Phần 1

Chiếc Toyota màu đỏ sang trọng nghiến bánh trên thảm sỏi rồi dừng bánh trước khuôn viên của tòa nhà sang trọng.
Đang ngồi hút xì gà trong đại sảnh, ông Trần bỗng chưng hửng khi nhìn qua lớp cửa kính trong suốt. Ông vừa phát hiện một điều bất thường, người lái chiếc Toyota sang trọng không phải tài xế riêng của ông mà lại là một thanh niên xa lạ, dáng người cao lớn.
Xô cửa bước ra, ông vội phóng đến bên chiếc xe hỏi như cáu:
– Này cậu kia! Chú Mười đâu rồi? Cậu là ai? Tại sao cậu lại lái xe của tôi.
Bước xuống xe, người thanh niên giọng nhã nhặn:
– Chào ông... Tôi là Vũ Sơn, con của ông Mười...
Ông Trần nổi giận:
– Tại sao chú Mười lại giao xe cho cậu. Dù cậu là con của chú Mười đi nữa, cậu cũng không có quyền điều khiển chiếc xe của tôi. Gọi chú Mười về đây gấp cho tôi!
– Thưa, ba tôi vừa bị tai nạn...
– Cái gì?
– Cách đây ba tiếng đồng hồ, ba tôi bị một chiếc xe môtô đụng phải... hiện ông vẫn còn nằm ở bệnh viện.
Ông Trần như nhảy dựng lên:
– Chết tôi rồi! Thế thì còn gì là chiếc xe của tôi...
– Thưa ông, chiếc xe không hề gì...
– Láo! Mấy người định lừa tôi đấy sao?
Vòng quanh xe săm soi từng chỗ, ông Trần hằm hè:
– Nói thật thử coi, ba cậu làm hỏng xe tôi như thế nào rồi?
Người thanh niên điềm tĩnh:
– Chiếc xe của ông không bị gì cả...
Ông Trần quát lớn:
– Ba cậu đang nằm bệnh viện mà xe không bị hề hấn gì cũng là chuyện lạ.
Có phải sau khi bị xe đụng, cha con cậu đã sửa lại xe để qua mặt tôi không?
– Ba tôi bị tai nạn lúc ông rời khỏi xe bước qua đường. Chiếc xe nâu không hề bị trầy xước gì, nếu không tin ông có thể kiểm tra.
Không đợi người thanh niên nói dứt câu, ông Trần lại lăng xăng săm soi từng li từng tí trên chiếc Toyota bóng lộn. Chưa yên tâm, ông còn mở tung cửa xe để kiểm tra bên trong. Không phát hiện một dấu hiệu bất thường nào, ông hầm hầm tuyên bố:
– May cho ba cậu đấy, nếu làm hỏng chiếc xe mới toanh của tôi chỉ có nước bán nhà mà đền.
Người thanh niên không giấu được bất bình, vì nãy giờ ông Trần không hề quan tâm đến tình trạng sức khỏe của ba anh, mà chỉ lăm lăm lo lắng đến chiếc xe.
Ông Trần sập mạnh cửa xe:
– Ba cậu hợp đồng với tôi hai năm. Hợp đồng này vẫn còn hiệu lực...
Người thanh niên giọng lãnh đạm:
– Ba tôi đã cho tôi biết điều đó...
Vẻ mặt ông Trần đắc thắng:
– Ở một điều khoản trong hợp đồng có ghi rõ, trong trường hợp ba cậu hủy bỏ hợp đồng thì phải bồi thường cho tôi một số tiền không nhỏ.
– Ba tôi không đơn phương hủy hợp đồng, đây là do tai nạn- một yếu tố hoàn toàn khách quan.
Ông Trần quắc mắt lên:
– Dù hủy hợp đồng với một lý do nào đó, cũng phải có trách nhiệm bồi thường. Trong trường hợp có ghi rõ là trong bất cứ trường hợp nào nếu ba cậu không lái xe cho tôi cũng phải bồi thường cho tôi.
Người thanh niên cười nhạt:
– Hợp đồng do ông tự soạn theo hướng có lợi cho mình, ba tôi đã ký mà không tính đến những thiệt hại cho mình.
Ông Trần quát:
– Cậu đến đây để lý sự với tôi đó sao?
– Tôi đến đây để đưa ra một giải pháp...
Ném cho anh ánh nhìn cao ngạo, ông Trần phẩy tay:
– Nói đi!
– Tôi sẽ thay ba tôi lái xe cho ông.
Ông Trần khẽ nheo mắt:
– Để tuyển ba cậu, tôi đã loại đến gần năm mươi tài xế kinh nghiệm. Bộ cậu nghĩ là dễ dàng được tôi chọn để thay thế ba cậu hay sao?
– Kinh nghiệm lái xe của tôi không thua kém gì ba tôi... Trong ba tháng ba tôi bị bó bột ở xương vai, tôi hy vọng sẽ làm ông hài lòng khi cầm lái thay ba tôi.
Cười khẩy, ông Trần tuyên bố:
– Hợp đồng giữa ba cậu và tôi đã ký kết, cứ theo đúng hợp đồng mà làm. Tại sao, tôi lại phải tuyển dụng khi mà tôi sẽ được bồi thường.
Vũ Sơn nhìn như xoáy vào đôi mắt lạnh lùng của ông Trần:
– Để nhận được tiền bồi thường của ba tôi, tôi e rằng cũng không dễ dàng với ông. Tôi và ông sẽ phải cùng tranh tụng trước tòa. Tại sao chúng ta không cùng nhau thương lượng để tìm ra một giải pháp tốt hơn? Xin giới thiệu với ông, tôi là Vũ Sơn- một người lái xe giàu kinh nghiệm... Tôi sẽ thực hiện đúng những gì mà ba tôi đã ký kết cùng ông.
Ông Trần nheo mắt ngắm Vũ Sơn từ đầu đến chân. Thể lực tốt. Tính cách cứng rắn mạnh mẽ. Đó là phẩm chất mà người tài xế cũ của ông - ba của Vũ Sơn - vẫn còn thiếu.
Xoa hai tay, ông Trần cười bí hiểm. Xưa nay ông vốn tự hào mình là một người mưu mẹo, đời nào ông dễ dàng đồng ý với điều kiện mà Vũ Sơn vừa mới đưa ra.
Giọng anh đanh lại:
– Vì... nhân đạo, tôi sẽ kiểm tra tay lái của cậu, nếu thấy tay nghề được tôi sẽ đồng ý cho cậu thay thế ba cậu.
Liếc nhìn vẻ mắt nhẹ nhõm của Vũ Sơn, ông thản nhiên đáp:
– Chớ vội mừng... Tôi chỉ đồng ý cậu được thay thế ba cậu với một điều kiện, hàng tháng cậu chỉ được hưởng tiền lương bằng với một phần ba lương của ba cậu trước đây được hưởng.
Vũ Sơn kêu lên:
– Tại sao lại vô lý như thế. Lẽ ra, ông cần có sự quan tâm ưu đãi vì ba tôi gặp tai nạn mới phải...
Ông Trần lạnh lùng tuyên bố:
– Ba cậu bị tai nạn đó là lỗi của ông. Cậu chỉ có một trong hai cách để chọn lựa:
hoặc là chấp nhận với điều kiện của tôi và ngày mai đến đây để sát hạch, hoặc là chuẩn bị tiền bồi thường cho tôi... Tôi không có nhiều thời gian cho việc này.
Vũ Sơn cười nhạt. Đứng trước mặt anh là người đàn ông sang trọng, từ bộ com-lê thật chải chuốt cho đến đôi giày ngoại bóng loáng nhưng tâm địa của ông ta thật là đáng sợ. Ông ta đã gài bẫy ba anh bằng một hợp đồng, nay lại muốn hưởng lợi từ một điều không may vừa xảy đến cho ba anh. Đúng là anh không còn có con đường nào khác để chọn lựa.
Anh so vai:
– Ông không thấy là mình quá đáng sao?
Ông Trần giận dữ:
– Nếu muốn làm tài xế của tôi, trước tiên cậu phải hiểu thế nào là sự phục tùng. Cậu chỉ là một kẻ làm công cho tôi, cậu không được lý sự.
Vũ Sơn nhìn thẳng vào những mông ta:
– Hiện tôi đang là một người tự do, chưa phải là tài xế của ông.
Ông Trần gật gù. Khá lắm. Ông Mười vốn là một người khí khái, không ngờ con trai của ông ta còn dữ dội hơn. Nếu tuyển dụng tên thanh niên ngạo nghễ này, ông thề rằng sẽ ngược đãi và hành hạ hắn để hắn biết thế nào là sự thuần phục.
Nhướng cao mày, ông Trần tuyên bố:
– Trước sau gì cậu cũng là người làm công của tôi thôi. Năm chục triệu bồi thường, đó không phải là số tiền nhỏ để cha cậu thu xếp được.
Vũ Sơn nhếch môi:
– Tôi có thể kiện ông về chuyện gài cho ba tôi mắc bẫy trong hợp đồng.
Giọng ông Trần khinh mạn:
– Liệu cậu có thể thắng tôi không?
Vẻ mặt thách đố của ông Trần khiến Vũ Sơn càng căm giận. Anh thừa biết là ba anh hoàn toàn đuối lý khi đã đặt bút ký vào tờ hợp đồng ấy.
Ông Trần nhắc lại câu hỏi với vẻ khoái trá:
– Có thắng nổi không?
