Phần một

Đó là những năm tháng đen tối nhất của chiến trường miền Nam. Sau Mậu Thân, lực lượng ta còn rất mỏng, mà hầu hết lại dồn tụ lên rừng già. Dưới đồng bằng, trong vùng đô thị ta chỉ còn giữ được những nhóm lẻ tẻ để bám trụ địa bàn. Nếu trước đây ngày là của nó, đêm là của ta thì thời kỳ năm 70 này, phải đau xót thừa nhận rằng cả đêm lẫn ngày, hầu như thuộc về tầm khống chế của đối phương. Chúng khống chế, truy kích ta bằng đủ kiểu: càn rừng, B52 rải thảm, gài biết kích trên tất cả các mối đường, đánh bung hầu hết các kho dự trữ lương thực, tóm lại chỉ cần ngửi thấy mùi “Việt cộng” là chúng huy động tối đa quân số, bom đạn hủy diệt cho kỳ được. Nhưng cũng chính vì thế mà chúng bộc lộ sơ hở: ngay cạnh nách chúng vẫn có những khoảng trống bất ngờ có thể ẩn náu hoạt động được.
Đầu mùa mưa năm ấy, cùng với hàng trăm bộ phận được xé lẻ khác, tiểu đoàn của tôi được lệnh luồn sâu vào vùng địch, tìm bắt liên lạc với cơ sở địa phương để triển khai chiến đấu.
Nơi chúng tôi cần có mặt là vùng ven thị xã Bình Dương và nơi chúng tôi phải tác chiến là bất cứ điểm nào có thể gây được tiếng nổ, có thể diệt được địch.
Người ta nói với chúng tôi rằng cái vùng đất ấy dữ dằn lắm, người khôn ngoan tài giỏi đến đâu cũng may lắm là trụ được vài tháng, cùng lắm là nửa năm, rồi nếu không mất xác thì cũng mụ đầu mụ óc mà tìm đường chạy dạt về sau. Tuy vậy, cũng không đến nỗi - Họ, tức là những người vừa từ ở trong ấy luồn lách ra, nói thêm - Nếu biết cách sống thì vẫn xoay xỏa được, có khi lại còn rất tươm nữa là khác. Có điều cần nhớ: đàn ông trai tráng dưới đó mỗi ngày một hiếm, nếu tới đây có gặp những người trung kiên nhất, những người chỉ huy, những người lãnh đạo tài giỏi nhất là đàn bà thì đừng lấy làm lạ. Phải bám thật chặt vào họ, học hỏi họ, tóm lại là phải hết sức gắn bó với họ, như vậy sẽ làm ăn được. Đàn bà vùng sâu kỳ lắm! Họ như cây lau, cây sậy ở mé sông, gió dập mưa vùi đến đâu cũng không gẫy gục, chỉ lả ngọn để rồi lại vươn lên dẻo dai hơn. Nó cũng giống như ngọn đèn đêm. Đêm càng đen, đèn càng cháy sáng. Còn tôi, tôi nghe lấy lệ. Chiến tranh mà sớm khái quát, sớm triết lý quá như thế, dường như tôi thấy không ổn, nhất là một khi cái khái quát đó đang được hình thành ngoài tầm đạn nhọn M.16. Tuy vậy tôi cũng thấy lòng dạ nôn nao. Không! Chúng tôi không chỉ hoàn toàn là sợ! Thằng lính chỉ tồn tại ở hai thái cực: sự hiểm nguy sẽ làm cho nó co rúm lại, hoặc sẽ khiến cho nó gồng căng lên tiếp nhận hết. Có lẽ chúng tôi thuộc loại thứ hai, cái loại thường rơi vào tuổi trẻ, bồng bột và khát vọng được đọ sức với gian nan.
Thế là chúng tôi xuống địa bàn.
