Dịch giả: Mịch La
CHƯƠNG 5
KHÔNG CÓ LỜI TỪ BIỆT

The New York Times
Ngày 2 tháng Năm 1977.
“Những người tị nạn miêu tả một nước Cambodia bị vây hãm bởi nạn đói”.
 
David A.Andelman
 Theo những người đưa tin, các cuộc thanh trừng đã lấy đi hàng trăm ngàn sinh mạng sau khi Khmer Đỏ chiếm Phnom Penh vào ngày 17/04/1975, rõ ràng đã kết thúc phần lớn. Nhưng người ta nói rằng hệ thống chính trị mới hoạt động chủ yếu trên sự sợ hãi, dưới sự lãnh đạo tự làm cho mình, trước các cấp địa phương, thành một cái được gọi là “tổ chức”.
 
Chúng tôi gặp lại cái mùi quen thuộc của thôn quê, và tôi bị quăng trở lại về quá khứ. Tôi thở mạnh, hít lấy cái mùi hôi thối ngọt ngào của nước tiểu, mùi của phân súc vật và mùi cỏ khô – một hợp chất mạnh mẽ nhắc tôi nhớ lại thời gian Pa mang tôi về thăm Kong Houng, Yiey Khmeng và Yiey Tot. Tôi cụp mắt xuống và nhận ra mình đã xa Phnom Penh biết chừng nào.
Dọc theo lối đi là những hồ cạn và những ngọn đồi nhỏ xanh tươi, những đống phân ướt nhẻm do trâu bò để lại. Tôi nhìn đống phân trong khi Pa uốn lượn xe quanh chúng. Cảnh đồng quê thô sơ. Nơi đây, bùn, bụi và phân súc vật là một phần của đời sống. Nhà cửa được cất trên các cây cột cao. Trẻ con không chơi đùa trên đường phố bụi bặm và trên đồng lúa. Còn đường là nơi chúng đi thu thập các đống phân súc vật để bón cho đồng ruộng.
Pa và tôi đến nhà Kong Houng trước hoàng hôn. Tiếng rù rì của chiếc xe máy báo hiệu chúng tôi đến. Chờ đón chúng tôi là cô Cheng cùng với những người dân làng khác mà tôi không quen. Cô cẩn thận bước xuống bậc thang dốc bằng gỗ sồi và nở nụ cười tươi quen thuộc, chào đón, hầu như đó là thương hiệu riêng của cô vậy. Mái tóc dày đen nhánh của cô hình như ngắn hơn lần trước tôi thấy cô – dài từ cằm đến thắt lưng. Cũng như lúc ở Phnom Penh, cô mặc một chiếc áo trắng với chiếc xà rông hoa. Cô nhìn tôi cười rạng rỡ, hỏi “Athy, mọi người đâu rồi? Mẹ cháu đâu?”
“Mak của cháu hiện còn ở nhà Yiey Narg. Ngày mai mọi người mới đến đây.”
Tôi nhanh chóng đo lường mọi thứ xung quanh trước đây chưa có. Một vựa lớn dùng làm nơi chứa hàng núi thóc khổng lồ chưa xay, các bó cỏ khô chất gần đó, và giữa đám cây ăn trái là một hàng me thân lớn, toả nhánh lên tận trời, cao bằng vựa lúa.
Tôi đứng trên bậc thang, nhìn vào nơi trước đây từng quen thuộc, nhưng bây giờ lại có vẻ xa lạ, bởi tôi đã không đến đây năm năm rồi, bằng một nửa của tuổi tôi bây giờ. Nhà được xây bằng cột lớn. So với nhà cửa của người dân thôn quê khác, nhà của ông nội tôi khá lớn, với cầu thang và tay vịn buông xuống bên trái. Theo tiêu chuẩn địa phương thì ông bà nội tôi là những người tương đối khá giả. Họ có nhiều gia súc và đất đai ở quanh Year Piar và các làng khác nữa. Trong chuyến đến thăm lần trước, tôi còn nhớ bà nội giải thích rằng Kong Houng phải đi đến các làng ở rất xa để thu tiền cho thuê đất. Thường thì người ta trả bằng lúa. Sự thành công của ông là do làm việc cần cù vốn là truyền thống trong gia đình. Cha mẹ ông trước đây đã có được đất đai này do bằng thời gian và lòng kiên nhẫn.
Khi Khmer Đỏ đến, họ ra lệnh cho ông cũng như người em trai của ông là Kong Lorng, phải từ bỏ tài sản. Cả hai từ chối nên bị trói tay và lên án tử hình. Ở bất cứ xã hội nào, mối liên hệ quen biết bao giờ cũng có giá trị, họ được một người bà con cứu, người này có quen biết một người nào đó biết Ta Mok, người cụt chân khét tiếng là một trong những viên chức quân sự cao cấp nhất của Khmer Đỏ, là người coi sóc các vụ hành quyết.
“Athy, Athy”
Tôi tìm xem ai gọi tôi khẩn thiết như vậy và thấy một khuôn mặt quen thuộc đang mỉm cười với tôi.
“Anh Than!” Tôi reo lên. Tôi không biết mình yêu quý anh ấy đến chừng nào mãi cho đến khi chúng tôi xa nhau như vừa qua.
Trông anh khác so với lần cuối khi tôi trông thấy anh ở Phnom Penh, dù chỉ mới hai tuần trước. Hình ảnh cuối cùng của tôi về Than là khi anh rời nhà với chú Surg đi tìm các cô và bà nội, và các anh em họ trong suốt những ngày hỗn loạn trước khi ra khỏi thành phố.
Tôi nhìn kỹ anh. Tóc anh ngắn hơn, da đen hơn vì đã đi dưới ánh mặt trời thiêu đốt suốt nhiều ngày. Tôi nghĩ, đó là màu da của nông dân, giống như màu da của những người dân quê ở đây.
Anh Than bước xuống thang, tay nắm tay vịn, nhìn xuống bước đi của mình và cười rạng rỡ. Tôi đến bên chân thang, sung sướng  nhìn đối thủ cũ của mình, bất chấp trước đây chúng tôi thường chống đối nhau. Tôi rất nhớ anh, và điều này làm tôi ngạc nhiên. Tôi nhận ra rằng tôi đã từng tưởng sẽ không bao giờ còn gặp được anh nữa, và khi nhận ra điều này, tôi hết sức xúc động.
Nếu văn hóa của chúng tôi cho phép anh em ôm nhau, hẳn tôi đã quàng tay ôm cổ anh. Nhưng trong văn hóa của chúng tôi, chỉ có người lớn mới bày tỏ cử chỉ thân ái đối với người nhỏ tuổi hơn như vậy. Cho nên thay vì ôm lấy nhau, anh Than chỉ nhắc tôi vịn vào thanh cầu thang, anh bẽn lẽn cố che giấu nỗi yêu thương dẫn tôi đi vào nhà. Ngay trong nhà là hai cái thúng tròn đựng các thức ăn tráng miệng kiểu Cambodia khác nhau được bọc trong lá chuối. Ngoài ra còn nhiều dĩa thép đủ màu đựng cơm nếp  trên có rắc dừa nạo và mè. Sau bữa ăn đạm bạc ở nhà Yiey Narg, những thứ thức ăn này thật là xa hoa. Đây cũng là truyền thống của Cambodia, luôn chào đón khách bằng cánh tay rộng mở. Có anh Than ở bên, cơn thèm ăn của tôi như được thúc giục. Anh vốn là thầy thuốc giỏi mà.
“Thy, em cứ ăn chừng nào thì ăn. Họ làm những món tráng miệng này cho chúng ta đó. Họ làm vô số kể từ khi anh và chú Serg đến đây đó”.
Lời của anh Than làm tăng súc mạnh của tôi, giống như chất đường đang tan trong lưỡi của tôi vậy.
Anh giục tôi “Tụi mình ra xem mấy cây chuối đi. Nhanh lên, nhặt món gì đó mang theo đi!”
Việc anh xa cách chúng tôi hai tuần dường như không ảnh hưởng gì đến anh, hoặc bây giờ anh sung sướng vì thời gian đó đã chấm dứt. Anh nài nỉ “Athy, em có muốn đi xem dứa và chuối không nào?” mắt anh mở lớn “Trong vườn sau nhiều lắm. Để anh dắt em ra đó, có một cái giếng nữa, rất sâu. Em có muốn đi không nào?”
Trước khi tôi kịp trả lời, anh giúp tôi nhặt món tráng miệng và chúng tôi vội vã ra vườn.
Tôi bàng hoàng trước rừng dứa tươi tốt mọc sum suê khắp nơi dưới bóng mát của hàng cây ăn trái, và dọc lối đi dẫn đến giếng nước. Bụi dứa ở đây còn lớn hơn một đứa trẻ, nhô lên giữa đám lá dài, đầy gai, là những trái dứa non, một số chỉ bằng nắm tay, trong khi những trái khác lớn gấp ba lần. Tôi chưa bao giờ trông thấy một vườn dứa như vậy.
Tôi đang ngỡ ngàng vì vẻ đẹp và sự phong phú của vườn dứa, thì anh Than đã đến bên giếng, như một con chó vui mừng vẫy đuôi khi khám phá ra một cái gì hấp dẫn thú vị, anh gọi tôi “Nhìn đây này Athy, vào ban ngày em có thể nhìn thấy bóng mình trong nước đó”.
Chung quanh giếng còn có nhiều dứa hơn nữa, rồi những cây chuối mọc thành hàng, lá dài xanh ngắt, và những nụ hoa chuối mọc ra từ thân. Từ vựa đến giếng là những hàng cây lamút cành dài, đầy trái vỏ xù xì, có màu và hình trái xoan như trái kiwi. Trái còn xanh nhưng rất nhiều.
“Em hái mấy trái được không?” Tôi hỏi anh Than.
“Em có muốn không?” Anh Than nhướng mày, mắt toả sáng.
“Ừ”, tôi mở to mắt. Suốt dọc đường đi đến đây, không tìm thấy trái cây, mà loại trái này tôi rất thích.
Tôi và Than lại chạy vội vào nhà để anh chỉ cho tôi chỗ anh giấu đồ, tức chỗ anh dú trái cây vào trong thúng gạo cho trái cây mau chín.
Ngày hôm sau là ngày cả đại gia đình họp mặt. Má tôi, thím Heak, hai đứa con trai của thím, các chị cùng anh em tôi đến Year Piar trên những chiếc xe bò ọp ẹp, gặp mặt các bà con họ hàng đã đến từ trước. việc cuối cùng gia đình tôi đến như đánh dấu cho cuộc hội ngộ của cả đại gia đình ông bà nội tôi và điều này làm ông bà cảm thấy nhẹ nhõm. Giờ đây năm trong bảy đứa con của ông bà đã trở về nhà cùng với gia đình của họ. Riêng gia đình tôi đã có tới mười người. Gia đình các cô, các chú, anh em họ của chúng tôi tổng cộng lên đến hai mươi chín người, kể cả ông bà chúng tôi. Bây giờ chúng tôi chia nhau ba phòng rộng. Đông thì vui, nhưng việc không có điện làm phiền tôi rất nhiều.
