6

Tôi quyết định đi gặp quận trưởng Quang. Không phải gặp theo lời hẹn của hắn, mà gặp theo kiểu đã thành truyền thống của đơn vị tôi.
Qua câu chuyện đã xảy ra với Nghĩa, tôi không muốn mình phiêu lưu thêm một lần nữa. Không thể có cuộc gặp gỡ riêng tư mang màu sắc trữ tình bi thiết giữa hai kẻ thù nghịch nào hết. Và đã đến lúc tôi không thể đánh đu với tình, không cho phép mình được tự mơn trớn trong những cảm nghĩ mông lung về kẻ thù… Nó còn tôi mất! Tôi còn nó mất! Đơn giản vậy thôi. Không thỏa hiệp, không lôi kéo gì hết. Một thằng như nó chắc chắn không khi nào có thể lôi kéo được. chính nó cũng thừa biết điều đó. Nếu không cân nhắc cẩn thận, có khi tôi chỉ là một thứ phương tiện để bù đắp, để làm thảo mãn cái đầu óc trống trải, bệnh hoạn theo kiểu ngươi hùng sẵn sàng chết vì đàn bà của hắn trong cuộc hẹn gặp này. Không đời nào! Lầm lẫn một lần như vậy là quá đủ rồi, cái giá phải trả đâu có rẻ gì nữa.
Tất nhiên tôi hiểu rằng, cách mạng đã chuyển đến giai đoạn này, giai đoạn đang diễn ra những trận đánh lớn, có tính chất qui mô trên toàn cục, việc khủng bố và ám sát cá nhân không còn hoàn toàn phù hợp nữa. Nhưng căn cứ vào đặc diểm vùng giáp ranh, nơi mà bọn ác ôn vẫn ngang nhiên tác yêu tác quái, nơi chúng coi là đã được phòng thủ chặt chẽ, bất khả xâm phạm; việc diệt thằng đứng đầu giữ nguyên giá trị, vẫn có tác dụng rất tốt đến phong trào và tâm lý người dân đang từng ngày bị o ép hết sức nặng nề. Hơn nữa, và có lẽ đây mới là nguyên do chủ yếu mà tôi sẽ không thể nói được với ai, tôi muốn thông qua trận đánh này để biện minh cho danh dự của anh Tám, cho danh dự của Nghĩa và cả danh dự của vợ chồng tôi. Một trong những lý do khá quan trọng làm cho tình đồng chí, tình vợ chồng, nghĩa anh em bị sứt mẻ, là sự tồn tại nhức nhối của thằng quận trưởng quỷ quyệt này. Như vậy, bằng giá nào trận này cũng phải thắng và chính tối sẽ đảm nhận thực hiện phương án đó. Sau khi đã cân nhắc cặn kẽ mọi chuyện, tôi quyết định không thông qua ai cả. Thông qua sẽ rất rườm rà, có khi còn bị hiểu sai lạc, chưa nói đến việc có thể bị ngăn chặn bằng những luận diểm hết sức chặt chẽ nữa. Một huyện ủy viên chẳng lẽ lại không có quyền phủ quyết hay chấp nhận một phương án chiến đấu cấp đại đội sao?
°

*

Vào một buổi chiều, tôi đang ngồi thu người trong một chiếc hầm mật miệng trổ trong lòng nước, thân hầm khoét chếch lên cao. Cách tôi chừng gần một trăm thước, ở cả hai bên bờ suối, một tổ gồm ba người cũng đang ngồi náu mình trong những căn hầm như thế. Qua lỗ thông hơi sặc mùi cỏ đắng, tôi nhìn thấy ánh mặt trời đang nhạt dần. Nếu đúng như dự kiến thì khoảng vài phút nữa, thằng Quang sẽ cùng với nhân tình của nó ra đây. Mấy bữa nay nóng nực, trời không có một chút gió và chờ mãi cũng không thấy một giọt mưa, cơ sở bên trong của tôi báo ra, chiều nào tên quận trưởng cũng ra đây ngâm nước, tắm táp đến lúc hết nắng mới về. Cùng đến với hắn còn có một người đàn bà Mỹ to cao, hay đeo máy ảnh và một tiểu đội lính đi kèm.
Đây là một khúc sông khá đẹp, nằm kề ngay thành Công binh, hơi tách ra xa phố xá một chút. Tắm ở đây vừa an toàn lại vừa có cái vẻ thiên nhiên hoang dã với hai bờ toàn lau lách đìu hiu giống như một khúc sông ở thượng nguồn. Hồi còn ở nhà tôi biết khúc sông này vào những ngày nghỉ thường có nhiều người ra tắm, bơi thuyền. Từ khi súng hai bên nổ nhiều, nơi đây mang cái vẻ vắng lặng của một khúc sông chết. Nếu có chăng nữa thì đó thường là tụi sĩ quan và đám con cái con nhà giàu ở chợ ra chơi. Hẳn thằng Quang tới đây không chỉ vì trời nóng nực mà chắc là hắn còn có ý chiêu đãi cô bạn người Mỹ của hắn được thưởng thức vẻ đẹp cảnh mặt trời lặn trên dòng sông Sài Gòn. Cơ sở nói rõ, khi tắm hắn chỉ có hai người, tốp lính hầu hết là người Thượng ngồi ở xa, làm nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài. Chỗ này xưa nay chưa có một bóng Việt Cộng nào lảng vảng đến và cũng không thể đến được nên bọn lính canh gác gọi là và người tắm cũng không đề phòng gì. Theo kế hoạch, tôi sẽ tự hành động với khẩu súng giảm thanh mà Nghĩa mang đi rồi lại mang về lần trước. Trường hợp đập không gọn thì tổ ba người kia mới xuất hiện để kìm chế bọn lính Thượng cuồng ítn.
