Chuyện trên máy bay

Đứng trước bàn hải quan mà cô ấy khóc mùi mẫn làm tôi ái ngại. Đi nhiều nơi trên thế giới tôi chưa thấy nơi nào nhiều nước mắt như Tân Sơn Nhất. Người đi cũng như người về, hai trạm đưa đón, buồn vui cách nhau không đầy vài chục mét. Đó là số phận người Việt Nam ở nước ngoài, tôi tự nhủ. Người đi thì nghĩ mình vĩnh viễn xa cách, người về lại không ngờ có ngày hội ngộ. Có lẽ cô ấy vừa từ biệt người yêu, hai người ước hẹn những gì, cô sẽ trở lại hay người ấy sẽ đi theo, hay sao nữa?
Cô ấy đi chung với một nhóm khoảng hai mươi người, mỗi người mang trên ngực một tấm thẻ đỏ. Nhìn các khuôn mặt nửa náo nức nửa băn khoăn, tôi đoán họ đi theo diện xuất cảnh. Nhưng xuất cảnh thì thường thường đi Mỹ, sao họ lại đi Đức một chuyến với tôi?
Lên xe bus ra máy bay, tôi thấy một chị phụ nữ mặc một chiếc áo kim tuyến lộng lẫy như đi dạ hội. Ngồi cạnh chị hẳn là anh chồng, mặt mày đăm chiêu, dắt theo hai đứa con trai nhỏ. Cả ba người lớn lẫn trẻ con đều đóng bộ complet cà vạt, nghiêm chỉnh như sắp đi dự một buổi đám cưới sang trọng. Tiếc thay cho những bộ áo quần mới toanh đó, hẳn người mặc không biết chúng sẽ nhàu nát sau vài lần nằm ngồi uể oải trong mười hai tiếng bay. Đối với nhiều người, ngày xuất cảnh là ngày trọng đại nhất, họ phải mặc bộ áo quần đẹp nhất, tôi tự nhủ. Nhưng không phải chỉ có thế, họ đã nghĩ lúc gặp người thân nơi xứ lạ quê người, lúc đó cũng là giây phút khó quên, họ phải xuất hiện cho tầm cỡ chứ.
Trong xe bus, tôi tò mò ghé mắt nhìn tấm thẻ đỏ. tấm thẻ ghi tên tuổi hành khách và các chuyến bay, dòng cuối cùng đề chữ "JFK". Thì ra, họ chỉ ghé qua Đức, đi đường Đại Tây Dương để đến sân bay J. F. Kennedy ở New York. Họ đi Mỹ thật, đến một nơi xa quê hương đúng nửa vòng trái đất. Tôi nhớ New York với vô số những chiếc taxi màu vàng và những con đường buổi chiều tôi đi gặp đầy những rác. Đó là một thành phố đủ mọi màu da và quốc tịch, đủ hạng người và mọi thứ nghề nghiệp. Đó là thiên đường và cũng là nơi đầy cà nước mắt. Các đồng bào của tôi sẽ làm gì ở Mỹ, ở New York, trong đó có ai sẽ vào khu Harlem mà ở?
Tôi phải bay mười hai tiếng để đến Đức, nhưng chuyến du hành của họ sẽ dài gần gấp đôi. Đến Frankfurt, tôi sẽ xuống máy bay nhưng với họ mới chỉ nửa đoạn đường. Hơn hai mươi tiếng nữa họ mới được gặp người thân, liệu họ còn sức để tươi cười. Một ông cụ già không lên nổi cầu thang máy bay, phải có người đỡ tay. Ông cụ tìm điều gì ở New York, hay ông đi thăm con cháu, tại sao những đứa con xa nhà đó không về thăm để ông đỡ nhọc nhằn?
Trong máy bay, ngồi bên cạnh tôi là một người Ý. Hỏi ra mới hay ông về Việt Nam còn nhiều hơn tôi, biết ngõ ngách Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hơn tôi xa lắc. Nghe chuyện, tôi biết ông nói thật. Đã gần chục năm nay, ông chuyên cung ứng thiết bị và dịch vụ cho ngành khai thác dầu khí, cho các dàn khoan ngoài khơi. Đó là những công ty chuyên môn, cung cấp toàn hàng đặc chủng, không mấy ai biết đến. Trên thế giới họ thuộc về một nhóm nhỏ của những người chuyên khai thác dầu mỏ, kiếm tiền dễ hơn trở bàn tay. Đó là những mạng lưới kinh doanh mà đứng đầu là các ngài công hầu trong các vương quốc Trung Đông, dầu mỏ đối với họ là cơm gạo hàng ngày như của chúng ta. Họ đến Việt Nam từ ngày ta khai thác những tấn dầu đầu tiên, nghiệp vụ của họ đã được chuyên môn hóa, không ai thay thế nổi từ những ngày xa xưa, lúc ta còn chiến tranh. Việt Nam đã trở thành nước sản xuất dầu khí, may cho ta và cũng cho họ. Tôi hỏi thêm về vấn đề bảo vệ sinh thái ngoài khơi Việt Nam, ông mỉm cười không nói gì cả.
"What is your business?", người bạn Ý hỏi người bên cạnh. "Whisky", câu trả lời cụt ngủn làm chúng tôi chưng hửng. Thì ra rượu mạnh Whisky đã trở thành một mối kinh doanh hẳn hoi tại Việt Nam, không phải chỉ vài ba chai lậu thuế bán lẻ tẻ ngoài đường. "Họ uống nhiều lắm", người kia trả lời câu hỏi và cười bí mật. Tôi chỉ có thể công nhận ông nói đúng. Tôi nhớ trong một tiệm chả cá ở Hà Nội, có một bàn vài người ngồi mà uống hết hai chai cognac. Người ngoại quốc ngồi xung quanh nhìn nhau ngạc nhiên trước sức uống và cách uống của người mình.
