2

Tôi muốn nói đến trận càn hôm ấy, trận càn xảy ra sau khi Nghĩa đã đi được non một tuần. Không, chưa hẳn là trận càn, chuyện được bắt đầu từ sau trận càn thì đúng hơn.
Bám trụ trong một vùng cài răng lược, nói đến càn là nói đến một cái gì nhàm chán như nói đến bữa ăn hàng ngày. Mình nện nó, nó nện mình. Mình số ít nên nện sau, nện hiểm; nó số đông, vũ khí xe pháo nhiều nên phải nện dàn mặt, nện ầm ầm. Nhưng thông thường những trận càn như thế rất ít có hiệu quả.
Nhưng cuộc càn hôm đó có khác hơn một chút. Càn kết hợp đánh điểm. Càn hủy diệt! Tất cả các phương tiện chiến tranh: cơ giới, bộ binh, phi cơ, tàu thuyền… đều đem trút hết xuống mấy héc-ta rừng mỏng manh. Ngay từ khi nắm tin có cuộc càn này, tôi đã cho đơn vị sơ tán đi một nửa, cùng với những trang bị cồng kềnh sang căn cứ dự bị bên kia lộ 13, tức là phải cắt qua khu vực xóm của chú thím tôi ở để tới vạt rừng bên đó. Tôi ở cùng với một nửa số quân trang bị gọn nhẹ, dự định ráng độ hai ngày rồi cũng sẽ rút.
… Xâm xẩm tối một chút, pháo cối tạm lắng xuống, chúng tôi mới mở được mắt ra. Chao ôi! Cả vạt rừng trống huếch trống hoác, nhìn trắng xóa như đứng giữa cánh đồng mùa nắng đang kỳ cày ải. Khói bốc lên ở khắp mọi nơi. Mặt đất phủ đầy lá tươi lẫn những miệng pháo xù xì còn nóng. Mùi khét nồng của bom pháo, mùi ngai ngái tanh tanh của lá, của cành bị tiện đứt phả ngập ngụa vào mũi, vào mồm. Đơn vị chỉ còn lại mười một người, người nào người ấy đen đúa, nhem nhuốc và lầm lì như phu đào huyệt. Thấp thoáng những mảnh băng trắng ở đầu, ở tay, ở chân… và trên hai cái võng mắc chạm đất là Thành và một cô gái đang nằm. Mới chừng mười phút trước đây, khi đợt càn đầu tiên sắp chấm dứt, đại đội phó Thành và cô gái ấy đã hy sinh!
Suốt cả ngày hôm nay, Thành thực sự là linh hồn của trận đánh. Cậu ấy chạy nhảy khắp nơi, hết hầm này sang hầm khác. Pháo cối dập xuống thì thôi, hết một cái làlại thấy cái bóng lách chách và cái miệng cười chèng bèng của Thành rồi. Bộ binh chúng định luồn vào chỗ nào là Thành điều người lấp kín ngay chỗ đó. Thành đánh giặc như trẻ con đánh trận giả. Thành không thèm xuống hầm, chỉ nhảy tránh xung quanh một ụ mối cao đến ngực. Tạc đạn rơi bên này. Thành ngoắt người sang bên kia. Tạc đạn rơi bên kia, Thành chuyển người sang bên này. Đến lúc có vẻ ngán quá, chúng dừng lại. Khi đó ụ gò mối to là thế đã bị miểng tạc đạn băm gọt đi chỉ còn lớn hơn cái bồng chút ít. Còn Thành tất cả vẫn nguyên vẹ, chỉ phải cái lúc chạy đến báo cáo tôi thì miệng chèng bèng của cậu ta ngáp ngáp mãi không nói được một tiếng. Đưa cho Thành ca nước mát mà tôi ứa nước mắt…
