Chương 7

Gần mười giờ đêm mọi người mới lục tục kéo về. Hiếu là người đầu tiên bước vô, cô quẳng chiếc túi xách giả da, gieo người xuống nền gạch thở phì phò như  trâu già vừa cày xong thửa ruộng. Ngân rót cốc nước chưa kịp đưa cho Hiếu thì Trang sà tới đón lấy tu một hơi hết sạch:
- Chị Hiếu xích ra cho em nằm một chút. Chị Ngân làm ơn bật giùm cái quạt. Hôm nay sao mà mệt quá chừng, em cứ tưởng bị xỉu tại chỗ làm, vậy mà cũng mò được về tới nhà, hay thiệt! - Trang vừa nói vừa đưa tay đấm đấm lên khắp người.
Nhành và Huệ cùng xuất hiện ngay ngạch cửa. Huệ ngồi bệt ngay lối ra vô, Nhành lách người, ngồi xuống ngay chỗ cái quạt. Ngân bưng bình nước cùng mấy cái ly, mời mọi người và nói:
- Nghĩ ngơi cho khỏe rồi ăn cơm.
Hiếu chuyền cái ly rỗng cho Nhành rồi hỏi:
- Lúc chiều lên văn phòng sao rồi?
Nhành chưa kịp lên tiếng thì Huệ đã cướp lời:
- Thì nghỉ khỏe chớ sao! Thân ở đợ người ta đuổi lúc nào mà chẳng được!
Trang nghếch cổ lên dòm Nhành, chép miệng tiếc rẻ:
- Chị Nhành tay nghề giỏi, nghỉ, uổng quá. Chị bên cạnh,  em có người rủ rỉ đỡ buồn. Với lại em quen hơi rồi, không có chị em cứ như người ghiền thiếu thuốc!
- Quen hơi tao hay quen hơi thằng Thật, nói lại đi! – Đoạn cô thở khì một cái:- Uổng gì. Hơn hai chục người chớ đâu phải chỉ mình tao với con Huệ. Mà tao cũng chẳng thiết tha gì cái nghề mạt hạng này! Công việc thì nặng nề mà  tiền lương nhẹ hều  đã đành, người ta còn cư xử chẳng khác nào con chó!
Còn tệ hơn chó nữa là đàng khác. Hai con chó cắn lộn, con nào yếu thế hơn liền ngửng cổ lên tỏ ý chịu thua. Con thắng thế sẽ ngoe đuôi bỏ đi chớ không bao giờ tấn công đối phương sức yếu thế cô. Con người phải hại nhau đến chết mới thôi.
Nhành là người nóng nảy, miệng bằng tay, tay bằng miệng,  tánh tình  thẳng băng như ruột ngựa hễ thấy chuyện bất bình chẳng tha. Đây là lần thứ hai cô bị chủ đuổi việc vì mỗi tội cầm đầu gây rối.
- Cái nghề bán mồ hôi, mua nhục nhằn  này kiếm đâu mà không được. Nhưng  nếu được làm chung  một chỗ cho có chị có em dù sao vẫn tốt hơn. – Hiếu nói có ý trách.
Nhành im lặng một lúc rồi nói:
- Đâu phải tui không biết. Nhưng cách đối xử với công nhân của mụ Trần ai mà chịu nổi. Cả xí nghiệp ai cũng ghét mụ như kẻ thù. – Đoạn cô xây mặt dòm Hiếu, chớp chớp mắt mấy cái trêu chọc:-  Chỉ có chị Hiếu nhà mình là mê mết thôi!
Nhành cố tình uốn éo giọng cao giọng thấp như  nghệ sĩ cải lương. Khiêu khích. Nhưng Hiếu tỉnh bơ như chẳng có gì xảy ra:
- Sống phải biết nhịn nhục mới có thể đi đến thành công. Đàn bà con gái mà tính khí như nước sôi trên bếp thì chẳng làm được gì ráo!  Mày không chịu sửa đổi tánh nết thế nào cũng còn khổ dài dài cho coi!
