Rút cây roi tre từ trên chái nhà ra, ba tôi nhịp nhịp nó lên tấm phản, miệng ông không ngớt hỏi tội tôi:
- Hoàng, tại sao mày dám bỏ nhà đi chơi. Không lo dọn dẹp nhà cửa, không lo ôn tập hè, cũng không thèm nấu cơm? Trưa rồi mẹ mày và tao về ăn gì đây? Còn thằng Tý, mày rủ rê hắn chặt tre làm chi để hắn chặt vô chân hắn? Ba nó về đây bắt đền tao mày biết không? Sao mày ăn rồi chạy lông bông, phá làng, phá xóm vậy hả? Hả? Cái thằng trời đánh kia?
Tôi vòng tay, cúi đầu đứng trước ba tôi, nghĩ đến sự đau đớn khủng khiếp của ngọn roi sắp quất lên người mà rụng rời. Tuy thế, tôi vẫn không trả lời được những câu hỏi dồn dập của ba tôi.
Ông nhịp roi nhanh vun vút lên tấm phản:
- Mày điếc hả, hay mày lì, sao không nói? Tại sao mày cứ chạy ra chơi ngoài nghĩa địa hoài vậy? Ngoài đó có gì hấp dẫn mà mày mê dữ vậy?
Tôi vẫn câm như hến. Vút! Vút! Hai roi quất vào mông tôi mà không cần đợi tôi nằm dài ra phản. Tôi oằn người vì đau, nhưng tôi không van xin, cũng không nói lên những việc tôi định làm ngoài nghĩa địa. Tôi không muốn ba tôi chia xẻ với tôi những lo lắng, thương yêu mà tôi dành cho người mẹ đã chết. Tôi biết, ba tôi không còn nhớ thương gì đến mẹ tôi nữa.
Lại vút! Vút! Trót! Trót! Những ngọn roi quái ác, tàn nhẫn in tới tấp lên lưng, lên mông, lên hai bắp chân tôi. Tôi vẫn cắn răng chịu đựng. Ba tôi rít lên.
- Thật là một thằng ranh con lì lợm! Tao sẽ cho mày mềm xương ra.
Tôi biết, càng lì mặt đứng đó, càng bị đánh tới tấp. Nhưng mặc, tôi cứ cắn răng chịu trận.
Tiếng dì Xuân và nhiều người nữa đã bu đông lại trước cửa nhà tôi cùng la ó, can gián. Dì Xuân sấn tới giật cây roi, nói giọng căm tức:
- Chú Sơn! Răng chú ác rứa? Ðánh chi mà đánh dữ rứa? Con chú chớ bộ kẻ thù chi chú mà muốn giết hắn chết đi? Ác vừa vừa thôi chú ơi. Ai xui, ai biểu chú mà chú không biết thương con chớ.
Ngay tức khắc, tiếng dì ghẻ tôi ở gần đó, chua cay:
- Nì! Im cái họng nghe. Ðừng có nói xiên nói xỏ người ta nghe! Việc nhà người ta, để người ta lo. "Ðèn nhà ai, nhà nấy rãng." Xía vô rồi có người nói là định giựt chồng người ta đó.
Tiếng dì Xuân "hừ, hừ" trong họng. Tiếng nhiều người xì xà, đay nghiến. Tôi không chú ý lắm, chỉ chờ đợi những ngọn roi quất điếng lên người. Nhưng không, ba tôi không còn ở đó nữa. Ông theo tay kéo của một người hàng xóm đi ra khỏi ngõ.
Dì Xuân bẻ đánh "rốp" cây roi, quẳng vào góc nhà. Dì không thèm nói gì nữa, ôm lấy tôi dìu qua nhà dì. Ðặt tôi nằm lên chiếc chõng tre, dì xuýt xoa rờ rờ lên lưng tôi. Ðang nằm úp mặt xuống giường, tôi vẫn cảm thấy những giọt nước mắt nóng hổi nhiễu lên lưng tôi làm xót rát những vết roi có lẽ rướm đầy máu.
Dì Xuân hỏi vỗ về:
- Răng con dại rứa con? Ba con không ưng con bỏ nhà đi chơi, con đi chỉ để bị đánh thảm thương ri hè?
