Chương 2

Trước khi đi, viên quan coi ngục còn cho Sử Văn Hoa ăn cơm nắm muối vừng, rồi trao cho ông bộ quần áo nâu mới giặt thơm tho. Ông giơ hai tay nắm lấy tay Sử, dặn dò:
- Xin tiên sinh cẩn trọng?
Sử văn Hoa cảm động trước sự chân tình của ngục quan, tuy nhiên ông không khỏi nghĩ thầm chua chát: “Cứ như thể ta sáp lên đoạn đầu đài”. Mà cũng có thể lắm chứ. Khi quyết định đưa đoạn văn “Minh Đạo Luận” nộp lên trên, ông cũng đã nghĩ đến điều không may nhất. Song, ông không nghĩ tới việc Quý Ly muốn trực tiếp gặp ông. Ông đã gặp thái sư nhiều lần, chỉ có khác lần gặp này ông ở tư thế kẻ tử tội, còn Quý Ly ở địa vị ngươi phán xét tối hậu. Cứng rắn ư? Mềm dẻo ư? Chọn lựa thái độ nào? Ông không phải kẻ cuồng sĩ, không phải kẻ ngu trung, cũng không biết lựa theo chiều gió... Ông chỉ muốn mình vẫn là mình... Đó là sự dại khờ của ông, nỗi khổ đau của con người sống trong thời “thiên tuý”. Hay là, theo lời khuyên ông già ngục quan: hãy như con gà gỗ kia. Phải là bậc đại hiền và đại trí mới có thể được như con gà gỗ. Sử đã suy ngẫm kỹ về mình. Chẳng qua, trong lúc quẫn bí, ông mới chỉ chạm tới cải vỏ bề ngoài của triết lý ấy, để làm cho lòng mình bình tĩnh trở lại, để khỏi sa vào vực thẳm của sự mất trí. Chỉ thế thôi? Còn phần cốt lõi, tinh tuý của nó, mấy ai đã chạm tới được. Ta sống ở đời, ta chỉ là kẻ nửa vời. Nhưng nghĩ cho cùng, lúc này đây, lại sắp phải đối mặt với một tình cảnh căng thẳng, triết lý ấy há chẳng đem lại cho ta sự bình tĩnh, sự can đảm để dương đầu với số phận? Có lẽ đó là cái nghiệp, mà đã là nghiệp mấy ai tránh nổi?
Lần này, ông bị giải đi nhưng không phải đeo gông ở cổ - Đức ông Nguyên Trừng ra lệnh như vậy. Chỉ bị trói giật cánh khuỷu và được hai tên lính ngục áp giải trên con đường rộng, xum xuê những cây đại thụ, con đường dẫn tới nơi ở của thái sư Hồ Quý Ly.
Con đường dẫn thẳng tới cửa cung điện. Từ xa đã thấy vàng son chói loà. Càng đến gần, càng bị choáng ngợp hơn. Cái cổng đã là một công trình lớn, cao vút và nguy nga. Trên có tầng lầu đặt trống canh. Ngói mũi hài mầu xanh. Đỡ dàn mái là hàng cột gỗ lim đen nhánh. Cửa chính trên uốn cong, dưới có bánh xe gỗ. Hai cánh sơn son, trên vẽ rồng vàng bay trên những đám mây vàng. Hai cánh cửa lớn đóng im ỉm, hầu như chẳng bao giờ chúng được mở ra. Người ta đi lại ở hai cửa bên, cũng cuốn tò vò, cũng sơn đỏ. Vào một cửa, ra một cửa. Gần sát mái ngói xanh, là tấm hoành phi chạm trổ, tất cả dát vàng, và trên cái nền vàng chói lọi ấy là ba chữ đại tự sơn son: Hoạ Lư Cung.
Sau khi xem tờ lệnh gọi có dấu son của cung Hoạ Lư, tất cả còn phải chờ, một người lính đưa giấy tờ vào trình. Một lúc sau mới có lệnh giải tù vào. Bọn lính ngục bị gạt ra ngoài nhà chờ, áp giải tù ở trong do những lực sĩ nội vệ đảm nhiệm.
Sử Văn Hoa đi trên con đường đá xanh nằm giữa một cái sân lát gạch đỏ mênh mông. Song song với con đường đá phiến là hai dãy chậu đá khổng lồ to như những chiếc nong, bên trong đổ đất trồng những cây lạ và hoa quý hiếm.
