Rút cây roi tre từ trên chái nhà ra, ba tôi nhịp nhịp nó lên tấm phản, miệng ông không ngớt hỏi tội tôi:
- Hoàng, tại sao mày dám bỏ nhà đi chơi. Không lo dọn dẹp nhà cửa, không lo ôn tập hè, cũng không thèm nấu cơm? Trưa rồi mẹ mày và tao về ăn gì đây? Còn thằng Tý, mày rủ rê hắn chặt tre làm chi để hắn chặt vô chân hắn? Ba nó về đây bắt đền tao mày biết không? Sao mày ăn rồi chạy lông bông, phá làng, phá xóm vậy hả? Hả? Cái thằng trời đánh kia?
Tôi vòng tay, cúi đầu đứng trước ba tôi, nghĩ đến sự đau đớn khủng khiếp của ngọn roi sắp quất lên người mà rụng rời. Tuy thế, tôi vẫn không trả lời được những câu hỏi dồn dập của ba tôi.
Ông nhịp roi nhanh vun vút lên tấm phản:
- Mày điếc hả, hay mày lì, sao không nói? Tại sao mày cứ chạy ra chơi ngoài nghĩa địa hoài vậy? Ngoài đó có gì hấp dẫn mà mày mê dữ vậy?
Tôi vẫn câm như hến. Vút! Vút! Hai roi quất vào mông tôi mà không cần đợi tôi nằm dài ra phản. Tôi oằn người vì đau, nhưng tôi không van xin, cũng không nói lên những việc tôi định làm ngoài nghĩa địa. Tôi không muốn ba tôi chia xẻ với tôi những lo lắng, thương yêu mà tôi dành cho người mẹ đã chết. Tôi biết, ba tôi không còn nhớ thương gì đến mẹ tôi nữa.
Lại vút! Vút! Trót! Trót! Những ngọn roi quái ác, tàn nhẫn in tới tấp lên lưng, lên mông, lên hai bắp chân tôi. Tôi vẫn cắn răng chịu đựng. Ba tôi rít lên.
- Thật là một thằng ranh con lì lợm! Tao sẽ cho mày mềm xương ra.
Tôi biết, càng lì mặt đứng đó, càng bị đánh tới tấp. Nhưng mặc, tôi cứ cắn răng chịu trận.
Tiếng dì Xuân và nhiều người nữa đã bu đông lại trước cửa nhà tôi cùng la ó, can gián. Dì Xuân sấn tới giật cây roi, nói giọng căm tức:
- Chú Sơn! Răng chú ác rứa? Ðánh chi mà đánh dữ rứa? Con chú chớ bộ kẻ thù chi chú mà muốn giết hắn chết đi? Ác vừa vừa thôi chú ơi. Ai xui, ai biểu chú mà chú không biết thương con chớ.
Ngay tức khắc, tiếng dì ghẻ tôi ở gần đó, chua cay:
- Nì! Im cái họng nghe. Ðừng có nói xiên nói xỏ người ta nghe! Việc nhà người ta, để người ta lo. "Ðèn nhà ai, nhà nấy rãng." Xía vô rồi có người nói là định giựt chồng người ta đó.
Tiếng dì Xuân "hừ, hừ" trong họng. Tiếng nhiều người xì xà, đay nghiến. Tôi không chú ý lắm, chỉ chờ đợi những ngọn roi quất điếng lên người. Nhưng không, ba tôi không còn ở đó nữa. Ông theo tay kéo của một người hàng xóm đi ra khỏi ngõ.
Dì Xuân bẻ đánh "rốp" cây roi, quẳng vào góc nhà. Dì không thèm nói gì nữa, ôm lấy tôi dìu qua nhà dì. Ðặt tôi nằm lên chiếc chõng tre, dì xuýt xoa rờ rờ lên lưng tôi. Ðang nằm úp mặt xuống giường, tôi vẫn cảm thấy những giọt nước mắt nóng hổi nhiễu lên lưng tôi làm xót rát những vết roi có lẽ rướm đầy máu.
Dì Xuân hỏi vỗ về:
- Răng con dại rứa con? Ba con không ưng con bỏ nhà đi chơi, con đi chỉ để bị đánh thảm thương ri hè?
Tôi tấm tức khóc trước những lời nói nghẹn ngào của dì Xuân:
- Răng con cứ ưa ra nghĩa địa làm chi mà ra mãi rứa hả?
Nướcmắt chảy ròng ròng, tôi vẫn không nói.
- Rứa sáng ni con làm chi mà thằng Tý suýt gãy cẳng hả?
Thổn thức một hồi, tôi mới nói được:
- Con rủ thằng Tý chặt tre...
- Trời ơi, hết cách chơi răng con chơi dao, chơi rựa?
- Con không chơi đâu dì. Con biểu thằng Tý chặt tre làm nhà...
- Trời ơi, bày trò chơi làm nhà, làm cửa nữa?
