Chương 5

Tôi thiếp đi một lúc, khi mở mắt thì trời đã tối hẳn, bầu trời ngoài khung cửa lác đác vài vì sao. Có tiếng ba hỏi ở phòng ngoài:
- Con Ti đi trại về chưa? Kêu ra ăn cơm.
Me đáp:
- Nó về từ sớm, có ăn một tô phở rồi ngủ vùi, chắc là mệt lắm. Đạp xe chừng ấy cây số.
- Thôi để nó ngủ. Cất phần cơm cho nó khuya có đói thì dậy ăn. Quí đem cơm lên cho ông nội đi con.
Tôi khép mắt lại, thân thể mỏi nhừ. Mệt quá, ngủ đi ngủ đi. Muỗi bay vo vo bên tai, tôi ngồi dậy bỏ mùng xuống, chiếc màn tuyn mỏng màu xanh làm cảnh trí trong phòng trở nên mờ ảo. Tôi lại nằm xuống, nhìn chăm chăm lên đỉnh mà, chung quanh tôi một màu xanh bàng bạc, màu xanh của đồi cỏ, của ngàn thông reo vi vu, của một ánh mắt nhìn và màu áo xanh của ai đó như hiện lên trong tâm trí tôi chói ngời rạng rỡ.
Tôi trở mình, đêm tĩnh lặng, những ngọn dừa chạm nhau nghe lao xao ngoài vườ. Tôi cố nghĩ đến một chuyện khác, sáng mai có hai giờ sinh vật nhưng cô Chi cho nghỉ, tiếp theo là hai giờ Hình học, có năm bài tập tuần trước thầy cho tôi đã làm xong nhờ có Hưng hướng dẫn. Tôi nghĩ đến Hưng nhưng hình ảnh anh chàng bạn thân giỏi toán ấy mờ nhạt dần để thay vào đó là một đôi mắt sáng, vầng trán cao và mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ. Khanh. Con tim có những lý lẽ riêng của nó, "le coeur a ses raisons que la raison ne connait pas", câu danh ngôn Pháp mà tôi ưa thích nhất từ những năm bắt đầu làm quen với sinh ngữ, thật tràn đầy ý nghĩa. Tôi thả hồn theo gió lang thang, tôi đi bằng đôi chân mọc cánh trên bờ cỏ mị, tôi đuổi theo những chú chuồn chuồn đỏ thắm chao đảo trong không gian, tôi leo lên cành sung già, soi bóng mình trên mặt sông xanh biếc, gương nước phải chiếu hình bóng cô gái xinh tươi, đôi mắt đen và vành môi thắm, mái tóc xõa dài như tơ liễu, tôi cười, tôi hát. Chị Quí lay vai tôi:
- Ti, Ti, mi mớ cái chi đó, dậy đi học, sáng rồi.
Tôi ngồi nhỏm dậy:
- Ơ, mấy giờ rồi chị Quí?
- Gần bảy giờ rồi, sửa soạn mau không trễ.
Tôi chợt nhớ ra:
- Khỏi lo, sáng nay em nghỉ hai giờ đầu.
- Rứa thì lo ăn sáng đi, hôm qua mi ngủ một lèo, chẳng dậy ăn uống chi cả.
Tôi vươn vai:
- Tại em mệt quá.
Ông nội trên lầu đi xuống, ăn mặc chỉnh tề. Tôi chạy đến cầm tay ông:
- Ông nội đi mô sớm rứa?
Ông không đáp, ông đứng thật thẳng người trước hai chị em tôi:
- Hai đứa xem ông ăn mặc như ri đã được chưa?
Sáng nay ông tôi thật đỏm dáng.
Ông mặc một bộ complê màu xám, áo sơ mi trong có cài măngset, ông đeo càvạt màu da trời và chân đi đôi giầy đen. Tay ông cầm cây can có chạm đầu rồng và tay kia là chiếc mũ dạ, trông ông thật sang trọng và quí phái.
Chị Quí buột miệng:
- Ông nội thiệt đẹp trai!