Nước đang đứng. Những đámlục bình không trôi ngược lên nữa. Dòng sông lúc này ăm ắp và phẳng lặng như mặt hồ. Chao ôi! Giá như bây giờ được chui ra khỏi hầm đứng giữa gió hít một hơi đầy lồng ngực rồi cứ thế, để nguyên cả quần áo nhảy ùm xuống bơi một vòng sang tới tận mí sông bên kia thì thú vị biết bao.
Lồng ngực tôi căng lên như sắp sửa dồn hơi, chìm người vào dòng sông mát rượi này thật… Đúng lúc đó thằng Quang xuất hiện đột ngột như từ đáy sông ngoi lên.Có lẽ hắn dừng xe ở xa rồi đi bộ đến và tốp vệ sĩ cũng đã tản về vị trí của mình đâu vào đó cả rồi? Lâu lắm tôi mới lại nhìn thấy hắn. Với cái quần soóc trắng và cái áo thun cũng trắng, râu ria được xén tỉa cẩn thận, trông hắn lại có phần khỏe mạnh, trẻ trung hơn ngày trước. Đi cạnh hắn là một ả người Mỹ khá đẹp, tóc vàng, cũng mặc soóc, đội nón lá trắng rộng vành kính mát trùm kín mặt và chiếc máy ảnh sáng loáng treo toòng teng trước ngực. Cặp đùi dài và thon của ả bắt nắng chiếu đỏ rực lên.
Đôi trai gái đi khuất góc nhìn của lỗ thông hơi, tôi không trông thấy gì nữa. Khi chúng hiện trở lại thì cả hai đứa đều đã mặc đồ tắm.
Sau gần một giờ đồng hồ chờ hắn tắm mà tôi có cảm giác như thời gian như dừng lại, với bao nhiêu giả thiết may và rủi. Khíp với dự đoán của tôi, ả người Mỹ lên trước, ngực, bụng nháng nước vừa thở phù phù với vẻ sảng khoái tột độ vừa uốn éo đi đến một bụi cây rậm rì cách đó không xa để thay đồ. Còn lại mình hắn bên bờ sông, dõi mắt sang bên kia, nơi có một dải rừng mờ mờ đang được ráng chiều tô lên một đường viền tím sáng. Đây là thời cơ. Tôi luồn nhanh ra khỏi hầm, trồi lên từ lòng nước và tích tắc sau đã đứng trước mặt hắn, toàn thân ướt sũng. Chắc lúc ấy trông tôi kỳ dị lắm và cũng do quá bất ngờ, hắn đứng sửng ra, mồm há hốc như nhìn thấy quỷ, phải mất vài giây, sau khi đã chớp mắt liền mấy cái, và thoáng nhìn thấy khẩu súng cũng ướt nước trên tay tôi, hắn mới chợt hiểu tất cả. Đây là thời khắc quyết định. Nếu hắn định kháng cự hay định tri hô lên một tiếng là tôi sẽ nháy cò liền. Nhưng… thay vì sự chống trả nhanh lẹ và điên cuồng theo đúng bản tính hung bạo của hắn thì con người ấy chỉ đứng im nhìn tôi trong nỗi tuyệt vọng tột độ. Chính điều đó làm ngón tay tôi dừng lại. Hắn nói lắp bắp, môi se lại, không phải chỉ khuôn mặt mà toàn thân hắn tái nhợt đi. Hắn cười gằn:
- Thế đấy!.. Tôi mong mỏi mãi để có lần được gặp lại… Cuối cùng đã được toại nguyện như thế này đây!... Thú thật!
- Im! – Tôi dằn giọng quát khẽ - Đừng giở cái gọng ấy ra nữa. Nghe đây! Thay mặt chính quyền cách mạng và nhân danh những con người đau khổ bị mi hãm hại; bữa nay ta tuyên án tử hình mi!
Hắn khẽ nhún vai, mặt dăm dúm lại, nhếch một cái cười đầy cay đắng và vẫn đứng im nhìn tôi. Dường như cái nhìn của hắn không liên quan gì đến nòng súng sắp nhả đạn này cả. Tôi đưa mũi súng lên ngang ngực hắn… Tấm ngực rộng, có miếng bèo màu xanh đưa lên đưa xuống dồn dập… Đúng lúc đó, ả người Mỹ từ trong bụi đi ra. Mặt đang hơn hớn, chợt trông thấy cảnh này, ả đưa hai tay lên ôm đầu chợt rú lên. Tôi lia nhanh mũi súng sang phía ả hàm ý đe dọa. Song ả có vẻ không hiểu, cứ lùi dần… lùi dần. Nó sẽ kêu toáng lên bây giờ đây này! Tôi tiến một bước và quyết định… Nhưng thằng Quang đã không để cho tôi kịp làm công việc ấy, hắn quay sang ả nói một câu gì bằng tiếng Anh và lập tức ả đứng im, miệng cũng không há hốc chực la lối nữa. Để mặc ả đang đứng run bắn như bị rắn quấn chân ở đó, hắn day mặt trở lại tôi, hai tay buông thõng, tiếng nói âm u:
- Đừng ngại! Tôi không chống cự đâu, tôi tới số rồi. Cả con đàn bà kia nữa, nó im rồi! Trước khi bắn, cho tôi nói mấy câu, được không?
