Dịch giả: Nguyễn Xuân Thảo, Trịnh Như Lương
Chương 162

Buổi chiều, trời mưa lăn tăn. Anixia Tolstaia sợ mọi người buồn bèn nghĩ ra trò chơi đánh bóng trong điện để Ngai vàng, hiện trống không, đã mấy năm nay không ai vào.
Chị em nhà Melsikov, Anna và Marfa, thì thích nô đùa quá đi rồi - những dải lụa tung bay, cánh tay mũm mĩm để trần đến khuỷu giơ lên, họ hét the thé đuổi theo quả bóng trên sàn nhà cọt kẹt. Hôm đó Natalia Alekseyevna chẳng hiểu tại sao, cảm thấy muốn khóc trò chơi không làm nàng vui… Hồi nàng còn nhỏ, mặt trời xuyên qua các khung cửa sổ nhỏ trổ tít trên cao, lắp kính đò, vàng xanh, luôn luôn soi sáng gian phòng nầy và trên tường, lớp da thếp vàng lấp lánh. Người ta đã bóc lớp da đi, đề trơ ra những bức tường gỗ súc xơ rủ lòng thòng. Mưa rơi lộp độp trên mái nhà. Nàng nói với Catherine:
- Ta không thích cung Izmailovskoe, nó rộng, trống trải dường như một người chết ấy. Chúng ta hãy lẳng lặng ra chỗ khác ngồi đi.
Nàng đặt tay lên vai Catherine và dẫn cô ta xuống tầng dưới vào buồng ngủ của Natalia Kirilovna, người mẹ đã quá cố của nàng: căn phòng chật hẹp nầy đã bị lãng quên, hoang tàn. Biết bao thời gian đã trôi qua, vậy mà nơi đây vẫn còn ngửi thấy, tuy chỉ là thoang thoảng, mùi hương trầm bay có lẽ mùi xạ. Cho đến những ngày cuối đời mình, Natalia Kirilovna vẫn ưa thích các hương liệu phương Đông
Natalia liếc nhìn cái giường trơ trọi không chăn đệm, những cột xoắn không riềm, cái gương mờ hình vuông nhỏ xíu treo trên tường; nàng quay đi và đẩy cánh cửa sổ cũ kỹ. Mùi nước mưa đang rơi rào rào trên lá tứ dinh hương trước cửa sổ, trên cây ngưu bàng và cây tầm ma, lọt vào phòng
- Ta ngồi xuống đi, Katia - Hai người ngồi trước cửa sổ để ngỏ, - Thế đấy! - Natalia thở dài nói. - Giờ đây mùa hạ đang tàn, quay đi quay lại đã sắp đến mùa thu rồi… Đối với em điều đó chẳng can gì? ơ cái tuổi mười chín người ta không thấy ngày tháng trôi qua: mặc cho ngày tháng cứ bay đi như chim… Còn ta, em biết ta bao nhiêu tuổi rồi không? Ta chỉ kém Petruska có năm tuổi thôi… Em cứ tính xem… Mẹ ta lấy chồng năm mười bảy tuổi, cha ta đã gần bốn mươi. Người đẫy đà râu. Người lúc nào cũng đượm mùi bạc hà và Người ốm đau luôn… Ta cũng không còn nhớ mấy… Người mất vì chứng thuỷ thũng.: Anixia Tolstaia một hôm uống rượu ratafia quá chén đã tâm sự với ta những điều bí mật… Mẹ ta hồi còn trẻ tính tình vui vẻ, vô tư lự và say đắm… Em hiêu không? - Natalia buồn bã nhìn vào cặp mắt Catherine - Phe cánh Sofia và bọn ăn bám vào mụ đã đồn đại về mẹ ta biết bao nhiêu là chuyện! Nhưng có thể buộc tội Người được không? Theo tục lệ cổ thì cái gì cũng là tội lỗi tất, thậm chí chỉ là đàn bà cũng đã là có tội rồi; chúng ta là con thuyền của ma quỷ là cánh cửa dẫn xuống hoả ngục… Nhưng theo chúng ta, theo những tập tục mới thì đó chỉ là thần ái tình đáng yêu đã dang cánh