Ông cầm cây can gõ vào đầu chị, trừng mắt:
- Con ni hỗn quá, con gái mà ăn nói như rứa là không được nghe chưa?
Tuy vậy, miệng ông vẫn tươi cười, chắc là trong lòng ông rất thích lời khen của chị Quí, bởi ông thường kể cho tôi nghe thời trai trẻ của ông, mà câu chuyện lúc nào cũng bắt đầu năm chữ: "Hồi đó ông đẹp lắm".
Tôi nhắc lại:
- Ông nội đi mô?
Ba đi làm, dắt chiếc Honda ra, cũng hỏi:
- Ba đi mô sớm vậy?
- À, ba vô trong phủ có chút chuyện.
- Chuyện chi vậy ba?
- Nghe nói mấy cái mồ mả bị đào xới đó, ba phải đi hỏi mới được, đáng lý đi hôm Tết kia, nhưng mấy ngày đó ba không được khỏe...
- Ba để con đi hỏi cho.
Ông nội khoát tay:
- Thôi, để ba đi nhân tiện thăm cô Lan luôn, lâu quá không gặp cô.
- Để con chở ba đi.
- Ba không quen ngồi xe đó, để ba đi xích lô cũng được, con Ti sửa soạn đi với ông nghe.
Tôi vuốt ve nếp áo của ông nội:
- Sáng nay con bận đi học ông à.
- Con Quí mô rồi?
- Dạ chị Quí đi chợ rồi.
Cu Nô nãy giờ đang ngồi ăn bánh mì bên cửa sổ. Nhảy một bước đến bên ông:
- Ông nội ơi, con đi với ông, con học buổi chiều.
Ông nội nhìn chằm chặp vào mặt cu Nô:
- Mi phá lắm, đi không được mô - Rồi quay sang ba, ông nói - Thằng ni nghịch ngợm lắm, bữa trước vô trong phủ, nó phá tan nát mấy cây trứng cá, thiên hạ kêu trời luôn.
Cu Nô níu áo ông:
- Ông cho con đi nghe, lần ni con không phá mô.
- Thiệt không đó? Không được trèo cây lộn xộn nghe.
- Dạ.
- Không được bắt cá trong hồ nghe.
- Dạ.
- Được cho đi với ông, vô thay quần áo mau lên.
Nhìn tôi, ông nội bảo:
- Bà cô Lan nhắc đến con luôn, thỉnh thoảng con phải vô thăm bà nghe.
Tôi dạ nhỏ. Bà cô Lan là em gái của ông nội, bà út, kế ông tôi. Đó là một bà công chúa già nua, gầy ốm, trên gương mặt hiền lành không còn lưu lại một đường nét nào của tuổi thanh xuân ngoài làn da thật trắng. Bà trắng lắm, trắng đến nỗi các cô gái trong phủ không ai trắng bằng bà, thêm vào đó mái tóc của bà bạc phơ như cước khiến mọi người thường gọi bà là "Bà Lan Trắng" danh từ nầy đã trở thành quen thuộc trong gia tộc. Nghe nói ngày xưa bà khá xinh với nước da được ví như bông lài bông bưởi nhưng vì bà kén chồng quá, thấp thì chê mà cao thì không ai muốn cưới, nên đến bây giờ bà vẫn sống một mình. Bà khéo tay lắm và rất thương chị em tôi, bà thường gọi chúng tôi vào phủ rồi tập cho làm bánh mứt, hoa giấy... nhưng chúng tôi vẫn vụng về không làm sao như bà được. Me cũng học rất nhiều ở nơi bà, nhờ tính kiên nhẫn và chịu khó, me đã theo được những ngón nghề tuyệt kỷ của bà, đó là tỉa những miếng mứt hình long ly qui phụng, những chiếc quạt xòe bằng bí đao trong suốt như pha lê, những thẻ mứt bằng vỏ bưởi đủ màu mà khi để vào miệng, khách không nhận ra là loại trái cây nào vì nó tuyệt vời quá, không còn một chút đắng của thứ vỏ người ta bỏ đi nầy, chỉ có vị ngọt thơm đậm đà đầu lưỡi, ai được nếm một lần thì không thể nào quên.
