Dịch giả : Thích Tâm Quang
Chương 16

Gần bốn năm đã qua đi từ khi Catherine và tôi chia sẻ kinh nghiệm không thể tưởng tượng nầy đã thay đổi sâu xa cả hai chúng tôi.
Thảng hoặc cô ghé qua phòng mạch để chào tôi hoặc bàn luận về một vấn đề của cô. Cô không bao giờ còn có nhu cầu hay ham muốn thôi miên lùi về dĩ vãng nữa, cũng không đề cập đến triêu chứng hoặc tìm ra những người mới trong đời cô có thể liên quan đến cô trong quá khứ ra sao. Công việc của chúng tôi đã làm xong. Catherine bây giờ hoàn toàn tự do và tận hưởng niềm vui của đời sống, không còn bị phá hoại bởi triệu chứng bệnh tật. Cô đã tìm thấy ý nghĩa của hạnh phúc và sự thỏa mãn mà cô không bao giờ nghĩ rằng là có thể có được. Cô không còn sợ bệnh tật hay sợ chết.
Đời sống có ý nghĩa và mục đích bây giờ với cô là ổn định và hòa hợp với chính mình. Cô tỏa chiếu một tâm hồn thanh thản mà nhiều người mong ước nhưng chỉ một số ít đạt được. Cô cảm thấy phấn chấn tinh thần nhiều hơn. Với Catherine, những gì đã xảy ra hoàn toàn rất thật. Cô không nghi ngờ gì tính chân thực của một việc gì trong đó, và cô thừa nhận tất cả điều đó là một phần không thể thiếu được của cô. Cô không quan tâm đến việc theo đuổi nghiên cứu hiện tượng tâm linh khi nghĩ rằng cô "biết" ở mức độ nào đó không thể học hỏi chỉ từ sách vở hay những bản thuyết trình. Những người sắp chết hay gia đình có thân nhân sắp chết thường tìm đến cô. Họ dường như bị cô lôi cuốn. Cô ngồi và nói chuyện với họ, và họ cảm thấy dễ chịu hơn.
Đời sống của tôi hầu như cũng thay đổi một cách tích cực như Catherine. Tôi có khả năng trực giác hơn, nhận biết hơn về những phần ẩn dấu hay bí mật của các bệnh nhân, đồng nghiệp và bạn hữu của tôi. Tôi dường như biết nhiều về họ, dù trước đây tôi cũng có biết. Những giá trị và mục đích cuộc sống của tôi đã chuyển trọng tâm sang hướng nhân văn hơn, ít tích lũy hơn. Các nhà tâm linh, ông đồng bà cốt, các thầy lang, và những người khác xuất hiện trong đời tôi thường xuyên gia tăng, và tôi bắt đầu đánh giá khả năng của họ một cách có hệ thống. Catherine cũng phát triển cùng với tôi. Cô trở nên rất khéo léo đặc biệt trong việc cố vấn về vấn đề tử và cận tử, và bây giờ cô chỉ huy nhóm hỗ trợ các bệnh nhân sắp chết về bệnh AIDS.
Tôi bắt đầu thiền định, một thứ gì đó, cho đến mới đây, tôi tưởng chỉ có người Ấn Giáo và những người ở California tu tập. Những bài học do Catherine truyền đạt đã trở nên một phần ý thức trong đời sống hàng ngày của tôi. Nhớ đến ý nghĩa sâu xa hơn về đời sống và về cái chết là một phần tự nhiên của sự sống, tôi đã trở nên kiên nhẫn hơn, mạnh mẽ hơn, và thương yêu nhiều hơn. Tôi cũng cảm thấy trách nhiệm nhiều hơn về những hành động của tôi, sự tiêu cực cũng như cao thượng. Tôi biết sẽ phải trả giá. Cái gì trở thành thói quen sẽ biến đổi chính mình thành người khác (gieo gì gặt nấy).
Tôi vẫn còn viết những bài khoa học, thuyết giảng tại các cuộc họp chuyên nghiệp và trông nom Viện Tâm Thần. Nhưng bây giờ tôi đứng giữa hai thế giới: một thế giới hiện tượng của năm giác quan, tượng trưng bởi thân xác và nhu cầu vật chất ;và thế giới vĩ đại hơn của những bình diện phi vật chất, tượng trưng bởi linh hồn và tâm linh. Tôi biết rằng những thế giới nầy kết nối với nhau, và tất cả là năng lượng. Tuy chúng thường có vẻ rất xa nhau. Công việc của tôi là liên kết các thế giới, chứng minh bằng tài liệu một cách thận trọng và khoa học tính đồng nhất của các thế giới ấy.