Tôi gật đầu mà không biết mình gật hay lắc nữa.
- Ngắn thôi! Trước đây tôi đã tiên liệu cô sẽ đi theo con đường của chồng cô, ai dè lại đúng vậy, chỉ khác kiểu đi của cô ghê gớm quá, tôi không thể tin được. Tôi đã hẹn được gặp cô và hôm nay không ngờ lại được gặp như thế này. Cô bao giờ cũng ở phía trước tôi, cao hơn tôi một đầu. Cô có những cái cao đẹp mà tôi không có, tôi muốn hướng tới cô như hướng tới một điều mà biết rằng nó vẫn còn, vẫn đang ẩn náu đâu đó trong tôi, nhưng tôi không hướng được, tôi chót bị nhuộm đen mất rồi. Vì vậy, tôi căm thù và kính trọng cô. Tôi biết sớm muộn gì rồi một trong hai người sẽ phải chết. Cô có thể bắn tôi hoặc tôi sẽ bắn cô. Và bây giờ, điều thứ nhất sắp xảy ra. Tôi không phàn nàn gì. Nếu không phải thế này thì ngày mai, ngày mốt hay bữa nào đó, cô chắc chắn sẽ là mồi của viên đạn trong tay tôi. Tôi không bao giờ muốn là kẻ tử thù của cô, nhưng số phận đã xếp đặt cho cô và tôi đứng ở hai đầu đối địch…
- Thôi, đủ rồi! Giơ tay lên!
Tôi quát át đi, khong muốn nghe nữa hoặc đúng hơn là không dám nghe nữa.
- Còn một câu cuối cùng! - Hắn xua tay chán nản – Làm gì vậy? Thử một lần dịu dàng với tôi xem. Trước khi chết, tôi muốn cô ghi nhận ở tôi một điều để sau này nếu có dịp nghĩ lại thì cô hãy nhớ rằng: trên đời này ít nhất cũng có một thằng đàn ông đã thương cô hết lòng, thương thiệt tình, thương đến lúc chết. Vậy thôi, và đừng nghĩ rằng thằng đàn ông ấy là ai? Phe phái nào? Tốt hay xấu? Xong rồi! Cô hãy làm phận sự của…
Viên đạn trong tay tôi bay đi nghe cái cách! Như một tiếng bật ngón tay hất hắn bật lại sau vài bước. Máu trên ngực hắn chưa kịp chảy ra nhưng con mắt hắn đã bạc đi rồi! Con mắt nhìn tôi đầy ai oán và thù hận. Hắn gượng lại, thốt lên lời cuối cùng nghe như một tiếng rít:
- Ta… nguyền rủa mi… mãi mãi nguyền rủa mi, con đàn bà đội lốt quỷ kia… Ta…
Viên đạn thứ hai quật nghiêng người hắn xuống đất. Đến lúc đó tôi mới chợt nhìn thấy trên tay hắn còn cầm nguyên trái tạc đạn nhỏ xíu. Trái tạc đạn dùng để tự vệ trong những trường hợp khẩn thiết này chắc vừa được hắn lôi ra từ túi sau quần bơi nhưng không kịp rút chốt. Hắn muốn tôi cùng chết với hắn nhưng viên đạn đã bay ra lẹ hơn. Không kịp nhìn kỹ xem hắn đã chết hẳn chưa, tôi lao người về hướng đã định. Chạy được một đoạn, sắp tới bìa rừng, tôi mới nghe thấy tiếng ả người Mỹ thét lên thất thanh và liền đó là nhiều loạt đạn nổ loạn xạ, bay vu vơ… Trời cũng vừa tối. Đằng sau, các đội viên của tôi cũng đang thấp thoáng chạy lại. Vậy là xong. Xong một việc. Tôi thở ra nhẹ nhõm.