Đôi rồng đá ngạo nghễ chầu hai bên chín bậc thềm đá để bước lên toà tiền điện. Đến đây. Sử văn Hoa lại phải khai trình đủ điều trước bàn một người thư lại. Tiếp đó, lại phải chờ. Viên thái sử đưa mắt nhìn khắp căn nhà. Ở hai bức tường đầu hồi treo những bức tranh, những bài châm, hoặc bằng mực nho vẽ trên lụa, hoặc bằng sơn vẽ trên vóc gỗ, hoặc bằng khắc chạm. Vì đứng xa, nên Sử không nhìn thấy viết gì, vẽ gì nhưng chắc chắn đó là những nét bút của những bậc đại nho và hoạ sĩ có tài. Và ấn tượng chung của tất cả những nét bút ấy đã làm cho ta kính phục, và nhắc nhở rằng ta đang ở một chốn văn nhã đúng thực như cái tên Hoạ Lư của nó. Nhưng đập vào mắt Sử nhất vẫn là hai bức đại hoành treo ở phía tường hậu. Hai cái bảng lớn hình chữ nhật, mỗi cái to chừng hai chiếc giường, được khắc nền bàng những hình kỷ hà, những hoa lá, những chim, những thú; toàn bộ nền ấy được thiếp vàng, ánh sáng chiếu vào những nét khắc chìm nổi của vàng đã trở thành long lanh, chỗ đậm, chỗ nhạt, nhiều sắc độ sáng tối. Và trên đó nổi lên những chữ sơn đen khỏe khoắn, vững chãi, đầy hứng khởi.
Một tấm viết bốn chữ “Vô dật, nãi dật” rút ra từ thiên Vô dật của Kinh Thư, một châm ngôn dành cho các bậc vua chúa đã được Quý Ly giảng ra quốc ngữ và dạy vua Thuận Tôn.
Tấm thứ hai có ba chữ: “Nhật nhật tân” rút từ câu: “Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân” (ngày mới, ngày ngày mới, lại ngày mới). Dòng chữ này trong sách Đại học, biểu lộ chí hướng của quan thái sư mà ai ai cũng biết.
Điều đáng chú ý: cả hai bức đại hoành ấy đều do chính tay Quý Ly tự viết. Cũng chính ông đã kiểm tra đám thợ khắc, thợ sơn; đôn đốc họ rồi bắt sửa chữa từng ly từng tí. Quý Ly muốn khoe chữ của mình; hay ông muốn dùng những nét chữ ấy để trấn áp, đồng thời trấn an mọi người trong triều đình, rằng ý chí cải cách của ông là bất biến, rằng ông là người có tài, có văn hiến, rằng cuộc cải cách không phải một việc làm mò, mà do một bộ óc chứa đầy kinh sử đã lo toan, tính toán kỹ lưỡng. Sử Văn Hoa thầm nghĩ: “Hãy gạt những ý nghĩ ấy sang một bên, chí ít hai bức đại hoành này cũng vẫn là hai tấm hoạ tự vô song, làm rung động mỗi ai vào đây”.
Sử chợt giạt mình, ngừng dòng suy nghĩ khi viên lực sĩ vào bẩm báo đã quay ra để dẫn ông đến gặp thái sư. Họ cởi trói cho người tù. Ông dùng bàn tay nọ bóp khuỷu tay kia; những khuỷu tay bị tê dại vì trói đã lâu. Rồi ông chỉnh từ quần áo, sắc mặt, và lặng lẽ khoan thai đi theo người lực sĩ từ toà tiền đường theo giải hành lang tiến về phía toà trung đường cao vút. Giải hành lang hai bên có lan can đá, phía ngoài lan can là vườn hoa đủ màu sắc. Hết hành lang dài đến một chiếc cầu đá năm nhịp bắc ngang một chiếc ao nhỏ, dưới ao những bông hoa súng mầu đỏ tía lô nhô mọc ở một góc, những con cá vàng, cá chép đỏ vẫn thường được Quý Ly ra đứng trên cầu thả xuống những bánh bỏng gạo cho ăn, nay nghe tiếng chân người tưởng là bước chân của chủ, chúng lao xao nổi lên mặt nước.
Toà nhà chính, điện Hoạ Lư với bộ mái vàng với những hàng cột và những cánh cửa sơn son, nguy nga, sừng sững trước mặt, chợt làm viên quan thái sử nhỏ bé thấy trái tim mình đập rộn ràng. Người lực sĩ dừng chân, và bắt Sử cũng phải dừng chân. Gương mặt lạnh tanh, hắn chằm chằm nhìn vào mặt viên quan chép sử; rồi hai bàn tay to của hắn rà soát lại một lần nữa khắp người Sử Văn Hoa. Rà soát xong, hắn ve vuốt, vỗ nhẹ lên bộ quần áo Sử, ý chừng để cho chúng được phẳng phiu, hết xộc xệch. Thậm chí, hắn còn bắt Sử chít lại chiếc khăn nhiễu tím và sửa sang lại những nếp gấp trên khăn.