- Không phải bày trò đâu dì. Con định chẻ tre, lợp cho mẹ con một mái nhà kẻo nắng rọi mẹ con nóng lắm dì. Mai mốt tới mùa mưa, mẹ con cũng khỏi bị ướt, bị lạnh đó dì.
Dì Xuân la trời một lần nữa rồi dì khóc kể:
- Sen ơi là Sen! Răng em chết chi sớm để con em tội tình dữ ri nè. Còn cha đó mà như mồ côi, mồ cút. Cha hắn giờ chỉ biết con ngựa Thượng tứ đó thôi, còn biết chi tới con với cái nữa. Hu hu...
Dì xịt mũi vào ống quần đen rồi dì lại khóc. Nước mắt của dì làm tôi thêm tủi thân. Tôi vùng dậy ôm chặt lấy dì, khóc oà. Con Kim Anh ngồi bên mẹ cũng ôm mẹ khóc.
Lát sau, khóc đã nư, dì Xuân tỉnh táo nói:
- Kim Anh, lui sau bếp bới tô cơm, bỏ vài con cá bống thệ kho ném, lựa con mô lớn nhất đó, đem lên cho thằng Hoàng ăn.
Kim Anh dạ nhưng vẫn đứng bên, hỏi rụt rè:
- Còn bác Sơn và dì Lan thì sao mẹ?
Dì Xuân trợn mắt lên:
- Sao là sao? Cho họ đói chớ sao. Bộ họ không biết đi ăn cơm tiệm à? Không lo được bữa cơm hay sao mà bắt thằng nhỏ 7,8 tuổi lo hầu hạ họ hả?
Ðược lời như cởi tấm lòng. Dì Xuân thiệt là hiểu bụng tôi. Ðã lâu, mỗi lần phải gò lưng chúi đầu vô ông bếp thổi lửa phù phù, khói mù cay mắt, tôi hay nhủ bụng: "Tự dưng mình phải hầu hạ, cơm nước mãi hai con người ác nhơn đó."
Những lúc ấy, tôi buồn rầu nghĩ mãi, không hiểu sao ba tôi lại ưa đánh đập tôi một cách dữ dội như thế. Vô lẽ ba tôi không còn thương tôi? Hay ba tôi điên? Hay tôi không phải là con ruột của ông? Nhưng ngày mẹ tôi chưa mất, ông cưng tôi lắm mà?!
Sau cái vụ làm nhà che nắng, che mưa cho mẹ không thành, lại bị một trận đòn nên thân, tôi càng đâm ra lì lợm, càng ghét mẹ kế và xa lánh ba tôi hơn.
Cũng vậy, ba tôi càng ham đánh đập tôi hơn. Cứ mỗi lần dì ghẻ tôi nói hờn mát bất cứ chuyện gì có dính dáng đến tôi, y như rằng ba tôi lại lôi tôi ra đánh. Gãy hết cây roi tre này thì vót cây roi kháng!!-- ---~~~mucluc~~~---


Đoạn Kết

Các bạn trẻ thân mến,
Suốt quãng đời niên thiếu của tôi là như vậy đó, buồn quá phải không các bạn? Nhưng dù sao, tất cả đã nằm trong quá khứ.
Hiện nay, tôi đã là một thanh niên 23 tuổi với một vốn kiến thức vừa đủ để ganh đua với đời, kiếm lấy một nghề nuôi gia đình. Ðó là nghề hướng dẫn viên du lịch thành phố.
Tất cả những gì tôi có được là nhờ sự khuyến khích của những người thân, nhưng chủ yếu là nhờ tôi có chí. Nói không phải là tự phụ, tôi vốn là đứa thông minh, tôi không để mình bị thất học. Tôi đã cố gắng học tập để bù lại những năm tháng hoài phí trong cuộc sống lang thang bụi đời. Và tôi đã thành công.
Nói cho ngay, khi tôi kể chuyện đời tôi không phải để các bạn tiêu khiển suông đâu, các bạn nhỏ ạ. Từ trước, tôi đã bị ảnh hưởng lối kể chuyện cổ tích của cô giáo Loan. Cứ sau mỗi câu chuyện, cô rút ra một bài học luân lý cho cả lớp. Nay tôi cũng vậy, tôi muốn các bạn nhỏ hiểu ra rằng:
Các bạn đang được may mắn đến trường học hành mỗi ngày. Các bạn đang có được một mái ấm gia đình để mỗi đêm nằm trong vòng tay âu yếm, che chở của cha mẹ. Ðó là hạnh phúc lớn lao, các bạn phải biết trân trọng và bảo vệ những gì bạn đang có. Ðừng vì một giây phút nông nổi nào đó mà làm đổ vỡ tất cả.
Vì, như các bạn biết đấy, nếu ngày xưa tôi là một đứa trẻ ngoan thì cuộc đời tôi đâu đến nỗi phải có lúc lưu lạc, bơ vơ nói xứ lạ quên người?