Đường hành quân kéo dài dằng dặc suốt ba mươi ngày. Ba mươi ngày… chúng tôi để lại phía sau những cánh rừng dầu sũng nước, những khóm le mảnh mai không giăng nổi một cánh võng ni lông, để lại những khúc sông đầy biệt kích và bóng dáng chiếc máy bay do thám nhập nhòa như cú vọ; để lại những con đường có mùi xác người, những bãi bom B52 bước chân lên còn nóng rẫy; và chúng tôi đã để lại bảy người anh em nằm xuống vĩnh viễn với rừng già. Ba mươi ngày… Con đường đó nếu hôm nay đi chỉ cần đạp xe mất một ngày… Cuối cùng chúng tôi cũng tới đích. Tơi tả, râu ria, đói khát, nhưng trầm tĩnh hơn. Đơn vị chỉ còn hơn một trăm đứa. Rồi cũng chẳng được ở lại với nhau lâu. Hai ngày sau, từng ấy đứa lại bị xé lẻ thành bốn, năm bộ phận; mỗi bộ phận xuống chém vè tại một xã. Tôi cùng một tổ năm người được phân xuống xã sâu nhất, điều kiện hoạt động phức tạp nhất. Người đón chúng tôi và đưa chúng tôi xuống là chị Hai Thanh.
Chị Hai hồi đó chừng trên dưới ba mươi tuổi, so với tôi chị lớn hơn chút ít. Dáng chị cao và mảnh. Không, thực ra chị cũng chả cao gì nhưng có lẽ do thân hình mảnh mai quá nên trông cứ vượt lên. Da chị trắng xanh như hầu hết những người ở vùng giáp ranh, tóc chị thưa nhưng dài. Nếu không phải vấn cao để chui luồn cho dễ thì mái tóc ấy có thể thả dài quá lưng. Khuôn mặt chị nhẹ nhõm, xương xương với cái miệng cười hơi buồn buồn. Răng chị đến trắng, nhưng hình như không còn đủ, điều này chỉ khi chị cười mới thấy được. Vừng trán chị cao, đã ẩn hiện vài nếp nhăn nho nhỏ, nhất là khi chị đang mải suy nghĩ điều gì. Chị thường mặc bộ bà ba đen tự khâu lấy, vạt áo và ống quần hơi rộng. Cổ chị tròn và dài, nếu cái cổ ấy không gầy quá, chắc là đẹp lắm. Tóm lại chị là một người phụ nữ không có gì nổi bật, nếu không muốn nói nhác trông thấy chị lần đầu có cái gì mệt mỏi và tiều tụy. Nhưng riêng đôi mắt của chị lại ngược hẳn tất cả. Mắt to, đen, lòng trắng phủ một màu xanh phớt. Nhìn ai, chị nhìn rất thẳng, cái nhìn rất chăm chú, lúc nghiêm nghị, lúc dịu dàng, có lúc lại buồn buồn vơ vẩn. Vui điều gì, trông mắt chị cứ anh ánh nước. Buồn điều gì, cũng ánh mắt ấy lại sụp tối sầm xì. Tôi có cảm giác cái nhìn của chị vừa rất già vừa rất trẻ, vừa xa lạ vừa gần vũi. Đôi mắt có sức cuốn hút kỳ lạ, vừa buộc người ta phải nể vì lại vừa thôi thúc người ta tâm sự, cởi mở đến tận những điều sâu kín nhất. Đôi mắt ấy gợi sức cuốn hút khó cưỡng lại cho cả con người chị. Mãi sau này do va vấp, từng trải nhiều tôi mới hiểu, những người đàn bà phải gánh chịu nhiều gian truân lắm mới có cái nhìn như thế. Còn lúc ấy, tôi chỉ thấy tin ở chị. Tin một cái gì đó mình chưa hiểu thật tường tận, nhuốm một chút màu sắc siêu hình. Ở giữa nơi sự sống con người được đếm từng giờ như thế, chỉ nội một phong thái đôn hậu, trầm tĩnh của chị là đủ át đi tất cả.
Đồng chí cán bộ quân sự địa phương giới thiệu với tôi rằng: chị là tỉnh ủy viên, đảm trách các địa bàn phía trước, do thiếu cán bộ có kinh nghiệm nên chị xuống nằm hẳn ở một xã điểm để chỉ đạo trực tiếp. Nghe thế, bỗng dưng tôi nhìn chị khác hẳn đi. Người đàn bà ba mươi tuổi, chưa biết cuộc đời và bản lãnh ra sao, thỉnh thoảng gặp vẫn chỉ thấy nụ cười lặng lẽ hơi buồn buồn mà lại là một bà tỉnh ủy?... Trước con mắt của người lính, bất giác tôi cho đó là một cái gì đó phi thường. Trong khi đó chị lại không tỏ ra có cái gì khác thường cả. Không thấy chị tung ra những chỉ thị, mệnh lệnh, không thấy chị chém tay vào không khí để nói những danh từ quân sự, thuật ngữ chính trị to tát; không thấy chị đăm chiêu đi lại để vạch ra trong tư duy cách đấu tranh với kẻ thù ở địa bàn cài răng lược… không thấy gì hết.
