Chương 54

 - Trang ơi!
Trang nghe mơ màng không rõ. Đến khi tiếng kêu cửa phát ra thêm mấy lần nữa cô mới bừng tỉnh. Người áp mặt sát vào  cửa kiếng chính là ông Khả!
Trang mắc cỡ trong bộ dạng khó coi nên thay gì mở cửa cô lại đi thẳng vô trong rửa mặt, chải đầu. Thấy mặt mình tái quá, cô lấy thỏi son chấm chấm lên má rồi đưa tay xoa đều. Nếu có thời gian cô còn định thay bộ đồ khác vừa ý hơn.
- Xin lỗi vì để ông phải đợi lâu.
Ông Khả ngồi bệch trên nền nhà rất tự nhiên;
- Ngay cả anh mà em còn khách sáo à?
Trang định pha trà nhưng ông khả đã xua tay:
Làm phiền giờ nghĩ trưa của em, anh thật áy náy!
- Ông chê em, bây giờ tới lượt ông cũng khách khí chẳng kém! Buồn quá chẳng có việc gì làm nên em chỉ biết ngủ thôi. Đàn bà mà có tật ngủ ngày là thứ đàn bà hư, có phải vậy không, ông?
- Ồ không. Phụ nữ đẹp nhất là khi vừa thức dậy. Nếu chẳng có việc gấp thì anh sẽ không làm phiền em vào lúc này.
- Ông nói vậy, em ngại lắm. Ông có thể đến bất kỳ lúc nào.
Ông Khả định lấy thuốc ra hút nhưng sợ khói sẽ làm Trang khó chịu nên thôi
Trang nói:
- Ông cứ tự nhiên như ở nhà đừng ngại ngùng gì cả. Khói thuốc khiến ngôi nhà đỡ trống vắng. Trong nhà toàn là đàn bà con gái nên thỉnh thoảng chị Hiếu đốt thuốc cho ông Địa. Khói bay lòng vòng cho có vẻ hơi hám đàn ông!
Ông Khả bật cười trước câu nói thiệt tình của Trang. Trời nắng,  mặt Trang ửng đỏ trông càng duyên dáng, ông Khả nhìn hoài không chán mắt. Trang mắc cỡ, không dám ngẩng mặt lên. Hồi lâu, ông Khả nói:
- Em thay quần áo đi với anh.
Trang lẵng lặng đi lên gác. Chừng năm phút sau cô trở xuống với bộ đồ mới rất vừa vặn làm nổi bật thân hình cân đối. Bất giác ông Khả buột miệng khen:
- Em đẹp lắm!
- Vợ ông khi trẻ chắc đẹp lắm ông nhỉ?
Ông Khả im lặng, cho xe chạy thẳng đến bệnh viện phụ sản thì thấy bà Vân đang ngồi trên băng ghế đợi sẵn với phiếu khám trên tay. Trang gật đầu chào. Bà Vân lập tức đưa Trang vào phòng khám. Ông Khả ngồi đợi bên ngoài. Bác sĩ  biểu Trang cởi đồ, khám rất kỷ rồi lắc đầu nói:
- Chưa có gì!
Bà Vân thất vọng ra mặt, nhìn Trang khó chịu. Trang  áy náy như người phạm tội. Bác sĩ  hỏi kỹ chu kỳ kinh nguyệt của Trang là khi nào. Trang trả lời không được thoải mái cho lắm. Nghe xong, ông bác sĩ vỗ mạnh bàn tay lên bàn:
- Tốt! Hôm nay đúng vào ngày trứng rụng, sinh hoạt tình dục dễ đậu thai!
- Thế à? – Bà Vân nói khấp khởi, gương mặt rạng rỡ hẳn ra. Lật đật đưa Trang ra ngoài. Ông Khả đang dán mắt vô mấy  trang phóng sự điều tra liền  hạ xuống, hỏi:
- Có gì chưa, em?
- Chưa! – Bà Vân lắc đầu:- Anh đưa cô Trang vô khách sạn đi.
- Lúc này sao?
- Ừ, càng nhanh càng tốt. Bác sĩ nói vào lúc này nhứt định sẽ có bầu. – Bà Vân không kiềm được kích động nên nói hơi lớn tiếng khiến mấy người ngồi gần đó vểnh tai lắng nghe.
Trang đưa mắt nhìn quanh quất, có vẻ ngượng ngùng. Ông Khả nhìn vợ thầm ý trách. Bà Vân nói:
- Nhớ là không được uống rượu đấy! Con mà đần độn thì không xong với em đâu.
Bà Vân đi theo hai người một đoạn rồi mới về nhà. Ông Khả thở hắt một cái, nói làu bàu trong cổ họng:
- Vợ của anh nhiều khi cư xử thiếu tế nhị, em đừng buồn!
- Đâu có. Bà ấy lo lắng như thế cũng đúng thôi. Cả em cũng lo,  không có thai thì lấy đâu ra tiền mà trả cho ông.
Chiếc gắn máy đổ xịch trước cổng khách sạn. Mỗi lần gặp nhau, ông Khả đều đưa cô đến một nơi mới, Trang không hiểu tại sao.
Sau khi làm thủ tục nhận phòng, ông Khả đưa cô lên lầu một. Thật ra chẳng có thủ tục nào cả. Chỉ một cái nháy mắt là anh nhân viên lập tức trao chìa khóa phòng:
- Chúc quý khách có những giờ phút thư giãn thoải mái! Miệng nói mà ánh mắt lóe lên những tia ranh mãnh nhằm vào Trang. Có lẽ họ nghĩ cô là gái làm tiền, một con điếm hạng sang.  Trang  day mặt nhìn sang nơi khác.
Tay nhân viên lại hỏi:
- Ông có cần bao cao su không?
Ông Khả quắc mắt giận dữ. Khi hai người vừa đặt chưn lên bậc thang đầu tiên  thì có một  cặp từ trên bước xuống. Cô gái chừng hai mươi tuổi, phấn son lòe loẹt, mái tóc nhuộm vàng óng, dầu thơm sực nức. Cô ta bận  chiếc váy cụt ngủn, mỏng dánh. Bên trên chỉ khoác một mảnh vải vắt chéo ngang ngực. Người đàn ông ngoài bốn mươi, ăn mặc mẫu mực ra dáng là một viên chức mẫn cán. Cô gái nói:
- Em cho anh số di động khi nào cần tình thì  “ hú “ một tiếng là em tới liền hà!
Người đàn ông không trả lời mà chỉ cười đáp lại, ánh mắt hướng về phía Trang, nói thì thào vào tai cô gái:
- Em nhìn coi, cô bé rất “ nai “!
Cô gái trớt môi cong tớn, nói lớn:
- Loại người này em còn lạ gì nữa, cưa sừng làm nghé đấy! Anh đừng thấy đỏ tưởng chín, ú ớ ăn nhằm “ sầu riêng!”
Trang xiểng niểng  như bị cái tán nảy lửa, đưa mắt nhìn ông Khả cầu cứu. Gã đàn ông lướt qua người cô sặc mùi rượu, ánh mắt nhìn cô như muốn ăn tươi nuốt sống. Cô sợ hãi chạy ngược lên trên như bị ma đuổi. Uất ức khiến nước mắt trào ra.
- Em sợ phải đến những chỗ như thế này quá ông ạ. Họ nhìn em như một con điếm!
