Chương 6

Xuân qua hè đến. Mùa khai giảng lại về. Tôi bước vào năm cuối với tình trạng tâm hồn thư thái, an nhiên. Dạo nầy, từ Cần Thơ, Tường liên lạc với tôi rất đều. Chủ yếu là điện thoại. Thỉnh thoảng mới có một lá thư. Anh cho biết, công việc càng phát triển, anh càng đi nhiều, không có thời gian viết thư cho tôi, mong tôi thông cảm. Tôi chẳng những thông cảm cho anh, mà còn nghe lòng rất vui nữa. Xem ra vận may đã mỉm cười với chúng tôi. Tường có cuộc sống ổn định, tôi sắp ra trường và chỉ một năm sau nữa thôi, mẹ sẽ trở về cùng tôi để bắt đầu một cuộc sống mới. Tôi sẽ biến ước mơ của mẹ thành sự thật. Việc sang lại một sạp hàng cho mẹ buôn bán giờ đối với tôi không còn là điều nan giải nữa.
Bài thi học kỳ năm nay khó kinh khủng. Hơn một tháng khổ luyện, tôi vẫn như người cưỡi ngựa xem hoa. Nhạc Chopin trang trọng và sâu lắng. Dù cho những ngón tay tập đến buốt đau, dù đầu óc thuộc nằm lòng bốn chương giao hưởng, tôi vẫn không sao lột tả được những suy tư trăn trở, nỗi khát khao hồi hương của người nhạc sĩ thiên tài. Nhìn lên tấm lịch treo tường, tôi lại càng lo. Biết còn kịp thời gian để hoàn chỉnh bài chuyên môn không? Kim Loan gọi điện:
- Châu ơi, chiều nay mình đi shopping nghe.
- Không được. Tao phải “luyện chưởng”. Chưa thuộc gì hết Loan ơi.
- Nè, mầy không định làm đối thủ của Đặng Thái Sơn đó chớ? Sắp tới sinh nhật tao rồi. Năm nay tao muốn tổ chức thật lớn. Mầy phải đi mua sắm với tao mới đúng. Đừng từ chối nghe.
Hai đứa đi rảo khắp phố phường, vào các siêu thị… vẫn chưa mua được gì. Chợt nhận ra một dáng dấp quen quen. Kim Loan cầm tay tôi:
- Nhỏ Diệu Anh kìa - rồi gọi lớn - Diệu Anh!
Cô gái quay lại. Một Diệu Anh khác hẳn thời còn học ở Phân hiệu Văn hóa Nhạc viện với đôi mắt một mí trên gương mặt đầy mụn cám, với cặp giò khẳng khiu quanh năm xức thuốc ghẻ xanh lè. Bây giờ, trước tôi là một Diệu Anh đẹp rực rỡ, trau chuốt từ đầu đến chân, đang tươi cười chạy về phía chúng tôi:
- Kim Loan, Diễm Châu! Lâu ngày quá.
Một người đàn ông lùn tịt, da đen nhẻm, mặc bộ vest rất lịch sự bước đến cạnh Diệu Anh. Con nhỏ thân mật khoác tay ông ta:
- Mình giới thiệu, đây là vị hôn phu của mình - Giám đốc khách sạn Tương Lai. Mình đang làm quản lý ở đó.
Người đàn ông cúi đầu chào. Kim Loan vui vẻ:
- Hân hạnh được biết anh. Chúng em là bạn học của Diệu Anh.
Người đàn ông tỏ vẻ bối rối. Diệu Anh đẩy ông ta về phía cửa, rồi cười với chúng tôi:
- Mình đi nghe. Hẹn gặp lại.
Tôi nhìn theo:
- Lạ quá, hình như ông ta không hiểu mầy đang nói gì.
Kim Loan nhún vai:
- Vậy là nhỏ Thu Hà nói đúng. Chồng sắp cưới của Diệu Anh là người In- Đô(°)
- In- Đô? Tại sao nó phải lấy người nước ngoài chớ? Một cây cột nhà cháy không hơn không kém!