Tôi tấm tức khóc trước những lời nói nghẹn ngào của dì Xuân:
- Răng con cứ ưa ra nghĩa địa làm chi mà ra mãi rứa hả?
Nướcmắt chảy ròng ròng, tôi vẫn không nói.
- Rứa sáng ni con làm chi mà thằng Tý suýt gãy cẳng hả?
Thổn thức một hồi, tôi mới nói được:
- Con rủ thằng Tý chặt tre...
- Trời ơi, hết cách chơi răng con chơi dao, chơi rựa?
- Con không chơi đâu dì. Con biểu thằng Tý chặt tre làm nhà...
- Trời ơi, bày trò chơi làm nhà, làm cửa nữa?
- Không phải bày trò đâu dì. Con định chẻ tre, lợp cho mẹ con một mái nhà kẻo nắng rọi mẹ con nóng lắm dì. Mai mốt tới mùa mưa, mẹ con cũng khỏi bị ướt, bị lạnh đó dì.
Dì Xuân la trời một lần nữa rồi dì khóc kể:
- Sen ơi là Sen! Răng em chết chi sớm để con em tội tình dữ ri nè. Còn cha đó mà như mồ côi, mồ cút. Cha hắn giờ chỉ biết con ngựa Thượng tứ đó thôi, còn biết chi tới con với cái nữa. Hu hu...
Dì xịt mũi vào ống quần đen rồi dì lại khóc. Nước mắt của dì làm tôi thêm tủi thân. Tôi vùng dậy ôm chặt lấy dì, khóc oà. Con Kim Anh ngồi bên mẹ cũng ôm mẹ khóc.
Lát sau, khóc đã nư, dì Xuân tỉnh táo nói:
- Kim Anh, lui sau bếp bới tô cơm, bỏ vài con cá bống thệ kho ném, lựa con mô lớn nhất đó, đem lên cho thằng Hoàng ăn.
Kim Anh dạ nhưng vẫn đứng bên, hỏi rụt rè:
- Còn bác Sơn và dì Lan thì sao mẹ?
Dì Xuân trợn mắt lên:
- Sao là sao? Cho họ đói chớ sao. Bộ họ không biết đi ăn cơm tiệm à? Không lo được bữa cơm hay sao mà bắt thằng nhỏ 7,8 tuổi lo hầu hạ họ hả?
Ðược lời như cởi tấm lòng. Dì Xuân thiệt là hiểu bụng tôi. Ðã lâu, mỗi lần phải gò lưng chúi đầu vô ông bếp thổi lửa phù phù, khói mù cay mắt, tôi hay nhủ bụng: "Tự dưng mình phải hầu hạ, cơm nước mãi hai con người ác nhơn đó."
Những lúc ấy, tôi buồn rầu nghĩ mãi, không hiểu sao ba tôi lại ưa đánh đập tôi một cách dữ dội như thế. Vô lẽ ba tôi không còn thương tôi? Hay ba tôi điên? Hay tôi không phải là con ruột của ông? Nhưng ngày mẹ tôi chưa mất, ông cưng tôi lắm mà?!
Sau cái vụ làm nhà che nắng, che mưa cho mẹ không thành, lại bị một trận đòn nên thân, tôi càng đâm ra lì lợm, càng ghét mẹ kế và xa lánh ba tôi hơn.
Cũng vậy, ba tôi càng ham đánh đập tôi hơn. Cứ mỗi lần dì ghẻ tôi nói hờn mát bất cứ chuyện gì có dính dáng đến tôi, y như rằng ba tôi lại lôi tôi ra đánh. Gãy hết cây roi tre này thì vót cây roi kháng!!-- ---~~~mucluc~~~---


Chương 11

Mẹ kế tôi sinh thêm một đứa con gái vừa lúc tôi nhập học lớp Bốn.
Tuy mướn được một người đàn bà trung niên trông trẻ và làm việc nhà, nhưng dì ghẻ tôi vẫn bận bịu tíu tít mỗi khi từ ga Huế trở về. Bởi tôi càng lớn càng bất trị, dì không màng tới tôi nữa. Vả lại, vui vì hai đứa con nhỏ, dì đâm ra dễ dãi với tôi và do đó ba tôi cũng nới tay cho nên tôi càng lêu bêu dữ.