Ông Khả mở cửa phòng, Trang lập tức chạy vội vào bên trong, úp mặt vào gối thổn thức. Ông khả đặt bàn tay lên vai cô, mân mê từng lọn tóc, lấy khăn tay lau nước mắt cho cô:
- Đừng buồn nữa em.
Trang ngửng mặt lên, nói:
- Lần sau, ông đừng đưa em đến những chỗ như thế này nữa. Em sợ lắm.
Ông Khả gật đầu, nói bằng giọng ân hận:
- Lẽ ra anh phải lường trước những chuyện như thế này. Lỗi là do anh. Anh hứa sẽ không để em phải khó xử.
Trang nín khóc, nhìn ông Khả biết ơn. Ông Khả không pha trà như mọi khi mà lấy nước ngọt trong tủ lạnh ra uống. Trang định đi tắm nhưng ông Khả bảo chẳng gấp gì, hãy ngồi nói chuyện một  chút. Trang riu ríu làm theo. Không hiểu sao  hai người lại ngồi im lặng, mỗi người đeo đuổi theo ý nghĩ riêng tư. Ông Khả vừa hút thuốc vừa nheo mắt nhớ lại… Sau lần, Thật tới biệt thự riêng quậy quọ um sùm, ông đã gặp Trang và nói:
- Chúng ta từng sống như vợ chồng vậy mà anh chưa biết gì về em cả.
- Chuyện của em buồn lắm, ông đừng biết làm gì.
Ông Khả làm thinh một lúc rồi nói:
- Em có người yêu rồi phải không? – Ông Khả nói để mào đầu câu chuyện.
Trang im lặng.
Ông Khả thở dài thườn thượt:
- Tại anh mà em phải chia tay với người mình yêu. Anh thật có lỗi.
- Ông không có lỗi gì trong chuyện này. Ông đâu có ép buộc mà chính em tự nguyện. Nhờ ông mà em mới có tiền trả nợ. Em phải cám ơn ông mới phải.
- Dù sao anh cũng thấy áy náy trong lòng. Em có nghĩ đến chuyện tái hợp nếu như bạn trai của em sẵn sàng chấp nhận?
Trang ngồi thừ người một lúc lâu, đôi mắt nhìn về nơi xa vắng:
- Em không biết nữa. Có lẽ chuyện đã qua rồi thì cứ để cho nó qua luôn. Em không còn  xứng đáng đón nhận tình cảm của ảnh. Thậm chí em không nghĩ đến chuyện lấy chồn. Số của em có lẽ phải vô chùa tu mới mong rũ sạch tiền căn nghiệp chướng!
Ông Khả choàng tay qua vai Trang, kéo sát về phía mình, nói bằng giọng bất nhẫn:
- Tuổi em còn trẻ, tương lai còn dài. Em nên nhìn về phía trước chứ đừng ngoảnh lại phía sau. Một cô gái xinh đẹp, có tấm lòng vị tha, luôn nghĩ vì người khác như em mà không có được hạnh phúc quả là bất công.
Trang nói buồn bã:
- Hạnh phúc là gì hả ông? Em không biết nó đẹp xấu, vuông tròn như thế nào nữa.
Ông Khả ngước mắt trần nhà. Ngọn đèn chùm phả thứ ánh sáng vàng vọt, hắt hiu càng khơi gợi nỗi buồn:
- Em khinh bỉ anh lắm phải không?
- Ông đừng nói vậy. Em lúc nào cũng kính trọng và biết ơn ông, chưa bao giờ em có ý nghĩ coi thường hay khinh bỉ ông, em nói thiệt từ đáy lòng mình.
Ông Khả nhìn xoáy vào gương mặt, đưa tay vuốt lên chiếc mũi thanh tú của cô:
- Em là một cô gái tốt. Trong tâm hồn em không ẩn chứa điều ác. Anh đã từng tiếp xúc với biết bao hạng người. Tốt có. Xấu có. Nhưng cái ác thì vô hạn và cái tốt thì hữu hạn...
Ông Khả không nói tiếp mà nhìn cô trìu mến. Trang bỗng chuyển sang chuyện khác:
- Ông là tiến sĩ, vậy ông học giỏi lắm nhỉ? Chẳng bù cho em, em học dở lắm năm nào cũng đội sổ, đến nỗi má em không dám đi họp phụ huynh.
Ông Khả bật cười trước câu nói của Trang, ai lại phô phang cái xấu của mình bao giờ.
- Cái đẹp tâm hồn còn hơn vạn lần sự thông minh, học cao hiểu rộng. Anh, chẳng qua may mắn được sinh ra trong một gia đình có nền tảng, thật ra cũng chẳng giỏi hơn ai.
- Nền tảng là gì hở ông?
Ông Khả im lặng, tìm cách giảng giải dễ hiểu nhứt:
- Nền tảng hiểu theo nghĩa đen là nền nhà và viên đá tán kê chân cột. Còn nghĩa bóng là phần cốt lõi của một vấn đề. – Thấy Trang có vẻ chưa hiểu, ông Khả nói tiếp:- Ví dụ như trường hợp của anh. Anh có được một nền tảng vững chắc là gì gia đình anh là gia đình trí thức và giàu có, anh được hưởng thụ tất cả những thứ đó mà thành đạt, em đã hiểu chưa?
Trang “ à “ lên một tiếng, và gật đầu:
- Em hiểu rồi, nói chuyện với ông thật là thú vị. Nhiều khi em gặp những vấn đề hóc búa mà không biết hỏi ai.
Ông Khả có vẻ vui, ánh mắt bừng sáng sau lớp kính cận. Trang lại hỏi:
- Người có học, cách sống và xử sự khắc hẳn với người không có học, vậy khi yêu người ta có khác không ông?
Ông Khả bật cười sang sảng, nheo mắt nhìn Trang:
- Tại sao em hỏi như vậy?
Trang nói:
- Bởi vì em đã bao nhiêu lần chứng kiến,  người không có học kêu nhau bằng mày tao, chửi lộn, đánh lộn như cơm bữa, vậy mà họ chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện ly dị thậm chí còn sanh con đàn, cháu đống. Còn người có học, họ đối xử với nhau rất lịch thiệp, nói với nhau bằng những lời nhẹ nhàng như rót mật vô lỗ  tai.  Bỗng đùng một cái họ lại lôi nhau ra tòa chỉ vì những chuyện lặt vặt! Kỳ quá hả ông?
Hai người ngồi nói chuyện cả tiếng đồng hồ không chán. Ông Khả thú thật lòng mình:
- Trò chuyện với em, anh quên đi bao buồn bực. Em hồn nhiên như một chú chim non, tiếng kêu thánh thót xua tan những đám mây u ám trên bầu trời.
- Ông nói văn hoa quá em không hiểu gì cả. Nhưng ông đừng khen em nhiều vậy, em mắc cỡ lắm.
Trang lại nói:
-  Những người nghèo như em ăn đơn giản, mặc đơn giản, sống đơn giản, và yêu đơn giản thậm chí khi chết cũng đơn giản, ông à.