Vũ Sơn chua chát:
– Ông là một con người vô cùng đặc biệt.
Ông Trần cười lớn:
– Chỉ là một khúc dạo đầu. Khi nào làm tài xế của tôi, cậu mới hiểu hết được con người của tôi. Tôi có thể tự hào là chưa thua ai bao giờ...
Một bông hồng trắng.
Vũ Sơn không biết anh gọi như thế có đúng không khi đứng trước mặt anh là một cô gái thật đẹp với cái nhìn trong veo như pha lê. Cô có một vẻ đẹp thật thanh khiết nhưng muốn hút dịu dàng.
Thấy anh đứng nhìn sững cô, cô nghiêng đầu hỏi:
– Anh là con của bác Mười?
Vũ Sơn gật đầu:
– Thế cô là ai?
Cô gái đưa ngón trỏ lên môi:
– Có thật là anh không biết tôi là ai không?
Vũ Sơn mỉm cười thân thiện:
– Sao tôi biết được khi đây là lần đầu tiên tôi gặp cô.
Giọng cười cô gái trong vắt:
– Tôi là Hà Văn, con của ba Trần.
Vũ Sơn cảm thấy dòng máu trong cơ thể anh như chảy người lại. Anh không thể tin một con người độc ác như ông Trần lại có cô con gái đẹp và hiền dịu đến thế.
– Tôi là Vũ Sơn...
– Tôi có nghe ba tôi giới thiệu về anh.
Vũ Sơn quan tâm:
– Ông Trần nói như thế nào?
Cô cười nhẹ:
– Nói chung là khen ngợi...
Anh ngạc nhiên:
– Sao lại có thể như thế được?
Cô tròn mắt:
– Anh không tin sao?
Vũ Sơn mỉm cười:
– Tôi tin cô chứ, nhưng thú thật là tôi rất ngạc nhiên...
– Ba tôi khen là anh lái xe rất cừ, xử lý các tình huống bất ngờ trên đường lái rất tốt.
Anh trầm giọng:
– Một tài xế giỏi cần có phản xạ tốt.
– Tôi cũng nghĩ như anh...
– Ông Trần còn nói gì nữa không?
Cô nhỏ nhẹ:
– Hình như ba tôi không hài lòng về anh một điều gì đó... nhưng tôi nghĩ là không quan trọng. Nghe ba tôi bảo anh là con của bác Mười, tôi muốn gặp mặt ngay vì nóng lòng muốn hỏi thăm về tình hình sức khỏe của bác ấy.
– Cám ơn cô... Cũng may là ba tôi chỉ bị ở xương vai, bó bột khoảng ba tháng...
Cô bặm môi:
– Ngày mai, anh chở tôi đến thăm bác Mười nhé.
Vũ Sơn vội nói:
– Tôi sẽ chuyển lời hỏi thăm của cô đến ba tôi, thế là đủ. Tôi không dám làm phiền cô đâu.
Hà Vân nhỏ nhẹ:
– Tôi rất quý mến bác Mười.
Vũ Sơn hắng giọng:
– Nhà tôi ở rất xa, đường đi rất khó.
Hà Vân cười hiền:
– Không sao, mai anh chở tôi đi nhé?
Vũ Sơn chưa kịp trả lời thì chợt thấy ông Trần xuất hiện với vẻ mặt cau có.
Nhìn thấy anh đang cầm giẻ lau xe, ông hất hàm hỏi:
– Vẫn chưa xong sao?
Vũ Sơn vội đáp:
– Còn tấm kính phía sau, tôi sẽ lau xong ngay bây giờ.
Ông Trần phẩy tay:
– Lát nữa, lúc xe đậu ngoài nhà hàng cậu tranh thủ lau tiếp cho sạch. Giờ cậu chở tôi và Hà Vân đến nhà hàng “Thành Đô”.
Lái xe đến nhà hàng sang trọng nhất thành phố, Vũ Sơn cho xe đậu vào bãi xe. Mở cửa xe cho Hà Vân, anh mỉm cười đáp lại nụ cười thân thiện của cô.
Ông Trần giọng đe nẹt:
– Cậu không được đánh xe đi đâu đấy nhé, ở đó đợi tôi.
Hà Vân nghiêng đầu hỏi khẽ:
– Ba ơi! Hay là ba mời anh Vũ Sơn cùng dùng cơm tối với cha con mình.
Tiếng “hừ” trong cổ và ánh mắt quắc lên của ông Trần làm Hà Vân im bặt.
Cô vội rảo bước cùng ba cô lên những bậc thang dẫn vào nhà hàng.
Người bồi bàn mang đồng phục trắng đưa hai cha con cô đến tận bàn, giọng lễ độ:
– Chào ông Trần.
Buông mình xuống chiếc ghế vừa được người phục vụ bước ra, vẻ mặt ông Trần cau có:
– Tại sao không chọn một nơi gần cửa sổ để ta có thể vừa ăn tối vừa ngắm quang cảnh bên ngoài?
– Thưa ông, lần trước ông đã nổi giận vì nhà hàng chọn cho ông một bàn gần cửa sổ. Ông bảo, gần cửa sổ thường bị gió và bụi bặm.
Ông Trần hầm hè:
– Thế thì tại sao không đặt bàn trên sân thượng cho ta?
– Ông đã từng phật ý và cho là trên sân thượng có thể bị mưa bất chừng, ông không nhớ sao?
Quắc mắt lên, ông Trần cắt ngang:
– Trong cái nhà hàng này, chỗ nào ta thấy cũng không được. Thôi, mau dọn thức ăn ra đây cho ta...
Người ngồi bàn vừa đi khuất, Hà Vân khẽ nói:
– Ba ơi...
Chỉ có thể nói vậy thôi, cô liền im bặt vì ánh nhìn hầm hực của ba cô. Có vẻ ông đang giận và sẵn sàng trút tất cả giận dữ lên bất cứ người nào mà ông thích.
Người bồi mang ra món khai vị và nước uống. Ông Trần giục:
– Con ăn đi...
– Vâng...
Ông Trần cau có:
– Lần sau đừng bao giờ con mở miệng ra nói với ba một điều ngốc nghếch như hồi nãy nữa đấy nhé...
Hà Vân ngơ ngác:
– Sao cơ?
Ông Trần giận dữ:
– Tại sao con lại đề nghị đưa tên tài xế ấy vào dùng bữa với cha con mình.
Hà Vân ấp úng:
– Con nghĩ là anh ấy cũng đang đói bụng...
– Mặc xác hắn!
Cô nhỏ nhẹ:
– Ba đã đi thăm bác Mười chưa?
Ông Trần cười mũi:
– Tại sao ba lại phải đi thăm ông ấy?
– Bác ấy bị tai nạn.
Ông Trần cao ngạo:
– Ông ta chỉ là một kẻ làm công.
Cô trầm giọng:
– Thế ba định không đi thăm bác Mười thật sao?
Ông Trần chăm chú nhìn cô:
– Nếu con định đi thăm ông tài xế già ấy, đừng có trách ba đấy nhé.
Cô thở nhẹ:
– Con rất quý bác Mười và bác ấy cũng rất quý con. Con vẫn nhớ những lần bác ấy đón đưa con đi học, những hôm trời mưa và những hôm nắng chang chang lúc nào bác ấy cũng đúng giờ. Cứ mỗi lần ra khỏi cổng trường, nhìn thấy dáng quen thuộc của bác ấy kiên nhẫn ngồi đợi trong xe là con cảm thấy ấm áp trong lòng.
Ông Trần nheo mũi:
– Còn gì nữa?
Cô chớp mi:
– Có chuyện gì vui buồn con cũng đều tâm sự với bác Mười. Bác ấy như một người thân không chỉ với con mà còn với ba, với tất cả mọi người trong nhà.
Ông Trần ngả người trên ghế:
– Con đừng quên ông ta chỉ là một kẻ làm công. Nếu ông ta không đón con đúng giờ, ba đuổi ông ta ngay lập tức.
Cô thoáng buồn:
– Bác Mười rất chu đáo với ba và con, giữa bác ấy và cha con mình không chỉ là mối quan hệ công việc. Lúc nào con cũng xem bác Mười như là một thành viên gia đình mình.
Ông Trần đanh mặt lại:
– Lòng tốt của con đặt không đúng chỗ. Tại sao lại phải quan tâm đến những kẻ làm công. Tình cảm không đem lại ích lợi tiền bằng bạc. Cần phải sống thật lý trí, đó là phương châm sống của ba.
Hà Vân khẽ cắn môi. Nếu được phép nói với ba cô, cô sẽ nói là rất cần có một trái tim nồng ấm trong cuộc đời.
Liếc vẻ mặt buồn buồn của Hà Vân, ông Trần dịu giọng:
– Dạo này con hơi gầy đó.
Cô chớp mi:
– Dạ, con đang chuẩn bị thi tốt nghiệp.
Ông Trần nhướng mày:
– Ba rất tự hào khi con học giỏi. Nếu con thi tốt nghiệp đạt loại giỏi, ba sẽ cho con đi du lịch ở Pháp.
Cô nhỏ nhẹ:
– Cám ơn ba. Có lẽ con sẽ không đi du lịch mà dành thời gian để xin việc ở một công ty nào đó.
Ông Trần ngạc nhiên:
– Con vừa nói cái gì? Thiếu gì chỗ cho con trong công ty của ba khi ba là giám đốc.
Cô ngước mắt nhìn ông:
– Thưa ba, con muốn được... tự lập.
