Dịch giả: Mịch La
CHƯƠNG 2
B-CINQUANTE-DEUX
The New York Times
18 tháng 7, 1973

“Những vụ tấn công bí mật ở Cambodia trước năm 70 lên đến con số 3.500”
Seymour M. Hersh
Washington, ngày 17 tháng 7. Các nguồn tin từ bộ Quốc phòng hôm nay tiết lộ rằng các máy bay ném bom lên Cambodia trong suốt một giai đoạn 14 tháng bắt đầu vào tháng 3, 1969…Tuy nhiên, các nguồn tin quân sự đã xác nhận rằng thông tin về việc tấn công Cambodia đã trình trực tiếp lên tổng thống Nixon và các cố vấn quốc gia tối cao của ông, kể cả Henry A. Kissinger.
Câu chuyện về cuộc đời Đức Phật có kể về chuyện một người mẹ ôm đứa con đã chết trong tay đến gặp ngài. Người đàn bà này nghe nói rằng ngài là một thần linh có thể trả lại sự sống cho người đã chết. Bà vừa khóc vừa xin ngài ban phép cho con mình sống lại. Đức Phật dịu dàng bảo bà ta rằng có thể giúp bà làm cho con bà sống lại, nhưng trước hết bà phải mang cho ngài một hạt giống mù tạt cất giữ trong một gia đình xưa nay chưa từng có người chết đã. Tuyệt vọng, bà đi tìm hết nhà này sang nhà khác. Nhiều người rất muốn giúp bà, nhưng ai cũng từng chịu đựng sự mất mát – kẻ mất em, người mất chồng, mất con. Cuối cùng bà quay trở lại gặp Đức Phật. Ngài hỏi “Con đã tìm thấy gì rồi? Hạt giống mù tạt đâu và con của con đâu? Ta không thấy con mang nó theo?”
Bà trả lời “Con đã chôn nó rồi”.
 
°
Từ khi còn bé, tôi chưa bao giờ biết đến sự mất mát. Anh Tha của tôi bị bệnh. Cậu con trai tững leo cây lẹ như khỉ đã sụp xuống vì bị sốt. Mẹ tôi ngồi suốt đêm bên cạnh anh, lấy khăn ướt đắp lên mặt anh. Nhưng anh vẫn không khá hơn.
Pa cho anh uống vài thứ thuốc, nhưng chẳng có gì thay đổi. Tha không thể cử động hay tiểu tiện, và chỉ nằm yên trên giường, thở chậm chạp. Anh ngủ li bì, mặt bạc trắng. Khi Pa và Mak có nói chuyện với anh, anh nhướng mắt, mí chớp chớp, nhưng không nói được.
Mak tuyệt vọng. Bà đi hỏi han, cầu khẩn những người đồng bóng. Câu trả lời rất đơn giản: hẳn Tha đã đái lên mộ của một người nào đó ở một nơi nào đó. Đó là lý do tại sao Tha không tiểu tiện được cũng không nói được. Linh hồn người chết tức giận đã đánh cắp linh hồn của anh để trừng phạt. Đã làm thế mà không xin lỗi, chắc chắn anh sẽ chết. Mẹ tôi cố lục lọi trong trí óc để xem ngôi mộ bị xúc phạm đó có thể ở đâu – có lẽ ở Phnom Penh, trong thời gian ngắn gia đình chúng tôi tản cư tại đó. Bây giờ bà tóm lấy bất cứ lời giải thích nào, bất cứ hy vọng mong manh nào.
Với một thành phố bị bỏ rơi như Takeo, chẳng còn có thuốc men gì cả. Pa cố mời được một bác sĩ ở rất xa đến giúp Tha. Bác sĩ tiêm cho anh vài mũi và lấy trong túi xách một cái ống cao su mềm để rút nước tiểu của anh ra. Pa đưa tay ra hiệu cho tôi lùi xa ra giường bệnh trong khi bác sĩ cố rút nước tiểu. Tha rên rỉ. Khuôn mặt của Pa và Mak như hai tấm gương song sinh của sự tuyệt vọng.