Chị vẫn dịu dàng như người chị, hỏi đến đời riêng, chị còn đỏ mặt e ấp như con gái dậy thì. Vì lẽ đó, con người chị bỗng dội vào tôi những tò mò khác lạ. Tôi bắt đầu quan sát chị và thầm hứa tới đây nếu có dịp, nếu không đến nỗi khó sống lắm, tôi sẽ yêu cầu chị kể cho nghe một điều gì đó về mình.
Dịp ấy đã đến.
Thông thường, cứ ban ngày bọn tôi phải chui vào hầm mật, tối mới ngoi lên tìm cách hoạt động. Một tháng hai lần, tôi và chị bám ra một cái lều che nắng ở giữa bưng để gặp giao liên nhận thư từ, chỉ thị ở trên xuống, đồng thời gửi báo cáo lên trên. Có lẽ đến bây giờ, tôi vẫn hình dung ra trước mắt cái dáng đi đêm địch hậu của chị. Không gian mênh mông, gió rất nhiều. Đồng bưng đang vào kỳ cây trái chín thơm ngào ngạt. Xa xa là những vật đen mờ mờ của ấp chiến lược. Trên trời cũng tuyệt đối im lậng, lất phất mấy hạt mưa. Thỉnh thaỏng lắm mới nghe một tiếng pháo nổ cô đơn ở nơi nào không rõ. Gần trục lộ 13, tiếng trực thăng bay đêm ì ì dai dẳng, đôi lúc lại để rơi xuống vài trái pháo sáng lập lòe như ma trơi. Trời se se lạnh. Con người bị ngợp trước cái yên tĩnh xa lạ này. Trước tôi, chị vẫn đi mềm mại, tấm dù hoa vừa để chống lạnh, vừa để ngụy trang bị gió đánh bay tung, uốn lượn quanh đôi vai tròn con gái. Đôi bắp chân thon nhỏ của chị thi thoảng cứ sáng trắng lên theo một lằn chớp rạch ngang bầu trời. Chị đeo một cây côn ở hông, dây lưng hơi trễ xuống làm dáng đi của chị nghiêng nghiêng. Nghiêng nghiêng một dáng con gái đi trong đêm hậu địch… mỏng manh và thật lẻ loi. Ánh đèn thị xã hắt một quầng sáng nhạt lên bầu trời… Bước đi giữa bốn bề lúa má mà cứ ngỡ đang đi vào một nơi vô định. Yên tĩnh đến giá lạnh, đến ngẩn ngơ nhưng ruột gan vẫn khắc khoải không yên. Ngay bây giờ, hay lát nữa trở về, rất có thể một quả mìn bất chợt chớp lửa dưới chân. Thế là xong! Đêm vẫn là đêm. Gió vẫn là gió. Vẫn mênh mang. Nhưng cái dáng chao nghiêng kia không còn nữa, tất cả biến thành hư vô. Rất có thể như thế và đã từng xảy ra như thế. Sống thầm mà chết cũng thầm, như không có thực. Tuy nhiên tôi thấy thương thương chị! Chiến tranh là tàn bạo, là khổ đau. Cái khổ đau này dồn lên đôi vai thằng đàn ông thấy còn khả dĩ, còn tạm chấp nhận được. Nhưng cùng cái độc địa ấy lại đổ ập xuống cái thân hình mảnh mai kia, đôi vai tròn nhỏ kia, đôi bắp chân sáng trắng cả bưng biền kia, lại thật không nỡ, thấy nhẫn tâm.
Chị vẫn đi. Cả tuổi trẻ của chị đã từng đi như thế? Chốc chốc chị lại dừng lại lắng nghe động tĩnh. Nghe tiếng động của tử thần mà tránh hay giống như tôi, chị đang đắm chìm trong cái khát khao nho nhỏ như những làn sóng tràn ngập vào lòng?
