Chương 4

Sau lần đi chơi đầu tiên, Oanh đã cảm thấy mình mê ngay vẻ điệu đàng, sành sỏi và từng trải, lịch lãm của ông thầy đẹp trai, nghệ sĩ. Cô cứ tơ tưởng đến nụ hôn nhẹ nhưng rất khéo làm cô ngây ngất và những lời thơ ru hồn cô bay bay.
Phượng thì bực ra mặt. Cô đã chờ suốt buổi ấy. Khi Oanh về, Phượng đã nghiêm nghị nói ngay:
– Em không bằng lòng trò chơi nầy đâu. Một lần với hai cái tát tai của người ta mà chị vẫn chưa sợ. Với em đó đã quá đủ ê chề.
Tố Oanh liếc Phượng trâng tráo:
– Em yêu thầy Sang à?
Tố Phượng khó chịu:
– Không! Nhưng em chẳng muốn mang tiếng vì chị.
Oanh ngồi xuống:
– Chị yêu thầy! Điều đó không ảnh hưởng gì đến em để phải mang tiếng cả.
Phượng ngạc nhiên tròn đôi mắt:
– Yêu lúc nào mà nhanh vậy? Còn ông Huy chị để cho ai?
Oanh nhăn mặt:
– Đừng nhắc đến Huy, hắn chỉ là bạn cùng lớp. Còn thầy Sang quả là dễ thương, mới nói chuyện một lần chị đã yêu.
Phượng làm thinh. Cô ngao ngán ngó lơ ra cửa sổ:
– Chị yêu mà chị có nói chị là ai không?
– Có chứ! Thầy rất ngạc nhiên, sau đó thầy cho biết là thầy hợp với chị hơn em.
Phượng đứng dậy. Ngực cô đau buốt, tự nhiên cô cảm thấy tự ái vô cùng. Cô hoang mang không hiểu là Oanh nói thật hay nói dối. Dù thật hay dối cô cũng thấy mình bị xúc phạm. Nếu Oanh nói thật thì thầy Sang chẳng ra làm sao hết.
Còn nếu Oanh nói dối thì chị cô quả thật tệ. Cả hai rốt cuộc chỉ nghĩ đến bản thân mình, chẳng ai nghĩ đến cô cả. Phượng nói như khóc:
– Dù chị nói thật hay nói dóc thì chị với ông Sang cũng là một cặp xứng đôi vừa lứa.
Oanh làm như ngơ ngác nhìn Phượng, rồi cô nhún vai bước vào phòng tắm.
Có một lần cô nghe Huy người cô đang bồ bịch nói:
Thầy Sang hỏi cậu ta về Tố Oanh. Sang không dạy lớp cô nhưng anh là phó bí thư đoàn trường nên Sang biết mặt hết các cán bộ đoàn của lớp. Huy là bí thư chi đoàn của lớp Oanh nên cũng khá thân thiết với thầy. Cậu ta vui miệng đã tâm sự với ông thầy có tiếng trẻ trung, chịu chơi nầy về mối tình của mình. Còn mức độ tâm sự tới đâu thì Oanh không biết được.
Oanh tư lự. Trò chơi nầy quả cũng thú vị, cô thích cái lấp lửng hư hư thật thật nầy. Làm sao dám nói với Sang, và cũng không làm sao không đến với Sang được. Chàng quá tuyệt vời, dù thân thể có hơi mảnh dẻ, bù lại lời nói và đôi môi quyến rũ làm sao. Cô chợt chán ngán vóc dáng vai u, thịt bắp như Huy, vừa nhà quê, vừa cù lần. Rồi cô chợt nghĩ đến Hùng, anh ta từng là người một thời cô đắm đuối, giờ Hùng ở đâu. Lâu lắm rồi Oanh không nhớ đến Hùng.