 
Cả nhà đã đi hết, tôi cũng sửa soạn sách vở, khóa cổng lại rồi đạp xe đến trường. Không khí ban mai tươi mát, bầu trời thật xanh.
Tôi quên đủ thứ, giờ hình học mà quên đem compa và thước kẻ cũng giống như đi cày mà quên đem lưỡi cày theo. Minh Ngọc đưa cây thước cho tôi:
- Cho mi mượn nì, vẽ hình bằng tay thì làm sao thấy rõ được. Mi soạn bài chưa?
- Hình như.. rồi.
- Một là rồi, hai là chưa, tại sao lại hình như? Đúng là ai đã hớp hồn mi rồi.
Thanh Xuân quay lui, xí một cái:
- Ai mà hớp được hồn nó, nó đi hớp hồn người ta thì có, phải không Hương?
Tôi lấy thước đập vào vai nó:
- Mi nhiều chuyện quá, quay lên đi.
Thầy đang giở sổ gọi học sinh lên bảng sửa bài. Tim tôi đập thình thịch, dù đã soạn bài rồi nhưng sao giờ nầy đầu óc tôi rối tung chẳng nhớ một định lý, một công thức nào cả, tôi thầm khấn trời phật che mắt cho thầy đừng trông thấy tên tôi:
- Quỳnh Hương.
Tôi lạnh cả người, thầy nói tiếp:
- Đem vở bài tập lên thầy chấm.
Cùng một lúc thầy gọi thêm bốn bạn nữa. May quá, thầy chỉ kiểm soát xem chúng tôi có soạn bài không chứ thầy chả hỏi gì về phần giáo khoa cả.
Chuông reo tan học, tôi gặp Hưng ở cửa lớp, anh lo lắng nhìn tôi:
- Sao mặt Hương tái mét vậy?
- Mô có.
Hưng đi theo tôi xuống cầu thang đến nhà để xe, Hưng mở cặp lấy ra một cuốn sách:
- Hương đọc đi, hay lắm, sách mới đó.
Hưng vẫn đạp xe bên cạnh tôi, đến dốc cầu Tràng Tiền, hai đứa mới chia tay.
Chị Quí đón tôi ở cổng:
- Quỳnh Hương, em có khách.
Tôi ngạc nhiên hết sức, lần đầu tiên chị Quí gọi tôi bằng tên thật và cũng lâu lắm rồi tôi mới nghe được tiếng "em" ngọt ngào của chị. Nhìn nét mặt nghiêm trang của chị, tôi hồi hộp:
- Ai rứa chị Quí?
- Chị không biết, lạ hoắc, không phải người Huế mình.
Tôi vòng ra sau cất xe rồi ôm cặp bước ra phòng khách.
Tim tôi như rụng ra ngoài khi thấy Khanh ngồi nơi chiếc ghế tựa, cạnh bàn học của cu Nô, anh đang chăm chú nhìn thằng nhỏ tẩy xóa cái gì đó trong tập vở. Nghe tiếng động, anh ngước lên:
- Chào cô Quỳnh Hương.
Tôi sững nhìn, ấp úng:
- Ơ.. Ông... Ông Khanh.
Chị Quí bưng tách trà ra, để trên salon:
- Mời ông qua đây ngồi uống nước, Quỳnh Hương nó về rồi đó.
Khanh đứng dậy nói với chị Quí:
- Cám ơn cô.
Chị Quí nhìn tôi. Như sực tỉnh, tôi nói:
- Ơ.. a... em xin giới thiệu đây là ông Khanh họa sĩ, và đây là chị Quí Hương của tôi.
Khanh nghiêng mình, chị Quí thoáng đỏ mặt, chị nói với tôi:
- Thôi em nói chuyện đi, chị ra nhà sau đã.
Chờ Khanh ngồi xuống, tôi mới ngồi xuống ghế đối diện rồi im như thóc. Thời gian ngừng trôi. Khanh lên tiếng trước:
- Tôi là em của chị Thiên Hương, chị đã chỉ cho tôi đến đây, có thư chị gửi cho Hương.