Trong suốt một giờ đồng hồ, Thành đã thu hết xung lực của cả cuộc càn về một mình mình. Nhìn cái mặt ám khói tạc đạn đen nhẻm như trét lọ của Thành, tôi chợt bối rối… Trong cả khoảng thời gian mở đầu cuộc càn quá dữ dội đó, tôi tự trách mình đã thoáng nghĩ đến cái chết, nghĩ đến con. Tôi đã hối tại sao mình ở lại, mình hoàn toàn có quyền rút lui trước cùng với đại bộ phận. Ở lại như vậy, mình có hăng quá hóa liều không? Có thực sự ích kỷ, chỉ mải lo khẳng định mình qua những tình huống hiểm nghèo, những hiệu quả chiến đấu như chồng tôi nói gần nói xa không? Tôi là một mụ đàn bà cuồng chiến, lấy binh đao làm thú vui mà quên mất hạnh phúc gia đình, quên mất chồng con ư? Có phải vậy thật không? Nếu không đúng thế thì sao tôi lại ngồi đây? Một chút nữa, sau một đợt pháo nữa, cửa rừng bị mở toang, hàng trăm ngàn tên lính sẽ ùa được vào, sẽ… Thế là xong. Xong phần tôi nhưng còn con. Đứa trẻ từ lúc lọt lòng đã ốm yếu, đã bị lôi tha khắp nơi và lúc này đang gửi nhờ, đứa trẻ mà từ lúc bỏ cho chú thím ra đi, tôi mới gặp lại được có một lần. Một lần thoáng chốc, không kịp nói với con một câu… Giữa những trái tạc đạn Mỹ M.26 nổ ran như hoa cà hoa cải xung quanh Thành, thật kỳ cục, hình ảnh đứa con gặp vội lần ấy bỗng hiện lên, rất rõ nét rồi nhòa vào lửa khói, nhòa vào những tiếng nổ hủy diệt…
Lần ấy tôi theo giao liên lên huyện họp. Đằng nào cũng phải vượt qua lộ 13, anh Tám đã cho một tổ cảnh vệ nhân tiện kết hợp đưa tôi về ghé thăm cháu. Mới có tám giờ tối mà cháu đã nằm thêim thiếp ở cái võng gai mắc giữa nhà. Sờ đầu con thấy hâm hấp nóng, tôi bải hoải cả người, không còn lòng dạ nào đi tiếp nữa. Cả chú thím tôi đều ở nhà. Chú thì đi ra đi vào cầm chén thuốc chưa biết làm cách nào cho con tôi uống được. Gần như hấp tấp tôi gạt tay thím ra, ngồi thụp xuống đỡ lấy cháu, nâng lên, ôm xiết vào lòng. Trời ơi! Con tôi sao nhẹ thế này? Hơn một năm trôi qua rồi mà nó vẫn nhẽo nhợt như cái dẻ khoai! Từ thân hình oặt oẹo của nó, một hơi nóng ẩm tỏa ra, lan sâu vào tận gan ruột tôi. Mắt cháu nhắm lờ đờ mệt mỏi. Tôi quýnh quáng áp má vào trán con gọi khẽ:
- Đức… Đức ơi! Má đây nè! Má về với con đây nè!
Có lẽ do gió lạnh nhiều hơn là do tiếng gọi khẩn thếit của tôi, cháu mở hé mắt rồi lại nhắm ngay vào, miệng bập bẹ: “Bà… bà…”. Tôi càng ôm chặt cháu vào ngực, nghẹn giọng:
- Không! Má đây mà con! Má nè! Má thật đây nè!
Lần này thì chính tiếng gọi của tôi làm cháu tỉnh lại. Cháu mở choàng mắt, nhìn tôi chăm chú như cố nhớ lại một giọng nói, một khuôn mặt nào đó đã chìm xa lâu lắm rồi. Chợt đôi mắt nhỏ xíu ấy hơi ánh lên một chấm sáng, chấm sáng loang rộng ra, chuyển xuống môi thành một cái cười mêu mếu:
- Má… má…!
- Ừ! Má, má đây! Con đã nhận ra má rồi phải không con. Con không ghét má hả con?