Kể từ hôm đó trở đi, Phượng và Oanh như có một khoảng cách. Oanh biết Phượng bây giờ đã khác cô bé Phượng cách đây ba năm, cô vẫn còn hồn nhiên trong sáng và thành thật, nhân hậu nhưng cô không ngu ngơ, khờ dại để bị người khác qua mặt, cô rất ghét trò lừa đảo. Bằng chứng là cô không ủng hộ Oanh trong chuyện yêu đương nầy. Tố Phượng không khuyên răn, ngăn cản được việc làm của chị, cô chống đối bằng cách tránh không nhắc đến thầy Sang.
Vào lớp, cô tỏ vẻ chống đối thầy ra mặt, nhưng cô càng tỏ ra ghét bao nhiêu Sang càng lộ vẻ yêu chiều bấy nhiêu. Phượng đâu biết rằng Oanh rất ranh ma, cô bảo với Sang rằng:
Vào lớp cô sẽ làm mặt lạ, Sang không nhắn nhen, hỏi han gì cô trong lớp cả. Lần hẹn trước sẽ định ngày giờ và địa điểm cho lần hẹn sau.
Sang vô tình không nghi ngờ gì. Lũ sinh viên rủi có gặp Sang với Oanh ngồi quán nước, chúng cũng nghĩ đó là Phượng. Phượng cũng không ngờ điều ấy.
Nhưng Phượng buồn lắm. Càng lúc cô càng thấy mình cô đơn và xa lạ với Oanh. Cô biết Oanh và Sang có những buổi hẹn hò bí mật, nhưng cô đâu nỡ nói ra chuyện của hai người với bè bạn. Cô vẫn là em song sanh với Oanh, cô vẫn là người đỡ đạn cho chị kia mà. Rồi cô an ủi mình:
Dù sao lần nầy Oanh đi chơi với thầy Sang cũng dưới cái tên Tố Oanh của chính chị ấy.
Tố Phượng lơ đãng dắt chiếc xe mini ra khỏi cổng trường. Tâm trí cô lang thang theo những mảng phượng đỏ rực trên cao, nhưng lòng cô vẫn không sao thanh thản được. Chuyện cô bực là chiều nay, trong giờ ôn tập cuối học phần của thầy Sang, Nhân là trưởng ban văn thể của lớp đã đòi hát để giải lao. Cả lớp vỗ tay rần rần, thầy cũng ủng hộ.
Thế là Nhân dõng dạc đứng lên bục xin hát tặng thầy và người thầy yêu một bài tình ca. Anh chàng đã hát rất tuyệt bài “Phượng yêu”. Vừa hát, anh ta vừa nhìn Phượng làm cô vừa tức vừa ngượng, vừa như nổi gai, nổi óc khắp cả người.
Các bạn đem đến tặng thầy nhánh phượng mới hái dưới sân, kèm theo tràng cười rộn rã. Thầy Sang đứng dậy nhận hoa rồi nhìn Phượng, cái nhìn của thầy có vẻ hài lòng khiến Phượng hoang mang. Cô còn đang nghĩ ngợi thì thầy Sang đã đi đến bàn cô và đường hoàng đặt nhánh phượng vĩ trước mặt cô.
Phượng đỏ mặt rồi gục đầu lên bàn giữa tiếng vỗ tay, vỗ bàn ầm ầm của cả lớp và giữa tiếng hát của Nhân...
“Yêu Phượng xong chết được ngày mai Xin yêu dù gian dối, xin yêu tôi dẫu nghi ngờ...
Trong bơ vơ còn nhiều...thì đâu chối được tình yêu...”.
– Sao thế nhỉ! Lẽ nào thầy muốn cả hai chị em nhà Tố.