..Ông Khả im lặng tiếp tục thả hồn về miền  ký ức buồn rầu. Vì một đứa con nối dõi tông đường mà ông đã khổ sở gạt hình bóng người vợ thân yêu ra khỏi ý nghĩ  đã ăn sâu vào tiềm thức, người đàn bà mà khi trao nhẫn cưới ông đã từng thề nguyền sẽ yêu thương, bảo bọc  đến trọn đời. Chưa bao giờ ông có ý nghĩ về một người đàn bà khác ngoài Vân. Vân mãi mãi là thần tượng ngự trị trái tim ông. Khi Vân khóc lóc van xin ông hãy cố yêu Trang, ông đã day mặt sang nơi khác để khỏi bật lên tiếng nấc. Trò đời trớ trêu, cay nghiệt. Một người đàn bà yêu chồng hơn tất cả những người đàn bà trên thế gian này lại cầu khẩn chồng hãy yêu người  khác! Có bi kịch nào khủng khiếp hơn thế nữa. Những lời van xin thấm đẫm nước mắt của Vân còn mồn một bên tai:- Em van anh hãy yêu cô gái ấy như đã yêu em. Con của chúng ta phải là đứa trẻ dễ thương, sáng dạ! Anh phải làm cho Trang được vui, phải tạo cho cô ấy có cảm giác được yêu. Ông ôm chầm lấy người vợ đang cựa mình trong xiềng xích lưu đày:- Em phải hiểu cho anh, anh không thể!. Vân đưa tay vuốt tóc ông:- Nếu thật sự yêu em, anh phải  cố. Chẳng lẽ anh muốn cả anh và em phải chết già trong cô đơn hiu quạnh?. Và ông đã cố “ yêu “ Trang theo ước muốn thiết tha cháy bỏng của vợ. Nhưng mọi chuyện đối với ông sao mà khó quá, hình ảnh người vợ tội nghiệp cứ ám ảnh mãi trong tâm trí không sao thoát ra được. Vân tỏ vẻ sốt ruột:- Anh cứ như vầy hoài biết chừng nào em mới có con để bồng bế. Nếu sự có mặt của em là một trở ngại, em sẽ đi du lịch ra nước ngoài một chuyến. Ông nói:- Thôi em ạ, anh sẽ cố lần nữa, xem sao. Từ hôm đó, ông quyết tâm đóng cho thật đạt vai người chồng bất đắc dĩ, ông đưa Trang đi chơi khắp nơi cốt để cô vui. Lần đầu tiên bước vô công viên văn hóa Đầm Sen, gương mặt cô bừng sáng niềm vui rất trẻ thơ:- Đẹp quá chừng! Giống hệt như cảnh tiên trong bộ phim Tây Du Ký! Ồ, lại có khủng long biết cử động nữa kia! Mình lại đẳng coi đi ông. Ông nhìn cô ngạc nhiên:- Em ở thành phố được bao lâu rồi? Trang cười lỏn lẻn:- Dạ, gần năm năm. Ông giựt mình:- Gần năm năm mà chưa đặt chưn tới đây sao? Trang lại cười:- Thiệt ra em cũng đã từng nhưng chỉ dám đứng bên ngoài dòm vô thôi. Tiền vé mắc quá hà!  Đi vòng vo một hồi cả hai đều mỏi chưn và khát, ông đưa cô ngồi nghỉ trên bãi cỏ rồi chạy đi mua vài hộp sữa. Trang xua tay nhăn mặt:- Em đâu phải là em bé mà ông cho uống sữa. Ông phải giải thích hồi lâu, sữa không chỉ dành riêng con nít mà cho tất cả mọi người. Sữa bổ sung năng lượng  cơ thể  và tăng cường canxi. Trang vẫn chưa hết ngơ ngác:- Vậy sao? Ở dưới quê chỉ có con nít và người bịnh mới được xài thứ này. Kỳ quá ha, ông. Trang uống từng ngụm nhỏ, mắt lim dim rồi bỗng cười ré lên. Ông hỏi Trang có bao giờ đi coi ca nhạc, biểu diễn xiếc không. Trang lắc đầu:- Em chỉ thích coi cải lương thôi. Ông có coi cải lương bao giờ chưa? Chưa hả? Vậy thì uổng quá, Trang chép miệng tỏ vẻ tiếc:- Em khoái coi tuồng “ đời cô Lựu “, coi cả chục lần mà vẫn thấy khoái. Lần nào cũng khóc sưng con mắt. Mấy chị trong nhà kêu em là mít ướt! Tánh em nhõng nhẽo lắm ai mà rước vô coi như người đó số xui tận mạng! Lần đầu tiên trong đời, ông dắt cô vô rạp Hưng Đạo coi tuồng “ Tô Ánh Nguyệt “, ông không thích cải lương và cho đó chỉ là trò đồng bóng rẻ tiền, nếu không vì cô thì có lẽ suốt đời ông cũng không đặt chưn đến những chỗ như vầy. Coi tới đoạn  Tô Ánh Nguyệt đẻ con vì nghịch cảnh phải đưa cho người yêu  nuôi nấng để về quê với cha, Trang đã khóc ngất lên:- Tội nghiệp cổ quá ha ông? Trang hỉ mũi rột rột vô khăn mùi soa:- Sao đứa con ở ác quá nỡ đuổi xua người đã sanh ra mình!. Ông thở dài, tự nhiên thấy cay cay nơi sống mũi. Trang thương xót cho thân phận đàn bà trên sân khấu. Nhưng với bi kịch của chính mình thì dửng dưng.  Tô Ánh Nguyệt dù sao cũng còn may mắn  là có một đứa con với người mình thương yêu nhứt, còn có cơ hội sống gần con, được nhìn thấy mặt con. Còn Trang lại phải có thai với người mà cô chưa từng yêu mến, cô bị tước đoạt đi cái quyền yêu, quyền làm mẹ và vĩnh viễn không bao giờ nhìn thấy núm ruột của mình. Bất giác ông thấy nhói ngay tim. Nhìn ông xúc động, Trang nói như reo:- Em biết ngay mà cảm động như vầy thế nào ông cũng khóc cho mà coi! Đoạn cô nhoẻn miệng cười khoái chí  như đứa con nít vừa thắng cuộc trò chơi. Ông đưa cô vô nhà hàng thưởng thức món bò bít tết, cô cứ loay hoay với con dao, cái nĩa hệt như
đứa trẻ lần đầu cầm viết. Ông hỏi cô có ngon không, cô nói ngon nhưng mắc quá! Và đề nghị ông lần sau đừng đưa cô tới những chỗ như vầy nữa. Đột nhiên, Trang buột miệng hỏi:- Ông có bao giờ ăn ốc ngựa? Ốc ngựa thì có gì mà ăn. Lạt nhách! Ông Khả nghĩ thầm. Trang tiếp tục huyên thuyên những món “ đặc sản “ quê mình:- Đó là thứ ốc có vỏ tròn có sọc cứng chạy song song từ lưng ra miệng giống ngựa rằn, thường đeo bám trên các cây vẹt, mắm và bần khi nước lớn, thịt ăn cũng tàm tạm. Tới mùa ốc ngựa nhiều lắm tha hồ mà bắt, sau đó  đem vìa luộc với lá sả, đợi vừa sôi là nhắc xuống liền, để lâu dai ăn không ngon, nước mắm phải chua chua, ngọt ngọt và thiệt cay ăn mới đã! Nhưng nhon nhứt vẫn là ốc len, ốc len bự  bằng ngón tay cái, vỏ dài và thon nhọn, ruột xanh, đen hơi vàng, luộc ăn cũng ngon  nhưng ngon  nhứt là đem xào dừa. Trước khi  xào phải rửa thiệt sạch rồi lấy dao chặt bớt phần đuôi. Dừa khô vắt lấy nước cốt. Nhớ phải cho một ít rau răm xắt nhuyễn kèm thêm vài lát ớt. Xong xuôi chỉ việc múc ra dĩa, người ăn chỉ cần kề miệng ốc mà mút là thịt ốc chun tọt vô miệng, đã lắm! – Rồi Trang hỏi ông có từng thử món cá kèo chưa, ông lắc đầu. Cô tròn xoe mắt ngạc nhiên:- Cá kèo ngon vậy mà ông chưa nếm thử sao? Chèn ơi, quê em tới mùa cá kèo nhiều vô số kể. Cá kèo tươi đem  vìa chỉ việc làm sạch nhớt bằng muối  rồi đem kho với nước dừa chấm với rau sống thì tuyệt cú mèo! Anh Hai Tràm của em chỉ thích nấu canh chua lá dang với cá kèo. Lá dang xắt nhuyễn, nêm nếm cho vừa khẩu vị rồi bắt từng con cá kèo sống cho vô nồi. Em thèm thiệt nhưng thấy ác quá nên không dám ăn. Cá kèo ăn không hết thì đem phơi khô để ăn dần hoặc đen bán. Mà ông có biết cá kèo ngon nhứt ở chỗ nào hôn? Ông lắc đầu. Trang cười cười:- Là ở cái bụng, bởi vì bụng có nhiều mở. Béo nhưng hơi đăng đắng.  Bữa nào ông biểu vợ kho thử một nồi. Khi ông nói chuyện này với Vân, Vân trừng mắt nhìn ông như người xa lạ:- Cá kèo thì có gì mà ăn. Ruột chứa toàn phân vậy mà cứ khen ngon! Đúng là khẩu vị của bọn hạ tiện! Anh bị nhiễm cô bé ấy rồi!