Từ lúc bắt đầu học lớp bốn, tôi phải chuyển về học ở cơ sở chính, một ngôi trường khang trang, lịch sự và nề nếp được xây dựng tự bao giờ bên cạnh một hồ rau muống ruộng. Phía trước mặt đường là khoảng lưng của trường Quốc Học. Nghĩa là cơ sở này nằm ngang khu vực văn hóa của thành phố Huế. Trường ra trường hẳn hoi, chứ đâu như hai cơ sở kia mà tôi từng biết.
Cơ sở thứ hai, ở ngay đầu khu phố Lịch Ðợi, chỉ là một ngôi trường bốn phòng mà tôi đã từng nói tới. Nó nằm chênh vênh sau lưng ga Huế, cách chùa Bảo Quốc một con đường dốc ngắn.
Cơ sở thứ ba lại nằm nơi tận cùng của Lịch Ðợi. Nơi này tôi cũng từng nhắc tới trong những ngày rong chơi bên mộ mẹ tôi.
Nay được về cơ sở chính, được tiếp xúc với "nền văn minh" của thành phố cổ kính, tôi vẫn chẳng thấy thú vị hay hãnh diện chút nào. Trái lại, tôi hơi ngán vì nơi đây quá xa lạ với tôi. Học sinh của trường ăn mặc sạch sẽ, tinh tươm, nói năng lễ phép, không chửi thề, không nói tục và nhất là không đi chân đất như tôi. Mà tôi thì đã quen với sự quê mùa của cái xóm Lịch Ðợi có những hàng tre cao vút, những mái nhà tranh san sát bên nhau, những khung gỗ nón hình chóp mà hâu như nhà nào cũng có, con đường đất đầy sỏi đá độc nhất trong làng...
Vâng, tôi vẫn thích gọi nơi tôi được sinh ra và lớn lên đó là "làng", làng Lịch Ðợi bởi cái vẻ quê mùa của nó. Dù cách trung tâm thành phố chưa được nửa giờ đi bộ, nhưng làng Lịch Ðợi của tôi vẫn mang dáng vẻ mộc mạc, thân mật, vẫn gần gũi với tâm hồn tôi, một thằng bé chỉ thích nhảy nhót, tung tăng giữa trời đất rộng mở, giữa thiên nhiên trong lành, tuyệt vời.
Nói cho ngay, tôi không thích tiếp xúc với nền văn minh của cơ sở chính, nhưng tôi khoái con đường tôi đi học. Từ nhà đến trường, theo tôi, khá xa, đi suốt con đường làng, qua đường chùa, tới đường Nam Giao, phải qua cái cầu ngắn bắc trên sông An Cựu, nước chảy đục ngầu, rồi tới chợ Bến Ngự, đi một đoạn nữa mới đến trường tôi.
Như vậy đó, con đường tôi đi học, nó nhiêu khê, nó hấp dẫn khiến tôi khoái đi học, chứ tôi đâu có khoái cái trường có ông hiệu trưởng hét ra lửa, có mấy thầy, mấy cô chỉ cần cầm cây thước gỗ, gõ đôm đốp lên mặt bàn là đủ để học trò im khe. Tôi cũng không khoái lũ bạn bè trai, gái đóng hộp trong bộ đồng phục gọn gàng: áo trong quần, khăn đỏ trên cổ và chân trong giày. Trái lại, tôi coi thường bọn chúng. Lũ nó như những búp bê chỉ chuyên chơi những trò lãng nhách như búng thun, nhảy lò cò, có lúc chắp tay sau lưng đi tới, đi lui trong sân chơi, đầu gật gù như mấy ông bà cụ non, thấy phát chán!
Tại sao chúng nó không làm như tôi nhỉ? Thật thích thú biết bao! Mỗi bữa trưa đi học rất sớm - xuất học của tôi vào buổi chiều - tôi rủ 3, 4 thằng bạn trong phe nhóm của tôi, cùng bờ - lông - dông xuống sông An Cựu với tấm lưng trần và chiếc quần cộc. Bơi lội đã đời, chúng tôi lên bờ mặc lại bộ đồng phục, xách cặp chạy ù tới trường, vừa kịp xếp hàng vào lớp, tóc vừa kịp khô và trong lòng tôi hề hà vô cùng.
