải là một bàn tay đàn bà… Vả lại, mặc thây cái áo sơ mi, đó không phải là cái chủ yếu… Cái mà anh muốn là người đàn bà đó đợi anh ở cửa sổ, nhìn anh ở ngoài phố đi về. Đáng lẽ thế thì anh lại trở về nhà, mệt nhừ, rét cóng, nằm lăn ra cái giường cứng, vùi mũi vào gối, trơ trọi một thân một mình như một con chó… Nhưng mà đấy, tìm đâu ra người đàn bà đó?
- Phải, đúng thế, tìm đâu ra? - Yakov nói; hắn đặt khuỷu tay lên bàn và liên tiếp thở ra ba hơi khói thuốc lá - Về phần em thì vấn đề đã dứt khoát. Không đời nào em lấy một ả ngốc nghếch có đuôi có chóp, không biết đọc biết viết gì cả: nói chuyện gì với một ả như vậy được? Còn như tiểu thư con nhà quý tộc, bàn tay trắng muốt, vào hạng những cô ả mà ta phải tuân lệnh Sa hoàng dẫn nhảy trong các cuộc hội hè, vừa nhảy vừa khen nịnh, thì cô ta lại chẳng thèm đến cái thứ mình… Vì thế cho nên em bằng lòng với bất cứ cái gì, khi nào thấy chỉ riêng môn toán học đối với em còn đáng quý hơn tất cả các phụ nữ trên trái đất nầy.
- Hai cái đó có phải không dung hoà được với nhau đâu, - Aleksey nhẹ nhàng nói.
- Ấy thế mà hình như lại không dung hoà được đấy. Hãy trông con chim sẻ đậu trên bụi cây kia: nó chẳng có việc gì khác là nhảy lên con sẻ cái của nó. Còn như Chúa sinh ra con người ta là để suy nghĩ. - Yakov liếc mắt nhìn đứa em út rồi rít mạnh cái tẩu.
- Mà nầy, chàng Gavriuska(2) của chúng ta đây hẳn là phải thạo cái khoa nầy
Cả khuôn mặt Gavrila đỏ bừng lên, từ cổ cho đến tận chân tóc. Môi hắn từ từ giãn ra, mỉm một nụ cười nửa miệng, cặp mắt ươn ướt; trong lúc bối rối, hắn không còn biết đưa mắt nhìn đi đâu. Yakov thân mật huých em một cái:
- Kể đi. Tao ưa những chuyện ấy lắm.
- Để yên em nào… Em chẳng có chuyện gì kể cả. Em hãy còn trẻ quá
Nhưng Aleksey và Yakov cố nài: "Anh em nhà với nhau cả mà, thế nào, chú sợ cái gì, đồ ngốc?"
Gavrila khăng khăng hồi lâu rồi thở dài sườn sượt và sau đây là câu chuyện rốt cuộc hắn đã tâm sự với hai anh:
Đúng trước ngày lễ Noen, vào buổi tối, một tên liên lạc của hoàng cung đã tới nhà Ivan Artemist để báo rằng: "Gavrila Ivanovich Brovkin được lệnh phải tới trình diện ở điện Kreml ngay lập tức". Thoạt đầu Gavrila từ chối; tuy còn trẻ, hắn đã tự cảm thấy mình là một nhân vật được Sa hoàng quý trọng, hơn nữa, hắn đang bận tô mực Tầu bản đồ hoạ kỹ thuật đã hoàn thành, thiết kế một chiếc thuyền hai cầu, để gửi cho các xưởng đóng tàu ở Voronez; hắn muốn đưa cho học trò của hắn ở Trường hàng hải xem bản thiết kế đó; trường đặt trong tháp Xukharepskaia, nơi hắn theo lệnh Sa hoàng dạy cho đám vương tôn công tử nghệ thuật đóng tàu. Nhưng Ivan Artemits nghiêm nghị bảo con: "Gavriuska, mặc ngay cái áo ngoài kiểu Pháp của con vào và đi tới nơi con được lệnh đến: không có đùa với những chuyện ấy được".