Càng gần gũi với Trang, ông càng nhận ra cô quá đỗi hồn nhiên, quá đỗi dễ thương, dễ gần. Trang có thể cười, có thể khóc vì những điều vụn vặt, tâm hồn cô luôn hướng về cái thiện, cùng  đồng cảm sẻ chia với những người cùng cảnh ngộ. Một lần hai người ngồi uống nước trong công viên thì có một người ăn mày với thân thể tật nguyền sán tới xin tiền. Nhìn sơ qua bộ dạng biết là giả dạng, ông bực mình đuổi đi. Người ăn xin đi rồi, cô mới nhìn ông bằng ánh mắt thất vọng lẫn ngạc nhiên:- Sao ông nỡ đuổi. Ông cười cười giải thích, cô đã bị đánh lừa bởi những vết thương ngụy tạo. Trang suy nghĩ một lúc rồi nói:- Ăn xin giả nhưng cũng là ăn xin chớ, ông! Em có cái tật hay thương người, mỗi lần dòm thấy ăn xin là cho tiền – Đoạn Trang cười nhỏ:- Em chỉ cho đúng năm trăm. Bây nhiêu thì hơi ít nhưng có thể mua được một ổ bánh mỳ. Ông bừng tỉnh, “ ăn xin giả cũng là ăn xin  “  điều đơn giản như thế mà ông không hiểu ra. Bởi vì thế giới mà ông đã và đang tồn tại là thế giới của từng lớp thượng lưu của những kẻ ăn trên ngồi  trốc, chữ nghĩa chất đầy đầu, tiền bạc ắp lẫm trong két sắt. Ông đã sống trọn vẹn bốn mươi năm, mỗi năm ba trăm sáu mươi lăm ngày, mỗi ngày hai mươi bốn giờ, mỗi giờ có sáu mươi phút, mỗi phút có sáu mươi giây trong giàu sang nhung lụa, trong đùm bọc chở che của cha của mẹ, của thân quyến họ hàng. Ông chưa một lần phải nếm trải mùi trần ai, khổ hạnh. Khái niệm về nỗi đau, về sự thất bại hoàn toàn xa lạ với ông. Cuộc đời ông đã được định sẵn trên đường ray cao tốc cùng với giấy thông hành mộc đỏ mộc xanh, con tàu mơ ước của ông chỉ có việc lao vùn vụt về phía trước, những sân ga hoành tráng, lộng lẫy đang chờ đón. Trang và bao người khốn khổ khác phải chun vào đời bằng cái lỗ chó, họ không có nổi một tờ giấy lận lưng,  phải xô đẩy, bon chen trên chuyến tàu đời lầm than bằng tấm vé lậu, luôn sống trong tâm trạng phập phồng lo sợ bị  tống cổ xuống dọc đường, sợ bị lỡ chuyến và hoàn toàn phó mặc cho con tàu số phận đi đâu về đâu. Chỉ những tâm hồn lạc loài cơ cực cùng cảnh ngộ mới đồng cảm và san sẻ cho nhau. Đối với ông cũng như  những người trong giới thượng lưu, họ chỉ là những sinh vật  tầm thường, dị dạng  bất đắc dĩ phải  cõng nặng  trên lưng hai tiếng “ Con Người “. Tạo hóa có công  tạo dựng nên Con Người để chinh phục vạn vật và cũng là kẻ tội đồ tạo ra đẳng cấp sang hèn.
Đích thân Vân đã làm đơn gởi lên Viện trưởng xin cho ông được nghỉ mười ngày không lương với lý do mà cho dù người khó tánh nhứt cũng phải gật đầu đồng ý:- Em kỳ hạn cho anh nội trong mười ngày phải “ yêu “ cô bé ấy!. Những ngày đầu ông đã khổ sở như thế nào để có thể làm vui lòng Trang. Trang không chịu tới những chỗ sang trọng, những món ăn ngon mắc tiền và cũng từ chối những quà tặng đáng giá, cô thích rúc vô những chỗ bình dân xập xệ, nơi có những đứa trẻ cởi trần ở dơ như mọi, những gã đàn ông với cặp mắt láo liên sẵn sàng ra tay khi có dịp. Cô còn đề nghị ông nên ăn bận bình dân và bớt luôn cách nói năng lịch sự kiểu cách…
- Em với ông đi ăn bún riêu đi! Em biết một chỗ rẻ lắm có hai ngàn một tô!
Cô dẫn ông vượt qua con hẻm qua sáu lần gấp khúc, hôi hám, ngập nước rồi dừng lại trước gánh bún riêu dơ hầy. Người đàn bà mập ù thoăn thoắt trụn bún, mồ hôi rớt lõm tõm vô nồi nước lèo đang sôi ùng ục. Xung quanh có rất nhiều người rách rưới lang thang đang xì xụp món bún riêu với rượu đế bình dân một ngàn một xị.
- Đây là gánh bún riêu “ nhập cư “, - Trang nói:- Bởi vì chỉ có mấy người nhập cư tụi em mới ăn thứ này. Ông đừng sợ, coi vậy chớ họ hiền như cục bột. Em ăn ở đây quen rồi, chỗ khác mắc tiền mà không ngon.
ăn ngon lành, ông liều mạng lua thử một đũa. Bún chưa trôi xuống cổ họng đã chạy ngược trở ra. Thứ quỷ quái này mà gọi là món ăn sao, ông phát hoảng.
