Chương 12

Tố Phượng vội vã chạy vào bên hiên một quán cà phê, cô vừa vuốt mặt vừa nhìn màn mưa trắng xóa giăng đầy phố.
Mưa đổ bất ngờ và ào ạt như muốn trút nỗi niềm gì đó xuống đời. Phượng ngại ngùng đứng nép vào một bên. Cô biết trong quán có rất nhiều đàn ông, có thể họ đang chú ý đến cô, biết đâu chừng ngồi phì phà những điếu thuốc bên những ly cà phê có cả những người cô quen.
– Tố Phượng!
Phượng giật mình quay lại cô bối rối cắn môi khi thấy Sang từ một góc quán bước tới. Anh nhỏ nhẹ:
– Vào đây cho đỡ lạnh. Em ướt hết cả rồi!
Tố Phượng còn tần ngần chưa biết trả lời sao thì Sang đã tới kế bên ân cần đưa cô đến chỗ ngồi. Thầy Sang bao giờ cũng ga lăng với phụ nữ cơ mà!
Cô e dè ngồi xuống và rụt rè vuốt mái tóc hơi ướt của mình. Cố giữ vẻ tự nhiên trước đôi mắt nóng bỏng của Sang, Phượng nói:
– Lâu lắm em mới gặp thầy...ơ...gặp anh Hai.
Sang im lặng. Anh dụi tắt điếu thuốc đang hút dở rồi nhẹ nhàng tấn công:
– Cám ơn Phượng vẫn xem anh là người nhà. Lâu rồi không tin tức gì, đôi lúc chạnh lòng anh nghĩ chắc chị em nhà Tố đã vứt anh ra khỏi đường không thương không tiếc.
Phượng dịu dàng:
– Sao anh Hai lại nói vậy? Chẳng qua là do đời sống qua sôi động bọn em không có thời gian...
Rồi cô im lặng. Sang thấy mình quá lời khi chỉ biết trách người mà không nghĩ đến ta, nên anh vội giả lả:
– Đùa cho vui mà Phượng! Tại lâu quá không gặp Phượng và Oanh... Thế em lên đây bao giờ?
– Dạ....em lên lâu rồi. Em chuyển công tác và lên đây ở luôn.
Sang nhíu mày như nghĩ ngợi điều gì đó, rồi ánh mắt anh nhìn ngay vào mặt Phượng, miệng cười nói:
– Đã cưới rồi chứ?
– Dạ chưa.
– Vậy là hai chị em lại ở chung?
– Dạ!
Sang tựa người vào ghế nhìn ra đường. Chiều nay bỗng dưng mưa to quá.
Anh trầm ngâm. Đối diện với Tố Phượng trong không khí lành lạnh đầy hơi nước của một quán cà phê, Sang thấy lòng mình bâng khuâng hối tiếc thế nào ấy. Anh thở dài, mình đã để vuột cái lẽ ra mình đã chọn.
Sang đọc nho nhỏ:
Mưa vẫn nao lòng trên mái phố Ta trách trời mưa hay trách ai Tưởng dấu bụi mờ không nhớ nữa Mưa ướt làm chi giọt vắn dài...
Phượng chớp hàng mi cong.″ Ông ta vẫn còn mơ mộng như ngày xưa được... Cũng hay!”.
– Oanh bây giờ sống thế nào hả Phượng?
Phượng cười cười:
– Anh vẫn còn quan tâm đến chị Hai em à?
– Dù sao cũng có một khoảng thời gian dài Oanh là máu thịt, là hơi thở của anh. Tay đứt còn biết đau, nói chi đứt đoạn nghĩa vợ chồng.
Phượng nói:
– Thì sau một thời gian... thất nghiệp vì xin nghỉ ở trường đột ngột, chị Oanh đã tìm được việc làm.
Sang ngắt lời:
– Chuyện đó thì anh biết. Anh muốn hỏi xem cuộc đời của Oanh có gì khác chưa?