Gia đình tôi hưng thịnh. Carole và Amy hóa ra là có khả năng tâm linh cao hơn mức thường, và chúng tôi vui đùa khuyến khích sự phát triển hơn nữa về những kỹ năng nầy. Jordan trở thành một thiếu niên mạnh mẽ và uy tín, một nhà lãnh đạo tự nhiên. Cuối cùng tôi trở thành ít nghiêm nghị hơn. Và đôi khi tôi có những giấc mơ bất thường.
Trong thời gian vài tháng sau buổi thôi miên cuối cùng của Catherine, một khuynh hướng khác thường xuất hiện trong lúc tôi ngủ. Đôi khi tôi có một giấc mơ sống động, trong đó tôi hoặc đang nghe một bài giảng hoặc đặt câu hỏi cho thuyết trình viên. Thầy trong giấc mơ tên là Philo. Khi tỉnh dạy, đôi khi tôi nhớ được một số tư liệu đã được bàn thảo và ghi nhanh lại. Tôi kèm theo đây một vài thí dụ. Đầu tiên là một bài thuyết trình, và tôi nhận ra ảnh hưởng của các thông điệp từ các Bậc Thầy.
"... Trí tuệ được hoàn tất rất chậm. Đó là vì kiến thức trí tuệ, dễ dàng đạt được, phải biến đổi thành kiến thức ‘xúc cảm’, hay tiềm thức. Một khi được biến đổi, dấu ấn đó không phai mờ. Thực hành ứng xử là chất xúc tác cần thiết của phản ứng nầy. Không hành động, khái niệm nầy sẽ tàn úa và phai mờ. Có kiến thức về mặt lý thuyết mà không có sự áp dụng thực tiễn thì không đủ.
"Ngày nay quân bình và hòa hợp bị sao lãng, tuy vậy chúng là nền móng của sự thông thái. Mọi thứ đã bị làm thái quá. Con người quá nặng cân vì họ ăn thái quá. Những người chạy để rèn luyện thân thể bỏ bê những khía cạnh của chính họ và những người khác vì họ chạy thái quá. Con người dường như xấu thái quá. Họ uống quá nhiều, hút thuốc quá nhiều, chè chén quá nhiều (hay quá ít), nói quá nhiều mà không có nội dung, lo lắng quá nhiều. Có quá nhiều suy nghĩ tương phản. Quá tả hoặc quá hữu. Đó không phải là cung cách của thiên nhiên.
"Trong thiên nhiên có sự quân bình. Muông thú phá hoại với số lượng nhỏ. Hệ thống sinh thái không bị loại bỏ ồ ạt. Cây cối bị thiêu đốt và rồi lại mọc. Các nguồn gốc dinh dưỡng bị hạ xuống và rồi lại được làm đầy.
Hoa thì có lợi ích, trái cây thì được ăn, và rễ được gìn giữ.
"Nhân loại không học về quân bình, cứ đơn độc thực hành. Quân bình bị hướng dẫn bởi tham lam và khát vọng, bị lèo lái bởi sợ hãi. Theo con đường nầy, cuối cùng nhân loại sẽ tự hủy hoại chính mình. Nhưng thiên nhiên sẽ sống sót; ít nhất là cây cối.
"Hạnh phúc thực ra gốc rễ ở bình dị. Khuynh hướng thái quá trong tư tưởng và hành động giảm thiểu hạnh phúc. Thái quá làm lu mờ các giá trị căn bản. Người mộ đạo bảo chúng ta rằng hạnh phúc là kết quả làm tràn đầy tim ta bằng tình thương yêu của niềm tin và hy vọng, của việc thực hành lòng nhân từ và chia sẻ lòng tốt. Những thứ đó thật rất đúng. Có những thái độ nầy, quân bình và hòa hợp thường sẽ đến. Nói chung đây là tình trạng của thể sống. Trong những ngày nầy, chúng là tình trạng thay đổi của ý thức. Dường như thể là nhân loại không ở trong tình trạng tự nhiên của nó trong khi ở trên trái đất. Nó phải tiến tới một tình trạng thay đổi nhằm chứa đầy tình thương yêu, nhân từ và bình dị, để cảm thấy trong sạch, để loại bỏ sự sợ hãi thâm căn cố đế của nó.
"Làm sao ta tiến tới trạng thái thay đổi nầy, hệ thống giá trị khác nầy? Và một khi ta tiến tới, làm sao ta có thể giữ vững nó được? Câu trả lời dường như đơn giản. Nó là mẫu số chung của hết thẩy tôn giáo. Nhân loại là bất tử, và cái chúng ta đang làm bây giờ là học những bài học của chúng ta. Chúng ta đều ở trong trường học. Thật quá đơn giản nếu bạn tin vào sự bất tử.
