Chương 3

Thái thượng hoàng Nghệ Tôn chú ý đến viên quan thái sử gầy gò này từ lúc chưa lên ngôi. Lúc đó, ông tránh sự truy sát của vua phường chèo Dương Nhật Lễ, trốn lên vùng núi Tam Giang. Đi theo ông hồi ấy chỉ có Lê Quý Ly và một toán thân binh. Ông vẫn chưa kịp viết thư kêu gọi các đại thần quý tộc đến với ông. Ông đóng quân ở nhà một xã quan miền ngược, một ngôi nhà sàn của một lang đạo người Mường. Đang đêm, bỗng thấy có ánh đuốc lố nhố ở dưới nhà sàn. Quý Ly nói:
- Vùng này nhiều hổ, chắc binh sĩ phải thắp đuốc làm cho lũ hổ tránh xa.
Quý Ly ra đầu nhà sàn, hỏi tình hình. Viên gia tướng nói:
- Không phải hổ mà chính là người. Dân Mường báo có kẻ lạ mặt, người Kinh, lảng vảng ở khu đồi ngoài. Hắn gùi một cái bồ nặng trên lưng. Hắn hỏi một bà già, tìm tung tích của toán người Kinh mới trốn lên đây. Chúng tôi sợ nó là người của Dương Nhật Lễ.
- Đã bắt được chưa?
- Chúng tôi đến nhà bà già, biết được hắn đã bỏ đi. Anh em đốt đuốc tìm hắn từ chập tối, sục sạo khắp rừng vẫn chưa thấy.
- Người này rất khả nghi. Phải bắt bằng được, không thể để trốn thoát. Cho một toán lấy ngựa đi theo đường cái chặn hết các cửa rừng.
Mãi gần tảng sáng mới bắt được gã học trò ngủ trên chòi canh nương ngô, trên một cây cao. Gã học trò kêu oan, nhưng toán lính vẫn trói chân trói tay, khiêng như khiêng thú săn về ngôi nhà sàn. Nghệ Tôn hỏi:
- Ngươi tên gì? Làm việc gì?
- Tôi tên Văn Hoa, làm chức quan nhỏ chuyên việc chép sử.
- Sao ta chẳng biết mặt ngươi?
Bẩm đức ông, từ mấy đời vua rồi, triều đình có ai chú ý đến sử. Nhà chép sử thì dột nát. Quan chép sử không đủ lương ăn. Sử biên niên chẳng ai nhòm ngó... Quan thái sử chán nản, suốt ngày uống rượu...
- Còn nhà ngươi?
- Tiểu nhân chỉ giữ chức quan nhỏ trong Thái sử viện, vẫn hàng ngày làm trọn công việc của mình, vẫn hàng ngày ghi chép những sự việc xảy ra trong triều đình, đất nước. Mọi người bảo: “Đất nước nghiêng ngả thế này, ai cần đến mấy tờ giấy nát của ông?”. Nhưng tiểu nhân không nghĩ thế. Ông nghĩ sao?
- Tiểu nhân nghĩ: Sử là hồn núi hồn sông. Sử là tinh tuý của đất nước. Dân tộc nào biết chép sử càng sớm, càng có nhiều cơ hội văn hiến. Dân tộc nào càng biết quý trọng đến sử càng có nhiều cơ hội trường tồn. Thịnh đấy? Suy đấy! Chẳng vì thịnh mà kiêu, chẳng vì suy mà nản. Cứ bền lòng nhìn vào sử như tự ngắm mình trong một tấm gương. Ngắm để vẽ, để tô, để sửa, ắt khuôn mặt càng dễ ưa, dễ coi. Hồn núi ở đó, hồn sông cũng ở đó. Chẳng thế mà kẻ ngoại bang sang xâm lấn nước ta, lúc nào cũng chỉ nhăm nhăm xoá bỏ sử sách của ta.
Nghệ Tôn lặng người nghe gã nho sinh nói. Viên đầu ngũ dâng lên một cái bồ và trình:
- Bồ này bắt được của gã.
- Gì thế?
- Toàn là chữ cả ạ.
Nho sinh giải thích:
- Bẩm đức ông. Đó là những ghi chép hàng ngày của các sử quan thời trước và của tiểu nhân. Thái sử Lê Văn Hưu mới viết hết Lý sử, còn Trần sử chưa đụng đến. Thần thấy Dương Nhật Lễ là kẻ vô đạo nên bỏ đi, nhưng cứ tiếc những cuốn ghi chép này. Sợ rằng binh hoả sẽ làm mất mát, nên đành luôn luôn cõng nó trên lưng.