- Thì đã chết ai. Mầy không thấy nhờ cây cột nhà cháy ấy mà nhỏ Diệu Anh được lên đời từ hình thức đến nội dung sao? Học hành như nó mà làm quản lý khách sạn cái nỗi gì.
Mãnh lực đồng tiền thật đáng sợ! Nó có khả năng làm người ta xa nhau hoặc xích lại gần nhau hơn. Nó là nguyên nhân của hận thù, tranh chấp và cũng có thể là chiếc đũa thần đem hạnh phúc đến cho từng mái ấm gia đình. Biết vậy nhưng sao tôi vẫn cảm thấy xót xa khi nhìn Diệu Anh cặp kè với người đàn ông đen đúa thô kệch, không xứng đáng với nó chút nào.
Đường về gặp mưa. Hai đứa không mang theo áo mưa nên đành để ướt như chuột lột.
Cổng ngoài khóa. Tôi nhấn chuông inh ỏi. Bốn bề im lặng. Mưa càng nặng hột. Nước chảy ròng ròng trên tóc, trên vai tôi. Reng…reng… Chỉ có tiếng gió mưa thét gào. Lạnh quá. Lần nầy tôi bấm chuông dồn dập hơn. Một phụ nữ mặc bộ váy màu xám từ phòng khách, chống dù bước ra. Chị Ngọc. Tôi cố nở nụ cười:
- Chị mới về ạ.
Chị không nói không rằng, tra chìa vào ổ khóa. Tôi lách mình qua khe cổng chạy ù vào phòng lấy bộ áo quần khô và khăn lông. Phải tắm gội nhanh kẻo bị cảm. Thời gian nầy cần giữ gìn sức khỏe mới vượt qua được học kỳ. Thú thật, nãy giờ đi bên Kim Loan nhưng tâm trạng tôi không yên ổn tí nào khi nghĩ đến xấp bài thi đang đợi tôi ở nhà, nhìn vào muốn chóng mặt. Giờ thì càng lo nữa, liệu chị Ngọc có phá lệ cho phép tôi tập đàn đến khuya không?
Lau khô tóc, quấn mình trong chăn một lát, tôi cảm thấy dễ chịu. Có tiếng gõ cửa phòng.
- Phải chú Chín không?
Im lặng. Tôi mở cửa và vô cùng ngạc nhiên khi thấy chị Ngọc. Chị đưa cho tôi chai dầu gió xanh:
- Xức hai bên thái dương, ngực và cổ, nhớ làm nóng người lên kẻo bị cảm lạnh đấy.
Chị quay đi, không nói thêm lời nào, để lại cho tôi bao nỗi thắc mắc chẳng biết hỏi ai? Khi tôi trở ra phòng khách, đã thấy chú Chín bày những sổ sách trước mặt chị Ngọc:
- Ba người khách vừa mới trả phòng hôm qua. Sáng nay, lại có ba người đăng ký, cậu hẹn sáng mai họ có thể dọn đến…
- Không được. Chỉ cho hai người thuê thôi. Cháu đang cần một phòng trống.
Chú Chín tỏ vẻ bất bình:
- Cháu làm như vậy là mất uy tín cậu. Toàn là khách chọn lọc cả, rất đàng hoàng.
- Nhưng cậu ơi - giọng chị nhỏ xuống, thầm thì…
Chú Chín thoáng giật mình, gấp cuốn sổ lại:
- Thôi được. Để cậu điện thoại cho người ta.
Chị Ngọc sửa soạn rất đẹp, nói với chú Chín:
- Cháu đi ăn nhà hàng với bạn. Khỏi nấu cơm phần cháu.
Chị nhìn tôi, vẫn ánh mắt dửng dưng nhưng không còn sắc lạnh như trước kia nữa. Hình như trong lòng chị đang có một sự thay đổi quan trọng? Chị nói trổng(°)
- Nghe nói dạo nầy ở Việt Nam ma túy xì ke hoành hành dữ lắm, phải khóa kỹ cửa trong cửa ngoài kẻo mất đồ như chơi đấy.
Tôi cầm ổ khóa theo chị ra cổng. Chị dặn:
- Em chịu khó canh chừng để ra mở cửa cho khách nhé.