Nhành triết lý:
- Sanh linh  từ khi bật tiếng khóc chào đời là đã gắn liền với đớn đau, khổ ải rồi. Kẻ giàu có nỗi khổ của kẻ giàu, người  nghèo có nỗi khổ của người nghèo. Tự làm khổ mình chưa đủ, con người còn tìm đủ mưu ma chước quỷ  gây đớn đau, bất hạnh cho đồng loại. Những đứa trẻ mang sẵn tâm hồn lãng mạn, chào đời bằng ánh mắt lạc quan, bằng nụ cười hết cỡ thì mấy bà mụ đỡ phải vỗ lên mông chúng mấy phát đau điếng đến chừng nào bật lên tiếng khóc mới thôi, phải cho chúng nếm mùi khổ đau trước khi thấy được ánh sáng mặt trời! Đau khổ luôn gắn liền với nhân sinh, đố ai  chạy trời cho khỏi nắng!  – Đoạn Nhành rên rỉ mấy câu không biết  lượm lặt ở đâu:- “ Vi gian nan/Làm người khó/ Làm con chó mới dễ!
Huệ chẳng màng để ý đến những lời khó hiểu của Nhành, cô giương cặp mắt buồn rầu, hỏi:
- Em với chị thất nghiệp rồi, chị biết chuyện nào chỉ em với.
Nhành đứng dậy hướng về nhà tắm, nói mà không quay mặt lại:
- Trời sanh voi sanh cỏ  lo gì mậy, để từ từ tao tính cho, nhưng tao thề sẽ không bao giờ quay lại với cái nghề khốn nạn này nữa – Từ trong nhà tắm Nhành nói bực dọc:- Đứa nào xài cái khăn của tao? Con Huệ!
Mọi người tắm rửa xong xuôi cũng đã gần mười một giờ đêm. Huệ than đau bụng không ăn cơm, lên gác ngủ trước. Hiếu bới cơm vô chén, nhìn theo lắc đầu:
- Nó rầu rĩ không ăn được chớ đau yếu gì, nếu là tao cũng nuốt không vô.
Nhành tỏ ra dửng dưng tuồng như là chuyện của người khác, ăn liền ba chén, cười nói vui vẻ như chẳng có chuyện gì xảy ra. Đặt chén xuống, Nhành vung vai nói:
- Cơm no rồi, bây giờ có bò cỡi  nữa thì sướng cuộc đời!
Trang cười sặc sụa bắn cả thức ăn. Ngân lật đật buông chén, chạy ra ngoài ôm bụng cười ngắc nghẻo suýt nữa sặc cơm lên mũi. Hiếu lườm một cái nhọn như lưỡi lê:
- Con nhỏ này trây trúa quá, tao nghe mà nổi hết da gà!
Nhành cười cười đôi chưn mày cong vòng, đôi mắt chớp chớp mấy cái nghịch
ngợm:
- Trong mấy chị em tụi mình có ai thấy được cái vật dính tòn ten của bọn đàn ông chưa ha? Tui đã từng thấy của thằng cháu trai ba tuổi, nó be bé như trái ớt hiểm!
Lần này thì Hiếu không thể nào nhịn được nữa, cười đến lộn ruột. Trang và Ngân đấm lưng nhau thùi thụi. Nhành lấy gối nằm xuống chỗ trống:
- Thôi không giỡn nữa, đến giờ đi ngủ rồi. Lạy trời đêm nay cho con gặp được giấc mơ đẹp để có cớ mà yêu, mà bám víu vô  cái cuộc sống đáng lộn mửa này.
 
Trang phụ Ngân thu xếp chén dĩa xuống bếp rồi đánh răng đi ngủ. Ngân rửa chén xong, thì Nhành đã ngủ. Chỉ còn Hiếu với cuốn sổ ghi chép thu chi trong tháng. Hiếu cộng đi cộng lại, lầm rầm trong miệng như niệm thần chú,  rồi ngớ người ra:
- Ủa, mất đâu hết hai chục ngàn rồi ta?
Rồi cộng lại, kết quả cũng y chang như  mới rồi. Ngân giựt lấy cuốn sổ. Tính toán chớp nhoáng  rồi reo lên:
- Đâu có mất đi đâu. Tại chị không “ nhớ hai” nên mới lộn như vầy!