Tố Phượng lắc đầu:
– Điều nầy quả thật em không rõ. Càng lớn chị Oanh càng kín miệng. Tính chị ít bộc bạch, tâm sự, ngay cả chuyện buồn vui của anh và chị trước đây em cũng không rành. Đùng một cái, mẹ và em ngỡ ngàng khi nghe chị ấy nói đã ly dị. Lúc ấy xem như chuyện đã xong rồi.
Nhìn Sang bằng cái nhìn rất lạnh, Phượng nói tiếp:
– Sau nầy em nghe chị Oanh với mẹ thì mới biết chính bác gái là người tác động anh và chị đi đến ly dị. Vì theo bác, hai người không hợp nhau cả tâm hồn lẫn thể xác.
Cô chua chát:
– Bác gái đúng là bà mẹ tiến bộ, tân thời.
Sang gượng cười:
– Không hẳn là như vậy đâu Phượng. Đúng ra chuyện gì cũng có nguyên nhân của nó. Mẹ anh chỉ là người cho ý kiến sau cùng.
Phượng cười. Đôi môi mọng rất giống đôi môi của Oanh hơi trề ra. Anh ta càng phân trần càng để lộ cái tính hèn nhát, ỷ lại của mình. Một gã đàn ông gần bốn mươi tuổi đầu rồi mà vẫn còn bám váy mẹ, nghe lời và sợ mẹ.... Dĩ nhiên chuyện Sang và Oanh bỏ nhau còn nhiều lý do nữa nhưng nếu bà mẹ Sang là một người khác, biết vun vào, xới lên thì đâu đến nỗi. Chỉ vì bà không muốn một con dâu cứng đầu, chống lại ý bà. Mà Oanh thì sau một thời gian dài chịu đựng chồng, răm rắp nghe lời mẹ chồng đã bắt đầu trở lại với chính con người của mình. Cô bắt đầu ″vùng lên” thì bà Phan cũng bắt đầu đổi cách cư xử.
Phượng bất giác nổi nóng khi nghĩ rằng qua cách nói, Sang ngụ ý mọi nguyên nhân dẫn đến chuyện đổ vỡ của hai người chủ yếu là do Oanh.
Cô nghiêm mặt:
– Vậy nguyên do từ đâu? Anh nói đi anh Hai!
Sang làm thinh. Cái bản chất hảo ngọt, đa tình lâu nay ngủ yên vì trách nhiệm làm chồng ràng buộc, hôm nay bất chợt bừng lên khi nhìn cô gái một thời anh ao ước đang ngồi trước mặt, khi anh hăm hở cho rằng, bây giờ mình là một gã đàn ông tự do. Anh có quyền yêu và có quyền tán tỉnh, tỏ tình như ngày xưa nào ấy chứ!
Đốt cho mình điếu thuốc, anh đổi thế ngồi cho có vẻ suy tư trầm lắng hơn.
Đôi mắt đen to ướt át của Sang hơi xa vắng một chút, rồi dừng lại trên gương mặt đẹp của Tố Phượng:
– Nếu anh nói rằng mọi đổ vỡ bắt đầu từ em thì em nghĩ sao Tố Phượng?
Phượng ngẩn người một chút. Đúng là cô hoàn toàn bất ngờ khi nghe Sang nói như vậy, khi nhìn thấy đôi mắt buồn bã rất thực của Sang cô chỉ biết bối rối phản đối:
– Sao lại tại em! Anh đùa gì ác thế?
Sang hơi chồm người về phía trước, hai bàn tay bám vào cạnh bàn cất giọng khổ sở:
– Anh có đùa bao giờ đâu mà ác! Thật là như vậy mà. Qua mấy năm chung sống rồi xa nhau, anh đã chua xót với kết luận anh chưa hề yêu Oanh thật sự.
Cả Oanh cũng vậy, cô ta không hề yêu anh. Cả hai đã yêu bằng ảo tưởng.