Khi bác sĩ làm xong, ông với Pa đi ra ngoài, tôi đi đến bên Mak đang ngồi cạnh giường anh Tha. Mak sờ bụng và nhìn chằm chằm vào mắt anh. Rồi Mak vuốt tóc anh. Tôi cũng muốn nắm tay anh để trấn an. Rồi tôi nghe một tiếng động nhỏ, đột nhiên môi anh nở ra thành một nụ cười. “Mak, anh Tha đang cười kìa”, anh Than khi đó đang đứng ở chân giường, kêu lên sung sướng. Tất cả chúng tôi đều mỉm cười.
Mak nói dịu dàng “Than, con đưa cho anh con cầm khẩu súng đồ chơi của con một lát đi”, anh Than làm theo ngay.
Tuy vậy, anh Tha không hồi phục. Anh nhắm mắt, không lấy gì, không nói gì. Anh chỉ còn thở. Pa và Mak luôn luôn ở cạnh anh.
Cha mẹ tôi không bao giờ chuẩn bị cho chúng tôi ý tưởng về chuyện chết chóc. Chuyện đó không bao giờ được đưa ra thảo luận với con cái. Khi anh Tha chết, mẹ tôi khóc rất nhiều. Tiếng khóc nức nở của mẹ làm tôi sợ hãi nhưng vẫn kéo tôi lại gần. Còn Pa thì mắt đỏ quạch, đẫm nước. Ông lấy tay che mặt, bước ra khỏi nhà. Tôi rất buồn vì cái chết của người anh trai, người đã từng cho tôi ẵm một con quạ non, con chim ấm và run rẩy, hai chân bấu vào lòng bàn tay tôi. Nhưng một cách nào đó, sự buồn bã và bất lực của cha mẹ còn làm bận lòng tôi hơn nữa.
Càng ngày, cuộc sống của chúng tôi càng không kiểm sóat được nữa.
Chúng tôi đã đến trú ngụ tại nhà Kong Horne, chú của mẹ tôi trong một tháng, rồi ông trở về cùng với vợ con. Ngôi nhà bây gìờ đầy người. Dân chúng đang dần dần trở lại Takeo, cuộc sống đang chậm chạp trở lại trên đường phố trống vắng. Nhà bây giờ đông người nên gia đình tôi chuyển lên tầng hai, một chỗ mang câu chuyện buồn. Nhiều năm trước khi tôi ra đời, một người đàn bà đã phá cửa nhà ông chú định ăn cắp nữ trang, vàng bạc giấu trong đống củi, một cách giữ tài sản thô sơ nhưng thực dụng của nhiều người Cambodia sợ lạm phát và tiền giấy mất giá. Kẻ xâm nhập không biết bằng cách nào mà lùa được người dì lên bảy tuổi của tôi lên lầu. Chẳng ai biết điều gì đã xảy ra. Có lẽ mụ ta cố doạ dì khai ra chỗ giấu vàng và nữ trang. Cũng có thể mụ bắt nhân chứng phải câm miệng. Cuối cùng, mụ ta thắt cổ, treo lủng lẳng thân hình nhỏ bé của dì bằng sợi dây trên trần nhà. Sau đó kẻ sát nhân bị tìm thấy núp dưới giường trên lầu, không xa chỗ xác chết. Mụ ta không bao giờ tìm thấy vàng.
Sau vụ đó, toàn bộ tầng hai của ngôi nhà bị đóng kín. Dây thừng, cây gỗ…được xếp áp vào tường để trừ tà ma. Khi nào chúng tôi thấy sợ, thì bà cố tôi tuôn một tràng những câu tiếng Pali nghe như một bài hát xin Đức Phật xua đuổi tà ma đi, dựng một biên giới vô hình mà ma quỷ không bước vào được. Còn theo truyền thống Cambodia ta có thể xua ma quỷ chỉ bằng cách đưa ngón tay giữa lên trời là đủ.
Mẹ tôi thì thề rằng ban đêm mẹ nghe tiếng ai rót trà. Có đêm thức dậy rót nước uống, bà thấy một bóng đen đang ngồi trên võng. Một đêm nọ tôi thức dậy thét lên gọi cha tôi. Có ai đó lướt một ngón tay dọc cánh tay tôi, nhẹ như một con nhện. “Pa ơi, có ma!” Thoạt đầu Pa cố giả vờ hiểu lầm “Cái gì? Kiến hả?” ông đùa, vờ lộn hai từ mà trong tiếng Cambodia đọc tương tự như nhau. Nhưng đến khi tôi thét lên lần thứ ba, ông bèn chạy đến.