Trang ngó ông lo lắng:
- Ông không quen mấy món này hả? Mà cũng phải thôi..
Trang nói buồn buồn. Ông đành nín thở lua lia lịa. Vừa đặt tô bún riêu xuống, ông thở phào như phạm nhân vừa thi hành xong bản án. Lần đầu tiên trong đời ông nếm thứ hổ lốn khủng khiếp đến thế.
Ăn xong, cô hỏi ông:
- Xong rồi mình đi đâu hả ông?
-  Hay là ta đi dạo đi! – Ông Khả đề nghị.
Ông chở cô ra bờ sông hóng gió. Ngồi được một lúc ông móc thuốc ra hút và đưa cho cô mấy thỏi sôcôla, Trang lắc đầu, nói:
- Em chỉ thích kẹo bòn bon, loại đó chỉ tốn năm trăm mà ngậm cả ngày không hết. Mấy đứa cháu của em mê lắm. Lần nào vìa quê em cũng mua một bịch cho chúng nó mừng.
Từ “ vìa “ thốt ra ngọt như mật rót vô lỗ tai càng nghe càng thấy khoái. Ông Khả tranh thủ bắt chuyện:
- Sắp tới mùa mưa mùa trồng lúa, nông dân lại một phen vất vả đây.
Trang dòm ra con sông cạn kiệt rồi ngửa mặt nhìn trời, nói như than:
- Năm nay nắng hung quá! Nước sông bị nhiễm mặn, mùa màng thế nào cũng thất bát cho coi! Nghề mần ruộng cực khổ trăm bề không sợ chỉ sợ ông Trời làm mình làm mẩy.
- Mùa mưa em thường làm công việc gì?
- Làm lúa mướn. Có khi em theo anh Hai Tràm chèo ghe đi bắt ba khía. Ba khía thường rộ vào dịp tháng mười, chúng bò dọc theo hai bên bãi sình, trèo lên trên cây đước... Nói là đi bắt chớ thiệt ra là đi “ thu hoạch” bởi vì chúng  nhiều vô số kể, bắt không kịp. Thường thì người ta ưa những con ba khía vừa vừa nhưng bụng đầy trứng. Người bắt phải  đeo găng tay để khỏi bị kẹp. Ba khía bắt về đem về rửa sạch rồi bỏ vô khạp ướp muối hột là có cái ăn. Dầu vậy cũng không phải dễ, bỏ muối hơi ít thì ba khía bị hư, bỏ nhiều thì ba khía bị rụng càng, thịt bị đen, không ngon. Theo kinh nghiệm dân gian  cứ bỏ vô hột cơm nguội mà không chìm là vừa. Trời lạnh mà ăn cơm với ba khía thì ngon không chỗ chê.  Một con ba khía, em ăn hết ba chén cơm!
Nhắc tới quê là Trang cứ líu lo không biết mệt:
- Quê em có nhiều cá lắm, toàn là cá nước ngọt. – Đoạn cô ngửng mặt lên dòm ông Khả:- Ông có biết có nước ngọt có mấy loại hôn?.
Ông Khả lắc đầu bù trớt. Trang tròn mắt ngạc nhiên rồi giảng giải như cô giáo đang bài cho cậu học trò chậm hiểu:
- Có hai loại cá: cá trắng và cá đen. Quê em toàn là cá đen như lóc, rô, trê, sặc..Thường thì sau tết là mọi người nô nức rủ nhau đi tát đìa. Cá nhiều quá ăn không hết, phải phơi khô, làm mắm hoặc rộng trong ghe rồi chở lên vựa cá bán kiến tiền. Làm mắm dễ lắm chỉ việc xẻ thịt, ướp muối sau đó cho vô khạp, đợi tới ngày thì tẩm thính là xong. Dễ ợt hà! Quê của chị Hiếu mới có giống cá trắng. Mọi  năm cứ vào khoảng tháng mười một là cá linh từ biển Hồ bên Campuchia tràn vìa qua ngả Đồng Tháp, Tiền Giang..cá nhiều nên dễ bắt lắm, chỉ cần lấy chiếc mùng cũ với mấy thanh tre nẹp làm vó. Chừng vài phút kéo cần vó  lên là bắt không kịp. Cá linh sau khi làm sạch vảy, đem  kho với tương hột ăn kèm với rau sống đã luôn! Ăn không hết thì làm mắm, mắm cá linh giặm thêm tỏi ớt, bỏ thêm chút đường bột ngọt, kèm với dưa chuột nhưng phải là cơm nguội thì mới đúng cách. Nước mắm cá linh cũng ngon lắm, ông có nếm thử chưa?.
Sau đó ông đưa cô vô khách sạn. Cô không khóc, không buồn. Mắt nhắm chặt mà môi hé lên như cười. Ông Khả lấy làm lạ là cô thay đổi lẹ như vậy.
Trang nói:
- Bà Vân, vợ ông biểu em phải vui, thiệt vui thì mới sanh con khỏe mạnh, sáng láng, không có người mẹ nào muốn có đứa con xấu xí, tối dạ phải không, ông. – Sợ ông không tin, cô nói tiếp:- Em bỏ nỗi buồn vô bao và cột lại rồi. Chừng nào giao con xong, em mở nó ra buồn luôn thể.
Vân ơi là Vân! – Ông gào lên trong ý nghĩ. Tự nhiên ông cảm thấy thương Trang quá! Tình thương bản năng lấn át cả lý trí. Ông cúi xuống hôn cô. Lần đầu cô xây mặt sang một bên, nụ hôn trợt xuống cổ. Nhưng sau đó cô bình thản đón nhận…
Ông  về lúc gần nửa đêm. Vân đón ông ngay lối ra vô:
- Có được không anh?
Ông Khả im lặng, gật đầu rồi bước vô nhà vệ sinh. Bà Vân nói với theo, giọng
tràn trề niềm vui:
- Phải vậy chớ! Em đã nói cô bé đó rất dễ xiêu lòng mà!
Ông Khả đóng cửa buồng tắm. Bà Vân liền vớ chiếc áo của chồng treo trên mắc ngắm nghía một lúc rồi đưa lên mũi hửi hửi mấy cái. Mấy sợi tóc dài và mùi đàn bà lạ như sợi dây thòng lọng từ từ thít chặt  cổ làm nghẹt thở. Bà sẽ chết nếu ông Khả không từ trong bước ra. Vẻ mặt đau khổ vụt biến đi thay vào đó là gương mặt hài.
Vợ ông không giấu sự ngạc nhiên và khổ tâm khi thấy chồng gần như thay đổi từng ngày. Từ y phục cho đến cách nói năng. Trong những câu chuyện phiếm chồng bà thường hay nhắc đến người nghèo bằng sự thông cảm và thương xót. Trước đây hễ mở miệng ra là ông nói đến những dự án xa xôi đáng giá hàng trăm tỉ, về những vị giám đốc nhà máy này, công ty nọ, về vị chủ tịch ngân hàng,  về những ngôi biệt thự khang trang..