Tôi hỏi cuống quít như sợ chậm lại một chút, cháu sẽ lại quên đi, sẽ lại chỉ biết “Bà... Bà!” Dường như hiểu được lòng tôi, cháu cười thêm một lần nữa, tươi hơn và nhắc lại: “Má!... Má!” rồi hai mí mắt mòng mọng lại hạ xuống. Chỉ thế thôi, chỉ một tiếng gọi trẻ thơ được nhắc lại mơ hồ như tiếng vang của quá khứ ấy thôi cũng đủ làm tôi bủn rủn cả người. Thú thực, giây phút ấy, tôi muốn quên hết, muốn vất hết để được ở bên con, ở bên con mãi; được chăm sóc thuốc thang, được tan biến, hòa nhập tận cùng vào cái thân thể yếu ớt và rất đỗi thân thương ấy. Đúng thế! Nếu lúc ấy cháu biết nói thêm, biết quàng cánh tay hâm hấp nóng vào cổ tôi: “Má ơi!... Má đừng đi! Má ở lại với con!” thì điều đó có lẽ sẽ xảy ra thật. Vô nghĩa hết, tất cả đều là giả tạo hết, chỉ có cái thể xác đang đòi hỏi được chăm nom, được chở che, đang phụ thuộc hoàn toàn vào tôi kia là có thật, rất thật. Nó là lý tưởng, là lẽ sống, là niềm vui nỗi buồn của tôi. Nhưng... con tôi chưa nói được đến thế và điều đau lòng đó đã cứu tôi.
- Thím ơi! Cháu bệnh lâu chưa?
- Từ bữa cháu đi, nó cứ bệnh lên bệnh xuống. Người ta bảo nó bị phổi. Thím đã tìm đủ các loại thuốc, đủ các thày thợ, chú đã đưa đi cả nhà thương ở Sài Gòn nhưng không ăn thua. Đỡ đỡ được ít ngày rồi lại mắc lại.
Thím tôi nói như người phân trần, mặt chảy xuống một cách thiểu não. Tôi hiểu thím, không bao giờ phàn nàn về sự tận tụy của chú thím, việc con tôi đâu yếu thế này là do tôi, do thể tạng của nó, do hoàn cảnh của vợ chồng tôi lúc mới sinh cháu ra.
- Chắc nó thiếu hơi mẹ đó con à. Trẻ con mới đẻ không hơi mẹ, khó nuôi lắm!
Câu nói vô tình của thím thúc mạnh vào ngực tôi. Tôi nhăn mặt lại, quay đi để nuốt trôi hòn than nóng đỏ vào cổ họng. Tiếng ho yếu ớt như gào thét, như oán hận của con đuổi theo tôi ngày nào bên bờ song vẳng lại, riểt róng bên tai.
- Thím... Thím...
Tôi vừa nói được thế thì có tiếng chó sủa ran ở đầu ấp. Cậu cảnh vệ của huyện ủy đứng bên ngoài gõ nhẹ ba cái vào cánh liếp. Tôi lặng người, Đến giờ phải đi rồi, tụi tuần tra sắp tới.
- Thím ơi... Thím ơi! – Tôi lắp bắp – Trăm sự nhờ thím. Con... thấy cháu như vầy, con khổ lắm nhưng... Thím thương con thương cháu... con đội ơn thím. Con đi!
Tôi bậm chặt môi, vận lực giữ đôi chân lại để không đến với con, không dám nhìn con lần nữa, để đủ sức mà đi, mà dứt được ra khỏi vùng ảnh hưởng ghê gớm của cái thân hình bé nhỏ đang nằm im trên võng kia...
.... Khoảng khắc hoảng loạn ấy qua đi! Cái miệng cười vô tư của Thành đã cân bằng được trong tôi những suy nghĩ ma quỉ. Và giờ đây, khi một ngày đã qua, Thành nằm đó, êm ả, lành hiền như giấc ngủ dễ đến hàng đêm của nó.
