Rút cây roi tre từ trên chái nhà ra, ba tôi nhịp nhịp nó lên tấm phản, miệng ông không ngớt hỏi tội tôi:
- Hoàng, tại sao mày dám bỏ nhà đi chơi. Không lo dọn dẹp nhà cửa, không lo ôn tập hè, cũng không thèm nấu cơm? Trưa rồi mẹ mày và tao về ăn gì đây? Còn thằng Tý, mày rủ rê hắn chặt tre làm chi để hắn chặt vô chân hắn? Ba nó về đây bắt đền tao mày biết không? Sao mày ăn rồi chạy lông bông, phá làng, phá xóm vậy hả? Hả? Cái thằng trời đánh kia?
Tôi vòng tay, cúi đầu đứng trước ba tôi, nghĩ đến sự đau đớn khủng khiếp của ngọn roi sắp quất lên người mà rụng rời. Tuy thế, tôi vẫn không trả lời được những câu hỏi dồn dập của ba tôi.
Ông nhịp roi nhanh vun vút lên tấm phản:
- Mày điếc hả, hay mày lì, sao không nói? Tại sao mày cứ chạy ra chơi ngoài nghĩa địa hoài vậy? Ngoài đó có gì hấp dẫn mà mày mê dữ vậy?
Tôi vẫn câm như hến. Vút! Vút! Hai roi quất vào mông tôi mà không cần đợi tôi nằm dài ra phản. Tôi oằn người vì đau, nhưng tôi không van xin, cũng không nói lên những việc tôi định làm ngoài nghĩa địa. Tôi không muốn ba tôi chia xẻ với tôi những lo lắng, thương yêu mà tôi dành cho người mẹ đã chết. Tôi biết, ba tôi không còn nhớ thương gì đến mẹ tôi nữa.
Lại vút! Vút! Trót! Trót! Những ngọn roi quái ác, tàn nhẫn in tới tấp lên lưng, lên mông, lên hai bắp chân tôi. Tôi vẫn cắn răng chịu đựng. Ba tôi rít lên.
- Thật là một thằng ranh con lì lợm! Tao sẽ cho mày mềm xương ra.
Tôi biết, càng lì mặt đứng đó, càng bị đánh tới tấp. Nhưng mặc, tôi cứ cắn răng chịu trận.
Tiếng dì Xuân và nhiều người nữa đã bu đông lại trước cửa nhà tôi cùng la ó, can gián. Dì Xuân sấn tới giật cây roi, nói giọng căm tức:
- Chú Sơn! Răng chú ác rứa? Ðánh chi mà đánh dữ rứa? Con chú chớ bộ kẻ thù chi chú mà muốn giết hắn chết đi? Ác vừa vừa thôi chú ơi. Ai xui, ai biểu chú mà chú không biết thương con chớ.
Ngay tức khắc, tiếng dì ghẻ tôi ở gần đó, chua cay:
- Nì! Im cái họng nghe. Ðừng có nói xiên nói xỏ người ta nghe! Việc nhà người ta, để người ta lo. "Ðèn nhà ai, nhà nấy rãng." Xía vô rồi có người nói là định giựt chồng người ta đó.
Tiếng dì Xuân "hừ, hừ" trong họng. Tiếng nhiều người xì xà, đay nghiến. Tôi không chú ý lắm, chỉ chờ đợi những ngọn roi quất điếng lên người. Nhưng không, ba tôi không còn ở đó nữa. Ông theo tay kéo của một người hàng xóm đi ra khỏi ngõ.
Dì Xuân bẻ đánh "rốp" cây roi, quẳng vào góc nhà. Dì không thèm nói gì nữa, ôm lấy tôi dìu qua nhà dì. Ðặt tôi nằm lên chiếc chõng tre, dì xuýt xoa rờ rờ lên lưng tôi. Ðang nằm úp mặt xuống giường, tôi vẫn cảm thấy những giọt nước mắt nóng hổi nhiễu lên lưng tôi làm xót rát những vết roi có lẽ rướm đầy máu.
Dì Xuân hỏi vỗ về:
- Răng con dại rứa con? Ba con không ưng con bỏ nhà đi chơi, con đi chỉ để bị đánh thảm thương ri hè?