Điện Hoạ Lư là một toà nhà năm gian, ba gian giữa được đội cao lên một tầng nữa; tầng gác trên gọi Tàng thư các, nơi Quý Ly đọc sách; tầng dưới là nơi làm việc. Ở hai bên tả hữu, lùi lại phía sau, là hai dãy nhà dành cho vệ sĩ và thị nữ.
Sau khi được lệnh, viên lực sĩ dẫn Sử Văn Hoa vào điện. Như được dặn từ trước, Sử đến cửa đã phải cúi đầu không được ngẩng lên, hai tay chắp trước mặt. Đi chừng mười lăm bước, người lực sĩ ở phía sau vỗ nhẹ vào lưng và Sử dừng lại, quỳ xuống vái lạy, đầu rạp xuống đất. Chờ một lát, mới thấy tiếng nói rất thản nhiên:
- Cho ông ta đứng lên? Và chờ đấy!
Sử Văn Hoa đứng dậy. Lúc này, ông mới được ngẩng mặt nhìn. Quan thái sư đang đọc một cái gì đó. Đứng sau lưng ông, sừng sững người lực sĩ lạnh lùng, khoanh tay trước ngực.
Sử đưa mắt nhìn quanh. Điều đập vào mắt ông trước tiên là bốn chiếc cột ngọc am. Bốn chiếc cột to hơn người ôm mầu đỏ sậm, hầu như ngả sang đen bóng nhẵn như sừng. Bốn chiếc cột chính của toà nhà, nằm ở khoang giữa. vươn lên tầng trên, có thể nói, làm vững chãi, chống đỡ cho toàn bộ ngôi điện. Quý Ly đã sai người vào dãy Yên Tử chọn lựa trong ngàn vạn cây tùng mới tìm được bốn cây xích tùng ngàn tuổi, to và cao đủ tầm hai tầng nhà. Gỗ của nó vừa cứng, vừa quánh, lại vừa thơm, vừa đẹp, nhân dân vẫn gọi là gỗ ngọc am. Thái sư Quý Ly hàng ngày vẫn ngồi làm việc giữa bốn cây gỗ trứ danh ấy, trên một chiếc ghế bành phủ da hổ. Bốn chiếc cột quý được bào nhẵn, mài và lau cho bóng lộn, soi gương được. Dưới ánh sáng của cây đại lạp mầu ngọc am đen lánh pha ánh đỏ. Nhìn vào một cây cột ta thấy hình ảnh của ngọn đại lạp được biến thành nhiều đốm sáng. Sau chiếc ghế bành là chiếc sập gụ. Sau chiếc sập gụ, trên tường là bức tranh “Núi Yên Tử” của Nguyên Trừng. Ở hai bên bức hoạ có đôi câu đối và Sử Văn Hoa nhận ngay ra nét chữ cứng cỏi sảng khoái của chính quan Thái sư. Đôi câu đối của Quý Ly và con trai cả:
Hòn đá bằng nắm tay này, có lúc làm mây, làm mưa, thấm nhuần thiên hạ.
Cây thông nhỏ ba tấc ấy, ngày sau làm rường, làm cột, chống đỡ nước non.
Sử thầm nghĩ: “Chí của cha con họ thật rõ ràng như vậy Một người thì muốn làm mây làm mưa để thấm nhuần cho toàn thiên hạ. Một người ngay từ lúc trẻ đã dự định làm rường cột cho nước non. Ông thở dài, nghĩ tới những dòng viết “Minh Đạo Luận” những dòng chữ ông đã thuộc lòng trước khi viết ra giấy:
Năm Nhân Thân (1392) thái sư Quý Ly viết mười bốn thiên Minh Đạo dâng lên Thái thượng hoàng. Nghệ Hoàng ban chiếu khen ngợi nhưng triều thần nhiều người phản đối. ý của thái sư là muôn duy tân đất nước, không chịu theo vết người xưa. Dù bậc tiên thánh, thấy không phải cũng đem ra bàn luận.
Thái sư là người thông hiểu đạo Dịch. Đạo của càn khôn là biến dịch. Có biến mới có thể hoá, có hoá mới có thể thông. Đất nước có thịnh cũng phải có suy. Suy rồi biết biến dịch, sẽ dần dần thịnh lại. Thiền sư Vạn Hạnh nói: “Nhậm vận thịnh suy vô bố uý”. Kẻ đại trí hiểu lẽ thịnh suy ở đời, nên chẳng có gì sợ hãi.
