Chương 45

Đúng ngày lễ cúng giáp năm sư trụ trì chùa Phổ Minh viên tịch, Xí ngiệp may Đại Phát phải ngưng hoạt động vì không có việc, phải đến đầu tuần sau mới đi làm trở lại. Vốn quen làm lụng, bây giờ lại ngồi chơi xơi nước Hiếu cảm thấy trong người bứt rứt không yên. Cô vẫn giữ thói quen dậy rất sớm mặc dù chẳng biết phải làm gì. Cả nhà vẫn còn đang say ngủ. Hiếu lấy mấy tờ báo cũ ra đọc chờ trời sáng. Đọc hết trang báo mà mọi người vẫn chưa thức dậy. Hiếu lấy bộ quần áo cũ đem ra giặt. Chỉ có mỗi một bộ đồ vừa hao nước vừa tốn xà bông chẳng bõ công. Nghĩ ngợi một lúc, cô bước lên gác nói oang oang:
- Đứa nào muốn giặt đồ đưa quần áo, xà bông cho “ Lão bà bà! “
Cô nhắc lại nhắc lại mấy lần mà chẳng thấy ai lên tiếng bèn co chưn đá đá vô mông Huệ mấy cái:
- Có đồ đưa  tao giặt.
Huệ nhăn mặt, gãi đầu sột sột rồi xoay người nằm nghiêng, không thèm trả lời. Hiếu xây mặt về phía Ngân:
- Con Ngân?
Ngân hé đôi mắt ngáy ngủ, hất hàm về phía cái quần jean treo trên vách:
- Chị giặt giùm em cái quần.
- Xà bông đâu?
- Hết rồi!
- Hết thì nghỉ khỏe! Vừa làm không công cho mày lại vừa tốn tiền mua xà bông hả?  Còn khuya nhá.
- Chị cho em mượn, chốc nữa em mua trả.
Hiếu lấy gom đồ xuống nhà tắm. Huệ nói:
- Em còn cái áo treo trong nhà tắm, nếu chị có lòng thương đồng loại thì giặt luôn đi.
- Tao thương mình không hết lấy đâu thương người khác? Không có xà bông là không giặt.
- Em đang trong diện “ xóa đói giảm nghèo”. Chị em với nhau mà hở ra một chút là so đo, tính toán!
- Ừa, tao như vậy mà không trị nổi mày đó.
Hiếu cho quần áo ngâm vào nước lã, vò sơ qua rồi mới ngâm xà bông. Làm theo cách này vừa sạch vừa  đỡ tốn. Đang giặt chợt nhớ bộ đồ đàn ông cả tháng nay chưa rờ tới bèn lên gác, lấy xuống cho vô thau. Đích thân cô và Nhành đã cất công cả buổi lùng sục ở các cửa hàng bán đồ cũ để sắm mua bộ đồ này với giá gần bảy chục ngàn. Dạo mới về đây, thỉnh thoảng có vài người đàn ông cứ tò tò tán tỉnh. Nhìn sơ qua cũng biết tư  cách họ là người chẳng đàng hoàng. Chị em tui là gái đã có chồng, các anh đừng làm phiền nữa,  Hiếu nói. Gã đàn ông có gương mặt lưỡi cày nhe răng cười hềnh hệch, có mà chồng ngồng! Chồng của em chỉ có thể là anh thôi. Hãy làm vợ bé của anh! Trong lúc mọi người không biết đối phó  như thế nào với mấy vị khách không mời mà đến, thì Huệ bỗng nghĩ ra diệu kế! Đúng là con nhỏ này khôn từ trong trứng khôn ra! Từ khi treo bộ đồ này trước ban công tuyệt nhiên không thấy gã đàn ông có máu hảo ngọt  nào dám bén mảng!
Giặt xong đống quần áo trời đã bắt đầu sáng, Hiếu đánh thức mọi người dậy và nói:
- Bữa nay là ngày rằm tất cả mọi người phải ăn chay, đó là mệnh lệnh!