Suốt một năm học, tôi đã đến trường như thế, cho nên tôi được xếp hạng "học sinh cá biệt" suốt. Chằng thấy tiến bộ chút nào mà cũng may, tôi chằng phải "lưu ban".
Một buổi trưa, như lệ thường, 1 giờ 30 vào học, 12 giờ rưỡi tôi xách cặp vút ra khỏi nhà. Ðã có sẵn thằng Tý Cồ đón tôi ở cổng rào với nụ cười ngoác đến mang tai. Không nói với nhau một tiếng nào, chúng tôi mỗi đứa vai vác đôi dép quai cao su, tay xách chiếc cặp nửa cài khuy, nửa bò ngó, chạy như bay suốt con đường đất đỏ, mặc cho những cạnh đá lỏm chỏm đâm tha hồ vào gan bàn chân.
Tới nơi đã định, tôi chợt nảy ra một ý kiến bèn rủ bạn:
- Này Cồ! Mày và tao chạy tuốt lên quá cầu ga tắm trên đó đã hơn. Nghe nói trên đó nước chảy mạnh, thích lắm Cồ ạ.
- Nhưng lỡ mình về trường không kịp vào học thì sao?
- Không sao đâu. Mình thi xong học kỳ rồi mà. Chạy đi! Ðừng ngán.
Thằng Cồ gật đầu hăng hái:
- Ừa!
Mấy phút sau, chúng tôi đã hụp lên hụp xuống ở bến sông. Nơi đây thật tuyệt! Nước trong veo, thấy rõ đá đen, đá trắng ở dưới lòng sông lẫn những con cá lòng tong lội tung tăng.
Tôi kéo thằng Cồ ra xa hơn để được ngụp lặn sâu hơn. Chúng tôi đập tay loạn xạ lên mặt nước, nước bắn tung toé vào mặt, vào vai chúng tôi mát rượi! Chúng tôi lại lặn, lại hụp rồi ngóc đầu lên thật cao, hét như điên:
- Ồ ê! Ồ ê!...
- Hê hê! Hê hê!...
Thằng Tý Cồ đưa tay lên vuốt mặt lia lịa rồi ngửa mặt kêu trời:
- Ê, ông mặt trời, đứng chi trên đó, nóng lắm, xuống đây tắm với tui cho mát đi! Ê, ề!...
Khoái trá, hai đứa tôi hết bơi ngửa lại bơi sấp, hết tung nước vào nhau lại dìm đầu nhau xuống nước cho tới lúc nào đứa kia la chói lói mới thôi.
Một lúc chán, thằng Tý Cồ bơi ra xa hơn. Tôi vẫn say xưa lặn hụp ở chỗ cũ. Bỗng tôi nghe tiếng thằng Tý Cồ la nghẹn:
- Hoàng...Hoàng...tao...tao...
Tôi ngoảnh đầu lại tức thì. Chiếc đầu đen của thằng Tý sắp chìm. Biết việc gì sắp xảy ra, tôi bơi sải tới, bụng rủa: "Cái thằng khỉ này, khi không bơi ra chỗ nước xoáy đó."
Nhưng không kịp nữa, cái đầu thằng Tý chìm xuống, trước đó ngóc lên một chút, rồi nó chìm xuống hẳn. Tôi thấy thân hình nó quẫy mạnh dưới nước. Tôi lạnh người, cố bơi nhanh hơn. Chỗ thằng Tý, nước im lắng dần. Tới nơi, tôi quờ quạng hụp xuống, ngóc đầu lên, rồi hụp xuống mãi nhưng không thấy bạn tôi đâu. Chỗ này nước xoáy nên đục ngầu, không nhìn được gì. Ðã đến lúc tôi hét lên lạc giọng:
- Cứu người, cứu người chết đuối. Trời ơi, trời ơi, ai cứu...
Trên bờ, không ai nghe thấy. Tôi bơi vào, vừa bơi vừa la lớn hơn.
Tôi loáng thoáng thấy trên bờ sông có vài người đứng lại. Một người đàn ông để nguyên áo quần, phóng xuống nước. Tôi vẫn la tiếp. Nhanh như con hải li, ông ta vút tới bên, kẹp cổ tôi rồi bơi vào.