ông Trần dằn mạnh ly nước xuống bàn:
– Điên rồi! Công ty của ba đang cần người, con sẽ là người thay thế ba khi cần thiết.
Hà Vân chùng giọng:
– Con không muốn nấp vào cái bóng của ba. Con muốn được tự khẳng định mình.
Ông Trần nhếch môi:
– Đừng bao giờ có ý tưởng đội đá vá trời! Lúc ba bằng tuổi con, ba cũng từng có những suy nghĩ điên rồ như thế.
Câu chuyện giữa ba cô và cô đứt quãng vì sự xuất hiện của một người đàn ông ăn mặc thật chải chuốt. Vừa nhìn thấy ba cô, anh ta reo lên:
– Chào chú Trần...
Ba cô cũng vồn vã không kém:
– Cậu Chấn Vỹ. Mời cậu ngồi...
Bắt gặp ánh nhìn ngưỡng mộ của Chấn Vỹ dành cho Hà Vân, ông Trần vui vẻ giới thiệu:
– Đây là con gái của tôi, Hà Vân.
Chấn Vỹ mỉm cười:
– Hà Vân, một cái tên tuyệt đẹp như người.
Quay sang Hà Vân, ông Trần giọng sôi nổi:
– Chấn Vỹ là một đối tác làm ăn thân thiết của ba.
Nhìn Hà Vân không chớp mắt, Chấn Vỹ tán dương:
– Cháu không ngờ là chú Trần lại có cô con gái xinh đẹp đến thế.
Vẻ mặt ông Trần đầy tự hào:
– Hà Vân là con gái duy nhất của tôi.
Chấn Vỹ hắng giọng:
– Cháu thật là hân hạnh khi được quen với Hà Vân. Nếu chú cho phép, tối nay cháu xin được ngồi tiếp chuyện với chú và Hà Vân.
– Cậu đang đi với ai?
Chấn Vỹ vội nói:
– Cháu đi với mấy người bạn, nhưng điều đó không quan trọng. Cho phép cháu được mời chú và Hà Vân bữa cơm tối này.
Ông Trần cười lớn. Ông thấy ngay là Chấn Vỹ như bị tiếng sét trước sắc đẹp của con gái ông. Vẫy tay gọi bồi mang thêm ly và chén, ông tuyên bố:
– Chú rất vui vì sự có mặt của cháu.
Chấn Vỹ lịch sự hỏi Hà Vân:
– Hà Vân dùng thêm món gì, anh gọi...
Cô nhỏ nhẹ:
– Cám ơn. Anh và tôi cứ tự nhiên.
– Nếu anh không lầm, Hà Vân vẫn đang còn đi học?
Cô cười hiền:
– Tôi đang học ngoại thương, năm cuối.
Chấn Vỹ nịnh đầm:
– Hà Vân còn đẹp hơn một hoa hậu.
Xấu hổ vì lời khen tặng của anh, cô liền đứng dậy:
– Cám ơn. Anh ngồi nói chuyện với ba tôi.
Ông Trần vội hỏi:
– Con định đi đâu?
Cô bặm môi:
– Con đi ra xe.
Ông Trần định cản lại nhưng chợt nhớ gã tài xế có thể đánh xe đi lòng vòng làm hỏng chiếc xe mới toanh nên liền gật đầu:
– Được rồi, quay trở vào liền nha con. Xem chừng tài xế có ở đó không Chấn Vỹ vội ngăn lại:
– Hà Vân! Anh đang muốn được nói chuyện với Hà Vân mà.
Cô nhã nhặn:
– Xin phép anh... Tôi muốn đi ra ngoài một chút.
Ông Trần lên tiếng:
– Chấn Vỹ à... Cứ để con gái tôi đi ra ngoài xe. Tôi và cậu cùng hàn huyên với nhau. Còn nhiều dịp để cậu và Hà Vân gặp nhau mà...
Bước ra khỏi nhà hàng, Hà Vân liền đi đến bãi đậu xe. Cô vui mừng khi thấy Vũ Sơn đang ngồi sau lưng vô lăng. Thấy anh đọc một cuốn sách, cô nghiêng đầu hỏi:
– Tiểu thuyết hả?
Vũ Sơn phì cười:
– Không... Thanh niên mấy khi đọc tiểu thuyết.
– Thế anh đang đọc sách gì thế?
– Sách nấu ăn...
Ngỡ ngàng, cô kêu lên:
– Bộ anh định luyện thành đầu bếp nhà hàng hả?
– Đúng vậy. Cô xem tướng tôi có thích hợp với vai trò của một đầu bếp không?
Cô mỉm cười:
– Nếu anh là bếp trưởng, coi bộ cũng hợp.
– Tôi không thích làm bếp trưởng.
Cô mở to mắt:
– Thế anh thích làm gì?
Anh bình tĩnh:
– Bếp phó.
– Sao lại là bếp phó?
– Tôi có biết gì về chuyện ẩm thực đâu để mà nấu nướng, làm bếp phó cho chắc chuyện.
Cô phụng phịu:
– Không phải sách nấu ăn, sao anh lại xí gạt tôi?
Vũ Sơn mỉm cười:
– Đùa với cô một chút cho vui.
Chìa tay đón quyển sách, cô hồn nhiên:
– Cho tôi mượn chút xem.
Vũ Sơn đưa cuốn sách cho cô. Anh mỉm cười khi Hà Vân buột miệng:
– Một cuốn sách kỹ thuật. Thế mà tôi cứ ngỡ anh đang giải trí bằng một cuốn tạp chí.
Vũ Sơn nói lảng sang chuyện khác:
– Ba cô đâu?
Hà Vân giậm chân:
– Anh không mở cửa xe cho tôi sao? Nãy giờ muỗi cắn tôi đau muốn chết.
Vũ Sơn vội mở cửa xe cho cô, giọng nhã nhặn:
– Xin lỗi...
Ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế, Hà Vân nhí nhảnh:
– Thoát từ trong đó ra đây, tôi mừng dễ sợ.
Vũ Sơn cười cười:
– Bộ cô không thích dùng buổi tối trong một nhà hàng sang trọng như thế sao?
Hà Vân rùn vai:
– Anh cứ thử dùng bữa với ba tôi một lần rồi biết.
Vũ Sơn nửa đùa nửa thật:
– Một người như tôi làm sao có hân hạnh được dùng cơm với ba tôi.
Hà Vân thở dài:
– Tôi ước gì được sống như những người bình thường khác.
Anh nghiêng đầu hỏi:
– Có nghĩa là như thế nào?
– Thế anh không thấy suốt ngày tôi bị nhốt trong bốn bức tường của ngôi nhà to lớn mênh mông, phải dùng bữa trong những nhà hàng ngột ngạt. Ba tôi rất ít khi cho tôi đi ra ngoài, vì thế những giờ đi học là khoảnh khắc thật tuyệt dịu của tôi.
Như sực nhớ ra, Vũ Sơn liền bảo:
– Ba tôi có dặn với tôi là ngoài việc chở ông Trần, tôi còn nhiệm vụ đón đưa cô đi học.
Hà Vân chớp mắt:
– Bác Mười có kể cho anh là ba tôi quản lý giờ giấc của tôi như thế nào chưa?
Anh lắc đầu:
– Tôi cũng chưa nghe nói.
Hà Vân so vai:
– Rồi ba tôi cũng sẽ cho anh biết công việc của anh mỗi ngày đối với tôi. Tôi hệt như một con chim bị nhốt trong lồng.
Vũ Sơn quay lại nhìn cô. Vẻ mặt buồn buồn của cô khiến Vũ Sơn chạnh lòng. Anh hắng giọng:
– Cô không vào với ba cô sao?
Hà Vân lắc đầu:
– Tôi cảm thấy ngán đến tận cổ những cao lương mỹ vị, lại ngán cảnh mấy nhân viên mặc đồng phục lúc nào cũng đứng sau lưng nhăm nhăm rót rượu vào ly. Ôi, đó là những bữa ăn đầy cực hình vì không thể tự do... vung đũa.
Vũ Sơn bật cười:
– Có ai cấm cô... ăn đâu.
Cô cũng cười:
– Ý tôi muốn nói là khi ngồi trong nhà hàng mình phải tỏ ra là một người lịch sự, ăn nhỏ nhẹ như mèo. Nhiều lúc đói dễ sợ nhưng buộc lòng phải ăn... từ tốn như một tiểu thư.
Anh mỉm cười:
– Cô có hay ăn ở quán vỉa hè không?
Hà Vân đưa ngón trỏ lên môi:
– Anh đừng kể với ba tôi đấy nhé. Thỉnh thoảng, tôi và mấy nhỏ bạn cùng lớp hay rủ nhau ăn ở mấy quán cóc bình dân.
– Ngon không?
Cô cười khẽ:
– Còn lâu mấy nhà hàng mới đuổi kịp.
– Cô có thích cơm tấm không?
– Đó cũng là món ruột của tôi.
– Lúc nào có dịp, tôi sẽ mời cô đến một quán cơm tấm nấu rất ngon.
Cô vui vẻ:
– Tôi sẽ không quên lời hứa của anh đâu. Anh cứ chuẩn bị mời tôi đi là vừa...
Chợt nhớ ra, anh băn khoăn hỏi:
– Cô để ba cô ngồi một mình sao?
Hà Vân so vai:
– Có một người quen của ba tôi dùng bữa với ông. Có lẽ hơn nửa giờ nữa ba tôi mới ra xe.