Gavrila mặc áo ngoài bằng lụa trắng, thắt đai lưng, kéo mớ đăng ten loà xoà dưới cằm, xức dạ hương vào bộ tóc giả đen như lông quạ, khoác lên vai một chiếc áo choàng dài đến tận đinh thúc ngựa rồi đi tới điện Kreml trên chiếc xe tam mã của bố mà cả Moskva đều ao ước thèm muốn.
Người liên lạc dẫn hắn đi qua những cầu thang hẹp và hành lang tối om om, lên tầng gác trên, tới cái Terem cổ kính bằng đá mà vụ cháy lớn đã chừa lại. Ở đó, tất cả các gian phòng đều thấp, trần hình vòm, tường vẽ hoa cỏ lạ trên nền vàng hoặc nền đỏ và xanh lá cây; thoang thoảng mùi sáp và hương trầm đã lâu ngày, những con mèo to giống Angora lười biếng lim dim ngủ trên những lỏ sưởi bằng sứ toả hơi nóng ngột ngạt. Sau những cánh cửa gắn mica của những tủ đựng bát đĩa, những bình có quai và những cốc sáng lấp lánh; có lẽ xưa kia Ivan Hung đế đã uống bằng những cốc đó, nhưng ngày nay người ta không dùng đến nữa. Gavrila, khinh thị tất cả những thứ đồ cổ lỗ ấy, nện đinh thúc ngựa ở giầy choang choang trên các phiến đá chạm trổ. Tới cửa cuối cùng, hắn cúi xuống, bước vào và ngay tức khắc cảm thấy mê mẩn vì một phép thần mạnh mẽ, dường như có một hơi lửa thổi vào người hắn.
Dưới vòm trẩn mạ vàng mờ, dưới ánh sáng những ngọn sáp là một cái bàn có những hình quái vật có cánh, mình sư tử đầu chim ưng, đỡ lấy; một phụ nữ trẻ tuổi đang ngồi viết, hai khuỷu tay để trần tì lên những tờ giấy bề bộn, một chiếc áo lót lông thú khoác trên đôi vai để trần, ánh sáng dịu dàng toả trên gương mặt thanh tao, tròn trĩnh; vứt cái bút lông thiên nga, đưa bàn tay đeo đầy nhẫn lên mái tóc màu hạt dẻ để sửa lại bím tóc nặng quấn quanh đầu, nàng ngẩng cặp mắt nhung đen lên nhìn Gavrila. Đó là công chúa Natalia Alekseyevna.
Gavrila không quỳ gối trước mặt nàng như tập quán dã man bắt buộc mà theo đúng quy tắc của phép lịch sự Pháp, đưa chân trái lên trước, dẫm mạnh xuống đất và ngả mũ cúi chào, những búp tóc quăn của bộ tóc giả đen như hạt huyền xoà xuống che kín mặt. Công chúa khẽ nhếch cái miệng xinh xinh mỉm cười, từ sau bàn đi ra, nâng hai bên xiêm rộng bằng sa tanh màu trần châu xám, cúi rạp xuống chào lại.
- Nhà ngươi là Gavrila, con của Ivan Artemist phải không? - nàng hỏi, cặp mắt sáng long lanh dưới ánh nến nhìn hắn từ dưới lên trên vì hắn rất cao, bộ tóc giả gần chạm tới vòm trần nhà - Ta có lời chào ngươi. Ngươi hãy ngồi xuống. Chị ngươi, Alekxandra Ivanovna có gửi từ La Hay về cho ta một bức thư nói rằng ngươi có thể giúp ta được nhiều trong công việc đang làm ta bận tâm. Ngươi đã có qua Paris rồi phải không? Ngươi đã thấy các nhà hát ở Paris rồi chứ?
Gavrila phải kể lại cho nàng nghe, cách đây hai năm, hắn đã từ La Hay đi thăm Paris trong dịp hội hoá trang cùng với hai chuyên viên hàng hải như thế nào; hắn tả lại những kỳ quan đã được thưởng ngoạn, từ các nhà hát cho đến các trò hoá trang ngoài phố. Natalia Alekseyevna muốn biết tường tận tất cả mọi thứ: nàng sốt ruột gõ gót giầy xinh xinh xuống đất, khi Gavrila lúng túng không biết diễn tả thế nào cho rõ ý nghĩ của mình; trong lúc mải mê vui thích, nàng tiến sát lại gần, mắt mở to nhìn Gavrila chằm chặp, thậm chí còn hơi hé miệng, ngạc nhiên về các phong tục của người Pháp.
