Chương 5

Trong các ngọn núi cao của Đại Việt, núi Tản Viên và núi Yên Tử được coi là những núi thiêng. Riêng núi Yên Tử được coi là đất tổ Phật giáo của Đại Việt. Núi cao trên ba ngàn thước (thước ta = 1069 mét) ngọn núi chót vót cao nhất vùng Đông Bắc, sừng sững nằm nhìn ra vịnh Bái Tử Long, quanh năm mây phủ nên cũng gọi là Núi Mây Trắng (Bạch Vân Sơn).
Người Việt tin rằng, ở những ngọn núi thiêng, khí âm trong lòng đất nhờ chóp núi cao, nên đổ dồn về tụ hợp tại đó, và khí dương trên trời thấy khí âm tụ hội, cũng nương theo những đám mây trắng bay tới, để giao hoà. Sự thái hoà nhờ đó mà được xác lập tốt lành. Cũng vì lý do đó, đạo Phật đạo Lão đều tìm cách xây chùa, quán trên các ngọn núi. Thậm chí ở Trung Hoa đạo Phật đạo Lão xẩy ra chiến tranh để tranh chiếm núi thiêng. Ở Đại Việt, đạo Lão không phải quốc giáo nên may mẩn không xẩy ra chuyện đó. Và ở Đại Việt, cũng vì lý do đó, nên các ngôi chùa nổi tiếng phần lớn đều được dựng ở các danh sơn, ví dụ chùa Thầy ở lộ Quốc Oai, chùa Phật Tích ở Lộ Bắc Giang, chùa Quỳnh Lâm và chùa Yên Tử ở vùng Đông Bắc...
Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, đoạn viết về Nhạc Nghị có nói khi nước Tần thâu tóm toàn bộ Trung Nguyên, có Hà Thượng Trượng Nhân là một người rất giỏi đạo Hoàng Lão, là bậc chân nhân của một thời. Thời Nhà Tần các bậc chân nhân rất giỏi việc luyện đan, làm thuốc. Hà Thượng Trượng Nhân có học trò giỏi là An Kỳ Sinh. Sang thời nhà Hán, lúc đó nước ta còn bị nội thuộc nước Tầu, An Kỳ Sinh sang Nam Việt đến núi Mây Trắng, thấy núi nhiều linh khí đã lên đỉnh núi dựng am cỏ, ở lại luyện đan, chữa bệnh cho dân, từ đó núi có tên Yên Tử Sơn. Đến thời nội thuộc nhà Đường, Tôn Quang Đình viết bài ký “Động thiên phúc đại” có nói” Núi Yên Tử là một trong 72 phúc địa của nước Việt”.
Nhưng, danh dự to lớn nhất đến với núi Yên Tử, phải kể từ khi vua Trần Nhân Tông của Đại Việt sau hai lần đánh tan giặc Nguyên, đã rời bỏ ngôi báu, mặc áo nâu sồng. đi chân đất lên núi thiêng tu Phật và thành lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đạo Phật nhà Trần phát triển rực rỡ, góp phần tạo dựng nên văn hoá hài hoà Đại Việt. Hơn một chục ngôi chùa được dựng ngay trên đất Yên Tử. Núi thiêng đã toả khí lành từ bi lên khắp đất nước. Yên Tử đã trở thành tổ đình Phật giáo là một danh sơn bậc nhất nước ta...Sau khi Phạm Sinh quay trở về Thăng Long tìm cha, sư Vô Trụ cũng quay trở về núi thiêng Yên Tử. Vị du tăng đã lang thang cả một đời, đi đến đâu cũng tìm hết cách xoa dịu nỗi đau khổ của người dân khốn cùng. Ông thấy mình đã già rồi, đã thấm mệt, tuổi già không cho phép ông tiếp tục để du phương khuyến thiện, hành phật sự. Ông quay lại suối rừng để làm việc cuối cùng, niệm phật, suy ngẫm tìm về với cái chân tâm vắng lặng của mình.
Về cuối đời thiền sư Huệ Quang đệ tam tổ Trúc Lâm đã gần 80, già lắm rồi, ông tu tại chùa Hun, Côn Sơn. Lúc đó Vô Trụ là một chú sa di chừng mười tuổi, suốt ngày đêm hầu hạ tổ. Lúc nào chú cũng khoanh tay trước ngực rất lễ phép, chẳng lúc nào sao nhãng công việc Hoà thượng già rất thương chú, thường gọi đùa là “Chú bé khoanh tay”. Hỏi đến chữ nghĩa kinh kệ, chú trả lời rất thông. Thiền sư Huệ Quang ngạc nhiên:
- Ai dậy con học vậy?
- Thưa tổ, các sư huynh dậy mặt chữ.
- Thời giờ đâu con học?
Thưa tổ, ban trưa, ban tối, lúc tổ mệt ngủ thiếp đi, con lấy que viết chữ lên đất. Viết mãi nên lu lu như in.
- Con thử dọc một bài kệ nào cho ông nghe
Chú bé lập tức đọc vanh vách:
Tâm vương không tướng cũng không hình
Mặt tựa ly châu vẫn chẳng minh
Muốn biết đâu là “khuôn mặt thực”
Ha ha! giữa trưa là nửa đêm.
- Bài đó của ai?
- Của ngài Tuệ Trung thượng sĩ.
- Con hiểu thế nào?
- Dạ, con không hiểu, nhưng con biết “Tâm” là điều quan trọng nhất của đức Phật.
- Ai dậy con bài kệ?
- Bẩm sư tổ, không ai dậy... Con suốt ngày đứng hầu tổ Con nghe tổ nói chuyện với khách, và con nhập tâm. Tổ Huyền Quang lấy làm lạ. Từ đó, tổ dậy cho chú bé học hành cẩn thận. Được một năm, sư Huyền Quang ốm nặng. Chú tiểu đêm ngày liền kề bên thầy. Có bận, nửa đêm sư tỉnh dậy, chợt nghe thấy bên giường có tiếng khóc sụt sùi. Nhìn ra mới biết tiếng khóc của chú tiểu. Sư nắm lấy tay chú bé bảo:
- Con nín đi! Người tu hành đừng để cho tình cảm sai khiến.