Hơn một tháng  cùng Trang rong ruổi, ông đã học rất nhiều, hiểu biết rất nhiều thậm chí còn nhiều hơn cả quãng đời bốn mươi năm tìm kiếm. Những ngôn từ mộc mạc, chân phương còn có ý nghĩ sâu xa hơn gấp vạn lần những bài diễn văn sáo rỗng, những văn bản chất đầy trong ổ cứng vi tính. Vô nghĩa. Vô hồn.
Có lúc ngồi buồn, ông thầm so sánh giữa Trang và Vân. Khoảng cách giữa hai người là trời cao và vực thẳm. Vân xuất thân từ từng lớp quý phái, thông minh có học thức. Từ cách trang điểm, phục sức đến từng lời ăn tiếng nói đều thể hiện phong thái lịch lãm có hiểu biết uyên thâm. Trang xuất thân từ từng lớp bần cùng không có nổi một miếng đất cắm dùi, học hành chẳng ra đâu, rờ đầu gối nói chân thật và chẳng hề biết tý gì phép tắc xã giao. Vân khôn khéo luôn  biết tận dụng mọi cơ hội để thu vén cho mình, cho chồng, ( cái ghế trưởng phòng của ông cũng có phần tác động của Vân, bởi ba Vân đã từng là cán bộ lãnh đạo thành phố ) chưa bao giờ Vân bỏ ra và cho ai  thứ gì mà không tính toán thiệt hơn. Sẵn sàng đánh đổi tất cả để đạt được mục đích và bất chấp mọi thủ đoạn nhiều lúc trở nên lạnh lùng, tàn nhẫn. Tình yêu của Vân đối với ông là sự chiếm hữu toàn phần, cô ấy muốn trói buộc ông vào sợi dây cương trách nhiệm, thứ hạnh phúc áp đặt…Trang sẵn lòng bố thí người ăn mày giả những đồng tiền nhàu nhò thấm đẫm mồ hôi, cô sống cam chịu, không hề biết oán giận ngay cả những người đã làm khổ mình. Cô hy sinh tất cả, kể cả hạnh phúc bản thân  vì người khác. Tâm hồn cô trong sáng không hề gợn những toan tính hơn thua, những rắp tâm  mờ ám. Cái ác không có chốn dung thân trong tâm tưởng.
Tiên trách kỷ hậu trách nhân, ông nào có hơn gì mà trách cứ vợ mình. Ông đã và đang là con người như vậy.
Vân luôn bị giày vò  giữa niềm vui và đau khổ. Nỗi ám ảnh khủng khiếp khiến Vân bị chứng mất ngủ và thường uống rượu trừ cơm. Từ khách sạn trở về, ông thấy vợ đang ngồi say sậc sừ trong phòng ăn, trước mặt  là chai XO đã vơi đi phân nửa:
- Đời vui quá! Anh hãy uống với em một ly!
Giận quá ông giằng lấy cái ly:
- Em trở thành kẻ nát rượu từ lúc nào vậy?
Vân cười điên dại, cầm cả chai tu ừng ực. Ông Khả giận dữ ném mạnh cái chai vô vách vỡ vụn rồi hậm hực bỏ ra phòng khách hút thuốc.  Khi đã phần nào tỉnh rượu,Vân khóc:
- Hãy tha thứ cho em. Em không thể nào chịu nổi cảnh  một ông tiến sĩ mà ngồi lể ốc ngay giữa chợ với đám người hạ tiện. Anh Khả đàng hoàng, chững chạc của em đâu mất rồi?
Ông giận tím người. Thì ra, Vân lúc nào cũng bám sát ông.
Hình bóng của Trang ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong tâm trí của ông. Hễ nhắm mắt lại  là cô có ngay bên cạnh, thậm chí trong giấc mơ ông cũng gặp lại cô. Ông nhớ như in từng điệu bộ, tướng đi, nụ cười lỏn lẻn, tiếng “ vìa “ như mật rót vào tai…Khi giựt mình tỉnh giấc thấy Vân đang nằm bên cạnh,  ông lặng lẽ thở dài. Ông không nhớ mình đã ghiền món bún riêu “ nhập cư “ từ lúc nào. Thứ ốc đắng chấm nước mắm quen rồi lại thấy ngon ngon.  Ông cảm thấy tiếc chưa được nếm món ba khía trộn với khế chua,  xoài tượng bào nhuyễn giặm thêm ít đường, bột ngọt... Và những bộ com lê, ca vát khiến ông cảm thấy khó chịu khi phải tròng lên mình.
- Nút áo của ông bị tuột rồi, để em đơm lại cho, - Trang nói.
Ông cúi xuống, nhìn thấy chiếc nút chỉ còn bám hờ vô sợi chỉ và thấy mắc cỡ cho sự cẩu thả của mình:
- Thôi, để chốc nữa về nhà chị Lài sẽ khâu lại.
- Em làm được mà. Ông không phải cởi áo ra đâu, cứ ngồi yên đó! - Trang thắc mắc:- Sao không phải tự tay vợ ông làm, hạnh phúc lớn nhứt của người vợ là được chăm lo cho chồng từng manh quần tấm áo, từng miếng ăn giấc ngủ.
Rồi Trang xỏ chỉ một cách thuần thục. Cô khoe có thể nhắm mắt xỏ kim trăm lần trúng cả trăm:
- Ông mà cục cựa là kim đâm trúng bụng ráng chịu nghen!
Trang bò mẹp người dưới nền nhà, đôi tay múa thoan thoát rồi đưa răng cắn chỉ:
- Xong rồi!
Tự nhiên ông cảm thấy buồn. Những việc nhỏ nhặt như vầy, Vân chẳng bao giờ động tay mà giao cho người ở làm.
- Cổ áo của ông dơ hầy! Trước khi cho vô máy giặt vợ ông không gụt trước à?
Trang càng hiện diện trong ông, khiến ông càng đau đớn. Ông thấy có lỗi với Vân, có lỗi với chính mình. Nhiều lần ông cố gạt hình ảnh của Trang ra khỏi ý nghĩ  nhưng chỉ thoáng chốc bóng dáng cô lại ùa về mãnh liệt hơn, dữ dội hơn cuốn phăng cả ký ức về người vợ đau khổ. Tâm hồn ông bị đóng đinh trên thập tự giá.
Ông bắt đầu không dám nhìn thẳng vào mắt vợ. Đêm nằm, mỗi người quay mặt về một hướng. Thậm chí những lúc ái ân với Vân  ông cũng nghĩ về Trang. Ông đã rất khó khăn và khổ tâm để xua bóng dáng của vợ ra khỏi tiềm thức để “ yêu “ Trang. Và giờ đây ông càng khổ đau gấp bội khi không thể nào sắp xếp tất cả trở về vị trí ban đầu….
…Sao ông ngồi thừ ra như vậy? Bộ nhớ vợ hả?
Ông Khả bừng tỉnh. Trang từ nhà tắm bước ra, đầu tóc ướt mem. Con hai mắt ướt rượt nhìn ông.
Trang nói:
- Ông cũng sốt ruột hung lắm phải hôn? Đứa con đó mà. Em cũng vậy. Bữa nọ đi chùa, em vái có bầu con trai sẽ cúng ông Địa nải chuối! – Đoạn Trang cười lỏn lẻn:- Kỳ quá hén! Cầu Trời, cầu Phật mà cúng ông Địa.