Phượng ấm ức nhớ lại nụ cười và đôi mắt rất tình của thầy Sang. Vừa lúc một chiếc xe hàng chạy cùng chiều bỗng dưng ép sát vào lề làm Phượng hoảng hốt chao tay lái. Bánh trước tưng trên một cục đá xanh to làm Phượng té xuống đất. Cô chưa nghe rõ tiếng ai la gì đó phía sau thì đã bị đè lên người tối tăm mày mặt. Đến hồi hoàn hồn cô mới biết là mình đang bị chiếc xe mini của mình đè lên trên, rồi trên chiếc xe mini lại là một chiếc xe Honda và một anh chàng mặt mày sáng sủa cũng đang hớt hải. Anh ta gượng ngồi dậy trước đỡ chiếc Honda lên rồi đỡ chiếc xe đạp của Phượng. Cô chống tay định đứng dậy, nhưng sao mà đau đến thế. Phượng nhắm mắt, bặm môi nén tiếng kêu nhưng cô vẫn không sao đứng được.
– Chắc trặc chân rồi!
Anh thanh niên ái ngại nói xong, dìu cô vào ngồi đỡ ở lề đường. Chân cô nhanh chóng sưng lên ở mắc cá, hai cùi chỏ tay rướm máu bắt đầu rát. Tự dưng nước mắt ứa ra, cô bật khóc ngon lành làm người thanh niên hốt hoảng. Anh bóp chân cho cô và luôn miệng nói:
– Không sao đâu! Không sao đâu! Đừng khóc!
Tố Phượng vẫn tức tưởi:
– Tại ông chứ ai! Tự nhiên té đè lên người ta.
Chàng trai cự nự:
– Sao lại tại tôi? Đang đi bỗng dưng nhào xuống đường ăn vạ rồi đổ thừa.
Cũng may là sau tôi chẳng có chiếc xe hàng nào nữa, không thì hai đứa...chết chung đấy!
Phượng đỏ mặt hất tay anh chàng xa lạ ra, cô định đứng dậy nhưng không được.
– Ôi! Đau quá!
Cũng cái miệng rộng lách chách:
– Xem nào! Bong gân hay gãy gì rồi...Coi chừng cưa luôn thì chết.
Phượng ức lắm. Người gì vô duyên! Cô đang đau mà hắn còn hù nữa. Nước mắt cô lại tràn ra. Phượng vừa thút thít vừa dáo dác nhìn quanh. Rồi tự dưng ánh mắt cô lại ngừng trên mặt của người thanh niên. Anh ta cũng đang chăm chú nhìn cô bằng tia nhìn thật ấm và thật dịu dàng. Phượng bối rối chẳng biết làm gì, cô cúi nhìn chỗ mắt cá chân giờ đã sưng to.
– Tôi đỡ cô bé đứng lên, rồi đưa vào bệnh viện, chân sưng to như vầy là không ổn đâu.
Phượng lo lắng nhìn anh ta. Anh ta lại hỏi:
– Đau lắm không?
Phượng trấn an mình:
– Không đau!
– Không đau mà khóc! Bây giờ gọi xích lô đưa vào viện.
Tố Phượng sợ hãi:
– Tôi sợ vào trong đó lắm.
Rồi cô lại khóc ngon lành. Hai cô gái chở nhau trên một chiếc xe đạp trờ tới ngạc nhiên. Phượng mừng quýnh:
– Hồng Loan! Mai Nhi!
Cô gái tóc ngắn tên Hồng Loan tròn mắt:
– Sao vậy? Xe tông hả?
Phượng nhăn nhăn gật đầu:
– Trặc chân rồi! Chở Phượng về đi Loan.
Mai Nhi liếc xéo anh chàng xa lạ:
– Đụng người ta phải đền chớ!
Tố Phượng ấp úng:
– Tại Phượng vấp cục đá rồi té chớ đâu có ai đụng. Người ta đỡ Phượng lên dùm đó.
Hồng Loan lém lỉnh:
– Vậy sao! Cám ơn quới nhân đi, rồi Loan chở dùm cho.
Anh thanh niên nói:
– Không chở về nhà được đâu. Chân bị như vầy cũng phải vào viện hà!
Nhìn nét mặt của ba cô gái, chàng trai nói:
– Vào viện, người ta sẽ bó bột băng chân cô lại. Tôi biết mấy ông thầy chuyên môn trị trặc khớp, bong gân. Tôi có thể chở cô đi...nếu cô thấy tin tôi.