Đến cuối tuần, có thêm người đến tụ hội. Lần này là phần lớn phía gia đình bên phía Mak. Cha mẹ của má tôi cùng với anh chị em của bà và gia đình riêng của họ. Tất cả là mười bốn người, quá nhiều cho Kong Houng thu xếp chỗ ăn ở, ngay cả trong ngôi nhà rộng lớn của ông. Nhạy cảm trước hoàn cảnh này, cha mẹ Mak và mấy người con chọn cách biến biến kho chứa thóc thành nhà ở tạm thời. Mọi người phải học cách xoay sở trong lúc này.
Sau bữa ăn tối, các anh chị Chea, Ra, Ry và tôi nghỉ ở trong, chung quanh để đầy đồ đạc dựa vào tường, trông như những khách du lịch mệt nhọc. Lắng nghe các anh chị nói chuyện thật là thư thái. Chị Chea đột ngột chồm dậy, đi đến chỗ chiếc cặp và lục tìm đồng hồ.
“Này mấy đứa, đến đúng giờ đài Tiếng nói Hoa Kỳ rồi đó” mắt chị mở lớn “Ra, chiếc radio đâu rồi?”
Chị Chea nói vẻ bồn chồn: “Athy, em chạy đi gọi Pa đi!”
Một phút sau tôi quay lui cùng với Pa, có cả Mak, anh Than, các cô, các chú, cả bà nội. Tất cả chen chúc nơi cửa phòng. Chea đang lóng ngóng tìm tần số của đài Tiếng nói Hoa Kỳ. Có tiếng lách tách lớn.
“Achea, vặn âm thanh nhỏ lại” Pa nói, mày nhăn tít.
Điệu nhạc Mỹ bằng kèn đồng vẳng ra – bài nhạc chính của đài Tiếng nói Hoa Kỳ.
“Đây là đài Tiếng nói Hoa Kỳ ở Khmer” Giọng nam báo hiệu bằng tiếng Anh, rồi tiếp theo là giọng nữ nói bằng tiếng Cambodia “từ thành phố Washington. Tôi là…Thưa quý vị, xin lắng nghe những biến cố vừa xảy ra tại Cambodia…”
Thoạt tiên tôi cảm thấy dễ chịu nghe giọng nói này, vì cô ta nối kết chúng tôi với thế giới bên ngoài, khui mở các sự kiện, hay những gì mà đài phát thanh tuyên bố là đã xảy ra. Nhưng cái cảm giác nhẹ nhõm này rất ngắn ngủi. Tôi lo lắng khi thấy Pa chau mày. Rồi tất cả mọi người – chị Chea, chị Ra, các thím, các chú – tất cả đều có vẻ lo âu buồn bã. Họ đưa mắt liếc Pa khi nghe ông thở dài. Ông như cái hàn thử biểu đo nỗi lo sợ của chúng tôi.
“Achea, tắt máy đi” Mak ra lệnh “Chúng sẽ nghi ngờ chúng ta đấy”
Chị Chea liếc mắt nhìn Mak nhưng tay vẫn không nghe lời. Mak bèn bước tới trước chiếc radio với tay định tắt.
“Khoan đã” Pa kêu lên, lấy tay chặn Mak lại.
Rồi cái đầu của Kong Houng từ ngoài cửa thò vào. Ông nội hốt hoảng thì thào “Có một người đang đứng dưới nhà lắng tai nghe đó. Anh ta đứng ngay phía dưới căn phòng này” Ông chỉ, chọc xuống sàn nhà có nhiều lỗ hở rộng “Đó là một tên chhlop [1]. Con phải cẩn thận”.
Pa quay người về phía ông nội, Mak bèn vội vã với tay tắt radio. Bà làm chúng tôi đứt đoạn với thế giới bên ngoài nhưng lại nối kết chúng tôi bằng chiếc mặt nạ của nỗi sợ hãi trên mặt. Chỉ đến lúc đó cha tôi mới hiểu hết những điều ông nội tôi vừa nói.
Ngày hôm sau một cán bộ Khmer Đỏ đến tịch thu chiếc radio, chẳng cần đưa giấy tờ hay đeo phù hiệu gì cả, chỉ cần bộ đồng phục đen đủ biểu hiện cho quyền lực rồi. Ông ta bảo cái máy này bây giờ thuộc về Công xã. Tất cả những gì tôi hiểu được là nỗi sợ hãi. Vào ban đêm, sợ cái ông chhlop nghe trộm, tôi không dám mở miệng nói chuyện với mấy chị, dầu chỉ thốt ra một vài tiếng như “Đưa em cái chăn”, như thể chỉ cần thì thầm bất cứ điều gì cũng đều gây nên phiền phức hay tai hoạ.
Ban đêm, tôi nhấc chiếc nệm ngay chỗ nằm lên, nhìn xuyên qua các kẽ hở của tấm ván sàn để xem có chhlop đang lẩn quất dưới gầm nhà như một con ma hay không. Khá chắc, tôi thấy một bóng người đứng trong một góc tối của căn nhà, ngay dưới phòng ngủ của chúng tôi. Tôi sợ quá, buông vội tấm nệm xuống, rụt người lại như thể vừa chạm ngón tay vào thép bỏng. Tôi rúc sát vào người chị Chea.
Sau khi chúng tôi đến đây một vài ngày, lãnh đạo Khmer Đỏ của làng Year Piar – trước đây từng là công nhân hay tá điền của ông bà tôi – ra lệnh cho cha tôi và các chú phải đi làm việc nhân danh Angka Leu. “Văn phòng” của Pa bây giờ là một cánh đồng trống. Một cái cuốc, một cái rổ tre và cái đòn gánh thay cho bút giấy. Họ ra lệnh cho những người đàn ông mới đến đi đào đất để xây các con kênh dẫn nước mà chẳng trả tiền công gì cả, để thúc đẩy cuộc cách mạng tiến lên.
Sau bữa ăn tối, một cơn gió mát khiến đại gia đình và tôi tới ngồi trên tấm phản bằng gỗ sồi thật nặng – vừa mới mang từ bên ngoài vào, ngay từ cầu thang lên. Cả ngày chịu sức nóng và công việc ngoài đồng, mấy người đàn ông bây giờ tìm cách xả hơi, cố đón lấy cơn gió mát như thể người sắp chết khát đón một bát nước.
Chính ở đây mà Pa chia xẻ tư tưởng và tình cảm của mình về ngày đầu tiên ông lao động cho Khmer Đỏ. “Bọn này câm hết cả rồi” ông lắc đầu thốt lên “Chúng sử dụng người có học để đi đào đất, loại công việc để cho những người không có học làm”.
“Trong thời này” ông vừa nói vừa toét miệng cười “tất cả những gì mình cần để thi đậu là biết cách đào đất”.
Một trong số chúng tôi tham gia bằng cách cười vang.
Mak đưa mắt nhìn quanh “Bố chúng mày nói năng thật vô ý tứ”, bà báo động “Nếu họ nghe được những gì bố nói, chúng ta sẽ bị phiền phức đấy. Đùa mà không nghĩ gì cả”. Mak nhìn Pa bằng một cái nhìn phản đối nghiêm khắc. Mọi người đều biết điều đó có nghĩa là gì.
Lời của Mak làm nụ cười của chúng tôi tan biến. Pa đưa mắt nhìn quanh “ Chúng ta đừng nói chuyện nữa” ông nói nhỏ “Thời này vách có tai đấy”.
Khmer Đỏ, nguyên là bóng ma của rừng rậm, giờ đây dường như ở khắp mọi nơi. Chúng giống như ruồi bay quanh chúng tôi, ở khắp nơi nhưng lại vô hình. Chúng giống như cơn gió thổi tung tàu lá chuối, không thấy được nhưng đầy quyền lực.
Angka bây giờ là ông chủ của số phận chúng tôi. Sáng hôm sau Khmer Đỏ ra lệnh cho chúng tôi tham dự một cuộc mít tinh. Mít tinh đón chào “con người mới”, chúng tôi được bảo như vậy. Là những người mới đến, phần lớn gia đình chúng tôi phải tham dự, ngoại trừ Mak phải ở nhà để trông nom Vin, Map và Avy.
Chúng tôi ăn mặc như đi lễ chùa hay đi học. Tôi nắm tay cha tôi đi bộ đến dự cuộc mít tinh. Pa mặc áo sơ mi tay ngắn, quần tây, còn tôi thì mặc đồng phục học sinh. Đi chừng bốn dặm, chúng tôi đến một cánh đồng rộng, trống trải, có đầy người mặc y phục mùa xuân, họ không phải là người làng địa phương. Có đến hàng trăm người, tất cả đều ngồi chồm hổm hoặc ngồi bệt lên tấm vải hoặc tấm nhựa trải trên đất. Tất cả chúng tôi đều như những đứa trẻ lạc bầy ăn mặc tề chỉnh, ngạc nhiên thấy mình ăn mặc quần áo đẹp vào chỉ để được ngồi trên đất bụi.
Tôi lay tay cha tôi “Pa, xem người ta ngồi trên đất kìa!”
“Pa biết”.
Khối người ngồi trên đất lổm chổm như nấm rơm này thu hút sự chú ý của chúng tôi. Ánh nắng mặt trời chiếu gay gắt khiến chúng tôi loá mắt, phải lấy tay che trên mắt, trông giống như đang đưa tay chào vậy. Tôi nhìn sững cái khối người đó, đưa mắt quét đi quét lại nhiều lần toàn cảnh như một cái máy quay phim quan sát, cố chụp ảnh những kẻ lạ. Ngay cả trong những trong những giấc mơ hoang dại nhất của mình, tôi cũng không bao giờ hình dung nổi một cuộc mít tinh như thế này, một cuộc tụ tập ngu ngốc, man dã như thế này, như một cuộc hành trình đi ngược lại thời gian về quá khứ vậy.
Tôi đưa mắt liếc nhìn Pa. Tại sao chúng tôi phải ngồi bệt xuống đất và vâng lời Khmer Đỏ? Chúng tôi không thể chỉ tuân lời chúng. Chúng tôi không thể để cho chúng thiếu tôn trọng chúng tôi như vậy. Tự sâu trong lòng tôi bùng lên một ngọn lửa. Tôi có cảm giác rằng nếu tôi ngồi xuống, tôi đã đầu hàng bọn Khmer Đỏ mãi mãi. Tự trong lòng mình, tôi la lớn, các ngươi không thể bảo ta phải nghĩ gì!
Lần đầu tiên tôi giận dữ và thách đố bọn Khmer Đỏ, những kẻ đã đẽo gọt đời sống của tôi cũng như của gia đình tôi. Tôi không còn thấy buồn và sợ hãi nữa. Giờ đây tôi đã biết mùi vị của giận dữ, vì tôi biết tôi không muốn rơi vào cái vòng xoáy của tăm tối, không lý trí, tuy nhiên tôi vẫn bị nó nuốt chửng.
Đứng sau cả một dặm người, Pa ngồi xuống trên gót chân, còn tôi đứng bên cạnh ông. Cả gia đình tôi cũng ngồi chồm hổm xung quanh. Pa bảo tôi ngồi xuống, tôi trả lời chỉ bằng một cái lắc đầu mạnh mẽ.
