Chương 10

Bài hát của Khanh sao mãi cứ vấn vương. Tôi không biết đó là bài gì nhưng sao giờ đây những lời tình tứ đó như thấm vào từng mạch máu trong tôi. Để hỏi Minh Ngọc xem, con nhỏ là trưởng ban văn nghệ lớp và đã từng đoạt giải nhất đơn ca, thế nào nó cũng biết. Không ngờ nó phản ứng quá nhanh:
- Ô, cái mặt mi sáng sủa rứa mà quá cù lần. Chính mi mang tên bài hát đó khi ghe vẫn không nhận ra à?
- Ai mà biết, tau mang tên... nghĩa là sao?
Minh Ngọc rít vào tai tôi:
- Nghĩa là.. đó là bài "Quỳnh Hương" của Trịnh Công Sơn, bà cô già của tôi ạ.
- Thiệt hả mi?
Minh Ngọc véo má tôi đau điếng:
- Thôi đừng ngây thơ vô số tội nữa, mi là quá lắm nghe, tụi 12A2 đã nói...
- Thôi im đi quỉ sứ.
Tôi bỏ chạy lên lớp mặc cho Minh Ngọc đứng ngẩn ngơ dưới gốc cây phượng. Tôi gặp thầy Giang trên cầu thang, thầy xua tay lia lịa:
- Đi xuống, đi xuống, giờ ra chơi không một học sinh nào được ở lại trong lớp cả.
Một đám học sinh từ trên chạy rần rật xuống. Thầy Giang lại hét:
- Lớp nào đây? Lớp nào đây?
Toàn từ phía sau lấn tới suýt té vào thầy:
- Lớp búa sua thầy ơi, để em ghi tên tụi nó cho thầy.
Chuông reo vào lớp, các học sinh lại đẩy nhau lên cầu thang, cười nói ầm ĩ. Thầy Giang tựa lưng vào tường, lắc đầu ngán ngẩm.
Đi học về tiện thể tôi ghé nhà thương thăm ông nội. Ba me đã có mặt ở đó. Cả Cu Nô nữa, nó đang ngồi nơi giường bóp chân cho ông nội, ba ngồi trên chiếc ghế đầu giường nắm tay ông nội:
- Ba đỡ không ba?
- Ba cảm thấy nơi cánh tay mình hơi yếu. Nghe bác sĩ nói vài ngày nữa sẽ hết.
Me khuấy ly sữa bưng đến:
- Ba dùng miếng sữa cho khỏe.
Ba đỡ ông nội ngồi dậy. Ông chỉ một gói nhỏ trên chiếc bàn gần cửa sổ:
- Khi hồi có anh họa sĩ tới thăm, anh cho gói nớ đó, không biết là cái chi.
Ba gật gù:
- May mà hôm qua có cậu Khanh.
Me múc từng muỗng sữa cho ông nội:
- Cậu ấy tốt và chân thành lắm.
Ông nội nhìn tôi và nói với ba me:
- Ba có xem hai bức tranh anh họa sĩ vẽ con Ti, đường nét rất phóng khoáng, quả là một con người tài hoa.
Cu Nô vẫn không bỏ cái tật nói hớt:
- Anh Khanh xịn lắm ông nội ơi, bữa trước con đếm nơi ngón tay ảnh có mười cái hoa tay luôn.
Tôi cú đầu nó:
- Đừng có đía.
- Thiệt mà, chị không tin thì thử đếm đi.
Me gói bộ áo quần ông nội vào túi xách, đưa cho tôi:
- Đem về giặt cho ông nội.
- Ba me không về à?
- Ba me chờ chị Quí lên thay.
Tôi đạp xe trên đường nắng chang chang nhưng lòng vẫn rộn ràng, những lời ông nội và ba me khen Khanh đã làm tôi sung sướng. Xe qua cầu Mới, tôi chạnh nhớ đêm nào tôi và Khanh cùng đứng bên cầu nhìn dòng nước chảy, Khanh đã nghĩ đến một hình bóng đi qua đời anh và để lại một vết thương. Tôi nghiệp Khanh, con người tài hoa nhưng không may mắn trong tình yêu, anh đã đuổi theo chiếc bóng hạnh phúc và cũng tội nghiệp thay tôi, tôi đã đi tìm hạnh phúc trên những áng mây. Khanh là mây mà tôi là bến nước, mây thì bay mãi bay hoài cho bến nước đìu hiu.