"Nếu một phần của nhân loại là bất diệt, và có nhiều bằng chứng và lịch sử để nghĩ như vậy, thì tại sao chúng ta lại làm những điều xấu xa cho chúng ta? Tại sao chúng ta giẫm lên người khác vì "lợi lộc" cá nhân khi thực tế là chúng ta đang làm bài hỏng? Rốt cuộc chúng ta dường như đều đang đi tới cùng một chỗ mặc dù ở tốc độ khác nhau. Không ai vĩ đại hơn ai.
"Hãy xem xét những bài học. Về mặt trí tuệ câu trả lời luôn luôn đã ở đấy, sự cần thiết phải biến thành hiện thực, bằng kinh nghiệm, làm cho tiềm thức in dấu vĩnh viễn bằng cách "xúc cảm hóa" và thực hành quan niệm nầy, là chìa khóa. Chỉ nhớ đến việc nghe thuyết giảng giáo lý cũng không đủ tốt. Lời nói cửa miệng mà không có cách ứng xử chẳng có giá trị gì. Đọc hay nói về tình thương yêu, nhân từ và niềm tin thì dễ. Nhưng để làm điều đó, cảm thấy điều đó hầu như đòi hỏi một trạng thái thay đổi ý thức. Không phải trạng thái tạm thời gây ra bởi ma túy, rượu, hay xúc cảm bất ngờ. Đạt tới trạng thái lâu bền được tiến tới bằng kiến thức và hiểu biết. Nó được hỗ trợ bởi cách ứng xử trần thế, bởi hành động và hành vi, bởi tu tập. Lấy một thứ gì gần như huyền bí và biến đổi nó thành thói quen hàng ngày bởi rèn tập.
"Hãy hiểu rằng không ai vĩ đại hơn ai. Hãy cảm thấy điều đó. Hãy tập giúp người khác. Tất cả chúng ta đều đang chèo cùng một con thuyền. Nếu chúng ta không hòa hợp với nhau, thế đứng của chúng ta sẽ bị lẻ loi vô cùng".
"Vào một đêm khác, trong một giấc mơ khác, tôi đang hỏi câu. "Làm sao ông lại nói rằng tất cả đều bình đẳng, thế mà những mâu thuẫn rõ ràng quất vào mặt chúng ta: sự khác nhau vô tận về đức hạnh, sự điều độ, tài chính, quyền hành, khả năng và tài năng, thông minh, khả năng tính toán?"
Câu trả lời là một ẩn dụ. "Như thể là có một hạt kim cương lớn sẽ được tìm thấy ở mỗi người. Hãy hình dung viên kim cương ấy dài một foot (phút, 0.3048m). Viên kim cương ấy có một ngàn mặt, nhưng những mặt nầy đều bị đất và hắc ín phủ kín. Công việc của linh hồn là làm sạch từng mặt cho đến khi bề mặt sáng chói và có thể phản chiếu ánh cầu vồng nhiều màu.
"Bây giờ, một số người đã làm sạch nhiều mặt và phát ra tia sáng rạng rỡ. Những người khác chỉ làm sạch được một số ít mặt; chúng không lấp lánh. Tuy nhiên, dưới bụi bậm, mỗi người vẫn có trong họ viên kim cương lấp lánh có ngàn mặt phát sáng. Viên kim cương nầy hoàn hảo, không một tỳ vết. Cái khác biệt duy nhất của mỗi người là số mặt đã được làm sạch, chứ mỗi viên kim cương đều giống nhau, và mỗi viên đều hoàn hảo.
"Khi tất cả các mặt đều được làm sạch và phát ra quang phổ, viên kim cương trở về với năng lượng tinh khiết mà nó vốn có. Những tia sáng vẫn tiếp tục. Như thể là tiến trình nầy làm cho viên kim cương bị đảo ngược, tất cả áp lực đều được giải thoát. Năng lượng tinh khiết hiện hữu trong cầu vồng ánh sáng, và những tia sáng có ý thức và kiến thức.
"Và tất cả những viên kim cương đều hoàn hảo"
Đôi khi những câu hỏi thì phức tạp và những câu trả lời lại đơn giản.
"Tôi sẽ phải làm gì?" Tôi đang hỏi trong một giấc mơ. "Tôi biết tôi có thể trị bệnh và chữa chạy cho người bị đau. Quá nhiều người đến với tôi, vượt quá mức tôi có thể điều hành. Tôi quá mệt. Tuy nhiên tôi có thể nói không khi họ rất cần và tôi có thể giúp họ không? Có quyền nói,"Không đủ rồi" không?
" Vai trò của bạn không phải là người cứu đắm", đó là câu trả lời.