Con không muốn làm bẩn áo quần, con không muốn nghe chúng, con không thích chúng. Cơn giận dữ sôi lên sùng sục trong người tôi. Từ trong thâm tâm, tôi muốn báo cho cha tôi biết khi tôi bướng bỉnh đứng trước cái sân khấu tạm thời, liếc mắt nhìn bọn Khmer Đỏ trong bộ đồng phục màu đen ngu xuẩn, chân đi những đôi dép cao su xấu xí. Tôi càng căm ghét cuộc cách mạng lạc hậu của chúng chừng nào vì nó đe doạ cuộc sống an toàn của tôi, thì tôi càng căm ghét cái sân khấu của chúng hơn nữa. Đó là một cái sân có mái che màu xám, có hai cái xà phía trước, mỗi bên treo một cái loa phóng thanh hình quả chuông. Trông giống như bàn thờ ảo của quyền lực.
Cuối cùng loa phóng thanh cũng gào lên the thé, tiếp theo là giọng ra lệnh của một người đàn ông “Các đồng chí, bây giờ chúng ta bình đẳng, không còn có người giàu, người nghèo. CHÚNG TA BÌNH ĐẲNG. TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU MẶC ĐỒNG PHỤC MÀU ĐEN!”.
Đen? Tôi nhìn áo quần mình rồi lại nhìn Pa, miệng ông vỡ thành một nụ cười.
“Chúng ta chống “đế quốc Mỹ” với hai bàn tay không, và đã chiến thắng họ. Chúng ta dũng cảm…Chey yo (hoan hô) Cambodia Dân chủ, chey yo, chey yo…Para chey (đả đảo) bọn đế quốc Mỹ, para chey, para chey.”
Vì chúng tôi là những con rối của Khmer Đỏ nên chúng tôi cũng làm như vậy, gào lên “chey yo” và đưa nắm đấm lên trời, rồi “para chey” với nắm tay dứ xuống đất.
Ngay cả chỉ mới chín tuổi đầu, tôi đã nhận ra rằng cuộc mít tinh này là gian trá. Làm thế nào mà những lãnh đạo Khmer Đỏ đó mù quáng nói những điều mà nhiều người trong số chúng tôi, kể cả trẻ con, đều biết là gian trá? Ý định của chúng là gì?
Sau vài tiếng đồng hồ lắng nghe những bài hát vô hồn dưới ánh nắng mặt trời oi bức, tôi chỉ biết một điều là mình cảm nhận một mầm mống thách đố bật lên từ trong thâm sâu của lòng mình. Suốt thời gian đó, tôi nhất quyết không sụm xuống đất vì mỏi chân. Đó là một thái độ chống đối nhỏ, nhưng rất quan trọng.
Ngày hôm sau cơn suyễn của tôi trở lại. Như mọi khi – Pa là bác sĩ của tôi – ông luôn ở đó vì tôi, kiểm soát hơi thở của tôi, lắng nghe phổi tôi, cố làm cho tôi khá hơn khi ngực tôi phồng lên xẹp xuống, cố hít lấy không khí. Đêm đến, trước khi đi ngủ, Pa lại áp tai vào ngực lắng tai nghe hơi thở mệt nhọc của tôi một lần nữa, rồi cho tôi thêm thuốc uống. Bao giờ cũng vậy, Pa luôn có cách sắp xếp mọi thứ. Pa thật là một người cha tốt. Ông cười ấm áp rồi nói “Koon, khi thuốc của con hết, đừng bệnh nữa, nghe?”
Tôi nhìn vào mắt Pa và hiểu ông muốn nói gì.
Từ khi tôi bị bệnh, Pa để tôi ngủ bên ngoài, dưới cầu thang. Tôi nằm trên tấm phản gỗ sồi, chen giữa ông và Kong Houng. Tối hôm sau khi tôi bắt đầu ngủ, tôi nghe tiếng ông gọi tên tôi và tay ông chạm nhẹ lên mặt tôi.
“Athy, koon, có khó thở không? Nếu con muốn thì ngồi thẳng lên”.
Tôi mở mắt và thấy bóng Pa bên cạnh tôi. Ông vỗ đầu tôi rồi đặt tai áp vào bộ ngực đang khò khè của tôi cố nghe tiếng phổi. Biết có Pa ở gần, tôi rên lên một tiếng chỉ để cho ông biết tôi đã nghe ông rồi tôi nhắm mắt lại. Khi tôi mở mắt ra, Pa đã đi đâu mất, và tôi chìm trở lại trong giấc ngủ bồn chồn.
“Xin mời ngồi. Xin mời” tôi nghe một giọng nói.
“Vâng, vâng” ba giọng nói khác đồng loạt trả lời.
Tôi mở mắt ra và kia, đối diện với tôi nơi mép đàng kia của tấm phản là hai người đàn ông và một người đàn bà mà tôi chưa từng gặp. Cả ba đều mặc đồng phục đen, cổ quấn khăn rằn màu trắng đỏ. Đón họ chính là Kong Houng, mà giọng nói tôi nghe thấy đầu tiên khi mở mắt. Ông ngồi bên cạnh tôi, một ngọn đèn dầu mờ để bên cạnh. Sợ hãi và lo lắng tôi ngồi bật dậy. Tôi nhìn thấy Pa đang đi từ trên thang xuống.
“Pa!” tôi kêu lên, người tôi run và nóng.
“Cứ ở yên đó, Pa đến đây”
Sau khi chào mấy người lạ, Pa ngồi xuống gần tôi, cạnh ông nội, đối diện với khách, chân xếp trên tấm phản. Ông đưa tay vỗ nhẹ lên đầu tôi và bảo tôi tiếp tục ngủ. Tôi vâng lời và nhắm mắt, nhưng tôi không thể nào ngủ lại được nữa. Ba người này đến gặp Pa để hỏi nhiều câu hỏi liên quan đến chú Seng hiện đang ở đâu và nghề nghiệp trước đây của Pa cũng như của chú Serg và chú Sorn. Tôi nằm đối diện với họ, cuối cùng hiểu được mục đích của cuộc gặp mặt này.
Kong Houng đã báo trước cho Pa và các chú của tôi về những người ở địa phương muốn gặp họ. Trước đây thì đó là chuyện bình thường, hàng xóm láng giềng gặp mặt nhau vậy thôi. Nhưng bây giờ điều này có vẻ là điềm xấu. Những người này không phải là khách thăm mà là những người thẩm vấn. Họ nhìn chằm chằm, trực tiếp như muốn đốt cháy Pa – một tiếp xúc bằng mắt khắc nghiệt không thường thấy trong văn hoá ứng xử của người Cambodia – trong khi Pa vâng lời giải thích về những công việc đã làm và những công việc trước đây của các chú.
Khi Pa vừa nói xong, người phụ nữ đột ngột tấn công, hỏi Kong Houng về chú Seng “Thế người con trai kia của ông hiện ở đâu? Cái người lái máy bay ấy?”
“Tôi không biết tại sao thằng Seng lại không về nhà. Hầu hết các con tôi và con cái của chúng đều về đây hết cả”  Kong Houng nói, nhỏ nhẹ và có vẻ thật sự ngạc nhiên. Ông quay sang Pa và nói “Atidsim bảo rằng rằng chúng rời nhau trên đường về đây. Tôi cũng chẳng biết gì khác để nói với quý vị”.
Pa bèn lao vào cứu nguy. Ông giải thích rằng chú Seng tách khỏi chúng tôi trong lúc tháo chạy hỗn loạn ra khỏi Phnom Penh và thất lạc nhau trong những ngày cuối cùng đó. Đó là lời nói dối duy nhất của Pa.
Ông bảo rằng chúng tôi đã cố chờ chú Seng nhưng mãi không thấy. “Tôi nghĩ nó có thể tìm đường tới đây, vì thế sau khi lạc nó chúng tôi vẫn tiếp tục đi. Tôi chẳng biết tại sao bây giờ nó vẫn chưa đến đây. Tôi hy vọng nó đến để gặp đông đủ bà con họ hàng” Cha tôi trả lời nhã nhặn và thuyết phục.
 Câu chuyện Pa dựng lên bỗng dưng làm tái hiện trong tôi những ký ức về ngày chú Seng rời nhà và sự bất lực của Pa khi ông đứng nhìn chú bỏ đi. Khi tôi nhìn những người Khmer Đỏ trước mặt, những lời nói cuối cùng của chú Seng hôm đó lại hiện ra trong trí tôi “Bọn Khmer Đỏ là kẻ thù thứ nhất của em. Em không thể ở lại để nhìn mặt chúng”. Đây chính là quyền năng thú vị của trí óc. Chúng không thể ngăn chặn được tư tưởng không nói ra thành lời của tôi. Chúng cũng không thể thẩm vấn ký ức tôi.
Một ngày khác, lại một điều mới để học hỏi. Vì bây giờ không có chợ búa chúng tôi thường xuyên phải ứng biến với tình thế. Đây là Trật Tự Thế Giới Mới vô vọng, cách của Khmer Đỏ. Chị Ra và Ry được phái ra hồ để bắt cá nấu canh ăn hàng ngày. Chúng tôi không hề có lưới bắt cá thích hợp, cho nên Mak đề nghị họ dùng vải mùng thay cho lưới. Lần đánh cá duy nhất họ đã làm để chơi là ở Takeo, lúc đó họ dùng dây gấc và lưỡi câu quăng xuống nước để bắt những con cá bạc gần nhà chú tôi. Việc này chỉ có một khó khăn lớn nhất là cầm giun. Bây giờ việc các chị làm là đi bộ qua hồ với miệng lưới mở rộng quét trong nước để bắt cá và các đồ phế thải.
Khi tôi đã khá hơn, tôi cũng được yêu cầu đi theo để giúp đỡ các chị. Tôi không muốn nhưng chị Ra và Ry bảo việc này rất dễ. Tất cả những gì tôi phải làm là mang một cái rổ đi theo hai chị bắt cá. Sáng hôm đó trời phủ mây, hơi lạnh. Chị Ra và chị Ry đứng trên bờ nhìn ra hồ, giờ đây thu nhỏ lại vì sức nóng của mùa hè, tự hỏi sẽ lội ra hồ như thế nào. Chị Ra và Ry hỏi nhau “Mình sẽ bắt đầu đi từ đâu?” Họ ngắm nhìn mặt nước còn tôi thì ngắm nhìn những chiếc lá màu xanh nhỏ nổi bồng bềnh trên mặt hồ, rồi vào các cây cỏ nước cao mọc ở giữa hồ và những cành cây khô nhô lên như những bộ xương. Bây giờ thì xem ra nhiệm vụ của tôi không còn dễ dàng nữa. Tôi sẽ phải theo hai chị lội ra giữa hồ và tôi rất hãi khi phải bước lên những vật mà tôi không thể nhìn thấy và còn sợ dẫm phải vào gai nữa.