Xem như Đại Việt ta đã trải qua bao cuộc thịnh suy. Suy đến như nghìn năm nội thuộc Phương Bắc tưởng chẳng có mức nào suy hơn. Nhưng hồn nước vẫn còn. Các bậc tiền nhân như Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Đại Hành đã đem bao xương máu tâm huyết, vẫy vùng, chống lại phương Bắc, mới dưng lại được hồn của núi sông.
Nhà Lý với chiến công hiển hách phá Tông bình Chiêm, nhưng cuối cùng cũng lại suy tàn.
Còn như nhà Trần, ba lần đại thắng giặc Nguyên, chiến công tưởng không có gì hiển hách hơn, thế mà nhà Trần nay đang rơi vào vận bĩ. Biến dịch là đúng, thay đổi là phải, vì thế thái sư viết ra mười bốn thiên Minh Đạo.
Nhung Minh Đạo có sáng ngời hay không, có thành công hay không, việc đó phải xem nó có đáp ứng được với hồn nước hay không? Hồn của núi sông tức là hồn Đại Việt. Hồn của núi sông tức là quyền tự chủ của nước non. Tức là sự an vui no ấm của người dân. Túc là rạng rỡ văn hiến. Tức là đem ánh sáng đến tận từng nhà, đem tự chủ đến tận từng người.
Tất cả những điều đó bàng bạc ẩn ngầm ở khắp mọi nơi, nên mới gọi là hồn sông núi.
Nay Thái sư biến dịch là đúng, duy tân là sáng suốt Nhưng tôi trộm nghĩ: thái sư bài bác đạo Phật, bắt sư tăng hoàn tục, bỏ hoang những ngôi chùa làng để đến nỗi gây nên sự phiến động của thầy chùa Phạm Sư Ôn nổi lên đột phá kinh đô, sự việc ấy khiến lòng người hoang mang.
Minh Đạo phải có âm dương điều hoà. Đạo Khổng là phần dương của hồn nước, đạo Phật chính là phần âm. Dân có được thuần phong mỹ tục, có được văn hiến sáng ngời, phần nào nhở vào đạo Phật.
Hồn nước ở ngôi chùa làng. Ngôi chùa làng giáo hoá, làm vơi nỗi khổ của người dân hèn. Nay nếu ta bỏ hoang ngôi chùa làng thì hồn nước biết trú ngụ nơi đâu và thái sư lấy ai làm người ủng hộ cho Minh Đạo
Thiển nghĩ, bọn Nho sĩ Lê Quát, Trương Hán Siêu bài bác đạo Phật, chỉ vì cạn nghĩ. Đã đành đạo Phật đến lúc suy cũng có nhiều điều dở. Nhưng chỉ nhìn vào cái dở nhỏ mà quên mất những cái hay lớn nằm ẩn ngầm ở ngôi chùa làng là điều chẳng nên. Thêm nữa, nếu Minh Đạo chỉ lấy đạo Nho làm nền tảng, e rằng sẽ bị thiên về phần dương của càn khôn. Dương cương là cứng, là nhanh, là thái quá.
Lòng cứng sẽ không không biết đến sự mềm mại khoan dung. Lòng cứng sẽ là bạn đường của những điều tàn nhẫn. Người ta sẽ chỉ biết tới máu và nước mắt. Dương cương và nhanh vội sẽ dẫn tới những điều suy vi.
Suy vi ít thì xao động, người trong nước chém giết lẫn nhau, đớn đau một thời gian rồi ổn định.
Suy vi nhiều thì đất nước điêu linh, miếng mồi ngon cho lũ ngoại bang lăm le nhòm ngó, chỉ chờ dịp là đem quân dày xéo non sông...
Ông đã phê phán Minh Đạo của thái sư như vậy đó, chả trách lúc này lòng ông chao động. Ông đã cặn kẽ bố trí chu toàn cho vợ con khi ông quyết định đưa bài viết, tức là ông đã cương quyết, chẳng lo đến bản thân mình, quyết kình trụ chống trời.
- Ông Sử Văn Hoa!
Tiếng nói trầm trầm của quan thái sư bỗng làm người tử tù sực tỉnh khỏi dòng suy nghĩ.
- Ông đang nghĩ gì vậy?
Khuôn mặt Quý Ly, với bộ râu dài đốm bạc, với mái tóc hầu như bạc trắng, với cái miệng ngang bằng không nhếch lên, cũng không trễ xuống, khuôn mặt của một con người luôn luôn trầm tĩnh. Chỉ có đôi mắt ông ta biểu hiện thôi. Đôi mắt to với đôi lông mày rậm cũng bạc trắng. Đôi mắt thông minh, đen láy, hình như cười cợt, hình như muốn bảo Sử rằng: Ta biết thừa điều ông đang suy nghĩ. Đôi mắt làm Sử lúng túng.