Lần đầu tiên, tiếng “em” phát ra từ miệng một con người đầy thủ đoạn, rồi còn “nhé” nữa, nghe mới ngọt ngào làm sao! Tôi bỗng cảnh giác. Nghiệm lại, từ hôm chị Ngọc về Mỹ đến nay đã gần nửa năm, việc kinh doanh nhà cửa của chị ở đây vẫn diễn biến tốt đẹp, và tôi thì lúc nào cũng đứng bên lề, với thái độ hờ hững của kẻ bàng quan. Vậy thì tại sao chị bỗng dưng tử tế với tôi? Chị sợ tôi bị cảm, chị nói lời dịu dàng, chị quay một góc một80 độ với mục đích gì? Càng nghĩ càng nhức đầu, tôi vào phòng uống viên thuốc cảm rồi ngồi vào đàn, tiếp tục những trang bài tập. Trời tạnh một lúc, lại bắt đầu tí tách mưa rơi. Mưa. Mưa dầm dề, mưa cho đất trời sà thấp. Đêm xuống nhanh. Tôi chạy đua với thời gian. Buổi đi chơi với Kim Loan mất ba tiếng đồng hồ, tôi phải bù lại mới khỏi vỡ kế hoạch ôn thi. Lạy trời mưa thật to, để chị Ngọc về thật muộn cho tôi tập đàn thêm chút nữa. Nhưng trời không nghe tôi. Mưa bỗng tạnh hẳn. Ngoài cửa sổ, mây mù tan loãng hé mở khung trời trong suốt pha lê. Chú Chín đến gần tôi:
- Châu, bộ tập đàn đến quên ăn sao cháu? Ra ăn cơm với chú.
Tôi sực nhớ gói mì để trên bàn chưa kịp nấu, nhưng không cảm thấy đói chút nào. Tôi ngưng đàn:
- Cám ơn chú. Lát nữa cháu ăn mì được rồi.
- Vậy thì ra vườn ngắm trăng một lát cho thư giãn tinh thần. Sau cơn mưa, trăng đẹp lắm.
Lòng tôi rưng rưng. Nhìn chú Chín, tôi lại nghĩ đến ba. Trong ký ức ấu thơ, hình ảnh ba sáng ngời như vầng trăng mười sáu. Trăng soi qua cửa sổ, rơi trên pho tượng bán thân người nhạc sĩ những gợn sóng màu xanh. Những ngón tay tôi chạy nhanh hơn dòng suy nghĩ. Bác Chopin ơi, hãy thổi vào tâm hồn cháu một làn hơi thở của bác, để cháu có thể diễn tả được phong cách bác qua những tiết tấu biến chuyển không ngừng nầy. Càng về khuya, tôi càng chìm đắm trong dòng âm thanh dìu dặt, hoành tráng, không nghe cả tiếng bấm chuông ngoài cổng, cho đến khi chị Ngọc xuất hiện trước mặt tôi.
- Em xin lỗi vì đã…
- Không sao. Em cứ tập đàn thoải mái. Hình như sắp đến kỳ thi rồi phải không?
Chị trở về phòng. Chú Chín bưng ra một dĩa bánh và chén nước tương:
- Định tuyệt thực sao Châu? Ăn há cảo với chú nè - chú đến gần tôi - bánh của con Ngọc mua về cho cháu ăn đó.
Tôi tròn mắt. Chú Chín lắc đầu:
- Chú còn bất ngờ hơn cháu - Chú cười - Tốt, chắc là sắp đến ngày tận thế, nên con nhỏ Ngọc đã nghĩ lại, thấy thương cô em cùng cha khác mẹ nầy rồi.
Dù nghi ngờ lòng tốt của chị Ngọc, nhưng tôi vẫn cảm thấy dễ chịu trước thái độ hiền hòa của chị. Hạt cát vướng trong chân tôi bấy lâu dường như mềm đi.
 
oOo
 
Tiệc sinh nhật Kim Loan được tổ chức trong phòng khách. Ngoài ba má và anh chị, Kim Loan chỉ mời ba nhỏ bạn thân: Thu Hà, Cẩm Vân và tôi.