Giữa cái nơi chết chóc và ma quỷ này, còn nhiều sự huỷ hoại khác.
 
°
Có cái gì đó rơi xuống gây nên một tiếng động ầm ĩ. Cả căn nhà rung chuyển. Tôi mở bừng mắt. Tiếng nện liên tục như một nắm đấm khổng lồ nện trên đất nhiều lần. Chị Ry chạy ra khỏi mùng. Tôi chạy theo phía sau chị. Trời tối đen. Khi chị Ry và tôi chạy ra đến phòng ngoài, Pa, Mak, cô Cheng, anh Than, chị Chea và chị Ra đã quây quần nơi cửa sổ trước nhà.
“Putho (ơn Trời)!” Mak kêu lên, bà nhăn nhó mỗi khi có tiếng nổ.
Tôi muốn biết mọi người nhìn cái gì, nên cố chui người chồm ra cửa sổ. Những cái lưỡi lửa và khói liếm lên bầu trời đen kịt, chiếu sáng cả phong cảnh ở xa, đâu đó phía bên kia sông Bassac. Bóng đen của các chiếc máy bay lượn vòng trong bóng tối rót những chiếc đĩa sáng xuống. Những chiếc đĩa đó phân tán, khuất đi sau những bóng cây xa xa, rồi bùng nổ dữ dội thành những ngọn lửa sáng rực trên mặt đất. Chúng tôi thấy trước khi nghe, tiếng nổ đến tai chúng tôi như một tiếng vọng bị hoãn lại. Mỗi vụ nổ kết thúc bằng một cây nấm khói khổng lồ.
“Pa?” tôi bấm chặt tay cha tôi ngước mắt nhìn bóng tối trên khuôn mặt ông. Ông không nói gì, nhưng vẫn đưa mắt nhìn bầu trời cháy rực, run rẩy. Tôi đứng đó với Pa ngắm nhìn sau khi mọi người đã trở vào giường.
Chưa bao giờ tôi thấy đàn ông khóc nhiều như vậy. Như cha tôi tối nay.
Một vài ngày sau, tin tức lan truyền. Pa và những người lớn khác bàn tán về những tin tức về tai họa từ nhiều ngôi làng thuộc tỉnh Takeo. Ông kể rằng B-cinquante-deux (B-52) đã oanh tạc các vùng này, có nhiều thường dân Cambodia bị chết tại các làng nơi người cô của ông sinh sống, gần làng Srey Va. Có người trực tiếp bị trúng bom, có người chết vì sức nóng cao độ do bom tạo ra. Gia đình người em gái của Pa đã phải bỏ nhà ngay từ khi bom rơi xuống làng bên cạnh. Giống như những gia đình khác, họ chạy lên trú ẩn ở thành phố Takeo, ngụ tại một ngôi nhà gần chỗ chúng tôi. Tôi không thể hiểu rằng đó là do những chiếc máy bay từ bên kia bờ đại dương.
Sau cuộc huỷ hoại và chết chóc này, một cuộc sống mới xuất hiện. Bosaba, ra đời vào tháng sáu, hai tháng sau trận oanh tạc. Nó được đặt tên theo tháng hai trong tiếng Cambodia, tức tháng của mùa lúa chín, khi đất đai sum suê xanh tốt, hạt lúa chín vàng và trĩu nặng sẵn sàng cho mùa gặt. Mak vuốt ve cái đầu tóc sẫm, mềm như tơ của đứa con thứ tám. “Chúng ta mất đứa con trai đầu, nhưng bây giờ ba mẹ có được đứa con này”, bà bảo chúng tôi như vậy. Mak say sưa ngắm cặp mắt nhắm nghiền của Bosaba và cái miệng nhỏ xíu của nó, đang cựa quậy như lúc bú. Những ngón tay màu hồng hồng của nó mở ra, khép lại, tôi bèn chuồi ngón trỏ của mình vào trong nắm tay nó. Nó nắm chặt, vừa khít.
Tôi rất sung sướng  thấy Bosaba ra đời vì nó làm cho Pa và Mak hạnh phúc, nhưng đứa em nhỏ này của tôi chỉ là một món quà ngắn ngủi. có lẽ do sinh sớm, sức khoẻ của nó bị tổn thương do mẹ tôi bị chấn động lúc mang bầu. Nó bệnh và khóc liên tục, không ai dỗ được. Cả Pa lẫn bác sĩ đều không giúp ích gì được.