Điều ngạc nhiên, Sử mới nhận ra: người vệ sĩ đã rút khỏi lúc nào không hay. Lúc này, chỉ có mình ông đối diện với Quý Ly. Và ông cũng nhận ra ngay ở đay chỉ có một chiếc ghế bành, một cái bàn, một chồng sách, một cái đôn, và một cây nến. Cây nến cắm trên nhành hoa ở mỏ một con hạc tạc bàng đá quý. Hoá ra ở đây tất cả đều là số một. Ở đây thái sư chỉ có thể đối diện với một người. Không có mặt người thứ ba. Ông chợt vỡ lẽ; đây là gian mật thất. Ở đây thái sư sẽ hỏi, sẽ nghe, sẽ ra lệnh... thái sư không muốn người thứ ba được nghe, được biết những việc của ông.
Đôi mắt sắc sảo của Quý Ly, lúc này đã thôi diễu cợt Thái sư lại đưa ra một câu thứ ba.
- Ông có biết hôm nay ta cho mời ông đến làm gì không?
Sử Văn Hoa lại thêm lúng túng. Ông chưa biết nên trả lời thế nào. Thái sư đột nhiên tự trả lời:
- Chắc ông nghĩ rằng ta gọi ông đến để xét hỏi thẩm vấn? Cũng có thể ông nghĩ rằng ta muốn ra một quyết định trị tội ông vì... tờ sớ ngăn việc dời đô, hay vì đoạn văn luận bàn về Minh Đạo... có phải không?
Sử Văn Hoa đoán đối phương đang định giở trò gì; mãi vẫn chưa đoán ra. Chẳng lẽ đây chỉ là một trò mèo vờn chuột, một ngón đòn cân não, làm cho đối thủ hoang mang, rối loạn, lo sợ, hoảng hốt, mệt mỏi, rồi cuối cùng nhũn ra, hai tay buông xuôi.
Quý Ly nhìn nét mặt căng thẳng của Sử, bỗng cười to:
- Ông đoán sao được! Bởi vì, thực ra, hôm nay ta cũng chỉ muốn như mọi người bình thường mà thôi. Ông nổi tiếng về đoán mộng. Và ta muốn nhờ ông giải cho ta một giấc mộng.
Giải mộng ư? - Văn Hoa không nén nổi sự ngạc nhiên hiện ra trên nét mặt, rồi lẩm bẩm - Quan thái sư lại đi tìm lời giải mộng ở một tên tử tù sao? Đến lúc này, Quý Ly mới giơ tay ra phía chiếc cẩm đôn độc nhất bầy bên cạnh chiếc cột ngọc am bóng lộn:
- Bây giờ đã hiểu ý định của ta, mời ông an toạ để ta đàm đạo.
Và cũng đúng lúc khi cánh tay quan thái sư giơ ra, chiếc áo thụng tay giang rộng như lá cờ, Sử Văn Hoa mới nhận ra mầu vàng của nó. Không phải mầu vàng nguyên rực rỡ như các vua thường mặc, mà là mầu vàng sậm, ở sắc vàng có pha một chút nâu đỏ, cho mầu dịu đi. nhã nhặn hơn mà người ta vẫn gọi là mầu bồ hoàng. Xưa kia, Quý Ly vẫn mặc đồ tía, đúng với hàng nhất phẩm của thái sư. Nhưng, thực ra sự thay đổi mầu sắc ấy cũng chẳng làm Sử Văn Hoa ngạc nhiên. Ông đã biết sẽ như thế từ lâu rồi. Chỉ có khác, giá như trước kia nhìn thấy màu sắc đó, hẳn ông sẽ bừng bừng nổi giận, còn bây giờ, ông chỉ thấy thờ ơ... Đây là lần đầu tiên Sử thấy thái sư mặc màu vàng... chắc hẳn ông ta muốn trưng bày thẳng thắn ý của ông ra, có thể để thàm dò Sử. Thái sư mặt kín như bưng, bỗng vào đề bằng một câu hỏi:
- Ông có cho rằng mộng mị có ý nghĩa hay không? Có phải điềm triệu không? Hay chỉ là sự hão huyền?
- Dạ. Mộng là một phần của đời người. Đêm nào ta chẳng mộng, ta thường sống với mộng, nên nó là phần thâm sâu của đời ta. Chỉ có điều, mộng bao giờ cũng khó hiểu, nó giúp ta che kín một sự thật nào đó mà ta chẳng muốn nói ra. Do nó mập mờ, nên có nhiều cách giải. Nhưng, chắc chắn trong những cách giải, thế nào cũng có cách đoán đúng.