Khanh đặt tờ giấy gấp tư lên bàn:
 
"Quỳnh Hương thân mến,
 
Chị giới thiệu với em đây là Khanh, em ruột của chị. Khanh là họa sĩ, Khanh đang theo đoàn làm phim đến Huế để tìm nguồn cảm hứng cho bức tranh "Thiếu Nữ" của mình. Cũng như ch, Khanh đã tìm thấy nơi em hình ảnh lý tưởng của tác phẩm nghệ thuật đang phác họa. Đã từ chối chị một lầ, mong em sẽ nhận lời làm người mẫu cho Khanh, theo ý chị, công việc sẽ vô cùng thú vị chứ không khó khăn và mất thì giờ như đóng phim đâu. Mong em giúp Khanh.
Hẹn gặp lại em,
Thiên Hương"
 
Tôi đọc lui đọc tới lá thư không biết bao nhiêu lần, cho đến khi Khanh nhắc:
- Quỳnh Hương, cô nghĩ sao?
Tôi nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường, gần mười hai giờ trưa. Khanh vẫn nhìn tôi chờ đợi, ôi đôi mắt ấy, làm sao tôi từ chối cho được. Tôi nói nhỏ:
- Để... để Hương xin phép ba me đã.
Khanh cười, chưa bao giờ tôi thấy nét mặt anh tươi như lúc nầy:
- Bao giờ Hương có thể trả lời tôi?
- Dạ, chắc cũng vài bữa.
- Thứ năm tôi lại nhé - Khanh đứng dậy - Trưa rồi tôi xin về để Hương nghỉ.
Khanh về rồi, chị Quí đến bên tò mò:
- Ai rứa Ti?
Tôi đưa cho chị lá thư, xem xong chị thắc mắc:
- Thiên Hương là ai vậy? Tại sao quen mi? Mà mi từ chối cái chi rứa?
- Chị hỏi chi mà tùm lum rứa, từ từ em kể cho nghe.
Cu Nô rời bàn học nhảy nhót lung tung:
- Hay quá, hay quá, chú hồi nãy vẽ dùm cho em con tàu vũ trụ đẹp quá, để em gửi lên nhà văn hóa dự thi tranh thiếu nhi.
Tôi cốc đầu nó:
- Nói không biết dị, tranh của người ta tự nhiên nhận làm của mình, trẽn quá.
Cu Nô vênh mặt:
- Kệ em, mắc mớ chi đến chị.
- Tao rất lấy làm mất mặt vì có đứa em đạo tranh như mi.
- Kệ em, kệ em.
Ba đi làm về, âu yếm nhìn chúng tôi:
- Hai chị em cãi nhau ồn ào quá, mau phụ chị Quí dọn cơm lên đi, ba đói lắm rồi.
Buổi trưa chị Quí không cho tôi ngủ  chị bắt tôi kể đầu đuôi ngọn ngành về lá thư Khanh đem tới cho được mới thôi, đúng là chúa tò mò. Tôi đã không ngần ngại kể hết cho chị nghe trừ chuyện tôi gặp Khanh trong rừng thông ở lăng Tự Đức. Thỏa mãn tính tò mò, chị Quí trở nên hiền lành dịu dàng hơn bao giờ hết.
- Sao em không nhận lời đóng phim cho oai?
- Làm sao em đóng được, nhỏ đến lớn em có khi nào đứng trước đám đông mô.
Chị Quí nằm sát vào tôi:
- Ti không thấy à, con Thanh Tâm bên Vỹ Dạ chỉ xuất hiện trước ống kính mấy phút mà tiếng nổi như cồn.
- Thôi chị ơi, em chả thích nổi tiếng, với lại con Thanh Tâm khác, em khác.
- Khác là khác sao?
- Đây là vai chính chớ bộ, với lại em mắc học thi nữa.
- Thôi dẹp chuyện đóng phim đi. Còn chuyện anh chàng Khanh đó, em tính răng?
- Chị tính cho em đi.
Chị Quí sốt sắng:
- Để chị xin phép ba me cho, theo ý chị.