Nghệ Tôn nghe Văn Hoa nói, lật giở những trang giấy mà Văn Hoa lúc gian nguy cũng không rời bỏ, lòng ông rung lên những xúc cảm khó tả.
- Sao nhà ngươi lại lên đây?
- Bẩm, kẻ tiểu nhân đi tìm bậc chân mệnh thiên tử. Nghe tiếng đức ông là người đức độ, lại được nhìn thấy sự việc hàng ngày của đức ông ở triều đình, nên tiểu nhân đánh bạo đi tìm, chỉ mong sao cho nghề chép sử được chú ý, cho hồn núi hồn sông được chép liền chẳng dứt...
°°°
Sau ngày hội thề, cũng là lúc Sử Văn Hoa đột nhiên khỏi bệnh. Ông giã từ sư Vô Trụ ở chùa Sùng Quang, trở về nhà. Ông mỉm cười khi nghĩ tới cụ lang họ Phạm và nhà sư cứ ngạc nhiên tại sao ông lại đoán được vua Nghệ Tôn sắp gọi ông vào cung. Có gì bí ẩn đâu. Nghề chiêm bốc của ông vốn như vậy; cứ mỗi lần có những biến động lịch sử, cứ mỗi khi bi kịch như sấm sét được tích tụ trong cơn bão sắp nổ xuống đầu con người, thì con người lại cầu đến ông, nhất là các bậc vua chúa. Ông là người viết sử, người chiêm bốc. Toàn là những chuyện đùa chơi với lửa cả. Chép việc đời như thế nào đây? Sự lý biến dịch ra sao? Ta là kẻ dùng cây bút, dùng ba tấc lưỡi để hé nhìn tương lai, để sống ở đời, để làm bạn với vua chúa. Chỉ một chữ thôi, chỉ một câu nói thôi, ta có thể làm xổng xích một bạo chúa, hoặc có khi ngăn chặn một cuộc chém giết. Ta là kẻ thiện hay kẻ ác? Ta run sợ khi nghĩ đến điều đó, bởi chữ nghĩa có thể làm đảo điên biến ác thành thiện, hay thiện chuyển sang ác. Sống ư? Chết ư? Ta hàng ngày sống cận kề với chúng, cái chết của người đời và ngay cả cái chết của ta. Thú thực, lắm khi ta run sợ, ta muốn thoái lui; nhưng vở tuồng đại loạn đang cưỡi trên chiếc xe điên rồ, đang phi như bay trên quê hương ta. Thật đáng sợ nhưng cũng đầy hấp dẫn. Lạy trời? Chỉ mong sao chữ nghĩa của ta một phần nào ngăn được đà chạy của chiếc xe điên rồ đó. Lạy trời cho cả gió lên, bởi vì chỉ hết gió cả, mới có chỗ cho gió hiu hiu trở lại.
Sử đoán không sai; ông vừa về đến nhà đã nhận ngay được lệnh triệu vào cung gặp Nghệ hoàng. Ông vua già rất quý Sử Văn Hoa sau việc đoán mộng cho Duệ Tôn và sau khi Duệ Tôn bị tử trận ở Chiêm Thành. Ông gặp Sử, nghe Sử nói chuyện rất hợp ý. Sử lại dâng sách cho thượng hoàng xem: đó là phần một cuốn Trần sử, cuốn sách ông đã dành tâm huyết và đang viết dở dang. Trần Nghệ Tôn xem sách xong, khen hết lời và ban cho ông chữ Sử làm họ và cái tên Sử Văn Hoa cũng bắt đầu từ đấy. Thượng hoàng làm việc đó như vậy, đã khai sinh cho ông một lần nữa. Nghệ Tôn làm thế đơn thuần chỉ như một cử chỉ khen ngợi; nhưng đối với Văn Hoa, đó lại là một điều trọng đại; chữ Sử đối với ông đột nhiên trở thành một định hướng. Cái lẽ sống mà ông âm thầm nung nấu, sở dĩ âm thầm bởi vì ông chỉ là một viên quan nhỏ vô danh, nay đã như cái dùi trong bị lộ ra; vua đã biết tên, lẽ sống đã được khẳng định nên nó càng trở nên mạnh mẽ.