- Thưa tổ, con biết, nhưng tự nhiên nước mắt cứ chảy ra.
- Dạo trước, ta đã giảng cho con bài “Sinh tử nhàn nhi dĩ”. (Sống chết, nhàn mà thôi) của ngài Tuệ Trung, con không nhớ sao?
- Dạ, con còn nhớ.
- Con nghe dây. Sau khi ta ra đi, con hãy đến học đạo với thiền sư Lãm Sơn. Ông ta là một ẩn tăng, ít nói, nhưng là bậc đắc đạo trong rừng thiền...
Chú sa di mấy tháng sau, tìm đến núi Lãm Sơn lộ Bắc Giang. Thiền sư Lãm Sơn theo thuyết “vô ngôn chi giáo”. Hôm chú bé đến, sư bảo:
- Tổ Huyền Quang là thầy ta. Ta nghe tổ nói ngươi đứng hầu mà thuộc lòng bài Tâm Vương, vậy đã có chút duyên với Phật rồi đó. Nhưng ta sẽ không giảng giải gì hết. Tự nhà ngươi phải tìm ra cái “bản lai diện mục” của mình. Sách đấy, kinh đấy, lục đấy, ngươi hãy tự đọc Đạo Phật có hàng ngàn cuốn sách, nhưng mỗi người ngộ đạo có khi chỉ nhờ vào một câu. Hãy suy ngẫm đêm ngày, cho đến lúc nào hết suy ngẫm và bừng sáng. Những lời của chư tổ thật ngược ngạo, bí hiểm, nhưng thực ra chẳng có gì bí hiểm. Chẳng qua chư tổ dùng lời khó khăn để chọn lựa người. Con đường đi đến chân giác thành Phật vốn xa lắc và đầy gian nguy, nên chi không thể thiếu chí khí và không được hèn nhát. Phải nhảy qua núi cao, thõng tay đi trên vực thẳm mới đến được bờ giác...
Từ đó, chú bé chăm chỉ làm việc, đọc kinh và suy ngẫm. Chỉ có những giờ thiền định, chú mới được ngồi lặng lẽ bên thầy. Thiền sư Lãm Sơn chẳng nói gì, nhưng chú cảm thấy ánh mắt hiền từ ấm áp của thầy như luôn luôn ở bên chú, hộ niệm cho chú.
Chú sa di cứ tự vật lộn một mình như vậy trong thời gian dài, cho đến khi thành niên, được thụ giới cụ túc (chính thức trở thành sư). Một bận, thấy đang đọc kinh, thiền sư Lãm Sơn hỏi:
- Này Vô Trụ, nhà ngươi đang đọc gì vậy? Bẩm hoà thượng, con đang đọc Phật Pháp. - Đức Phật tổ há chẳng nói, bốn mươi chín năm ta thuyết pháp song chẳng hề nói một lời nào cả...
Vô Trụ sửng người, chưa biết trả lời ra sao. Hoà thượng liền nói.
- Nhà ngươi đang mê. Thôi! Bỏ sách đấy. Hãy đến Yên Tử gặp thiền sư Vô Trước, ở đấy ít bữa, may ra đầu óc ngươi có sáng ra chút nào.
Vô Trụ vâng lời thầy, khăn gói lặn lội mấy ngày đến chùa Vân Yên trên núi thiêng. Người thủ toạ bảo thiền sư Vô Trước ở am cỏ, trên đỉnh núi. Vô Trụ phải leo những bậc đá cheo leo, nửa buổi mới tới đỉnh mây mù, tới am cỏ. Trời mù gió. Mây trắng khắp chốn, như sữa trôi ngang núi. Rừng cỏ lau trắng xoá cong mình nhận cơn gió lạnh từ ngoài biển đông thốc vào. Sư Vô Trước đang tĩnh toạ trong lều cỏ hẹp. Vô Trụ không dám làm kinh động hoà thượng, người thầy tu trẻ quỳ trước cửa lều chờ cho đến lúc xong buổi ngồi thiền. Vô Trụ đã quỳ lâu lắm. Sương mù đỉnh núi làm quần áo ướt đẫm. kéo cái lạnh vào đến xương tuỷ, song người thày chùa vẫn kiên trì quỳ đợi. Gần sẩm tối, thiền sư Vô Trước mới bừng mở mắt, và hỏi.
- Nhà ngươi từ đâu đến?
Bẩm hoà thượng, thầy con là Lãm Sơn sai con đến.
- à! Nhà ngươi đến làm gì?
- Con đi tìm Phật Pháp.
- Có đói khát lắm không?
- Bạch hoà thượng. Con vô cùng đói khát.
- Nhà có giầu có lắm không?... Có nhiều châu báu lắm không?
- Bạch hoà thượng... Vô Trụ ngỡ ngàng như còn suy nghĩ. Thiền sư liền hất tay.
- Về đi về đi! Nhà ngươi mê rồi. Nhà đầy châu báu còn đi tận đâu đâu... Về đi? Về đi?
Sư Vô Trụ chợt bừng tỉnh. Người thầy tu trẻ ngay đêm hôm đó xuống núi. quay trở về Lãm Sơn. Thấy học trò bái lạy, hoà thượng Lãm Sơn hỏi:
- Ngươi bái lạy ta cái gì?
- Con biết ơn thầy vì thầy không giảng giải cho con.
- Ngươi đã ngộ được cái gì?
- Thưa thầy, con đã trở về nhà.
Hoà thượng Lãm Sơn gật đầu.