Chị Phượng dạo nầy trông rất tươi tỉnh. Chị mặc chiếc đầm hai dây màu huyết dụ, dáng người thon thả uyển chuyển trên đôi giầy gót cao. Tóc chị uốn dài, bung ra hai bên vai làm nổi bật làn da mặt trắng hồng, một lớp tóc thật mảnh thả xuống, khéo léo che vết sẹo trên má chị.
Anh Bảo đưa về nhà một người bạn mới, hiện giữ chức vụ cố vấn luật pháp cho một công ty bạn. Kim Loan cho biết, đó là luật sư Trần, người Mỹ gốc Việt, năm nay ba chín tuổi. Nó còn rỉ tai cho chúng tôi biết một điều bí mật: ba má nó có ý định cho anh Trần và chị Phượng tìm hiểu nhau để tiến đến hôn nhân, vì hai bên gia đình rất môn đăng hộ đối. Tôi lặng lẽ quan sát Trần. Anh trông trẻ hơn tuổi rất nhiều. Tướng cao ráo, hơi đẫy đà, đôi mắt thông minh sau cặp kiếng cận càng ra dáng trí thức. Xem ra, anh đẹp hơn chị Phượng nhiều. Lòng tôi bỗng lo lo. Cẩm Vân thúc tay tôi:
- Sao mặt mầy đực ra thế?
- Tao sợ… à, mầy thấy sao? Anh Trần và chị Phượng có xứng đôi không?
Thu Hà liếc:
- Mầy vô duyên cũng vừa thôi. Đâu có liên quan gì đến cục diện thế giới chứ?
Chị Phượng đứng dậy, nhẹ nhàng đến bên chiếc piano đặt ở góc phòng, mở nắp:
- Kim Loan ơi, quà của chị tặng em nè. Chúc út cưng của chị đạt được mọi ước mơ trong đời.
Đôi tay chị nhẹ lướt trên phím ngà những cung bậc tươi vui. Chị vừa đàn vừa hát: Mây và tóc em bay trong chiều gió lộng, trời làm cơn mưa xanh dưới những hàng mẹ..…Chúng tôi hát theo: …ôm cuộc sống trong tay, bên đời quá rộng, tuổi thần tiên yêu dấu, búp non đầu cây...(°)
Tiếng vỗ tay vang dội. Kim Loan cắt bánh, lấy riêng cho chị một bông hồng bằng kem lớn nhất:
- Em cũng chúc chị Ba đạt được mọi ước mơ.
Chị Phượng cầm dĩa bánh đến ngồi gần tôi:
- Bỏ đàn lâu quá, giờ chị chỉ đàn được những bài đơn giản thôi.
- Chị chịu khó luyện tập, sẽ lấy lại phong độ xưa ngay. Chị đừng nản chí nha.
Chị Phượng bẹo má tôi:
- Châu dễ thương và đáng nể lắm. Kim Loan nhà chị không được can đảm như em đâu. - Chị cười - Nghe em “một mình chống với Mafia”, chị phục em quá.
Nghĩ đến thái độ thân thiện của chị Ngọc, tôi lại thắc mắc. Thủ đoạn của chị thật đáng sợ. Lần nầy về nước, chị định giở trò gì đây? Suốt tuần, chị bắt tôi phải ăn cơm chung với chị và chú Chín, giới thiệu thêm cho tôi hai đứa học trò, rủ tôi đi mua sắm… Tôi luôn che giấu nỗi ngờ vực nhưng không qua được mắt chú Chín. Chú khuyên tôi: “Thôi, chín bỏ làm mười cháu ạ. Nói chung là, một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Chú nói đúng. Một giọt máu đào hơn ao nước lã nên dù thương quí tôi, chú vẫn không hé lộ điều bí mật mà chỉ có chú và chị Ngọc biết thôi. Đó là căn phòng bỏ trống gần mười ngày nay. Dù có rất nhiều khách hỏi thuê, chú đều từ chối, cho đến ngày chị Ngọc ra đi, chị dặn: “Cậu cứ giữ căn phòng cho cháu nhé. Cháu sẽ về Việt Nam ăn Tết”.