Ngân phản đối:
- Ai ăn chay thì ăn, em ăn mặn.
- Trong tâm tánh mỗi người đều có con quỷ ngự trị, vì vậy phải tu tâm dưỡng tánh thì mới có thể trục nó ra ngoài. Ăn chay là cách tốt nhứt.
Huệ thắc mắc:
- Tu thân có liên can gì tới chuyện ăn chay? Chị nói nghe ngộ quá!
- Sao không! – Hiếu ra vẻ là người có hiểu biết:- Lũ quỷ tha ma bắt tụi bây làm biếng nhớt thây  có bao giờ đi dự một buổi thuyết pháp hay đọc vài bài kinh Phật đâu mà hiểu với biết! Nghe chị Hiếu giảng giải đây: hàng ngày chúng ta ăn thịt thú vật, mà thú vật thì cũng như con người cũng hỉ, nộ, ái, ố, ta ăn vô chất bổ nuôi sống cơ thể, nhưng những tâm tính xấu của chúng cũng nhập vô ta và biến thành cái ác. Muốn trừ cái ác thì cách tốt nhứt là ăn chay! Nhân đây, tao cũng nhắc cho mấy đứa nhớ luôn, bữa nay cũng là ngày cúng giáp năm thầy Thích Thiện Giác viên tịch, đứa nào có lòng tốt  vô chùa đốt cho Thầy cây nhang xong rồi dự luôn bữa cơm chay miễn phí.
Nhành nói:
- Tui cũng muốn chay tịnh cho người nó hiền bớt nhưng công việc của tui là không thể...Mà ông Thầy  ở Bến Đình này tịch linh thiệt nghen, canh me đúng ngày rằm siêu thoát lên cõi Phật.
Hiếu cắt ngang câu nói:
- Kiêng cữ có một bữa sao mà khó khăn quá, tháng giêng vừa rồi tao ăn chay đủ hai mươi chín ngày có sao đâu.
Huệ  day mặt về phía Hiếu vừa nói vừa cười rúc rích:
- Chị Hiếu  khác lắm! Từ khi ăn chay trông chị khác hẳn.
- Khác gì, con quỷ?
- Bộ mấy người không thấy sao? Mặt chị Hiếu giống lắm..
- Giống ai?
- Phật Thích Ca!
Cả nhà cười ồ lên. Hiếu cũng không nhịn được, bật cười khanh khách:
- Không được nói bậy mang tội! Thôi, không bá láp nữa. Đứa nào đi ăn sáng với tao?
- Chị bao hả? – Trang nói.
- Con khỉ! Con Nhành bao. Bữa nay nó mua xe nên phải chiêu đãi mọi người.
Huệ nhìn Nhành tỏ vẻ ganh tỵ:
- Chị Nhành giỏi thiêt, nghen. Mới làm trên dưới  một tháng mà đã có tiền sắm xe. Em ủng hộ chị cả hai tay hai chưn, nhưng chị nhớ cho em mượn nghe. Chị định mua xe gì? Của Nhật hay của Tàu?
Nhành nói:
- Ừ, bao thì bao! Tiền đâu mà mua đồ xịn? – Đoạn cô quay sang Huệ:- Mày đừng hòng động bất cứ thứ gì của tao! Chuyện cái áo, tao sợ tới già!
Cách đây không lâu, Nhành bấm bụng sắm một chiếc áo mới, đúng mốt, hơn trăm ngàn, chưa kịp mặc thì Huệ hỏi mượn đi sinh nhật đứa bạn. Không hiểu Huệ đi đứng thế nào lại để rách một đường cỡ gang tay! Cái áo coi như vứt đi. Huệ hứa đền nhưng chỉ là lời hứa suông.
- Nào, tất cả lên đường! – Hiếu khoác tay như nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc.
