ĐÊM NAY TRỜI ĐỔ MƯA SAO

 - Nội có chắc đêm nay sẽ có mưa sao?
- Có, nhất định là có. Cháu tranh thủ chợp mắt một chốc, khi nào bắt đầu mưa, ông lay dậy.
- Thôi, ông ạ, cháu sợ ông quyên khuấy đi mất. Ông, dạo này hay quên lắm. Ông nhớ không, chiếc cào cỏ ông để quên ngoài ruộng mà cứ khăng khăng đã đem về, báo hại, mọi người tìm muốn chết. Với lại nôn quá, cháu không ngủ được.
- Trẻ con là phải ngủ đẫy  giấc, nếu không, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, không chóng lớn. Nghe lời, ông thương.
- Cháu không muốn làm người lớn. Làm con nít sướng hơn.
- Làm con nít mãi cha mẹ  lấy đâu cơm gạo để nuôi. Phải lớn nhanh để còn lấy vợ, sinh con, đền đáp ơn nghĩa sinh thành nữa chứ.
- Cháu không lấy vợ, cháu chỉ thích ở với cha mẹ, với ông thôi.
- Cháu nghĩ như thế là không đúng đâu. Giả sử, cha mẹ cháu không gặp nhau thì làm sao có cháu bây giờ.
- Ừ  nhỉ, nhưng mà, cháu không ngủ được, ông cố ép cũng vậy thôi. Cháu hỏi ông một câu nhé, hồi còn bé, lần đầu được xem mưa sao, ông có ngủ được không?
- À, ông cũng không chợp mắt được. Đứa trẻ nào mà chẳng thích ngắm mưa sao.
- Đấy, cháu cũng như ông đó thôi. Bây giờ ông lại bắt cháu phải ngủ. Như vậy là không công bằng.
- Ừ thì, ông là có bổn phận phải nhắc cháu cầm chừng. Không ngủ thì thức. Tiện tay cháu lấy cho ông cái gối.
- Tại sao  xương người già cứng thế hả, ông?
- Cháu nghĩ thế à?
- Vâng, cháu gác lên chân ông chẳng thấy êm chút nào cả. Chân mẹ mới êm.
- Già rồi thì xương phải rắn cháu ạ. Cháu có thấy đói không, trong bếp còn vài củ khoai nướng.
- Thôi, ông ạ, tự nhiên cháu thấy no ngang, chẳng muốn ăn thứ gì cả.
- Tại nôn xem mưa sao đó mà. Hồi nhỏ ông cũng vậy.
- Ông đã xem mưa sao bao nhiêu lần rồi?
- Tính luôn lần này là hai. Này cháu nằm không ê đầu lắm. Nằm chung gối với ông nhé. Đây là chiếc gối đôi, đầu cháu lại nhỏ, đủ cho cả hai.
- Chỉ có hai lần  thôi ư? Sao ít thế? Ông xít vào một chút. Đủ rồi. Chà, hôm nay nhiều sao quá, ông nhỉ. Ông ơi, chòm sao bảy chiếc nằm chéo góc với nhà mình gọi là sao gì, cháu nom nó như hình chiếc bánh lái thuyền cha cháu vẫn thường đi đánh cá.
- Cháu cũng tinh ý nhỉ. Đấy, cũng gọi sao Bắc đẩu hay sao Đẩu, gồm chòm sao bảy chiếc  ở hướng bắc mọc thành hình bánh lái thuyền, nên còn gọi là sao bánh lái. Cháu xem kia, phần nhỏ chòm sao gọi tiểu hùng, phần lớn gọi đại hùng, những người đi biển thường lấy nó mà gióng hướng để khỏi bị lạc đó cháu.
- Hay nhỉ. Ông chưa trả lời câu hỏi của cháu lúc nãy.
- À, như thế ông thậm chí là người may mắn nhất đấy. Có nhiều người cả đời chưa từng được ngắm mưa sao bao giờ. Phải là người có cơ duyên mới nhìn thấy đấy, cháu à.
- Ồ, như thế, cháu cũng gặp may đấy, ông nhỉ.
- Đúng thế. Ồ muỗi ở đâu lắm thế. Cháu xem nhang đuổi muỗi  còn cháy không?
- Còn, nhưng mà sắp tàn rồi, để cháu đốt thêm, ông nhá. Cháu cứ thắc mắc mãi, sau cơn mưa thì trên bầu trời làm gì còn sao nữa chứ để mọi người ngắm?
- Sao cũng như con người cứ luân hồi mãi mãi trong vòng xoay vũ trụ.