Vũ Sơn chợt đề nghị:
– Cô có muốn đi dạo một chút không?
Đề nghị của anh được Hà Vân hưởng ứng ngay. Cô nói như reo:
– Tại sao nãy giờ tôi lại không nghĩ ra điều ấy nhỉ?
Vũ Sơn cho xe chạy qua đường Ngô Thời Nhiệm, sau đó lại đi qua một con đường nhỏ khác. Chiếc xe chạy thật chậm qua những con đường có những hàng me lá bay lả tả.
Lặng lẽ ngắm những cảnh vật bên đường, Hà Vân khẽ nói:
– Những con đường này tôi chưa đi qua bao giờ.
Vũ Sơn trầm giọng:
– Tôi cũng đoán là như thế.
Giọng cô xôn xao:
– Những con đường này thật là đẹp. Đã lâu lắm rồi tôi mới có được cảm giác nhẹ nhõm như thế này. Không có những ngôi nhà cao tầng, không có những cảnh buôn bán xô bồ. Những ngôi nhà mái ngói cũ kỹ với những giàn hoa tigôn trước ngõ, nhìn thật yên bình làm sao.
– Chúng ta uống cà phê nhé?
Cô gật đầu không một chút khách sáo:
– Vâng...
Chiếc xe dừng trước một quán nhỏ với giàn cát đằng trước ngõ.
Cô ngắm những bông hoa nở rộ, giọng mềm mại:
– Dễ thương quá.
Hai ly cà phê nóng được mang ra. Anh khuấy đường cho cô với vẻ thật chăm chút. Ngẩng đầu lên, bắt gặp nụ cười của cô anh liền hỏi:
– Cô cười gì thế?
Cô nheo mũi:
– Bí mật.
– Nói thử tôi nghe có được không?
Cô cười cười:
– Anh đừng chế nhạo tôi.
– Tôi hứa...
Giọng cô hồn nhiên:
– Sao anh không thử học một lớp diễn xuất điện ảnh?
Anh bật cười:
– Tôi đâu thích làm tài tử. Mà sao cô lại hỏi thế?
Cô nghiêm mặt phán:
– Anh có một khuôn mặt của một ngôi sao điện ảnh.
Anh đùa:
– Bộ tôi... được lắm hả?
Cô nheo mũi:
– Đủ tiêu chuẩn để trở thành một ngôi sao điện ảnh.
Anh thú vị:
– Một gợi ý khá hay, chỉ tiếc là tôi chỉ thích làm tài xế.
Cô nhướng mày:
– Anh đừng xí gạt tôi. Cuốn sách kỹ thuật lúc nãy mà anh đọc là một cuốn sách dành cho những người có trình độ trên đại học.
Anh vờ ngạc nhiên:
– Thật thế sao?
Cô tròn mắt:
– Đừng nó với tôi là anh... lượm được cuốn sách đó đấy nhé.
Anh cười xòa vì bị cô bắt bài. Cô cũng cười thật hồn nhiên:
– Nếu anh không thích làm tài tử điện ảnh thì cũng hay thôi.
Anh tò mò:
– Sao lại... hay?
Cô mỉm cười:
– Ai sẽ đón đưa tôi đi học nếu anh đi đóng phim.
Thế là cả anh và cô đều cười.
Chăm chú nhìn cô, anh trầm giọng:
– Cô có thích khung cảnh ở đây không?
Cô áp hai tay vào má vì trời hơi se lạnh:
– Một khung cảnh rất nên thơ. Một quán nhỏ thật dễ thương với giàn cát đằng buông rủ, không gian tĩnh lặng ở đây hoàn toàn khác với không khí xô bồ của những quán cà phê khác trong thành phố.
Anh dịu dàng bảo:
– Tôi cũng nghĩ như cô...
Gĩư lại trong tay những sợi tóc nghịch ngợm tung bay theo gió, cô khẽ nói:
– Có những ước muốn thật đơn giản những cũng rất khó để đạt được. Nhiều lúc tôi mong mình có được những khoảnh khắc yên bình như thế này...
Anh liếc nhìn vẻ mặt bâng khuâng của cô, rồi lại liếc nhìn đồng hồ.
– Có lẽ ba cô đã dùng bữa xong.
Hà Vân gật đầu với vẻ luyến tiếc:
– Anh cho xe quay về. Nếu không, tôi và anh lại bị la đấy...
Ra khỏi cổng trường, vừa nhìn thấy chiếc Toyota quen thuộc đợi sẵn, Hà Vân liền rảo bước, chợt có tiếng gọi sau lưng:
– Hà Vân...
Ngoảnh mặt lại, cô ngạc nhiên:
– Có việc gì vậy không Như Quỳnh?
Như Quỳnh nắm lấy tay cô:
– Bồ có thể cho mình quá giang một đoạn được không?
Hà Vân mỉm cười:
– Sao lại không? Bạn bè với nhau, Như Quỳnh ngại gì chứ?
Vừa mở cửa xe, Như Quỳnh đã reo lên:
– Vũ Sơn... sao anh lại ở đây?
Vũ Sơn cũng không ngạc nhiên kém gì Như Quỳnh, anh liền hỏi:
– Cô là bạn của Hà Vân sao?
Chui tọt vào trong xe, Như Quỳnh sôi nổi:
– Em và Hà Vân học cùng một lớp.
Hà Vân ngạc nhiên:
– Hai người quen với nhau hả?
Như Quỳnh khúc khích:
– Anh Ngôn của mình và Vũ Sơn quen nhau.
Chiếc xe vừa lăn bánh một đoạn, Như Quỳnh chồm lên phía trước hỏi:
– Tại sao anh lại lái xe cho Hà Vân? Anh quen với Hà Vân như thế nào?
Vũ Sơn chưa kịp trả lời, Hà Vân đã nói:
– Vũ Sơn là tài xế của ba mình. Bác Mười- ba của anh bị tai nạn phải bó bột nên anh thay thế bác ấy trong vòng ba tháng.
Như Quỳnh định nói một điều gì đó nhưng bắt gặp vẻ mặt nghiêm nghị của Vũ Sơn nên cô im lặng. Cô lặng lẽ quan sát Vũ Sơn. Cô không ngờ gặp anh trong hoàn cảnh này.
Vẫn khuôn mặt cương nghị đầy quyến rũ, vẫn dáng cao lớn ngang tàng mạnh mẽ từng làm cô chao đảo con tim.
Giọng Như Quỳnh nũng nịu:
– Dạo này không thấy anh đến chơi với anh Ngôn của em.
Vũ Sơn trầm giọng:
– Tôi bận, lát nữa nhờ cô chuyển lời thăm của tôi đến Ngôn.
– Anh Ngôn của em nhắc đến anh luôn.
– Nói với Ngôn, nếu có dịp tôi sẽ đến chơi.
Như Quỳnh dài giọng:
– Chỉ cần anh không quên lời hứa là được.
Vũ Sơn cười xòa. Trước đây anh chơi khá thân với Ngôn nhưng công việc cuốn hút anh, khiến anh ít khi có dịp gặp lại Ngôn.
Hà Vân vui vẻ:
– Anh Ngôn của Như Quỳnh quen với anh Vũ Sơn trong trường hợp nào?
Như Quỳnh lấp lửng:
– Mình cũng không rõ nữa.
Hà Vân mỉm cười vì cách trả lời của Như Quỳnh, có vẻ như cô bạn học của cô không muốn kể rõ mối quan hệ giữa Vũ Sơn và cô ấy. Vì sao thì cô không hiểu.
Cho xe dừng trước con hẻm đi vào nhà Như Quỳnh, Như Quỳnh lẳng lặng cho xe chạy tiếp.
Hà Vân giọng hồn nhiên:
– Như Quỳnh đẹp nhất lớp tôi đó.
Vũ Sơn mỉm cười:
– Tôi không tin.
Cô mở to mắt:
– Sao lại thế? Không lẽ tôi lại nói dối anh hay sao?
Vũ Sơn cười lớn:
– Cô không thấy là cô còn đẹp hơn Như Quỳnh sao, tôi không tin lời nói của cô là vậy.
Hà Vân dẩu môi:
– Anh thiên vị tôi mất rồi.
Vũ Sơn hắng giọng:
– Tôi nói rất thật.
Hà Vân tò mò:
– Anh có thể nói rõ hơn được không?
Vũ Sơn so vai:
– Cho phép tôi giữ điều đó cho riêng mình.
Cô mở to mắt:
– Vì sao lại bí mật đến thế?
Vũ Sơn mỉm cười:
– Một bí mật nho nhỏ nhưng dù sao cũng là điều thú vị.
Hà Vân cười khẽ. Dù Vũ Sơn mới lái xe cho gia đình cô mới được nửa tháng nhưng phong thái của anh đã khiến cô cảm thấy gần gũi, tin cậy như một người anh trong gia đình.
Cô mở cặp ra khoe:
– Có một anh chàng trong lớp tặng cho tôi cái này, hay lắm.
Một tay giữ vô lăng, tay kia cầm lấy tấm thiệp Hà Vân vừa mới đưa. Vũ Sơn trầm trồ:
– Đẹp quá!
Hà Vân hếch chiếc mũi cao xinh đẹp lên:
– Anh ấy tự vẽ đó.
– Tấm thiệp tự làm lúc nào cũng ý nghĩa hơn rất nhiều lần so với tấm thiệp bán sẵn.