Ít lâu sau, Vô Trụ cuốn giẻ tẩm dầu lạc vào một ngón tay đốt cho cháy thành than mà vẫn ngồi thiền điềm nhiên. Sư nguyện tu theo hạnh đầu dà, môi ngày chỉ ăn một bữa, và di du tăng khắp miền đất nước. Sư gặp gỡ các vị thiền đức để học hỏi thêm về đạo. Sư muốn giúp đỡ nhiều cho mọi người, nên đã học thêm cả võ đạo, y đạo. Gặp năm mất mùa đói khát, giặc cướp nổi lên như ong, dịch bệnh truyền lan, người chết như ngả rạ, sư đi hành cước đến một ngôi chùa làng ở lộ Quốc Oai, đã dừng chân, ngày đêm xả thân chữa bệnh cứu đói cho dân làng, chữa khỏi bệnh cho nhiều người. Xong việc, ông định ra đi, dân làng chạy theo đồng thanh xin ông ở lại. Ông bèn dừng chân ở ngôi chùa quê nhỏ bé, hẻo lánh, cạnh cái đầm lớn tên gọi đầm Thiên nhiên. Chính tại ngôi chùa làng nhỏ bé bên bờ đầm ấy, sư cụ đã ra tay cứu giúp chú bé vô thừa nhận Phạm Sư Ôn. Nhưng kỳ lạ thay? Chú bé lại không đi theo con đường mà hoà thượng vạch ra. Thiên Nhiên tăng đã đi theo con đường nổi loạn. Sư Vô Trụ lúc đó chợt hiểu thế giới này họp bởi triệu ức những cơ duyên, có những duyên hợp để làm công việc huỷ bỏ, lại có những duyên hợp khác để làm việc xây dựng; dù ta có ý muốn làm thay đổi cũng chẳng được.
Tuy nghĩ thế. nhưng khi gặp mẹ con Phạm Sinh hoà thượng lại ra tay cứu giúp cái thế hệ tiếp theo của những con người vô thừa nhận. Rồi Phạm Sinh lại cưỡng lại những thiện ý của sư cụ. Sư thở dài nghĩ: “Con đường của các bồ tát dạy ta là thế, dù có phải làm đi làm lại nhiều lần”.
Thời gian thiền sư hành cước đến Thăng Long, ông đã kết thân với Sử Văn Hoa và cụ lang Phạm. Ở kinh đô sư mới hiểu đất nước đang biến chuyển với tốc độ thiên lý. Nhất là, gần gũi cụ lang Phạm, ông biết được nhiều chuyện cung. Ông bảo cụ lang:
- Cư sĩ ạ. Chúng ta sinh ra vào thời mạt pháp. Mà lúc này, có lẽ đang vào thời hắc ám. Về thôi! Ta về với núi rừng thôi.
- Chúng ta đã già rồi. Và có lẽ tôi cũng muốn về núi để viết một cuốn sách thuốc.
Thế là hai ông già dắt díu nhau trở về núi thiêng Yên Tử.
Hai người leo lên chùa Vân Yên. được biết thiền sư Vô Trước đã thị tịch. Vô Trụ ra tháp thắp hương rồi quay về nhà tổ. Sư huynh Quốc Nhất thay thế thiền sư Vô Trước bảo Vô Trụ:
Sư đệ đã già rồi, chắc đã mỏi gót vân du, có muốn trở về làm bạn với suối rừng để dưỡng chân không? Bẩm sư huynh, cho phép đệ được về nơi càng thanh vắng càng tốt. Cư sĩ Phạm là danh y ở kinh sư cũng cùng một chí với đệ.
Thiền sư Quốc Nhất gật đầu, cho họ ra ở nơi am cỏ vùng Thác Bạc.
Cứ nhìn quang cảnh núi Yên Tử, người ta thấy ngay được sự lên xuống của Phật giáo Đại Việt. Thời vua Trần Nhân Tôn đệ nhất tổ Trúc Lâm, đây là núi tổ Phật giáo. Vua bụt tu hành ở đó nên toàn thể phật tử và nhân dân đều hướng về đó. Đệ nhất tổ tu hạnh đầu đà, không ưa xa hoa, nên chùa chiền trên núi hoàn toàn mộc mạc, nhiều chùa chỉ là am cỏ. Đến thời vua Trần Anh Tôn cùng với đệ nhị tổ Pháp Loa, Phật giáo lúc đó cực thịnh. Điều khác trước, là các chùa chiền trên núi Yên Tử đều được xây cất nguy nga đẹp đẽ, nhất là khu vực lưng chừng núi, quanh chùa Vân Yên. Mới đến trước chùa, ta đã gặp ngay ngọn tháp bằng đá, nơi để xá lị của đức Nhân Tông, cao ngất trời, chừng vài chục trượng. Sau tháp có ao nhỏ thả sen, và vườn hoa. Leo lên sân chùa, ta trông thấy toà Vân yên Tự lợp ngói lưu ly mầu xanh, tám mái. Đối xứng hai bên tả hữu là lầu chuông, lầu khánh nguy nga. Vua Trần Anh Tôn muốn phát huy công đức của vua bụt Nhân Tôn cha mình, nên đã phát tiền công khố tu bổ cho chùa chiền Yên Tử rất nhiều. Các chùa nơi khác có nguồn kinh tế do ruộng chùa cung cấp. Núi Yên Tử không có ruộng nước nên nguồn cung cấp kinh tế do nhà nước cấp. Hàng trăm sư tăng của hơn một chục ngôi chùa đều ăn gạo nhà nước, ăn muối nhà nước. Thậm chí, có cả một kho muối dự trữ trên núi, nơi trữ muối gọi là am diêm...
Tiếp đó, đến đời vua Trần Minh Tông. Vua không chú ý mấy tới đạo Phật. Thiền phái Trúc Lâm dần dần sa sút. Nhà nước cắt dần cung cấp. Sư tăng trên núi phải rau cháo tự túc. Lẽ dĩ nhiên sư tăng cũng giảm bớt, phải chuyển về các ngôi chùa làng ở khắp nơi, để có cái sống mà tu hành. Nhà nước bỏ rơi thì nhân dân cưu mang đạo Phật...