Nhưng không phải! Cái nhẹ nhõm đó chỉ là giả tạo, chỉ là cái cảm giác ban đầu sau một ngày thần kinh quá căng thẳng: khi đã bớt mệt rồi, biết chắc là sống rồi tôi mới thấy người váng vất như sắp lên cơn sốt. Quái lại! Tôi không thấy vui, thấy hả như sau những trận đánh khác, ngượclại chỉ thấy càng mệt mỏi, càng nhọc nhằn. Dù trong lòng không muốn, dù cố lảng tránh nhưng cuối cùng mọi suy nghĩ lại cứ dồn về hắn, người đàn ông vừa đổ nghiêng người xuống đất. Thời gian giáp mặt hắn không đầy hai phút đồng hồ nhưng tâm trạng của tôi đã trải qua đầy đủ mọi diễn biến phức tạp mà Nghĩa phải trải qua trong hai ngày. Phải chăng chính vì tốc độ diễn biến xảy ra qua nhanh nên tốc độ xử lý cũng thể chậm hơn. Tôi giải quyết gọn mọi việc trong ý thức thù địch rõ ràng. Nếu chậm hơn, biết đâu cũng tương tự như Nghĩa, những lời nói của hắn chẳng khiến tôi mềm lòng. Tất niên ta sẽ mềm lòng theo cái kiểu của tôi. Nhưng như vậy cũng đủ mệt. Kẻ thù cũng là người, thậm chí có lúc còn người hơn cả phía đối địch nữa, ví như hắn đang ở trước mặt tôi kia: cũng đang có những biểu hiện khổ đau, yêu thương, tuyệt vọng như con người, song, đây mới là điều quyết định, mọi biểu hiện đó vẫn là của kẻ thù - Người! Cần phải tiêu hủy đi! Và tôi đã thắng. Thắng một cách vội vàng. Đúng! Sau này nghĩ lại tôi mới tự chiêm nghiệm được những suy nghĩ rối rắm đó chứ thực ra lúc ấy, tôi phải nẻ đạn ngay, nếu để chậm một chút, tôi sẽ không bóp cò nổi mất. Bắn vào một con người đang ai oán nhìn mình, đang nói với mình những lời thống khổ của yêu thương tuyệt vọng và chân thành, khó lắm, dù cho hắn là loại Người Thú đi nữa.
Vậy mà… Điều này, hoàn toàn ngoài ý tưởng của tôi. Hắn không chết!
°

*

Hắn không chết mà chỉ bị thương rất nặng.
Hắn được máy bay trực thăng chở đi Sài Gòn cấp cứu ngay. Ở đó, người ta cắt của hắn đi nửa lá phổi, tháo gỡ ba dẻ xương sườn và tránh cho hắn được cái động tác xuống nằm nhà xác. Tôi được cơ sở thông báo khá tỉ mỉ và được biết thêm sau cái buổi chiều ấy hai tháng, hắn gầy rộc đi, lẻo khoẻo, tóc bạc một đám, da xám ngoét và thường lẩm bẩm nói, cười bâng quơ một mình. Nghe đâu ông bà già hắn lúc này đã chuyển xuống làm ăn lớn ở Sài Gòn, định bảo lãnh hắn về nhà để nuôi nấng. Hắn đã kết thúc đời binh nghiệp của mình chóng vánh và tàn tạ như vậy. Chỉ có điều, nếu ai hỏi hắn tại sao thì hắn chỉ cười buồn: “Vấp mìn của đối phương! Chiến tranh mà…!”
Hắn không muốn nhắc đến tên tôi. Không muốn nhắc đến sự việc chiều hôm ấy. Hắn tránh một vết đau trong lòng? Và chắc vết đau này mới là vết đau chính, vết đau có thể khiến hắn, một gã đàn ông đầy sức lực suy sụp hoàn toàn. Cái nhìn ai oán và tuyệt vọng của hắn mãi sau đó vẫn còn ám ảnh tôi. Và còn ám ảnh tôi cả điều khác nữa, cái điều sâu kín mà tôi chưa dám nói ra với ai. Tại sao tôi lại bắn trượt? Tôi đã nhắm đúng cái chỗ cần phải bắn kia mà. Đồng đội tôi xưa nay đều biết khả năng điểm xạ chính xác của tôi, họ không không tin điều ấy đã xảy ra và tôi cũng không tiện cải chính. Xét đến cùng, tôi và Nghĩa đâu có khác nhau bao nhiêu! Một đằng không bắn, một đằng bắn trượt. Thì ra trong mỗi trận đánh, bao giờ cũng có con người thứ hai bên cạnh con người thứ nhất. Bắn trượt! Đó là sự xen vào đột ngột của con người thứ hai mà con người thứ nhất, là tôi, không thể kiểm soát được. Khoảnh khắc cần tỉnh táo ấy, tôi bỗng bị phân thân. Nói cách khác là vẻ tuyệt vọng, ai oán của kẻ thù đã làm hai viên đạn của tôi đi lạc hướng chút xíu, một chút xíu chệch khỏi cái lá bèo màu xanh ấy tôi cũng đủ để trở thành dằn vặt, ám ảnh hoài. Giây phút ấy, tôi đã mềm lòng, đã thương hắn mà không hề biết. Chắc hắn cũng vậy, hắn biết làm sao được! Vào phút chót, hắn đã nguyền rủa tôi, đã định lôi tôi chết theo kia mà…
Khi trở lại rừng, biết tôi vừa làm được một việc táo bạo như thế, mọi người đổ xô đến chúc mừng: tỉnh ủy, tỉnh đội gửi lời khen, anh Tám, chị Ba bắt tay tôi rất cảm kích và ngay cả chồng tôi cũng có một thoáng chốc tò mò nhìn tôi… Trong khi đó, tôi không thấy vui, chỉ thấy mệt mỏi, váng vất hơn. Tôi đánh vật với chính tâm hồn mình và chưa hẳn đã là người chiến thắng, dù cái tin thằng quận trưởng bị chết hụt được lan ra khắp tỉnh, bà con mừng trong bụng và đám ác ôn khác thì có phần co lại trông thấy.