- Ông nói khó hiểu quá. Giảng giải kỷ cho cháu nghe với.
- Hừm…đại loại là như thế này. Cháu đang còn là con nít, sau đó cháu trưởng thành, sau trưởng thành là trung niên, rồi già, rồi chết. Sao trời cũng thế. Nhưng tuổi thọ của sao rất dài những hơn bảy mươi năm quá một đời người.
- À, cháu hiểu rồi, năm nay ông bảy mươi chín tuổi. Vậy ông nhìn thấy sao rơi bằng tuổi cháu bây giờ.
- Cháu đã hiểu ra vấn đề rồi đấy.
- Mưa sao là thế nào hả, ông?
- Chốc nữa  cháu sẽ tạn mắt nhìn thấy thôi, nôn nóng làm gì.
- Nhưng mà, cháu vẫn cứ nôn nôn là..Tính cháu là vậy, ông biết rồi còn gì.
- Sao trời thật ra là trái trên cây vũ trụ đến khi chín rục khắc sẽ rơi xuống. Người ta gọi đó là mưa sao.
- Hay nhỉ! Sao mà giống như trái cây ư? Cháu mới nghe lần đầu đấy. Nhưng cháu chẳng thấy thân cây đâu cả.
- Cây vũ trụ vô hình, rễ đâm sâu dưới lòng đất, cành nhánh vươn thẳng lên trời cao. Ông cháu ta đang nằm trên rễ cây vũ trụ đó, cháu.
- Ồ, thật là kỳ diệu! Sao cháu chẳng thấy cảm giác gì cả?
- Làm sao chúng ta có thể cảm nhận được huyền bí của vũ trụ. Ông cũng không thể giải thích tận tường được, bởi ông cũng chỉ biết có thế. Cháu buồn ngủ rồi đấy, nói chuyện với ông mà cứ ngáp vặt mải.
- Không đâu, cháu vẫn vậy mà. Ngủ đẫy mắt vẫn cứ ngáp như thường. Chẳng phải ông đã từng trêu cháu về tật xấu này đó sao?
- Ừ, thỉnh thoảng, ông cũng thế. Chúng ta nói đến đâu rồi nhỉ?
- Ông lẩm cẩm thật rồi. Huyền bí gì đó mà.
- Cha mày, dám bảo ông lẩm cẩm à. Thằng cha mày còn không dám nói ông như thế. Hừm..Cháu phải hiểu rằng vũ trụ tạo nên vạn vật, trong đó có con người. Chúng ta dù sao cũng chỉ là những sinh linh nhỏ bé làm sao hiểu hết mầu nhiệm của vũ trụ. Tốt nhất không nên tìm hiểu những chuyện này thêm mệt óc, thay vào đó cháu nên chú tâm học hành để có cái chữ kiếm cơm.
- Thì cháu vẫn cắp sách đến trường mỗi ngày đấy thôi. Làm sao chúng ta biết mưa sao sẽ bắt đầu hả, ông?
- Biết chứ! Nom như những lúc sắp có mưa, bầu trời kéo mây đen vần vũ, có khi cả tuần liền không có nắng.
- Nhưng, những tháng mùa mưa thường xảy ra hiện tượng đó, làm sao ta phân biệt được hở, ông?
- Những ngôi sao sẽ sáng rực hơn mọi khi rất nhiều lần. Cháu thấy đấy đã gần nửa đêm mà bầu trời sáng trưng như ban ngày, chúng ta có thể đọc sách mà không cần dùng đèn.
- Cháu biết, nhưng tại sao có chuyện lạ như thế, hở ông?
- Tại vì những trái cây ấy đã chín muồi, chúng sắp rụng.
- Hay nhỉ! Bây giờ cháu hiểu rồi.
- Ông à, tại sao người ta giăng  màn khắp nơi để làm gì?
- Để hứng sao. Chuyện đơn giản thế mà cháu cũng hỏi ư, chẳng thèm động não chút nào cả.
- Cháu cứ thắc mắc, sao là trái của vũ trụ. Trái chín có thể ăn được không?
- Không, người ta hứng sao đem về thắp sáng hoặc đun nấu thay củi lửa. Ánh sáng phát ra rất nóng và kéo dài trong nhiều ngày. Có khi cả mùa đông không cần đến que củi.
-  Nó nóng như thế làm sao mình chịu nổi, không cháy thành tro ấy à..
- Có một điều rất lạ. Khi vừa rơi xuống, sao trời không nóng như ta tưởng, trái lại nó mắt lạnh như mưa đá ấy. Phải vài giờ sau nó bắt đầu tăng nhiệt độ dần lên.