- Ông nói sự thật là thế nào? Ta rất quý sự thật.
- Ai cũng thích nghe nói nịnh. Sự thật trong mộng là điều người ta muốn che dấu. Vì vậy đoán mộng thực sự luôn khó nghe.
- Ta hiểu. Ông định nói với ta những lời khó nghe... Chắc vì thế ông sợ.
- Tôi không sợ.
- Vì sao?
- Xin Thái sư miễn cho câu trả lời.
Quý Ly cười:
- Ta hiểu. Bởi vì người quân tử không sợ sự thật. Còn kẻ tiểu nhân thì ngược lại và ông không trả lời vì không muốn nịnh ta, cũng không muốn làm ta nổi giận. Nhưng thôi... Bàn suông mãi thế để làm gì. Ta bắt đầu kể giấc mộng của ta cho ông nghe:
... Đêm qua, ta mất ngủ. Già rồi, nhiều đêm vẫn mất ngủ như vậy. Ta miên man nghĩ biết bao nhiêu chuyện. Rồi đứng trên cầu đá ngắm sao. ngắm đàn cá đớp trăng... Chán rồi, vào đọc sách. Mệt quá, ta thiếp đi trên chiếc bàn này, và mơ màng lạc vào giấc mộng. Ta mơ thấy mình đi ngang qua dưới lầu Đại Minh. Đứng từ xa, đã thấy một bóng người trên lầu. Quái lạ! Ta thầm nghĩ: kẻ nào mặc áo không màu sắc  lại dám đứng trên đó? Chẳng phải tía, chẳng phải bồng, cũng chẳng xanh. Đại Minh cái là nơi dành riêng cho các bậc đại thần.
Tên thất phu thật láo xược. Ta lại gần và quát to: “Tên gian tặc là ai lại dám leo lên đó? Ngươi muốn mất đầu hay sao?” Tên thất phu vẫn điềm nhiên đi lại trên hành lang toà lầu, như không nghe thấy lời ta hỏi. Ta tức quá, đến gần toà lầu. Hắn đứng trên cao, ta đứng dưới đất, vậy nên để biết rõ mặt hắn, ta phải ngửa cổ lên nhìn. Nhưng ác hại, tên thất phu lại chắp tay sau đít, quay lưng về phía ta. Ta quát to thêm và nhủ thầm nhất định phải biết rõ mặt hắn. Vừa ngửa mặt, ta vừa hét: “Ta sẽ chặt đầu ngươi?” Chắc ta đã gào lên vì tức giận. Lúc đó hắn mới đủng đỉnh quay lại. Chao ôi! Bộ mặt hắn ta sao quái lạ! Cái bộ mặt quét vôi trắng xoá, với đôi môi đỏ chót, trông thật khiếp hãi. Bộ mặt bôi vôi ấy nhe răng ra để doạ. Trông hắn như loài yêu ma. Ta sợ hãi thét lên, tỉnh dậy; mồ hôi vã ra khắp người. Hỡi nhà đoán mộng tài ba? Kẻ bôi vôi mặt ấy là ai? Hắn định làm gì? Hắn âm mưu gì?...
Sử Văn Hoa lặng lẽ ngồi trên chiếc cẩm đôn độc nhất, cúi đầu suy nghĩ... Chuyện giải mộng này là thế nào đây? Một cái bẫy, hay lòng thành thật? Nỗi lo lắng của một con người đầy tham vọng cảm thấy mình cô độc hay đơn thuần chỉ một cuộc thăm dò? Một cách đảo lộn vai trò? Đang là người đoán mộng ta sẽ là kẻ nói ra giấc mộng của chính ta? Một giấc mộng bịa đặt ư? Tất cả chỉ là xếp sắp thôi ư? Cũng chẳng sao - ông chợt mỉm cười - Một giấc mộng giả cũng có thể ẩn chứa trong nó nhiều sự thật. Trong những lần giải mộng trước, ông đã gặp nhiều giấc mơ giả. Giấc mơ của Duệ Tôn vật lộn với Chế Bồng Nga là giấc mơ rút ra từ sách vở, giấc mơ nổi tiếng Sở Vương vật lộn với Tấn Vương, Nhưng cái sự thật Duệ Tôn muốn dấu đi vẫn bị Duệ Tôn buột miệng nói ra với chi tiết “bầu trời lúc đó đen kịt, sầm sịt”. Nhìn lên trời lại hoá ra nhìn xuống đất. Muốn được lại hoá thành thua. Sử Văn Hoa tự cười thầm với những ý nghĩ ngờ vực của mình - Và ông nhắm mắt lại, bấm đốt ngón tay, tập trung vào suy nghĩ những chi tiết và những diễn biến của giấc mộng Quý Ly, mà sau này người ta gọi là “giấc mộng kẻ bôi vôi mặt”.