Giọng Sang bỗng trầm hẳn xuống yếu đuối, run rẩy nhưng cũng quyết liệt, dữ dội:
– Lẽ ra...lẽ ra em làm vợ anh mới đúng. Vì tình cảm đầu tiên trong sáng nhất anh có được anh đã dành cho em. Em không nhận thì thôi lại đành lòng đánh tráo bằng Oanh để anh phải khốn khổ. Hừ! Cuộc tình duyên bắt đầu bằng trò gian lận thì làm sao có được hạnh phúc, và đời sống vợ chồng đã đổ vỡ như em thấy đó. Tố Phượng! Ngày ấy sao em nỡ đối xử với anh như vậy?
Phượng lắc đầu tránh né:
– Chuyện đã qua rồi anh nhắc lại làm gì.
Sang chăm chăm nhìn Phượng:
– Anh phải hỏi cho ra lẽ. Vì có bao giờ Phượng cho anh cơ hội để anh đến gần mà tìm hiểu tại sao em đùa cợt với anh đâu, để mấy năm rồi nỗi đau ấy cứ canh cánh trong lòng anh.
Dứt lời, anh khẽ kéo chiếc ghế dịch ra xa chiếc bàn rồi ngồi ôm đầu chứng tỏ mình đang đau khổ.
Phượng thừ người ra, ánh mắt tránh nhìn vào Sang. Cô bối rối đến mức có cảm tưởng mình mất cả sáng suốt để hiểu và nhớ hết những lời Sang vừa nói mà trả lời anh. Từ lâu lắm rồi, cô tránh không gặp Sang một mình, cô sợ anh hỏi những điều cô về cái trò chơi mà Oanh đã thành thạo, cô sợ anh hỏi cô những điều mà cô luôn nghĩ đó là một phần lỗi của mình. Thế đấy! Cơn mưa bất ngờ đầy tai ương đã khiến cô gặp Sang tại đây và anh đã hỏi những điều cô sợ.
Cô vụng về bóp đôi tay, giọng ấp úng:
– Anh trách thì em chịu... thật ra ngày ấy em chẳng hề... có ý gì với anh hết. Em thề là em không hề biết chị Oanh đã đến với anh bằng tên em. Mãi đến khi mọi việc đổ bể ra thì... thì...
Tố Phượng khổ sở im bặt. Tâm hồn trong sáng của cô không chỉ cho cô biết phải tự bênh vực mình như thế nào trước những chuyện ngày xưa ấy. Cô chỉ biết nói dối một cách thật thà rồi ngượng ngùng ngồi im... Lúc Oanh đến với Sang cô biết quá đi chớ sao lại không? Nhưng vì cô yếu đuối chưa bao giờ ngăn cản được Oanh điều gì, nên trước chuyện nầy cô cũng đành giả lơ. Tại vì cô muốn yên thân trước sự tấn công của Sang nên khi thấy ông thầy chuyển đối tượng cô cũng an tâm. Và sau cùng ở đêm trực trường tai tiếng đó, cô vì mất đi tình yêu đầu đời của mình, cô sợ mất Trường nên đã bằng lòng để Oanh trực thay. Phải chăng cô chỉ là một người nhỏ mọn, ích kỷ chỉ sống vì mình, cho mình?
Nhìn những diễn biến trên gương mặt, trong cử chỉ của Phượng, Sang lại cho rằng cô đang cảm động trước những lời anh vừa nói. Phấn khởi trong lòng, anh tiếp tục mở lời:
– Phượng biết không? Khoảng thời gian gần đây anh luôn sống trong sự sám hối. anh đấm ngực hàng đêm như tín đồ ngoan đạo để tự trách mình ngày đó quá nông nổi, mới chạm vào cái bóng của tình yêu mà đã tưởng mình đến tận thiên đường hạnh phúc. Yêu một người mà gần gũi âu yếm một người, thật là oái ăm! Rồi đến lúc biết mình đã lầm vẫn yếu hèn buông theo những đam mê thói thường như một cậu trai trẻ, để phải sa chân vào chiếc bẫy của hôn nhân.