Cảm cái ơn tri ngộ của thượng hoàng, từ đó ngoài trách nhiệm của một thần từ, Sử Văn Hoa còn coi Nghệ hoàng như cha đẻ của mình, lẽ dĩ nhiên ông cũng đủ trí thông minh và lòng tự trọng để không bộc lộ nó ra bằng sự tận tuỵ, bằng sự chí thành. Ngược lại, ông vua già cũng cảm thấy điều đó, ông đối đãi với Sử như một người thân tín.
Trần Nghệ Tôn ngồi trên sập vàng, vẻ nóng nảy chờ đợi. Vừa trông thấy Sử, ông vui mừng ra mặt. Chờ cho Sử quỳ lạy xong, ông vẫy Sử lại gần:
- Trẫm đã có một giấc mộng rồi.
- Dạ thưa...
- Chả là trẫm thèm một giấc mộng. Ba ngày qua, kể từ hôm trước hội thề, trẫm đã trai giới để cầu thần Đồng Cổ và ta đã gặp mộng.
- Tâu bệ hạ, người đã gặp thần Đồng Cổ.
Chắc là vị thần ấy. Thần Đồng Cổ là vị thần bộ quốc Hồi nhà Lý, nhờ thần Đồng Cổ báo mộng mà Lý Thái Tôn đã dẹp được loạn ba vương. Ông ấy là thần hộ quốc chắc ta đã gặp thần Đồng Cổ.
- Tâu bệ hạ, sao lại chắc?
- Đúng, ông ấy. Một dị nhân, mình cao tám thước, mày râu cứng nhọn, mặc chiến bào, tay cầm binh khí, cưỡi con ngựa chiến mầu đen. Nhưng lạ thật...
- Tâu bệ hạ, sao lại lạ?
- Bởi vì khi ta hỏi: có phải thần Đồng Cổ đấy không? Ông ta lại im lặng... Ta đâm ngờ ngợ.
- Dạ... Tâu...
- Ta ngờ ngợ... vì trông ông hao hao giống em ta
- Tâu bệ hạ... giống đức Duệ Tôn.
- Em ta cũng cưỡi con ngựa đen, cũng mặc giáp trụ... Em ta cao lớn sừng sững...
- Tâu bệ hạ... Thần nghĩ là hoá thân.
- Đúng, ngươi nói đúng. Có thế mà ta không hiểu ra. Hoá thân? Phải rồi? Thần Đồng Cổ đã hoá thân vào em ta để báo mộng cho ta. Một đằng là vị thần hộ quốc, một đằng là người anh hùng trung trinh với nước. Hồn thiêng của cả hai người quyện vào nhau, chắc giấc mộng phải linh ứng.
- Tâu bệ hạ, giấc mộng thế nào?
- Ta thấy ông ấy, thấy em ta trong sương khói. Mồm ông ta mấp máy. Ta nói: ngươi định nói gì cứ nói cho to. Trong gió bão, ta căng óc ra nghe. Ông ấy đọc một bài thơ:
Trung gian duy hữu xích chuỷ hầu
Ân cần tiềm thướng bạch kê lâu
Khẩu vương dĩ định hưng vong sự
Bất tại tiền đầu, tại hậu đầu
Nghĩa là:
Quãng này chỉ có hầu mõm đỏ
Lăm le lên lầu gà trắng
Khẩu vương đã định việc còn mất
Chẳng ở trước mà ở về sau.
Thật quỷ quái! ta chẳng còn hiểu ra thế nào nữa. Ta choàng tỉnh dậy và không ngủ lại được nữa. Ta suy nghĩ để đoán, nhưng càng nghĩ càng rối tung lên. Ta đến thái miếu, thắp hương, xin tổ tiên cho đủ sự minh mẫn để suy nghĩ, nhưng cũng chẳng thể đoán ra sự huyền bí của giấc mộng, của những câu thơ. Ta chỉ còn biết trông cậy vào ngươi.