 
oOo
 
Tôi đã thi xong học kỳ một, cho phép mình thư giãn trong những ngày xuân trước khi bắt tay ôn thi và luyện tập bài tốt nghiệp. Giáp tết, tiết trời se se dễ chịu, rất thích hợp cho những cuộc đi chơi xa thành phố, hít thở không khí trong lành. Tường điện thoại bảo sẽ ghé thành phố thăm tôi nhưng sau đó lại cho biết ba anh trở bệnh, phải về Huế gấp. Lại một cái Tết vắng xa người yêu, nhưng tôi không cảm thấy buồn vì nhiều lý do. Thứ nhất, điểm thi chuyên môn của tôi đạt loại giỏi; thứ hai, Tường đã có công việc làm ổn định; thứ ba, thái độ của chị Ngọc không còn gây áp lực cho tôi nữa, hy vọng tết nầy, bạn bè tha hồ đến nhà tôi chơi.
Chiều ba mươi Tết, tôi làm mâm cơm nhỏ cúng ba. Một mình ngồi trong căn phòng trống trải, tôi nghe lòng nặng nề, dường như tất cả mọi hệ lụy cuộc đời cùng một lúc ùa về siết lấy tim tôi. Tôi thành kính đốt nén nhang, thắp hai ngọn nến hồng. Đôi mắt ba trong di ảnh nhìn tôi lặng lẽ. Ngoài cửa sổ, trời đất như chuyển mình. Gió thổi mạnh, xô nghiêng những hàng cây. Mưa. Những hạt nước nhỏ tạt vào phòng. Tôi đứng dậy, kéo hai cánh cửa kiếng. Ngôi vườn nhòa trong màn mưa. Có tiếng gõ cửa. Chú Chín bước vào, trên tay cầm một chai rượu nhỏ xíu và hai cái chén hột mít. Chú trách:
- Sao cúng ba mà không cho chú hay?
Chú mở nắp chai, rót rượu vào chén, rồi ngước lên bàn thờ, nhìn chăm chăm vào ảnh ba:
- Anh Tân, mời anh uống cùng tôi chén rượu lạt. Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là qua năm mới, tôi báo cho anh biết tình trạng gia đình nè: Chị Tân sắp ra, con Châu rất ngoan, học giỏi, con Ngọc cũng biết nghĩ lại rồi. Thằng Hùng thì lâu quá không thấy về Việt Nam. Ở bên kia thế giới, anh đừng lo nghĩ gì nữa nhé.
 
Đêm giao thừa vắng vẻ. Nhiều khách trọ chỗ tôi đã về nước ăn Tết cùng gia đình, số người ở lại cũng ra ngoài từ sớm. Tôi bưng mâm cơm ra phòng khách mời chú Chín cùng ăn. Chú vui vẻ ngồi xuống:
- Chà, hấp dẫn quá.
Chú ăn một mạch hết chén cơm:
- Cháu nấu ngon như thế nầy không sợ thím Mây ganh tị sao?
Trước khi thím Mây về quê ăn Tết, chú Chín đã nhờ thím ra chợ mua đồ ăn chất đầy tủ lạnh. Chị Xuân ở lại đảm nhiệm luôn việc bếp núc cho khách. Giờ nầy, không biết chị đã ăn cơm chưa. Tôi vào bếp tìm chị.
- Chị Xuân ơi! Chị khỏi nấu cơm. Hôm nay em cúng ba em, mời chị cùng ăn cơm với em nha.
Chị Xuân gật đầu liền. Ăn uống, dọn dẹp xong, chị rủ:
- Bật tivi xem kịch Táo Quân đi cô Châu. Có Bảo Quốc và Hồng Vân đóng vai vợ chồng Ngọc Hoàng hay lắm.
- Được rồi, chị vào phòng em bật cho chị xem. Em đi ôn bài một lát.
Tôi ra phòng khách, ngồi vào đàn. Chú Chín nói:
- Cháu đàn bài nào vui vui mừng năm mới coi - rồi chú bước ra hành lang sáng đèn, lóng ngóng:
- Không biết con Ngọc có về ăn Tết không đây. Sao chả thấy gọi điện gì cả. Còn mấy vị khách quý nữa, đi đâu không lo về, chờ đến sáng đạp đất coi bộ không ổn đâu.