Từ thời Trần Dụ Tôn trở đi, đạo Phật rơi vào chỗ suy sụp Rồi giặc cướp nổi lên, Chế Bồng Nga đánh phá, rồi Hồ Quý Ly ra sắc lệnh bắt sư tăng đi tu để trốn lính phải hoàn tục. Đạo Nho bắt đầu lên ngôi, đạo Phật như chỉ còn thoi thóp.
Chùa chiền Yên Tử lúc này, qua thời gian gần trăm năm, kể từ khi Trần Nhân Tôn thị tịch, đã bắt đầu đổ nát. Và vì chùa to đẹp quá, lại xây dựng trên núi cao nên không tài nào có khả năng trùng tu lại được. Lầu chuông gác trống đã trông thấy cả trời; chùa cả Vân Yên vì to rộng quá nên càng nhiều chỗ dột nát; sư tăng cố co kéo, đảo mái, nhưng ngói dần dần vỡ, thiếu hụt, dù có cố dàn mỏng ra cũng không kín mái. Tường vôi lở lói. Sư tăng còn ít, lại phải lo xuống chân núi trồng sắn trồng khoai; chỉ còn sư cụ và chú tiểu thường trực tại chùa trông nom làm cho sạch sẽ gọn gàng, nhưng cũng không ngăn nổi cỏ mọc xanh kẽ gạch và rêu bò lan vách tường.
Thiền sư Quốc Nhất cho chú tiểu dẫn hai ông già ra vùng Am Dược. Hồi các tổ Trúc Lâm còn sống, vùng am Dược nhộn nhịp người đi về. Vùng Yên Tử nhiều cây thuốc quý, Trúc Lâm đại sĩ tụ hợp một số nhà sư giỏi nghề thuốc về đây, hái lá, đào rễ cây. bào chế nhiều loại thuốc để phát không cho dân nghèo. Nhưng bây giờ, am Dược từ lâu không có người ở. Chú tiểu dẫn đầu đi về hướng đông. Lối mòn xưa đã bị cây đại, cây leo xoá hết dấu vết, chú phải dùng dao quắm phát quang, mở lối dẫn vào một khu rừng già nguyên sơ. Rừng đại ngàn với những cây cao thẳng vút xòe tán rộng, cây nọ ôm bóng cây kia, toả âm u, ngăn không cho, dù một vệt nắng, lọt rơi xuống đất. Qua đoạn rừng già, họ gặp khu rừng trúc vàng. Trúc nhỏ và cao đều tăm tắp. Những cây măng dầu xuân đã kịp chui qua màu lá xanh để chĩa thẳng lên trời, rồi cong cong như hàng ngàn chiếc cần câu vàng đu đưa khi gió thổi. Họ dẫm chân trên thảm cây khô lá mục, nhắm mắt lại chợt thấy mùi ngai ngái, thoang thoảng của thứ lá ngải rừng, cũng có khi của lá tùng mục, mà biết đâu đấy có thể của một loài hoa rừng nào đó mà ta chẳng biết.
Qua khỏi ngọn thác nhỏ trắng xoá đổ xuống một vũng ao núi, trong suốt nhìn thấu đáy, là một khoảng đất rộng bằng phẳng. Một chiếc am nhỏ. tường xây đá. nằm dưới một cụm dăm cây xích tùng trồng đã trăm năm kể từ thời vua bụt đi tu, nay đã vừa người ôm. Đó là am Hoa. Vườn hoa bỏ hoang từ vài chục năm rồi nhưng vẫn còn dấu vết. Những bụi bạch trà đại. đoá mọc ngang đầu người, hoa to như những chiếc chén tống trắng muốt. Những bụi mẫu đơn đỏ, vàng, trắng. xếp hàng trước cửa am. Những bụi hoa chống cự bao năm với cỏ hoang, nên trở thành hoa dại dầy sức sống, chúng um tùm xanh tốt, gặp tiết xuân. nở hoa tưng bừng. Hai ông già đi thăm cả am Dược gần đó. với vườn thuốc bỏ hoang, nhưng thật thú vị. bởi vì cây thuốc càng hoang sơ càng quý, chúng phải chống cự mãnh liệt với khắc nghiệt thiên nhiên nên được tính của chúng càng mạnh. Họ cắt cỏ tranh, chặt tre rừng lợp lại hai chiếc am Hoa vào am Dược. Họ quét dọn bàn thờ Phật, dựng lại những pho tượng đã tróc sơn. bạc mầu vì mưa nắng. Họ lại trồng sắn trồng khoai, trồng thuốc và cả trồng hoa. Họ lại tụng kinh, viết sách. Một sư, một cư sĩ một chú tiểu thay nhau xuống các làng chân núi thăm bệnh cứu người.
Cho đến mùa xuân năm nay. sư Vô Trụ đột nhiên cảm thấy bồn chồn lạ lùng. Ông thầm nghĩ: “Ta đã già quá rồi mấy tháng nay chân ta không xuống núi nổi nữa. Cả ông bạn họ Phạm của ta cũng vậy. Thời tiết đã đến rồi sao? Tất cả mọi chuyện xuống núi lúc này đều nhờ vào chú tiểu Vô Tâm...”