Khẽ liếc Phượng để xem thái độ của cô ra sao, Sang tiếp tục xỉ vả mình:
– Trong cuộc hôn nhân gian dối đó, anh lại bị Oanh xỏ mũi dắt đi như một con rối. Vì tình yêu trong sáng và cao cả đối với em, anh đã yêu thương Oanh, mượn hình bóng Oanh để nhớ em. Tưởng thế đã là hạnh phúc, nào ngờ Oanh không phải là em, cũng không phải là mẫu người anh tưởng. Trong một lần cãi vã, Oanh đã xổ toẹt vào mặt anh rằng Oanh thừa biết anh và em yêu nhau, nhưng vì Oanh muốn có một người chồng giàu có, Oanh muốn ở lại thành phố nên cô ta dùng nhiều thủ đoạn để làm vợ anh, mặc cho em đau khổ...
Phượng tái mặt, cô lắp bắp:
– Anh nói dối! Chị Oanh không phải là là hạng người như vậy! Em không đồng ý anh đổ mọi lỗi lầm cho chị Oanh đâu. Anh là đàn ông, anh người chủ động trong mọi trường hợp mà. Có lẽ anh quên rằng đang nói chuyện với ai rồi.
Sang hơi ngây cười. Anh không nghĩ bình thường Phượng rất nhỏ nhẹ, dịu dàng ít làm mất lòng ai lại phản ứng như vậy. Nhưng vốn là người ứng xử nhanh nên trong thoáng tích tắc ấy anh đã nhũn nhặn:
– Anh xin lỗi đã tự dưng đột ngột tâm tình với em những điều chẳng hay về Tố Oanh, anh đã hấp tấp muốn nhanh chóng trình bày những nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ của anh và Oanh với em, và đã làm em hơi hẫng vì sự thật.
Nhưng mong em tin những lời anh vừa nói, Oanh không hề yêu anh.
Phượng nghiêm mặt:
– Sao anh lại để bụng lời nói lúc chị Oanh đang mất bình tĩnh vì nóng giận rồi khăng khăng cho rằng chị không hề yêu anh?
Lặng im một chút, Phượng tiếp:
– Cho đến hôm nay em chưa hề nghe chị Oanh hé răng thở than một lời nào về những ngày làm vợ, làm dâu ở nhà anh. Nhưng một lần tình cờ gặp cô Thoa, em đã nghe cô nói về trường hợp của anh và chị Oanh.
Sang hơi ngỡ ngàng, anh vội hỏi:
– Thoa à! Cô ta thì biết gì chuyện gia đình người khác mà nói.
Phượng nhích môi cười cố dấu sự khinh bỉ vào trong và thản nhiên nhắc khéo:
– Tại anh Sang quên đó chứ! Cô Thoa nằm trong ban chấp hành công đoàn lo vấn đề ″cơm lành canh ngọt” của từng gia đình công đoàn viên thì làm sao lại không biết chứ.
Sang sụ mặt xuống:
– Ối dào! Ba mươi mấy tuổi đầu chưa tìm được cho mình một mảnh tình máng ngang vai mà lại phụ trách giải quyết chuyện gia đình người khác. Có kinh nghiệm gì đâu mà thông cảm cơ chứ! Phượng đi tin các bà, các cô ấy thì có mà loạn chuyện.
– Có thể cô Thoa không giải quyết được việc của người khác, nhưng chắc chắn cô Thoa biết đúng và đã nói đúng chuyện của gia đình anh. Anh Hai nầy! Em biết lý do để chị Oanh buồn bực là tại anh bệnh... mà chị Oanh thì không chịu được chuyện đó, phải không?
Sang đỏ mặt. Anh không thích bất cứ ai nói đến cái khuyết điểm khốn khổ của mình nên gạt phăng đi.
– Không phải vì vậy mà ly dị đâu.
Tố Phượng gật đầu mai mỉa:
– Đúng, không phải vì anh bệnh mà vì cách sống bệnh hoạn của anh, cách đối xử của bác...