Chúng tôi bắt đầu ở phía bờ thấp, nơi có nhiều cỏ nước cao. Nước mát lạnh và tôi nhón chân trần đi xuống. Có cảm giác thật lạ khi lòng bàn chân tôi chìm vào trong bùn, ép vào giữa các ngón chân giống như bột gạo nhão và mát. Tôi sợ đi xa hơn nữa nhưng vẫn phải đi theo hai chị, lúc đó đã bỏ xa lên phía trước, đang nhắc lưới lên trên đám cỏ nước. Chị Ra và chị Ry cố gắng một cách vụng về để hành động nhịp nhàng, quyết định khi nào thì hạ lưới xuống để bắt cá, khi nào thì quay lại. Giống như tôi, tính hai chị tuy câu nệ nhưng cương quyết. Hình như trách nhiệm để sống còn đè nặng lên tất cả mọi người.
Vào lúc đó tiếng của họ lặng đi và âm thanh duy nhất tôi nghe được là tiếng xì xụp của chân chúng tôi bước đi trong làn nước yên tĩnh, làm khuấy đảo lớp cặn từ đáy hồ lên như một vũ khúc điên rồ. Cũng như mấy mẩu cặn ở đáy hồ, tôi hầu như cảm nhận được sự va chạm ngẫu nhiên, cơn lốc xoáy chính trị tác động đến tất cả chúng tôi, huỷ hoại tương lai. Cũng như những mảnh cặn, tôi biết rằng đời sống không bao giờ rơi trở lại vào cái trật tự như trước nữa.
Và tôi bắt đầu học cách để sống còn, học bắt cá, từ con cá nhỏ xíu như cá cấn đến con cá to bằng trái dưa chuột. Tôi co rúm người lại khi những vật lạ, mảnh quét qua bàn chân. Bước từng bước một, tay mang thúng, tôi hồi hộp nhìn những con cá nhỏ lấp lánh, nhảy nhót  trong lưới. Giữa lúc đang hồi hộp ấy, có con gì cắn vào chân tôi. Tôi nhấc chân lên và thấy một con vật đen mềm, to cỡ bằng trái đậu đũa đang bám vào dưới đầu gối tôi, thân mình cong lại thành một vòng hình bán nguyệt.
“Con gì bám vào chân em vậy?” Tôi tò mò hỏi chị Ra và Ry.
“Ôi chị Ra, con đỉa!” chị Ry kêu rú lên, líu lưỡi. Chị nhấc chân mìn lên xem liên tục để có thấy con đỉa nào bám vào không.
Tôi bật ra một tiếng kêu dài “Ô!” ngay khi chị Ry vừa nói ra từ “đỉa”. Thật ra tiếng này không có nghĩa gì đối với tôi nhưng bộ mặt khủng khiếp của chị và cái điệu nhảy choi choi trong nước, dậm chân thình thịch giống như một đứa bé nổi cơn tam bành làm tôi sợ hãi. Tôi gào lên, dậm chân và tóe nước, nhảy lung tung như hình ảnh phản chiếu cơn động kinh của chị.
“Giúp em với! Lấy nó ra khỏi em đi!” tôi chạy về phía hai chị.
Chị Ry bèn bỏ chạy “Ái ái, đừng lại gần  chị!” Chị Ry la lớn.
“Đừng cử động!” chị Ra hét “Đứng yên!”
Tôi vừa khóc vừa nhìn ra xa trong khi chị Ra dùng lưới lấy con vật đang hút máu ra khỏi chân tôi.
Sau cơn động kinh đó, chị Ra quyết định rằng chúng tôi đã đánh cá xong. Trên đường về lại nhà Kong Houng, tôi hỏi hai chị về loài đỉa. Các chị bảo cho tôi biết loài đỉa hút máu – máu người, trâu bò. Chị Ry cười, mặt đỏ bừng. Bây giờ chị vui khi nhớ lại vẻ ngu ngốc của tôi, vừa dẫm chân trong nước vừa gào đến rách phổi. Chỉ bấy giờ mới thấy vui. Tôi cũng tủm tỉm cười trước hình ảnh chị Ry cố chạy xa khỏi tôi ra. Giống như những cô học trò, chúng tôi cười vui trước sự ngốc nghếch, trước kinh nghiệm mới, trước cách sống mới của mình.
Giờ thì đã trở thành chuyện bình thường. Mỗi sáng, sau khi đánh cá xong, tôi ra rửa ráy ở ngoài giếng. Tôi đã học cách để không còn sợ giếng nữa. Tôi hạ chiếc gàu xuống rồi múc lên một lượng nước vừa với sức mình xách. Sau khi đánh cá rồi rửa ráy xong là tôi vội vã đi ăn sáng. Thường tôi ăn với Mak, các anh chị, các cô; Pa Kong Houng và các chú ăn riêng nhưng đôi khi phụ nữ trong nhà cũng ăn với họ.
Đã hai tuần kể từ khi chúng tôi bước vào cái thế giới lạ lùng và cuộc sống mới này. Pa và các chú được yêu cầu đi báo cáo về “định hướng” của mình với Angka Leu. Người ta bảo rằng họ sẽ được học tập về chính quyền mới, và sẽ đi học tập trong một thời gian. Chính xác là bao lâu thì không ai biết. Họ sẽ phải đợi và có xe bò chở họ đi. Tin này làm mọi người bồn chồn và không ai nói nhiều về chuyện này. Giờ đây chúng tôi đã học được cách giấu nỗi lo âu của mình vào một góc thầm lặng của riêng mỗi người.
Buổi sáng đi “định hướng” cuối cùng cũng tới và tôi đã dự định cùng ăn sáng với Pa trước khi ông rời khỏi nơi đây. Dù ông không chia xẻ kế hoạch này với ai, tôi nghĩ rằng đó là một cách bày tỏ cho ông biết tôi sẽ nhớ ông đến chừng nào.
Đi bắt cá xong, tôi vào nhà bếp và đặt phần thức ăn kiếm được trong ngày bên cạnh lò. Tôi thất vọng thấy Pa đã ăn sáng cùng với các chú và ông nội. Âm thanh của muỗng, đĩa, bát chạm nhau. Mỗi người khi đưa muỗng lên miệng đều đăm đăm nhìn vào muỗng. Tôi cảm thấy được sức nặng của ý tưởng họ, dù không nghe họ nói gì. Dù ngồi cùng nhau họ trông thật cô độc, như là những người lạ chỉ vừa mới gặp mặt. Sự bất động của họ như một làn khí lạ thổi qua nhà, một nỗi buồn nặng nề đến nỗi nó toả ra như một làn khói dày khiến tôi ngạt thở. Đột nhiên tôi cảm thấy thật cô độc, như có ai lấy đi một cái gì đó ra khỏi người tôi vậy. Từ nhà bếp, tôi vọt xuống cầu thang chạy ra giếng. Tôi vội vã rửa qua loa nước bùn, nước hồ bám vào chân, rồi chạy trở lên nhà bếp. Mấy người đàn ông đã đi rồi, nhà bếp trống không. Tôi muốn đi tìm Pa, nhưng nghĩ mình còn thời gian xới một bát cơm chan với canh ăn cho đỡ đói. Với chén cơm trong tay, tôi vừa chạy tìm ông khắp nhà vừa đút cơm vào miệng. Nhưng tôi chỉ thấy Mak cùng các chị và các cô.
“Mak! Pa đi đâu rồi?” Tôi hỏi, lòng vô cùng sợ hãi.
“Họ mang xe bò đến đón Pa và các chú đi rồi” Mak đang ngồi trên s`nó nhà xếp quần áo, nói nhỏ.
Tôi ùa ra, xuống cầu thang, một tay cầm chén cơm, tay kia vịn vào tay vịn. Tôi muốn bắt kịp Pa, muốn thấy lại ông. Tôi chạy theo lối đi sau nhà, nhưng không tìm thấy ông đâu cả. Các chú tôi cũng ra đi rồi. Không nhìn thấy xe bò, cũng chẳng thấy ai cả.
Miệng tôi không còn nhai cơm, chỉ phát ra một âm thanh buồn bã vô hạn. Tôi chạy ra vườn chuối, rồi ngồi bệt trên nền đất. Chỉ một giây trước đây mình nhìn thấy Pa, vậy mà bây giờ Pa đã đi rồi! Tôi nức nở, úp mặt và nỗi thống khổ vào lòng hai bàn tay.
Rồi nhìn lên toàn là chuối, tôi van nài “Pa ơi, trở lại đi! Trở lại, Pa. Trở lại với koon của Pa đi…”
Trong từng hơi thở, tôi đều cầu xin cho Pa trở lại. Không, còn quá sớm mà! Pa đi quá sớm. Pa không đợi con. Không, đừng đi.
Tôi chưa bao giờ thấy đau đớn đến thế trong thân thể của mình. Cả ngực. Cả mắt. Cả cổ họng. Nỗi đau phủ khắp mọi tế bào, chạm đến mỗi chân tay, mỗi bộ phận trong người. Trước đây Pa chưa hề rời tôi lấy một ngày. Chưa bao giờ. Thế mà giờ đây ông đã đi khuất, và trong trực giác sâu thẳm tôi biết có một điều gì đó không ổn.
Cùng với nỗi buồn là những cảm xúc thất vọng và phẫn nộ. Dẫu chỉ mới lên chín tôi đã thấy giận dữ điên cuồng bọn Khmer Đỏ vì đã đem cha tôi đi mất. Tôi trút cơn giận vào các tàu lá chuối: tôi xé nát những lớp vỏ mỏng như giấy nơi thân chuối, vât đi rồi dùng nắm tay đấm liên hồi vào thân cây. Tôi điên lên vì Khmer Đỏ. Tôi khóc đến cạn nước mắt cho đến khi người tôi rã rời vì mệt. Tôi dựa vào cây chuối mà tôi vừa mới hành hạ, đầu gục xuống trên đầu gối. Tôi cảm thấy hoàn toàn trống rỗng.
 
°
Nhiều ngày trôi qua kể từ Khmer Đỏ đem Pa và mấy chú của tôi đi. Tôi đã đếm từng ngày cho đến khi cha tôi trở về, cẩn thận ghi bằng giấy bút. Tôi gạch bút lên cuốn lịch riêng, ghi những ngày không có ông. Mak bảo tôi là một tháng, đó là điều Khmer Đỏ nói với bà. Hàng ngày tôi ra sau vườn cây, đứng khóc một mình và gọi Pa. Giống như mặt đất thiếu mặt trời, tôi trôi dạt trong bóng tối, nghĩ về Pa, tự hỏi ông đang ở đâu, đang làm gì. Pa có nhớ đến chúng tôi, nhớ đến tôi không.
Khi ánh mặt trời đã đầu hàng bóng tối, tôi vẫn nghĩ về Pa. Tôi không còn sợ cái gã chỉ điểm núp dưới sàn nhà tôi nữa. Tôi ngồi lên chiếc xe gắn máy của Pa vẫn để dưới gầm nhà nơi gã chỉ điểm thường núp để nghe trộm chúng tôi. Nắm lấy tay cầm bọc cao su đen, nơi còn in dấu tay cuối cùng của Pa, tôi lại trở về cái thế giới như khi Pa còn ở với chúng tôi. Đau đớn, tôi đi ngược lại thời gian, trở lại cái quá khứ khi cặp mắt ướt của tôi cứ đăm đăm nhìn vào bảng chỉ tốc độ nơi xe, cái kim màu đỏ rực chỉ nơi số không.