- Xem đấy, - nàng nói, - nhân dân nước đó không có sống như ma xó, họ không đóng chặt cửa lại người nào ở nhà người nấy, họ biết vui chơi và làm vui người khác họ nhảy múa ở ngoài phố và ưa xem diễn kịch… Ở ta, cũng phải làm như thế mới được. Người ta bảo ngươi là kỹ sư, vậy ta trao trách nhiệm cho ngươi xây lại một phòng trong cung: ta đi chọn phòng đó để làm nhà hát. Ngươi hãy cầm lấy cây nến đi theo ta
Gavrila cầm cái giá nến nặng có cắm một cây nến đang cháy; chiếc áo dài sột soạt, Natalia Alekseyevna đi trước, dáng đi lướt như bay, qua các gian phòng trần hình vòm có những con mèo Angora thức giấc trên các lò sưởi nóng rực, cong lưng rồi lại uể oải nằm xuống; đây đó trên vòm cao, những Sa hoàng xứ Moskovi, nét mặt khắc khổ đưa con mắt cực kỳ nghiêm nghị nhìn theo nàng công chúa đang đâm đầu vào nơi sa đoạ và kéo luôn cả chàng thanh niên đội bộ tóc giả có sừng như ác quỷ kia, cùng tất cả thuần phong mỹ tục của Moskva xuống địa ngục.
Hai người đang đi xuống một chiếc cầu thang dốc và hẹp đâm sâu vào bóng tối dày đặc thì Natalia bỗng hoảng sợ và luồn cánh tay để trần vào dưới khuỷu tay Gavrila; hắn cảm thấy hơi nóng của vai nàng, hít hương thơm của mái tóc và áo lông thú của nàng; dưới gấu xiêm thò ra chiếc giầy nhỏ bằng da dê thuộc, mũi vuông và nàng cúi nhìn vào bóng tối đen ngòm, đi xuống mỗi lúc một thận trọng hơn; lòng Gavrila khẽ rung động và giọng hắn trở nên nghẹn ngào; xuống tới bên dưới Natalia chăm chú nhìn thẳng vào cặp mắt chàng trai trẻ.
"Mở cửa nầy ra" nàng nói và trỏ một cái cửa thấp phủ da đã bị mối ăn. Công chúa bước qua ngưỡng cửa cao, đi vào trước; bóng tối ấm áp phảng phất mùi bụi bậm và mùi chuột. Gavrila giơ thật cao cái giá nến và trông thấy một căn phòng rộng rãi, trần hình vòm dựa trên bốn cột to và lùn. Đó là phòng ăn của Mikhail Feodorovich, nơi vị Sa hoàng hiền lành ấy ăn uống xưa kia với các uỷ viên trong Zemski Sbor(3). Những bức bích hoạ vẽ trên cột và trên vòm đã long lở nước sơn, ván trên sàn nhà kêu cót két. Ở cuối phòng, treo trên đinh có những bộ tóc giả bằng xơ gai, những chiếc áo bào của vua bằng giấy và đủ các thứ đồ đạc áo quần của bọn diễn viên; trong một góc phòng, chất đống các mũ miện và áo giáp bằng sắt tây, đó là tất cả những gì còn lại của gánh hát Đức Johan Kunxte, trên Hồng trường, mới bị đóng cửa vì "đã diễn những vở ngu xuẩn và chướng tai gai mắt"
Natalia nói: "Nhà hát của ta sẽ đặt ở đây. Bên nầy ngươi sẽ dựng một sân khẩu cho diễn viên, với màn và đèn lồng và ở chỗ kia, ngươi sẽ đặt ghế cho khán giả. Cần phải trang trí các vòm trần bằng những bức tranh đẹp cho thật vui mắt".