Đó là vào những ngày Mỹ hất Diệm. Các loại tin tức ở khắp nơi bay về làm chao động cả các cánh rừng. Có người mừng, có người vui, có người lại hoài nghi, lắc đầu lo ngại nhưng tuyệt đại đa số đều hôi hộp mong chờ một điều gì đó xảy ra khả dĩ có thể thay đổi được tình thế. Suốt mấy ngay ấy, máy bay bay rợp trời, xe pháo chúng chạy đen đất, bọn bộ binh dạt đi đâu hết, tình hình bỗng thoáng hẳn ra, đến nỗi lên huyện ủy họp tôi có thể hóa trang đi ban ngày mà không đến mức phải quá phấp phỏng. Nhiều anh em đã có ý muốn tạm buông súng chờ xem; nhiều anh em khác lại giục tôi lợi dụng lúc hỗn quan này, tranh thủ làm vài trận chớp nhoáng cho sướng. Tất nhiên tôi ngả sang ý kiến thứ hai. Vì đã có chủ trương của tỉnh ủy quán triệt từ trước nên tôi tỏ ra bình tĩnh hơn - mặc dù hơi bị hẫng hụt một chút, mặc dù đầu óc cũng chứa đầy những băn khoăn, hy vọng như mọi người. Tôi chỉ biết nói với anh em: “Thằng ăn cướp vẫn là thằng ăn cướp. Nó chỉ thay đổi cái áo” rồi triển khai cho anh em tranh thủ vào ấp kiếm gạo, mắm tích trữ chuẩn bị cho cuộc chiến đấu còn lâu dài và có thể phức tạp hơn.
Cũng những ngày này, nội bộ huyện ủy Châu Thành chúng tôi có những xáo động đáng kể. Cuộc họp bất thường cách đây ba tháng bây giờ mới có tiếng vọng. Anh Tám bị cách chức bí thư huyện ủy để điều lên tỉnh làm một chân trợ lý tuyên huấn nào đó. Anh không chịu và đề nghị tỉnh cho anh xuống nằm ở một xã sâu nhất, khó nhất; cái xã mà ít ai dám xuống, cái xã mà chỉ vài ngày lại nghe tin có một người hy sinh, một người bị mất xác. Anh xin xuống đó làm du kích, làm kinh tài hay làm gì cũng được miễn là không phải lên cơ quan, buồn lắm, chịu không có nổi, ở đây lăn lộn sống chết với dân quen rồi. Sau khi cân nhắc, tỉnh đã đồng ý bởi vì nói cho cùng, một cái xã cứng như thế rất cần có một người gan góc như anh. Anh nhận nhiệm vụ làm bí thư của xã đó. Còn chức vụ bí thư huyện ủy sẽ do chị Ba Liên đảm nhiệm. Nghe quyết định này, chị Ba giãy nảy lên. Chị bảo mình không quen chủ trì, không có năng lực lãnh đạo, đàn bà con gái chậm chạp, chân yếu tay mềm làm sao có thể gánh vác nổi công việc của cả một huyện. Chị nói cứ để anh Tám ở cương vị này là thích hợp nhất, sai đâu sửa đấy chứ hà cớ gì phải thay? Sau đó, không ai khác mà lại chính là anh Tám thuyết phục, chị mới nghe. Anh nói: “Trong cuộc đời cách mạng, tránh sao được những bước thăng trầm. Tôi đi là việc của tôi và của tổ chức, cô Ba ở lại thay tôi là hợp lòng người. Dù sao thế cũng còn may vì cô Ba là người nằm vùng ở đây lâu, là lớp huyện ủy viên đầu tiên sau Giơnevơ, đã quen dân, quen địch và quen việc. Vả lại… tôi cũng còn ở đây kia mà, chúng ta còn gặp nhau để bàn bạc, để bổ sung và trao đổi…:. Chị nghe thì nghe vậy thôi, nể mà nghe chứ tôi biết trong lòng chị vẫn dấm dứt lắm! Chị không muốn qua mặt anh, không muốn là người thay thế anh khi anh đang gặp trắc trở. Chị không nỡ lòng nào… Giả sử thay anh để anh lên nhận nhiệm vụ cao hơn, nặng nề hơn thì chắc chị không nghĩ ngợi gì vì ai cũng biết chị là người có nhiều năng lực chỉ đạo và phẩm chất trong sáng, với vai trò một bí thư huyện ủy, đối với chị đâu có phải là chuyện quá tải.
