Dịch giả: Nguyễn Xuân Thảo, Trịnh Như Lương
Chương 146

Tại bàn ăn của Melsikov, trong toà lâu đài xây dựng ở biên cảnh đất Nga, bên bờ cái vịnh đã chiếm lại được tụ tập những con người mới, những con người chỉ nhờ ở tài năng của mình, - Sa hoàng Piotr đã ra lệnh "từ nay đánh giá đám quý tộc theo công lao" - mà đã ngoi ra được khỏi những túp lều ám khỏi đổi giầy gai lấy giầy có khoá, mũi vuông, làm bằng da Nga. Đáng lẽ phải ngòi mà than vãn, tự hỏi: "Lạy Chúa, tại sao Chúa bắt con phải chịu cảnh kêu gào vì đói trong căn nhà giá lạnh nầy" thì họ lại ngồi trước những đĩa thức ăn đầy như tối nay chẳng hạn, suy nghĩ và bàn luận về công việc quốc gia, dù muốn hay không cũng vậy. Có mặt anh em nhà Brovkin, các nhà đóng tàu nổi tiếng Fedorxey Xkliaev và Gavrila Melsikov đã đi theo Piotr Alekseevich từ Voronez tới tận bờ sông Xvia, nhà thầu khoán Ermolai Negomorski ở Novgorod, cặp mắt ban đêm sáng như mắt mèo, Terenti Buda, chuyên chế tạo mỏ neo, và Efrem Tarakanov nhà điêu khắc gỗ và mạ vàng nổi tiếng.
Khách khứa không phải tất cả đều là nguồn gốc hạ lưu: ngồi bên trái Sa hoàng là Roman Brux, người xứ Scotland tóc hoe hoe đỏ, dòng dõi hoàng tộc, khuôn mặt xương xẩu, môi mỏng, mím chặt một cách dữ tợn, - một nhà toán học và đọc sách không biết mệt cũng như người em ông ta là Jakov; cả hai anh em đều đẻ ở Moskva, tại xloboda Đức, họ đã đi theo Sa hoàng từ hồi nhà vua còn niên thiếu và coi sự nghiệp của nhà vua như sự nghiệp của bản thân họ. Còn có một người dáng điệu uể oải, kiêu kỳ, mắt như đại bàng, mũi thanh tú điểm một vệt ria nhỏ: đó là đại tá cận vệ Mikhail Mikhailovich Golixyn, đã từng nổi danh trong trận xung phong đánh chiếm Sluxenburg; cũng như mọi người, hắn uống rất nhiều, mặt mỗi lúc một tái mét và gõ đinh thúc ngựa choang choang dưới gầm bàn; còn có phó thuỷ sư đô đốc của hạm đội Baltic mà mọi người đều đang mong đợi, Cornelix Cruyx, một con sói biển mặt sạm sương gió, hằn những nếp nhăn sâu và nghiêm nghị, mắt màu xanh lờ lờ, trông kỳ lạ và lạnh lêo như những vực thẳm của biến cả; còn có trung tướng Samber, người chắc nịch, mặt đầy đặn, mũi khoằm khoằm, cũng là một tay lão luyện, một trong số những người tin tưởng vào vận mệnh của Sa hoàng Piotr, đã đem tất cả những gì họ có ra phục vụ nhà vua: thanh gươm của họ, lòng dũng cảm và danh dự quân nhân của họ; ở đó còn có
Gavrila Ivanovich Golovkin, nội thị của Sa hoàng, một người có đầu óc khôn ngoan và sắc sảo, tính tình lặng lẽ trợ tá của Melsikov trong công việc xây dựng thành phố và pháo đài.