Cảm giác kỳ lạ trào dâng đến nghẹn thở. Ông nhìn Trang trân trân. Ánh mắt rừng rực như hai ngọn đuốc. Trang co mình lại trước sức nóng dữ dội. Nụ cười vụt tắt. Mấy ngón tay vụng về măn vạt áo.
Ông Khả chầm chậm hướng về phía Trang. Cô khẽ ngửng mặt lên cười sượng. Bất ngờ, ông ôm hôn cô  thắm thiết. Trang đón nhận một cách tự nhiên, không chống cự. Ông Khả đã hôn cô cả ngàn  lần rồi. Vậy mà suốt mấy năm yêu nhau, Thật chỉ hôn cô  có vài lần!
- Em..em! – Ông Khả nói trong hơi thở gấp gáp.
- Gì hở ông?
- Chẳng lẽ em không có cảm xúc gì sao?
Trang đỏ mặt  thú nhận:
- Hơi hơi!
Ông Khả buông cô ra. Trang nói:
- Sao mỗi lần hôn em, ông lại run như vậy?
- Bởi vì anh cũng là một con người chứ không phải là vật vô tri, vô giác!
Trang im re, mắt ngó qua cửa sổ. Ông Khả nói:
- Tại sao em cứ gọi anh bằng ông và xưng em? Nghe kỳ cục!
Trang cười cười:
- Em quen tật rồi ông đừng chấp nhứt làm gì. Dân quê như em nói năng lung tung không có trật tự nào ráo trọi.
Ông Khả lại hôn Trang. Trang nhắm mắt lại, cố nén hơi thở hổn hển. Ông hôn lên trán, mắt, mũi, má, môi, hôn không chừa một chỗ trống trên gương mặt. Sau đó, ông bế cô đặt nhẹ lên giường...Trang nằm yên như khúc gỗ, mắt vẫn nhắm chặt lại.  Hơi thở sặc mùi thuốc lá xộc vào mũi, cô có cảm giác hàng triệu triệu tế bào da thịt nở bừng lên. Ông Khả bị cuốn hút trong cơn đam mê thể xác. Trong phút giây không  kiềm nén nổi lòng mình, ông  thổn thức bên tai cô:
- Anh yêu em!
Trang mở choàng đôi mắt, nhìn ông Khả ngơ ngác như người mộng du, người cô run bắn lên.
- Anh yêu em!
- Em xin ông đừng nói với em những lời này. Tội lỗi lắm!
- Bản chất tình yêu không có tội. Đây là những lời chân thật xuất phát tự đáy lòng,  anh yêu em, yêu tha thiết! Trang ơi!
- Đừng ông!
Trang nói hụt hơi, mắt nhắm lại, hai giọt nước lăn tròn xuống gối, cô muốn đẩy ông Khả ra nhưng đành bất lực. Ông Khả ghì chặt người cô, nói bên tai những lời đắm đuối:
- Trang ơi, anh biết rằng em chưa sẵn sàng chấp nhận những điều anh vừa nói nhưng đó là sự thật. Anh yêu em!
Không để ông Khả nói dứt lời, Trang dùng hết sức đẩy ông Khả ra. Nhưng ông Khả đã không cho cô cục cựa...Trang mặc quần áo vô, ngồi  thõng chưn xuống đất. Hai người nói chuyện mà mặt xoay về mỗi hướng khác nhau:
- Xin ông đừng tiếp tục thốt ra những lời như vậy. Vợ ông mà nghe được chắc sẽ đau lòng lắm. Bà Vân luôn đặt niềm tin ở ông, cả em cũng tin. Xin ông đừng làm tan nát hạnh phúc mà bấy lâu hai người đã cất công vun vén, giữ gìn.
Ông Khả đi vòng quanh phòng rồi dừng lại trước cánh cửa sổ, mắt nhìn đăm đăm xuống bên dưới:
- Trước khi thổ lộ lòng mình, anh đã suy nghĩ thật nhiều, thật nhiều. Anh đã tự sỉ vả mình một cách thậm tệ, thậm chí anh còn có ý định không gặp mặt em nữa. Bởi vì mỗi lần nhìn thấy em là trái tim anh lại run lên đau đớn. Anh chỉ mong em hiểu, anh là một con người có bản năng, tình cảm chứ không phải là con vật. Em có biết không? Mỗi lần gặp em trở về, anh lại đau đáu nỗi giày vò ghê gớm, nhất là khi đối diện với ánh mắt của vợ mình. Cô ấy vẫn luôn tin tưởng vào anh bằng niềm tin mãnh liệt. Anh vô cùng đau khổ khi  đã phản bội lại lòng tốt, sự hy sinh cao cả của vợ mình. Anh phản bội cô ấy trong tư tưởng, trong mỗi cái nhìn. Khi ôm Vân trong vòng tay, là anh lại nghĩ đến em, mỗi khi nhìn cô ấy, anh lại nhớ đến em! Anh nhớ em quay quắt, nhớ đến phát điên lên...
Trang vẫn chưa hết bàng hoàng. Tâm trí cô bị rối loạn như sa vào đám rừng nguyên sinh chằng chịt không sao tìm được lối thoát. Cô thốt lên mê sảng:
- Ông đừng nói nữa, em van ông!
Nhưng ông Khả không chịu im lặng. Những điều ẩn giấu trong lòng cứ ào ạt tuôn ra như thủy triều cuồn cuộn:
- Trang ơi, anh yêu em! Anh yêu em! Anh yêu em và sẵn sàng hứng chịu mọi sự khinh bỉ  của Vân, sự trừng phạt búa rìu dư luận. Giọng ông Khả vút lên:- Em hãy hiểu cho anh. Anh là một con người! Con người theo nghĩa đúng của nó. Anh van em đừng bắt anh trở thành một con giống vô tri! Yêu em, có nghĩa là anh đã tự chuốc vào người bao nhiêu điều phiền muộn, những nỗi khổ tâm, ân hận giày vò anh đến kiệt sức. Nhưng anh sẽ đau khổ hơn gấp ngàn lần như thế nếu thôi yêu em. Anh đang chơi với lửa, đang đi trên sợi dây tử thần. Quả núi đạo lý, luân thường mỗi lúc càng đè nặng lên  tâm hồn lẫn thể xác. Và rất có thể anh sẽ chết dưới sức nặng khủng khiếp đó nhưng không vì thế mà anh không thể không yêu em. Trang ơi, yêu em, anh bất chấp tất cả,  điều quan trọng nhứt đối với anh là em có yêu anh không. Hãy trả lời anh. – Giọng ông Khả mê đắm.
- Không, không bao giờ! Ông đừng nói nữa! Mọi chuyện nên dừng lại tại đây, ông hãy về với vợ của mình.
- Em nói dối! Ánh mắt thiết tha chan chứa đã nói hộ tiếng nói của trái tim, rằng em cũng yêu anh! Tại sao em cứ đày đọa bản thân mình. Em hãy nói  yêu anh cũng như anh đã nói yêu em!
Trang không dám nhìn thẳng mà xoay mặt về nơi khác:
- Xin ông đừng làm em phải khó xử, đừng buộc em phải thốt ra những lời em không muốn. – Giọng cô rè đi:- Nếu ông hứa chấm dứt chuyện này, em sẽ coi như chưa từng xảy ra.
Ông Khả bỗng quỳ sụp xuống, hai tay bám lấy chưn cô:
- Trang ơi, hãy chấp nhận tình yêu của anh! Anh  không thể  sống thiếu em.