Chị Thiên Hương đang ngồi đọc sách nơi salon, thấy tôi chị ngẩng lên cười:
- Quỳnh Hương đi học về trễ thế?
Tôi ôm cặp chạy đến:
- Chị Thiên Hương, lâu ngày quá. Sao chị ngồi một mình vậy, chị Quí của em đâu?
- Cô Quí đã gặp chị rồi, cô ấy đang bận sau bếp.
Chị Quí xách cà mèn đi ra:
- Ti coi nhà nghe. Chị Thiên Hương ngồi chơi, em phải vào nhà thương.
Tôi nói với chị Thiên Hương:
- Ông nội của em bị...
- Khanh có nói cho chị biết, nghe nói nguy hiểm đã qua rồi, chị mừng cho em.
Tôi pha một tách trà để trước mặt chị:
- Chị tới thăm em hay có việc chi?
- Chị đến từ giã em.
Tôi thoáng sững sờ. Chị Thiên Hương nói tiếp:
- Chị đã quay xong các phần ngoại cảnh ở đây, về thành phố sẽ hoàn tất phần còn lại.
Tôi bất giác buột miệng:
- Anh Khanh cũng đi theo đoàn sao?
Không để ý đến lời nói run run của tôi, chị Thiên Hương nói:
- Cũng chả biết sao đây, hai ba cái điện tín gọi Khanh về từ tuần trước, mà vẫn không thấy nó thu xếp gì cả.
Rồi chị vuốt tóc tôi:
- Nếu không có gì trở ngại, hè nầy chị sẽ ra Huế làm cuốn phim của chị, em sẽ nhận vai Băng Tâm nhé.
- Tại sao trở ngại hả chị? Em rất mong chị trở lại Huế.
Chị Thiên Hương trầm ngâm:
- Trở ngại là vì đi xa tốn kém quá em ạ. Chị định về thành phố mở một đợt tuyển chọn diễn viên nữa, nếu không có ai thích hợp với nhân vật tâm đắc nhất trong tác phẩm chị, chị phải ra đây thêm một lần nữa chứ biết tính sao.
Chị đứng dậy:
- Thôi chị về nhé, chúc em thi đậu.
- Hôm nào chị đi em sẽ đến tiễn chị.
- Trong vòng hai ba hôm nữa thôi, nhưng chưa biết chính xác lúc nào, em khỏi bận tâm.
Tiễn chị Thiên Hương ra cửa, sao tôi thấy chán đời chi lạ. Tôi nằm dài lên đi văng, phần cơm để dành cho tôi đã nguội ngắt trên bàn, tôi không thấy đói mà chỉ thấy một nỗi tuyệt vọng dâng lên đau nhói. Ngày mai Khanh sẽ ra đi, những chuỗi ngày sắp tới sẽ trống rỗng buồn phiền, biết tôi có còn tìm lại được tuổi hồn nhiên thơ mộng bên trường học, bạn bè, sách vở, bút nghiên?
Tôi thiếp đi cho đến khi có tiếng gõ nhẹ bên tai. Tôi choàng tỉnh. Khanh đó, vẫn nụ cười lôi cuốn tâm hồn:
- Ngủ như vậy có ngày ăn trộm vô khiêng hết đồ không hay.
Tôi mắc cỡ chạy ra nhà sau rửa mặt, trở ra thấy Khanh đang ngồi trầm ngâm trên đi văng.
- Anh có chuyện gì vậy?
- Hương ngồi xuống đây anh nói cho nghe, anh vừa khám phá ra một nơi đẹp lắm, có thể gọi đó là vườn thượng uyển cũng được. Anh muốn trước khi rời Huế, anh phải hoàn thành một tác phẩm tại đó mà người mẫu chính là em.
Tôi nhìn Khanh lạ lùng. Khanh chưa về thành phố theo đoàn làm phim của chị Thiên Hương sao? Vậy thì anh tiếp tục ở lại Huế với tôi đến bao giờ? Lạy trời cho thời gian dừng lại, dòng nước ngừng trôi và đám mây giang hồ soi bóng mãi trong tâm hồn lãng mạn của Quỳnh Hương.
Khanh gõ nhịp tay lên bàn:
- Ngày mai chủ nhật, anh qua đón em nhé.
- Chỗ nào vậy anh?
- Anh không rành đường nhưng anh biết, chỗ chùa Thiên Mụ đi tới chút xíu.
- Ồ vậy thì cũng không xa lắm đâu.
- Em nhớ mặc áo dài trắng nhé.
- Dạ.