Tôi tấm tức khóc trước những lời nói nghẹn ngào của dì Xuân:
- Răng con cứ ưa ra nghĩa địa làm chi mà ra mãi rứa hả?
Nướcmắt chảy ròng ròng, tôi vẫn không nói.
- Rứa sáng ni con làm chi mà thằng Tý suýt gãy cẳng hả?
Thổn thức một hồi, tôi mới nói được:
- Con rủ thằng Tý chặt tre...
- Trời ơi, hết cách chơi răng con chơi dao, chơi rựa?
- Con không chơi đâu dì. Con biểu thằng Tý chặt tre làm nhà...
- Trời ơi, bày trò chơi làm nhà, làm cửa nữa?
- Không phải bày trò đâu dì. Con định chẻ tre, lợp cho mẹ con một mái nhà kẻo nắng rọi mẹ con nóng lắm dì. Mai mốt tới mùa mưa, mẹ con cũng khỏi bị ướt, bị lạnh đó dì.
Dì Xuân la trời một lần nữa rồi dì khóc kể:
- Sen ơi là Sen! Răng em chết chi sớm để con em tội tình dữ ri nè. Còn cha đó mà như mồ côi, mồ cút. Cha hắn giờ chỉ biết con ngựa Thượng tứ đó thôi, còn biết chi tới con với cái nữa. Hu hu...
Dì xịt mũi vào ống quần đen rồi dì lại khóc. Nước mắt của dì làm tôi thêm tủi thân. Tôi vùng dậy ôm chặt lấy dì, khóc oà. Con Kim Anh ngồi bên mẹ cũng ôm mẹ khóc.
Lát sau, khóc đã nư, dì Xuân tỉnh táo nói:
- Kim Anh, lui sau bếp bới tô cơm, bỏ vài con cá bống thệ kho ném, lựa con mô lớn nhất đó, đem lên cho thằng Hoàng ăn.
Kim Anh dạ nhưng vẫn đứng bên, hỏi rụt rè:
- Còn bác Sơn và dì Lan thì sao mẹ?
Dì Xuân trợn mắt lên:
- Sao là sao? Cho họ đói chớ sao. Bộ họ không biết đi ăn cơm tiệm à? Không lo được bữa cơm hay sao mà bắt thằng nhỏ 7,8 tuổi lo hầu hạ họ hả?
Ðược lời như cởi tấm lòng. Dì Xuân thiệt là hiểu bụng tôi. Ðã lâu, mỗi lần phải gò lưng chúi đầu vô ông bếp thổi lửa phù phù, khói mù cay mắt, tôi hay nhủ bụng: "Tự dưng mình phải hầu hạ, cơm nước mãi hai con người ác nhơn đó."
Những lúc ấy, tôi buồn rầu nghĩ mãi, không hiểu sao ba tôi lại ưa đánh đập tôi một cách dữ dội như thế. Vô lẽ ba tôi không còn thương tôi? Hay ba tôi điên? Hay tôi không phải là con ruột của ông? Nhưng ngày mẹ tôi chưa mất, ông cưng tôi lắm mà?!
Sau cái vụ làm nhà che nắng, che mưa cho mẹ không thành, lại bị một trận đòn nên thân, tôi càng đâm ra lì lợm, càng ghét mẹ kế và xa lánh ba tôi hơn.
Cũng vậy, ba tôi càng ham đánh đập tôi hơn. Cứ mỗi lần dì ghẻ tôi nói hờn mát bất cứ chuyện gì có dính dáng đến tôi, y như rằng ba tôi lại lôi tôi ra đánh. Gãy hết cây roi tre này thì vót cây roi kháng!!-- ---~~~mucluc~~~---


Chương 25

Bỗng, giọng con Kim Anh cất lên sau lưng tôi:
- Mấy trò nói xấu gì tôi đó?
Tôi mừng húm. Khi không chưa đi tìm, nạn nhân đã đem mạng tới nạp, mà nó lại đi một mình nữa chớ.
Tôi bất ngờ cho nó một chưởng. Nó ngã xuống và hét toáng lên.
Ngay lập tức cô giáo Loan và cả bầy con gái chạy xuống.
- Các em làm gì thế? Sao đánh bạn thế?