- Thật tuyệt diệu! Vũ trụ tốt thật, ông nhỉ.
- Tất nhiên, cháu nhìn xem, bầu trời bắt đầu rung chuyển rồi đấy. Sắp xảy ra mưa, mưa sao.
Bầu trời bỗng vặn mình răng rắc như cơn động đất. Tiếp theo là cơn mưa xối xả. Mưa sao. Phút chốc cả mặt đất bỗng sáng bừng lên bởi vô số ánh sao rơi. Trong lúc ông nó đang đánh vật với mấy bức màn, nó lao nhanh ra phía trước, nhặt lấy ngôi sao rơi  từ  dòng sông Ngân cho vào mồm nhai ngấu nghiến. Vị lạnh tê đầu lưỡi. Nó reo lên thích thú..
 

Truyện Tập Truyện Ngắn của Khúc Thụy Du THỜI HIỆN ĐẠI CHÂN LÝ HỢP ĐỒNG SÁT NHÂN CÔNG TY MUA, BÁN, KÝ GỬI THỜI GIAN HỒN VÀ XÁC RƯỢT ĐUỔI THƯỢNG ĐẾ NGÔN NGỮ LẠ ĐẠI BÀNG LỬA THẾ GIỚI NGƯỢC SÁNG TẠO Đã xem 271777 lần. --!!tach_noi_dung!!--


ĐI CHƠI CẦU VỒNG

--!!tach_noi_dung!!--
Cha còn cắt cỏ trên trời..
Mẹ còn cưởi ngựa đi chơi cầu vồng
( Ca dao )
Khi tôi dắt con bạch mã Mùa Xuân ra đến khu đất trống dưới chân cầu vồng, thì mọi người đã tề tựu đông đủ cả rồi. Mẹ tôi mặc áo tứ thân bằng vải lụa, thắt lưng màu xanh da trời. Mái tóc đen nhánh vấn lại trong chiếc khăn vuông có thêu hoa văn sặc sỡ, gương mặt trái xoan phơn phớt chút phấn hồng nom mẹ trẻ hơn chục tuổi. Chả thế, cha tôi thường bảo mẹ đẹp nhất là lúc đi chơi cầu vồng. Mẹ đẹp thật, đẹp nhất trong đám đông phụ nữ. Cha tôi bận cắt cỏ cho đàn bê không không đến dự được. Ông tỏ vẻ tiếc rẻ. Mẹ tỏ vẻ nôn nóng, nên vừa thấy tôi, mẹ đã lăng xăng:
- Sao muộn vậy con? Mọi người đã sẵn sàng.
Tôi nói:
- Cũng tại con ngựa này đấy, mẹ ạ. Tối qua nó bỏ cỏ, con phải cho nó ăn. Rồi thì phải làm điệu cho nó nữa chứ. Đi chơi cầu vồng mà. Mẹ nhìn xem, chiếc yên da này có đẹp không. Chiếc yên treo trong xó đầy bụi bặm, con phải mất nhiều thời gian chà rửa. Mẹ nhìn này, nom như mới ấy.
Mẹ gật đầu khen tôi ngoan, đoạn đưa tay đập đập lên lưng ngựa. Con Mùa Xuân cũng tỏ ra sốt ruột, nó liên tục cào bốn vó xuống nền đất ẩm rồi ngửa cổ hí một tràng dài. Con bạch mã thuần chủng giống Tây Tạng được sinh ra vào những ngày giáp Tết, cha tôi đặt tên nó là Mùa Xuân để ghi nhớ một kỷ niệm khó phai.
- Con cho nó ăn gì?
- Thóc, - tôi đáp:- Những dịp vui vẻ như thế này cũng nên cho nó sướng thân một chút, mẹ nhỉ. Nó xơi cả hai đấu thóc mà vẫn thòm thèm. Con không cho nó uống nước sông mà lấy nước mưa chứa trong vại đấy – Đoạn tôi, đưa tay vuốt bộ lông trắng mịn của nó:- Mày sướng nhá! Chốc nữa không về nhất, tao sẽ bỏ đói mày. – Nói xong tôi cười vang.
Người và ngựa đứng xếp thành hàng ngang kéo dài đến tận con mương dẫn nước. Những ngọn gió trên thảo nguyên bát ngát thổi ào ạt mang theo hơi thở mùa màng, lời ca nồng nàn, say đắm của thiên nhiên, của hoa cỏ đâm chồi nẩy lộc. Tôi hít một hơi thật sâu, căng phồng buồng phổi rồi từ từ thở ra. Thời tiết thật tuyệt cho cuộc đi chơi cầu vồng.