Hiếu đưa tay vỗ vỗ trán bộp bộp mấy cái rồi  gật đầu thú nhận:
- Đầu óc của tao dạo này như con dao bị cùn mài giũa cách mấy cũng không bén lên được. Già rồi! – Đoạn Hiếu nhìn Ngân hỏi:-  Bữa nay xin việc sao rồi?
Ngân chép miệng, lắc đầu rồi từ từ kể lại câu chuyện. Nghe xong, Hiếu chửi:
- Đúng là quân chó má! Tao nói rồi ở thành phố này cứ mỗi thước vuông là có bốn thằng lừa đảo, mày phải cảnh giác tối đa mới được.
Hai người còn ngồi nói chuyện đến gần nửa đêm. Hiếu ngáp một cái tưởng chừng trẹo cả quay hàm. Ngân lên gác. Hiếu tắt đèn đi ngủ. Trang đã ngủ mê man từ lúc nào. Ngân không thấy Huệ đâu, ngó ra ban công thì thấy cô đang ngồi thẫn thờ, đầu tựa vô lan can, mái tóc rủ xuống. Ngoài trời gió thổi rao rao. Những giọt sương rớt lộp độp  trên hàng ba. Đàn muỗi đói từ trong bóng tối lao ra như  ai cầm cả thúng trấu mà hắt. Biết Huệ buồn phiền vì công việc, Ngân muốn lựa lời an ủi nhưng chẳng biết bắt đầu từ đâu mà bản thân cô thì có hơn gì. Rốt cuộc, cô đành im lặng, kéo mền che kín ngực,  cố dỗ dành giấc ngủ.
Huệ cứ thế ngồi cho tới ba giờ sáng. Mặc cho bầy muỗi đói xâu xé da thịt. Vài con no cành,  bay không nổi rớt xuống sàn gác gỗ, Huệ lấy chưn ấn ấn. Nát bét. Những ý nghĩ miên man cứ bám dai dẳng trong đầu không dứt. Cô nhớ về quê cô miền đất nghèo nàn, đồng ruộng  quanh năm nhiễm phèn đóng bợn móng chưn,  chỉ có con người và cỏ dại là tồn tại. Cỏ dại không cần vun phân, tưới nước vẫn có thể sống thậm chí trổ bông. Nhưng con người không phải là cây cỏ, chỉ cần không khí, ánh sáng mặt trời là có thể sống được, mà cần những thứ rất thật: cần cơm,  cần áo, cần một mái nhà và nhiều thứ khác kể cả tình thương đồng loại. Huệ lớn lên mà không biết mặt ba má mình đẹp xấu như thế nào. Bà Nội nói,  cha mẹ cô chẳng may đột ngột qua đời vì một tai nạn giao thông khi cô chưa tròn hai tuổi trong một trường hợp rất hi hữu: chiếc xe hàng chở cây vì tránh một con bò mà đâm sầm vào cha mẹ cô. Con bò đó may mắn tiếp tục cuộc sống thú vật, còn hai con người bất hạnh thì bị nghiền nát như món thịt băm viên.  Cô cứ bị ám ảnh hoài bởi ký ức đau buồn đến tận cùng  phi lý, muốn tìm gặp gã lái xe để hỏi cho ra lẽ,  tại sao gã lại quý sự sống con vật hơn hai mạng con người? Nhưng cô chẳng bao giờ có dịp tìm lại được gã, nghe đồn gã đã chết trong một tai nạn khác. Huệ lớn lên trong thiếu thốn tình thương và cơm gạo. Tuổi thơ của Huệ gắn liền với những cơn đói vàng mắt, những cái lạnh tím tái thịt da. Suốt những năm cấp một, cô đến trường bằng đôi chưn trần, áo quần rách ten ben, đến nỗi lũ bạn bè cùng lớp luôn miệng ghẹo cô là cô bé Lọ Lem! Chuyện cổ tích nàng Lọ Lem dù sao cũng kết thúc có hậu, cô trở nên lộng lẫy, xinh đẹp, lấy được hoàng tử ngôi ngô tuấn tú. Còn Huệ như một côn trùng nhỏ nhoi bị bọc trong chiếc kén nghèo đói, cô đơn  không bao giờ thoát ra được! Học chưa hết cấp hai Huệ bỏ làng ra đi, dấn thân vào cuộc mưu sinh đầy trắc trở để lại quê nhà bà Nội già lọm khọm, đôi mắt mờ đụt và tiếng nói lào phào trong cổ họng chẳng ra hơi.