Đã đến lúc khách khứa cùng nói một lúc, bô bô ầm ĩ có người cố ý gào to lên để Sa hoàng nghe thấy. Phảng phất mùi vữa ẩm trong gian phòng cao; trên tường quét vôi trắng, những cây nến đang cháy trong những chiếc đèn vách ba chạc, cọ chụp hắt ánh sáng bằng đồng; cũng có rất nhiều nến cắm vào các chai rỗng đặt trên khăn trải bàn màu sặc sỡ; giữa những đĩa bằng đất nung và bằng thiếc, bày la liệt các món ăn mà ông toàn quyền đã kiếm được để thết khách; giăm-bông, lưỡi bò, dồi xấy, ngỗng, thỏ, dưa cải bắp và tân đại căn, dưa chuột muối, tất cả những thứ đó đều la do nhà thầu khoán Negomorski biếu Melsikov.
Người ta cãi nhau, la hét, nhất là về vấn đề phân phát lương thực và cỏ ngựa: ai cũng buộc tội người khác là vơ bừa về phần mình. Thực phẩm được chuyên chở từ Novgorod, từ Tổng cục tiếp tế đến bằng thuyền vào mùa hè, qua sông Volkhov và hồ Ladoga, và mùa đông thì qua con đường mới phá xuyên qua các khu rừng rậm. Lương thực được đưa tới Sluxenburg bỏ vào kho, có những tường thành vững chãi của pháo đài bảo vệ; ở đó tại các kho, các nhân viên được lựa chọn trong số nhân viên sở thuế tin cẩn nhất, theo lệnh trưng thu, trao cho Petersburg các thực phẩm cho binh sĩ đóng tại "Thành phố trên đất liền", cho khu Vyborskaia Xtorona, cho các cơ quan hành chính điều khiển các công trình xây dựng, và cho đám nông dân bị bắt làm các công việc tạp dịch - đào đất, đốn gỗ, thợ mộc, thợ nề, thợ lợp mái - đến đây làm việc, luân phiên thay nhau ba đợt từ tháng tư đến tháng chín. Đoạn đường từ Novgorod đến Sluxenburg rất khó đi, trong vùng nầy, bị chiến tranh tàn phá, không sao kiếm ra được cái gì, lương thực dự trữ cạn rất nhanh và Brux, Samber, Cruyx, cũng như các nhân vật khác địa vị thấp hơn, dành giật nhau tất cả những gì có thể lấy được. Tối hôm đó, tại bàn ăn, họ nổi hung lên, trả miếng nhau.
Người ta dâng Piotr Alekseevich một món ăn nóng: súp nấu mì ống. Lính tráng được phái đi các ngả đã moi được một con gà trống trong một cái trại nhỏ, bên bờ sông Foltanka, tại nhà một người dân chài Phần Lan; người nầy đã thừa cơ bắt bí đòi trả con gà già ấy mười lăm kopeik. Ăn xong, Piotr Alekseevich đặt lên bàn hai cánh tay dài có những bàn tay to khỏe, mạch máu căng lên sau bữa tắm. Nhà vua nói ít và chăm chú nghe, đôi mắt lồi nghiêm nghị, trông đáng sợ nữa là khác; nhưng khi nhà vua cúi nhìn xuống để nhồi tẩu hay vì một lý do gì khác thì bộ mặt với cặp má tròn trĩnh, mũi ngắn, miệng nhỏ và tươi cười, nom lại có vẻ rất hiền hậu: hãy lại gần đây, đừng sợ, hãy chạm cốc với nhà vua: "Chúc sức khỏe Ngài pháo thủ". Và tuỳ theo người đến gặp, đối với người nầy thì nhà vua không thèm trả lời, đối với người khác thì nhà vua niềm nở hất đầu đáp lại, lắc những món tóc tơ, quăn trên trán.
"Chúc mừng thần Baccux!" nhà vua nói, giọng trầm trầm, rồi hất cốc rượu vào mồm theo kiểu bọn hoa tiêu và thuỷ thủ đã dạy nhà vua ở Hà Lan.