Không còn thời gian cho nỗi tiếc thương, cũng không thể chôn cất đồng đội ngay trong cụm rừng hoang lạnh này, tôi kêu mọi người chuẩn bị ra đi, dù thế nào cũng phải mang theo hai võng cáng. Tiến được tạm thời chỉ định thay Thành chỉ huy bộ phận. Sau một ngày đánh đấm liên miên, đến người mạnh nhất, đầu óc cũng phải mụ mị đi và sau cái chết của người bạn ngược tính ngược nết thân nhất, không ngờ Tiến lại linh lợi, tháo vát hẳn lên, như hóa thân thành một người khác. Tiến cắt đặt công việc, đưa ra những dự kiến tình huống đâu vào đấy, hết sức tinh tường, hết sức táo bạo để lọt qua vòng vây rồi lệnh cho mọi người ngậm tăm ra khỏi rừng. Sau những cú xốc về thần kinh và trong giờ phút gian nan này, Tiến lại bộc lộ thêm một khả năng quyết đoán của người chỉ huy. Tôi đi sau võng cáng của Thành do Thu đang chịu một đầu. Cái lưng nở nang, rắn chắc của cô em dâu chuyển động uyển chuyển trước mắt tôi. Cả ngày hôm nay Thu lo tiếp tế cơm nước cho các hầm với tư cách chị nuôi của đơn vị. Bây giờ trước sự mệt mỏi của đồng đội, Thu tình nguyền nhận một đầu cáng không phải thay cho tới khi sang được bên kia lộ. Là người lớn tuổi nhất đơn vị, tôi hiểu Thu đã dồn tất cả tình thương, sự dịu dàng ân cần của người chị vào cho đồng đội sau cái chết của chồng. Giờ đây, vừa cáng, Thu vừa sụt sịt khóc. Những giọt nước mắt này sẽ làm vợi đi nỗi đau nặng nề về cái chết của Riềng mà Thu chưa nguôi được một chút nào. Tôi cứ để mặc cho Thu khóc. Ngày hôm nay Thu đã hoàn toàn trở thành một chiến sĩ trong đội hình chiến đấu khi nồi cơm vẫn được nấu chín, xới ra, chia đến từng hầm giữa trăm ngàn miểng pháo cắm phầm phập vào thân cây. Vừa lúc nãy thôi, sau khi trái cối cuối cùng được bắn xuống làm dấu chấm hết cho một ngày đánh điểm, Thu đã đến bên tôi, nói với tôi một câu, nghe như có vẻ động viên như thật là chất phác:
- Chị Hai... mọi người nói nếu bữa nay không có chị Hai ở đây, dù chị chỉ ngồi im lặng ở cửa hầm thôi thì có khi mọi người phải tróc công sự mất. Bom pháo dữ quá...
Lúc ấy tôi thoắt đỏ mặt lên. Mọi người đâu hay có giây phút tôi đã... Nhưng liệu có thể cho đó là tiếng lòng của tất cả mọi người không? Tôi không biết và cũng không quá quan tâm về chuyện này. Tuy vậy, giờ đây, khi mặt trời đã chìm xuống sau rặng cao su ở xa, đội hình bám lưng nhau âm thầm đi trên đồng bưng ngào ngạt mùi cây trái, tiếng nói ấy, tấm lòng của đồng đội gửi gắm vào tôi ấy, có lẽ là cái nguyên do sâu xa để tôi gạt đi tất cả mọi nỗi niềm riêng tư, chấp nhận chân thặnh có mặt của mình trong đội hình này, có mặt ở bất cứ nơi nào, mãi mãi...
Nhờ tài phán đoán của Tiến, đội hình đi qua vùng địch án ngữ một cách an toàn. Trước ắmt tôi đã là cái viền đen đen hằn lên màu da trời tái nhợt của ấp chiến lược. Chú thím tôi ở đó, trong ngồi nhà sát đường bò kia! Con tôi đã ngủ chưa hay vẫn hâm hấp sốt trên chiếc võng gai ở giữa nhà? Làm sao con biết được mẹ đã cùng với các chú các cô nai lưng đội pháo suốt ngày hôm nay và lúc này mẹ sắp đi ngang nơi con nằm, sát lắm tưởng như có thể nghe được cả hơi thở khó nhọc của con. Nhưng mẹ khôngthể ghé vào được!
Mẹ đang đi sau thi hài của những người rất đỗi thân yêu của mẹ. Rồi ngày mai lại còn biết bao nhiêu việc... Chiều qua, lúc cho đại bộ phận vượt trước qua lộ, tôi có nhờ Lê ráng tạo điều kiện làm sao bám được vào ấp đưa cho thím tôi nắm thuốc lá chữa ho mà tôi kiếm được ở trong từng theo kinh nghiệm của má tôi truyền lại. Không hiểu thím đã nhận được nắm lá đó chưa? Đã sắc cho cháu uống chưa? Chân bước dọc theo bờ ruộng mà cổ tôi cứ quay ngang sang hướng nhà của người thím đang nằm mờ mịt trong bóng đêm rờn rợn. Trời ơi! Sao đêm nay lòng dạ lại ngổn ngang thế này? Chân bước mà cứ ríu lại không muốn nhấc lên nữa. Càng đến gần mặt lộ, tôi càng thấy gan ruột cuộn lên... Tôi muốn rảo chân bước nhanh cho mau qua khỏi con lộ, cho mau dứt khỏi ngôi nhà kia, cho không còn dịp để nuối tiếc, để giằng xé nữa, nhưng lại vấp đội hình đang chuyển động thận trọng từng bước phía trước tôi, tiếng thở của Thu đã dồn dập hơn, bàn chân cô bước trên cỏ không còn ngay ngắn nữa, chắc Thu đã đuối sức nhưng khi tôi đòi cáng thay cho một đoạn, cô kiên quyết lắc đầu.