- Con lên thành phố kiếm tiền, con sẽ giàu, thiệt  giàu cho Nội coi!
Bà nội lần tay trong bóng đêm dày đặc vuốt mái tóc đen bóng đứa cháu duy nhứt. Vừa nói, vừa khóc:
- Nội già cả rồi  không lo được cho con. Con  đi, Nội không cản, nhưng con phải hứa với Nội là phải luôn giữ mình trong sạch, có đói thì cạp đất mà sống, áo quần rách rưới lấy lá chuối mà che thân chớ không được làm điều trái đạo, con hãy đốt nhang thề trước vong linh người đã khuất, Nội mới yên tâm.
Huệ đốt nhang mà mắt nhòe nước. Bà nội tiễn cô ra bến xe. Một già, một trẻ ôm nhau khóc  muồi mẫn như mưa ngâu tháng Bảy.
Lên thành phố khi mới vừa mười sáu tuổi, không thể tìm được việc làm ở các công ty, xí nghiệp, Huệ đành cam phận tiếp viên quán cà phê đèn mờ. Cùng làm với cô còn có ba người nữa đều xuất thân khốn khó, chênh lệch nhau vài tuổi. Bà chủ quán mập mạp, mặt lúc nào cũng trác một lớp phấn dày, dầu thơm sực nức sau làn áo mỏng dính như cánh chuồn chuồn, đôi mắt xoi mói như nhìn thấu ruột gan người khác. Hôm đầu tiên đến nhận việc, bà ta nhìn cô một bằng cái nhìn của tay lái heo chuyên nghiệp,  rồi cong cớn cặp môi dày:
- Ăn mặc như vầy chó nó cũng chẳng thèm coi! Bộ mày muốn đuổi hết khách ở quán tao hay sao vậy? Lấy bộ này thay đi, con nhà quê!
Mụ liệng cho Huệ chiếc váy bông cụt quá gối, chiếc  áo thun sát cánh ngắn ngủn, rộng cổ, hở ngực, hở rún. Huệ không dám bận. Mụ sa sầm mặt rồi sai người đè nghiến cô xuống tròng bộ cánh mới lên mình:
- Con nhà quê này vú bự, eo thon, chưn dài,  đích thị là người mẫu. – Đoạn mụ xuýt xoa:- Tao mà đẹp như mày, tao cởi truồng nhong nhong ngoài đường để bọn đàn ông thèm chảy nước miếng chơi!
Quán “ Chân Quê” từ ngày có mấy con nhà quê chộn rộn  trông thấy. Khách đến thưởng thức giọt đắng thì ít mà chủ yếu muốn khám phá những bí ẩn nấp sau làn váy mỏng tang của các cô gái trẻ trung,  xinh đẹp, có cái miệng hay cười, con mắt ướt rượt thì nhiều.  Mặc dù tuổi đời còn ít nhưng cô ý thức rất rõ mối hiểm nguy đang rình rập bên mình, cô từ chối nhận tiền boa  và phản ứng rất gay gắt trước những cử chỉ suồng sã của khách. Vì chuyện  này mà quán  mất đi vài mối sộp. Tức mình  mụ nói gân cổ,  bằng lời lẽ cao kỳ:
- Làm thân con gái có nhan sắc ví như có một mỏ vàng bốn con chín! Cho chúng táy máy một chút chẳng mất gì lại có tiền xênh xang. Sao mày ngu vậy? Thằng nào rờ tao, tao cho tiền lại ấy chớ.
Huệ nhìn thẳng vào gương mặt vô cảm của mụ, nói bằng giọng quyết liệt:
- Nếu bà còn tiếp tục thốt ra những lời như  vầy, tui sẽ rời khỏi nơi đây ngay lập tức!
Dùng lời lẽ dao to búa lớn không xong, mụ đành xuống nước:
- Tao nói giỡn chơi thôi, làm gì dữ vậy? Ai có thân người ấy lo. Mai mốt chết vì bịnh tiếc đừng đổ thừa là bà chị này thiếu quan tâm tới em út!