Tôi hồi tưởng về thời gian đẹp đẽ xưa kia, khi Pa dẫn chúng tôi đến tiệm ăn và đến cung điện nơi gia đình hoàng gia sống. Tôi nhớ những đêm ở Takeo. Pa đánh thức mọi người dậy để ăn món bánh mì kẹp pa tê. Ông bế tôi từ giường ra bàn ăn. Ông đút cho tôi cho đến khi tôi tỉnh hẳn, tôi mở mắt ra để nhìn thấy một đĩa lớn đầy thịt, dưa chuột và bánh mì Pháp ở trước mặt. Kỷ niệm trong tôi lên tiếng cho đến khi nó làm cho tôi đau đớn. Cho đến khi tôi sụp đổ.
“Athy, tại sao em khóc? Em không sao chứ?” Chị Chea đến cứu tôi.
“Chị Chea, em nhớ Pa. Em nhớ Pa lắm”.
“Nín đi, p’yoon srey, chị cũng nhớ Pa như em vậy”.
Chị vói tay ôm lấy tôi, kéo tôi vào lòng. Trong vòng tay chị, tôi càng khóc dữ hơn, buông xả hết mọi nỗi đau đớn lâu nay tôi vẫn giấu kín trong lòng trước gia đình. Chị Chea siết tôi thật chặt. Tay chị xoa xoa đầu tôi,và sự đụng chạm nhẹ nhàng ấy làm dịu nỗi đau trong tôi. Nó làm tôi ngủ được, nằm cạnh các chị tôi, tay ôm cứng chiếc áo sơ mi của Pa. Tôi vừa ôm lấy ông trong tâm trí vừa hít lấy mùi của ông từ chiếc áo. Tôi hít sâu – tôi yêu Pa – những tiếng tôi chưa bao giờ thật sự thốt ra khỏi miệng. Tôi nhớ Pa như nhớ một mảnh của thân thể mình. Rồi tôi bồng bềnh thiếp đi.
Một tháng đã trôi qua, Pa vẫn chưa về. Bây giờ thì Khmer Đỏ triệu tập Mak dự cuộc mít tinh với những người phụ nữ khác cũng có chồng bị đem đi xa. Trong cuộc họp, Khmer Đỏ hỏi mọi người phụ nữ ở đó có muốn đến chỗ chồng của họ để cùng làm việc ở đó trong một “văn phòng” không. Tất cả những người kia đều trả lời có. Ai lại không muốn ở cùng với chồng? Nhưng Mak thì không. Bà trả lời với Khmer Đỏ rằng bà muốn ở lại trong làng và làm việc cho Angka Leu hơn. Đúng ra đáng lẽ Mak đã nói ngược lại nếu không vì Som, người phụ nữ có chồng trước đây làm công cho Kong Houng trước khi Khmer Đỏ “giải phóng” Year Piar. Som đã bí mật đến gặp Mak ngày trước cuộc mít tinh và dăn bà phải nói như thế nào. Mặc dù bà Som không nói lý do nhưng Mak vẫn nghe lời, lập lại đúng lời bà ta dặn trước lãnh đạo Khmer Đỏ. Trực giác của Mak khi tin vào lời của bà Som đã cứu cả gia đình chúng tôi. Ngay sau đó những người phụ nữ tình nguyện đi theo chồng được mang đi ngay.
Mấy ngày sau, đi trong làng, Mak thấy một người đàn ông mặc chiếc áo sơ mi của Pa – chiếc áo màu kem, ngắn tay với một túi áo ở phía trước. Nơi ngôi làng nghèo khổ này, một chiếc áo sơ mi văn phòng đơn giản cũng nổi bật. Không hề sợ hãi, Mak đi theo người đàn ông đó và đòi hỏi ông ta phải nói cho bà biết ông ta đã lấy chiếc áo đó từ đâu. Bối rối vì chạm trán Mak đột ngột, ông ta ấp a ấp úng rằng áo ấy do người ta phân phối cho ông. Mak điên lên vì cái ý nghĩ rằng người ta đã phát tán áo quần đồ đạc của chồng mình. Tuy nhiên, cố nuốt cơn giận, bà đi đến nhà bà Som để biết sự thật. Mak nghĩ rằng bà Som biết vì chồng bà là một trong những người địa phương giờ đây đang làm việc cho Khmer Đỏ, những người đã mang Pa và các chú đi “định hướng”.
Bà Som nói nhỏ và khẩn cấp cho Mak, sau khi yêu cầu Mak hạ giọng thật thấp. Trong túp lều chỉ được soi sáng bằng ánh nắng mặt trời xuyên qua kẽ vách, bà thì thào kể cho Mak nghe điều gì đã xảy ra cho Pa – sự thật làm lay động đến cốt lõi cái tâm hồn vốn đã khô héo của Mak.
Pa, chú Serg, chú Sorn và những người đàn ông khác thật ra không được mang đi “định hướng” gì cả. Họ bị mang đến một cánh đồng xa ngoài làng Year Piar để hành hình. Đến nơi, họ bị lôi xuống khỏi xe và bị bắt buộc đào mộ cho chính mình. Sau khi đào xong, cán bộ Khmer Đỏ trói chặt họ lại rồi giết mỗi người bằng một nhát cuốc. Thân xác họ được xô xuống những cái hố họ đã đào sẵn.
“Chồng chị chống cự lại khi bị trói” bà Som thì thầm. “Ông gọi chúng là dối trá, phản bội. Thế là họ giết ông ngay tức khắc”.
Máu dồn cả lên mặt Mak, như nung nấu bởi đau khổ và giận dữ. Những phụ nữ muốn được làm việc cùng chỗ với chồng, ra đi cùng với con cái và cha mẹ đều bị hành hình. Thân thể họ được vùi trong cánh đồng trống, nhưng những đồ đạc cá nhân của họ được mang trở lại Year Piar để phân phối cho dân làng, đồ đạc của Pa cũng như của các chú tôi cũng vậy. Sở hữu của người chết được truyền lại như một phần thưởng khủng khiếp cho người sống.
Mak về nhà và lập tức kể hết cho chúng tôi nghe. Mẹ trấn tĩnh, thuật lại tin xấu một cách cẩn thận. Mẹ không lộ ra nỗi đau, không gào khóc, ngay cả trong gia đình. Giống như các tình cảm khác, nỗi đau này phải được giấu kín. Mak báo tin này cho các con bằng một giọng nhẫn nhục, chịu đựng và nói rằng do Som đã kể lại cho bà nghe. Nghe xong, không ai hỏi gì thêm, và riêng tôi, một cách thẫn thờ, tôi không hề thấy ngạc nhiên.
Nhưng trong tôi, những câu hỏi bùng dậy. Hỗn loạn hơn là giận dữ. Pa đã làm gì để bị giết như vậy? Ông đã không bao giờ là gì khác hơn là một người cha chăm chút, một người chồng có trách nhiệm và một người con tận tuỵ. Nhớ như vậy, thoạt tiên tôi bối rối vì việc giết người vô nghĩa này hơn là thấy buồn. Trong thời đại này, mọi luật lệ đều bị vặn vẹo: có giáo dục là một tội lỗi, sự thành thật không được trả giá. Vậy cái gì sẽ được trả giá? Tôi tự hỏi. Và tôi tự trả lời lấy câu hỏi này. Tôi nhớ một câu ngạn ngữ Cambodia mà tôi nghe người lớn khi nói chuyện với nhau thường dẫn “Đừng bỏ cuộc trước con đường quanh co, nhưng cũng đừng giẫm lên con đường thẳng”.
Mak đã giẫm lên con đường quanh co và đã nói dối bọn Khmer Đỏ. Thái độ yêu nước giả tạo của Mak do gợi ý từ lời mật báo của Som đã cứu cả gia đình chúng tôi. Mặc dù sợ hãi và bây giờ bà theo Khmer Đỏ, bà Som vẫn còn có tình người, vẫn còn trung thành với Kong Houng, người chủ cũ của bà, và vì thế, vẫn còn giúp cho gia đình, cho con và cháu của ông.
Bọn Khmer Đỏ trong làng còn muốn gặp Yiey Khmeng, mẹ của Pa, để thẩm vấn bà những điều liên quan về chỗ ở của chú Seng. Để chuẩn bị trước, cả bà, Kong Houng, Mak và các thân nhân khác đã thảo luận Yiey Khmeng nên nói với chúng như thế nào. Dẫu sao đã ở trong luật lệ của chúng, chúng tôi vẫn phải tìm cách để sống sót qua trò chơi sinh tử này. Lệnh Khmer Đỏ triệu tập Yiey Khmeng khiến cho Kong Houng nổi giận “Tao đã trả lời cho họ về thằng Seng rồi, cả Atidsim cũng đã trả lời rồi. Bây giờ họ còn muốn gì nữa? Bọn này thật không hiểu nổi”.
Yiey Khmeng trở về sau cuộc thẩm vấn, bà run rẩy, khích động và rã rời. Bà chậm chạp thì thào “Họ hỏi tôi vô số câu hỏi. Một người hỏi xong, các người khác tiếp tục thẩm vấn. Họ luôn miệng hỏi Seng bây giờ ở đâu. Một người trong số họ thậm chí còn gọi tôi là Mae [2]. Hắn bảo, Mae, con trai má hiện giờ ở đâu, trước đây anh ta làm gì trong thành phố. Và hắn còn châm chọc, Mae hãy bảo cho Angka Leu biết hắn đang ở đâu và hắn đã làm gì – nếu má không muốn con trai má vào nằm trong thùng xăng. Má có muốn con trai vào nằm trong thùng xăng không Mae?”
“Tại sao họ cứ hỏi những điều đó?” Bà nói tiếp “Những người đó thật ác. Tôi chỉ bảo họ rằng tôi không biết Seng đang ở đâu hay nó đã làm gì. Tất cả những gì tôi biết trước đây là thấy nó cắp sách đến trường hàng ngày. Thế là một người trong số họ nổi giận và nói “Bà là loại người mẹ gì vậy? Bà không biết con bà làm gì à? Đồng chí, bà nói láo! Thôi đừng hỏi thêm bà ta làm gì nữa, khi con trai bà ta có mặt tại đây, cứ bỏ hắn vào thùng xăng là xong!” Nói xong hắn đùng đùng đi ra khỏi căn lều. Mấy người đó thật là ác!”
Yiey Khmeng thở dài, cúi mặt đăm đăm nhìn xuống sàn nhà.
Im lặng. Quyền lực đen tối của Khmer Đỏ đã khiến cho chúng tôi câm lặng, làm cho chúng tôi thành hoang tưởng. Cúng tôi đã học cách vừa đi vừa nhìn ngoái lui xem có tên chhlop nào đi theo không. Điều đó chẳng bao lâu trở thành như bản năng thứ hai vậy. Cái cộng đồng đại gia đình tụ họp về đây của chúng tôi con số lên đến 43 người. Tất cả phần lớn sống nhờ vào vườn cây của ông nội tôi, mà bây giờ nó cũng đã bắt đầu mang dấu hiệu khai thác của chúng tôi; chuối trụi hết thân và lá, đu đủ và dứa cũng bị chén sạch. Thế mà chúng tôi vẫn phải tìm cái ăn để sống sót.