Cũng như chuyện xin xuống sâu của anh Tám, tôi hiểu không đơn thuần chỉ là quen lăn lộn, không thích hợpvới cong tác giấy tờ. Thử hỏi cả tỉnh này còn có ai thích hợp với công việc đầu óc, giấy tờ hơn anh nữa. Một cái báo cáo, năm, người khác phải viết cả tuần, anh chỉ vài giờ là xong. Truyền đạt một nghị quyết, người khác phải vòng vo cả buổi mới hết ý, anh chỉ nói gọn trong mười phút mà lại rạch ròi, dễ hiểu. Anh là một trong mấy người có vốn văn hóa và kiến thức khá toàn diện trong tỉnh. Chị Ba nói trước khi vào rừng anh nằm trong ban lãnh đạo Tổng hội sinh viên Sài Gòn. Nhưng việc xin xuống vùng trọng điểm ấy cũng không hẳn như chị Ba có lần uất ức nói với tôi: “Người gì mà gàn! Điều lên tỉnh thì cứ lên, mai mốt thiên hạ hiểu cho mình rồi lại xuống, hà cớ gì mà quăng thân, thí mạng như mấy tay anh hùng hảo hớn? Vậy là không cách mạng?” Riêng tôi, tôi hiểu anh. Anh muốn tự bộc lộ mình, muốn tự khẳng định mình không qua lời nói mà qua những tình huống hiểm nghèo nhất. Tôi nói với anh cái ý “hảo hớn” của chị Ba, anh hơi vênh mặt lên: “Hảo hớn chớ. Hảo hớn với kẻ thù thì dễ rồi, nhưng hảo hớn trước những nỗi bất hạnh của mình mới khó hơn. Hảo hớn lúc ấy là lãng mạn, là thoát tục, là vượt lên trên mọi trăn trở tầm thường. Người cách mạng sao không cần hảo hớn, chỉ có điều là hảo hớn vì cái gì?” Nghe anh nói tôi buồn quá! Những câu nói sảng khoái này không phải bỗng dưng mà có. Nó chắc phải được anh trả giá bằng những đêm không ngủ và những ngày u ám tới điên đầu. Cũng như, tôi hiểu, vào những lúc rã rời nhất, anh thường làm thơ để khỏi phát khóc lên. Thế là rút cục bằng hành động có một chút cá nhân của mình đối với tên quận trưởng vừa qua, tôi đã không biện minh được cho anh: không kịp biện minh cho người bí thư đã cầm tay đưa tôi vào Đảng, đã ở bên tôi trong những lúc tưởng cuộc đời này không thể chịu nổi nữa.
Anh Nhân, chồng tôi về ban anh ninh tỉnh. Anh chấp thuận ngay. Tôi hiểu anh không thích ở lại cái huyện này. Chẳng phải anh không gắn bó với nó hay ngán ngại cái gian khổ quá mức của nó. Trong đó có thể có lý do anh không phục chị Ba, có thể ngại giáp mặt tôi, giáp mặt anh Tám dù sao vẫn đang còn nằm trong địa bàn huyện. Hoặc sau vụ việc này anh tự cảm thấy khong còn đủ uy tín để sống giữa bạn bè, đồng đội? Tôi không thật rõ cũng như không thật thấy vui hay buồn. Đã từ lâu, anh là một cái gì xa lạ với tôi, mỗi lúc một cách xa đến nỗi tôi thực sự không muốn níu kéo lại nữa. Tuy vậy, cái buổi anh xách bồng theo giao liên lên tỉnh, tôi vẫn im lặng ra tiễn anh. Đến phút chót, anh mới đưa mắt nhìn tôi, cái nhìn có một thoáng day dứt, bồi hồi. Anh nói nhanh: “Ở lại ráng giữ gìn sức khỏe nghe Thanh, nếu có điều kiện, anh sẽ xuống thăm”. Tôi chỉ rưng rưng nhìn anh không nói. Chẳng lẽ tình nghĩa vợ chồng trải qua bao cay đắng, ngọt ngào khi chia tay lại chỉ nói được một câu như người dưng nước lã thế này. Một lần nữa tôi lại muốn gục đầu vào ngực anh, muốn tha thứ hết thảy và muốn giữ anh lại, không cho anh đi đâu nữa. Nhưng rồi tôi cũng lại một lần kìm được, cũng như anh, tôi hiểu, đang cố kìm lòng. Không phải tôi hiếu thắng, tôi thi gan, tôi muốn đứng trên anh mà tôi hy vọng rằng bằng thời gian, chồng tôi sẽ hiểu tôi hơn, sẽ nhìn lại mình kỹ càng hơn và lúc đó tình yêu, tình vợ chồng nhất định sẽ trở về với chúng tôi. Dõi theo bóng anh mờ dần trong buổi chiều địch hậu, tôi đinh ninh như vậy.
Về phần tôi, được chỉ định làm huyện đội trưởng sau khi bàn giao đơn vị cho Tiến. Được nhận nhiệm vụ mới, thực sự tôi không thấy hào hứng gì. Tôi cứ muốn tất cả vẫn như cũ. Anh Tám vẫn là bí thư, tôi, chị Ba, chồng tôi vẫn là những huyện ủy viên bên cạnh anh. Chúng tối sẽ sống như vậy, hòa thuận và bao dung, sẽ tự hoàn thiện bản thân mình cho đến điểm chót của cuộc chiến tranh nếu không thay nhau lần lượt nằm xuống…
Anh Tám là người cuối cùng ra đi. Tuy cùng trong một địa bàn huyện nhưng đường từ đây xuống đó còn dài hơn đường lên tỉnh. Thuận lợi cũng phải mất căng hai đêm.