bay đến và đã bắn ngươi trúng một mũi tên… Vậy thì sau đó, một đêm thu kia, phải đeo đá vào cổ mà nhảy xuống ao ư? Lỗi không phải tại người đàn bà mà tại ái tình! Anixia kể rằng ở Moskva hồi đó có Muxin - Puskin, một chàng trai con nhà quý tộc đẹp tựa thiên thần hay nói cho đúng hơn là đẹp một cách ma quái, can đảm, hăng hái, một trang công tử tuyệt vời và trác táng… Trong tuần hội giả trang, trên băng sông Moskva, chàng đã thách thức đấu quyền với tất cả ai muốn đọ sức với chàng… Chàng đánh họ thua tất… Mẹ ta thường bí mật đi một cỗ xe xuềnh xoàng, che mui kín, lẻn đến xem những cuộc đấu quyền đó, và cảm phục sự dũng cảm của chàng… Về sau, Người đã đem chàng vào trong triều làm quan tế tửu ở chỗ Người… - Natalia Alekseyevna quay khuôn mặt xinh đẹp về phía cái giường đổ nát, một nét nhăn nhó hằn lên ở giữa đôi lông mày - Bỗng nhiên, người ta cử chàng đi Puxtozesk làm tổng trấn… Mẹ ta không bao giờ gặp lại chàng nữa… Ấy thế mà Catherine ạ, đến một chuyện như vậy ta cũng không có được.
Mưa tiếp tục uể oải rơi lất phất. Không khí nặng nề. Sau màn sương, thấp thoáng in bóng những thân cảy to tướng nom không giống những cây thông của Izmailovskoe. Chim chóc náu vào dưới mái nhà không ríu rít, không hót nữa. Chỉ có một con quạ lông xù đang bay là là trên cánh đồng trắng xoá. Catherine bình thản nhìn nó, nàng rất muốn nói với công chúa là con quạ ăn trộm kia đang bay đến chuồng gà con vàng óng.
Natalia Alekseyevna thì cả hai khuỷu tay lên bậu cửa sổ, đầu nàng cúi xuống như nặng trĩu thêm vì các bím tóc quấn quanh đầu; Catherine nhìn cái cổ và những món tóc tơ loăn xoăn ở gáy công chúa tự hỏi: "Có thể nào lại chưa có ai hôn lên đó? Buồn thật?" Và Catherine khẽ thở dài.
Nhưng Natalia cũng đã nghe thấy; vẻ đùa nghịch, nàng nhún một vai và nói, bàn tay đỡ lấy cằm:
- Và bây giờ em hãy nói về em cho ta nghe… Nhưng phải nói thật… Em đã có bao nhiêu người yêu rồi Catherine?
Catherine quay mặt đi và nói khẽ:
- Ba ạ!
- Alekxandr Danilovich thì ta đã biết rồi. Nhưng trước ông ta là ai? Seremetiev có phải không?
- Không ạ, ồ thưa lệnh bà không phải ạ! - Catherine vội vã đáp. - Tiện tì chỉ mới có đủ thời giờ để nấu súp cho ngài đại nguyên soái thôi, một món xúp kiểu Estonia nấu với sữa ngọt, và giặt quần áo cho ngài… Chà, tiện tì không thích ngài đâu? Tiện a chỉ sợ mình khóc lên mất, nhưng tiện tì đã cương quyết tự nhủ: ta sẽ đốt lò, khói có làm mình chết ngạt, mình cũng sẽ không sống với ông ta. Alekxandr Danilovich đã đem tiện tì đi ngay ngày hôm đó… Tiện tì rất mến ông ta… Ông ta vui tính lắm, luôn luôn nói đùa với tiện tì, hai người cười nhiều lắm… Tiện tì không thấy sợ ông ta chút nào cả.
- Thế còn anh ta, em có sợ không?
Catherine mím môi, nhíu đôi lông mày mượt như nhung, thực thà trả lời:
- Thưa có ạ… nhưng hình như chẳng bao lâu tiện tì sẽ không sợ nữa.