Đêm hôm qua, khắp người đau nhức, sư Vô Trụ cả đêm không ngủ. Quá nửa đêm, gió nổi đùng đùng. Cơn gió lạnh cuối mùa sao mà dữ dằn. Những cây xích tùng reo lên vu vu. Rồi mưa đổ xuống. Cơn mưa đầu mùa sao lắm nước vậy. Một lúc sau nghe tiếng con suối đổ xuống thác rầm rầm. Giun dế trong rừng, lũ nhái ngoài suối, những con ếch con cóc trong các hốc đá đều cất vang đủ giọng cao thấp đón mưa. Rồi cả tiếng con nai mừng cỏ mọc, tiếng con hổ gọi giao duyên, một con chim đêm to vỗ cánh phành phạch. tiếp theo là lũ khỉ nháo nhác vừa kêu vừa chạy... Sao lại vậy? Rừng đêm nay sao nhiều tiếng dộng? Cảm giác như tiếng động mỗi lúc mỗi nhiều hơn, mỗi to thêm. Trước là một tiếng của một con hổ. Sau, hình như có tiếng cả chục con. Tiếng à uôm từ mỏm đá này truyền sang mỏm khác. Có con hổ trước còn ở xa, sau tiến lại gần am. Có lẽ nó đứng ngay ở gốc cây xích tùng to nhất, gần nhất mà kêu. Tiếng kêu ngân vang rung cả mái là. Có lẽ nó vươn cổ lên trong mưa mà kêu bằng một sắc điệu trầm trầm thê thiết. Tiếng kêu hình như tức giận lại hình như khiếp hãi, không hiểu con vật khổng lồ hung dữ đó muốn báo hiệu một cái gì cho rừng sâu. Chỉ biết rằng khi con vật ấy cất lên, thì muôn vật khác đều bặt lặng. Rừng núi Yên Tử lúc đó chỉ còn tiếng mưa rơi, suối réo ầm ào, và tiếng con hổ oang oang... uôm uôm... thảm thiết. Rống lên một lúc, con vật đột nhiên ngừng kêu. Núi rừng chợt rơi tõm vào sự lặng ngắt. Chỉ còn tiếng rào rào của mưa và tiếng ầm ầm của con suối. Cả đến gió lúc này cũng yên. Trong cái nền âm thanh đều đều của nước ấy, chợt nghe thấy một tiếng động lạ soạt soạt. Nghe kỹ mới đoán ra đó là tiếng con hổ mài móng vuốt trên thân cây xích tùng.
Sư Vô Trụ ngồi đọc kinh thâu đêm cho đến sáng. Cư sĩ họ Phạm cũng ngồi thiền sau lưng người đồng đạo. Hôm sau, trời tạnh. Vào lúc quá ngọ, khi hai người đang ngồi uống trà. sư tiểu xuống núi trở về dẫn theo hai người một trai một gái. Họ quỳ xuống vái lạy sư Vô Trụ:
- Học trò thật đắc tội. Bao năm nay mới về thăm thầy.
Hoà thượng nhìn chàng trai một lát, nhận ra ngay:
- Phạm Sinh! Con đấy ư? Ta chờ con đã bao lâu nay. Thảo nào, dạo này ta thấy sốt ruột. Đêm qua rừng động, ta chợt nhớ tới con, và cầu xin đức Phật hộ trì cho con. Thì nay, con về thật rồi. Về thật rồi - Sự sung sướng hiệu rõ trên nét mặt ông già mặc dầu ông là người tu hành. Ông chỉ tay vào cô gái đang quỳ bên cạnh - Còn vị này là ai? à, ta hiểu rồi. Có phải là vợ con đó không?
Được biết Thị Hạnh là con gái Sử Văn Hoa, hai ông già ngậm ngùi cho số phận người bạn già tài hoa viết sử ở Thăng Long.
Tối hôm đó, hai thầy trò ngồi dưới hoa trò chuyện. Phạm Sinh nói:
- Thưa thầy, con thật mê muội. Trước kia lòng con lúc nào cũng nung nấu một chí căm thù. Thậm chí ngột ngạt vì nó, có lúc muốn huỷ bỏ cả thân mình vì nó... May mà gặp duyên...
- Ta rất mừng vì con đã về núi, đã rũ thị phi...
- Thưa thầy, con đã gặp được ông ta...
- Ông ta?
- Vâng, ông quan thái sư đó, là người đại chí. Đúng vừa có chí lớn lại vừa đại trí, cũng là con người lạnh lùng như băng. Con căm ghét ông ta đến cùng cực. Nhưng gặp mặt ông ta, con lại bị hấp dẫn vô cùng. Cứ tưởng đó là loài yêu quái ngậm máu phun người chẳng tanh, nhưng không phải. Ông ta thông minh, có thể nói sâu sắc đến tinh tế, nhưng đầy tham vọng. Nói thế nào cho đúng đây... phải, tham vọng đến độ ngạo mạn. Vì thế cho nên, đầy rẫy những kẻ thù. Và kẻ thù của ông cuồng vọng cũng không phải nhỏ, ý chí cũng không phải vừa. Hai ý chí cuồng nộ gặp nhau... ắt là có máu. Họ chẳng từ một thủ đoạn nào... Nói thế nào nhỉ? Vừa tàn bạo đến cùng cực... nhưng lại vĩ đại vô cùng. Vừa đáng căm giận, lại vừa đáng thương đáng kính... Và bao trùm lên tất cả là một nỗi cô đơn đến kinh hoàng. Thưa thầy, con nói năng thật lộn xộn. Ai cô đơn? Ông ta? Hay kẻ thù của ông ta? Hay chính là con?
Hoà thượng hiền từ trả lời:
- Ta hiểu và ta mừng. Con đang bối rối tức là con đang tìm đến với đạo.
- Hôm chúng con ra đi, nhạc phụ của con giao cho con quyển sách viết giở và cây bút lông?
- Cây bút lông? Quyển sách viết tiếp? Có lẽ con có duyên với việc đó. Thầy chỉ xin tặng con hai câu thơ của người xưa:
Thiên giang hữu thuỷ, thiên giang nguyệt.
Vạn lý vô vân, vạn lý thiên.
(Ngàn sông tràn nước, ngàn trăng sông.
Muôn dặm không mây, trời mênh mông.)
Phạm Sinh ngẫm nghĩ:
- Thưa thầy, mặt trăng chỉ có một, nhưng ngàn sông có nước nên có ngàn trăng dưới nước. Dù sao cũng chỉ có một mặt trăng mà thôi.
- Con thấy đấy: chân như bất biến, nhưng tuỳ duyên vạn biến.
- Con xin giữ lấy chân như.
- Con hãy cầm lấy cây bút lông của nhạc phụ con. Nhưng mực của con phải là thứ mực đại từ bi của chân như... Hãy vượt qua thị phi... Con hãy nhớ.