Thực ra, giấc mộng là một câu đố hắc búa đối với Sử. Giải mộng thế nào đây? Quý Ly là người đa sát. Chẳng lẽ nói ra để rồi hứng chịu một hậu quả thảm khốc? Chịu chết để lấy một tiếng khen hậu thế ư? Ta đâu có cần. Điều ta cần là một cái gì ích lợi, hữu hiệu, làm thế nào bây giờ? May mắn thay, đúng lúc đó Quý Ly ra khỏi căn phòng. Ông ta để cho Sử Văn Hoa suy ngẫm. Sử vẫn nhắm mắt, thở nhè nhẹ, ý thủ đan điền... Dần dần ông quên đi những điều hệ luỵ, những sự vật chung quanh. Một giọng nói vô thanh khẽ nhủ thầm với ông: “Giấc mơ thật đấy. Hãy nói cho ông ta biết sự thật đi. Lúc này, ông ta cần biết nhiều sự thật nhất. Có thể một sự thật thô thiển sẽ làm cho ông ta bực bội, tức giận. Song cũng có thể những sự thật mờ ảo lại giúp ích hơn...”.
Quý Ly bước vào. Ông ta không ngồi trên chiếc ghế da hổ nữa, mà đứng cạnh án thư. Ông chắp tay sau lưng và nói:
- Nào, tôi xin nghe lời giải mộng của ông đây. Sử Văn Hoa, nhìn thẳng vào đôi mắt sáng quắc của Quý Ly, lúc này chúng có vẻ háo hức và xởi lởi, Sử chậm rãi nói, giọng trầm trầm:
- Trong giấc mộng của thái sư, có hai điều then chốt cần chú ý. Thứ nhất “khuôn mặt bôi vôi” đứng ở tầng lầu của Điện Đại Minh, nghĩa là khuôn mặt ấy ở trên cao, thứ hai “thái sư ngửa mặt lên” nghĩa là ngài đứng dưới đất. Giấc mộng có nhiều chi tiết nhưng chỉ là những đồ gia vị thêm thắt. Giải được hai điểm chính ấy ta sẽ biết được cái sự thật mà lương tâm ngài muốn che giấu với mọi người, và muốn che giấu với cả chính bản thân ngài nữa.
- Ta lại muốn che dấu cả với ta? Hay thật? Ông Sử ơi! Ông đã làm ta phải chú ý rồi đó.
Sử Văn Hoa vẫn nhìn thẳng vào đôi mắt Quý Ly:
- Tôi nói thái sư tự dấu mình, bởi vì giấc mộng cũng là ngài, ngài che dấu nên giấc mộng muốn chiều người cũng che dấu hộ cho. Ta hãy đoán giải điểm thứ nhất, “Khuôn mặt bôi vôi” ấy là ai? Hắn không mặc áo tía, áo đỏ áo xanh, vậy kẻ ấy chỉ là dân thường. Bộ mặt bôi vôi tức là kẻ mặt trắng. Kẻ mặt trắng, như người ta vẫn thường gọi “bạch diện thư sinh”, tức là kẻ sĩ. Còn điểm thứ hai: tại sao ngài lại ngửa mặt lên? Bởi vì thường ngày ngài vẫn từ trên cao hạ cố nhìn xuống kẻ sĩ; họ tầm thường quá, họ ngốc nghếch quá; thực sự thái sư đã coi thường họ, căm tức họ, thậm chí đối nghịch với họ. Giấc mộng muốn chỉnh đốn giúp ngài, nó bảo ngài hãy ngửa mặt lên nhìn kẻ sĩ, họ ở trên cao... Bẩm thái sư, lời nói của tôi thật thô thiển, khó nghe, ngài trọng sự thật nên tôi đành liều nói hết... Bẩm thái sư, tuy nhiên đó là giấc mộng vàng; khuyến hiền là điều vô cùng hệ trọng...
Thái sư đã ngồi trên chiếc ghế bành da hổ tự lúc nào không hay. Nét mặt đăm chiêu nhíu lại. Sử Văn Hoa dừng lại chốc lát để suy nghĩ, đắn đó, tìm lời rồi mới tiếp:
- Trong giấc mộng còn một điểm nhỏ đáng chú ý: “Kẻ mặt trắng chắp tay sau lưng”. Thái sư nhớ đến cái lưng của hắn tức là hắn quay lưng lại. Tại sao kẻ sĩ lại hiện về trong mộng, và lại quay lưng? Kẻ tiểu nhân xin đánh bạo trả lời. Vì ngài luôn luôn nghĩ đến chuyện kẻ sĩ, nghĩ nhiều đến họ tất nhiên họ phải về trong mơ; còn họ quay đi chắc chắn vì họ còn nhiều điều chưa tán đồng...