Bọn con gái nhao nhao:
- Trò Hoàng ác lắm cô ơi, trò hay đánh Kim Anh lắm.
Lũ thằng Thệ đưa mắt nhìn tôi, tôi nhìn lại chúng, không dám trả lời cô.
Con Kim Anh càng khóc to. Có lẽ nó sợ quá khi nghe cô giáo nhắc tới từ "hành hạ". Cô giáo hỏi gay gắt:
- Các em câm hết rồi à? Có phải em Hoàng định bày ra trò quái ác gì không?
Thằng Mít bỗng bật nói:
- Thưa cô, em đã cản không cho trò Hoàng chọn Kim Anh làm xác chết mà trò không chịu. Trò bảo ghét con Kim Anh lắm.
Cô giáo quay mặt nhìn trừng trừng vào tôi. Tôi cúi đầu ấp úng:
- Thưa cô, chúng em giả bộ đóng tuồng "phu đào huyệt chôn xác chết" thôi, có chôn thật đâu ạ.
Thằng Vũ láu táu:
- Không phải đâu cô. Trò Hoàng ghét trò Kim Anh, vì Kim Anh...
Chợt thấy tôi lườm, nó sợ, im ngang.
Cô giáo quắt mắt hỏi tôi:
- Hoàng. Em hãy kể đầu đuôi đi. Nếu không, chắc cô điên lên mất vì không còn hiểu được những hành động tàn nhẫn của em.
Tôi liếc thằng Vũ:
- Thưa cô, tại trò Vũ...
Tôi im ngang. Cô cau mày:
- Em Vũ thì ăn nhập gì tới Kim Anh mà em...
Thằng Thệ xía vô:
- Thưa cô. Trò Vũ cưỡi lên mộ mẹ trò Hoàng, trò Hoàng tức trò Vũ, cái trò Hoàng tống trò Vũ vào ngực, cái...
Cô cắt ngang:
- Em Hoàng. Chính em kể tiếp đi.
- Thưa cô. Em không muốn trò Vũ xem thường mẹ em, ngồi trên mộ mẹ em.
Cô lại ngắt lời:
- Nhưng mà Kim Anh thì dính gì vào mà...
- Thưa cô, trò Kim Anh nói mộ mẹ me thì quí báu gì, nằm dưới đó chỉ là bộ xương thôi...
Giọng tôi bỗng nghẹn lại. Tôi nhớ lại bộ xương trong sách khoa học hai hốc mắt đen ngòm, cái mũi trống lỗng, cái miệng chỉ còn lại bộ răng trắng nhởn, ghê rợn...Ðó là bộ xương của một con ma, vô lẽ mẹ tôi như thế nào? Ngày xưa, tóc mẹ tôi óng dài, đôi mắt dịu hiền, lấp lánh niềm thương âu yếm dành cho tôi; hai má mẹ tôi đầy đặn, đôi môi không tô son mà vẫn hồng hồng, chim chím; tay chân mẹ nhỏ nhắn, tròn trịa. Vậy mà giờ đây con Kim Anh bảo mẹ tôi bị sâu bọ gặm hết thịt da, tóc rụng, răng nhe ra. Trời ơi, mẹ tôi là một bộ xương của một con ma! Con Kim Anh nó nói xấu mẹ tôi, làm sao tôi không căm ghét nó được.
Nước mắt tôi ứa ra, chảy dài xuống má. Tôi cúi đầu, cố đưa lưỡi kiếm môi để giấu nước mắt, nhưng không kịp, cô giáo đã thấy. Cô im lặng va lũ bạn tôi im lặng. Con Kim Anh cũng nín khóc. Cô giáo bảo giọng nhẹ nhàng:
- Kim Anh. Gọi tất cả các bạn vào lớp, ngồi yên chờ cô.
Riêng tôi, cô giữ tay lại, dịu dàng nói:
- Em ra phía thung lũng, hai cô cháu mình nói chuyện.