Reng…reng… Tiếng chuông cổng kêu dồn dập. Tôi ngưng đàn, đứng dậy nhìn ra ngoài. Vẫn còn lác đác mưa. Dưới ánh đèn đường vàng vọt, một bóng người che chiếc dù đen ẩn hiện sau cánh cửa.
- Chắc là con Ngọc, để chú ra mở cổng.
Người đàn ông theo chú Chín vào nhà là anh Hùng. Anh nhìn tôi xa lạ. Chú Chín nói: “Em Châu của cháu đó”. Tôi gật đầu: “Em chào anh Hùng”. Anh cười gượng gạo rồi hỏi chú Chín:
- Cậu đã chuẩn bị phòng cho cháu chưa?
- Yên chí.
Tôi nghe tiếng một vật nặng quăng xuống đất đánh rầm, tiếp theo là tiếng anh Hùng:
- Trời đất, sao dơ dáy vậy nè. Chị bồi phòng đâu?
Một loạt âm thanh ồn ào, lộn xộn. Tiếng quát tháo của anh Hùng, tiếng đáp lí nhí của chị Xuân, tiếng máy hút bụi… rồi cả tiếng chuông reo ầm cả lên. Tôi ra mở cổng giúp chú Chín. Ba người khách nước ngoài đã về kịp trước giao thừa. Họ nói tiếng Việt không sõi nhưng rất thân mật:
- Chuc mung co nam moi!
Không khí trong nhà dịu bớt. Anh Hùng đã vào phòng nghỉ ngơi. Chị Xuân đứng tần ngần bên ngưỡng cửa, mặt mầy nhăn nhó trông rất buồn cười. Tôi hỏi:
- Chị không xem tivi nữa sao?
- Mụ nội tôi cũng không dám bật tivi. Cậu Hùng đòi đuổi việc tôi, làm sao bây giờ, cô Châu?
Chú Chín đang thu dọn sổ sách trên bàn, ngẩng lên:
- Cho đáng đời mầy. Tao đã bảo phải lau chùi cái phòng ấy mỗi ngày, vậy mà cứ lười như hủi. Thôi, khách về đủ rồi, lo đóng cửa kỹ càng rồi đi ngủ. Còn mười lăm phút nữa là qua năm mới, liệu mà làm việc siêng năng, tao sẽ nói cậu Hùng dùm cho. Yên tâm.
Tôi trở về phòng. Thao thức. Anh Hùng về đột ngột quá, sao chị Ngọc không báo trước? Bản thân chị lại không về như lời đã hứa. Chuyện gì sẽ xảy ra trong ngôi nhà nầy? Tôi nhớ đến một truyện ngắn của ông vua kinh dị Alfred Hitchcock nói về một tên sát thủ trốn chạy trong đêm khuya, hắn đã đột nhập vào nhà của một cô sinh viên, rồi bao nhiêu tình huống nghẹt thở xảy ra… Lòng tôi gợn lên nỗi lo âu mơ hồ. Đêm tĩnh lặng, mọi người yên ngủ, chỉ còn nghe tiếng mưa khuya rả rích. Giao thừa không pháo không mai, chỉ có những bông hoa huệ trên bàn thờ ba trắng toát, lạnh lùng. Tôi bật băng casette. Bản giao hưởng Bốn Mùa của Tchaikovsky thánh thót trong đêm nâng những ngón chân tôi lang thang khắp chốn. Tôi bước lên những bậc âm thanh bềnh bồng sương khói, tôi trôi theo tiếng mái chèo khua nước trên sông, tôi lướt qua những cánh đồng lúa chín vàng rồi bay bổng lên bầu trời đầy sao. Giấc ngủ đêm xuân êm đềm không mộng mị. Sớm mai thức dậy nghe hồn sáng trong, nhẹ nhõm. Tôi ra sân tập vài động tác. Ngang qua phòng anh Hùng, cửa đóng im ỉm. Tôi dừng lại lắng nghe. Chú Chín ngoắc tôi:
- Nó đi rồi.