Nghẹt thở, tôi không la hét được nữa, chỉ ú ớ:
- Không, không...phải...tui...
Khi được đặt lên bờ, tôi hộc hết nước đã nuốt vào bụng ra rồi la lên ngắc ngứ:
- Không, không phải tui...thằng kia, thằng Tý...Tý Cồ...dưới sông, chỗ đó...chỗ đó.
Hiểu ra, lập tức người đàn ông lạ lao xuống nước. Hai người nữa cùng lao theo.
Tôi nằm ngửa trên bãi cỏ, thở dốc. Nhắm nghiền hai mắt, tôi thấy mặt trời rọi ánh sáng chói chang trong mí mắt tôi. Ngày chôn cất mẹ, tôi cũng đã có cảm giác xốn xang trong mắt như thế này, khi tôi được ẵm ngửa, ngắm mặt trời đỏ trong đôi mắt nhắm kín.
Lòng tôi sững sờ, thân hình tê liệt. Tôi nghĩ, bạn tôi đã chết, không hy vọng gì nữa rồi!
Khá lâu sau, rất nhiều người xúm đến quanh tôi. Nhiều tiếng lao xao những điều tôi đã biết:
- Không có, tìm không ra.
- Thằng nào đó, tên gì, con ai?
- Nghe tên là Tý Cồ Tý kiếc gì đó.
- Thằng này cũng chết rồi à?
- Không, chưa.
- Trông nó lạ hoắc, chắc ở đâu xa đến.
- Xem cặp nó nè. À, trường Vĩnh Ninh.
- Chạy lẹ lên, kêu thầy hiệu trưởng.
- Ði kêu xe cứu thương, nhanh lên.
Tôi đứng phắt dậy. Mặc cho mọi người ngơ ngác dãn ra, tôi vụt chạy như ma đuổi về nhà, quen áo quần, quên cả cặp sách, giày dép của hai đứa.
Mãi tới chiều tối, xác thằng Tý mới được đưa về nhà.
Lẽ dĩ nhiên, tôi trở thành cái đích cho toàn trường rút ra bài học lớn. Tôi bị kỷ luật. Sau đó, thậy hiệu trưởng ra thông báo "Từ nay về sau ai tắm sông sẽ bị đuổi học một tháng." Cái án đó, đỗi với lũ nó, cái bọn công tử và tiểu thư của trường, chính là một hình phạt nặng nề, chứ đối với tôi thì nhằm nhò gì. Ngay cả khi ba tôi biết chuyện, ông cho tôi một trận đòn bằng roi mây chưa từng thấy. Tôi cũng không ngán nữa là.
Vậy mà, tôi vẫn bỏ tắm sông, không bao giờ còn bén mảng tới bờ nước. Hình ảnh bạn tôi chống chọi với cái chết trên mặt nước trước sự chứng kiến của tôi đã là hình phạt lớn lao đối với tôi. Tôi đã rủ bạn tới chỗ chết, đã bất lực không cứu được bạn. Tôi đã gián tiếp giết bạn, cũng như ngày còn nhỏ, tôi đã gián tiếp chặt vào ống chân bạn trong lần dự định lợp mái nhà cho mộ mẹ tôi thuở trước.
Tôi đã mất một thằng bạn quá thân thiết. Thằng Tý Cồ rất hiền lành, mộc mạc. Nó đã xem tôi như một thủ lĩnh trong cái nhóm "phá làng, phá xóm". Bất cứ tôi bảo điều gì nó cũng theo. Bất cứ điều gì tôi phịa ra nó cũng tin được.
Bây giờ, thằng Tý Cồ chết đi rồi, tôi càng thấy nó gần gũi với tôi nhiều hơn. Từ nay, tôi không còn bao giờ nhìn thấy gương mặt ngây ngô với nụ cười luôn luôn rộng tới mang tai, mỗi khi nghe tôi "ba hoa xí đế".
Tôi mất nó cũng giống như ngày xưa tôi mất mẹ. Một cảm giác trống trải vắng lạ kỳ xâm chiếm tâm hồn tôi, y như có ai đó đã vạc mất của tôi một mảnh tim rất lớn.