Năm chị em kéo nhau ra chợ, sà vô  sạp hủ tiếu chay, kêu luôn năm tô cùng năm ly nước mía, ăn uống xong. Hiếu vừa xỉa răng vừa hỏi:
- Chương trình bữa nay như thế nào?
Nhành móc tiền ra trả, nói:
- Tui đi coi xe.
Huệ giơ tay lên:
- Em cũng theo chị Nhành.
Hiếu nhìn Ngân và Trang rồi hỏi:
- Hai đứa bây nếu không có việc gì thì theo tao dạo chợ rồi đi cúng  luôn thể. Tao nói trước, trưa nay không nấu nướng gì hết, ăn cơm chay trong chùa cho đỡ tốn.
Hiếu có cái tật thích đi chợ với siêu thị, chủ yếu là vuốt ve, ngắm nghía cho no con mắt chớ không mua thứ gì cả. Mấy người bán quần áo, mỹ phẩm đều rành mặt Hiếu, thoạt thấy cô từ đàng xa đã xua tay lia lịa như đuổi tà ma chướng khí!
Xong xuôi, đám đông chia ra làm hai tốp. Nhành Huệ đi một hướng. Hiếu, Ngân, Trang cùng nắm tay rẽ vô nhà lồng chợ.
&
&&
Nhành và Huệ đi chung một xe đạp, Nhành ra lịnh:
- Mày chở tao!
- Chị nặng thấy ông bà ông vải ai chở nổi. – Huệ nói:- Chị chở em mới phải.
- Vậy thì mày đừng bao giờ hỏi mượn xe của tao nhá!
Huệ cười tít mắt, đưa tay đẩy Nhành ra giành tay lái:
- Chị nói đó nghen. Nếu vậy, em sẽ chở chị bận đi lẫn bận về!
Chạy đến dốc cầu Nhành cố tình không xuống, Huệ gồng mình ra mà đạp, thở không ra hơi. Nhành áp mặt vào lưng Huệ cười thầm, con nhỏ này phải đối xử “ tàn bạo “ như vầy mới đáng!
Lòng vòng hết mấy cửa hàng xe máy, cuối cùng hai chị em dừng lại trước một tiệm trông có vẻ bề thế. Cả dãy xe gắn máy đủ kiểu, màu sắc xếp thành hàng dài trên vỉa hè trông rất bắt mắt. Chủ tiệm tay dính đầy dầu nhớt, bước ra mời mọc. Nhành ngắm no mắt rồi hỏi giá chiếc Wave Trung Quốc màu xanh ngọc.
- Tám triệu bao sang tên.
- Mắc dữ vậy? Bớt đi. – Huệ nói.
- Không mắc đâu. Tiền nào của nấy. Ở khu này có tới mấy chục tiệm bán xe, chúng tôi đâu dám nói thách.
- Bảy triệu rưởi! – Nhành trả giá.
- Không được đâu.- Ông chủ lắc đầu nói:- Đợt hàng này tôi lỗ muốn trào máu họng. Ba cái đồ quỷ này – Ông ta hất hàm về phía dãy xe Trung Quốc:- Xuống giá từng ngày chịu đời không thấu. Thanh toán xong đám của nợ này, tui thề ăn chay trường!
Hồi mới nhập qua giá xe Trung Quốc hơn hai chục triệu vậy mà bây giờ chỉ còn bảy, tám triệu. Hàng nằm ngày nào là lỗ ngày ấy.
- Chắc giá bảy triệu tám, đồng ý thì tôi làm hóa đơn xuất hàng.
Nhành trả tiền. Huệ hỏi:- Tụi tui là dân KT3 có sang tên được hôn?
- Không! Các cô kiếm người quen nhờ đứng tên hộ, nếu không,  thì trả thêm vài trăm chúng tôi sẽ lo tất.
Chợt nhớ một việc, ông ta nói:
- Muốn bảng số đẹp thì phải trả thêm tiền. Thông thường chỉ từ năm nút trở xuống thôi.
- Trời đất, lại có chuyện đó nữa hả? Sao mà rắc rối quá vậy? – Nhành nhăn mặt.