Theo con dường cũ, Gavrila đưa công chúa trở về tẩng gác trên và nàng đã cho hắn về sau khi đưa tay cho hắn hôn. Gavrila về tới nhà lúc đã quá nửa đêm; chẳng buồn cởi quần áo, cứ để nguyên bộ lễ phục và bộ tóc giả, hắn lăn ra giường, hai mắt nhìn lên trần như thể, dưới ánh nến đang tàn, hắn vẫn còn trông thấy khuôn mặt bầu bĩnh, cặp mắt nhung có cái nhìn soi mói, cái miệng xinh xinh đang nói, đôi vai thanh tú khoác hững hờ những bộ lông thú thơm phức; hắn không ngừng nghe tiếng xiêm màu xám trân châu xếp nếp dày sột soạt bay lượn trước mặt hắn trong bóng tối ấm áp.
Tối hôm sau, công chúa Natalia lại cho triệu Gavrila đến và mãi tới khuya, đọc cho hắn nghe "Bí mật của lò lửa", vở kịch nàng viết dở chưa xong, nói về ba chàng trai trẻ trong một cái lò lửa cháy rừng rực. Gavrila nghe nàng ngâm những câu thơ nhịp nhàng, lắc lư chiếc bút lỏng thiên nga đánh nhịp, hắn tường chừng như mình là một trong ba chàng trai trẻ đó, trần trụi trong lò lửa rừng rực cháy, sắp kêu lên vì sung sướng, thét lên như một gã điên khùng.
Gavrila hăng hái bắt tay vào việc xây dựng hai gian phòng cũ, không kể gì đến những trở ngại của bọn thơ lại ở Bộ Nội điện đã tìm cách gây ra cho hắn ngay từ đầu không kể gì chuyện chúng cố tình chậm chạp trong việc cung cấp gỗ làm kèo làm cột, vôi, đinh và các vật liệu khác. Ivan Artemist lặng thinh mặc dầu lão biết con trai lão đã bỏ các bản vẽ và không tới trường hàng hải nữa; trong bữa ăn, chẳng buồn đụng đến thìa, chàng thanh niên đưa con mắt ngơ ngác nhìn chằm chặp vào một điểm nào đó trong không gian và đêm đến khi ai nấy đã ngủ cả, hắn đốt hết cả một cây nến đáng giá đến ba kopeik. Chỉ có mỗi một lần, Ivan Artemist, quay quay ngón tay sau lưng và cắn môi, đã đánh bạo nói: "Cha chỉ nói với con một điều thôi Gavriuska ạ, con đang đùa với lửa, cẩn thận đấy!"
°°°
Trong tuần chay, Sa hoàng Piotr rời Voronez để tới bờ sông Xvia, đã phóng qua Moskva như một cơn lốc và ra lệnh cho Gavrila cùng với người anh là Yakov tới Petersburg để xây dựng cảng. Đối với Gavrila, công việc xây dựng nhà hát đã chấm dứt như vậy… Và hắn đã kết thúc câu chuyện của mình như vậy. Hắn đứng dậy, ra khỏi bàn, cởi các khuy đinh rất nhiều trên cái áo kiểu Hà Lan, phanh ngực ra và hai tay đút túi chiếc quần chẽn ngắn và phồng ống, đi đi lại lại từ cửa sổ đến cửa ra vào trong gian phòng trát vữa không xoa nhẵn.
Aleksey hỏi:
- Và chú không quên được nàng?
- Không… và em không muốn quên, dù người ta có đặt đầu em lên bục xử trảm!
Yakov gõ gõ móng tay xuống mặt bàn, nói:
- Chính mẹ chúng ta đã để lại cho chúng ta trái tim đê mê say đó… Cả Xanka cũng như thế… Chẳng làm thế nào cưỡng lại được, chẳng có thuốc nào chữa nổi. Nầy, anh và chú, ta hãy nâng cốc để tưởng nhớ tới người mẹ đã quá cố của chúng ta là Avdochia Evdokimovna!
Vừa lúc đó, ở ngoài cửa ra vào có tiếng đinh thúc ngựa kêu lanh canh và tiếng ủng người ta đang cạo bùn; cánh cửa bỗng mở toang và một người choàng áo khoác đen lấm bùn, mũ đen có lon bạc hiện ra. Đó là Alekxandr Danilovich Melsikov, trung uý pháo thủ của trung đoàn Preobrazenski, tổng trấn Sluxenburg và toàn quyền xứ Careli, xứ Ingri và xứ Estonia.