Tới rìa đất mọi khi, cô giáo kéo tôi ngồi xuống một đám cỏ cú còn ướt nước mưa. Cô bảo:
- Hoàng à. Trước đây, cô tin rằng cô đã hiểu rõ em. Cô cứ ngỡ em là đứa trẻ mất mẹ sớm, cha có vợ kế thì hẳn là cuộc sống tinh thần của em không được trọn vẹn, và việc học của em cũng không được ba và mẹ kế để ý nên em đâm ra buông lỏng tất cả. Em trở thành một đứa trẻ không ai kềm chế được. Biết thế, cô tự hứa sẽ giúp em bằng sự dịu dàng, sự chịu đựng của một người mẹ. Vâng, cô biết lắm chớ. Em là học sinh cá biệt, cá biệt hơn hẳn các em trước cô đã từng gặp, vậy mà cô không nản lòng. Cô quyết đi tới nơi cô đã định. Nhưng...
Cô giáo ngừng nói. Mắt cô nhìn về phía thung lũng dưới xa kia, giọng buồn buồn, cô tiếp:
- Mấy lần em quậy phá sau này đã làm cô hoang mang. Cô mới biết mình đã chẳng hiểu rõ gì về em lắm. Bởi không một đứa trẻ nào đối xử với người thương yêu, chăm sóc mình bằng sự hận thù, căm ghét như thế...
Nước mắt cô ứa ra. Tôi bỗng cảm động khi nhận thấy đôi mắt cô buồn rầu, giọng nói cô chứa biết bao thương yêu pha chút ngao ngán y như ngày xưa mẹ tôi đã từng như thế mỗi khi tôi phá phách, tinh nghịch mà mẹ la rầy mãi không nghe. Tôi lúng túng nói:
- Thưa cô. Em xin lỗi cô.
- Em Kim Anh rất thương em, lo lắng cho em. Cô cũng vậy, những lúc có chút thì giờ rãnh rổi, cô thường băn khoăn tìm cách để hướng dẫn em về với tình trạng của một đứa trẻ bình thường. Nhưng em chống lại tình cảm của bạn bè và cô. Mỗi ngày em càng khép kín trái tim thật sự của em và cố giương ra móng vuốt của con thú dữ, chực chống trả với kẻ muốn ăn thịt nó. Vậy mà Kim Anh và cô có muốn ăn thịt em đâu...
Tôi hoảng hốt, vội vàng đáp:
- Thưa cô, em không có ý ấy. Em cũng rất thương cô và Kim Anh.
- Thật hả em? Cô tin em. Nhưng em hãy giải thích vì sao em có những thái độ tàn nhẫn và cay độc với bạn và cô như thế?
- Thưa cô. Em, em cũng không hiểu được em, em...
Tôi bỗng gục đầu xuống gối, nước mắt chảy ra. Phải, không hiểu sao tôi lại ác độc với chính những kẻ mà trong lòng, tôi rất thương yêu? Cô giáo nâng mặt tôi lên, bắt nhìn thẳng vào mắt cô. Một đôi mắt đẹp u buồn với ngấn nước mắt long lanh:
- Hoàng à. Chính lúc nãy, dưới nghĩa trang, thấy em khóc, cô như vỡ ra một điều; sở dĩ em trở thành một đứa trẻ bất trị, cay độc, ngông nghênh chỉ vì em là đứa con có hiếu. Em yêu mẹ em hơn tất cả. Mẹ chết đi, em như bị tước đoạt hết mọi thứ. Thêm vào đó, mẹ kế em đã không thế chỗ được cho mẹ mà lại còn là động lực thúc đẩy ba em đánh đập, mắng mỏ em. Em cũng là một đứa trẻ có lòng tự trọng nên sự mất mát lớn lao cùng nhân cách bị chà đạp, em càng ngày càng mang mặc cảm thua kém tất cả mọi người...
Tôi nín khóc từ lâu, lắng nghe từng lời cô nói. Mắt cô vẫn nhìn vào mắt tôi như muốn truyền luồng tình cảm trong tim cô cho tôi, mà bằng lời nói, cô không diễn đạt hết được:
-...Em ganh tị khi thấy Kim Anh còn mẹ, em tức tôi khi nghe cô còn mẹ. Vì ganh tị và uất ức, em trút mọi giận dỗi lên những người thương yêu em và em cũng có cảm tình. Thêm vào đó, vì mặc cảm thua kém tất cả mọi người nên em tỏ ra bất cần, em nghênh ngang, em phá phách. Ðúng như thầy Triết nói, trong người em có hai nhân vật: một là đứa trẻ nhân từ, hiểu biết, thông minh, đứa kia tàn bạo, giả dối, nông nổi.