Ông chủ tiệm thở dài:
- Biết làm sao được? Mấy ông giao thông cũng cần phải sống nữa chớ.
Đoạn ông ta đưa cái giá cụ thể như sau:
- Bảy nút thì hai trăm, tám nút hai trăm rưởi, chín nút ba trăm, cô chọn mấy nút?
Nhành thoáng ngần ngừ rồi móc túi trả thêm hai trăm.
Gần một tiếng sau xe ráp xong, ông chủ khuyến mãi thêm nửa lít xăng. Nhành nhìn Huệ nói:
- Tao chưa biết chạy, mày chạy đi!
Huệ cười dã lã, gật đầu thú nhận:
- Em chỉ biết chập chỗm, đường đông như vầy em run tay lái!
- Vậy sao hồi nãy mày dám nói là chạy rành lắm? Nổ văng miểng luôn hà! Đi kêu xe cho tao!
Chiếc Wave Tàu được đưa về nhà bằng xích lô. Thấy lạ bọn trẻ con trong xóm kéo đến xem đông nghẹt. Chị Hai đang băm cá nấu canh vội chùi tay vô áo chạy ra:
- Ái chà, xe đẹp quá! Bao nhiêu vậy Nhành?
Nhành trả lời. Chị Hai nói tiếp:
- Con nhỏ này coi vậy mà giỏi ghê! Ăn nhậu mà có tiền sắm xe mới cáu. Còn thằng chồng của tao bán nhà để nhậu nhẹt.
Nhành sượng trân. Huệ lừ mắt nói:
- Chị nói ít ít thôi để cái miệng mọc da non!
Chị Hai tiu nghỉu lật đật quành trở vô. Nhành phụ Huệ đẩy chiếc xe vô nhà, dựng sát góc tường. Nhành lấy giẻ lau xe, nói một cách thán phục:
- Công nhận  Trung Quốc bắt chước giỏi ghê, nhìn chẳng khác gì xe Nhật!
Huệ gật đầu tán đồng. Nhành trèo lên yên nhún nhún mấy cái:
- Êm ghê! Có nằm mơ tám kiếp tao cũng không bao giờ dám tin có ngày mình được làm chủ chiếc xe đẹp như vầy.
Huệ thoáng buồn:
- Chị thì sướng rồi. Em chắc suốt đời đi chiếc xe đạp cà tàng thôi.
- Biết chập chỗm cũng được, mày dắt xe ra đường tập tao chạy đi!
- Bây giờ chợ búa đông lắm, để khuya. Chị cho em ngồi lấy hên một chút.
Nhành trèo xuống nhường cho Huệ. Huệ mở công tắc điện, đưa ngón tay cái ấn nút đe. Chiếc xe rùng mình mấy cái rồi nổ máy. Nhành nhìn Huệ thán phục:
- Con nhỏ này coi vậy mà giỏi! Nghe tiếng máy êm như ru, sướng cái lỗ tai!
Huệ nghênh mặt ra chiều đắc ý lắm. Nhành sợ hao xăng định tắt máy, Huệ cản lại:
- Xe mới mua về phải chạy “ rô đa” vài lít xăng không thôi dễ bị “ đúp pê!”
- Vậy sao? “ Đúp pê “  là gì?  Để tao đạp xe mua mấy lít xăng, sẵn  kiếm cái gì để “ rửa xe” luôn thể.
- “ Đúp pê “ là gì hả..ờ đại loại là..” đúp pê “, có vậy mà cũng hỏi! 
Huệ được dịp tha hồ chảnh:
- Người gì đâu mà “ chậm tiêu “ quá trời!
- Chà, biển động mắm lên giá! - Nhành giương mắt về phía Huệ cười cắm cắt. Rồi dắt xe lộc cộc  ra cửa. Huệ nói với theo:
- “ Rửa xe “ để bữa khác, bữa nay cả nhà ăn chay, chị hổng nhớ sao.