Rút cây roi tre từ trên chái nhà ra, ba tôi nhịp nhịp nó lên tấm phản, miệng ông không ngớt hỏi tội tôi:
- Hoàng, tại sao mày dám bỏ nhà đi chơi. Không lo dọn dẹp nhà cửa, không lo ôn tập hè, cũng không thèm nấu cơm? Trưa rồi mẹ mày và tao về ăn gì đây? Còn thằng Tý, mày rủ rê hắn chặt tre làm chi để hắn chặt vô chân hắn? Ba nó về đây bắt đền tao mày biết không? Sao mày ăn rồi chạy lông bông, phá làng, phá xóm vậy hả? Hả? Cái thằng trời đánh kia?
Tôi vòng tay, cúi đầu đứng trước ba tôi, nghĩ đến sự đau đớn khủng khiếp của ngọn roi sắp quất lên người mà rụng rời. Tuy thế, tôi vẫn không trả lời được những câu hỏi dồn dập của ba tôi.
Ông nhịp roi nhanh vun vút lên tấm phản:
- Mày điếc hả, hay mày lì, sao không nói? Tại sao mày cứ chạy ra chơi ngoài nghĩa địa hoài vậy? Ngoài đó có gì hấp dẫn mà mày mê dữ vậy?
Tôi vẫn câm như hến. Vút! Vút! Hai roi quất vào mông tôi mà không cần đợi tôi nằm dài ra phản. Tôi oằn người vì đau, nhưng tôi không van xin, cũng không nói lên những việc tôi định làm ngoài nghĩa địa. Tôi không muốn ba tôi chia xẻ với tôi những lo lắng, thương yêu mà tôi dành cho người mẹ đã chết. Tôi biết, ba tôi không còn nhớ thương gì đến mẹ tôi nữa.
Lại vút! Vút! Trót! Trót! Những ngọn roi quái ác, tàn nhẫn in tới tấp lên lưng, lên mông, lên hai bắp chân tôi. Tôi vẫn cắn răng chịu đựng. Ba tôi rít lên.
- Thật là một thằng ranh con lì lợm! Tao sẽ cho mày mềm xương ra.
Tôi biết, càng lì mặt đứng đó, càng bị đánh tới tấp. Nhưng mặc, tôi cứ cắn răng chịu trận.
Tiếng dì Xuân và nhiều người nữa đã bu đông lại trước cửa nhà tôi cùng la ó, can gián. Dì Xuân sấn tới giật cây roi, nói giọng căm tức:
- Chú Sơn! Răng chú ác rứa? Ðánh chi mà đánh dữ rứa? Con chú chớ bộ kẻ thù chi chú mà muốn giết hắn chết đi? Ác vừa vừa thôi chú ơi. Ai xui, ai biểu chú mà chú không biết thương con chớ.
Ngay tức khắc, tiếng dì ghẻ tôi ở gần đó, chua cay:
- Nì! Im cái họng nghe. Ðừng có nói xiên nói xỏ người ta nghe! Việc nhà người ta, để người ta lo. "Ðèn nhà ai, nhà nấy rãng." Xía vô rồi có người nói là định giựt chồng người ta đó.
Tiếng dì Xuân "hừ, hừ" trong họng. Tiếng nhiều người xì xà, đay nghiến. Tôi không chú ý lắm, chỉ chờ đợi những ngọn roi quất điếng lên người. Nhưng không, ba tôi không còn ở đó nữa. Ông theo tay kéo của một người hàng xóm đi ra khỏi ngõ.
Dì Xuân bẻ đánh "rốp" cây roi, quẳng vào góc nhà. Dì không thèm nói gì nữa, ôm lấy tôi dìu qua nhà dì. Ðặt tôi nằm lên chiếc chõng tre, dì xuýt xoa rờ rờ lên lưng tôi. Ðang nằm úp mặt xuống giường, tôi vẫn cảm thấy những giọt nước mắt nóng hổi nhiễu lên lưng tôi làm xót rát những vết roi có lẽ rướm đầy máu.