- Thế còn người tình nhân thứ hai của em là ai?
- Ồ thưa lệnh bà Natasa, người thứ hai không phải là một người tình nhân thực sự… Anh ta là một người lính Nga, một người tốt bụng, tiện tì chỉ yêu anh ta có một đêm thôi… Tiện tì chẳng có gì từ chối anh ta được; chính anh ta là người đã cứu tiện tì thoát khỏi tay đám người hung tợn đội mũ lông cáo và cầm gươm cong… Họ lôi tiện tì ra khỏi ngôi nhà đang bốc lửa cháy rừng rực, xé áo tiện tì, lấy roi quất tiện tì vì tiện tì cào cấu họ, họ định lôi tiện tì lên ngựa… Anh ta chạy đến, xô một tên gạt một tên khác, anh ta mới khỏe làm sao chứ? Anh ta thét lên: "Quân uống rượu sữa ngựa kia! Ai cho phép bay hãm hại con bé nầy?" Anh ta bế tiện tì lên đem về chỗ để xe quân lương… Tiện tì chỉ còn có một cách để tạ ơn anh ta thôi… Trời đã tối, hai người nằm trên rơm…
Natalia, cánh mũi phập phồng, gay gắt hỏi:
- Dưới gầm xe à?
- Vâng… Anh ta bảo tiện tì: "Tuỳ em thôi, cô bé ạ. Là vì người con gái có tự ý ôm ta thì mới thích…", cho nên dẫu sao tiện tì cung coi anh ta như là tình nhân của mình vậy!
- Thế còn người thứ ba?
Catherine nghiêm trang trả lời:
- Người thứ ba là chồng tiện tì, Johan Rabe, lính giáp kỵ của hoàng thượng Charles ở đồn Marienburg… Khi ấy tiện tì mười sáu tuổi. Mục sư Gluc bảo; Catherine, ta đã nuôi dưỡng con khôn lớn, ta muốn làm trọn lời hứa của ta với người mẹ quá cố của con, ta đã tìm cho con một người chồng tốt.
- Em còn nhớ rõ cha mẹ em chứ? - Natalia hỏi.
- Không ạ, tiện tì nhớ không rõ… Cha tiện tì là Ivan Xkavrotsuc… Khi còn trẻ, ông đã trốn khỏi Lidva, khỏi Minsk, trốn khỏi nhà lãnh chúa Xapieha, sang Estonia sinh sống gần Marienburg, ở đó ông đã lĩnh canh một cái ấp nhỏ. Chính ở đó, mấy anh em tiện tì đã ra đời: bốn anh, hai chị, tiện tì là con út… Bệnh dịch hạch phát ra. Cha mẹ và anh cả tiện tì chết. Mục sư Gluc mang tiện tì về nuôi, ông ta là người cha thứ hai của tiện tì. Tiện tì đã lớn lên trong nhà ông ta… Một người chị tiện tì ở Revan, chị kia ở Riga, còn giờ đây các anh tiện tì ở đâu, tiện tì cũng không biết. Chiến tranh đã khiến anh em tiện tì tan tác mỗi người một nơi.
- Em có yêu chồng em không?
- Tiện tì chưa kịp yêu… Cưới nhau vào ngày Thánh Jean… Ồ, thật vui quá! Mọi người đã đến bên hồ, đốt lửa lên, tết những vòng hoa, và nhảy múa theo điệu nhạc của vĩ cầm. Mục sư Gluc kéo đàn! Mọi người uống rượu bia và nướng xúc xích ướp sa nhân… Một tuần sau, đại nguyên soái Seremetiev bao vây Manenburg… Khi quân Nga phá vỡ tường thành, tiện tì bảo Johan: "Trốn đi anh!". Johan đã nhảy xuống hồ và bơi trốn. Từ đấy tiện tì không gặp lại anh ta nữa.
- Em phải quên hắn đi!
- Tiện tì cần phải quên nhiều chuyện lắm… nhưng tiện tì cũng dễ quên thôi, - Catherine nói và rụt rè mỉm cười cặp mắt như quả anh đào của nàng giàn giụa nước mắt.
