Chương 3

Nguyên Trừng, Thanh Mai ngồi trên bành con voi trắng. Ông già Lặc ngồi trên đầu voi điều khiển. Lộ trình của họ dài và quanh co. Đường đi phải qua nhiều núi cao, suối sâu, rừng rậm, vì vậy nên phải đi bằng voi; chỉ có voi mới có sức chịu đựng dẻo dai, leo dốc cũng được, lội suối cũng được, mà thức ăn là lá cây, trên rừng vốn sẵn.
Địa điểm đầu tiên hai người đến là núi Đạm Thuỷ vùng Đông Triều.
Như đã nói, Trần Thuận Tôn từ lâu đã chán cảnh bon chen trần thế. Quý Ly đã ngầm sai đạo sĩ Nguyễn Khánh nói với vua:
- Cõi tiên thanh nhã, thơm tho, khác hẳn cõi phàm trần. Các tiên đế bản triều ta đều thờ Phật, chưa ai từng theo chân tiên. Bệ hạ ở ngôi tôn quý nhưng khó nhọc muôn việc, chi bằng nhường ngôi cho thái tử để theo tiên tu đạo.
Vua Trần Thuận Tôn đã làm đạo quán trong vườn ngự uyển, quyết tâm tu đạo. Sau đó làm chiếu nhường ngôi cho con là thái tử An. Lúc đầu vua tu ở cung Bảo Thanh vùng núi Nhồi Thanh Hoá. Nơi đó cung điện nguy nga, vẫn gần triều đình, chưa phải nơi thanh tịnh. Vùng Đông triều vốn là căn cứ của nhà Trần, làng mộ tổ tiên nhà Trần cũng ở đó. Hơn nữa ở đấy có nhiều danh sơn, phong cảnh như gấm như hoa. Mấy năm trước, vua đến núi Đạm Thuỷ thăm mộ cha thấy có quán Ngọc Thanh, hang động, cỏ hoa tươi tốt, hình như trong lòng đã thầm hẹn ước. Vì vậy, Thuận Tôn quyết định dứt bỏ hoàn toàn với thế gian. Vua rời Thanh Hoá về tu ở quán Ngọc Thanh trên núi Đạm Thuỷ.Núi Đạm Thuỷ là một danh sơn của vùng Đông Triều lộ Hải Đông. Thời xưa ở các danh sơn người ta hay xây chùa, bởi vì danh sơn thường phong cảnh đẹp, hơn nữa lại là những đỉnh chóp cao, nơi đất chạm mây, nơi khí thiêng đất trời tụ hội. Người ta hành ở đó có thể xử dụng được khí thiêng sông núi để cho mình chóng thành chính quả. Theo cách nghĩ đó, trên núi Đạm Thuỷ người ta dựng quán Ngọc Thanh; chỉ có khác, nơi đây tu tiên chứ không tu Phật.
Để đón Trần Thuận Tôn về tu đạo, người ta đã cho sửa sang lại đạo quán. Ngôi quán tám mái, ngói đỏ au. nằm cheo leo sườn núi, toà lâu đài của tiên ẩn hiện trong những làn mây trắng. Có cả lầu chuông, lầu khánh. Chiếc khánh bằng đả xanh ngân nga mỗi buổi chiều về. Tiếng khánh đá trầm khua lanh canh như tiếng người nức nở, đó là đặc điểm riêng vùng này, mỗi khi khách qua đây đều nhận thấy.
Ở phía bên phải, quán dẫn tới một hang đá, có dây leo làm mành che. có khóm trúc vàng làm bình phong, có tảng đá nhẵn làm bàn trà ẩm, Thuận Tôn sung sướng vô cùng, từ đó an tâm ẩn tu ở chốn thần tiên. Một con đường mòn nhỏ đi xuống chân núi, nơi đây có một chiếc ao trên đá, nước trong suốt nhìn đến tận đáy Một đàn cá chép đỏ sống ở đây; mỗi chiều Thuận Tôn vẫn cho cá ăn. Ao đó tên gọi ao Tích Lịch. Người ta kể khi xưa, một đêm mưa to gió lớn, sét đã đánh xuống núi, đã hõm xuống và tạo thành cái ao nước trong vắt, ngọt ngào. Cũng vì dòng nước lạ lùng này nên có tên núi Đạm Thuỷ.