- Trời ơi! Thật là một tiệm hút thuốc? Ấy, cứ ngồi yên, đừng có khách khí với ta. Chào các chú! - Alekxandr Danilovich nói với một vẻ vui đùa ồn ào. - Nầy, hay là ta đi ra bờ sông, hả? - Hắn cởi áo choàng, bỏ mũ và bộ tóc giả to sù rồi ngồi vào bàn; hắn nhìn những khúc xương đã gặm vương vãi trên bàn và nhìn vào cái lon không. - Vì buồn quá, ta đã ăn sớm, - hắn nói, - rồi đánh một giấc chừng non một giờ đồng hồ, khi tỉnh dậy thì chẳng còn ma nào trong nhà nữa: khách khứa và người nhà đã bỏ ta mà chuồn sạch… Ông toàn quyền đang ngủ mà có chết đi thì có lẽ cũng chẳng ai hay biết gì hết.
Hắn nháy mắt với Aleksey:
- Nầy ông trung tá, ông thết một ít vodka có bỏ hạt tiêu và dưa cải bắp được chứ: ta nhức đầu quá. Còn các chú, những người anh em xây dựng, công việc thế nào? Cần phải khẩn trương lên, thời giờ gấp lắm rồi. Ngày mai, ta sẽ đi ngó qua công việc của các chú.
Một lát sau, Aleksey trở ra với một đĩa dưa bắp cải và một chai vodka. Alekxandr Danilovich, cong ngón tay út được trau chuốt cẩn thận, có đeo một chiếc nhẫn kim cương to, thong thả rót một cốc rượu, nhón một ít dưa trong đĩa có lẫn những mảnh nước đá nhỏ, uống một hơi, hai mắt lim dim rồi mở mắt ra, nhai dưa cải bắp rau ráu.
- Thật ra không gì chán bằng ngày chủ nhật, những ngày chủ nhật sao mà buồn thế, không thể tưởng tượng được. Hay là mùa xuân ở đây đối với ta không tốt? Ta bị nhức nhối và ê ẩm khắp người… Chắc là tại thiếu đàn bà… Chiến sĩ gì chúng ta? Những cuộc chinh phục của chúng ta mới hay hớm làm sao? Chúng ta đã dựng lên một thị trấn nhưng một thị trấn mà không có đàn bà thì còn ra cái quái gì nữa? Thực đấy, ta sẽ đệ đơn từ chức lên Piotr Alekseevich. Kệ thây cái chức toàn quyền! Thà bán bất cứ cái gì trong một cửa hiệu và sống một cách nhỏ mọn ở Moskva còn hơn… vì trái lại, ở đấy có những cô gái mới tuyệt chứ! Những thần Vệ nữ! Những cặp mắt long lanh, tinh quái, những đôi má hồng hồng, lại dịu dàng, tươi vui… Thôi nào, ta ra bờ sông đi, ở đây ngạt thở lắm!
Alekxandr Danilovich không thể ngồi lâu được một chỗ, hắn lúc nào cũng vội, cũng như tất cả những ai làm việc với Sa hoàng Piotr; hắn nói một việc khác.
Thật khó mà chiều lòng hắn, hơn nữa, hắn lại là một con người nguy hiểm. Hắn ấn lên đầu bộ tóc giả cùng với mũ, khoác lên vai chiếc áo choàng lót lông hắc điêu và cùng với ba chàng thanh niên ra khỏi căn nhà nhỏ.
Tức khắc, một ngọn gió xuân dữ dội, mát và ẩm ướt, thổi vào mặt họ. Trên khắp hòn đảo, xưa kia tên là đảo Fomin, bây giờ mang tên là đảo Petersburgskaia Xtorona, những cây thông toả ra một tiếng rì rào vừa dịu dàng vừa hùng mạnh, nghe như một ngọn suối từ bầu trời xanh sâu thẳm tuôn xuống… Bầy quạ đen vừa kêu vừa bay lượn trên những cây phong hiếm hoi, trơ trụi.