Làng tôi được thiên nhiên ưu ái, đồng bằng phì nhiêu cò bay thẳng cánh, dưới sông tôm cá lội tung tăng. Trong rừng đầy những loài gỗ quý, kỳ hoa dị thảo. Quanh năm mưa thuận gió hòa. Tình người chan chứa, yêu đời. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa đều viên mãn, nên làng có tên gọi làng Hạnh Phúc.
Chính vì có cuộc sống sung túc như thế, nên người làng Hạnh Phúc có tính tình phóng khoáng, hào sảng như thiên nhiên, đất đai cây cỏ nơi miền đất đã sinh ra và nuôi dưỡng họ, gặp kẻ khó khăn, cơ nhỡ thì ra tay giúp đỡ chẳng màng toan tính thiệt hơn, xem người trong bốn bể đều là anh em, gặp kẻ lạ thì rước về nhà, đãi đằng như thượng khách, lúc ra về còn gửi tặng quà biếu bày tỏ tấm lòng. Tất nhiên, làng có nhiều lễ hội hơn những nơi khác cốt để tiêu tốn thời gian nhàn rỗi, những phẩm vật thiên nhiên ưu đãi,  và cũng là dịp để tưởng nhớ tiền nhân có công khai phá, những vị thần cho mùa vụ bội thu, cho đất lành chim đậu. Ngoài những lễ hội truyền thống;  Tết nguyên đán, Đoan ngọ, rằm Trung thu..,làng Hạnh Phúc còn có những lệ hội riêng của mình. Đầu năm có lễ cúng giỗ Thành Hoàng, tháng hai có lễ đua ghe, tháng ba lễ chọi trâu, tháng tư lễ hội cúng Mẹ Đất, tháng năm lễ hội Thần Sông, tháng sáu lễ hội Cha Trời, tháng bảy, ngoài lễ cúng cô hồn thập loại chúng sinh, còn có lễ cúng Thần Rừng...Hầu như mùa nào cũng có lễ, tháng nào cũng có hội. Có những lễ hội kéo dài suốt ba ngày ba đêm, tổ chức đàn ca hát xướng, chơi cờ người,  thi đấu vật, viết câu đối, bịt mắt đập nêu.. Rồi thì tiệc tùng rình rang. Đã là lễ hội thì phải đúng theo lịch, không thể tổ chức sớm hoặc muộn hơn, phải đầy đủ nghi thức thành kính thiêng liêng và tất nhiên  từ đứa trẻ còn cởi truồng chí đến vị trưởng làng gần đất xa trời đều mê mẫn. Chính vì thế dù ai có việc phải đi xa đều thu xếp thời gian về đúng hẹn. Tuy nhiên cũng có hội không theo lịch trình trật tự nào cả mà phụ thuộc vào lòng hảo tâm của thiên nhiên, trời đất.  Và không phải ai cũng thích, bởi vì ngày này cánh đàn ông không được tham dự, hơn thế nữa họ phải làm thay công việc của phụ nữ, để cánh quần hồng rảnh rang, sắm sửa đi chơi hội. Đó là hội đi chơi Cầu vồng.
Lễ hội Cầu vồng chỉ xuất hiện từ đầu tháng sáu đến cuối tháng mười một, tháng của mùa mưa. Tuy nhiên không phải lần xuất hiện cầu vồng nào cũng là ngày hội. Cầu vồng quá mờ nhạt hay quá ngắn, hoặc ở nơi xa quá thì chỉ để mọi người nhìn ngắm và nuối tiếc mà thôi. Phụ nữ làng Hạnh Phúc rất giỏi thiên văn, chỉ cần nhìn sao trời là đoán biết cầu vồng sẽ xuất hiện khi nào, trong thời gian bao lâu, nằm ở phương vị nào để còn tính toán, sắm sửa cuộc chơi. Tuy nhiên, đến tiên thánh trên trời cũng có lúc nhầm lẫn huống chi con người bằng xương bằng thịt, không thấu rõ huyền cơ  của tạo hóa. Không cần liên hệ xa xôi, cách nay gần hai tháng, do sự nhầm lẫn tai hại của bà Mộ, khiến cô Hoa, chị Chín Đồng và cả bà đều bị mắc kẹt bên kia cầu, không về nhà được, phải làm khách bất đắc dĩ của làng Bầu Cạn. Khổ nỗi, chị Chín Đồng vừa mới lấy chôợng Đế Tật Nguyền