“Athy, con có muốn ăn armmiage dầm muối không?” Một ngày nọ Mak hỏi tôi, tinh thần có vẻ rất phấn chấn.
“Ồ, Mak, con thích ăn armmiage dầm muối với cá nướng lắm. Thật ngon, phải không Mak?” Miệng tôi ứa nước bọt khi nghĩ đến món đó, armmiage là một loại cây cải màu xanh giống như cải xoong.
“Con có muốn đi hái cây này để Mak dầm muối cho con ăn không? Cây này mọc hoang dọc lối đi bên cạnh nhà người ta đấy. Hôm qua lúc đi làm, mẹ có hái một ít. Nó trông như thế này này. Giờ con đi hái nó cho mẹ”.
Tôi hăm hở nhờ mẹ tôi cho cái gì đó để tôi bỏ armmiage vào. Mak bèn thắt nút lên hai đầu của chiếc khăn rồi choàng qua cổ tôi tạo thàn hai cái túi. Bà đưa cho tôi một cây armmiage để tôi đem theo phòng khi tôi không nhớ hình dáng nó ra sao. Từ nhà này sang nhà khác, tôi quan sát mọi cây cỏ mọc trên lối đi hay trong sân nhà. Mak nói đúng khi bảo rằng có nhiều cây armmiage mọc hoang. Cây này mọc khắp nơi, dọc đường đi hay trước nhà người ta. Sau khi hái một mảng, tôi nhìn lên và thấy còn nhiều cây này mọc trước mặt, một số mọc thành bụi, một số mọc rải rác. Cả hai túi đều đầy, nhưng tôi vẫn còn tiếp tục hái. Tôi biết thứ này rất ngon một khi đem ngâm muối để ăn.
Tôi đang cúi mình bên vệ đường cạnh một góc căn nhà nọ thì nghe một lọat âm thanh giọng nói của phụ nữ.
“Còn ai thả bom nữa? “ Một giọng giận dữ lên tiếng. “Chính là hắn, Aseng thả bom chứ còn ai. Chính gia đình chúng ta, con cái chúng ta đã bị hắn giết một cách man rợ. Khi nào hắn về đây, ta sẽ tra tấn hắn để cho hắn biết mùi đau khổ”.
Giọng nói giận dữ của bà ta khiến tôi ngước nhìn lên. Tên mà người đàn bà kia thốt ra nghe quen thuộc, tôi nhận ra họ đang nói về chú Seng của tôi. Người phụ nữ đưa ra những nhận xét giận dữ đầu tiên là Yiey Chea, người phụ nữ mà sau đó tôi tìm ra là có bà con với chúng tôi – bà ta thật ra là cô của chú Seng. Khi tôi gặp bà lần đầu tiên, tôi thấy bà dễ thương và bà tỏ ra thân thiện với Mak. Bây giờ tôi thấy ngạc nhiên và sợ hãi do vẻ ác độc trong giọng nói của bà và của những người kia. Nhưng điều đó cũng dễ hiểu vì Khmer Đỏ đã hoạt động, khiến cho gia đình này chống lại gia đình kia nhân danh Angka Leu.
“Cũng chẳng cần tốn nhiều sức để giết hắn. Mỗi người trong bọn ta cứ  đái lên đầu hắn là hắn sẽ chết ngay!” Một người đàn bà già hơn cất giọng chua cay với bước xuống bậc cấp dốc đứng như thang trước nhà.
Có mười lăm phụ nữ tuổi trạc năm mươi, sáu mươi mặc quần áo đen đi ra khỏi nhà. Có vẻ như họ vừa có mít tinh xong. Tôi thấy sợ Yiey Chea, sợ bà ta nhận ra tôi và buộc tôi tội gián điệp. Với hai chiếc túi đầu rau nặng gẫy cổ, tôi bước ra xa, cố tỏ ra bình thường khi ngẫm lại tất cả những điều họ vừa nói.
Thả bom thân nhân bà con mình? Tôi suy nghĩ. Chú Seng đâu có thả bom, chính là B-52 đấy chứ. Tôi thấy bối rối  vì những lời kết án và châm chọc của họ, nhưng tôi thấy bối rối nhiều nhất là do lòng thù ghét của họ đối với chú tôi, khiến họ đưa ra những lời buộc tội mà chính họ không biết được sự thật.
Khmer Đỏ giờ đây tập trung vào việc biến những người dân thành thị chạy ra thành người lao động. Thoạt tiên, hầu hết những người trưởng thành đều bị bắt đi đào kênh thuỷ lợi, một công việc nặng nhọc mà chỉ dùng bằng cuốc. Mọi người phải làm việc. Mẹ tôi và các cô phải đi thu nhặt phân bò và phân trâu rải rác trong làng và chuyển chúng ra đồng lúa. Mak được người ta phát cho một cái thúng để đi bưng phân. Đặt thúng lên đầu, đầu bà chỉ cách lớp phân súc vật qua cái thúng và một lớp khăn xếp lại thành hình cái gối đặt dưới thúng. Khi Mak đi ngang qua vườn Kong Houng, tôi hỏi Mak “Mak, cái gì trong thúng vậy?”
“Chỉ là phân bò thôi, koon”. Bà hạ cái thúng xuống cho tôi thấy.
“Hơ, hơ!” Tôi kêu lên và nhảy lùi lại trước đống phân đen và nhão. Mak thì cười. Bà tủm tỉm đặt lại cái thúng lên đầu, tiếp tục công việc, một công việc chẳng giống tí gì với bất cứ công việc nào bà đã làm trong đời. Tôi chạy đi tìm Avy, người em gái bảy tuôi của tôi và kể cho nó nghe chuyện đống phân trên đầu của Mak. Nó nhăn mũi và chúng tôi bật cười trước bài học mới của cuộc sống.
Nhưng còn nhiều bài học tiếp theo nữa. Có một cuộc mít tinh của trẻ em và người ta bảo tôi đi dự. Tôi diện chiếc váy màu xanh nước biển đẹp nhất của mình và chiếc áo trắng rất dễ thương. Tôi còn mang đôi giầy da mà Mak mua cho tôi ngày trước khi Khmer Đỏ chiếm chính quyền. Tôi đến dự một mình. Tôi ngạc nhiên thấy trẻ con từ mười đến mười ba tụ tập ở một vựa lúa giữa các đụn cỏ khô. Giữa các đụn rơm ngả nghiêng, đám “trẻ con thành thị” đứng tách riêng khỏi đám trẻ địa phương, áo quần vá chằng vá đụp, rộng thùng thình và rách rưới, tóc tai không chải. Tôi nhận ra rằng ý tưởng của mình về một cuộc mít tinh không bao giờ giống với quan niệm của Khmer Đỏ cả.
Ba người phụ nữ mặc đồ màu tối, bạc màu, khăn rằn cũ kỹ quấn trên đầu ra lệnh cho chúng tôi đi theo họ ra cánh đồng lúa nằm cách làng chừng hai dặm. Tôi không muốn đi với họ, và tôi nhớ điều họ đà làm với Pa. Tôi sợ phải chống đối và điều đó làm tôi tủi hổ. Tôi đành tiếp tục đi theo lũ trẻ, phần lớn là những đứa trẻ ở địa phương, những nô lệ trung thành của Khmer Đỏ. Chúng chạy chân trần trên con đường đất nổi cao giữa những ruộng lúa như thể mặt đất sù sì dưới chân là tấm nệm êm của chúng vậy. Khác với chúng, đám trẻ con thành thị đi thong thả như đang đi chợ.
Giống như cá gặp nước, đám trẻ con trong làng lao nhanh xuống ruộng lúa sũng nước vừa mới cày – một thửa ruộng màu nâu ngập nước với những bó mạ non xanh mướt. Theo sau đám phụ nữ, những đứa trẻ trong làng lũ lượt lội xuống thửa ruộng đầy bùn. Đây là công việc chúng quen từ bé nên chúng biết phải làm gì khi lanh lẹ vãi các bó mạ ra khắp cánh đồng. Rồi chúng trồng thành luống thành hàng. Bàn chân toả ra, cẳng dang rộng, chúng gập người xuống để cắm vài cây mạ vào trong bùn bằng một tay, tay kia vẫn giữ bó mạ. Đối với chúng, đây có vẻ là một trò chơi thú vị. Còn đối với tôi, công việc đồng áng này rất chán nản, chẳng có gì thú vị. Một trong những người phụ nữ gào lên với chúng tôi: bọn trẻ con thành phố, xuống ruộng đi! Chúng tôi ngần ngừ, đặc biệt là tôi, bởi vì tôi sợ làm bẩn bộ quần áo đi học của mình.Nhưng tôi không còn chọn lựa nào khác. Tôi nín hơi và thận trọng bước xuống ruộng, sau khi bị mấy người đàn bà kia hối thúc liên hồi, để lại đôi giày học trò trên bờ ruộng phía sau lưng tôi.
Tôi sửng sốt trước cách họ nói với tôi, không có cái giọng ấm cúng, thân thiện mà người lớn thường dùng khi nói chuyện với trẻ con là “cháu” hay “con gái”. Tôi không nhớ nổi người đàn bà đã gào lên một cách thô lỗ với tôi ra lệnh cho tôi phải làm cái này cái nọ. Trong Sangkum mun (xã hội trước) thì hẳn Mak hoặc Pa đã can thiệp, phản bác và điều chỉnh thái độ của những người đàn bà này. Tôi kéo váy lên, ước chi Khmer Đỏ chưa bao giờ hiện hữu, ước rằng họ vô hại như kẻ xấu trong phim ảnh, sẽ biến mất khi đèn bật sáng.
Tôi đứng chờ trong nước ruộng quánh và lạnh, bùn bắt đầu làm cho da chân tôi nhức nhối, một người phụ nữ trao cho tôi một bó mạ thon. Tôi khép váy vào giữa hai chân, giữ cho nó an toàn phía trên cao mặt bùn. Người phụ nữ bày cho tôi trồng mạ một cách nhanh nhẹn, khéo léo.
Tôi cố làm theo bà, nhưng các thân cây không dễ gì đứng yên, chúng nổi lên trên mặt nước như những bong bóng. Tôi chỉ ước ao tôi làm được như những người kia, chân nhấc được ra khỏi bùn và lướt đi nhẹ nhàng, nhưng chân tôi thì cứ như dính chặt vào mặt ruộng. Tôi toát mồ hôi đầm đìa, đưa tay quẹt trán, và cố nuốt tiếng kêu thét vào trong họng. Không giống như mấy đứa trẻ nông thôn, tôi không đứng dang chân ra, thay vì vậy, tôi đứng hai mắt cá khép vào nhau – tư thế cẩn thận khi mặc váy. Mấy đứa trẻ thành phố khác cũng làm như vậy. Lưng và chân tôi đau nhức vì phải cúi xuống một góc rất nhọn, như thể phải cúi chào ai đó sát đất mãi mãi vậy. Một trong mấy đứa trẻ thành phố là tôi vì thế tụt lại phía sau đám trẻ nông thôn rất xa.