Rồi mặt lộ cũng đã hiện ra nhờ nhờ trước mặt. Trong bóng đêm, không trông thấy mặt đường tráng nhựa, không trông thấy cảnh vật phía bên kia; chỉ cộm vào mắt một đường gờ đen xậm, nhô cao, sắc cạnh như bức tường dài, uốn lượn. Những ngày còn nhỏ, con lộ này đối với tôi thật dễ chịu, lúc nào cũng đầy nắng, đầy gió, đã bước chân lên mặt lộ mịn màng là muốn chạy, muốn nhảy, muốn cho tóc sổ tung ra, mát rượi. Những năm tháng tuổi thơ của tôi hầu như trôi qua trên mặt lộ này với nững buổi đi học, đi phụ bán hàng cho má; rồi lớn lên đi làm, đi về nhà chồng đều phải đặt bước chân lên đây. Con lộ chứa đầy những kỷ niệm ngọt ngào và cay đắng. Những đêm nằm rùng, con lộ cứ thỉnh thoảng chập chờn hiện về trong giấc ngủ. Thèm vô cùng được lại một lần đặt chân lên đó, ban ngày chứ không phải ban đêm; giữa nắng gió, giữa hai bên bưng gò xanh ngút ngát chứ không phải toàn là cạm bẫy chết người rình rập. Những đêm vượt lộ, dẫm bàn chân trần lên lớp nhựa mát lạnh, mềm mềm là người cứ nôn nao lên, bâng khuâng không muốn đi nữa. Lúc đó muốn được nằm xuống một cái, duỗi dài chân tay và nhắm mắt lại cho toàn thân thấm đã cái mùi vị ngái nồng quen thuộc của mặt đường.
Tất cả ngồi thụp cuống cách mặt lộ dăm thước để chờ tổ bám đường trở về. Trên con lộ đen bóng kia có thể có mìn gài, có thể có lính phục, sự êm đềm yên ả ấy chỉ là giả tạo. Sơ suất, vội vàng một chút là toàn đội hình sẽ tiêu vong, và sáng ra, khi nắng lên, người bộ hành đầu tiên sẽ thấy đầy những xác người nằm ngổn ngang trên mặt lộ. Trước nay biết bao những câu chuyện đau thương đã xảy ra trên con lộ này.
Trên trời, hỏa châu của chúng bắt đầu vọt lên rồi từ từ rơi xuống, lạnh lẽo, lẻ loi và tắt ngấm như một linh hồn chìm vào nơi vô định. Dưới đất, muỗi bắt đầu vo ve bu đậu khắp người. Vừa xua muỗi, tôi vừa chong mắt nhìn. Nóng ruột quá! Sao bữa nay tổ bám đường đi trinh sát lâu thế? Hay là có gì trục trặc đây? Ngồi nán thêm một chút nữa, tôi lách người, khom lưng đi lên phía trước, quan sát sem sao? Cầu trời đêm nay đừng đụng chúng nó, đừng vô ý đá phải trái mìn nào.
Nhưng điều lo lắng của tôi là thừa. Vừa ló đầu lên khỏi gờ đường, tôi đã thấy hai bóng đen lom khom đi trở lại. Hai cái bóng quen thuộc, đầu trần, vận quần cụt. Ngon rồi! Tôi định lui xuống nói Tiến cho đội hình chuẩn bị thì bất ngờ lại thấy một bóng đen nữa đi đằng sau. Rồi tiếp một bóng nữa. Hai cái bóng đàn bà nhập nhòa, cũng lom khom, cũng vội vã vượt qua khoảng trống. Quái! Ai vậy? Chẳng lẽ lại là... Tôi chặn cậu trinh sát chạy đầu trở lại, hỏi:
- Có chuyện gì vậy? Sao lại bốn người?