Căn nhà nhỏ của Aleksey ở tận cuối quảng trường Troiskaia - đã được đốn cây và đào gốc - cách những quán chợ bằng gỗ mới dựng không xa bao nhiêu; các cửa hàng đều đóng ván hình chữ X bịt kín, vì các thương nhân chưa tới: bên phải, sừng sững những bức tường thành bằng đất và những pháo đài của toà thành, đã sạch tuyết; trong lúc nầy chỉ có mỗi pháo đài của pháo thủ Piotr Alekseyev là đã được lát đá đến lưng chừng;
Ở đó trên cột cờ, phấp phới lá cờ trắng mang hình chữ thập của thánh Andre như lá cờ tiên phong của hạm đội mà mọi người đang mong ngóng.
Trên khắp quảng trường, gió thổi gợn các vũng nước. Không buồn nhìn xuống chân, Alekxandr Danilovich mang ủng cao, lội bì bõm đi xiên về phía sông Neva. Quảng trường lớn ở Petersburg chỉ mới có trên lời nói và trên các bản đồ Sa hoàng Piotr vẽ trong sổ tay của mình; trong khi chờ đợi, nơi đó chỉ có một ngôi nhà thờ nhỏ bằng gỗ? Tường vít kín bằng rêu, - nhà thờ Ba Ngôi - và cách đó không xa, gấn sông là ngôi nhà nhỏ của Piotr Alekseevich, một căn nhà xoàng xĩnh hai gian, bằng gỗ xúc, làm rất kỹ; lớp ván gỗ bọc ngoài sơn giả gạch; đỉnh nóc nhà đặt một khẩu súng cối và hai quả trái phá, trông như đã châm ngòi, tất cả đều bằng gỗ sơn.
Phía bên kia quảng trường có một toà nhà thấp, theo lối Hà Lan trông rất ưa nhìn: một ngọn khói nhỏ xoáy chôn ốc không ngừng từ ống khói uốn khúc bay lên; qua cửa sổ gắn kính mờ, trông thấy bên trong có những bình bằng thiếc và những khúc đồi lợn treo lủng lẳng trên trần nhà; trên cửa ra vào vẽ lòe loẹt hình một tay thuỷ thủ già mặt mũi gớm chết, râu như một tên hải tặc, một tay cầm cốc bia, tay kia cầm ống gieo súc sắc: bên trên cửa, cót két ở đầu một thanh sắt, lủng lẳng một tấm biển đề: "Quán bốn cuộc đua thuyền".
Ra tới sông, gió thổi tung tà áo khoác, những búp tóc trên bộ tóc giả của họ. Băng trên sông Neva xanh biếc, có những khoảng rộng mảu trắng và những con đường phủ một lớp lầy tuyết bẩn lẫn phân súc vật. Bỗng Alekxandr Danilovich nổi cáu:
- Chúng ta chỉ được chỉ có hai ngàn rúp cho tất cả mọi công việc! A! đồ cạo giấy, đồ đạo đức giả, đồ hà tiện són ra một chút là đã buốt ruột! Ta cóc cần tất cả những bọn thơ, bọn lại ấy, với tất cả những ban bệ của chúng. Ở Moskva, chúng cò kè từng kopeik một nhưng chúng lại không sợ phí giấy! Ở đây, ta là chúa tể! Ta có tiền, có ngựa, ta có thể kiếm được thợ lành nghề, cần bao nhiêu cũng có; tìm đâu cho ra, đó là việc của ta… Còn các chú, anh em nhà Brovkin, các chú cần phải nhớ kỹ trong đầu rằng các chú đến đây không phải là để nghỉ ngơi… Hãy bớt ăn, bớt ngủ đi, nhưng tất cả các bến tàu, các cầu nổi, các kho đều phải sẵn sàng vào cuối tháng năm… Và không phải chỉ có bên tả ngạn, như trước đây đã có lệnh cho các chú, mà cả ở đây nữa, trên Petersburgskaia Xtorona nầy, để các tàu lớn có thể cập bến được.
Alekxandr Danilovich rảo bước đi theo dọc bờ sông, trỏ cho những người cùng đi nơi nào phải đóng cọc sâu, nơi nào phải xây bến tàu đậu.
Giả thử như, sau một trận hải chiến thắng lợi, chiếc kỳ hạm của thuỷ sư đô đốc, buồm bị bắn thủng lỗ chỗ, vừa tiến vào vừa nổ hàng loạt súng, thì chẳng lẽ lại để nó bỏ neo ở cửa sông Foltanka sao? Không, phải bỏ neo ngay tại đây nầy! - hắn dẫm chân lên một vũng nước - Và nếu như có một phú thương nào từ Anh hay từ Hà Lan tới thì đây là nhà của Piotr Alekseevich, đây là nhà ta, xin chào mừng các ngài.