Dân gần lắm! Những mái nhà ấm cúng gần lắm! Bên trong cái vệt mờ mờ kia là giấc ngủ. Những gia đình, những cặp vợ chồng… Họ đang ngủ. Mùi khói bếp, mùi nhang, tiếng trẻ khóc. Nếu giờ đây giữa đồng bưng có một tiếng nổ thì sao? Tất cả những cái trên kia vẫn tồn tại, vẫn dửng dưng giữ cái nhịp sống đời thường của nó. Sau tiếng nổ ấy, nào ai hay, ai biết có một người không còn nữa. Người ấy rất quen thuộc với vùng đất này. Người ấy đã nhiều đêm không ngủ, rất nhiều đêm một mình đi móc nối, bám dân. Người ấy là… Tôi rảo chân đi sát gần chị với một ý muốn mơ hồ và ngây thơ rằng, làm như thế, cái hình hài yếu đuối kia sẽ bớt đơn chiếc hơn.
Đã tới chiếc lều con có mái che tránh nắng ở giữa đồng. Gió thổi mát rượi. Nước chảy róc rách dưới chân. Tất cả đều mờ nhòa, dàn trải ra đến tận cùng. Chao ôi! Giá giờ này có một chiếc võng mà ngả lưng ngủ một giấc, ngủ thật lâu, ngủ giữa gió, giữa muôn ngàn xao động của cây lá, giữa thiên nhiên thoáng rộng và tinh khiết, ngủ không sợ hãi, không giật mình vì nơm nớp lo ngại cái bóng tối huyền bí kia sẽ tách ra thành những hình người thù hận ngậm dao mò đến, ngủ…
Như đoán hiểu được tâm trạng tôi, chị tháo tấm dù đưa cho tôi:
- Thắng ngủ một chút đi! Tôi dòm chừng cho. Giờ này mà thằng nhỏ chưa xuống là dám có chuyện đây. Đường xá độ này tụi nó phục dữ quá!
Giọng nói của chị sao đêm nay nghe ngọt, nghe ấm đến thế. Sau này, khi đã hòa bình, mỗi lần đi đâu, làm gì, bất chợt nghe được tiếng nói con gái Nam Bộ là tôi lại xốn xang cả người, lại nhớ đến giọng nói của chị ở cái đêm vùng ven sâu thẳm ấy.
- Nhưng cũng phải chờ gần sáng chứ nhỉ? – Tôi hỏi.
- Chắc vậy.
Tôi trả lại chị tấm dù:
- Tôi không ngủ được đâu. Đêm đẹp thế này, ngủ nó phí đi.
Dưới ánh trăng hạ tuần lờ mờ, khuôn mặt chị nhìn nghiêng rất đẹp, rất thanh thoát, vừa nghiêm trang vừa tư lự. Bỗng dưng tôi thấy mình muốn làm nũng, muốn vòi vĩnh một cái gì đấy như hồi còn thơ bé, tôi gạ:
- Tôi hút thuốc nhé!
- Thèm lắm rồi phải hôn? Tội nghiệp!... Đàn ông ai cũng thế cả, chết không sợ, chỉ sợ phải nhịn thuốc, nhịn rượu. Được, hút đi! Bụm tay kín vào nghe!
- Thôi, không thèm hút nữa nhưng chị phải bù lại một cái gì kia.
- Cái gì? - Chị nhìn tôi tò mò.
- Dễ thôi! Từ giờ tới sáng còn cả một đêm, ngồi không dễ “tự tử” lắm. Chị kể một cái gì đi! Kể chuyện đời chị cho tôi nghe chẳng hạn.
- Trời đất! Có gì đâu mà kể? Thôi, ngủ đi!
- Không! Tôi muốn nghe. Biết đâu đêm mai, đêm mốt không còn được ngồi với nhau thế này nữa.
- Sao mà bi quan quá vậy?
- Bi quan gì đâu. – Tôi làm mặt giận – Đánh xong cái chi khu, nếu không chết thì cũng chuyển đi, có khi đi luôn, chứ bộ còn có dịp được nghe chị nói nữa sao?
- Nhưng mà.. kể kỳ lắm! Ai lại kể thế bao giờ. - Chị đưa tay gỡ mái tóc cho rời ra, buông xòa tới đất.
Tuy nói thế nhưng chị đã bị tôi điểm đúng chỗ yếu nhất của đàn bà, là lòng thương người. Im lặng một lát rồi chị bắt đầu nói. Cũng chưa hẳn là nói với tôi, theo yêu cầu của tôi. Có lẽ với một đêm như đêm nay, con người thường nảy sinh nhu cầu được giao hòa với thiên nhiên, qua đó soi rọi và chiêm nghiệm lại chính cuộc đời mình. “Kể chút chút thôi nghe! Kể chuyện tư riêng, chuyện gia đình nghe cho vui...”. Chị nói mà như đang tâm tình với gió.