Dì Xuân hỏi vỗ về:
- Răng con dại rứa con? Ba con không ưng con bỏ nhà đi chơi, con đi chỉ để bị đánh thảm thương ri hè?
Tôi tấm tức khóc trước những lời nói nghẹn ngào của dì Xuân:
- Răng con cứ ưa ra nghĩa địa làm chi mà ra mãi rứa hả?
Nướcmắt chảy ròng ròng, tôi vẫn không nói.
- Rứa sáng ni con làm chi mà thằng Tý suýt gãy cẳng hả?
Thổn thức một hồi, tôi mới nói được:
- Con rủ thằng Tý chặt tre...
- Trời ơi, hết cách chơi răng con chơi dao, chơi rựa?
- Con không chơi đâu dì. Con biểu thằng Tý chặt tre làm nhà...
- Trời ơi, bày trò chơi làm nhà, làm cửa nữa?
- Không phải bày trò đâu dì. Con định chẻ tre, lợp cho mẹ con một mái nhà kẻo nắng rọi mẹ con nóng lắm dì. Mai mốt tới mùa mưa, mẹ con cũng khỏi bị ướt, bị lạnh đó dì.
Dì Xuân la trời một lần nữa rồi dì khóc kể:
- Sen ơi là Sen! Răng em chết chi sớm để con em tội tình dữ ri nè. Còn cha đó mà như mồ côi, mồ cút. Cha hắn giờ chỉ biết con ngựa Thượng tứ đó thôi, còn biết chi tới con với cái nữa. Hu hu...
Dì xịt mũi vào ống quần đen rồi dì lại khóc. Nước mắt của dì làm tôi thêm tủi thân. Tôi vùng dậy ôm chặt lấy dì, khóc oà. Con Kim Anh ngồi bên mẹ cũng ôm mẹ khóc.
Lát sau, khóc đã nư, dì Xuân tỉnh táo nói:
- Kim Anh, lui sau bếp bới tô cơm, bỏ vài con cá bống thệ kho ném, lựa con mô lớn nhất đó, đem lên cho thằng Hoàng ăn.
Kim Anh dạ nhưng vẫn đứng bên, hỏi rụt rè:
- Còn bác Sơn và dì Lan thì sao mẹ?
Dì Xuân trợn mắt lên:
- Sao là sao? Cho họ đói chớ sao. Bộ họ không biết đi ăn cơm tiệm à? Không lo được bữa cơm hay sao mà bắt thằng nhỏ 7,8 tuổi lo hầu hạ họ hả?
Ðược lời như cởi tấm lòng. Dì Xuân thiệt là hiểu bụng tôi. Ðã lâu, mỗi lần phải gò lưng chúi đầu vô ông bếp thổi lửa phù phù, khói mù cay mắt, tôi hay nhủ bụng: "Tự dưng mình phải hầu hạ, cơm nước mãi hai con người ác nhơn đó."
Những lúc ấy, tôi buồn rầu nghĩ mãi, không hiểu sao ba tôi lại ưa đánh đập tôi một cách dữ dội như thế. Vô lẽ ba tôi không còn thương tôi? Hay ba tôi điên? Hay tôi không phải là con ruột của ông? Nhưng ngày mẹ tôi chưa mất, ông cưng tôi lắm mà?!
Sau cái vụ làm nhà che nắng, che mưa cho mẹ không thành, lại bị một trận đòn nên thân, tôi càng đâm ra lì lợm, càng ghét mẹ kế và xa lánh ba tôi hơn.
Cũng vậy, ba tôi càng ham đánh đập tôi hơn. Cứ mỗi lần dì ghẻ tôi nói hờn mát bất cứ chuyện gì có dính dáng đến tôi, y như rằng ba tôi lại lôi tôi ra đánh. Gãy hết cây roi tre này thì vót cây roi kháng!!-- ---~~~mucluc~~~---


Chương 7

Tôi không la hét được nữa vì mệt lừ người. Qua đôi mắt nhạt nhòa nước, tôi mờ mờ thấy ánh nến lập lòe cùng chiếc hòm được nhiều người để trên vai từ từ đưa đi.