Vợ chồng Phạm Sinh ở lại am Hoa cuốc đất, trồng khoai, trồng thuốc. Dạo này, đêm nào hổ cũng gầm gào và về mài vuốt ở cây xích tùng. Những vết móng hổ hàn sâu khắp gốc cây. Sư Vô Trụ nói với ông bạn già họ Phạm:
- Thời tiết của tôi đã đến rồi chăng?
- Nên như thế nào? - Cư sĩ hỏi.
- Sư ngẫm nghĩ rồi bảo:
- Đạo đang ở thời kỳ mạt pháp nhất. Nhưng vua bụt, tổ của chúng ta đã khêu đèn Phật, gieo hạt bồ đề ở khắp đất nước. Những chủng tử ấy nằm ở những ngôi chùa làng. Và khi nào đất nước cần đến. những mầm ấy gặp duyên lại thức dậy che chở cho dân lành. Lúc này chúng ta là những kẻ ẩn cư, giữ mầm lành.
Rung động liên tiếp mấy hôm. Đêm nào cũng có tiếng thú kêu xáo xác trong rừng. và con hổ lạ vẫn về mài móng ở cây xích tùng sau am. Sư Vô Trụ mệt đi trông thấy. Phạm Sinh lo lắng hỏi:
- Thưa thầy, tại sao rừng lại động lâu như thế?
- Ta cũng chưa hiểu... nhưng, ta có nghe...
- Có lẽ nào...
- Các cụ nói rằng những khi có chuyện bất thường, rừng thường nổi giận. Như năm xưa, lúc cha con chiếm Thăng Long, rừng đã nổi giận một lần. Bận ấy. có lẽ cũng dữ dội như lần này. Rồi năm ngoái. quan quân dẹp bọn nổi loạn trốn trong rừng sâu, rừng cũng xáo xác...
- Có lẽ nào...
- Chúng ta có lục căn. Tâm tình lúc xúc động biểu lộ ra bằng tiếng cười. tiếng khóc... Thầy chắc rừng cây muông thú cũng vậy thôi.
- Thưa thầy... con trộm nghĩ như con hổ lạ kia, đêm nào cũng về mài móng ở cây xích tùng... đêm qua, con để ý, thầy ra khỏi am nhưng nó không hề xúc phạm. Đến khi con ra hiên đón thầy vào, cũng chẳng xẩy ra chuyện gì. Khi con đốt lửa sưởi ấm cho thầy, con nghe thấy tiếng cào móng càng lúc càng dồn dập. Nghe cả tiếng rít ư ừ như tiếng kêu thương của một con mèo to lớn mà hiền dịu. Con cảm thấy như nó lo lắng cho thầy...
Hoà thượng cười hiền hậu:
- Ngày xưa, lúc ta còn là một chú tiểu, sư Huyền Quang, thầy khai tâm của ta lúc sắp ra đi, ta sụt sùi khóc, thầy bảo: “sinh tử nhàn như dĩ”... Bây giờ cũng vậy ta biết con thương ta, nhưng ta là người tu hành con đừng nên lo lắng quá... Con là người viết sử... cũng đừng nên để rối cái chân tâm.
Phạm Sinh ngần ngừ mãi rồi hỏi:
- Bạch thầy, con quyết định viết tiếp sử nhưng còn một điều con băn khoăn mãi vẫn chưa nghĩ ra.
- Con cứ nói.
Thưa thầy. nhạc phụ con thường khi vẫn nhắc tới hai chữ hồn sông hồn núi. Thú thực, con vẫn chưa hiểu rõ hai chữ ấy.
Sư Vô Trụ ngẫm nghĩ hồi lâu mới trả lời:
- Một non sông cũng như một con người, vốn có cái nghiệp của nó. Đó là cái cộng nghiệp của toàn thể người dân. Đức Phật bảo con người có A lại da thức, nơi tàng chứa những chủng tử lành dữ của con người qua nhiều kiếp. Một đất nước cũng vậy, trong tàng thức của non sông có chứa những chủng tử... những mong muốn tốt đẹp những điều văn hiến mà dân tộc ấy đã gieo trồng, chúng biến thành khát vọng, thành hồn của núi sông, rồi từ đời này sang đời khác, khát vọng ấy sẽ hoá thân vào những bậc hiền nhân, vĩ nhân, danh nhân và cả trong những trái tim tốt lành của người dân thường để dẫn dắt dân tộc ấy đi đến đường của Đạo.
Nói đến đây, sư Vô Trụ có vẻ mệt. Cụ lặng im. Phạm Sinh rạp đầu xuống tạ ơn, và để nhận ánh sáng từ bi an lành của thầy toả ra từ bàn tay già đặt lên đầu chàng. Có lẽ đó là sự giao nhận cuối cùng của thầy và trò
Cuối cùng, sư bình tĩnh dặn dò:
- Thời của ta đã đến rồi đấy... Ta nghe rõ trong mình... Từ mai ta sẽ tuyệt cốc không ăn uống. Khi nào ta ra đi hẳn, cứ để xác ta nửa tuần trăng. Nếu không có mùi gì thì để nguyên, bọc lại, táng vào hang núi, lấy đá lấp kín. Còn nếu có mùi khác lạ thì hãy hoả thiêu rồi đem tro vùi ở gần làng Quy Đức. Ta muốn chết còn được nương nhờ bóng mát của tổ Trúc Lâm.
Từ hôm đó, sư ngồi thiền suốt đêm ngày và không ăn uống.
Khi con bạch tượng đưa Nguyên Trừng và Thanh Mai leo đèo vượt dốc, lội qua hàng chục con suối đến chân núi Yên Tử, đã thấy quan lại địa phương và xã trưởng cùng nhân dân bầy hương án sẵn để đón rước. Quan phủ rước đức ông vào nghỉ ở căn nhà tạm mới mọc lên. Người đó thưa:
- Theo lệnh của đức ông, lộ đã sức về phủ, phủ đã sức về huyện, huyện đã sức về xã, mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng...