Ba cô cùng quán với Huệ thì không như vậy, họ không đủ bản lãnh và kinh nghiệm để chống chọi lại tiếng sột soạt của những tờ giấy bạc. Ban đầu là Phương,  cô gái xuất thân từ Vĩnh Long rồi đến Nga ở Đồng Tháp và người cuối cùng là Hạnh quê ở Đồng Nai, tất cả lần lượt bị nhấn chìm xuống vũng bùn tội lỗi. Đến nước này Huệ thật sự sợ hãi. Thế là vào một đêm mưa rơi tầm tã cô lặng lẽ cuốn hết tư trang rời khỏi nơi ô trọc đó.
Huệ đi học may công nghiệp, rồi nhờ một người bạn đủ tuổi làm giúp lý lịch và xin vô làm việc tại Khu chế xuất. Công việc nhọc nhằn, lương ít nhưng cô cảm thấy vui và thanh thản trong lòng, không phải sống trong tâm trạng nơm nớp như trước kia. Cô đang dành dụm tiền để gởi về quê, không ngờ  chuyện không hay lại xảy ra. Huệ bỗng nhớ tới Hoạt, người yêu cô, nếu biết chuyện này ảnh chẳng vui sướng gì.
Mặc dù không đi làm nhưng Nhành vẫn giữ thói quen dậy sớm. Cô tắm rửa, giặt giũ,  rồi đem tất cả lên phơi phóng ngoài ban công. Lúc này Ngân đã dậy từ lúc nào đang coi kiếng chải đầu. Nhành xách quần áo đi ngang chỗ Huệ đang nằm. Nước nhểu giọt xuống mặt làm Huệ  tỉnh giấc, cô khẽ cựa mình rồi mở mắt ra rồi cằn nhằn:
- Mới vừa chợp mắt. Để  em ngủ mà chị Nhành, sao phá em hoài vậy?.
Nhành cười:
- Dậy đi đồ quỷ. Bộ tính ngủ trừ cơm hả? Dậy kiếm thứ gì nhét vô  bao tử rồi kiếm chuyện gì đó động đậy tay chưn để hoàn thành phận sự làm người trong một ngày. Dậy đi!
Nhành móc hai bộ đồ treo lên thanh sắt bắc ngang  tòn ten dưới mái nhà rồi xoay người vô phía trong nói với Ngân:
- Lấy cho tao bộ đồ trong tủ.
Ngân mở tủ, hỏi:
- Chị lấy bộ nào?
- Bộ đồ đàn ông treo trên cái móc màu xanh đó, thấy chưa?
- Thấy rồi – Ngân đáp và lấy  làm lạ:- Ủa trong nhà toàn là phụ nữ sao lại có đồ đàn ông ở đây?
Ngân lôi ra ngắm nghía: một chiếc áo sơ mi dài tay màu mận chín, lồng bên trong là chiếc quần Âu màu đen bóng được ủi có ly, bên trên cùng mắc sẵn một cái quần lót màu xám chì. Tất cả còn rất mới. Ngân không dấu vẻ ngạc nhiên:
- Nhà mình có đàn ông sao không ai nói cho em biết?
Huệ xoay người nằm ngửa, miệng cười cắm cắt:
- Bà Ngân này sao thiệt thà quá, không biết! Có vậy mà cũng không hiểu!
Nói xong Huệ lồm cồm ngồi dậy, đôi mắt sưng húp vì thiếu ngủ. Giải thích:
- Trong nhà toàn là đàn bà con gái phải treo thứ này để xí gạt mấy con dê xồm thích ăn bông so đũa! Coi vậy, mà có hiệu quả ghê lắm. Từ ngày treo bộ đồ này lên chẳng có con ma nào dám léo hánh. Chẳng bù trước kia mỗi khi tan ca, về nhà là y như rằng có mấy cái đuôi bíu theo tò tò, bực mình chịu không nổi.
Ngân gật gù, vỗ tay bộp bộp:
- Hay thiệt đó. Có thể coi đây là một phát minh sánh ngang với thuyết tương đối hẹp của nhà vật lý học vĩ đại Anhxtanh!