Vùng Đông Triều, xã Yên Sinh chính là quê gốc của họ Trần. Tiên tổ nhà Trần vốn người Yên Sinh, sau mới dời đến ở hướng Tức Mặc phủ Thiên trường; điều này có ghi trong bia thầu đạo của xã. Cũng chính vì vậy, nên khi chết các vua nhà Trần đều chôn ở Yên Sinh hoặc vùng quanh đó. Lăng Tự Phức là lăng tẩm của Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông. Tháp cổ trên núi Yên Tử là nơi để xá lị của Trần Nhân Tôn. Ta còn thấy lăng Đồng Thái, lăng Đồng Mục, lăng Ngải Sơn, lăng Phụ Sơn, đó là những mộ của Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông, Dục Tông. Hầu hết tất cả các vua Trần trở về với tổ tiên, đều gửi nắm xương tàn ở vùng Yên Sinh. Vua Nghệ Tôn cha của Thuận Tôn cũng không ra ngoài thông lệ. Sau khi ông mất, Thuận Tôn đưa cha về chôn ở chân núi Đạm Thuỷ. Trần Nghệ Tôn đã tự đặt tên trước cho lăng mộ của mình: lăng Đồng Hy. Ta có thể hiểu khi Thuận Tôn trở về tu tiên ở quán Ngọc Thanh trên núi Đạm Thuỷ; cũng chỉ vì ông muốn chăm sóc cho phần mộ của cha mình tổ tiên mình. Và trong thâm tâm ông cũng dự kiến: nếu chết sẽ được chôn bên cạnh cha.
Từ khi trở về núi Đạm Thuỷ, Thuận Tôn như thấy lòng mình vơi nhẹ hơn nhiều. Suối rừng, hoa cỏ đã an ủi được ông. Ông sợ sự huyên náo, sự xao động. Mỗi lần nó đến lòng ông lập tức chao đảo. Lại thấy nôn nao như muốn lên cơn rồ dại. Do vậy, ông cấm các quan lại địa phương không được đến thăm viếng. Ở nơi ông ẩn tu, chỉ có một chú tiểu đồng và con vượn nhỏ. Từ ngày trở về rừng, con vượn nhỏ cũng tươi tỉnh hẳn lên. Nó quấn quýt đi theo ông suốt ngày. Buổi sáng, sau khi tĩnh toạ, ông xuống núi thắp hương ở Hy Lăng, mộ cha. Sau đó ra ao Tích Lịch thả những hạt cơm, vui vầy cùng đàn cá chép đỏ, và để tự ngắm mình dưới nước. Ông để tóc, để râu, nên mới hai mươi tuổi trông đã như một người già, râu dài trước cằm, tóc búi trên chỏm đầu. Mặc chiếc áo đạo sĩ mầu xanh, trông ông rất tiên phong đạo cốt, giống như một vị tiên. Chỉ có điều, một ông tiên buồn. Thanh Hư đạo trưởng trước kia đã nói với ông: bao giờ con ngắm mình dưới nước, thấy nét mặt hết buồn, và lòng hết giận, lúc đó con đã trai lòng. tức là đã đắc đạo. Hôm nay, tự ngắm mình trong ao Tích Lịch, ông nhủ thầm: lòng ta đã lặng, nhưng vẫn không hết phảng phất một nét tư lự. Con vượn nhỏ đứng bên cạnh, từ lúc nãy cứ lồng lộn tỏ vẻ sốt ruột. Thuận Tôn vuốt ve đầu nó và hỏi.
- Con làm sao thế? Sao con lại kêu lên những tiếng xáo xác? Hay con đói? Con không đói ư?... Con muốn trở về? Về làm gì? Trời cao lắm. Sẽ chẳng có mưa sớm. Trời quang... mây tạnh... thày trò ta ngồi đây đùa vui cùng đàn cá... chẳng thích lắm sao... Ôi? Con vẫn muốn về Chẳng lẽ... hay là ta có khách?
Ông vua đạo sĩ đứng lên. Con vượn hết quạu cọ, nó tươi tỉnh lại, nhảy phóc lên cành cây, rồi chuyền ra lối mòn trở về quán Ngọc Thanh trên núi. Ông sung sướng nhìn con vật. Nó là người bạn trung thành nhh đã chừng hai mươi tuổi. Ở kinh đô, người ta đồn rằng Trãi hiện nay là một nho sinh tài ba đang kỳ nở rộ. Được tin gia nhân báo đức ông Nguyên Trừng đến thăm Thanh Hư Động. Nguyễn Trãi tề chỉnh xuống Chân núi đón khách quý. Nguyên Trừng xuống voi mừng rỡ:
- Tiểu huynh đệ đã chững chạc thế này rồi ư?