- Ủa, mồng một Tết mà ảnh đi đâu sớm vậy chú?
- Mặc xác nó. Chà, không biết năm nay, ai đạp đất nhà mình đây.
Chú Chín khỏi chờ lâu. Đáp án là chị Ngọc. Taxi vào đến tận bậc thềm. Vali và đồ đạc chất đầy băng sau. Chị bước vào, tươi cười nhìn tôi và chú Chín:
- Happy New Year.
Rồi chị đi đến các phòng của khách, lặp lại câu chúc mừng. Trông chị rất vui. Chị bảo chị Xuân mang hành lý vào trong rồi mở xắc lấy ra một xấp tiền:
- Xuân ơi, đi chợ mua ba con gà, phải là gà ta mới được nhé. Trưa nay nhà ta có khách đấy.
Chú Chín nhìn chị:
- Sáng mồng một Tết, làm gì có chợ. Nhà có sẵn đồ ăn trong tủ lạnh. Bảo con Xuân làm vài món là xong.
Chị Ngọc nhấc điện thoại kêu taxi rồi đeo xắc lên vai:
- Vậy cháu nhờ cậu giúp. Nấu cho cháu… khoảng trên dưới năm người ăn, cậu nhé.
Chị bước nhanh ra cửa, ào ào như cơn gió. Trời tạnh hẳn. Nắng xuân vương lên cây lá những sợi tơ vàng nhạt, mong manh. Tôi ra thăm hòn non bộ. Đôi cá vàng đã trôi đi mất sau một trận mưa rất lớn nước tràn hồ. Tôi không kịp buồn vì chương trình học nặng nề chiếm hết thời gian của tôi. Chú Chín hứa sẽ mua vài cặp cá khác thả xuống cho vui mắt nhưng đến giờ vẫn chưa thấy. Chắc là chú quên.
 
oOo
 
Chị Ngọc đưa khách đến nhà dùng cơm, không có mặt anh Hùng. Đến chiều tối, anh mới về. Từ đó anh ở riết trong phòng suốt mấy ngày tết, xem tivi, nghe nhạc. Đến bữa, tự tay chị Ngọc đem cơm vào cho anh. Chú Chín xem ra hơi bị tò mò. Hình như tôi đã nghi oan cho chú. Tưởng chị Ngọc đã hé cho chú điều bí mật gì, nào ngờ, chú cứ hỏi tôi: “Nè cháu, hai chị em nó kỳ quá, cháu có biết tại sao không?”. “Chú hỏi cháu thì cháu hỏi ai đây? Lần trước chị Ngọc về đã nói với chú rồi mà”. “Ừ thì nó nói là thằng Hùng gặp chuyện rắc rối, sẽ về đây lánh mặt một thời gian”. Tôi giật mình. Anh Hùng đã gây ra chuyện gì? Có giống như tên sát thủ trong câu chuyện của ông vua kinh dị Mỹ đó không? Da tôi muốn nổi gai ốc: “Chú Chín, chuyện rắc rối gì thế?”. Chú Chín đưa hai tay lên trời, lặp lại lời của tôi: “Cháu hỏi chú thì chú biết hỏi ai? Nói chung là…rắc rối! Rắc rối!”. Nhưng nỗi lo của tôi không kéo dài bao lâu. Qua mồng 5 Tết, cả anh Hùng và chị Ngọc đều thu xếp hành lý ra đi. Chú Chín nói nhỏ bên tai: “Không biết thằng Hùng có về Mỹ thiệt không? Lánh mặt gì mà nhanh vậy?”. Tôi không quan tâm đến thắc mắc của chú Chín. Chỉ biết từ hôm hai con người ấy rời khỏi nhà, những cơn ác mộng không còn đến với tôi nữa. Tôi yên tâm tập đàn, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Nhưng những phút giây thanh thản ấy không dừng lâu bên tôi. Một nỗi lo khác lại ập đến làm tôi không thể nào tập trung học hành, dạy dỗ được. Đó là sự biệt tăm của Tường. Nếu không có sự cố xảy ra cho ba Tường, Tường đã trở về Cần Thơ. Không ghé thăm tôi cũng được, nhưng tại sao anh lại im lặng?