Cô giáo cầm lấy tay tôi, nói thiết tha:
- Hoàng à. Cô nói như vậy đúng không? Bây giờ đã hiểu rõ mình, em hãy tách hai đứa đó ra đi, hãy diệt trừ con quỷ nhỏ đi, vì nó là không thật. Em hiểu ý cô chứ?
Tôi ngạc nhiên: sao cô hiểu bụng tôi rõ thế? Tôi cười gượng:
- Thưa cô. Chính cô hiểu em, mà em thì...
Cô cũng cười cười:
- Em quên câu người ta hay nói "người giáo viên là một kỹ sư tâm hồn" à? Thật ra, ngày trước, khi vào học trường Sư Phạm, bọn cô phải học rất nhiều thứ để khi ra trường sẽ trở thành, không phải một giáo viên quèn đâu nhé, mà phải bao gồm: vừa là bác sĩ nè, vừa là một ca sĩ nè, một diễn viên nè, vừa là nhà tâm lý nè, một chuyên viên kể chuyện nè, vừa là họa sĩ nè, một nhà du thuyết nè...đủ thứ cả, oai lắm chớ. Em không biết sao?
Thấy cô nói vui, tuy chả hiểu gì nhiều nhưng tôi vẫn cười theo. Cô giáo lại thở dài, nói tiếp:
- Cô chỉ tiếc là, đáng lẽ ra các cô phải được đào tạo kỹ càng hơn. Ví dụ như phải học sư phạm nhiều năm hơn, trình độ học vấn cao hơn để có thể dạy học sinh mình từ ngày mới vào mẫu giáo cho tới lúc hết cấp hai chẳng hạn. Có như thế các cô mới theo dõi tâm sinh lý cũng như sức học của học sinh mình một cách hệ thống. Lúc đó, kết quả dạy và học sẽ cao biết mấy...
Tôi chỉ hiểu lờ mờ ý cô nói. Cô thở dài thêm một lần nữa, bảo:
- CŨng như trường hợp của em vậy. Ðến hôm nay, cô mới hiểu rõ hoàn cảnh của em thì chúng ta đã bỏ mất nữa năm học rồi.
Cô giáo đưa tay lên vuốt, vuốt những lọn tóc lòa xòa trước trán tôi, nói như dỗ dành:
- Hoàng à. Chỉ còn một học kỳ nữa là hết năm học. Em nhắm có thể học thật chăm, thật kỹ để cuối năm đạt được danh hiệu học sinh tiên tiến chớ.
Tôi gật đầu, nói rất thiệt bụng:
- Thưa cô. Em cương quyết sẽ làm cô vui lòng.
Chợt một ý nghĩ loé lên trong đầu tôi. Tôi nhìn chăm chăm vào khuôn mặt dịu hiền của cô và tưởng tượng: nếu cô bới tóc lên, cắm vào cục tóc một bông hoa lài, chắc chắn cô sẽ giống như in mẹ tôi. Tôi đột ngột cầm chặt hai bàn tay cô, nói nghẹn ngào:
- Cô, cô ơi! Cô...cô có thích làm mẹ của em không?
Cô giáo Loan như sững người đi. Cô nhìn vào mắt tôi rất lâu, rồi như hiểu lòng tôi, cô ứa nước mắt, ôm chầm lấy đầu tôi, cô khóc nức nở, nước mắt chảy làm ước nóng xoáy tóc tôi. Tôi cũng không kềm được, khóc theo tức tưởi. Một lúc đã nguôi, cô giáo xích ra, vọng mắt xuống thung lũng và nói:
- Hoàng à. Cô biết em cần tình mẹ biết bao nhiêu. Em là đứa trẻ nhân hậu, một đứa con biết thương cha mẹ thiết tha không bao giờ có lòng ác độc với kẻ khác đâu. Vậy mà...
Cô lại rơi nước mắt. Rồi bỗng như chạnh nhớ tới nỗi nhà mình, cô tâm sự với tôi thật nhiều mà quên hẳn cơn mưa phùn của những ngày cuối năm đã nặng hạt từ lâu.