Mai Nhi cười:
– Biết anh là ai, tên gì, ở đâu mà tin?
Anh chàng tỉnh bơ:
– À! Tôi tên Trường, nhân viên xí nghiệp Y.
Tố Phượng nhìn bạn cầu cứu:
– Đi với tao nhe!
Loan gật đầu:
– Ừ. Nhưng ai chở?
Trường nhanh nhẹn:
– Tôi. Đề các cô chở lỡ té lần nữa thì khổ.
Tố Phượng về đến nhà là đã hơn sáu giờ chiều. Oanh vẫn chưa về. Trường ân cần mở khóa cửa đỡ cô vào nhà.
Chân Phượng không phải bị bong gân mà bị nứt xương. Trường phải đưa cô vào bệnh viện để bó bột từ gót lên đến quá mắt cá. Trên đường về nhà, Phượng cứ khóc mãi làm Trường phải dỗ dành như dỗ con nít.
Ngôi nhà vắng vẻ làm Phượng sợ....Cô luôn luôn run trước người lạ cơ mà.
Mai Nhi đã đạp xe cô về rồi, Phượng không hiểu Oanh đi đâu mãi giờ nầy vẫn chưa thấy có mặt ở nhà.
Giọng đàn ông trầm ấm vang lên nghe thật lạ tai:
– Bây giờ tôi bật đèn, rót nước cho Phượng nha!
Phượng ngồi một chỗ nhìn Trường tự nhiên làm mọi việc trong nhà mình.
Anh đưa cô ly nước rồi hỏi:
– Bớt đau chưa?
Tố Phượng gật đầu khổ sở:
– Anh Trường! Bao lâu mới đi được?
Trường nói rất nghiêm túc:
– Bốn tháng.
Tố Phượng tròn mắt:
– Dữ vậy?
Giọng Trường rất ư thật tình:
– Đó là với những người dễ thương. Còn dễ ghét cả năm không biết đi được chưa.
Phượng im lặng...Người gì đâu lúc nào cũng đùa được hết. Cô sốt ruột sao mà Oanh lâu về dữ vậy?
Trường nhìn quanh phòng khách:
– Phượng ở với ai?
Phượng trả lời ngắn ngủn:
– Với chị!
Trường tươi cười:
– Chắc bà chị của Phượng khó tính lắm?
Tố Phượng gật đầu:
– Khó lắm! Phượng sợ chị.
Trường đứng dậy đột ngột:
– Tôi phải về.
Tố Phượng ngập ngừng:
– Phượng cám ơn anh Trường nhiều lắm.
– Sao lại cám ơn! Lỗi tại tôi đã té đè lên người ta cơ mà.
Rồi Trường ngần ngừ:
– Tìm một cây gậy để chống khi đi. Nhớ cẩn thận kẻo té!
Anh bước ra sau khi đã cười rất dễ thương với Phượng. Cô cà nhắc bước vào trong. Dầu gì cũng phải thay bộ quần áo lấm lem nầy ra đã.
Phượng vất vả kéo cái ống quần bó sát ra khỏi bàn chân bị bó bột cứng ngắc.
Vừa tròng chiếc áo ngủ vào, cô lại nghe có tiếng kêu:
– Phượng ơi!
Giọng đàn ông làm cô hết hồn. Vội vàng Phượng lại cà nhắc bước trở ra.
Trường đã đứng ngoài cửa. Anh đưa Phượng gói giấy:
– Bánh mì! Ăn đỡ đi. Chắc chắn là Phượng đã đói rồi.
Anh chàng chăm chú nhìn cô làm cô đỏ mặt. Cô lí nhí cám ơn và lặng lẽ trông theo anh ta bước vội lên xe phóng mất.
Cuối cùng thì Oanh cũng về đến. Cô có vẻ lo lắng khi thấy chân Phượng băng lại như vậy.