– Phượng không đành lòng nói tiếp khi thấy Sang bối rối như kẻ đang làm điều tội lỗi. Chính cô Thoa nói với cô những lời Oanh tâm sự, chính cô Thoa kể với cô, bà Phan mẹ Sang đã vào trường khai xấu con dâu ra sao, và chính bà đã nhờ công đoàn trường làm ″công tác tư tưởng” để Oanh buông thằng bé nhà bà ra sao cho Phượng nghe.
Tội nghiệp! Dầu sao cô Thoa cũng có một thời đắm say Sang nên khi nghe bà Phan tỉ tê to nhỏ, cô đã tin rằng nguyên nhân để Sang ốm đau rề rà là hoàn toàn do cô vợ quá sức của anh. Cô Thoa càng có thành kiến hơn nữa khi nghe bà Phan xụt xùi kể lể cả chuyện bà phải năn nỉ con dâu xuống ngủ chung với bà để ″thằng nhỏ được nghỉ ngơi đôi chút”, đến nữa đêm bà giật mình thì nó đã lẻn vào với chồng. Cuối cùng khi ngủ, bà phải khóa cửa phòng thì mới yên trí bảo vệ sức khỏe con trai(?).
Tội nghiệp! Cô Thoa đã mắc cỡ đỏ mặt tía tai khi được bà Phan ″tin tưởng”.
mà kể hết mọi chuyện của ″chúng nó” cho cô nghe, để khi nói chuyện với Phượng, cô vẫn còn xấu hổ, rồi ấm ức vì thắc mắc nhiều thứ về chuyện đó mà chẳng dám hỏi ai. Để rồi cô kết luận đơn giản:
Oanh ly dị Sang là đúng, vì tiếp tục sống với nhau thì Oanh giết Sang chết mất. Cô an ủi Phượng khá nhiều, để qua những lời an ủi đó Phượng hiểu, cô Thoa không trách chị Oanh mà cô Thoa mừng vì có thế thì Sang mới được ″trả tự do”, và cô mới có dịp trổ tài làm công tác công đoàn của mình, đối với một đồng nghiệp bệnh hoạn đang cần có người chăm sóc thể xác lẫn tâm hồn.
Sang nhìn Phượng làm thinh mà lòng anh hơi mắc cỡ. anh biệt vì tế nhị nên Phượng không nói tiếp về cách đối xử của mẹ anh đối với Oanh, sau nầy khi anh không dằn lòng mình để cứ ″lên cơn” luôn. Nhưng cái ″hơi mắc cỡ” ấy chỉ kịp lóe lên chưa kịp làm anh nóng mặt thì đã tắt ngay... Phượng im lặng không nói tiếp là cô nhân nhượng, cô sợ Sang mất lòng... Ít ra ″con bé” cũng có nghĩ tới anh. Sang vờ tươi lên để lấn cái sường sượng còn rơi chút xíu trong mình ra ngoài.
– Anh không biết Thoa đã hiểu gì về anh để nói với em. Nhưng anh nghĩ, anh và Oanh chia tay là đẹp, là hay và là đúng cho cả hai. Một sự giải phóng đúng nghĩa!
Phượng lại tiếp tục ngồi yên trong ngao ngán. Ngoài trời mưa vẫn rơi... Cô chợt chán ngấy người đàn ông nầy. Rõ là cái nhìn đầu tiên của cô không sai. Cô đã bảo ″gương mặt thầy Sang đẹp thật, nhưng nó thiếu một cái gì đó...” Cái thiếu ấy đã lồ lộ ra trước mắt cô lúc nầy, nhưng cô vẫn chưa tìn được cho nó tên gọi thật đúng.
Giọng Sang bất chợt ngọt ngào một cách cố ý:
– Tố Phượng! Những lời anh nói với em, em đừng nghĩ là anh nói xấu Oanh. Anh chỉ muốn em thông cảm, hiểu anh hơn...
Phượng nhìn ra đường. Cô đang cầu trời hết mưa để cô đi khỏi nơi đây, để cô khỏi phải nghe những lời dối trá khủng khiếp kia.