Ông ngắm nghía chàng trai dong dỏng cao có đôi mắt sáng và đôi môi tựa thoa son trên khuôn mặt trái xoan thanh tú. Gương mặt như có ánh sáng, nó hơi gầy làm nổi lên đôi gò má, tạo ra những nét cương nghị, làm dịu bớt sự non tơ của dôi mắt sáng đa tình, làm chín chắn thêm sự thông minh mà toàn bộ con người chàng toát ra khi ta mới gặp. Nguyên Trừng đưa mắt nhìn quanh. Trãi hiểu ngay Trừng muốn tìm gì:
- Bẩm đức ông, cha tiểu sinh mấy hôm nay đến thăm bác Đoàn Xuân Lôi.
Nguyên Trừng gật đầu. Ông hiểu. Tháng trước, thái sư có gửi thư cho Phi Khanh, muốn nhờ ông thuyết phục những người đỗ đạt vùng Hải Đông. Tập hợp nhân tài ở Tây Đô. Càng nhiều người tài giỏi càng tốt. Đó là mối ưu tư của thái sư Quý Ly. Nhớ lại chuyện Đoàn Xuân Lôi viết thiên phi Minh Đạo để phản đối Quý Ly, Hồ Nguyên Trừng lại chợt cười thầm. Hôm ấy, Nguyên trừng đến thăm cha, bắt gặp thái sư cứ đi đi lại lại mặt phừng phừng. Hầu như chưa bao giờ Trừng bắt gặp cha mình tức giận. Đôi mày ông già cau lại, mắt ông long lanh. Ông đưa cho Trừng đọc bài Phi Minh Đạo của Xuân Lôi.
- Anh xem. Thằng cha này có xược không? Có ngu không? Thế mà cũng đỗ thái học sinh đấy? Rặt một lũ tầm chương trích cú. Rặt một lũ đạo chính văn chương. Chỉ chăm chăm bước sao cho khỏi chệch bước các vị tiên hiền. Kẻ sĩ đấy ư?... Một lũ nô bộc sĩ? Đầu óc họ ở đâu? Không dám cả gan ra khỏi lối mòn. Không dám cả gan tạo lập... Cứ nhắc đến các vị tiên hiền là đầu óc tê liệt, mặt mày dúm dó... Cứ như thể mất mật bay hồn... Hỏi như thế làm sao có thể làm rạng rỡ văn hiến cho non sông. Đức Khổng Phu tử cũng phải có lúc sai chứ... Nếu không sai thì cũng có lúc, có nơi chẳng hợp thời...
Cơn giận của Thái sư Quý Ly hình như đến cực điểm. Lần đầu tiên, Trừng thấy cha mình văng tục:
- Chu Hy là cái đếch gì? Trình Di cũng là cái đếch gì! Thuần một lũ ăn cắp văn mà thôi...
Cả triều đình cứ tưởng thế nào Đoàn Xuân Lôi cũng phải chết. Động đến cái vẩy ngược của con rồng còn mong gì sống. Cuốn Minh Đạo là tâm huyết của Quý Ly Tất cả suy tư phục hưng đất nước của ông nằm ở đó. Cái vẩy rồng ngược của ông ai dám chạm... Thế nhưng Đoàn Xuân Lôi lại chỉ bị xử rất nhẹ, chỉ bị điều đi làm chức học quan ở trấn Hải Đông...
Nguyễn Trãi thu xếp chỗ ở để Nguyên Trừng và Thanh Mai nghỉ một ngày tại Thanh Hư Động. Hôm sau Trãi dẫn hai người đi vãn cảnh. Côn Sơn mùa xuân bừng lên đầy hoa. Khu rừng mai như có ức triệu con bướm trắng nhỏ đậu lốm đốm trên nền lá xanh cốm. Khu rừng trúc với muôn ngàn búp măng chĩa lên trời. Những ngọn tre non chưa mọc lá như những chiếc giáo tua tủa, hoặc như những chiếc cần câu cong cong làm chỗ đậu cho lũ chim rừng, khi thấy bóng người chúng bay túa cả lên bầu trời, biến thành một đám mây ríu rít, đám mây chim thoắt biến thành một giải lụa màu xanh, bay qua thung lũng, rồi biến mất ở khu rừng trên sườn núi Ngũ Nhạc.