Ðầu óc tôi giờ đây đã ù đặc, váng vất, đôi chân tôi kéo lệt xệt theo bàn tay lôi đi của ai đó.
Tuy vậy, tiếng kèn ò e, ò e vui tai làm tôi nguôi ngoai. Tôi dụi mắt thật kỹ, nhìn tới trước mặt. Chao! Ðông thiệt đông! Người đi theo sau chiếc hòm mẹ tôi lặng lẽ với nước mắt chảy dài. Toàn là những người quen trong xóm.
Xấn tới trước, tôi ngó nghiêng ngó ngả để tìm bạn nhỏ như tôi. Vui thiệt! Bạn tôi đứa nào cũng có mặt. Tôi mỉm cười với chúng nhưng chúng không cười lại, ngoảnh đi hướng khác với gưong mặt buồn hiu.
Chợt nhác thấy thằng cu Tình con bác cả Hưởng đầu xóm cũng ở trong đám đó. Thường ngày nó rất “oách” với tôi bở nó có con sáo biết nói, tôi rất thích, nhưng chưa bao giờ nó cho tôi chơi chung. Tôi mon men lại bên nó, gạ:
- Hôm nay tao cho mày đi đưa đám am mẹ tao, vậy chiều mai mày cho tao nói chuyện với con sáo của mày nhé!
Không như mọi khi, lần này thằng cu Tình liếc nhanh thôi một cái rồi gật đầu liền. Tôi định gợi chuyện thêm với nó thì đoàn người đưa ma đã tới nghĩa địa.
Mọi người chợt lao xao chạy lui chạy tới, sau đó đứng vây lấy bên một hố đất hình chữ nhật, được đào sẵn tự bao giờ. Tôi cũng tới sát bên, tò mò nhìn xuống đáy hố. Chẳng có gì sất. Tôi đưa mắt nhìn quanh quất. Nơi đây thật lạ lùng đối với tôi. Thật là một chỗ đẹp với những bụi tre cao nhồng, bao quanh nghĩa địa, những cây mâm xôi um tùm đầy trái đỏ. Có cả hoa sim tím và vô vàn những loại cây tôi không hề biết tên. Thích quá, tôi bỏ mặc đám đông đi thủng thỉnh ra xa, về phía cuối cùng đất đầy cây cỏ dại, mọc chen chúc nhau. Tôi muốn khám phá vùng đất lạ.
Ðang mải mê nhóng hai ngón tay cố bắt đôi cánh con chuồn chuồn đỏ, chợt tiếng khóc của đám đông đằng kia rộ lên khiến tôi ngừng lại, quay đầu nhìn lui:
- Ôi! Sen ơi là Sen ơi, rằng chị đi chi mà tội mà tình ri trời ơi …
- Chị Sen ơi, chị còn trẻ, con chị còn dại, răng mà đành đoạn dứt áo ra đi …
Nhiều tiếng khóc, tiếng kể chen nhau vang lên nghe rất buồn cười và cứ nhè tên mẹ tôi mà réo. Ngạc nhiên, tôi chạy quanh lại coi.
Bất ngờ, một gốc cây tre gãy túm lấy vạt áo dài của tôi làm tôi té sấp xuống đất ẩm. Nắm vạt áo rách ngắm nghía, bấy giờ tôi đã nhớ lại mọi việc.
Tôi chạy ào tới, vạch mọi người ra. Tôi suýt rơi xuống hố, nơi đó chiếc hòm mẹ tôi nằm im lìm. Có ai đó ghì vai tôi thật chặt. Tôi vùng ra, nhảy loi choi và hét om sòm. Giờ thì tôi biết chắc, nếu mẹ tôi đã nằm trong hòm, sâu dưới hố huyệt kia, đất sẽ vun lại, chôn vùi mẹ tôi. Có nghĩa là không bao giờ tôi còn thấy mẹ nữa. Không bao giờ nữa!