Cậu trinh sát thở hổn hển kéo tôi ngồi xuống trong lúc những bóng đen kia đã sang hết được bên này đường, ngồi náu kín mình đâu đó.
Cậu ta thì thào:
- Đường êm lắm! Bọn em đã bám tới sát vườn mít, ở đó cũng chỉ có...
- Rồi! – Tôi ngắt lời – Nhưng hai người đàn bà nào đi đằng sau kia?
- Em gặp ở vườn mít, ngay trên đường bò.
- Nhưng sao lại dẫn họ về đây? – Tôi đã nổi cáu.
- Ơ! Chị Lê đó mà.
- Cô ấy đứng đó làm gì?
- Đứng cùng một bà già. Bà ấy nói muốn được gặp chị, cần lắm.
- Sao không để tôi sang gặp cả thể? – Tôi hỏi vuốt đi trong khi đã cảm thấy ong ong trong đầu.
- Bà ấy bảo phải gặp chị trước khi chị qua lộ, chuyện hệ trọng mà. Nên em đành phải dẫn trở lại.
- Thôi được rồi. – Tôi nói nhỏ với TIến - Tạm dừng đã, tôi mắc chút việc, cứ cho bám thật kỹ mặt đường.
- Dạ! – Tiến gật đầu rồi trườn người men theo các bụi cây thấp lúp xúp.
Tôi nói với cậu trinh sát:
- Nói bà già lui lại sau một đoạn, chỗ ụ mối có cái cây kia kìa. Tôi chờ ở đó. Lẹ lên nghe!
Tôi ra đó trước, ngồi nhấp nhổm không yên. Lát sau thím tôi – dáng gầy và cao, tóc búi gọn, đi hơi lệch sang trái - bước tới. Phía sau là Lê. Nhìn thấy thím, mừng quá, tôi chưa kịp đứng dậy thì quá sức bất ngờ, thím đã quỳ sụp xuống, hai cánh tay khẳng khiu ôm chặt lấy chân tôi, rên rỉ:
- Hai ơi.. Tha tội cho thím! Thím lạy con... Con tha tội cho thím! Thím lạy con…
Tôi vội quỳ xuống đỡ thímlên, một luồng gió lạnh buốt thổi dọc suốt sống lưng tôi. Bây giờ không còn là dự cảm nữa. Tôi nuốt nước miếng khô đắng:
- Thím… có chuyện gì vậy thím… Thím đứng dậy, thím nói cho con nghe đi!
Tôi không nhận ra giọng nói của mình và cũng không còn biết mình vừa nói gì nữa. Thím tôi đứng không vững nữa, lả người vào cánh tay tôi, tấm thân gầy guộc rung lên:
- Con ơi!... Con giết thímđi! Thím đã hại con, thím đã làm khổ con rồi! Thím không muốn sống nữa. Sáng hôm qua… Thằng Đức… Thằng Đức…
Vừa nghe đến thế, bằng một phản ứng bản năng ngây dại, tôi đưa tay lên bịt chặt miệng thím:
- Thôi… đừng, đừng! Đừng nói nữa…
Tối tăm mặt mũi, tôi buông người ngồi xuống. Con lộ 13 đang dâng cao, xù xì và chuyển động kỳ quái. Chùm pháo sáng nào vừa bay lên sao xanh lét thế? Giữa vòm trời bạc thếch, mỗi một đốm sáng tỏa ra của chùm pháo là một con mắt của tôi. Tiếng ho của con chìm nghỉm tắc nghẽn đâu đây trong lòng đất, ngay dưới chân tôi. Con ơi!... Chỉ kêu được đến thế, tôi ngất xỉu đi không còn hay biết gì nữa… Đây là lần đầu tiên bị ngất. Khi tỉnh lại, Tiến đã đứng bên tôi, mặt lộ vẻ lo lắng.
- Chị Hai!... Chị Hai! Tỉnh lại rồi hả chị Hai?...