Hôm đó, Piotr Alekseevich rất lấy làm hài lòng là Danilys đã cất được ngay mũi bọn Thuỵ Điển, một toà nhà đẹp như thế nầy, trên có dựng tượng vua Thuỷ tề và một tiên nữ của biển khơi; nhà vua vui vẻ nghĩ rằng, tất cả đám khách khứa ngồi bên cạnh đều là người của mình, đang sôi nổi bàn cãi về một công cuộc lớn lao, không hề bận tâm đến nguy hiểm, cũng không hề cân nhắc về khả năng thành công. Nhưng cái làm nhà vua sung sướng hơn hết là thấy tất cả những điều nhà vua đã ghi chép nguệch ngoạc để khỏi quên vào một cuốn sổ tay dày bỏ trong túi cùng với một mẩu bút chì gậm nham nhở, cái tẩu và túi đựng thuốc lá, tất cả những điều đó đã được thực hiện tại chốn nầy, nơi kết thúc những mơ ước xa xăm và những dự định táo bạo của mình. Phải, giấc mơ xưa kia đã trở thành hiện thực; gió lay động lá cờ treo trên pháo đài của toà thành, bờ sông lầy tua tủa mái chèo; khắp nơi, ai nấy đều hối hả, mải mê với những lo nghĩ và công việc của họ, và thành phố đã vươn lên, tuy hiện nay còn chưa lấy gì làm to lớn lắm, nhưng cũng đã có một nhịp sống đều đều hàng ngày.
Piotr Alekseevich nhấm nhấm cái tẩu bằng hố phách, lơ đãng nghe Brux tính hay cáu kỉnh đang càu nhàu với nhà vua về vấn đề cỏ mốc và Samber, say mèm, đang hét ầm lên và cố chạm cốc của hắn vào cốc của Sa hoàng… Ra là đây, mảnh đất thân yêu, mảnh đất xiết bao mong ước. Tất nhiên, đi trên biển Azop nước ấm và bàng bạc, phải mất bao nhiêu nỗ lực gian khổ mới chinh phục được, cũng thú vị: đi trên Bạch Hải, sóng nước lạnh lẽo, bập bềnh dưới màn sương mù dày nặng, cũng thú vị nhưng không gì có thể so sánh được với biển Baltic, con đường rộng thênh thang dẫn tới các thành phố kỳ diệu, những vùng trù phú. Ở đây ngay cả đến trái tim cũng đập khác, tư tưởng mở rộng đôi cánh và sức lực như tăng lên gấp bội
Alekxandr Danilovich thỉnh thoảng lại liếc nhìn Myn Herz hắn thấy lỗ mũi nhà vua mỗi lúc càng nở to thêm, và khói thuốc từ tẩu bay ra mỗi lúc một thêm dày đặc.
- Thôi đủ rồi! - hắn bỗng hét lên với khách khứa. - Lúa mạch, kê, lúa, mạch, kê, các ngài chỉ biết nói mãi có thế! Ngài pháo thủ tới đây không phải để nghe nói về lúa mạch và kê.
Và Melsikov, nháy mắt một cái làm cả một bên má nhăn lại, ra hiệu cho một gã béo phị, mặc áo ngắn, tà áo loe rộng, đang mỉm cười ngọt sớt:
- Fenten, rót rượu đi rượu sông Ranh, cái thứ nhà ngươi biết đấy!
Rồi hắn quay về phía Piotr Alekseevich và chờ đợi. Cũng như mọi lần, Melsikov đã đoán được, đã nhìn thấy trong cặp mắt tối sầm lại của Sa hoàng là đã đến lúc tất cả những gì vốn từ lâu âm ỉ, sôi sục trong lòng Piotr Alekseevich, tất cả những gì từ lâu vẫn day dứt nhà vua, đã kết hợp lại với nhau bằng đủ mọi cách trong đầu óc nhà vua, và hiện rõ dần thành một ý chí dứt khoát, không gì lay chuyển nổi. Từ lúc đó trở đi thì không còn bàn cãi gì được nữa, không còn có thể ngăn trở ý chí của nhà vua được nữa.