Tố Oanh hỏi trống không:
– Rồi mai em nghỉ học à?
Phượng nhẹ nhàng:
– Chớ biết làm sao. Chị chở em nhé!
Oanh gõ gõ tay trên bàn như đang nghĩ ngợi điều gì dữ lắm. Phượng âm thầm theo dõi những biến chuyển trên mặt chị. Cô mỉa mai:
– Em vô tình gây khó khăn cho chị rồi phải không? Hồi chiều đến giờ chị có đi với thầy Sang chứ?
Oanh lắc đầu. Phượng không tin:
– Thật hôn!
Oanh bực bội:
– Chiều nay thầy Sang dạy ở lớp em mà! Quyền gì em tra hỏi chị dữ vậy?
Phượng chanh chua:
– Em phải hỏi, vì em biết chị đi chơi với thầy bằng tên em. Chị kỳ cục lắm.
Hồi chiều không lẽ em nói thẳng với thầy chứ...
Oanh quắc mắt lên:
– Em định nói gì. Chị biết em yêu thầy Sang mà vờ làm bộ làm tịch.
Phượng ức muốn khóc. Cô nghẹn lời:
– Tại sao chị nghĩ như thế? Em không dễ yêu như chị đâu.
Rồi quên cái chân bị bó bột, Phượng bước vội vào phòng ngủ, cái chân đau không chịu nổi bước đi giận dỗi của cô đã khuỵu xuống. Phượng ngồi bệt xuống sàn nhà khóc nức nở. Oanh lúng túng đến đỡ em lên:
– Chị xin lỗi! Đúng là chị chưa dám nói thật với thầy chị là Tố Oanh, vì chị đã yêu thầy mà thầy lại biết chị đang quen với cả Huy nữa. Lúc nầy chị đã dứt Huy rồi, nhưng...
Phượng ngắt lời Oanh:
– Thật là vô lý. Chị bảo rằng hai người yêu nhau. Lẽ nào thầy không nhận ra được em và chị khác nhau như thế nào. Vậy thầy có yêu chị thật sự không? Có tìm hiểu gì về gia đình, vể bản thân chị không? Thế lúc ở bên nhau hai người làm gì? Nói gì với nhau?
Oanh thở dài. Rõ là cô chưa nghĩ đến lúc kết thúc trò chơi do cô bày ra. Giờ thì cô đã sa vào cái vòng lẩn quẩn rồi. Sang có thật sự yêu cô không? Với Sang, cô đã nghe rất nhiều những lời âu yếm, yêu thương, nhưng cô chưa nghe anh nói một câu nào hứa hẹn chuyện trăm năm. Qua những lời tò mò, lắm chuyện của bọn nữ sinh viên thì anh biết, năm nào thầy Sang cũng có một cô bé học trò xinh xinh. Cô biết khi cô ra trường, Sang sẽ quên cô ngay.
Oanh tựa đầu ra ghế salon. Bộ óc ma mãnh, tính toán của cô bắt đầu làm việc. Phải thật thà nói khi vào học trường học, Oanh rất sợ lúc ra trường phải nhận nhiệm sở nơi xa. Cô luôn bị lối sống phù hoa, hào nhoáng ở Sài Gòn lôi cuốn, cô bị mê hoặc bởi nhiều thứ. Tố Oanh không thể sống thiếu thốn tiện nghi. Chỉ có cách lấy chồng thành phố thì mới ở lại đây được. Với Sang, cô có thể có điều kiện thực hiện mơ ước của mình. Anh có học, có nghề nghiệp, có gia đình cơ bản, đang rất yêu cô, dĩ nhiên cô sẽ không để anh bỏ rơi mình một cách dễ dàng như đã bỏ rơi nhiều cô gái khác.
Oanh nhìn Phượng, cô giả vờ buồn rầu:
– Em đừng ca cẩm nữa Phượng. Ngày mai chị sẽ nói chuyện với anh Sang.
Sau đó chuyện gì xảy ra với chị, chị cũng chịu hết.