Tôi gượng ngồi dậy từ cánh tay của Lê. Bàng hoàng trống rỗng đển rợn người. Thím tôi vẫn ngồi cạnh tôi, sụt sịt khóc. Tôi đờ đẫn nhìn ra xa. Mông lung, không thấy gì hết, chỉ có một cảm giác quặn đau đang cháy ở trong tuột. Tôi buồn nôn nhưng không nôn được. Nóng cổ quá! Một tiếng súng cầm canh vang lên khô giòn, vuốt nhỏ rồi gẫy ở chỗ nào đó. Nhắm nghiền mắt lại một giây, tôi bám vào vai Lê cố đứng dậy, chân run bắn, cảnh vật xiêu đảo. Chờ cho mắt đỡ hoa, tôi hỏi nhỏ:
- Thím… cháu chôn ở đâu?
Không phải thím mà là Lê trả lời tôi:
- Ngay gần đây chị Hai! Chị có muốn…
- Ừ! Dẫn chị ra với cháu một chút! Một chút thôi, có kịp không Tiến?
Tiến gật đầu rồi cùng với Lê dẫn dìu tôi đi…
Trước mặt, ngay dưới chân tôi là một nấm mồ nhỏ xíu mới đắp, còn nóng mùi đất. Trên mồ đặt một bát cơm với quả trứng mà cơn mưa hồi chiều đã làm cho nhão nhoét đi. Con tôi… thằng Đức bé bỏng của tôi đang nằm dưới đó, chỉ cách một sải tay, âm thầm, lạnh lẽo, xung quanh đều là đất!.... Con có biết má đang ở cạnh con đây không, con? Dậy… Dậy đi con! Gọi má một itếng đi!... Ôm lấy cổ má đi! Con tôi… sao không nghe thấy con ho? Má về đây mà con ngủ hoài vậy ư?... Tôi nằm xoài ra, hai tay ôm chặt lấy nầm mồ… Tôi điên dại cào mười đầu ngón tay vào đất xước máu. Đến lúc ấy nước mắt tôi mới trào ra, trào ra không dừng được nữa… Không dám thắp một nén nhang cho con, tôi quỳ xuống, hai tay đặt lên ngực, khấn lầm rầm:
“Đức ơi! Má về với con chậm mất rồi! Sao con không ráng chờ má thêm một ngày nữa để má cùng đi với con… Má sẽ nằm bên con… Má con mình không rời nhau ra nữa… Sao con đi vội thế, con trốn má, con đi một mình… con chẳng chịu chờ má! Đức ơi!... Con tha tội cho má! Con đừng trách má! Từ lúc đẻ con ra, má đã làm khổ con, đã làm cho con vất vả… Má không có sữa, má lại còn lôi con đi hết chỗ này đến chỗ khác. Thương má, hiểu má, đừng oán má nghe con! Má đâu có muốn thế, má đâu có bỏ mặc con để đi tìm cái vui, cái sướng cho riêng má… Má đi đánh giặc để má con mình mau được ở bên nhau. Đời má cũng lận đận lắm nhưng mỗi lần nghĩ đến con… nghĩ đến cái ngày má được dắt tay con chạy trên mặt lộ là má lại quên đi… Bây giờ, Đức ơi! Không còn con nữa, vĩnh viễn mất con rồi, đời má còn có nghĩa gì nữa… Con yếu ớt, con bé bỏng của má! Sao con không chờ má cùng đi? Sao con không chờ gặp mặt ba?... Má đã hứa với ba tới đây cả hai sẽ về với con, sẽ đón con ra rừng để ngày ngày có má có con… Nay con đi rồi, ba về, ba biết tìm đâu ra con? Đức ơi…!”
Nước mắt tôi nhỏ tràn qua lời khấn. Lúc này nếu có thể khóc để tan biến đi, hòa nhập thân thể vào đất, vào nơi con tôi đang nằm côi cút kia, chắc tôi sẽ khóc hoài, khóc ngày này qua ngày khác như thế.
“Bây giờ má phải đi đây! Sắp sáng rồi, má không thể ở lại cùng con được nữa. Con nằm lại một mình nghe Đức! Ngủ ngon nghe con, đừng oán má nghe con… Thỉnh thoảng má và ba sẽ trở lại với con…”
Gần như phải xốc dạy, Tiến và Lê lặng lẽ xốc tôi dậy và dìu đi. Đi như mê. Đi giữa đồng đội mà tôi như đi trong hoang mạc…