Trừng bảo:
- Các ông biết đấy. Tây Đô đã hoàn thành. Năm nay mở hội thề rất lớn trong đó. Nhưng cha ta muốn cả nước đều được tưng bừng, vì vậy cho phép mùa xuân này, các hội quê đều được mở. Tiếng âu ca phải được vang lên khắp nơi. Vả lại, năm qua cả nước được mùa. Ta nghe nói, mấy năm nay Yên Tử không mở hội. Hơn nữa, vừa rồi phủ sở tại đây đã dập tắt được một nhóm nô tỳ kéo nhau tụ tập trong rừng, tuy chưa làm phản nhưng chắc là có chí ấy.
Viên quan sung sướng khúm núm:
- Dạ, quân lính đã chặt được hơn trăm thủ cấp.
- Tôi có nghe an phủ sứ đề nghị thăng thưởng cho ông. Việc võ là cần, nhưng việc văn cũng cần không kém. Vì vậy, tôi muốn ông cho tổ chức ngày hội Yên Tử thật long trọng. Tôi đã dạn thưởng thêm cho phủ trăm lạng bạc, chi vào lễ hội. Ông nên biết, dân rất thèm vui. Mấy năm nay, chẳng hề nghe tiếng trống thì thùng... có hội, lòng dân sẽ vui tươi nô nức...
Đúng lúc Nguyên Trừng đang nói, rừng Yên Tử bỗng rộ lên những tiếng kêu xáo xác của muông thú. Tiếng động ồn lên như một cơn sóng ào ạt xô tới, rồi bỗng dưng bặt lặng. Trừng nhíu mày hỏi:
- Tiếng gì vậy?
- Dạ mấy hôm nay rừng động!
- Sao lại động?
- Dạ, có thể lúc quan quân hàng ngàn người reo lên à à sục sạo trong rừng tìm lũ phản loạn, rồi đang đêm đốt đuốc thổi tù và inh ỏi... nên đã làm lũ muông thú kinh hoàng. Cũng lại có thể, vì con hùm đen - chúa rừng, đã lâu vắng bóng, nay lại xuất hiện ở vùng này... Thật lạ lùng? Nghe nói con vật đó hằng đêm vẫn về mài móng vào thân cây xích tùng ở am Hoa trên núi nhưng lại chẳng hề làm hại tới sự cụ Vô Trụ và những người ở đó
- Hổ về ư? Chúng đã xâm phạm tới ai chưa? Hổ về làm sao mở hội? Các ông đã có biện pháp gì?
- Xin đức ông chớ lo. Chưa hề xảy ra chuyện. Còn biện pháp, chúng tôi đã theo kinh nghiệm của dân sở tại. Mỗi năm, trước khi mở hội, xã vẫn thịt trâu rồi vứt thịt ra những cánh rừng xa. Hổ có cái ăn no sẽ chẳng động tới dân. Năm nay cũng theo cách ấy, nhưng vì rừng động, nên hạ quan đã ra lệnh thịt ba con trâu, vứt thịt ở các ngả. Lại có thêm hai con khác dự phòng.
Nguyên Trừng nhìn viên quan phủ tinh khôn ấy rồi gật đầu:
- Ông thật khéo. Tôi yên tâm rồi.
Khi Nguyên Trừng, Thanh Mai, ông già Lặc leo lên núi cũng là lúc hội Yên Tử bắt đầu. Các ngôi chùa Long Động, Giải Oan, Vân Yên... đều gióng chuông từ sớm. Từ các làng quê trong vùng, những người dân nghe tiếng chuông ngân nga, từng đoàn kéo nhau về Yên Tủ. Một lá phướn to, dài mầu vàng treo trên đầu cây bương cao chót vót được chôn ở chân núi trước khi đến suối Giải Oan. Dân quê ngạc nhiên và háo hức bởi vì hội Phật hầu như vắng bóng đến chục năm trời, nay bỗng nhiên được mở, mà lại do chính các quan trên đứng ra đỡ đầu. Hội đông là phải...
Nguyên Trừng đứng trên dốc đá, dưới một gốc tùng già nhìn xuống chân núi, thấy dòng người nô nức đang tiến về phía chùa Giải Oan thấy ngọn phướn uốn lượn trong gió như con rồng vàng đang múa; rồi chợt một hồi chuông chậm rãi từ trên núi vang vang lan toả trên đầu những cây đại thụ, tiếng chuông hiền từ nhưng sao mà buồn đến vậy, ông chợt thở dài, có chút ngậm ngùi... Thực ra, cuộc mở hội này là điều bất chợt ông tự nghĩ ra, đâu có phải ý định của quan thái sư. Trừng đi thăm ông ngoại nên muốn có món quà làm ông vui lòng. Mới đầu, ý nghĩ chỉ giản đơn thế thôi, nhưng khi hội mở, nhìn mặt người dân hớn hở, Nguyên Trừng mới chợt thấy như mình có lỗi với mọi người.
Cụ lang Phạm gặp Nguyên Trừng đã nói ngay:
- Được tin cháu lên thăm, lại được tin mở hội Phật ông biết ngay đây là ý riêng của cháu...
- Cháu chỉ muốn làm ông vui lòng.
- Chẳng những ông vui và người dân cũng cảm ơn cháu. Đã gần chục năm nay, họ vẫn mong một ngày hội Phật. Ông già ngẫm nghĩ rồi hỏi - Làm thế này, cháu không sợ cha cháu phật lòng hay sao?
Nguyên Trừng cười:
- Cả đến ông, cũng không hiểu được lòng cha cháu.
- Không hiểu cha cháu?
- Ông thử nghĩ xem. Khói hương ư? Tụng kinh ư? Lễ hội ư? Cha cháu tại sao lại giận, tại sao lại phản đối?... Chỉ miễn là lòng dân an vui - Trừng mỉm cười - Thậm chí cha cháu còn bảo sau khi thăm ông, cháu phải đến vấn an các thiền sư Yên Tử, và thỉnh các vị về Tây Đô mừng kinh đô mới.