Ba từ nhà thương về gặp Khanh, ba nhất định giữ Khanh lại ăn cơm tối.
Me biểu diễn món ăn đặc sản của Huế là món cơm hến, Khanh vừa ăn vừa chảy nước mắt vì cay làm ai cũng cười. Trước khi về, Khanh xin phép ba me cho tôi giúp Khanh vẽ một bức phong cảnh nữa và được ba me sốt sắng nhận lời. Tôi cảm thấy vui làm sao khi mọi người trong nhà đều có thiện cảm với Khanh.
Buổi sáng trong veo, chúng tôi đứng dưới chân một ngọn đồi nhỏ, khoảng đất xanh xanh rải rác những đóa hoa dại đủ màu. Tôi thả guốc chạy trên nền cỏ mịn, chào đón tôi là những nàng cúc đất vàng tươi, những cô huệ lan hồng thắm... Xa xa, bên ngàn lá xanh các chàng yên bạch tim tím cùng mấy anh vòi voi trắng cong cong đang nghiêng mình trong gió sớm, họ đang nghĩ gì về tôi? Tôi yêu đời, tôi yêu cảnh vật, thiên nhiên ơi hãy hát cùng tôi.
Khanh mang giá vẽ và khung vải theo sau tôi, anh nói:
- Ở đây đẹp, đằng kia còn đẹp hơn, tới nơi em sẽ thấy.
Đúng là vườn thượng uyển như lời Khanh.
Một bức tường hoa đan kết bằng dây leo cao vòi vọi và tường vi đâu mà nhiều thế, những đoá tròn trịa hồng xinh như môi thiếu nữ tràn đầy cả một góc trời. Khanh sửa soạn bút họa và chọn nơi đặt giá vẽ. Tôi đứng ngẩn ngơ bên tấm màn hoa thơm ngát, tay nâng nhẹ vài nụ hàm tiếu đang ẩn mình trong đám lá non.
- Đựơc rồi, tuyệt quá, Quỳnh Hương, em cứ đứng trong tư thế đó nhé.
Một lát tôi vặn mình:
- Cho em nghỉ một chút.
- Em cứ tự nhiên làm những gì em thích.
Tôi đi dạo khắp đồi cỏ và hái hoa dại làm thành một bó, khi trở về vẫn thấy Khanh đang loay hoay bên giá vẽ, tôi ngắm nhìn anh và bỗng thấy đau nhói trong tim, Khanh đứng đó mà nghìn trùng xa cách, anh nghiêng qua, anh nhìn lại, anh ngắm nghía những đường nét vừa phác họa, anh thích thú sửa sang từng sợi tóc, làn môi, tà áo trắng tung bay thanh thoát và bàn tay tôi đang nâng nhẹ cành hoa, trên khung vải, hình ảnh tôi càng hiện lên rõ nét thì trong trái tim Khanh, Quỳnh Hương mờ nhạt biết bao nhiêu. Tôi biết Khanh chỉ xem tôi như một người em gái, những cử chỉ đứng đắn, cách cư xử đàng hoàng, tấm lòng chân thành và tình cảm sâu đậm của Khanh đã làm nên giông tố trong lòng tôi. Phải quên Khanh đi, không nghĩ đến anh nữa, hãy xem tất cả chỉ là giấc mơ thôi, không có đoàn làm phim, không có chị Thiên Hương, không có ai mời mình đóng phim cả và nhất là dáng dấp hào hoa đó, xin cho tôi quên.
Tôi ngồi bệt xuống, đưa ngón tay đùa với mấy cọng cỏ gà, Khanh đến ngồi xuống bên tôi:
- Em đói bụng rồi phải không? Cũng trưa rồi đấy, em giúp anh dọn đồ ăn ra nhé.
Khanh lấy thức ăn nguội cho vào chiếc đĩa nhựa rồi rắc thêm muối tiêu vào. Nhìn tôi cắt bánh mì thành từng khoanh nhỏ, Khanh hỏi:
- Em thích ăn món nầy không?
- Cũng ngon lắm, nhưng khô quá.
Khanh đánh tay vào đầu mình:
- Anh ngu quá, có vậy mà quên. Chờ anh chút xíu nghen.
Khanh chạy ra xe mang vào một bình đá và bốn chai nước ngọt, tôi không giấu được nỗi mừng rỡ trẻ con:
- Hay quá.
Khanh rót nước ngọt vào hai chiếc ly giấy.
- Em có mệt lắm không?
- Dạ em buồn ngủ.