Thấy Phượng lầm lì làm thinh, Sang biết cô đã chán nghe những lời ca cẩm của mình, nên anh đột ngột chuyển câu chuyện:
– À quên! Trường dạo nầy thế nào hả Phượng?
– Dạ, anh ấy vẫn bình thường.
– Em...yêu...anh ta lắm phải không?
Tố Phượng nhè nhẹ gật đầu. Cô khó chịu khi nghe cách Sang nói có vẻ gì ganh ghét. Cô chợt nhớ ra... hình như Sang và Trường không hề ưa nhau. Đã có nhiều lần... Trường xót xa với cô:
– Anh không hiểu tại sao Tố Oanh có thể yêu và lấy một con gà trống thiến ba hoa làm chồng Và anh chẳng thèm giấu sự khinh bỉ của mình đối với Sang. Sang cũng thế.
Hai người đàn ông sẽ là ″anh em cột chèo” họa hoằn lắm mới gặp nhau khi tết nhất, giỗ quải, chỉ lẳng lặng bắt tay nhau rồi mỗi người đi một chỗ, thậm chí trong bàn nhậu, họ tránh không uống cùng một ly với nhau.
Những khi ấy Phượng có để ý thấy nhưng cô vẫn chưa hiểu vì sao họ hầm hừ nhau lạ thế!
Giọng Sang ra vẻ quan trọng làm Phượng chú ý:
– Phượng nè! Có thể em sẽ tiếp tục nghĩ xấu về anh, nhưng anh vẫn phải nói một cách trung thực suy nghĩ của mình.
Phượng cảnh giác:
– Về điều gì vậy anh Hai?
– Từ lâu nay anh cứ thắc mắc là tại sao em lại yêu được Trường, một gã rỗng tuếch, tâm hồn nông cạn, khô khan, không phù hợp chút nào với một người trong sáng, nhạy cảm sâu sắc, sống vong thân vì người khác như em.
Phượng nuốt bực vào lòng, cô nói cho qua:
– Làm sao em giải thích cho được. Anh cứ xem như em và ảnh bổ sung cho nhau. Em cần một người đàn ông thật đàn ông, mạnh bạo để che chở.
Sang hơi mỉa mai:
– Vậy thì em yêu một cái khiên thì đúng hơn. Anh nói thật, không xứng với em chút nào.
Phượng đưa tay vuốt tóc, rồi thong thả nói:
– Người đàn ông nầy thường nhìn ra khuyết điểm của người đàn ông nọ qua sự thiếu sót và ngu dốt của chính bản thân ông ta. Thật tồi tệ khi chê chồng hay yêu một người đàn bà trước mặt mỗi mình họ. Đó là sự nói lén và nói xấu thô bỉ nhất.
Mặt Sang tái đi, nhưng cặp môi đỏ của anh vẫn cười:
– Đúng đó, nhưng anh nói với em lại khác. Vì em chẳng có yêu anh ta. Và Trường cũng không hề yêu em.
Phượng uất nghẹn người:
– Anh bịa ra những lời độc ác ấy nhằm mục đích gì?
Sang dựa người vào ghế thở dài, giọng anh bùi ngùi, thương xót:
– Xin lỗi! Anh thật trơ trẽn khi nói với em như vậy. Nhưng tại em thật thà, trong sáng và lý tưởng trong tình yêu quá nên em có thấy gì đâu. Trái lại, anh là một kẻ đa nghi, ích kỷ, tồi tệ, thô bỉ, nhỏ mọn, bệnh hoạn và hàng lô hàng lốc những thứ xấu khác như Oanh đã từng nguyền rủa, nhưng anh lại thấy nhiều cái hay hay. Anh biết chắc Trường chỉ yêu cái bóng của em. Hắn yêu Tố Oanh đó thôi!