Tôi chi mới tiến được vài tấc trong khi chúng đã cấy xong được nửa cánh đồng. Chúng làm nhịp nhàng và nhanh nhẹn trong khi chân chúng lướt trên đám bùn. Tôi quan sát công việc của chúng, cố làm theo, nhưng vẫn không làm được. Tôi lại nghiên cứu về tư thế, kỹ thuật, nhưng tôi vẫn chưa hình dung ra được. Rồi chuyện này bắt đầu ám ảnh tôi, như tôi cố làm chủ trong trò chơi nhảy dây đơn giản vậy. Nếu bọn chúng có thể làm được, thì mình cũng có thể làm được. Tôi cố cấy nhanh, nhưng gặp cây mạ nổi lên trên mặt nước khiến tôi hầu như suýt té sấp mặt vào nước bùn.
“Chuyển chân của mày ra như thế này này”, một bàn tay của ai đó nắm lấy chân phải của tôi. Tôi ngạc nhiên thấy một trong những người phụ nữ kéo chân phải của tôi tách khỏi chân trái.
Bọn trẻ cùng làm việc với tôi đồng thanh bật cười khúc khích. Tôi đưa mắt nhìn lên và thấy bọn trẻ làng đang nhìn tôi với vẻ thích thú, cả bọn trẻ thành phố cũng vậy. Tôi cũng cười với chúng và thấy bớt tủi nhục, giận dữ. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi thấy người đàn bà nọ không mắng tôi chậm chạp. Thay vì vậy, mấy người phụ nữ và bọn trẻ làng lặng lẽ cấy mạ quanh chỗ tôi và chỗ của bọn trẻ thành phố khác, trồng khắp cả vùng còn trống cho đến khi chúng tôi xong việc. Chúng vớt những gốc mạ nổi cũng như những cọng rơm lại để vào một chỗ. Từ khi chân tôi bị kéo dang ra, chiếc váy mềm của tôi đã bị nhúng vào bùn, nhưng bây giờ tôi không lo âu nhiều về áo quần mình nữa. Tôi nghĩ mình sẽ giặt chiếc váy và tẩy vết dơ trên áo. Tôi đã điều chỉnh cho thích hợp với những điều mà mình không thể thay đổi.
Đến lúc cả bọn chúng tôi trồng hết ruộng mạ, lê bước qua bốn cánh đồng, tôi mệt lả. Tôi đói và cả người dính đầy mồ hôi vì làm việc dưới ánh nắng. Một phần trong tôi cảm thấy hãnh diện vì tôi đã học được cách trồng lúa, nhưng đồng thời tôi cũng căm ghét lối sống này. Ở đây, đã đi lùi lại, như mấy đứa trẻ trong làng, vừa bước giật lùi vừa trồng mấy luống mạ vậy. Một lần nữa, tôi ước ao được trở lại trường và đời sống trước đây của mình – để học về các vì vua đã chết mà trước đây tôi thấy chán ngắt, giờ lại thấy hấp dẫn.
Nhưng hôm nay anh Than gặp phải một bài học mà có lẽ từ trước đến giờ là chấn động nhất. Anh là một trong số một nhóm học sinh trẻ được lệnh đi phá các đền chùa, miếu thờ được gọi là Ronng Neak Ta, những nơi đặc biệt dưới bóng râm khổng lồ của một cây Po (cây đa) già, tàn rộng, uy nghi, nơi người ta tin rằng linh hồn người chết trú ngụ. Những miếu này được làm từ các hộp gỗ nhỏ có hình dáng một ngôi nhà, được gắn chặt vào giữa các nhánh cây lớn hoặc trong hốc thân cây lớn. Tại mỗi hộp người ta đặt một lon thiếc đổ đầy cát để cắm nhang vào khi cúng vái. Khi đến miếu Ronng Neak Ta, người ta mang theo thực phẩm, nến và nhang. Tại đây người ta thổ lộ tâm can với linh hồn chủ trì của miếu, và khẩn cầu cho mình được sức khoẻ, may mắn và hạnh phúc.
Anh Than rất bối rối  khi anh kể cho Mak và những người bà con trong nhà nghe về nhiệm vụ trong ngày hôm nay của anh. Bằng búa tạ và cuốc, họ đập nát những đền miếu đã được dựng nên từ nhiều năm. Họ đi từ làng này sang làng khác, thúc giục bọn con trai kêu la hò hét khi họ đập đổ chùa miếu, giống như một bộ phận đi reo hò, cổ vũ cho tội ác. Mọi người dân đều chấn động, không nói được nên lời. Anh Than nói, vẻ mặt như muốn hỏi Làm như vậy có được không. Không khó lắm để nhớ đến anh Tha dã chết chỉ vì tiểu tiện nhầm lên mộ của ai đó. Nhưng vào tuổi mười một anh Than hiểu rằng anh chẳng có tiếng nói nào khi đó là việc của Khmer Đỏ. Cuối cùng anh nhún vai “Họ bắt chúng con làm…Hò hét chúng con phải phá hoại…Giờ con rất lo âu các linh hồn sẽ nổi giận…” Anh nhíu mày. Nếu họ bác bỏ đời sống tôn giáo, nếu họ không sợ các linh hồn nổi giận, tại sao họ không tự mình huỷ hoại chùa miếu?
 Khmer Đỏ không chỉ muốn chế ngự đời sống tâm linh bên trong của chúng tôi mà cả vẻ bên ngoài của chúng tôi nữa. Họ yêu cầu đàn bà con gái phải để tóc ngắn. Quy định này là một sự xúc phạm có tính tóan vào nền văn hoá của chúng tôi, vốn ca ngợi vẻ đẹp truyền thống của mái tóc dài. Nếu chúng tôi không tự cắt tóc ngắn ngang trái tai, họ cảnh báo, họ sẽ cắt thay cho chúng tôi. Các chị Chea, Ra, Ry bèn quyết định để Mak cắt tóc. Má tôi lấy kéo và cẩn thận tỉa đều mái tóc trước đây xoã xuống phía sau đầu của mấy chị. Tóc rụng, lại một mất mát khác. Tôi nhìn các chị một cách tò mò, như thể các chị bây giờ mang đầu tóc giả của Khmer Đỏ vậy. Tóc tôi thì chỉ mới chạm vai, tôi sợ cái ngày tôi phải theo các chị cắt tóc cho ngắn. Còn bây giờ thì tôi chưa đủ lớn để làm cho người ta lo âu. Thợ cắt tóc của Khmer Đỏ thì cắt tóc chẳng cần phải tính toán gì. Họ chỉ cần chụp một cái vỏ dừa khô hình vỏ sò lên đầu, bất cứ sợi tóc nào thòi ra liền cắt luôn thành một đường tóc rất thô. Kiểu tóc này rất dễ nhận ra, với những cuộn tóc không đều xoã xuống chỗ dài chỗ ngắn, một tác phẩm của một đứa bé lên năm tuổi.
Bọn Khmer Đỏ biết cách tác động lên dân chúng thật sâu. Cái đầu là phần thiêng liêng nhất trong thân thể đôi với một người Cambodia. Bị đánh vào đầu, hoặc một người nhỏ tuổi hơn hay kẻ thù chạm vào đầu là một sự sỉ nhục lớn lao. Thế mà những kẻ cai trị chúng tôi tỏ ra coi thường đời sống của người Cambodia trước đây. Chỉ có lịch sử của cái bây giờ và ở đây mà thôi.
Mỗi ngày bon Khmer Đỏ lại đưa ra các luật mới. Bây giờ chúng còn muốn kiểm soát ngôn ngữ thoát ra từ miệng chúng tôi. Chúng tôi phải dùng cách xưng hô của nông thôn để gọi, như gọi mẹ là Mae, gọi cha là Pok. Chúng tôi được quyền chọn lựa khác là gọi cha mẹ bằng “đồng chí”, một từ lạ tai, lạnh lùng mà nghe phát âm ra tôi đã thấy buồn cười. Vô lý biết bao! Trong nền văn hoá của chúng tôi, chúng tôi có đến bốn hay năm từ dùng để miêu tả việc ăn, khi nói với người lớn tuổi hơn, với vị sư hay với một vị vua. Thế mà đột nhiên chính cái ngôn ngữ ấy thay đổi mà không ai hỏi ý kiến chúng tôi. Ấy vậy mà, khi đứng sắp hàng chờ lãnh khẩu phần gạo, tôi nghe mấy đứa trẻ thành thị khác dễ dàng nói năng theo cách nói mới ấy. Dẫu sao, điều này làm tôi thú vị, lòng hăng hái của tuổi trẻ bằng cách này hay cách khác cũng phải tràn ra mà.
“Đồng chí Mak? Nói cái này nhé?” Tôi nói cộc lốc với mẹ tôi, khiến bà cười. Thật dễ thương khi nhìn nụ cười quen thuộc của bà. Điều này khuyến khích chúng tôi làm tới. Các chị tôi và tôi diễu với nhau bằng cách áp dụng những từ mới. Chúng tôi gọi nhau là “Đồng chí Athy” hay “đồng chí Chea” bằng vẻ châm chọc duyên dáng. Đó chính là nỗ lực chúng tôi nhằm đối phó với những điều mình không thể thay đổi. Dẫu vậy, khi không người lạ, chúng tôi vẫn gọi người trong gia đình theo cách như cũ. Chúng có thể lấy đi ngôn ngữ gia đình của chúng tôi nơi công cộng, nhưng chúng không thể lấy đi chính gia đình, chất keo đã gắn kết chúng tôi. Cách xưng hô đó là của riêng chúng tôi.
Thay vì sử dụng tiền tệ, Khmer Đỏ lại phân phối khẩu phần bằng thóc. Số thóc này lấy trực tiếp từ kho thóc thặng dư trước họ đã tịch thu từ Kong Houng – đến hàng trăm hàng ngàn ký thóc. Họ phân phát thóc cho chúng tôi bằng thúng nan. Người lớn nhận khẩu phần nhiều hơn khẩu phần một đứa trẻ chín tuổi như tôi. Chúng tôi phải tự biến phần thóc của mình bằng cách chà. Phải quan sát và học hỏi. Tôi phải chủ động, thích nghi để sống còn. Tôi giúp mẹ và các chị chà thóc. Hạt thóc vàng chưa xay được đổ vào trong một cái cối khổng lồ bằng xi măng chôn trong dất, trên đó treo một cây cột lớn và nặng, thẳng đứng nối với một thanh ngang. Chúng tôi cùng bước lên một đầu của thang ngang này, rồi nhả ra. Cây cột đập mạnh xuống cái cối như một chiếc càhy khổng lồ, làm hạt rời khỏi vỏ. Rồi chúng tôi xẩy trấu, lấy hạt ra khỏi vỏ, rồi lập đi lập lại việc này. Còn về thức ăn, chúng tôi đi đánh cá lúc rảnh, điều này càng lúc càng hiếm hoi. Chúng tôi cũng hái rau nơi vườn cây ăn trái của Kong Houng vốn đang tàn tạ nhanh chóng và những cây rau khác mọc hoang trên đồng hoặc chung quanh các ngôi nhà trong làng.