Trang ứa nước mắt, bịt chặt hai tai rồi chạy nhanh ra hành lang. Ông Khả không đuổi theo,  mà ngả vật xuống chiếc nệm mút, nét mặt lộ vẻ đau khổ.
Lần đầu tiên “ đi làm “ bằng chính chiếc xe của mình không có hạnh phúc nào bằng. Ngồi chễm chệ  trên chiếc yên bọc nệm, nhích nhẹ tay ga, chiếc xe từ từ lăn bánh. Tiếng động cơ êm ru như nhạc du dương bên tai tạo  cảm giác sướng lâng lâng như lướt trên mây! Thật tuyệt! Nhành reo lên khe khẽ, mặt hớn hở như vừa trúng số độc đắc. Thì ra tập đi xe là không khó, chỉ cần và thao tác đơn giản là có thể sử dụng dễ dàng. Vậy mà con Huệ cứ làm mình rối lên để rồi gây ra tai nạn. Con quỷ ấy nào có hơn ai cũng bày đặt dạy với bảo! Vừa rồi sau khi thanh toán tiền sửa xe, Nhành nheo mắt nhìn anh thợ lấm lem dầu mỡ, đề nghị anh ta tập cho mình chạy xe kèm theo lời hứa sẽ hậu tạ bằng gói “ ba số “. Huệ can:
- Chị để em dạy được rồi, mướn người ta phiền phức! 
Nhành nói:
- Thôi để tao yên. Tao không quen mấy ông giám đốc bịnh viện!
Huệ cười ghẹo:
- Chưa chi đã sợ! Đúng là thỏ đế! 
Anh thợ máy lấy giẻ chùi tay, nhìn Nhành đầy ngụ ý, cười toe:
- Tưởng gì, chuyện đó thì dễ thôi. Tôi xin tình nguyện hướng dẫn người đẹp miễn phí! Anh thợ chạy trước vài vòng, vừa hướng dẫn cặn kẽ, khi vô số phải giảm hết tay ga, lúc đầu chạy số một lấy trớn, rồi vô số hai, số ba, cuối cùng là số bốn, nhìn vô đèn báo là biết ngay. Đấy, thấy chưa? Chừng nào gặp đèn đỏ, hay phải dừng lại thì đạp tiếp một cái  về số không, bây giờ có rồ hết ga xe vẫn đứng yên. Khi thấy phía trước có chướng ngại vật  thì giảm tốc độ, chưn phải rà thắng, chưn trái đạp ngược trở về trả số. Như vầy! Như vầy! Hãy nhớ là đạp thắng thì không được nhích ga dễ gây cháy bố. Hiểu chưa người đẹp?
Nhành gật đầu, rồi hỏi:
- Ủa sao nhỏ em dặn chỉ đi số một thôi?
Anh thợ bật cười:
- Vậy là cổ bị khùng rồi! Đi số một xe cứ gầm lên nhức đầu lắm. Đi số càng lớn, xe chạy càng êm, nhưng phải đủ tốc độ cần thiết.
Nhành cốc lên đầu Huệ một cái:
- Nghe chưa? Ốc không mang nổi mình ốc mà còn bày đặt làm le!
Sau đó, anh ta trao tay lái cho Nhành còn mình thì ngồi phía sau, gặp những tình huống trên đường, anh ta đều chỉ dẫn rất chi tiết, nhờ vậy mà chỉ mất gần một tiếng đồng hồ Nhành đã sử dụng tương đối nhuần nhuyễn. Sau khi hậu tạ anh thợ sửa xe tốt bụng gói “ ba số “ Nhành chở Huệ đi lòng vòng. Huệ muốn cầm lái nhưng không dám lên tiếng vì bị cú ê mặt vừa rồi. Nhành biết nhưng giả bộ tảng lờ, bấm bụng cười thầm. Cuối cùng Huệ đánh liều nói:
- Cho em chạy một chút, ghiền quá! 
Nhành thấy thương thương, định nhường tay lái thì chuông điện thoại reo lên. Nghe xong, nhành nói:
-  Thôi, đợi lúc khác, bây giờ tao có chuyện phải đi!
Huệ tiu nghỉu, nói làu bàu:
- Ai gọi điện vào lúc này ác dữ vậy trời?
Nhành chở Huệ về nhà, tranh thủ giội vài ca nước rồi thay đồ đi luôn. Điểm hẹn là quán cà phê nằm lẫn lộn trong dãy quán nhậu. Khách là một người đàn bà đứng tuổi, ăn mặc đoan trang, phẩm hạnh nghiêm túc:
- Chào bà!
- Chào, có phải cô là cô Nhành?
Đây là lần đầu tiên Nhành tiếp khách là nữ nên cảm thấy lúng túng, khó mở đầu câu chuyện. Người đàn bà tỏ ra tinh ý, liền nhanh chóng đi vào câu chuyện:
- Tôi tên là Hồng,  chủ một cơ sở X, chuyên sản xuất các loại mỹ phẩm dành cho nam giới,  chắc cô đã từng nghe nói đến. ( Nhành gật đại, thật ra cô  mới nghe lần đầu ). Tất nhiên công việc của tôi là làm sao sản phẩm làm ra phải được tiêu thụ hết thì mới đảm bảo được lợi nhuận, trả lương công nhân và đầu tư sản xuất.
Đoạn bà ta ngừng nói, nhìn Nhành chờ đợi sự đồng tình. Nhành gật đầu, trong bụng cứ băn khoăn không hiểu bà ta nói ra chuyện này để làm gì trong khi công việc của cô hoàn toàn không dính dáng tới dầu thơm, keo xịt tóc, dầu gội đầu...Bà Hồng không để ý đến Nhành mà nói tiếp:
- Trước đây hàng của xí nghiệp bán rất chạy, bởi vì thương hiệu của tôi có uy tín, giá cả hợp lý. Công nhân tăng ca liên tục mà vẫn không đáp ứng nổi. Tiếc rằng bây giờ đã trở thành dĩ vãng. Hàng hóa chất đống trong kho cao như núi!
Bà Hồng buồn bã:
- Tôi cứ thắc mắc không hiểu tại sao những mối ruột bỗng nhứt loạt quay lưng, trong khi chúng tôi chẳng làm điều gì sai cả, hoa hồng chi cũng thỏa đáng. Sau khi tìm rõ căn nguyên tôi mới vỡ lẽ, thì ra họ bị mê hoặc bởi những cuộc nhậu!
Rốt cuộc, Nhành cũng hiểu ra vấn đề. Thời buổi bây giờ cứ phải “ chén chú chén anh “ trước đã rồi mới tính sau. Đó là rào cản đầu tiên mà bất kỳ vận động viên chạy vượt rào nào phải thử thách. Không vượt qua được coi như về chót!
Bà Hồng gật đầu xác nhận:
- Đúng vậy! Và là lý do tôi tìm đến cô. Tôi đã mời hơn  chục đại lý rải rác khắp thành phố đến dự tiệc. Lát nữa cô cố thuyết phục họ lấy hàng của cơ sở chúng tôi. Tôi mang ơn cô nhiều lắm!
Bà giám đốc tội nghiệp còn hứa hẹn:
- Nếu mọi chuyện diễn ra như ý muốn, tôi sẽ hợp đồng dài hạn với cô.