Sư Vô Trụ, không ăn uống, ngồi kiết già đã mấy ngày liền vẫn chưa thị tịch. Hôm Nguyên Trừng theo ông ngoại từ am Dược đến am Hoa viếng thăm, sư đột nhiên bừng mở mắt và sai chú tiểu mời vào. Nguyên Trừng làm lễ vấn an, thiền sư nói:
- Khi đức ông còn nhỏ tuổi, tôi đã có duyên hội ngộ. Đức ông từ khi ấy đã đọc kinh Phật. Vậy là đã có chút duyên với nhà Thiền.
Nguyên Trừng truyền đạt lời mời tới Tây Đô dự lễ. Sư nói:
- Rất tiếc, đã đến thời tiết của lão nạp này rồi.
- Xin thiền sư chỉ giáo đôi lời.
Lão nạp đức mỏng không có lời riêng. Chỉ xin gửi lại đức ông hai câu kệ của đức Nhân Tôn:
Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên.
Cơ tắc xan, hề, khốn tắc miên...
(ở cõi trần vui đạo, hãy tuỳ duyên
Đói thì ăn, hề, nhọc ngủ liền...)
- Tuỳ duyên?
- Vâng... có duyên, chớp mắt mọc vạn lâu đài. Hết duyên, chớp mắt lại tan ngay...
Thiền sư nhắm mắt, từ đó ông không nói gì nữa. Hôm sau, Nguyên Trừng từ giã ông ngoại xuống núi. Nguyên Trừng để Thanh Mai ở lại ít bữa với ông ngoại để giúp đỡ am Hoa, vì sư Vô Trụ sắp ra đi. Nàng và ông già Lặc tiễn chân Trừng xuống chân núi. Hôm đó mở hội phóng sinh và phóng đăng ở suối Giải Oan. Những bè chuối nhỏ đem theo những chiếc đèn hoa bập bềnh trôi theo dòng nước. Những con cá chép từ chậu được thả ra suối trước khi bơi đi xa còn cố ngoi lên mặt nước thả những chuỗi bong bóng như để cám ơn con người. Phạm Sinh và Thị Hạnh mua một lồng chim sáo của bọn trẻ mục đồng, trùm chiếc khăn vuông xưa của bà nô tì lên. Thị Hạnh nhón tay nhấc chiếc khăn để Phạm Sinh mở cửa lồng cho con sáo nhảy ra đậu trên lòng bàn tay chàng. Phạm Sinh nói:
- Bay đi? Hãy trở về với bầu trời!
Con chim bay vút lên cây cao. Đột nhiên trong rừng một bầy chim từ những lùm cây bay túa lên trời kêu xáo xác.
Người quản tượng mới thay ông già Lặc tiến lại gần con voi trắng. Con bạch tượng chợt giậm chân thình thịch như tức giận, khiến người đó không thể nào tiến lại gần. Nó bỗng vươn vòi lên trời, chồm lên, đứng bang hai chân sau và bắt đầu rống. Tiếng rống vang trời, gọi mọi người xúm lại gần. Càng thấy đông, con voi càng nổi cơn giận dữ. Tiếng rống của con bạch tượng chuyển sang giọng man rợ chưa từng thấy. Tiếng nó kêu rung chuyển núi rừng. Tiếng rống xoáy vào rừng sâu kêu gọi, làm rừng tĩnh lặng bỗng nhiên choàng tỉnh. Ở phía xa xa, hình như cũng có tiếng gầm gào đáp lại. Nguyên Trừng thở dài. Đây là lần thứ hai ông thấy con voi giận dữ. Ông nhớ lại lần trước, ở pháp trường Báo thiên, con voi cũng đã gào rống như thế này. Song, lần đó, người ta hát bài hát dỗ voi đã dần dần làm nó nguôi đi. Lần này, ông già Lặc cũng hát:
Ơ con voi rừng!
Ơ con voi hoang!
Nước mắt ròng ròng
Cái vòi ủ rũ
Vểnh tai lên mà nghe ta hát
Vươn vòi lên mà đón nhành hoa...
Nhưng con bạch tượng chẳng chịu nghe lời dỗ của ông Lặc nữa. Nó chẳng cần nhành hoa. Lần này nó điên thực rồi. Nó chỉ còn biết rống lên bằng tiếng kêu thảm thiết, nghe mà rùng mình, giống như tiếng kêu chọc tiết của hàng ngàn vạn con lợn. Có lẽ lần này ở đây là rừng, và tiếng gọi của rừng đánh thức khối óc nhỏ bé của nó đã ngủ lịm từ bao lâu nay. Nó thức giấc và không chịu ngủ lại lần nữa.
Thanh Mai nói với Nguyên Trừng:
- Em xin chàng một đặc ân. Xin chàng hãy thả nó về rừng.
Nguyên Trừng như còn suy nghĩ, Thanh Mai lại tiếp:
- Hôm nay, ngày hội phóng sinh. Sao chàng chẳng phóng sinh cho con bạch tượng?
- Phóng sinh ư?
- Cha chàng, ngài thái sư đã chẳng phóng sinh cho hàng vạn nô tì rồi đó sao?
- Đúng! Phóng sinh. Phóng sinh. Ý nghĩ của nàng thật tuyệt. Đã có bao giờ người ta phóng sinh cho một con voi chưa?
Con voi được tháo xích, nó nhằm thẳng phía rừng già, cắm đầu chạy, vừa chạy vừa rống lên ồ ồ, nhưng đó là tiếng rống mà Nguyên Trừng chưa hề bao giờ nghe thấy. Tiếng kêu của nó dần mất hút trong rừng sâu. Nguyên Trừng lên ngựa ra sông Lục Đầu, trở về Tây Đô Tất cả, ông ngoại, Thanh Mai, ông già Lạc và cả con voi nữa đều ở lại Yên Tử.
Chàng ra đi chỉ có một mình.