Phượng bối rối. Cô đâu bao giờ muốn Oanh buồn, từ nhỏ đến lớn cô vẫn nhường nhịn và chịu phần thua thiệt đối với Oanh cơ mà. Nhưng lần nầy cô bỗng thấy bực bội trong lòng vô cùng. Rồi bạn bè sẽ nghĩ thế nào khi chuyện đó bể ra, hẳn chúng hả hê cho rằng:
thầy Sang đã gom một lúc hai chị em nhà Tố...
Bỗng dưng Phượng nhớ đến gương mặt không đẹp nhưng rất đàn ông, vui tính với nụ cười ấm áp của Trường, cô nhớ dáng cao to khỏe mạnh của anh ra khi ân cần đỡ cô. Phượng chớp mắt. Có bao giờ anh ấy đến với cô nữa không?
Có bao giờ anh ấy lộn cô với Oanh không?
Giọng Oanh ngọt ngào làm lành:
– Chị mua hủ tiếu về hai đứa ăn nhé!
Phượng lơ đãng gật đầu. Cô đang bực với mình:
“Sao lúc nãy không nhớ mời người ta lấy một tiếng...Chắc anh ấy sẽ không trở lại đâu”. Phượng buồn buồn ngả người lên salon. Lần đầu tiên trong đời, trái tim cô bồi hồi vì một người con trai.
Sáng hôm sau, Sang tìm đến tận nhà. Anh vội vàng bước vào khi thấy Phượng ngồi gác cái chân bó bột trên ghế ngoài phòng khách. Cô sợ tái cả mặt khi Sang hối hả ôm choàng lấy cô hỏi gấp rút:
– Đau lắm hả cưng! Anh nghe Hồng Loan nói, dạy xong hai tiết là anh đến thăm em liền. Sao vô ý quá vậy bé! Rồi tên nào chở em đi bó chân vậy?
Phượng co rúm người lại, bàn tay nhỏ nhắn của cô cứ đẩy Sang ra. Anh ngạc nhiên:
– Sao vậy Phượng? Bộ giận anh hả?
Phượng lắc đầu rồi cô lắp bắp:
– Không phải em đâu thầy ơi!
– Em nói gì vậy Phượng? Nghĩ là anh không biết em bị tai nạn à?
Phượng bối rối nhìn anh rồi nhìn xuống đôi tay mình. Giọng ông thầy vẫn hết sức ngọt ngào, âu yếm:
– Để yên anh xem chân em.
Vừa nói Sang vừa chồm người về phía trước anh nhẹ nhàng nâng chân Phượng lên để trên đùi mình. Phượng lấy lại bình tĩnh, cô rút chân về:
– Thưa thầy!
Sang cười, anh vuốt má Phượng:
– Hôm nay học trò anh ngoan quá. Sắp vòi vĩnh người thầy yêu thương, hẹn hò không?
Sang ngạc nhiên, anh chẳng hiểu con bé nầy hôm nay muốn giở trò gì. Sang đâu có lạ những kiểu nghịch ngợm, phá phách của cô bé người yêu rất thông minh và nhiều sáng kiến trong các buổi hẹn hò của mình. Nhiều lúc ấy cô ta khác hẳn lúc nầy và lúc nghiêm túc trong lớp học.
Sang cười và nói đùa:
– Chắc không phải em. Vậy người yêu của thầy đâu rồi?
Phượng nghiêm nghị:
– Chị Oanh đang học trong lớp...Hôm nay lớp chị ấy học có ba tiết. Chắc cũng sắp về rồi đó thầy!
Sang trố mắt nhìn Phượng. Anh hoang mang trước vẻ nghiêm trọng khác thường của cô.
– Nghĩa là sao Tố Phượng? Em lại tính đùa trò gì đây?
Nhìn vẻ hậm hựa của ông thầy. Phượng bỗng thấy khớp như mình đang bị thầy khảo bài không thuộc. Cô luống cuống:
– Em muốn nói hồi nào đến giờ thầy đi chơi và yêu thương chị Oanh chớ không phải em. Em chưa hề đến với thầy lần nào cả.