Giọng cô trong trẻo:
– Tôi cũng nghĩ như anh.
Đón tấm thiệp anh trả lại, cô khẽ nói:
– Theo anh, tôi nên nhận tấm thiệp này hay trả lại?
Vũ Sơn ngạc nhiên:
– Sao lại trả lại người ta?
Cô suy nghĩ mông lung một hồi rồi nói:
– Anh ấy thích tôi, thế... mới khổ.
Vũ Sơn phì cười:
– Sao lại khổ?
Cô so vai:
– Tôi đâu thích anh ấy.
– Không thích sao lại nhận thiệp?
Cô hỏi ngược trở lại:
– Thế bạn bè với nhau, không được nhận thiệp sao?
Anh mỉm cười:
– Tất nhiên là được.
Cô phùng má:
– Khi nhận thiệp của anh ấy, tôi không suy nghĩ gì cả. Đến chừng hôm qua, nhận được lá thư tôi mới phát hoảng lên. Theo anh, tôi phải xử sự như thế nào?
Vũ Sơn lại cười:
– Tôi đâu có rành mấy việc như thế.
Cô nhìn anh với vẻ nghi hoặc:
– Anh có... bồ chưa?
– Hỏi chi vậy?
– Anh sẽ đưa ra một lời khuyên thích hợp cho tôi.
Vũ Sơn hắng giọng:
– Theo tôi, nếu không thích anh ta cô nên trả lại cả lá thư và tấm thiệp cho hắn. Thế là xong.
Cô khẽ cắn môi:
– Tôi cũng nghĩ như anh nhưng thấy thật là khó xử. Tôi không muốn anh ấy bị bẽ mặt.
Vũ Sơn liếc nhìn vẻ mặt băn khoăn của Hà Vân. Cô tiên nhỏ đẩy tấm thiệp vào tập vở rồi đóng cặp lại. Đúng là khó đưa ra một giải pháp cho tình huống này.
Cho chiếc Toyota chạy vào cổng, Vũ Sơn thoáng nhìn thấy ông Trần đang đứng trên bậc thềm với ánh mắt cau có.
Vừa mới mở cửa xe, ông Trần đã ra lệnh:
– Chở tôi đến công ty ngay bây giờ.
Hà Vân vội hỏi:
– Ba không ăn cơm sao?
Ông Trần lắc đầu:
– Đừng chờ cơm ba. Ba có việc phải giải quyết gấp.
Đã quen với tính cách của ông Trần, Vũ Sơn lẳng lặng cho xe chạy thật nhanh. Vừa nhả khói thuốc liên tục, ông Trần vừa căng óc suy nghĩ về cuộc đấu trí sắp sửa diễn ra.
Đúng như ông Trần dự đoán, vừa nhìn thấy ông xuất hiện, hai vị khách đang ngồi trong phòng đợi của công ty đã bật dậy như lò xo với vẻ mặt mừng rỡ:
– Chào ông Trần.
Ông Trần cố giữ vẻ lãnh đạm:
– Chào các ông.
– Tôi muốn gặp ông để thương thảo một số vấn đề.
– Mời các ông vào phòng làm việc của tôi.
Vừa an vị trên ghế, vị khách đã vào thẳng vào ngay câu chuyện:
– Tôi cần gặp ông để xin gia hạn thời gian giao hàng.
Ông Trần kêu lên:
– Không thể được.
– Xin ông hiểu cho, chúng tôi rất muốn giao hàng cho công ty của ông đúng thời hạn những vì lý do khách quan nên lô hàng không thể giao đúng như đã hẹn.
Ông Trần rút điếu xì gà ra khỏi miệng:
– Theo đúng hợp đồng, nếu bên nào không thực hiện đúng sẽ bị phạt nặng.
Vẻ mặt vị khách ảo não:
– Tôi hiểu. Khi đặt bút ký hợp đồng tôi không ngờ lại xảy ra tình huống này.
Xin ông hiểu cho là suốt gần chục năm nay chưa bao giờ tôi lỗi hẹn với các đối tác làm ăn của tôi, mọi sự hoàn toàn ngoài ý muốn.
Dù đã biết hết mọi chuyện nhưng ông Trần vẫn vờ hỏi:
– Đã xảy ra chuyện gì?
– Một số kiện hàng kém phẩm chất. Không phải do khâu sản xuất, mà dường như có ai đó đã tìm cách phá hoại tôi. Tôi đang đi tìm hiểu nguyên nhân.
Ông Trần nheo mắt:
– Về việc hợp đồng đã được ký kết giữa hai bên, ông định giải quyết như thế nào?
– Tôi định thương lượng xin giao trước hai phần ba số hàng, sau một tuần sẽ giao tiếp số còn lại.
Ông Trần nhún vai:
– Không thể được. Ông có biết rằng tôi sẽ phải đền cho người ta nếu giao hàng không đúng số lượng và thời gian không? Cứ theo đúng hợp đồng mà làm, nếu không tôi sẽ khởi kiện.
Vị khách hốt hoảng:
– Nếu trên thị trường có cùng chủng loại hàng, tôi đã sẵn sàng mua giá cao để bù cho ông rồi. Mấy hôm nay tôi đã cố khắc phục hậu quả nhưng không thể nào có đủ lượng hàng cho ông theo đúng hợp đồng. Mong ông cho tôi một cơ hội.
Vẻ mặt ông Trần tàn nhẫn:
– Hợp đồng đã ký kết giữa chúng ta cần được tôn trọng, tôi không muốn bàn đến chuyện này nữa.
Vị khách nhếch môi chua chát:
– Nội dung của bản hợp đồng do ông soạn sẵn thật là kinh khủng. Khi đặt bút ký, tôi không hề nghĩ là bị dồn vào bước đường cùng như thế này.
Ông Trần cố giấu một nụ cười. Ông là người thợ săn với chiếc bẫy giấu dưới đóng lá khô. Những hợp đồng đầy mưu mẹo đã đem đến cho ông không biết bao nhiêu lợi nhuận. Nếu người đang đối thoại với ông biết rằng, chính ông đã thuê người làm chậm tiến độ giao hàng, không biết ông ta sẽ phản ứng như thế nào.
Đưa tay bắt vị khách, vẻ mặt ông Trần lạnh lùng:
– Chào ông...
Gót giày của ông Trần lạnh lùng nện trên hành lang. Ông nghiêng tay nhìn đồng hồ. Hơi muộn cho một bữa trưa, nhưng không sao trưa hôm nay ông sẽ dùng bữa thật ngon miệng...
Hà Vân không giấu được ngạc nhiên khi thấy Như Quỳnh sau song cửa cổng. Vì tuy là bạn học chung một lớp nhưng cô không hề thân với Như Quỳnh.
Thấy Hà Vân đứng sững nhìn mình, Như Quỳnh kêu lên:
– Bồ không mở cửa cho mình sao?
Như nhớ sực ra, Hà Vân vội nói:
– Xin lỗi... tại mình ngạc nhiên nên quên mất...
Vung vẩy chiếc váy đầm thật đẹp trong tay, Như Quỳnh cười giòn giã:
– Nhà bồ đẹp quá!
Hà Vân mỉm cười:
– Cám ơn Như Quỳnh, Sao Như Quỳnh biết được nhà của mình?
Như Quỳnh chu môi:
– Chỉ cần hỏi nhà của ông Trần đâu, mọi người đều biết. Ba của bồ là người nổi tiếng nhất thành phố.
Nụ cười bí hiểm của Như Quỳnh dù sao cũng làm Hà Vân thấy khó hiểu, dường như có chút mỉa mai trong giọng nói của cô ta.
Hà Vân nhã nhặn:
– Như Quỳnh tìm mình có chuyện gì không?
Như Quỳnh đưa đẩy:
– Bạn học cùng lớp ghé chơi không được sao, hay là Hà Vân không thích sự có mặt của mình?
Nghe nói thế, Hà Vân phát hoảng. Cô kêu lên:
– Sao Như Quỳnh lại nói thế?
Lững thững đi về phía vườn hoa, Như Quỳnh trầm trồ:
– Vườn hoa nhà bồ đẹp thật.
– Mình thích cẩm chướng và hồng, còn vào mình lại thuê người trồng cúc vàng đại đóa.
Như Quỳnh lấp lửng:
– Người ta bảo tính cách của con người thể hiện rất rõ ở sở thích. Ba của bồ thích cúc đại đóa không có gì là lạ.
Hà Vân mở to mắt:
– Bồ biết gì về ba mình?
Như Quỳnh cười lớn:
– Một người rất giàu và thành đạt.
Hà Vân ngồi xuống ghế đá. Cô vốn hồn nhiên, quý trọng bạn bè thế nhưng chẳng hiểu sao cuộc viếng thăm bất ngờ của Như Quỳnh lại cho cô dự cảm về những điều không vui.
Trong lớp cô không chơi thân Như Quỳnh vì không hợp. Như Quỳnh thường kiêu hãnh và hay châm chọc người khác.
Gọi người giúp việc mang ra hai ly cam vắt, Hà Vân lịch sự:
– Mời Như Quỳnh...
Như Quỳnh đong đưa chân ngắm đất ngắm trời, nói những chuyện không đầu không đuôi. Khuôn mặt xinh đẹp của cô rạng rỡ hẳn khi nhìn thấy chiếc Toyota màu đỏ chạy thẳng vào cổng.
Trên xe không có ông Trần mà chỉ có Vũ Sơn.
Giọng Như Quỳnh lanh lảnh:
– Anh Sơn...