Ba nhỏ bạn thân đến chơi. Không đủ sức ôm nỗi buồn một mình, tôi kể hết cho chúng nghe. Kim Loan tức giận thật sự: “Tao nghĩ là mầy nên dứt khoát với Tường đi”.
Dứt khoát? Mối tình đầu của tôi với bao kỷ niệm vui buồn, đâu phải một sớm một chiều rũ bỏ được? Mà có nghe theo ý nhỏ Loan đi nữa thì biết tìm đâu ra Tường để nói lời chia tay? Ngày thi tốt nghiệp còn xa, nhưng nếu tôi không chú tâm luyện tập, tôi sẽ bị điểm kém và làm buồn lòng biết bao người thương yêu của tôi. Bác Cả rất thương tôi, thường viết thư vào thăm hỏi, động viên tôi và gọi tôi ra chơi vào mỗi dịp hè, tết. Lá thư gần nhất của bác viết những lời chứa chan tình cảm: “Hơn hai năm qua, bác đã đếm từng ngày từng tháng, mong chóng đến ngày mẹ cháu thoát khỏi vòng lao lý. Nếu bác nhớ không lầm, ngày cháu ra trường cũng chính là ngày mẹ cháu về bên cháu? Vậy thì mùa xuân tới, cháu gắng thu xếp đưa mẹ về thăm quê ngoại nhé”.
Cũng như bác Cả, suốt ba năm trời, không phút nào tôi nguôi thương ba nhớ mẹ. Mỗi ngày gỡ tờ lịch mỏng là thấy nỗi mong chờ nhẹ bớt trên vai. Bác Cả nhớ không chính xác lắm, tháng 6 năm nay tôi thi tốt nghiệp nhưng đến tháng 9 mẹ mới trả xong cái nợ của một bản án nghiệt ngã. Nghĩ đến mẹ, lòng tôi chợt ấm lại. Tôi đã chuẩn bị khá đầy đủ chào đón ngày về của mẹ. Dù bận cách mấy, tôi cũng đưa mẹ ra Hà Nội ăn Tết. Niềm vui gặp lại những người ruột thịt sẽ sưởi ấm tâm hồn mẹ, sẽ làm dịu đi nỗi oan ức của mẹ để mẹ quen dần với đời sống mới. Khi đó, tôi sẽ sang cho mẹ một cửa hàng buôn bán tùy theo sở thích trước kia của mẹ. Nếu mẹ đổi ý, mẹ có thể ở nhà, thỉnh thoảng thăm viếng bạn bè hoặc đi du lịch đây đó, tôi vẫn đủ sức lo.
Nắng lọt qua khe lá những sợi tơ vàng mỏng. Cây cối trong vườn được tắm gội xanh tươi sau những ngày mưa gió trái mùa. Tôi nhớ đến thái độ thân mật của chị Ngọc, phải chăng đây là dấu hiệu tốt? Hy vọng chị cũng sẽ tử tế với mẹ để khi trở về mẹ khỏi mang mặc cảm nặng nề. Sau cơn mưa trời lại sáng. Tôi và mẹ sắp được sống những ngày êm ả bên nhau. Pho tượng bán thân của Chopin trên đàn nhìn tôi đăm đăm như nhắc nhở: “Diễm Châu, cháu lo tập đàn đi chứ”
Tôi ngồi vào đàn, giở xấp bài thi. Những nốt nhạc nhảy múa trên phím ngà vang lên từng âm thanh trầm bổng. Tôi thầm nhủ, hãy cố gắng, hãy quên Tường đi. Dù thiếu vắng Tường trong cuộc đời, tôi vẫn không đau khổ bởi bên tôi còn có mẹ và trước mặt tôi là cả một tương lai rộng mở. Chưa bao giờ tôi cảm thấy nhẹ nhõm như bây giờ. Mười trang bài thi tưởng không qua nổi giờ đã khá nhuần nhuyễn. Với cái đà nầy, tôi tin tưởng rất nhiều vào kỳ thi tốt nghiệp của mình.