Sang ngồi thừ người ra, anh cứ nhìn Phượng mãi như xem cô là ai. Anh không nghĩ là mình bị lừa trong chuyện yêu đương và lừa một cách kỳ cục lẫn trớ trêu như vầy. Sang nhìn Phượng và anh chợt nhận ra sự khác nhau giữa hai cô gái. Cách biểu lộ tình cảm, thể hiện suy nghĩ của Oanh khác hẳn Phượng.
Oanh không bao giờ rụt rè trước khi nói, ánh mắt nhìn của Oanh luôn chứa đựng một hoài vọng, một khát khao nào đó về tình yêu, về một điều gì đó bí ẩn nhưng lúc nào cũng đầy ắp trong cô. Phượng thì ngược lại, cô dịu dàng và luôn nhút nhát thiếu tự tin trước đàn ông, những lần vào lớp đều thấy Tố Phượng như vậy. Cái nhìn đầu tiên cũng thế, cái nhìn hiện giờ cũng thế. Anh đã say mê vẻ nai tơ của cô vô cùng nên mới tìm đến cô.
Thế nhưng ở những lần hẹ hò mà hầu như chì diễn ra trong rạp cinê, Sang đã bỏ quên óc phán đoán của mình, phải chăng vì anh quá đam mê? Sang cắn môi mỏng nhìn Phượng đang thắc thỏm không yên. Anh giận lắm, anh thấy tự ái của một người đàn ông, một ông thầy lúc nào cũng cho rằng mình có uy quyền tối cao đối với học trò làm anh phẫn nộ.
Sang gằn giọng:
– Vậy là lâu nay hai chị em em đem tôi ra làm trò đùa phải không? Thật không ngờ, tình cảm chân thật của tôi bị sỉ nhục một cách oái oăm như vậy.
Phượng vội nói:
– Xin thầy đừng nghĩ thế! Chị Oanh rất yêu thầy, chỉ khổ vì thầy vô cùng.
Sang lắc đầu khốn khổ:
– Nhưng...anh yêu em chớ đâu có yêu Oanh.
Phượng lở khóc lở cười nhìn ra cửa. Oanh đã đứng đó tự lúc nào, một tay ôm cặp, một tay cô đặt lên ngực như cố ngăn xúc động. Đến lượt Sang bối rối, anh đến bên Oanh dịu dàng đưa cô ngồi xuống ghế kế bên Phượng. Hai chị em giống nhau quá sức tưởng tượng. Sang lặng thinh vì xúc động, vì những giọt nước mắt chảy dài trên má Tố Oanh. Cô thổn thức rồi gục trên salon khóc nức nở. Sang chợt thấy Phượng thoáng mỉm cười, một nụ cười lạnh lùng như giễu cợt. Cô đứng dậy gượng đau lần theo vách vào trong. Sang bỗng bất nhẫn trước đôi vai nhỏ, quen thuộc đang run theo tiếng khóc. Anh đợi Phượng khuất bóng là ôm Oanh vào lòng:
– Đừng khóc! Chuyện đã lỡ rồi. Tại sao em lại dối thầy?
Oanh ngước đôi mắt ướt lệ lên thầm thì:
– Vì em quá yêu anh. Em làm sao dám nói thật khi em đến với anh qua tên người khác. Bây giờ anh nói đi, anh sẽ xa lánh, hắt hủi, khinh ghét em phải không?
Sang thở dài ôm cái thân thể mềm mại không thôi thổn thức trong vòng tay anh. Sang vốn sợ nhất là nước mắt và tiếng khóc. Anh vỗ về:
– Nín đi em, anh chẳng giận em đâu?
Giọng Oanh yếu đuối:
– Nhưng anh có yêu Tố Oanh không?
– Có chứ! Vì Tố Phượng đâu có đến với anh. Tố Phượng chẳng hề yêu anh.