Tiếng suối rót rách, rừng thông vi vu, ngàn tre xào xạc, nghe khúc nhạc rừng êm ả ấy, Thanh Mai như thấy thơ trẻ lại; cô gái luôn cười giòn; tiếng cười vang trong trẻo lạ thường khiến lũ khướu rừng hót hay đến thế cũng phải ngừng hót, không dám tranh hơn. Nguyễn Trãi nhìn gương mặt sung sướng và hào hứng của Nguyên Trừng, anh hỏi:
- Chắc phu nhân phải có giọng hát thật hay?
Nguyên Trừng nắm tay Trãi cười ngất:
- Quả là công tử có con mắt tinh đời. Nghe tiếng cười đã đoán biết ngay giọng hát.
Trãi ngẫm nghĩ:
- Nhìn đức ông và phu nhân, tiểu sinh lại chợt nhớ tới một đôi vợ chồng đi làm thuê ở chùa Hun. Năm ngoái, họ đến chùa. xin làm chân thợ gặt. Hai người ăn mặc, sạch sẽ, rất khôi ngô tuấn tú, không có vẻ người lam lũ. Nhà chùa mới đầu còn ngần ngừ, nhưng vì đang mùa gặt rộ nên nhận họ vào làm. Một hôm, tôi đến chùa Hun thấy họ, nhận ngay ra đó là một đôi tài tử ẩn đời, thích ngao du sơn thuỷ hơn là bị trói buộc. Tôi mời họ về nhà, rồi chuyện trò, thấy người con trai tỏ ra có tầm mắt rất xa rộng. Hết mùa gặt họ lại ra đi. Tôi hỏi tên tuổi. Họ chỉ cười chẳng nói. Và đến lúc ấy, tôi mới biết người con trai là một hoạ sĩ tuyệt vời. Để cảm ơn tấm lòng tri ngộ, anh vẽ tặng tôi cảnh một ngôi nhà tranh trên núi, ngôi nhà mà ông tôi mùa hè vẫn lên ở. Ngôi nhà nằm bên rừng trúc sau lưng lác đác mấy gốc thông già suốt ngày reo hát, những lúc trời trong đứng ở đó nhìn thấy cả dòng sông Lục Đầu như giải lụa ngoằn ngoèo trôi về phía xa xa, nhưng về mùa đông luôn luôn có những đàm mây bồng bềnh bay qua. Người hoạ sĩ gọi bức tranh đó là Hang Mây (Vân Oa).
Cả ba người quay trở về nhà khách. Bức tranh Vân Oa khổ lớn treo dài trên tường. Phía trên đỉnh là ngôi nhà cỏ nằm trong rừng trúc. Khoảng giữa. lấp ló ngôi chùa cổ đìu hiu dưới những hàng tùng. Phía dưới cùng uốn khúc một dòng sông. Đẹp nhất và vẽ khó nhất là những đám mây. Những đám mây xôm xốp giăng giăng khắp đỉnh núi và sườn núi khiến cho ngôi nhà mờ mờ tỏ tỏ. Chúng phân cách ngôi lều cỏ với chân núi, với trần thế. Tức là ngay cả ngôi chùa cũng nằm trong vùng trần thế... Nguyên Trừng nhìn bức tranh nhận ngay ra nét vẽ của Phạm Sinh, nhưng ông không nói gì, chỉ thở dài và mãi lúc sau mới bâng qươ:
- Chả trách gọi là hang mây!
Phía góc trống bên phải có bài thơ “Vân Oa” của Nguyễn Trãi:
Nửa rèm hoa chiếu, sách giường đầy
Khóm trúc ngoài sân reo gió lay
Ở chốn Vân Oa ngày rỗi trọn
Song trưa một gối giấc ngon say.
Nguyên Trừng cứ tấm tắc ngâm mãi hai câu thơ đầu của Trãi:
Bán liêm hoa ảnh mãn sàng thư
Đình ngoại tiêu tiêu thuỷ trúc cư...
Đêm hôm ấy ba người ngồi uống trà, Nguyên Trừng bảo:
- Nguyễn Trãi công tử có tài nhìn người nông phu đã nhận ngay ra tay thần hoạ. Sáng nay nghe tiếng cười lại bảo nàng cỏ giọng hát hay. Công tử lại cho chúng ta đọc thơ Vân Oa tuyệt tác. Vậy tôi đề nghị thế này: đêm nay công từ phải làm một bài thơ, nàng Thanh Mai phải nhân thơ mà hát; còn ta cũng nhân hát mà đàn...