- Catherine, em không giấu gì ta đấy chứ?
- Tiện tì đâu dám thế? - Catherine nói tha thiết. Nước mắt chảy ròng ròng trên đôi má nàng mơn mởn như trái đào. - Nếu tiện tì nhớ ra điều gì, cả đêm tiện tì sẽ không ngủ được, sáng sớm tiện tì sẽ chạy đến tìm lệnh bà để kể cho lệnh bà nghe.
- Ấy thế mà em còn sướng đấy, - Natalia áp tay vào má và lại nhìn qua cửa sổ như một con chim trong lồng. Nàng nghẹn ngào như trong cổ có một cục gì chặn lại Chúng ta, những người con gái của Sa hoàng, chúng ta tha hồ vui chơi thế nào đi nữa thì vẫn chỉ có một con đường độc nhất đợi chờ chúng ta: con đường đến tu viện… Người ta không gả chồng cho chúng ta, người ta không lấy chúng ta làm vợ. Hoặc là phải mặt dày mầy dạn như Maska và Katka… Không phải vô cớ mà chị Sofia đã vật lộn hung dữ như con hổ cái để dành lấy quyền bính.
Catherine đang cúi xuống để hôn bàn tay công chúa nổi những đường gân xanh nắm chặt lại vì buồn phiền thì bỗng một chàng kỵ sĩ cao lớn cưỡi một con ngựa gầy, bườm ướt đẫm, xuất hiện trên cánh đồng; áo khoác hắn thấm nước và những túm lông chim đính trên mũ cũng ướt sũng rũ xuống. Trông thấy Natalia Alekseyeva, hắn nhảy xuống ngựa, bỏ mặc đó, rồi bước một bước về phía cửa sổ, ngả mũ và quỳ gối xuống cỏ, ép mũ vào ngực
Natalia Alekseyevna choàng đứng dậy, bím tóc to của nàng rơi thõng xuống cổ, mặt nàng đỏ bừng, run lên, cặp mắt sáng long lanh, dôi môi hé mở…
- Gavrila! - nàng thầm thì. - Ngươi đấy ư? Chào anh bạn… Thế nào, vào đi chứ, sao lại cứ đứng ngoài mưa thế?
Theo sau Gavrila, một cỗ xe ngựa tới, ngồi cạnh người đánh xe là một người mũi nhọn, vẻ mặt sợ hãi, đầu trùm một cái bao để che mưa. Hắn lập tức bỏ mũ nhưng không xuống xe. Gavrila, cặp mắt u buồn không rời khỏi Natalia Alekseyevna, tiến lại sát bụi tứ đinh hương:
- Xin kính chào công chúa, cầu Chúa hãy mãi mãi giữ gìn sức khỏe cho công chúa, - hắn nói giọng nghẹn ngào dường như khó thở. - Tôi thực hiện một nhiệm vụ của Sa hoàng giao cho, đưa đến cho công chúa một hoạ sĩ khéo tay được lệnh vẽ chân dung một người đáng yêu… Sau đó, phải cho anh ta đi học ở nước ngoài. Anh ta ngồi trên xe kia… Xin công chúa cho phép tôi vào cùng với anh ta.
 

Truyện PIE ĐỆ NHẤT Tiểu sử & chú thích Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 Chương 118 Chương 119 Chương 120 Chương 121 Chương 122 Chương 123 Chương 124 Chương 125 Chương 126 Chương 127 Chương 128 Chương 129 Chương 130 Chương 131 Chương 132 Chương 133 Chương 134 Chương 135 Chương 136 Chương 137 Chương 138 Chương 139 Chương 140 Chương 141 Chương 142 Chương 143 Chương 144 Chương 145 Chương 146 Chương 147 Chương 148 Chương 149 Chương 150 Chương 151 Chương 152 Chương 153 Chương 154 Chương 155 Chương 156 Chương 157 Chương 158 Chương 159 Chương 160 Chương 161 Chương 162 Chương 163 Chương 164 Chương 165 Chương 166 Chương 167 Chương 168 Chương 169 Chương 170 (chương kết)