Vũ Sơn nhảy ra khỏi xe. Tiến về phía hai người đang đứng, anh mỉm cười:
– Chào Như Quỳnh.
Như Quỳnh long lanh mắt:
– Anh Ngôn của em chờ anh đến nhưng không thấy.
Vũ Sơn cười xòa:
– Cho tôi xin lỗi Ngôn vậy.
Quay sang Hà Vân, Như Quỳnh đề nghị:
– Tụi mình đi ăn kem đi.
Hà Vân nhã nhặn:
– Nếu Như Quỳnh thích ăn kem, mình sẽ cùng đi với Như Quỳnh.
Quay nhìn Vũ Sơn, Như Quỳnh vui vẫn vẻ:
– Anh chở tụi em đi ăn kem nghen.
Vũ Sơn ngập ngừng:
– Tôi không biết lát nữa ông Trần có gọi đi đâu không?
Như Quỳnh xụ mặt:
– Hà Vân chịu trách nhiệm cho anh mà.
Vũ Sơn mỉm cười:
– Các cô định ăn kem ở đâu?
Như Quỳnh mau mắn:
– Quán kem “Sắc màu”. Em muốn ngồi trên tầng lầu thứ mười sáu để ngắm phố phường, ngắm thiên hạ đi dạo phố vào chiều thứ bảy.
Hà Vân kêu lên:
– Mình có vào quán kem ấy một lần rồi. Ngột ngạt với cửa kính và máy lạnh.
Sao lại không chọn một nơi khác?
Vũ Sơn hắng giọng:
– Cô muốn đến đâu?
Hà Vân nhìn Như Quỳnh:
– Một quán kem ở... vỉa hè... Bồ không phản đối chứ?
Như Quỳnh giọng lạ lùng:
– Bồ nói chơi hay thật?
Hà Vân nhỏ nhẹ:
– Một quán kem cạnh dòng sông. Mình nghĩ là sẽ thú vị khi vừa ăn kem vừa ngắm nhìn hoàng hôn xuống trên sông.
Như Quỳnh phá lên cười:
– Đó không phải lãng mạn mà là lẩm cẩm. Mình không hiểu tại sao bồ lại từ chối một nơi sang trọng để đòi ngồi ở một quán kem tồi tàn nhếch nhác. Thật là lạ lùng.
Vũ Sơn lên tiếng:
– Cô hãy thử đến đó một lần. Biết đâu, cô cũng sẽ cảm thấy thích thú như Hà Vân.
Như Quỳnh so vai:
– Thế thì đi!
Cuối cùng, chiếc Toyota cũng đến nơi mà Hà Vân đề nghị. Đó là một quán kem cạnh dòng sông thơ mộng.
Chủ quán tiến đến bàn, hỏi Vũ Sơn:
– Các cô cậu dùng gì?
Vũ Sơn đưa mắt nhìn Hà Vân và Như Quỳnh. Như Quỳnh nhún vai:
– Tùy Hà Vân. Đã chấp nhận ngồi ở đây thì ăn thứ kem gì chẳng được.
Hà Vân gọi kem sầu riêng. Mở to mắt nhìn Như Quỳnh đang lùng bùng mặt, Hà Vân thắc thỏm:
– Như Quỳnh không vui sao?
Như Quỳnh dấm dẳng:
– Điều đó bồ tự biết.
Một khoảng không gian ngột ngạt bao trùm cả ba người. Giọng Hà Vân buồn xo:
– Nếu Như Quỳnh không thích ở đây, chúng ta sẽ đến quán kem “Sắc màu”.
Vũ Sơn ngỡ là Như Quỳnh sẽ từ chối vì sợ phiền toái, không ngờ Như Quỳnh lại vui vẻ phán:
– Cuối cùng, bồ cũng biết đưa ra một quyết định sáng suốt.
Quán kem “Sắc màu” không khác với Hà Vân mô tả là bao. Bước qua lớp cửa kính, mọi người như bị ướp lạnh bởi lớp không khí ngột ngạt, có cả khói thuốc lá mù mịt.
Giọng Như Quỳnh thánh thót:
– Chúng ta dùng thang máy lên tầng thứ mười sáu đi.
Cuối cùng thì mọi người cũng an vị ở tầng cao nhất của tòa nhà.
Như Quỳnh gọi ba ly kem ba mươi mốt màu. Cô nhí nhảnh bảo:
– Ba mươi mốt màu tượng trưng cho ba mươi mốt ngày của một tháng. Ngày nào cũng là một ngày vui tươi.
Vũ Sơn mỉm cười nhìn hai cô gái huyên thuyên nói chuyện với nhau. Như Quỳnh tươi tắn tựa một đóa hoa hồng rực rỡ. Hà Vân tựa một bông hồng trắng tinh khiết.
Chợt Hà Vân đứng dậy vì có điện thoại.
– Xin lỗi.
Rời khỏi bàn, cô đi về phía gần cửa sổ. Chỉ còn lại hai người, Như Quỳnh hỏi thật nhanh:
– Tại sao anh lại chấp nhận làm tài xế cho ông Trần?
– Ba tôi bị tai nạn, cô quên rồi sao?
– Nhưng anh là một kỹ sư giỏi, em không thể hiểu nổi.
– Ba tôi bị ràng buộc bởi một hợp đồng, tôi có nhiệm vụ phải thực hiện cho xong hợp đồng đó.
– Anh nghĩ việc ở công ty rồi sao?
– Chỉ là tạm nghỉ. Sau ba tháng, tôi sẽ làm việc trở lại. Hiện tôi cũng đang mở một tổ hợp cơ khí riêng.
– Hà Vân và ông Trần có biết anh là kỹ sư không?
Vũ Sơn so vai:
– Không.
Như Quỳnh tươi nét mặt:
– Em nghĩ là anh cũng không nên cho Hà Vân biết.
Nghĩ sao, cô lại nói tiếp:
– Dù không thân với Hà Vân nhưng tại sao em lại đến để rủ nó đi chơi như thế này, anh có hiểu hay không?
– Tôi không hiểu.
– Anh thật là tệ.
– Sao cô lại nói thế?
– Cách xưng hô của anh làm em đau lòng...
Vũ Sơn nhíu mày. Anh cũng không hiểu Như Quỳnh muốn nói gì nữa.
Hà Vân quay trở về lại chỗ ngồi. Cô ngạc nhiên khi thấy Như Quỳnh đang nhìn cô với vẻ soi mói:
– Điện thoại của ai gọi cho bồ đấy?
– Của một người quen.
Như Quỳnh gật gù:
– Bạn trai của bồ chứ gì?
Hà Vân mở to mắt:
– Mình có quen ai đâu?
Như Quỳnh cười cười:
– Ai lại đi giấu bạn bè như thế. Trong lớp, ai mà chẳng biết bồ có bạn trai.
Hà Vân chưng hửng:
– Bạn trai nào?
Như Quỳnh nháy mắt:
– Quên, những việc tế nhị như thế không nên bàn luận chỗ đông người...
Hà Vân không hiểu vì sao Như Quỳnh lại nói lấp lửng như thế. Cô cảm thấy nhẹ nhõm khi nghe Như Quỳnh bảo:
– Chúng ta về đi.
Khi mọi người về đến nhà, Như Quỳnh còn nấn ná chưa muốn lấy xe đi về.
Tâm trạng mỏi mệt nhưng Hà Vân vẫn gắng tiếp chuyện cô bạn cùng lớp. Sau đúng gần một tiếng đồng hồ, Như Quỳnh mới chịu ngồi lên chiếc Spacy nổ máy.
Lững thững đi dọc những luống hồng, Hà Vân ngắt một đóa hoa vừa hé nụ.
Mùi thơm dịu dàng của hoa làm cô cảm thấy thật là dễ chịu sau cuộc đi chơi gượng ép với Như Quỳnh...
Nhấn chuông gọi cửa, Chấn Vỹ không khỏi ngỡ ngàng. Đứng trước mặt anh là một chàng trai cao lớn có khuôn mặt thật khôi ngô, tuấn tú. Nếu anh không lầm, ông Trần chỉ có duy nhất một cô con gái xinh đẹp là Hà Vân.
– Anh là ai?
Ngạc nhiên vì bị người khách xa lạ tra vấn. Vũ Sơn nhướng mày:
– Xin lỗi, anh tìm ai?
Chấn Vỹ ngẩng cao đầu:
– Tôi là chỗ làm ăn thân tín với ông Trần.
– Rất tiếc, ông Trần không có ở nhà.
Chấn Vỹ nóng nảy:
– Nhưng tôi đang muốn biết, anh là ai?
Vũ Sơn nhìn thẳng vào mặt người thanh niên xa lạ:
– Chuyện đó có cần thiết phải trả lời cho anh không?
Chấn Vỹ hằm hè:
– Hãy nói đi, anh là ai?
Vũ Sơn đĩnh đạc:
– Tôi là tài xế của ông Trần.
Câu trả lời của Vũ Sơn làm Chấn Vỹ bất ngờ. Cẩn tắc vô áy náy. Nếu có dịp, anh sẽ nói với ông Trần cho anh chàng tài xế này thôi việc. Hà Vân là một bông hoa đẹp mà không một người đàn ông nào có thể dửng dưng.
Chấn Vỹ cao giọng:
– Có Hà Vân ở nhà không?
– Cô Hà Vân đang ở trên lầu.
Ngạo mạn nhìn Vũ Sơn, Chấn Vỹ ra lệnh:
– Mở cửa cho tôi!