- Theo ý ông, ở Thăng Long có bao nhiêu kẻ sĩ không ủng hộ ta?
- Hầu hết kẻ sĩ ở Thăng Long đều bất mãn với thái sư.
- Vậy, ta nên thế nào?
- Xin liều chết trả lời: Mong thái sư hãy ngừng việc dời đô.
- Cái gì? Ngừng dời đô ư? Không được! Lại câu nói giả nhân giả nghĩa. “Cốt ở đức, không cốt ở nơi hiểm trở? “ Ta kiên trì cắm lại ở đây ư? ở cái chốn đầy rẫy những kẻ ngu trung, những kẻ ngoài miệng thơn thớt nói đến vương đạo, nhưng bên trong lại đầy tham nhũng, và âm mưu quỷ kế, để kéo dài sự thối nát đến ngàn đời nữa ư? Cả đến ông, kẻ mà người đời cho là người chép sử quân tử, kẻ âu lo cho hồn nước suy vong, mà cũng về hùa với họ ư?...
Quan thái sư đột ngột nổi giận. Ông ta thay đổi vô cùng nhanh chóng. Đang từ một con người trầm tĩnh đến mức lạnh ngắt, ông trở nên đùng đùng sát khí. Mắt long lanh, đôi mày xếch lên, Quý Ly quát to:
- Hãy trói hắn lại? Mang hắn đi! Hãy cho hắn nếm hết mùi tân khổ của sự ngu tối, trước khi chết!
Người lực sĩ xuất hiện, nhanh nhẹn xềnh xệch lôi Sử Văn Hoa ra khỏi gian đại điện.
Quý Ly ngửa người trên chiếc ghế da hổ, vẻ mặt buồn tênh. Ông nhắm mắt lại, để đầu óc dần dần trở về yên tĩnh. Ông cảm thấy bải hoải. Ông kêu lên trong lòng:
“Chao ôi! Sao ta mệt mỏi! Ta thèm giấc ngủ... giá như...”. Một tiếng nói âu yếm bỗng vang lên trong tâm tưởng: “Tướng công hãy thư giãn, hãy nới lỏng bàn tay, nới lỏng lòng mình... Hãy nghĩ đến một cánh hoa, một tiếng đàn, một dòng suối rót rách, hãy rũ sạch lòng mình... và giấc ngủ dịu dàng sẽ đến. Nào Ngủ đi! Ngủ đi...”
Giấc ngủ bồng bềnh ấy cũng chẳng kéo dài. Nhưng khi thái sư mở mắt ra đã thấy nhẹ nhõm hơn nhiều. và trước mặt ông, Nguyên Trừng đã ngồi sẵn chờ đợi Thị nữ dâng trà sâm. Ông lặng lẽ nhấp từng ngụm. Trong khi uống, ông đã cân nhắc từng lời nói và những quyết định:
- Thế nào? Lúc nãy, con đã nghe câu chuyện giữa Văn Hoa và ta rồi chứ?
- Vâng. Con đã nghe hết.
- Thế nào?
- Ông ta thành thật. Và người thành thật thì không có âm mưu.
- Đúng Sử không âm mưu. Nhưng hắn ta bướng bỉnh... đến mức xấc xược. Ta không chấp điều đó... Nhưng hắn là người ta không dùng được... Quan thái sư ngừng lại để tìm ý - Hắn khác bọn hủ nho, bọn phản đối ta nhưng ngu tối, chỉ biết dựa vào lời thánh hiền. Sử biết phải biến dịch thay đổi, nếu không non sông sẽ suy vong. Những điều hắn ta đề ra đều sắc sảo. Sử nghĩ tới hồn nước... Chính vì thế nên ta quyết định như thế này: Hãy giam hắn vào hầm xử chém, đeo gông cổ thật nặng, cùm chân tay, mồm đóng hàm thiếc, bỏ đói, bỏ rét... Sau đó, một sáng sớm, mang ra pháp trường. Hãy cho hắn sợ đến vãi cứt, vãi đái ra... Đến lúc đó, con hãy mang lệnh của ta đến, ân xá cho hắn, đuổi về thôn quê.
Hồ Nguyên Trừng nín thở mà nghe. Đến câu cuối cùng ông mới thở phào nhẹ nhõm.