Sự giúp đỡ y tế lúc này càng hiếm hoi đến nỗi nhiều người phải trở lui với cách chữa trị dân gian xưa. Pa cũng bắt đầu đau dữ dội ở bụng dưới. Ông nói ông bị viêm ruột thừa. Một người bạn, hay có lẽ là một bác sĩ, cảnh báo ông “Nếu anh không mổ để lấy đi cái “cổ rùa” đó – chỗ ruột thừa bị sưng – anh sẽ chết chắc đấy”. Nhưng bệnh viện bây giờ đã bỏ hoang, chỉ còn thời gian và số phận may ra giúp ông thôi. Bằng cách nào đó, pa sống được, nhưng rất mong manh. Thuốc men thực sự đã vượt khỏi tầm tay của chúng tôi, và hậu quả là tuyệt vọng và chết chóc.
Chỉ vài tuần sau, em trai Bosaba chết.
Càng ngày càng có nhiều người dân làng mất nhà cửa và người tị nạn đổ dồn vào thành phố, trong đó có cả mẹ của Mak và sáu anh chị em. Ông ngoại, cha của Mak, thì ở lại làng Prey Ronn để chăm sóc ruộng vườn. Chỗ ở của chúng tôi nơi tầng hai đông đúc hẳn. Chúng tôi phải chia xẻ cho gia đình bà ngoại. Những dấu hiệu của chiến tranh đã bắt đầu lan vào thành phố. Một ngày nọ, lúc tôi đang chơi bi dọc đường cùng các anh chị em họ và trẻ con hàng xóm, bỗng chúng tôi ngước nhìn lên và thấy một đám người lớn tụ tập. Chúng tôi ngừng chơi và chạy đến xem họ chú ý cái gì, cố sức chen ra trước đám đông. Trên đường phố đặt hai cái đầu người bị chặt. Máu ở cổ của hai cái đầu khô cứng lại với bụi và cỏ khô. Mặt sưng húp và tím lại. Mí mắt sưng bầm. Một người đàn ông tuyên bố dữ dằn “Này, xem này, đầu bọn Khmer Đỏ đó. Tụi tôi bắt được chúng. Nhìn chúng xem”.
Phản ứng đầu tiên của tôi là lảo đảo lùi lại, lưng tôi đập vào vòng người lớn đang đứng quanh. Tôi bối rối. Rouge là “đỏ”. Khmer nghĩa là “người Cambodia”. Tôi không hiểu điều tôi vừa nghe. Những khuôn mặt mất sinh khí trước mặt tôi có thể là khuôn mặt của bất cứ ai trong đám đông này. Nhanh chóng, những người lớn vội vã xua chúng tôi đi xa khỏi cái quang cảnh bạo lức trước mắt, đồng thời họ phê phán nghiêm khắc những kẻ đang kéo hai cái thủ cấp trước mặt chúng tôi như những trái dưa ở chợ. Họ chửi những người kia “Bộ các anh không biết làm điều gì tốt hơn à?”
Pa nói rằng đã có nhiều vụ ném bom dọc biên giới Cambodia, và càng có nhiều người bỏ nhà đến Takeo. Thật lạ lùng, sau khi đưa các anh chị tôi và tôi đi học trở lại trong một năm ở đây, cha mẹ tôi lại xét đến việc di chuyển đi nơi khác. Họ quyết định mua một căn nhà ở Phnom Penh trước đây là của một gia đình Việt Nam. Pa nói rằng nhiều gia đình Việt Nam bị cưỡng bách hồi hương nên nhà cửa của họ ở Phnom Penh đang được bán gấp với giá rẻ.
Đối với Pa, những tháng vừa qua ở Takeo thật là vô vọng pha lẫn với những bài học bạo lực. Ông đã mất hai đưá con trai, những đứa bé không chết vì bom đạn nhưng hẳn đã có thể sống sót nếu được đưa đến bệnh viện và được chăm sóc y tế. Sau những việc này, Pa trở nên câm nín, nhưng từ sự im lặng của ông, phát xuất một khát vọng bùng cháy. Khát vọng chống trả lại, không phải bằng súng đạn mà bằng trí óc. Khát vọng học hỏi.
Bằng những cách tôi không bao giờ tưởng tượng nổi, khát vọng của ông sẽ tác động lên tất cả chúng tôi.