Trước buổi chiều anh xuống sâu, tôi để ý thấy mắt chị Ba lúc nào cũng đỏ quạch. Tôi biết chị cả đêm qua khóc lén một mình. Chị khóc không phải chỉ là nhớ anh, thương anh, lo cho anh, về sau, khi anh đi rồi, chị mới tấm tức nói với tôi: “Anh Tám không yêu chị, không yêu chị một chút nào hết. Hồi hôm chị đã nói tất cả với anh ấy, nói như thú tội trước Chúa nhưng anh ấy chỉ im lặng rồi khẽ thở dài. Mãi sau anh mới nói: “Liên thông cảm cho tôi, hiểu dùm cho tôi! Tôi không phải kẻ lòng lim dạ đá đâu, nhưng… biết nói thế nào cho Liên hiểu được bây giờ? Tôi… Tôi đã có người đàn bà để tôi dồn hết yêu thương rồi. Nếu không thì… còn có ai tốt hơn Liên nữa, ai xứng đáng được yêu hơn Liên nữa. Vả lại… ngày mai tôi xuống dưới đó, chết sống trong gang tấc, Liên thương làm gì, uổng công.” Chị bật khóc: “Anh chết tôi cũng thương.” Anh không nói nữa, chỉ khe khẽ vỗ vào tay chị… Thanh! Chị vô duyên, chị khô cằn, chị già lắm rồi phải không? Không ư? Thế tại sao anh ấy lại sắt đá tàn nhẫn với chị như thế? Hay là.. vô lý! Chẳng có người đàn bà nào trên đời này để anh ấy tôn thờ cả. Anh nói xạo để tránh chị đó thôi. Hay là…Anh không muốn vướng bận để chết cho thanh thản? Thanh ơi! Dưới ấy dữ dằn lắm! Lần này anh ấy đi, chị linh cảm rằng…
Lúc ấy nghe chị nói, tôi thương và kính trọng chị nhiều quá! Người đàn bà yêu thương hết lòng này chân thực với ngay cả những cái bẽ bàng của mình, cái bẽ bàng mà thông thường giới đàn bà khi đụng phải không muốn ai biết đến. Phút lên đường, sợ không kìm nổi nước mắt trước mọi người và trước ngay cả anh, chị đã chui xuống hầm của mình, vùi mặt xuống võng.
Tôi thay chị đưa anh một đoạn rừng ra chỗ giao liên ngồi chờ. Anh Tám đi bên tôi im lặng. Tôi cũng không muốn nói gì. Anh em bao năm lăn lộn, gian khổ, ngọt bùi có nhau, có nói gì lúc này cũng bằng thừa. Động viên anh ư? An ủi anh ư? Chia sớt với anh những điều không may ư? Vớ vẩn hết! Con người có một cuộc sống tinh thần trầm lặng và dữ dội này không cần những lời như thế. Để phá tan im lặng, anh huýt gió nhè mẹ một bản nhạc quen thuộc từ thời chống Pháp. Song rõ ràng, cũng giống như lần đến thăm tôi ở trạm xá, anh không chú ý đến bản nhạc đó. Càng huýt các giai điệu càng sai lạc đi. Anh nói vui một câu để tự xóa đi cái lúng túng của mình:
- Trước khi xuống dưới đó, đồng chí huyện đội trưởng có dặn dò gì thêm cho tôi không?
Tôi trả lời một câu hoàn toàn không có trong ý nghĩa:
- Anh Tám! Chưa bao giờ và sẽ không bao giờ Thanh coi mình là cấp trên của anh cả. Lúc nào và ở đâu cũng vậy, anh Tám vẫn là người thầy, người anh độ lượng và tốt bụng của Thanh.
- Người thầy và... người anh à? Cám ơn! – Anh nói mà dõi mắt nhìn đi đâu, buồn man mác.
Đã đến gốc cây điểm hẹn, chúng tôi dừng lại. Mặt trời vừa lặn hết, cảnh vật trải ra mênh mông, mờ nhò, trước mặt tôi, cả cánh đồng bưng vắng ngắt, không còn một bóng người. Giờ này, bà con đã về ấp, đang lúi húi chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Lính cũng đã về bốt. Một ngày căng thẳng đã qua, một đêm nhọc nhằn sắp đến. Gió bữa nay thổi mạnh. Cả không gian vang lên những tiếng xào xạc nối nhau không dứt lan dài ra tận lộ 13. Lát nữa, anh Tám sẽ phải vượt qua cánh đồng bưng này, vượt qua hai cánh bưng nữa; cùng vối những con lộ tráng nhựa, lộ rải đá dày đặc mìn trái và các ổ phục kích im lìm... Liệu khi nào mới gặp lại anh và không hiểu có gặp được nữa không? Dưới đó, đã đi rồi, mấy ai còn có dịp trở lại! Tôi buột mồm nói:
- Anh Tám... xuống dưới đó ráng giữ gìn. Nếu tình hình sáng hơn, anh ráng tạo điều kiện theo giao liên lên đây thăm Thanh, thăm chị Ba...
Anh gật đầu, cười rất vui:
- Sáng chứ, nhất định sẽ sáng thôi. Hy vọng rằng tôi không phải lội bộ lên đây, mà căn cứ huyện ủy, huyện đội sẽ chuyển xuống đó. Dần dà, chuyển vô thị xã luôn.
- Thanh cũng hy vọng vậy nhưng biết đến ngày đó, liệu trong chúng ta...