Nếu như ngày xưa tôi là đứa trẻ ngoan thì dì ghẻ tôi đã không ghét tôi, ba tôi không nỡ đánh đập tôi và cũng không phải uống rượu say sưa để mang bệnh mà chết đi với bao nỗi hối hận, giày vò chưa giải tỏa được.
Nếu tôi là đứa trẻ ngoan thì tôi đâu phải nhiều lúc tự dằn vặt mình đã gây nên cái chết của cha, để cho cha phải mang tiếng là quá tàn nhẫn, bất công với chính con ruột của mình. Tôi là đứa con bất hiếu!
Nhưng biết làm sao được, việc đã xảy ra rồi. Thôi thì, cũng từ đó mà rút lấy một bài học nhớ đời, phải không các bạn?
Nhân đây, các bạn có muốn biết tôi tiết lộ một chi tiết thú vị làm qua cho các bạn trước khi chúng ta chia tay không?
Như thế này, các bạn nhỏ ạ. Tôi đã có gia đình rồi đấy. Một gia đình đúng nghĩa nhé. Tôi có mẹ là cô giáo Loan, có anh Hai là đại ca Thạch Ðầu Lâu - Ðến lúc này tôi mới rõ, trước kia anh Thạch là con trai độc nhất của một thương gia giàu có. Là một tay buôn bán ma mãnh, sau giải phóng, ông đã biết cách cất giấu tài sản để rồi chờ thời cơ bung ra làm ăn. Ông say mê làm giàu đến độ không hề chú ý đến lối sống buông tuồng của vợ.
Một hôm, tình cờ biết được đứa con ông yêu quý như vàng là con kẻ khác, ông đã biến gia đình thành địa ngục. Mỗi lần giáp mặt thằng con, máu ghen nổi lên, mờ lương tri, ông đánh thằng bé không nương tay.
Tối nọ, lấy cớ thằng bé không chịu ngủ sớm, ông dộng đầu nó vào cửa phòng. Kính cửa vỡ nát, cứa mạnh vào mặt thằng bé. Ðột nhiên, như con chó dại, nó húc khuôn mặt đầm đìa máu vào bụng ông một cách dữ dội. Mặc cho người cha không cùng huyết thống nằm chết ngất, nó bỏ nhà đi hoang khi tuổi đời mới mười bốn.
Sau này, biết được hoàn cảnh của tôi, anh Thạch đã nảy sinh một mối đồng cảm rồi đâm ra thương tôi như em ruột.
Chính cái hôm muốn có vàng giúp tôi, anh ấy mò về nhà mẹ. Chưa kịp cạy tủ đã bị mẹ bắt gặp. Bà không mắng thì chớ lại khóc lóc, nài nỉ anh trở về thay cha gầy dựng cơ ngơi, vì ông đã nản chí bỏ bê công việc từ lâu. Anh Thạch bằng lòng với điều kiện bà phải cho anh năm cây vàng để anh trả nợ giang hồ...
Và tôi cũng đã có..."nội tướng" đấy các bạn ạ. Hẳn các bạn biết là ai rồi. Kim Anh hồi này khác trước lắm. Cô ấy không còn coi đôi mắt mù lòa là nỗi bất hạnh của mình nữa. Cô làm việc nội trợ dễ dàng và đảm đang như mọi cô gái khác.
Có điều buồn cười, cô ấy không bao giờ bỏ thói quen xem tôi như bạn học ngày xưa. Mỗi lần muốn gọi tôi, cô cất lên cái giọng thanh thanh của xứ Huế:
- Hoàng ơi, trò đâu rồi?
Cố ghẹo cô ấy, tôi trả lời như ngày còn đi học:
- Gì nữa đây, hở con đỉa dai xí xọn?
Vậy là cô ấy nở nụ cười thật tươi đùa lại:
- Tưởng trò bỏ tui đi theo con nhỏ nào rồi chứ. Nói cho trò biết trước, nếu trò có gì khác, tui méc cô giáo, cô cho trò một gậy đạo đức đó nha.
Những lúc như thế, cô giáo Loan cúi đầu bên chiếc xe lăn, cười chúm chím vẻ âu yếm pha lẫn hạnh phúc. Có lẽ lối đùa nghịch và cách xưng hô "tui" và "trò" đã làm sống lại trong cô những tháng ngày vui vầy bên nhau dưới mái trường cũ năm xưa ấy.
Vì thế, Kim Anh và tôi quy ước với nhau: sẽ giữ mãi từ "trò" và "tui" dễ thương ấy trong sách xưng hô để được thấy người mẹ yêu quý, người cô dịu hiền đó sẽ không với niềm vui trong quãng đời còn lại.
Kìa, trống trường đang giục giã. Các bạn nhỏ xếp thành hàng vào lớp đi nhé. Hãy cố gắng làm con ngoan, trò giỏi. Tương lai tốt đẹp đang chờ đợi các bạn phía trước đấy.
Ngày 12.1.1993.
Lương Tố Nga

Xem Tiếp: ----