Mặc cho chị Quí nói thao thao bên tai, đôi mắt tôi ríu lại, tôi ngủ lúc nào không hay. Chị Quí đập vào vai tôi:
- Hưng tới tìm mi tề.
Tôi giả vờ ngủ tiếp, tôi lăn người quay mặt vào trong.
Lay một lúc, thấy tôi bất động, chị Quí lẩm bẩm:
- Ngủ chi mà say vô hậu.
Tôi nghe chị nói với Hưng ở nhà ngoài:
- Hôm qua đi trại về mệt nên trưa ni nó ngủ bù, kêu hoài không được. Hưng chịu khó ngồi chờ nó dậy nghe.
- Thôi để em về, nhờ chị đưa dùm quyển sách ni cho Hương.
Loáng thoáng tiếng xô bàn ghế, tiếng đóng cửa, tôi lại chìm trong giấc ngủ sâu.
Buổi tối cả nhà quây quần bên ánh đèn, me đang giúp chị Quí đơm nút áo vào loạt hàng sắp giao, tôi soạn lại sách vở chiều mai đi học nhóm, cu Nô thì ôm chiếc đàn guitare mò từng nốt nhạc và bên salon, ba đang ngồi nói chuyện với ông nội, trước mặt hai người là bình trà nghi ngút khói.
Nét mặt ông nội đăm chiêu:
- Ba đã hỏi lại rồi, quả không sai, có rất nhiều lăng mộ các cụ tổ xây từ thế kỷ thứ 18 đã bị đào bới, thật đau lòng.
- Không hiểu tụi nó tìm kiếm đựơc gì trong đó, tại sao chính quyền địa phương lại không ngăn cản chuyện nầy.
- Ba nghe nói công an có bắt mấy vụ, nhưng tụi nó đông như rươi, tóm không xuể.
Cu Nô xách cây đàn chạy lại ngồi bên ba:
- Ông nội ơi, con nghe mấy đứa bạn nói có người đào mộ tìm được năm chục kilô vàng.
Ông nội nạt:
- Con nít nói tầm bậy tầm bạ.
Ba cốc vào đầu nó:
- Con nít hỗn hào, dám xen vào chuyện của người lớn.
Mẹ đặt tấm áo xuống đi văng:
- Cu Nô phạm thượng quá, xin lỗi ba và ông nội ngay.
Cu Nô cúi đầu, rơm rớm nước mắt, chị Quí giục:
- Còn chần chờ chi nữa, thằng ni hư quá.
Cu Nô vòng tay, lí nhí xin lỗi rồi đến ngồi vào bàn học, tôi cười nhìn nó:
- Đáng đời cho cái tật ăn cơm hớt.
Chị Quí và me đã làm nút xong, tôi giúp hai người xếp hàng vào túi xách, chị Quí thở phào:
- Chuyến ni giao hàng là lấy tiền luôn me ơi, cộng cả tháng trước nữa, chắc cũng khá.
- Chị Quí giàu to rồi.
- Giàu chi mà giàu, tao định bù tiền đổi chiếc xe đạp mới, không biết có đủ không đây.
Rồi nhìn tôi, chị nheo mắt:
- Mi mới sắp thành triệu phú đó.
Tôi ngơ ngác:
- Triệu phú chi? Em không có xu dính túi.
- Bao nhiêu người mời gọi, cô nương gật đầu một cái là tiền bạc tràn về như nước sông Hương.
Mẹ ngạc nhiên nhìn hai đứa con gái:
- Hai đứa bây nói chi, me không hiểu gì hết.
- Me ơi - Chị Quí ôm ngang lưng me và kể hết những điều tôi đã kể hồi trưa cho me nghe, rồi chị nói tiếp - Anh chàng họa sĩ đó tên Khanh, đàng hoàng lắm, me nghe, me cho phép con Ti làm mẫu cho bức tranh "Thiếu nữ" của anh ta nghe me.
Me ngồi yên lặng đăm đăm nhìn tôi, rồi nói:
- Me thì dễ thôi, chỉ ngại ba và ông nội, để me xin thử coi.