Huệ thu xếp mùng mền vô một góc rồi đi đánh răng, rửa mặt. Chừng mười phút sau, cả ba ngồi chòm nhom dưới nhà, ăn bánh mỳ chấm đường. Bên cạnh là ấm trà lợt nhớt. Nhành kết thúc miếng bánh cuối cùng vô miệng rồi đưa hai tay đập đập vào nhau:
- Tao tính vầy, mỗi đứa đi một hướng tìm việc làm, nếu có được thông tin gì mới thì phải báo ngay, còn không thì ai lo phận nấy. Ai về sớm thì đi chợ nấu cơm, bơm nước. Mấy bữa rày nước chảy yếu xìu phải thường xuyên thăm chừng mới mong  có đủ nước xài. Tao sắp bị “ bật đèn đỏ “ không có nước thì chết sướng hơn,  tất cả nghe rõ chưa?
Huệ hỏi nhát gừng:
- Chị định đi đâu? Kiếm công việc gì?
- Mày hỏi tao tao biết hỏi ai? – Nhành trừng mắt nói lớn:- Có lẽ nên kiếm mấy đứa bạn cũ, may ra buồn ngủ gặp được  chiếu manh.
Huệ gật đầu cho là ý hay. Ngân băn khoăn. Hai bàn tay cứ ngọ ngoạy. Lo lắng hiển hiện trên gương mặt. Nhành nói:
- Mày mua tờ “ Lao Động “. Ở trỏng thường xuyên có mục rao vặt tuyển người. Rút bài học lần trước đừng lờ ngờ tới mấy Trung tâm mà tiền mất tật mang.
Xong xuôi, ba cô gái dắt ba chiếc xe đạp đi tà tà ra khỏi con hẻm. Từ chỗ ở của mấy chị em ra đến lộ chính phải qua bốn cua hẻm ngoằn ngoèo. Mấy gã thanh niên đang ngồi chật nứt trong quán cà phê thấp tè gần chợ, thò đầu ra nói đuổi theo:
- Mấy em ơi, đi đâu vậy? Cho tụi anh quá giang nghen!
- Em gì cao cao đó ơi! Cặp ngực của em làm anh tăng xông máu!
- Em ơi em, anh thề đã yêu em ngay lần đầu tiên gặp gỡ, thằng nào nói láo chó dại cắn nó!
Nhành cúi mặt. Bấm tay ra hiệu cho mọi người dắt xe đi thẳng. Ra tới lộ chính cô nói:
- Bọn họ rặt một  lũ vô công rỗi nghề cả ngày chỉ biết đàn đúm, nhậu nhẹt rồi chọc ghẹo đàn bà con gái. Tao thà đói tình tới chết cũng không dính vô đám đầu bừa, răng bựa đó, hai đứa  tụi bây cũng phải lưu ý tránh xa!
Huệ trề môi, nói:
- Mấy thằng cha vô tích sự đó có cho xách dép em còn không chịu nữa là. Phải cỡ như anh Hoạt của em..
Nhành cự nự:
- Mày lúc nào cũng “ anh Hoạt!“, “ anh Hoạt! “. Đói tới nơi rồi còn không lo!
Huệ cụt hứng. Ba cô lên xe. Ngân bên mặt. Còn Nhành và Huệ đi về bên trái. Đi đến ngã tư Nhành vẫy tay chào Huệ rồi mỗi người tách ra mỗi hướng khác nhau. Đi được một đoạn Nhành bỗng thấy Huệ hơ hải rượt theo:
- Chị Nhành đưa em vài ngàn dằn túi, lỡ đụng bánh tráng còn có tiền đền!
Nhành chép miệng thò tay vô túi áo lôi ra cọc tiền được giấu sau mấy lớp ny lon. Mới đầu Nhành tính đưa năm chục nhưng bỗng đổi ý đưa tờ mười ngàn:
- Đưa nhiều mày xài nhiều,  bây nhiêu đủ rồi!
Huệ cầm tiền đút vô túi áo. Cằn nhằn:
- Tiền  em gởi mà chị làm như của bố thí không bằng! 
Xong xuôi cả hai hối hả hòa vào dòng người rộn rịp trong buổi sớm mai.