Mọi người vui vẻ cười. Nguyễn Trãi có vẻ tần ngần:
- Thanh Hư Động gắn bó với vãn sinh từ thủa ấu thơ. Biết bao nhiêu cảnh vật, hình bóng, kỷ niệm. Nhưng tôi mới chỉ làm bài thơ Vân Oa. Nhất định tôi sẽ làm một bài thơ Côn Sơn... Có lẽ là đến lúc tuổi già chăng... còn bây giờ...
Hồ Nguyên Trừng gật đầu:
- Cũng phải! Cái gì thật thiêng liêng ta hãy dành cho tuổi già. Còn nàng; một tài tử du khách, lẽ nào lại không thể có một khúc ngẫu hứng nhẹ nhàng để đánh dấu cuộc kỳ ngộ của chúng ta.
Thanh Mai nói:
- Được đọc thơ Hang mây của công tử. Lại được hưởng bao nhiêu cảnh kỳ thú. Tôi đánh bạo làm một khúc ca dân dã:
“Vân Oa” chót vót non cao
Bông bềnh mây trắng bay vào Bồng lai
Suối khuya rót rách bên tai
Dưới khe nước chảy ngỡ ai đàn cầm...
Nguyên Trừng sảng khoái cầm ngay chiếc đàn nguyệt dạo một khúc lưu không. Thanh Mai lấy chiếc ống trúc đựng bút đặt nằm ngang, rồi gõ bằng hai chiếc đũa. Nàng nói:
- Điệu hát này tôi học từ thủa bé. Xưa kia mẹ tôi vẫn gõ vào thanh tre xua cá mà hát. Còn cha tôi thì ngẫu hứng trên chiếc đàn. Đã lâu rồi, cũng có chỗ quên. Điệu hát này cốt ở thanh thản ngân nga. Và lòng không vướng bụi...
Nói rồi nàng bắt đầu gõ. Tiếng lách cách lúc khoan, lúc nhặt, lúc ngập ngừng, lúc lãng đãng phiêu du. Nguyên Trừng nhắm mắt lại nghe tiếng gõ, để dần dần hồn và xác nhập vào tiếng phách. Và những ngón tay cũng nhân đó mà ngân nga, dặt dìu tuỳ hứng. Giọng Thanh Mai chậm rãi vút lên trong vắt hát khúc Côn Sơn:
Chót vót non cao...
Bồng bềnh chót vót non cao.
Ta theo mây trắng bay vào Bồng Lai.
Chợt nghe rót rách bên tai
Suối khuya nước chảy ngỡ ai đàn cầm...
Bàu đá xám rêu phong phô biếc
Ngả lưng nằm ngỡ chiếc nệm êm
...Thông mọc như nêm...
Rừng xanh thông mọc như nêm
Như muôn chiếc lọng che trên mái đầu
Cầu Thấu Ngọc, tiêu sầu vạn cổ.
Động Thanh Hư, thoát luỵ trần gian
Non tiên, chép một chữ nhàn...
Thanh Mai hát theo một đường. Tiếng đàn Nguyên Trừng lại lãng đãng đi theo một nẻo. Mới đầu cứ tưởng tiếng hát và tiếng đàn đã lạc lối nhau. Thậm chí có lúc cứ tưởng như chúng đối nghịch lẫn nhau, xa cách hẳn nhau. Nhưng điều kỳ lạ, tiếng đàn tiếng hát càng đi xa càng chẳng nỡ; và người nghe càng nghe thật kỹ, mới thấy sự ngỡ ngàng xa cách ấy chỉ là bề ngoài, thực chất chúng càng khác nhau lại càng xoắn xuýt lấy nhau, tựa như mối tơ vò không sao tách khỏi. Cảm giác như chúng văng ra khỏi nhau từng khúc rồi lại nhập lại với nhau từng khúc, để rồi cuối cùng là một sự đại hoà hợp. Tiếng hát, tiếng phách, tiếng đàn đã hoàn toàn chập lại với nhau, tròn đầy, hài hoà...
Nguyễn Trãi tán thưởng:
- Nghe nói đây là khúc hát chầu trong cung được nhặt ra từ chốn quê dân dã, tôi đã được nghe qua vài lần. Nhưng chỉ lần này mới hiểu được cái thần của nó. âm thanh rất động, nhưng cái thể lại là tĩnh lặng. Tưởng như chẳng nhịp nhàng, mỗi người mỗi ngả, hoá ra lại chung một nẻo đường. Không vội vã, không xáo xác, không âu lo, ngân nga, thoát tục... Xin lỗi phu nhân: “Non tiên chép một chữ nhàn”, hay là “Non tiên chép một chữ thiền”?