Vũ Sơn nhìn thẳng vào mặt anh ta:
– Chìa khóa cửa, lão quản gia đang giữ. Anh chờ một chút.
Chấn Vỹ hậm hực nhìn theo Vũ Sơn. Hãy đợi đấy, anh biết mình phải làm gì một khi được ông Trần tin cậy.
Lão quản gia ra mở cổng, giọng vui vẻ:
– Mời cậu vào nhà.
Cho chiếc Nissan nghiến bánh trên thảm sỏi trắng, nhảy ra khỏi xe Chấn Vỹ tức tối:
– Thằng tài xế lúc nãy đâu rồi?
– Cậu muốn hỏi cậu Vũ Sơn hả? Có chuyện gì khiến cậu giận như thế?
Câu hỏi của lão quản gia khiến Chấn Vỹ khựng lại, vì thật ra Vũ Sơn cũng chẳng làm gì để cho anh ta giận ngoài chuyện Vũ Sơn thật ấn tượng với khuôn mặt điển trai, dáng người phong độ.
Lão quản gia điềm đạm:
– Cậu Vũ Sơn chưa hề làm phật lòng ai bao giờ, cậu ấy rất tốt.
Chấn Vỹ hậm hực:
– Nếu tôi nhớ không lầm, tài xế của ông Trần là một ông già.
– Đúng thế, đó là ba cậu Vũ Sơn.
Chấn Vỹ kêu lên:
– Ông già ấy đâu rồi?
– Ông Mười bị tai nạn, cậu Vũ Sơn thay thế tạm.
Chấn Vỹ vội hỏi:
– Bao lâu?
– Ba tháng.
Câu trả lời của lão quản gia làm Chấn Vỹ xốn xang khó chịu. Ba tháng, đó là một thời gian không ngắn.
Giọng anh gắt gỏng:
– Nhờ ông báo với Hà Vân, có tôi đến chơi.
– Xin lỗi, cậu là ai?
– Chấn Vỹ, một đối tác làm ăn quan trọng của ông Trần. Ông Trần rất quý mến tôi. Lâu nay tôi không đến đây chơi vì tôi và ông Trần chỉ gặp nhau ở công ty.
– Cậu không hẹn trước với ông chủ tôi sao?
Chấn Vỹ nhún vai. Anh đến đây không phải để gặp ông Trần mà là để gặp con gái ông ta. Từ hôm gặp Hà Vân đến bây giờ, ngày nào anh cũng mơ tưởng đến hình bóng của cô.
Ngồi đợi trong phòng khách được hơn mười phút, Hà Vân mới xuất hiện.
Chấn Vỹ như đứng bật dậy khi cô từ trên lầu bước xuống. Khuôn mặt đẹp của cô như bừng sáng với chiếc váy màu thiên thanh.
Chấn Vỹ trầm trồ:
– Em quá đẹp, em biết không. Nếu tôi là họa sĩ, tôi sẽ có những bức tranh vô cùng tuyệt tác.
Hà Vân mỉm cười:
– Cảm ơn anh đã quá khen. Anh chờ một chút, tôi gọi điện thoại cho ba tôi về.
Chấn Vỹ vội ngăn lại:
– Không cần đâu, tôi cũng có số điện thoại của chú Trần.
Hà Vân ngạc nhiên:
– Sao anh lại không gọi cho ba tôi?
Chấn Vỹ so vai:
– Vì người tôi một gặp lại là em.
Hà Vân đỏ bừng mặt trước câu trả lời thật sống sượng của Chấn Vỹ. Cô ấp úng:
– Tôi với anh đâu quen biết.
Chấn Vỹ hắng giọng:
– Thế em có tin là có những cuộc gặp gỡ như duyên tiền định hay không?
Sau lần gặp em, tôi cứ có một nhu cầu thôi thúc là phải được nhìn thấy em, được nói chuyện với em.
Hà Vân hốt hoảng:
– Nếu anh nói thế, tôi cũng không dám gặp lại anh đâu.
– Kìa, Hà Vân...
Chấn Vỹ thảng thốt gọi nhưng cô đã chạy nhanh lên lầu, biến mất sau cánh cửa.
Chấn Vỹ lẳng lặng uống tách trà nóng vừa được người giúp việc mang ra.
Mọi chuyện chỉ là mới bắt đầu. Anh vẫn có niềm tin là anh sẽ thắng trong canh bạc này.
Tách trà vừa cạn cũng là lúc ông Trần gõ giày cộp cộp ở bậc cửa. Vừa nhìn thấy Chấn Vỹ, ông Trần kêu lên:
– Cậu đến lâu chưa? Sao không gọi điện cho tôi?
Chấn Vỹ vui vẻ:
– Cháu cũng vừa mới đến.
– Có áp phe nào mới à?
Chấn Vỹ mỉm cười:
– Giờ thì chưa, nhưng khoảng nửa tháng nữa cháu sẽ có một phi vụ làm ăn rất đặc biệt.
Ông Trần cười lớn:
– Cho tôi hùn năm mươi phần trăm.
Chấn Vỹ hứa hẹn:
– Cháu sẽ ưu tiên cho chú. Chú là số một.
– Nhất định thế.
– Vâng, dù sao chú cháu mình cũng là chỗ thân tình với nhau.
– Tôi biết là cậu rất quý tôi.
Chấn Vỹ chùng giọng:
– Từ khi gặp Hà Vân đến giờ, không hiểu sao cháu lại nghĩ là tình cảm chú cháu mình không dừng ở đó.
Đắc ý, ông Trần cười lớn. Thế là hiểu được vì sao Chấn Vỹ đến đây, lâu nay chuyện làm ăn giữa ông và Chấn Vỹ luôn luôn giải quyết ở công ty.
Giọng ông đưa đẩy:
– Hà Vân thì có liên quan gì đến công chuyện làm ăn của chú cháu mình?
Chấn Vỹ hắng giọng:
– Cháu rất mến Hà Vân.
– Chỉ mới gặp nhau có vài phút, mà cậu đã cảm thấy như thế sao?
Chấn Vỹ giọng chậm rãi:
– Đó là điều mà cháu cũng không thể giải thích được. Hôm nay cháu ghé đến đây cũng để bày tỏ với chú về tình cảm cháu dành cho Hà Vân. Cháu mong rằng, chú sẽ tạo mọi điều kiện cho cháu.
Ông Trần nhướng mày:
– Hà Vân vẫn còn đi học, nó rất còn nhỏ.
– Cháu sẽ đợi cho đến lúc nào Hà Vân ra trường xong, miễn sao chú đồng ý chấp nhận cháu.
Ông Trần ngả đầu vào ghế nệm:
– Cậu nói gì mà tôi chưa hiểu?
Chấn Vỹ cười cầu tài:
– Cháu muốn cầu hôn với Hà Vân.
– Hà Vân là đứa con duy nhất của tôi. Chuyện hôn nhân là một chuyện hết sức hệ trọng, tôi đâu có thể quyết định vội vàng như thế.
Chấn Vỹ ngẩng cao đầu:
– Cháu nghĩ là cháu rất xứng đôi với Hà Vân.
Dù không xác nhận, ông Trần vẫn thầm công nhận là Chấn Vỹ nói đúng.
Ông còn có thể chọn một người con rể nào hơn Chấn Vỹ nữa khi anh là một thương gia trẻ giàu có.
Ông hắng giọng:
– Tôi không biết là Hà Vân có đồng ý không nữa.
Chấn Vỹ giọng tha thiết:
– Chú là một người quyết đoán. Cháu nghĩ là một khi chú đã quyết, bất cứ một người nào kể cả Hà Vân cũng khó lòng cưỡng lại được.
Ông Trần cười lớn. Tất cả các quân cờ đã lật ngửa. Ông sẽ gả Hà Vân cho Chấn Vỹ, nhưng cần phải thật nhiều thử thách để Chấn Vỹ hiểu được rằng con gái của ông là lá ngọc cành vàng.
Ông Trần tuyên bố:
– Thời gian là yếu tố cần thiết để cậu có thể chinh phục trái tim của con gái tôi. Tôi hoàn toàn ủng hộ cậu.
Chấn Vỹ tươi nét mặt:
– Cháu cám ơn chú rất nhiều.
Cùng sánh bước với ông Trần ra chỗ đậu chiếc Nissan, gương mặt Chấn Vỹ tối sầm lại khi nhìn thấy Vũ Sơn. Dù đã biết Vũ Sơn là ai nhưng Chấn Vỹ vẫn giả vờ hỏi:
– Thưa chú, ai thế?
Ông Trần vui vẻ:
– Tài xế của chú.
Chấn Vỹ kêu lên:
– Cẩn tắc vô áy náy. Sao chú lại khinh xuất đến thế?
– Có gì đâu. Vũ Sơn là một tài xế rất giỏi, anh ta có cá tính hơi ngang một chút nhưng trung thực.
Chấn Vỹ so vai:
– Chú không nên thuê tài xế nhỏ tuổi, họ vừa không có kinh nghiệm vừa dễ làm những chuyện rồ dại. Một cậu tài xế của bạn cháu vừa bị bắt vì buôn ma túy.
Ông Trần cười vang:
– Vũ Sơn là một tài xế tốt, tay nghề cậu ấy rất cao. Chú định sau ba tháng sẽ tiếp tục gia hạn hợp đồng với cậu ta.