- Vậy thì ăn xong nằm nghỉ một lát. Tiếc quá anh lại quên đem theo tấm bạt, nhưng cũng không sao, cỏ ở đây rất sạch.
- Còn anh?
- Anh không quen ngủ trưa, anh sẽ làm việc bình thường, không khí ở đây dễ chịu quá.
Buổi trưa thật yên tĩnh. Chúng tôi ngồi tựa vào gốc cây lớn đổ bóng râm dài trên nền cỏ, vẳng bên tai tiếng chim hót chuyền cành. Tôi thấy giàn tường vi trước mặt ngả nghiêng, tôi thấy bến nước nhà tôi lấp lánh ánh trăng vàng, tôi thấy... lung tung và tôi ngủ mất. Khi Khanh thức tôi dậy thì trời đã về chiều, tôi hoảng hốt:
- Sao anh không kêu em sớm, em làm mất hết thì giờ của anh.
Khanh nhìn tôi âu yếm:
- Thấy em ngủ ngon quá, anh không nỡ gọi.
- Nhưng bức tranh chưa hoàn thành...
- Không sao, ngày mai chắc làl em bận đi học, để anh tính coi.
Dù đã dặn lòng là sẽ quên Khanh nhưng sao giờ nầy tôi lại thương Khanh quá, tôi đã làm hỏng việc của Khanh rồi. Tôi nghĩ thật nhanh. Mai mình phải cúp cua để giúp Khanh mới được, tôi nói dối:
- Mai em chỉ có hai giờ thôi nhưng cô cho nghỉ vì nhà cô có đám cưới.
Mặt Khanh sáng hẳn lên:
- Vậy hả em, hay quá, vậy ngày mai chúng ta tiếp tục làm việc ở đây nhé, í mà quên mất - Giọng Khanh xìu xuống - Mai đoàn làm phim đi rồi, anh không mượn được xe nữa - Quỳnh Hương, em đi xe buýt được chứ?
Tôi muốn nói với Khanh rằng tôi đi xe gì cũng được miễn là có anh bên cạnh, một giây phút anh nán lại bên tôi là những giọt nước cành dương tưới lên trái tim tôi khô héo, tôi có lãng mạn lắm không?
- Quỳnh Hương, mai em đi được chứ?
- Dạ, mai em đến gặp anh ở bến xe, anh khỏi xuống nhà em mất công.
- Anh sẽ đến sớm để em khỏi đợi, đúng bảy rưỡi anh sẽ có mặt ở một quán cà phê gần đó chờ em. Bây giờ em muốn về chưa?
- Còn anh?
- Nếu em đã bớt mệt, em đứng bên giàn tường vi để anh xem lại một tí.
- Dạ.
Tôi ngoan ngoãn chải lại tóc, vuốt thẳng nếp áo rồi đến đứng yên bên những nhánh hồng buông rũ xuống vai. Chợt tôi ngạc nhiên không thấy Khanh tiếp tục vẽ nữa, anh đến gần tôi, ngắt một đóa tường vi cài lên mái tóc tôi, chưa bao giờ tôi nghe giọng Khanh tha thiết như vậy.
- Quỳnh Hương biết không, loài hoa nầy đã gợi cho tôi một kỷ niệm khó quên.
Rồi anh bỗng thẫn thờ:
- Thôi anh không thích vẽ tiếp nữa, em ngồi xuống đây với anh.
Tôi e ngại nhìn anh:
- Anh đừng buồn nữa, hãy quên đi, anh Khanh.
- Ừ, anh không còn buồn nữa, vậy để anh hát cho em nghe nhé.
Đôi mắt anh xa xăm, anh đang thả hồn về một khung trời dĩ vãng của riêng anh. "Năm xưa khi tôi bước chân ra đi, đôi ta cùng đứng bên hàng tường vi, em nói rằng em sẽ chờ đợi tôi, đừng nói đến phân ly. Cô láng giềng ơi, nay bóng hoa bên thềm đã thắm rồi, chân bước phân vân bờ đường quê, em có hay chăng giờ tôi về..."
Khanh hát hơn cả ca sĩ, không biết tôi có chủ quan không, nhưng điều chắc chắn là ông nội nói rất đúng, quả Khanh là con người tài hoa.
Khanh đưa tôi về sớm và hẹn đến ngày mai, tôi vẫy chào anh mà lòng rối bời vì lần đầu tiên tôi có ý định cúp cua. Giá ba biết được chắc ba phải thất vọng vì đứa con gái cưng nầy lắm.