Tôi hỏi thăm một người Việt trẻ tuổi về thăm nhà. Hôm nay anh ra đi, mặt mày còn mang niềm quyến luyến. "Cháu ở Strassburg từ sáu năm nay". "Ở Strassburg sao không đi máy bay Air France mà qua Đức làm chi cho phiền?", "Dạ, phải đi như thế cho Tây khỏi biết". Đúng rồi, đó là lý do tại sao bà con "tị nạn" ở Đức thì qua Hà Lan hay Thụy Sĩ mà đi, ở Pháp thì chạy qua Đức mà lên máy bay mà về Việt Nam. Đối với chính quyền sở tại thì bà con tị nạn đó, những người bị Việt Nam "ngược đãi" đó, chỉ lên máy bay đi du lịch các nước xung quanh. Đến các nước trung gian, bà con mới rút trong túi bên kia giấy máy bay bửu bối nhắm hướng Thành phố Hồ Chí Minh. "Đi bằng hai vé máy bay rời mà bố cháu cũng không dám đi, ông đợi vô quốc tịch đã mới dám về". Tôi hỏi số tuổi ông bố, hỏi đợi bao lâu nữa mới vào quốc tịch và thầm mong thời gian sẽ đợi lại ông.
Mới đi hơn một tiếng đồng hồ mà chị phụ nữ nọ xem ra vừa lạnh vừa mệt. Chiếc áo kim tuyến hở tay hở ngực không giúp được bao nhiêu trong bầu không khí máy bay khá lạnh. Chị không biết đến tấm chăn để bên cạnh dành cho hành khách. Tôi đưa cho chị tấm chăn. Ông chồng thấy vậy bắt chuyện ân cần. Nghe tôi ở Đức, anh hỏi Mỹ hay Đức nơi nào làm ăn dễ hơn. Ở Mỹ dễ hơn nhiều, tôi nói. "Hễ có sức và chịu làm việc, thế nào cũng có việc làm". Nghe xong anh tin tưởng ra mặt. Chị vợ ngồi nghe chăm chú: "Dạ, em qua bên đó tính làm neo, anh thấy sao?". "Được đó, nghề làm móng tay, điểm lông mày bên Mỹ bây giờ sống lắm". Khuôn mặt mệt mỏi của chị tươi lên. Tôi nói bừa thế thôi, như tôi làm sao mà biết bên Mỹ nghề nào sống chết. Nhưng làm sao tôi có thể làm ai thất vọng được trên bước đường này của họ? Nhất định tôi sẽ không nói bên Mỹ chuyện thất nghiệp xảy ra như cơm bữa và tôi cũng không vội nói chị phải học nghề này hai năm mới được làm việc.
Tôi hỏi tại sao cả gia đình ra đi. "Dạ, đời sống khó khăn quá, kiếm không ra đồng tiền". Tôi đưa mắt nhìn hai người bạn ngoại quốc đang ngồi ở khoang máy bay phía trước. Hai người đó, kẻ bán rượu, người khoan dầu đã trờ thành tâm đắc từ hồi nào, họ đang nói gì về chúng tôi?
Cô gái khóc vùi hồi chiều đang tìm cách tập trung đọc một cuốn sách nhưng hình như không đọc được. Người yêu cô đã xa cả ngàn cây số và không biết bao giờ gặp lại. Bên cạnh cô, một ông đứng tuổi đang lôi từng chồng sách ra, toàn là sách triết lý đạo Phật. Có lẽ ông đem tặng bà con mộ đạo bên Mỹ vì mỗi thứ hai ba quyển giống nhau. "Vạn pháp vô thường", tôi thoáng thấy một câu. Nếu cô gái hiểu được câu đó, có lẽ sẽ đỡ khổ cho cô.
Tiếp viên dọn thức ăn ra. Tôi đã quá ngán thứ thức ăn trên máy bay, thứ đã hâm đi hâm lại nhiều lần. Tôi bỗng thèm một tô mì hoành thánh. Giờ này, Thành phố của tôi đã đi vào giấc ngủ, các chị quét đường đã bắt đầu quét sàn sạt. Có ai trong số những người này sẽ bị số phận đẩy đi quét đường tại New York, tôi tự hỏi với lòng nhói đau. Giờ này, trên các đường thân thiết của tôi, chắc các em bán xe mì vẫn còn gõ mõ lóc cóc trong đêm tối và các bác xích-lô vẫn lặng lẽ đạp xe kiếm khách. Thành phố đi ngủ nhưng vẫn sống thiết tha. Tôi sẽ cố ngủ vài tiếng trên máy bay, khi tôi thức dậy thì bên mình hẳn đã ăn sáng xong và đang uống cà-phê đá.
Các xa lộ vùng Frankfurt đã hiện ra dưới cánh máy bay, trong ánh sáng xám đục của một ngày mùa đông. Nếu ở phố cổ Hà Nội tôi sẽ gọi thứ ánh sáng này là "trữ tình" nhưng bây giờ chút lòng nghệ sĩ của tôi đã biến mất vì nhọc mệt. Cụ già kia mới đi nửa đường mà trông đã yếu hẳn rồi. Chị phụ nữ cuộn tròn người mà ngủ, chị đang mơ làm neo tại Mỹ hay thấy mình còn ở Việt Nam? Ôi, còn nửa đường nữa, bao giờ mới đến. Đến rồi thì "làm gì cho hết nửa đời sau?".
12.1995