Mọi người im bặt. Chỉ nghe thấy tiếng rượu từ một cái vò chảy ồng ộc vào các cốc. Piotr Alekseevich, hai bàn tay vẫn đặt trên mặt bàn ngả người vào lưng ghế thếp vàng.
- Vua Charles can đảm nhưng kém thông minh, mà lại rất kiêu ngạo, tự phụ, - nhà vua nói, kéo dài từng lời theo lối nói của Moskva - Năm 1700, hắn đã bỏ lỡ mất vận động. Nếu như hắn biết nắm lấy thời cơ đó, thì chúng ta đã chẳng còn được ngồi đây mà uống rượu sông Ranh nữa. Trận thua ở Narva đối với chúng ta rất có ích. Càng rèn, sắt càng cứng và con người ta cũng dày dạn lên. Chúng ta đã học được nhiều điều mà trước kia chúng ta thậm chí cũng không hề nghĩ tới. Các tướng lĩnh của chúng ta, cùng với Bois Petrovich Seremetiev và Anikita Ivanovich Repnin, đã chứng tỏ cho toàn thế giới thấy rằng không có câu chuyện thần kỳ Thuỵ Điển, rằng bọn Thuỵ Điển, ta có thể đánh bại được chúng ở đồng bằng cũng như trên các chiến luỹ của một thành trì. Các ngươi, mà ta rất quý mến, các ngươi đã chinh phục và xây dựng cái nơi tốt lành nầy. Thần Thuỷ tề, người vỗ sóng của biển cả, đã nằm trên mái nhà của chủ nhân đây chở đợi những chiến thuyền mà chúng ta đang đóng đến thành chai tay. Nhưng sau khi đã bám chắc được Petersburg, mà lại cứ phải không ngừng đẩy lui những cuộc đột kích của bọn Thuỵ Điển trên sông Xextra và trên đảo Kotlin thì như thế có hợp lý không? Chẳng lẽ ta cứ ngồi chờ vua Charles chán cảnh chinh chiến với những mộng mị và mơ tưởng của hắn, rút quân ở châu Âu về đề quay lại đánh ta sao? Khi ấy thì có lẽ ngay chính thần Thuỷ tề cũng chẳng cứu nổi chúng ta. Đây là trái tim của chúng ta, và chính tại biên cương xa xôi, trong những pháo dài hùng mạnh, chúng ta sẽ phải đương đầu chọi nhau với vua Charles. Chúng ta cần phải liều mà nắm lấy thế tấn công. Ngay sau khi băng đã tan hết, cần phải tiến đánh Kexhom, chiếm lấy của bọn Thuỵ Điển, để cho hồ Ladoga thuộc hẳn về ta như xưa kia, và hạm đội của ta có thể chạy từ phía Bắc xuống mà không phải e ngại gì hết. Cần phải vượt qua sông Narova và chiếm lấy Narva, lần nầy thì chúng ta sẽ không để bị đánh bại. Các bạn, chúng ta phải chuẩn bị cho chiến dịch nầy ngay tức khắc. Mọi chậm trễ đều có nghĩa là chết!
 

Truyện PIE ĐỆ NHẤT Tiểu sử & chú thích Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 Chương 118 Chương 119 Chương 120 Chương 121 Chương 122 Chương 123 Chương 124 Chương 125 Chương 126 Chương 127 Chương 128 Chương 129 Chương 130 Chương 131 Chương 132 Chương 133 Chương 134 Chương 135 Chương 136 Chương 137 Chương 138 Chương 139 Chương 140 Chương 141 Chương 142 Chương 143 Chương 144 Chương 145 Chương 146 Chương 147 Chương 148 Chương 149 Chương 150 Chương 151 Chương 152 Chương 153 Chương 154 Chương 155 Chương 156 Chương 157 Chương 158 Chương 159 Chương 160 Chương 161 Chương 162 Chương 163 Chương 164 Chương 165 Chương 166 Chương 167 Chương 168 Chương 169 Chương 170 (chương kết)