Thanh Mai cúi mình cảm tạ. Gia nhân bưng rượu lên. Ba người ngồi uống; bỗng nhiên chẳng ai nói một câu. Trong chiếu rượu của các bậc tài tử thường có chuyện như vậy. Người ta hay nói nhiều, để rồi đột nhiên tất cả ngồi lạnh ngắt, như thể mỗi người theo đuổi một dòng tâm tư riêng rẽ. Nguyễn Trãi là người đầu tiên phá sự im lặng.
- “Non tiên, chép một chữ nhàn!” Trước kia tôi không hiểu, tại sao tôi rất muốn làm một khúc Côn Sơn, mà hình như trong lòng lại có điều gì ngăn cản lại. Bây giờ thì tôi hiểu, chỉ những người từng trải như phu nhân mới nên làm khúc tụng ca về những chuyện sơn khê. Tôi còn trẻ quá. Chưa thể đem lời ước hẹn với núi rừng được...
Câu chuyện dần dần đi vào chỗ tâm đắc. Nó đã chuyển sang hướng khác, cuối cùng đi vào những vấn đề thiết yếu của non sông. Nguyên Trừng hỏi:
- Công tử thấy đất nước ta đang... vận hội ra sao?
- Một thời biến động!
- Công tử cô tiếc rằng mình đã sinh lỡ thời... không được gặp thời đại trị hay không?
- Lỡ thời ư? Thực ra, tôi rất thích dù mình được sinh ra ở thời nào. Đại trị ư? Thì nhân lúc trời sáng, sao ta chẳng như con gà vươn cổ mà cất cao tiếng gáy. Chẳng sảng khoái lắm sao? Đại loạn ư? Sao ta chẳng nhân lúc sấm ran chớp giật, để biến thành cơn mưa rào giăng giăng trên cánh đồng, rồi biến thành dòng nước, hoà cùng muôn vật chảy, để rồi, sau cơn giông bão trời sẽ tạnh, nước lại tì tũm cùng muôn loài vươn lên xanh tươi Vẫn chẳng sảng khoái lắm sao.
Nguyên Trừng cười to:
- Đại loạn ư? Tại sao lại sợ? Nếu không có nó hỏi đất trời làm cách nào thay da đổi thịt.
Lúc này, Trãi đã ngà ngà. Chàng công tử mắt sáng lên, nói chuyện với người mà như nói với mình:
- Chỉ cốt cái tâm ta sáng... Cái trí ta sáng... lúc này đây lột xác là chính hay lòng dân là chính?... Dân theo, nhưng không lột xác... cả bầu trời vẫn là tăm tối. Lột xác, nhưng dân thờ ơ... Cái hoạ lật đắm thuyền của bao đời vẫn sờ sờ trước mắt. Nhưng biết làm sao được! Người ta vẫn phải đi vào mưa to gió lớn mới có thể tìm được lối ra... Chỉ miễn là cái tâm ta sáng... Nguyễn Trãi lại lặp lại câu nói của mình. Còn Nguyên Trừng, ông cười to sảng khoái:
- Cái chí của công tử rất hợp với Trừng này - Rồi Trừng nâng chén rượu lên mời Trãi - Tiểu huynh đệ ạ, tôi đến đây mục đích có hai việc. Thứ nhất: Muốn mời bác Phi Khanh cùng các bậc danh sĩ xứ Đông đến Tây Đô dự lễ, mừng khánh thành kinh đô mới. Thứ hai: Tôi xin báo với công tử, đầu năm tới, sẽ mở khoa thi lớn tại Tây Đô để kén chọn hiền tài. Tôi đã đến trấn sở, báo cho các quan trấn phủ đều biết; nay mai sẽ thông báo việc này đến tận các làng xã. Đã lâu nay, vì tình thế chưa ổn, nên chẳng có khoa thi, vì vậy ngăn trở, không có cơ hội cho người tài xuất đầu lộ diện, giúp vua trị nước...
Cuộc rượu kéo dài mãi cho đến tận khuya...
Tuy say, nhưng sáng hôm sau, Nguyên Trừng và Thanh Mai vẫn lên bành voi khởi hành từ sớm rời khỏi Côn Sơn. Cuộc gặp gỡ với Nguyễn Trãi làm ông rất vui. Trước mắt ông là điểm cuối của cuộc hành trình, họ nhằm thẳng hướng núi thiêng Yên Tử.