Chị Quí reo lên:
- Hoan hô me, me gắng xin nghe me, thế nào ba cũng cho mà, mấy khi tác phẩm của ba me được đưa lên tranh vẽ.
Me nhíu mày:
- Con ni nói một chặp như điên, tác phẩm chi?
Chị Quí đẩy tôi đến trước mặt me:
- Thì con Ti đây nì, nó là "tác phẩm" đắc ý nhất của ba me, không phải à?
Me liếc yêu chị Quí:
- Thôi, nói tầm bậy, con gái vô duyên.
Có tiếng cu Nô reo ở nhà trong:
- Hai chị ơi, vô coi nì, có phim hay lắm.
Ông nội đã lên phòng, ba me, chị Quí và cu Nô say sưa ngồi trước ti vi, tôi dẹp vội sách vở, mở cửa sau, bước ra bến sông.
Ban đêm hương hoa dừa, hoa cau thoang thoảng, tôi thả dép bước nhẹ trên lối đi bằng đất ẩm mát dịu bàn chân. Chung quanh yên lặng.
Cây sung cổ thụ đứng im sừng sững trong bóng tối chập chờn đom đóm lập lò. Trăng đã lên cao soi mình trên mặt nước lăn tăn, tôi nhìn lên khung trời sáng loáng, những đám mây mong manh tơ trời trôi nhè nhẹ, mây ơi đêm nay mây có dừng bước lãng du không? Một hình bóng lại chập chờn ẩn hiện, mái tóc, nụ cười, ánh mắt, một cung đàn êm ái đang ngân nhẹ trong tim. Tôi gọi thầm tên Khanh, còn hai ngày nữa, em sẽ gặp lại anh.
- Ai đứng đó, Ti phải không con?
Tôi giật mình nhìn sang bờ đá bên cạnh, một bóng người đang bưng đèn đi xuống bến, a cô Nghĩa.
- Con đây cô.
Cô đến gần hàng rào:
- Bên nhà làm chi mà đóng cửa kín mít rứa? Cô kêu hoài không được.
- Cả nhà đang coi ti vi cô ơi, chắc là phim hấp dẫn lắm nên không ai nghe tiếng gọi của cô đó. Có chuyện chi không cô?
- Hồi chiều cô hái đào được một rổ lớn, định đem sang cho tụi bây ăn, ngọt lắm. Kêu cửa không được cô còn để sau bếp, tiện thể Ti qua lấy nghe.
- Dạ.
Tôi chui hàng rào qua vườn cô Nghĩa, cô đưa cây đèn cho tôi:
- Cầm dùm cô, để cô rửa mớ rau vô nấu canh.
- Ủa, cô chưa ăn cơm à?
- Cô chờ mạ cô về ăn luôn, hôm nay vía, mạ cô đi chùa Từ Đàm chưa thấy về.
Tôi mang rổ đào dợm bước thì cô Nghĩa giữ tay tôi lại:
- Ngồi đây chơi với cô một chút.
Tôi nhìn ngôi nhà tiện nghi nhưng vắng vẻ, bỗng thấy tội nghiệp cho cô Nghĩa. Nhà chỉ có hai mẹ con, ba cô mất từ dạo cô còn bé, đến khi lớn lên gặp được tình yêu thì tình yêu đó cũng khó bền.
Cô Nghĩa dạy học đã hơn mười năm nay, cô có dạy tôi năm lớp bốn, cô rất thương tôi, thường tập tôi múa hát và đi đâu cũng dắt tôi theo. Mẹ cô có mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ tại nhà, buôn bán cũng tạm được, nhưng mấy năm gần đây, bà ham mê chùa chiền, đồng bóng nên cửa hàng cứ đóng hoài.
Nhìn cô Nghĩa nấu ăn một lúc tôi đứng dậy:
- Con phải về khuya rồi.
- Ờ, thôi Ti về nghe. À, lên phòng khách lấy quyển truyện trên bàn về mà đọc, cô mới mua đó.
Tôi lại chui qua hàng rào, đêm đã khuya, gió thổi xạc xào, tôi lan man nghĩ đến Khanh.