Khi thấy người ta xúc đất đổ ùn lên mẹ, tôi nhào xuống bất thình lình, đá văng lung tung. Những mãnh đất sét mới, ẩm ướt dính nhão nhoẹt vào chân tôi. Mặc kệ, tôi cứ đá, cứ tung, cứ hét, cứ gào cho tới lúc xuội người đi. Có người ẵm ngửa tôi, mang về nhà. Trong đôi mắt nhắm tít, tôi cảm thấy mặt trời lên cao làm đỏ cạch, cay xè hai mí mắt tôi.
°
Rồi thời gian qua, tôi cũng bỏ dần cái thói mỗi sáng thức dậy phóc xuống giường là chạy ngay vào phòng mẹ, hy vọng rằng mẹ còn nằm đó. Thấy cái giường trống không, tôi tiu nghỉu, đứng trong góc phòng, khóc lặng lẽ. Hoặc mỗi buổi trưa đi học về, rón rén vào cửa bếp chực hù mẹ một cái để mẹ giật mình kêu “ối cha, cái thằng!” và tôi cười như nắc nẻ, nhưng vừa vào đến ngõ, cảm nhận sự vắng lặng đến não nề, nhớ ra rằng mẹ không còn nữa, tôi lại ngồi phịch xuống bậc thềm, liệng cặp qua bên, miệng méo xệch.
Tuy ba tôi, từ ngày mẹ tôi mất, ông càng ít ở nhà hơn, ít chú ý đến tôi, nhưng tôi không thiếu người săn sóc chu đáo. Những người hàng xóm tốt bụng đối xử với tôi rất gượng nhẹ, dành cho tôi mọi ưu đãi, y như rằng dưới con mắt họ, một đứa trẻ con như tôi, đã sớm mất mẹ thì sẽ như chiếc bình thủy tinh dễ vỡ, nhỡ mạnh tay một tí, nó sẽ tan tành ngay.
Nhưng người thương yêu tôi hơn cả, xem chẳng khác con ruột, đó là dì Xuân, mẹ Kim Anh. Vì nhà ở cách bên, dì chạy qua chạy về chăm nom tôi rất tiện. Dì làm hết những công việc cho bản thân tôi cũng y như mẹ ngày còn sống. Tối đến, dù tôi đã lớn, dì vẫn hát ru tôi ngủ.
Một tối, tôi đang lim dim mắt, đưa lưng cho gì gãi, tai tôi lắng nghe dì hát ru những câu ca dao mà mẹ tôi chưa từng hát:
“Ẫu ơ, mẹ gà con vịt chít chiu
Mấy đời dì ghẻ lại yêu thương con chồng.”
Hoặc là:
“Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng.”
Dì đang “ầu ơ” như thế thì ba tôi tới bên, nói với giọng buồn buồn:
- Chị Xuân à, từ ngày mẹ thằng Hoàng mất đi, chị vất vả vì cháu quá, tôi áy náy vô cùng. Bên nhà chị còn bao nhiêu việc phải làm…
- Có gì đâu chú, những việc nhỏ thôi mà. Tiếng ba tôi đằng hắng:
- Chị Xuân à, tôi định sang hè sẽ cưới cô Lan con bà Cả móm dưới ga. Cô ấy sẽ thay mẹ nó lo cho thằng Hoàng…
Im lặng một lát, tôi nghe tiếng dì Xuân chép miệng:
- Chú tính sao là quyền của chú. Sở dĩ tôi chịu thương chịu khó với thằng Hoàng là cũng bởi sợ nó gặp cảnh “mẹ ghẻ, con chồng”, tội nghiệp nó, tội nghiệp mẹ nó dưới kia nữa. Tôi cứ tưởng tôi gánh hết việc săn sóc thằng Hoàng để chú yên bụng, lo làm ăn, chớ đâu dè … Thôi thì quyền chú chớ, tôi đâu dám cản.
Vậy là tôi đã có mẹ kế khi tôi vừa qua hết lớp một.