Ngôi nhà của Alekxandr Danilovich, hay là dinh toàn quyền, cách ngôi nhà nhỏ của Sa hoàng một trăm xagien về phía thượng lưu, đã được xây dựng một cách vội vã bằng đất trộn rơm, trát vữa giả đá hoa, mái nhà cao theo kiểu Hà Lan, đi trên sông Neva, từ xa đã trông thấy; thềm có hai trụ vuông đỡ cái mi nhà, nằm giữa mặt nhà; trên gờ dốc bên phải có tượng Thuỷ tề nằm nghỉ bằng gỗ thếp vàng, tay cầm đinh ba, trên gờ dốc bên trái, một nữ thuỷ thần với cặp vú đồ sộ, tựa khuỷu tay trên cái bình đổ; trên mặt đầu hồi đắp những hoa tự "A.M." có một con rắn quấn quanh; trên nóc nhà, bay phấp phới trên đỉnh cột lá cờ của ông toàn quyền; trước thềm đặt hai khẩu đại bác:
- Cái nhà nầy, có đưa người ngoại quốc đến xem cũng không đến nỗi phải hổ thẹn, có phải không? Những vị thuỷ thần của ta đẹp đấy chứ? Trông cứ như là vừa mới ở dưới biển lên nằm trên thềm nhà ta ấy… và khi hạm đội từ sông Xvia tới, diễu qua, bao nhiêu buồm căng lên hết, ta sẽ nổ đại bác thì phải biết là khói um… Phải biết là đẹp!
Alekxandr Danilovich, cặp mắt màu lam nhấp nháy, ngắm nghía lâu đài của mình mãi không biết chán. Rồi hắn quay lại và càu nhàu bực dọc nhìn sang bên tả ngạn xa xa, gió đang lay động các ngọn thông trơ trọi mọc giữa những gốc cây đã bị đốn và những khoảng rừng thưa nham nhở.
- Thật đáng tiếc! Trong lúc vội vàng, ta đã làm hỏng phong cảnh mất đôi chút!
Hắn giơ gậy trỏ nơi sông Neva chia ra làm nhiều nhánh hình thành sông Foltanka.
- Xưa kia, từ cửa sổ nhà ta nhìn ra, viễn cảnh mới đẹp làm sao, rừng thông vươn lên như một bức tường thành, ở đó lẽ ra có thể cất được một ngôi nhà nghỉ mát mùa hè… Cánh rừng ấy, người ta đã đốn mất rồi! Khỉ thật! bao giờ cũng vậy… Các chú biết thế nào không? Hãy về cả nhà ta uống một chén và có gì ăn nấy.
- Thưa ngài toàn quyền, - Aleksey nói - ngài có trông thấy những xe trượt tuyết đang chạy trên sông Neva từ phía thượng lưu tới không? Có lẽ là Sa hoàng chăng?
Melsikov đưa mắt nhìn và reo lên: "Đúng rồi!"
Lập tức hắn làm náo động cả lên. Anh em nhà Brovkin đi ngay các ngả để truyền đạt mệnh lệnh; còn chính ông toàn quyền thì chạy về nhà, oang oang gọi kẻ ăn người ở. Một lát sau, hắn đã lại ra bờ sông, đứng trên bến con, không choàng áo khoác, chỉ mặc bộ quân phục của trung đoàn Preobrazenski, có những lai tay áo rộng bản màu đỏ thêu chỉ vàng, đai lụa buộc chéo qua vai và bên sườn đeo một thanh gươm, chính thanh gươm hai năm trước đây, hắn đã cầm trong tay xung phong sang một chiến thuyền Thuỵ Điển tại cửa sông Neva.