Anh quay mặt lại, nhìn thẳng vào mắt tôi như muốn chặn ngang câu nói đó. Giọng anh không còn vui nữa:
- Đừng nghĩ xa xôi vậy Thanh. Bọn mình chỉ nên nghĩ đến từng ngày, thậm chí đến từng giờ, sẽ dễ sống hơn... Nếu Thanh còn tin tôi, tôi muốn dặn Thanh điều này. Nhân nó là người tốt, dù thế nào nó cũng vẫn là người tốt. Tôi vẫn coi nó là bạn. Mai mốt ở lút dưới đó rồi, tôi chỉ mong hai người hòa thuận trở lại với nhau, cùng cánh đàn ông, tôi hiểu nó thương Thanh, yêu Thanh lắm! Yêu thương quá mà mất cả tỉnh táo. Thanh nên mềm mại đôi chút. Cả hai vợ chòng tính cách giống nhau, đều cứng rắn và quá kiêu hãnh như nhau, khó sống lắm! Thanh là đàn bà, là vợ, Thanh nên dịu xuống trước. Thằng đàn ông nào mà không muốn người đàn bà mình yêu là cái thung lũng xanh để mỗi khi từ nơi mệt mỏi, ác liệt trở về, nó được nằm dài ra, yên tĩnh ngủ một giấc mát mẻ, ngon lành, sau đó lại lao vào nhọc nhằn, ác liệt. Thương nó, hiểu nó, Thanh ạ!
Tôi cúi đầu, lồng ngực đã nghèn nghẹn:
- Em cũng chỉ ao ước có thế. Nhưng...
- Và... Anh nói hấp tấp như muốn xóa đi tiếng em bất ngờ từ miệng tôi buột ra. - Ở trên này không phải đã an toàn. Mặt trận có thể chuyển động ngược chiều. Nhiệm vụ nặng nề, Thanh đừng cố sức.. cố sức dễ bị đau lại lắm! Nhìn Thanh lúc này vẫn còn xanh xao!
- Dạ!
Vừa lúc đó có một tiếng nói thanh thanh như tiếng con gái vang lên:
- Chú Tám tới hả chú Tám? Đi chứ chú?
- Chờ một chút nghe cưng!
Tôi nhận ra cái bóng bé nhỏ của chú giao liên huyện ủy đang thấp thoáng ở gốc cây. Anh Tám để lộ một chút bối rối trên mặt, ánh mắt xuyên thấu cố giữ vẻ bình thản từ đầu đến giờ, lúc này mềm xuống yếu đuối; một vẻ yếu đuối, tôi chưa bao giờ bắt gặp ở anh. Tiếng nói của nah thoảng nhẹ, bồng bềnh:
- Thanh... Đến giờ rồi, tôi đi đây! Có lần Thanh hỏi, người đàn bà mà tôi yêu, yêu ghê gớm nhưng vĩnh viễn chết rồi là ai?... Tôi không định trả lời và cũng sẽ không bao giờ trả lời hết, nhưng ngày mai – anh khó nhọc đưa lưỡi liếm đôi môi khô xác – ngày mai xuống đó... chưa biét thế nào, có thể tôi sẽ không bao giờ gặp lại Thanh nữa!... Nếu vậy điều cuối cùng tôi nói, nói một lần, nói với chỉ một người, Thanh nghe rồi cho qua, đừng để bụng làm gì cả... người đàn bà đó là...
Chưa nói hết câu, anh bỗng khoát mạnh tay như chém đứt một cái gì đó, rồi ngoắt người đi luôn, không để cho tôi kịp phản ứng gì hết. Người tôi run lên, ngực đau nói một cái. Dù mang máng hiểu từ lâu cái tình cảm hết sức thầm kín của anh đối với tôi, mang máng thôi vì anh chưa có một dấu hiệu gì rõ rệt và tôi cũng không thể tin được điều đó, song lúc này tôi vẫn bị bất ngờ đến choáng váng. Trời ơi! Giọng nói của anh, vẻ mặt của anh như là giọng nói và vẻ mặt của người đang trăng trối những lời cuối cùng. Bóng anh đã nhòa dần mà tôi vẫn còn dứng sững, vẫn không thật tin ở tai mình nữa: “Người đàn bà tôi yêu, yêu ghê gớm... người đàn bà đó là...”. Có đúng anh vừa nói câu đó không? Tại sao anh lại không nói hết? Và tại sao đến bây giờ anh mới nói? Phải chăng... Trong đầu tôi ngổn ngang bao câu hỏi chới với, kể cả những câu hỏi mang đôi chút ý nghĩ tội lỗi xen vào.
Thế là cách nhau hai ngày, trong ánh hoàng hôn vùng địch hậu, tôi đã lần lượt tiễn hai người đàn ông ra đi, đã dõi nhìn theo bóng họ cho đến lúc chìm vào màu xanh đen của bưng biền, chỉ khác, một người ngược đường lên mạn rừng già Long Nguyên an toàn hơn và một người xuống An Sơn, An Thạnh trong cái chết đe dọa từng giờ. Cả hai con người đó đều dứt ra, mang đi của tôi một phần vui buồn. Cả hai người, tôi đều dõi theo với cái nhìn day dứt, giận và thương.