Thí dụ cuối cùng tôi kể ra là một thông điệp gửi đến các bác sĩ tâm thần. Tôi tỉnh dạy vào khoảng sáu giờ sáng sau một giấc mơ, trong giấc mơ nầy, tôi được thuyết trình cho một cử tọa đông đảo các chuyên gia tâm thần học.
"Trong việc chạy đua vào việc nội khoa hóa bệnh tâm thần, điều quan trọng là chúng ta không bỏ những giáo huấn truyền thống mặc dù đôi khi mơ hồ trong nghề nghiệp của chúng ta. Chúng ta là những người vẫn nói với bệnh nhân một cách kiên nhẫn và bằng lòng nhân từ. Chúng ta vẫn bỏ thì giờ làm việc ấy. Chúng tôi đẩy mạnh quan niệm hiểu biết về bệnh, cách chữa bệnh bằng hiểu biết và sự khám phá đầy thuyết phục về sự tự biết mình, hơn là chỉ với những tia laser. Chúng ta vẫn sử dụng niềm hy vọng để chữa trị.
Trong ngày nay, những ngành y khoa khác thấy những phương pháp truyền thống về việc chữa trị, quá không hiệu quả, mất thì giờ và vô căn cứ. Họ thích kỹ thuật hơn là nói chuyện, thay máu bằng máy tính hơn là cấu trúc cá nhân thầy thuốc - bệnh nhân, những cái đó giúp bệnh nhân khỏi bệnh và làm thỏa mãn bác sĩ. Những phương pháp đáng hài lòng về mặt cá nhân có lý tưởng và đạo đức về y khoa không còn đứng vững trước những phương pháp kinh tế, có năng xuất, có tính biệt lập và phá hoại. Kết quả là các đồng nghiệp của chúng ta cảm thấy ngày càng bị cô lập và thất vọng. Bệnh nhân cảm thấy bị xô đẩy và trống rỗng, không được săn sóc.
Chúng ta nên tránh bị mê hoặc bởi kỹ thuật cao. Đúng hơn, chúng ta nên có vai trò kiểu mẫu cho các đồng nghiệp. Chúng ta phải có cách biểu thị lòng kiên nhẫn, hiểu biết và tình thương để giúp cả hai bệnh nhân và thầy thuốc. Bỏ nhiều thì giờ hơn để nói chuyện, dạy dỗ và, khơi dậy niềm hy vọng và lòng mong muốn khỏi bệnh - những đức tính phần nửa bị bỏ quên nầy của các thầy thuốc với tư cách là người chữa bệnh - những thứ nầy luôn luôn phải được chính chúng ta sử dụng và làm gương cho các thầy thuốc đồng nghiệp.
"Kỹ thuật cao thật tuyệt vời trong nghiên cứu và thúc đẩy sự hiệu biết về ốm đau và bệnh tật của con người. Nó có thể là một công cụ chữa bệnh vô giá, nhưng nó không bao giờ có thể thay thế được những đặc tính cá nhân cố hữu và các phương pháp của một thầy thuốc chân chính. Chữa bệnh tâm thần có thể là một chuyên khoa cao quý nhất trong các chuyên môn y khoa. Chúng ta là những thầy giáo. Chúng ta không nên bỏ vai trò nầy vì lợi ích trong quá trình hấp thụ, nhất là không phải lúc nầy".
"Tôi vẫn còn những giấc mơ như vậy, mặc dù chỉ một đôi khi. Thường thường trong lúc trầm ngâm, hay đôi khi trong lúc lái xe trên xa lộ cao tốc, hay cả lúc mơ màng ban ngày, những câu, những tư tưởng và ảo giác bật ra trong tâm trí tôi. Những cái nầy thường khác hẳn cách suy nghĩ thường lệ có ý thức hay hình thành quan niệm của tôi. Chúng thường đến rất đúng lúc, và giải quyết những câu hỏi hay những vấn đề tôi đang có. Tôi dùng chúng trong việc chữa trị và trong đời sống hàng ngày. Tôi coi những hiện tượng nầy là sự mở rộng khả năng trực giác của tôi, và tôi phấn khởi bởi chúng. Với tôi, chúng là những dấu hiệu là tôi đi đúng hướng, dù rằng tôi còn con đường dài phải đi.
Tôi nghe theo những giấc mơ và trực giác của tôi. Khi tôi nghe theo sự việc dường như suông sẻ. Khi tôi không nghe theo, một cái gì đó luôn chệch choạc.
Tôi vẫn cảm thấy các Bậc Thầy ở chung quanh tôi. Tôi không biết chắc chắn liệu những giấc mơ và trực giác của tôi có bị ảnh hưởng bởi các ngài không, nhưng tôi nghĩ là vậy.