Trên mặt sông đóng băng gồ ghề, trông phát sợ, một đoàn dài xe trượt tuyết đang tới gần. Chừng năm chục long kỵ binh thúc những con ngựa đã mệt lử, phóng về phía bờ, vì sợ băng có những khe nứt. Theo sau là một chiếc xe trượt tuyết nặng có mui kín bằng da; chiếc xe rẽ ngoặt trên mặt băng ngập nước và đỗ lại trước bến tàu. Đúng lúc từ trong xe, từ dưới tấm da gấu thò ra một cẳng chân dài đi ủng to, thì hai khẩu đại bác trước nhà ông toàn quyền nổ vang như sấm. Sau chiếc ủng, hiện ra hai ống tay áo của một chiếc áo cầu ngắn bằng lông cừu, từ trong ống tay áo thò ra những ngón tay có móng tay cứng, nắm chặt lấy riềm xe, trong khi một giọng trầm trầm kêu lên:
- Danilys, giúp ta một tay… Quỷ thật! ta không ra được…!
Alekxandr Danilovich nhảy từ trên bến xuống nước ngập đến đầu gối, kéo Piotr Alekseevich ra khỏi xe. Vừa lúc đó tất cả các pháo đài trên thành Piotr và Paul nổ súng, khói bốc mù mịt, tiếng nổ ầm ầm vang dội trên mặt sông. Một lá cờ leo lên đỉnh cột cờ, trên căn nhà nhỏ của Sa hoàng.
Piotr Alekseevich leo lên bến, đứng thẳng người, vươn vai, hất cái mũ lông ra đằng sau, và thoạt tiên nhìn Danilys với khuôn mặt dài, đỏ ửng lên vì sung sướng và cặp lông mày động đậy. Sa hoàng ôm lấy má hắn vào hai lòng bàn tay, siết chặt và nói:
- Chào bạn! Ngươi đã không thèm đến thăm ta mà ta thì cứ đợi ngươi mãi. Thế thì ta đến vậy… Cởi cho ta cái áo cầu. Đường đi xấu lắm, suýt nữa thì bọn ta chết đuổi, ở mé dưới Sluxenburg; suốt dọc dường ta bị xóc dữ quá, tê cả chân.
Piotr Alekseevich chỉ còn mặc cái áo bằng dạ lót lông sóc; khuôn mặt tròn, không cạo râu, ria mép vểnh lên lởm chởm, chìa ra hứng gió nhà vua đưa mắt nhìn theo những đám mây ùn ùn trên bầu trời mùa xuân, bóng lướt nhanh qua các hồ ao, vũng nước và mặt trời rực rỡ vẫn chiếu sáng, lấp ló giữa các khe mây, phía bên kia đảo Vaxilievski. Lỗ mũi nhà vua mở to, hai bên mép lõm xuống thành lúm đồng tiền.
- Thật là một thiên đường! - Sa hoàng nói. - Danilưts, đây quả thực là cảnh bồng lai, cảnh thiên đường trên trái đất… Ngửi thấy mùi biển cả…
Nhiều người đang chạy trên quảng trường, làm các vũng nước bắn tung tóe. Đằng sau họ, binh lính các trumg đoàn Preobrazenski và Xemionovski, hàng ngũ chỉnh tề binh phục màu xanh lá mạ bó sát người, ủng trắng, nặng nề tiến bước, súng cắm lưỡi lê chĩa ra phía trước.
 
Chú thích:
 
(1) Tức Alekxandr đại đế thời cổ Hy Lạp lừng lẫy vì nhữcg chiến công oanh liệt.
(2) Gọi Gavrila một cách thân mật.
(3) Hội đồng do giai cấp quý tộc bầu ra
 

Truyện PIE ĐỆ NHẤT Tiểu sử & chú thích Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 Chương 118 Chương 119 Chương 120 Chương 121 Chương 122 Chương 123 Chương 124 Chương 125 Chương 126 Chương 127 Chương 128 Chương 129 Chương 130 Chương 131 Chương 132 Chương 133 Chương 134 Chương 135 Chương 136 Chương 137 Chương 138 Chương 139 Chương 140 Chương 141 Chương 142 Chương 143 Chương 144 Chương 145 Chương 146 Chương 147 Chương 148 Chương 149 Chương 150 Chương 151 Chương 152 Chương 153 Chương 154 Chương 155 Chương 156 Chương 157 Chương 158 Chương 159 Chương 160 Chương 161 Chương 162 Chương 163 Chương 164 Chương 165 Chương 166 Chương 167 Chương 168 Chương 169 Chương 170 (chương kết)