Chấn Vỹ cau mày:
– Cháu sẽ giới thiệu cho chú một tài xế đẳng cấp cao, thuộc vào hàng hiếm.
Ông Trần lắc đầu:
– Chú cám ơn cháu.
Chấn Vỹ nhướng mày:
– Chú đừng ngại. Giữa chú và cháu là mối thân tình.
– Chú không khách sáo đâu. Chú từ chối vì biết rằng không thể tìm được một người tài xế nào có trách nhiệm như Vũ Sơn. Cậu ấy còn là một người vô cùng bản lĩnh, tháo vát, giàu hiểu biết.
Chấn Vỹ nhếch môi:
– Tại sao chú không thử nhận tài xế của cháu giới thiệu, sau khi kiểm tra tay nghề chú có từ chối cũng không muộn.
Ông Trần cười xòa:
– Sự sốt sắng của cháu làm chú cảm kích. Nhưng mà thôi...
Chấn Vỹ bạnh hàm. Anh sẽ có cách khác để nhổ một cái gai trước mắt. Tạm thời anh không muốn đi sâu vào câu chuyện này. Ông Trần là một người rất thông minh, anh không muốn bị ông ta khinh thường vì đã tự thấy mình lép vế so với... một tên tài xế.
Đang lau chùi xe, Vũ Sơn giật mình khi nghe tiếng gọi khẽ:
– Anh Sơn!
– Cô không ngủ trưa sao?
Hà Vân chớp mi:
– Không, tôi định nhờ anh chuyện này có được không?
Vũ Sơn sốt sắng:
– Cô nói đi!
Hà Vân bặm môi:
– Anh có thể chở tôi đi thăm mộ mẹ tôi không?
Vũ Sơn gật gật đầu:
– Sao lại không, cô có muốn tôi chở đi đâu cứ nói đừng ngại.
Hà Vân hạ thấp giọng:
– Nhưng anh đừng nói với ba tôi.
Bắt gặp cái nhìn ngạc nhiên của anh, cô giải thích:
– Ba tôi rất yêu mẹ tôi, thế nhưng công việc cuốn hút ông. Một năm, ba tôi chỉ có thể chở tôi thăm mẹ tôi đúng một lần vào ngày giỗ của bà. Ba tôi không muốn tôi đi một mình mà không có ông vì mộ của mẹ tôi nằm rất xa, cách thành phố gần hai chục cây số đường đi lại gập ghềnh khó đi.
Vũ Sơn chăm chú nhìn cô:
– Thế thì chúng ta sẽ giải thích như thế nào nếu tôi đánh xe đi quá lâu?
Hà Vân ngắc ngứ:
– Tôi cũng... đâu có biết.
– Thôi được, tôi sẽ nói là đem xe đi rửa.
Tươi nét mặt, Hà Vân khẽ nói:
– Anh chờ tôi một chút nghe!
Chỉ một lúc sau, anh và cô đã ngồi trên chiếc Toyota sang trọng chạy về ngoại ô thành phố.
Mở chiếc bọc nylon, cô lấy ra một bó hoa màu vàng mơ:
– Anh có biết hoa gì đây không?
Vũ Sơn nói đại:
– Hoa cúc.
Cô phì cười:
– Bộ anh... yếu về hoa đến thế sao?
Câu hỏi của cô cũng làm anh bật cười. Anh trả lời tỉnh queo:
– Tôi thấy cũng giống giống hoa cúc.
Hà Vân cong môi:
– Hoa này mà gọi là cúc, kể cũng lạ.
– Thế đó là hoa gì?
Cô chớp mi:
– Cẩm chướng.
Vũ Sơn buột miệng:
– Tôi thấy hoa này đâu có đẹp.
Giọng cô chùng xuống:
– Hồi còn sống, mẹ tôi rất yêu cẩm chướng. Một loài hoa bình thường, bình dị như chính cuộc sống của bà.
Anh hỏi giọng quan tâm:
– Xin lỗi, mẹ cô mất đã lâu chưa?
Hà Vân khẽ thở dài:
– Lúc tôi học năm thứ hai.
– Tôi đoán là cô rất yêu mẹ cô...
– Mẹ tôi là một phụ nữ xinh đẹp. Bà rất nhân hậu, ít nói và dịu dàng.
Vũ Sơn buột miệng:
– Chưa nhìn thấy mẹ cô nhưng tôi đoán là cô rất giống bà.
Hà Vân vò nhẹ một chiếc lá cẩm chướng. Chẳng hiểu sao cô lại nhớ đến ba cô vào lúc này. Ba là hình ảnh tương phản của mẹ. Dù kính yêu ba đến đâu, cô cũng không thể không nhận ra ba cô là một con người tàn nhẫn. Thật đáng tiếc!
Xe dừng ở nghĩa trang. Vũ Sơn mở cửa cho cô, giọng dịu dàng:
– Chúng ta đi thôi!
Đặt hoa trước mộ, Hà Vân nhìn thật lâu vào tấm ảnh của mẹ cô rồi cùng Vũ Sơn đốt nhang.
Thật lâu, sau đó anh mới cùng cô ra xe. Trong ráng chiều hoàng hôn, chị Hai thật đẹp với bộ đồ jeans màu xám.
Vũ Sơn cho xe chạy chậm xuống triền dốc. Liếc nhìn vẻ mặt buồn buồn của cô, anh khẽ hỏi:
– Cô có muốn đến quán kem gần bờ sông không, tôi chở cô đến đó.
– Cám ơn, có lẽ vào một dịp khác...
Anh không biết phải làm như thế nào cho cô tiên nhỏ của anh vui. Khi cô buồn, trái tim phong sương của anh như bị ai siết chặt...
Được lưng chừng dốc, xe bỗng dưng chết máy. Thấy Vũ Sơn đề mãi mà xe vẫn không nổ máy trở lại, Hà Vân lo lắng:
– Có sao không?
Anh trấn an:
– Không sao. Tôi biết cách để sửa. Cô cứ ngồi yên trong xe.
Nói xong, anh liền mở cửa, bước ra khỏi xe. Mở nắp thùng xe, Vũ Sơn hì hục sửa xe. Đang xem lại bộ chế hòa khí, anh chợt thấy Hà Vân đứng bên cạnh.
Giọng anh ấm áp:
– Sao cô không ngồi yên trong xe?
Cô mỉm cười:
– Tôi sốt ruột quá, không biết xe hư như thế nào.
Anh hắng giọng:
– Gần xong rồi. Cô cứ lên xe đi.
Cô lắc đầu:
– Để anh đứng sửa xe một mình, tôi sợ anh buồn.
Vũ Sơn cảm động:
– Cám ơn cô.
Cô nheo mũi:
– Anh lại khách sáo với tôi nữa rồi.
Nghiêng đầu nhìn anh thao tác, cô mỉm cười phán:
– Sao anh giỏi quá vậy?
Anh nhướng mày trêu:
– Chắc gì là tôi đã... giỏi.
– Không giỏi sao sửa xe được?
Giọng anh hóm hỉnh:
– Xe chưa sửa xong mà, biết đâu tôi sẽ làm hỏng xe thì sao.
Cô bặm môi:
– Tôi tin là anh sẽ làm cho xe nổ máy.
Anh quay lại nhìn cô:
– Sao cô lại quả quyết như thế?
Giọng cô mềm mại:
– Anh luôn là một người tháo vát.
Chỉ một lát sau, đóng sập nắp thùng xe, anh phấn chấn:
– Chúng ta lên xe!
Đúng như Hà Vân dự đoán, chiếc xe lại nổ máy giòn giã rồi lăn bánh.
Cô cười hiền:
– Anh thấy tôi nói có đúng không?
Vũ Sơn vui vẻ hỏi:
– Cô có đói bụng không?
Hà Vân khẽ reo lên:
– Anh định mời tôi ăn gì đây?
Anh nhướng mày:
– Mì xào giòn:
– Ôi! Sao anh biết là tôi rất thích món ấy.
Quán ăn mà anh dừng xe là một quán nhỏ của một Hoa kiều. Cùng với cô đi vào quán, anh chọn một chiếc bàn ở gần cửa sổ.
Cô nhìn quanh quán một lượt, vẻ mặt thích thú:
– Quán ăn này trang trí hệt một tiệm cà phê.
Chỉ một bức tranh treo trên tường, anh trầm giọng:
– Đó là bức tranh mà tôi thích ngắm mỗi khi đến đây.
Cô gật gù:
– Tôi không hiểu về tranh lắm nhưng thấy cũng có hồn, đầy nghệ thuật. Cách bày trí của quán ăn này gợi cho người ta một cảm giác thật nhẹ nhàng.
Một dĩa mì lớn được mang ra. Anh ân cần gắp cho cô:
– Cô ăn đi!
– Anh cũng ăn đi chứ.
– Cô có thích dùng xì dầu không?
Hà Vân hồn nhiên:
– Mì xào giòn mà không có xì dầu, vị ngon mất đi một nửa.
Anh cười cười:
– Nửa còn lại?
– Dành cho tương ớt. Tương ớt cay thật là cay mới ngon.
Vũ Sơn đùa:
– Cô có vẻ rành ăn ghê ha.
Hà Vân lí lắc:
– Lũ bạn của tôi còn rành hơn tôi, nhờ bọn nó nên tôi tiến bộ trông thấy.
Anh cười thật ấm:
– Tôi vẫn còn nợ cô một bữa cơm tấm.
Cô khúc khích:
– Tôi đâu có quên. Vì hôm nay a