Phượng giận run người:
– Lòng ghen tuông đã làm anh điên rồi. Thật đúng như chị Oanh đã nói...Anh có thể ghen chị Oanh với bất cứ ai cho thỏa cái trí tưởng tượng bệnh hoạn của anh. Tại sao anh lại nói tới Trường? Phải chăng anh muốn trả thù em chuyện ngày xưa đã không đến với anh? Em đã luôn nghĩ tốt về anh, vì anh đã từng là thầy của em. Nay em rõ rồi. Quả anh là người độc ác, nhỏ mọn khi muốn hai chị em chúng tôi phải thù ghét nhau vì miệng lưỡi rắn độc của anh.
Sang không hề biến sắc mặt, anh ôn tồn như đang đứng trên bục giảng:
– Tố Phượng, bình tĩnh lại nào, hãy nghe anh nói! Nếu Tố Oanh vẫn còn là vợ anh, thì không đời nào anh nói ra điều tồi tệ đó. Khốn khổ thay cô ta bây giờ là một phụ nữ tự do, có thể quan hệ với bất cứ thằng đàng ông nào mà cô thích. Phượng không hiểu chị mình bằng anh hiểu vợ đâu. Em phải nhìn vào thực tế để mà đối phó kẻo lại lỡ làng.
Tố Phượng đứng phắt dậy nghẹn ngào:
– Đủ rồi! Em không muốn nghe nữa!
Dứt lời, cô vụt chạy ra ngoài. Mưa vẫn còn trắng xóa.
Trời ơi! Thầy Sang đã nói gì vậy?
Vết thương sâu tận hồn cô, người ta đã chạm tới, đau muốn ngất đi. Điều cô cố gắng nghĩ là không hề có đã bị người khác nói xổ toẹc ra chẳng chút thương hại.
Phượng ngoắc một chiếc xích lô và leo lên như kẻ vô hồn. Mưa lớn quá và cô thì ướt cả rồi. Hình như có tiếng Sang gọi nhưng cô không hề quay lại.
Cô thổn thức một mình trong nhịp lắc của chiếc xe, trong nhịp mưa vội vã lạnh buốt. Cô có yêu Trường không? Trăm ngàn lần là có. Cô có nghi ngờ những điều Sang vừa nói không. Có chứ! Phượng não nề nghĩ tiếp. Cô có biết Trường yêu Oanh không? Trăm ngàn lần là có. Chuyện ấy giờ đây là sự thật vì đã có người cũng biết để nói lên cảnh cáo cô.
Phượng chua xót:
– Thì ra hai gã đàn ông kia ghét nhau là vì thế. Cả hai đều không được người đàn bà mình muốn nên họ đã hậm hực nhau.
Phượng bất chợt choáng người khi nghĩ đến Oanh. Chị cô có thể làm những điều cô không bao giờ dám nghĩ tới...và biết đâu điều đó đang xảy ra ở nhà.
Xe đã ngừng trước cổng Phượng hối hả bước vào. Cửa khép hờ, chỉ một mình Oanh ngồi ngoài salon nghe nhạc và hút thuốc. Cô lên tiếng khi thấy Phượng ướt nhẹp từ đầu đến chân hổn hển đứng nhìn cô.
– Trường đi rước em rồi. Sao không chờ mà lại đội mưa về như vậy?
Phượng im lặng. Cô thấy người rả rời và xấu hổ ghê gớm với những ý nghĩ đen tối trong đầu. Ghen tương là một thứ thuốc độc tự hủy và ghen tuông cũng là một thứ thuốc kích thích tội ác. Cô thở dài. Phải chi chiếc xe của mình đừng hư để phải đi bộ, phải chi trời đừng mưa để phải gặp và nghe những điều dễ sợ đó. Và phải chi trên đời nầy chỉ có Tố Phượng thôi chứ đừng có Tố Oanh.
Phượng đau đớn với ý nghĩ sau cùng. Một ý nghĩ hồi nào đến giờ cô chưa bao giờ nghĩ đến. Tâm hồn trong sáng của Phượng lại đánh động trái tim luôn sống vì kẻ khác của cô. Ôi! Thì ra cô đã quá ích kỷ khi muốn rằng đừng có một phiên bản y như mình tồn tại bên cạnh mình chỉ vì cô sợ mất đi người cô yêu.