Sử Văn Hoa nhìn ông vua già đột nhiên như suy sụp hẳn đi, nhưng Sử không muốn vỗ về ông vua già. Ông hiểu ông vua già là con người suốt đời chỉ muốn chìm vào giấc ngủ. Chỉ cần bẻm mép an ủi ông ta bằng những linh tượng huyền bí, chỉ cần nguỵ luận dùng cách nói đông nói tây, dùng phép phản mộng lạ đời, chỉ cần giảng giải bằng những lời thật khác lạ, ngoắt ngoéo, chắc chắn ông ta sẽ an lòng ngay, và lại chìm vào một du mộng. Ông vua già sắp chết rồi. Bằng cách an ủi, ông ta sẽ chết một cái chết nhẹ nhàng, ngọt ngào. Nhưng không thể thế được. Cần phải nói ra sự thật. Người gần đến cái chết cần phải biết sự thật. Nếu kiếp người là những luân hồi, thì sự thật ắt hẳn phải bổ ích cho những kiếp sau. Nghĩ vậy, Sử Văn Hoa nói:
- Người báo mộng là đức Duệ Tôn hay thần Đồng Cổ thì cũng vậy thôi. Xin bệ hạ chỉ nên hiểu đó là một người quan trọng. Người đó lại mặc giáp trụ, cưỡi ngựa chiến mầu đen. Vậy tin người ấy báo qua những câu thơ ắt hẳn một điều vô cùng trọng đại, có liên quan đến sự sống còn.
Mắt ông vua già sáng quắc:
- Ta cũng nghĩ thế. Nhưng, việc quan trọng ấy là gì? Khẩu là
, vương là
, chữ Vương trong chữ khẩu là chữ quốc
. Đó là việc còn hay mất của đất nước.
- Đất nước ư?
- Vấn đề đã quá rõ ràng, đất nước đang ngả nghiêng.
Thần xin đọc lại mấy câu thơ một cách nôm na:.
Lúc này chỉ có “hầu mõm đỏ”
Đang lăm le trèo lên “lầu gà trắng”
Việc còn mất của đất nước đã được định rõ
Chẳng phải trước kia mà ở sau này.
Bây giờ chỉ còn hai câu thơ đầu: “gà trắng” là ai, “hầu mõm đỏ” là ai? “lầu gà trắng” phải chăng ngai vàng?
- Đúng rồi. Ta sinh năm Tân Dậu. Ta cầm tinh con gà...
- Vậy “hầu mõm đỏ” là ai?
- Thôi thôi, ta hiểu rồi. Ta cám ơn khanh. Nhà ngươi không cần phải nói nữa.
Sử Văn Hoa phủ phục xuống, lạy thượng hoàng. Còn Nghệ hoàng lặng lẽ quay vào hậu cung.
Sử ra về, lòng buồn rười rượi. Ông biết “hầu mõm đỏ” là ai lắm chứ. Trong triều đình, ít ai biết quan thái sư Lê Quý Ly sinh năm Thân, cầm tinh con khỉ. Ông là quan chép sử, lý lịch của những người cầm nắm vận mệnh đất nước là điều ông phải biết, nhưng cũng phải chôn chặt chúng trong lòng.
°°°
Mấy hôm sau, tin đồn về giấc mộng của Nghệ hoàng lan ra khắp triều đình rồi lan ra khắp kinh thành.
Có người bảo giấc mộng là thật, thần Đồng Cổ rất thiêng. Ngày xưa thần đã thác mọng cho Lý Thái Tôn cứu nguy cho nhà Lý khỏi loạn ba vương; ngày nay thần thác mộng cho nhà Trần cũng để cứu nguy cho nhà Trần, bởi vì nhà Trần có công to với đất nước, ba lần đánh tan giặc Nguyên. Các vua Trần hồng phúc rất dày, triều đại nhà Trần còn dài lâu.
Có người lại bảo giấc mộng là giả, Nghệ hoàng đã bịa ra giấc mộng để răn đe thái sư Quý Ly, và để kêu gọi những người còn trung thành với nhà Trần mau ra tay cứu nguy cho đất nước.
Rồi người khác lại bảo, trăng tròn phải có lúc khuyết, thịnh phải có suy. Nhà Trần bạc nhược lắm rồi! Lòng dân chán ngán lắm rồi! Đói khổ lắm rồi! Tham nhũng lắm rồi? Cứ gì nhà Trần; vua nào chả là vua. Thèm đổi đời lắm rồi.
Người ta đồn ầm lên dư đảng của nhà sư Phạm Sư Ôn đang sắp kéo về Thăng Long.
Lại có tin vừa mới bắt được vụ làm bạc giả. Gánh ra hàng chục gánh tiền giấy, toàn tiền một quan vẽ hình con rồng. Thảo nào, tiền giấy càng ngày càng mất giá. Người ta lén lút đổi tiền giấy ra tiền đồng rồi đem chôn. Rồi một buổi sáng, người ta thấy dán ở khắp Thăng Long những tờ giấy trên có dòng chữ “Thâm tai Lê sư!” tức là: Thâm độc thay Lê thái sư!