Khẩu phần lúa được cấp không bao giờ đủ ăn. Thường thường, Mak rời nhà sau khi giúp chúng tôi dọn bữa ăn lên trên chiếc bàn gỗ. Trước đó, mỗi khi chúng tôi đòi thêm cơm, mẹ buồn rầu đặt muỗng xuống và chia phần của bà cho chúng tôi. Về sau, mẹ thường chạy đi đâu đó khi đến giờ ăn. Mẹ bảo chúng tôi cứ ăn, đừng đợi bà. Chúng tôi nghe lời, ăn hết không để phần lại cho mẹ. Tôi bắt đầu nhận ra rằng Mak không bao giờ ăn cả. Tôi không bao giờ nghĩ nhiều về chuyện này, nhưng tự hỏi làm sao Mak không bao giờ tỏ ra đói bụng cả.
Mãi sau tôi mới tìm ra. Hóa ra vào những lúc đó, Mak đã đi quanh làng Year Piar xin thức ăn từ những người phụ nữ trong làng mà Mak từng quen biết. Mẹ đi xin thức ăn tức là mẹ đã hạ mình trước những người phụ nữ đó. Điều này làm tôi đau như bị dao cắt. Từ nay trở đi, tôi biết rằng không thể có một tương lai nào dưới chế độ Khmer Đỏ.
Bây giờ là tháng mười, bốn tháng sau khi cha tôi bị hành quyết. Nhiều tin đồn lan truyền. Rằng chẳng bao lâu chúng tôi sẽ bị di chuỷên đi nơi khác. Đi đâu? Mak hỏi quanh, nhưng không một ai biết cả.
Vào đêm trước khi rời khỏi nơi đây, Mak nằm mơ thấy Pa. Ông xuất hiện, không có đầu. Ông bước về phía Mak và cố dùng tay kể cho bà một số chuyện, nhưng Mak không thể hiểu. Khi mẹ hỏi ông vài điều, ông đứng đó, không đầu, nhưng lắng nghe. Rồi ông biến mất vào đêm tối, để cho Mak gào thét xin ông quay lại. Cơn ác mộng này là một điềm báo tăm tối đôi với tất cả chúng tôi.
Ngày hôm sau chúng tôi cùng nhau ăn bữa ăn bằng cháo gạo nấu với rau, có thêm phần thân chuối và cá. Không ai nói gì ngoại trừ vài tiếng cụt lủn như đưa giùm cái đũa, cái chén…Tôi thấy sợ hãi. Tôi sụp xuống khóc. Các chị tôi cũng vậy. Xuyên chiếc lều mở toang, nơi chúng tôi vừa ngồi ăn, tôi đưa mắt ngắm vườn cây sau nhà, cái khoảng đất trống trước đây dứa đã từng mọc ở đấy. Hàng cây ăn trái, những cây me im mát, tôi dùng mắt vuốt ve chúng, như thể nói lời từ biệt với nơi trú ngụ, nơi tôi tìm thấy chỗ ẩn mình, một nơi hầu như nằm bên ngoài cuộc cách mạng.
Ngay cả ông bà tôi, Kong Houng và Yiey Khmeng bây giờ cũng phải rời nhà, nơi ông đã đấu tranh để bảo vệ suốt những năm tháng qua. Đôi với gia đình tôi, sự ra đi này là cái bắt đầu cho một sự thực trần trụi. Đuổi chúng tôi ra khỏi nhà của Kong Houng, vốn được xây nên làm quà cưới Yiey Khmeng, tiêu biểu cho một điều gì còn hơn cả sự trục xuất. Nó lột bỏ khỏi chúng tôi cái ấn tượng cuối cùng về một cuộc sống bình thường, cắt đứt sợi dây nối chúng tôi với cộng đồng gia đình. Từ đây, chúng tôi bị ném ra như một nắm gạo theo những hướng bất định. Khi chúng tôi tới đây, Pa bên cạnh chúng tôi. Giờ thì ông đã khuất. Rời bỏ nơi này, tôi mang một ký ức luôn hiện hữu làm tổn thương tôi đến tột độ. Ở Cambodia chúng tôi tin rằng linh hồn của những người thân đã khuất chăm sóc chúng tôi. Đôi với tôi, đây là nơi linh hồn cha tôi trú ngụ. Rời nơi này, tôi thấy tôi đang rời bỏ ông.
Khi các chị Chea, Ra, Ry và tôi đi ra, chúng tôi đứng chờ Mak, Avy và mấy anh em trai theo kịp chúng tôi, tôi lại bật khóc. Tôi nghĩ đến những từ tôi không thể nói ra miệng. Bọn Khmer Đỏ sẽ giết chúng tôi. Tôi không muốn chết, không muốn bị giết bằng cuốc như Pa đã bị. Nước mắt tôi làm lây lan, châm ngòi cho nôĩ sợ hãi và đau đớn nơi chị Chea. Chị cũng khóc. Mấy người còn lại cũng làm theo. Chị Chea quàng tay qua vai tôi. Chúng tôi cùng khóc cho đến khi không còn khóc được nữa. Nỗi sợ vẫn còn, nhưng nước mắt thì đã cạn.
Hướng xuống con đường làng đầy bụi đất, chị Chea và chị Ra mang đồ đạc của chúng tôi bằng cách thô sơ nhất – vali và túi bằng chăn buộc lại cột vào hai đầu chiếc đòn gánh. Mak thì đội trên đầu một túi quần áo, dẫn đầu chúng tôi như con gà mẹ dẫn bầy gà con. Đi qua làng Year Piar rồi các làng khác, tôi vừa đi vừa cầu Phật. Xin phù hộ chúng con, phù hộ chúng con. Rồi tôi khấn linh hồn Pa chở che chúng tôi như tôi thường nghe người lớn khấn vái linh hồn tổ tiên họ che chở và đem lại may mắn.
Chúng tôi vượt qua nhiều cánh đồng, ngang qua một loạt các ngôi làng nhỏ cho đến khi thấy một đám người phờ phạc như những linh hồn vất vưởng dang tụ tập chờ bên cạnh đường xe lửa nơi một cánh đồng cằn cỗi. Ngồi chồm hỗm và đứng quanh đó là hàng trăm người bồn chồn đợi dọc theo đường xe. Đột nhiên cán bộ Khmer Đỏ trong đồng phục đen và súng trường trên vai như từ hư không xuất hiện, nhào ra dọc theo các toa xe. Một số chạy đến cuối xe lửa, một vài người mở cửa toa xe ở trước mặt chúng tôi.
“Lên xe, lên xe đi!” Họ hét lên, tay vẫy trên không.
Chúng tôi vâng lời, chen chúc nhau leo lên các toa chở hàng. Phần lớng chúng tôi là phụ nữ. Mẹ đưa tay nắm con, con vói tay tìm mẹ. “Mak, koon, lẹ lên, đợi đã” là những tiếng duy nhất thốt ra khi dòng người cuồn cuộn tràn vào các toa hàng. Sau đó là tiếng khóc. Bọn Khmer Đỏ bắt đầu tách các thành viên của gia đình vào các toa khác nhau, ngẫu nhiên như người ta phân các đàn gia súc ra vậy. Bây giờ Angka Leu mới chính là gia đình của bạn. Các bà mẹ thì van nài, trẻ con thì kêu khóc. Rồi một loạt súng làm họ yên lặng hẳn. Ngồi chồm hổm trên sàn gỗ trong toa tàu với Mak cùng các chị và anh em trai, tôi nhẹ nhõm khi thấy mình đã vào được trong toa, bị ép chặt giữa những người xa lạ.
Cánh cửa của toa đóng lại. Chúng tôi di chuỷên về phía trước, nhưng không đến nơi nào cả. Tôi nhìn những tia nắng chiếu xuyên qua vết nứt nơi cánh cửa kéo của toa tàu. Không thể nhìn thấy một chi tiết nào bên ngoài, cả một mẩu phong cảnh cũng không.  Rồi ngày nhạt đi, đêm tới, phủ lên toa tàu vốn đã tối đen một tấm chăn mực. Quanh tôi, thân người chen chúc, va chạm bừa bãi, chân người này gác lên đầu một người khác đang ngủ. Thường thì đặt bàn chân bên cạnh đầu người khác là một bỉêu hiện bất kính. Nhưng ở đây chẳng ai thèm quan tâm, và chính điều ấy làm tôi chấn động hơn.
Từ đàng xa, những tiếng đàn ông la lên. Khi tàu đến gần, tôi nghe tiếng “bánh mì bánh mì”. Cửa toa được kéo ra. Hai những đàn ông, một tay cầm đèn bấm, tay kia ôm một bó bánh mì, xuất hiện trong bóng tối. Bánh mì nóng được truyền đi. Tôi vươn ra lấy một ổ nhỏ, bằng cỡ một trái banh tennis, và ngấu nghiến luôn. Khi chiếc bánh ổn định trong dạ dày rồi, tôi bắt đầu suy nghĩ. Tại sao chúng ta cho mình bánh mì nếu chúng định giết mình? Có lẽ chưa. Có lẽ chúng sẽ sử dụng mình trước, rồi sẽ giết sau. Chiếc bánh mì tạo ra một tia hy vọng khi con tàu tiếp tục cuộc hành trình.
Đêm duỗi ra thành ngày. Tiếng bánh xe lửa lăn trên đường sắt ru tôi thiếp đi, rồi tôi thức giấc khi ánh mặt trời lách qua khe hở của chiếc cửa lùa, báo cho tôi biết rằng thời gian đã trôi qua, ngay cả khi cái thế giới của riêng tôi đã ngừng lại, và đang ngưng trệ trên các toa xe chở hàng này.
Tàu ngừng lại và tôi giật nảy người, trở lại với thực tại. Cửa luà được kéo, chúng tôi ùa ra ngoài, mất phương hướng, lắc lư người vì mới bước ra khỏi chuồng. Ánh mặt trời toả xuống khi chúng tôi lê bước kẻ trước người sau đi trên nền đất khô, nứt nẻ. Đây là lần đầu tiên tôi có thể duỗi thẳng chân ra sau hai mươi bốn tiếng đồng hồ nằm co quắp, đến nỗi cơ bắp tôi đau nhức khi tôi vẫy vùng tay chân như một bà già để làm chủ cử động của mình.
Cuộc sống của chúng ta giống như câu trong một bài hát quen thuộc, Chivth Choun reang chown pleang. “Cuộc đời có khi gặp hạn và có khi gặp mưa”.
Đây là lúc chúng tôi gặp hạn.
Chú thích
[1] Người chỉ điểm, thường là thành viên có cấp bậc của Khmer Đỏ, đi do thám dân chúng và báo cáo về họ với Angka Leu (tổ chức cấp cao)
[2] Có nghĩa  là “Má”, từ người nông dân ít học thường dùng