Chương 4

Không biết điều mong mỏi của cô được linh ứng, bản tính quật cường của cô đã chống chọi dược cơn cảm cúm, hay tại thuốc của vị bác sĩ không quen hiệu nghiệm, mà ngày hôm sau Duy rất tươi tỉnh và khỏe mạnh. Tuy còn nghẹt mũi nhưng đời nào cô lộ ra cho nội biết. Vì vậy, cô đã được nội phê duyệt cho phép tự do, kèm theo lời cảnh cáo là hạn chế đi rong và phải mặc áo ấm kỹ lưỡng.
Duy ngoan ngoãn vâng dạ lời nội dặn, cô nhấm nháp quấy quá miếng sandwich khô khan, phần ăn sáng hôm nay quả là khó nuốt với một người đang đắng miệng vì dư âm của bệnh hoạn như cô.
Chỉ chờ khi về phòng, là Duy mau miệng từ chối lời mời nhập bọn của chị Uyển Thanh, cô biến nhanh ra khỏi nhà.
Không gian bên ngoài thật là tuyệt. Trời cao thật cao, cây cao thẳng tấp, cỏ hoa đẫm sương đêm, thơm nồng nồng thanh khiết. Duy lại đi lên những con đồi bên hông nhà.
Khi đã chắc chắn là rất xa nhà, cô bỗng vụt chạy. Cô chạy như điên, thở hồng hộc, mồi hôi vả ra như tắm, đầu nóng bừng bừng. Cho đến khi muốn đứt cả hơi, cô mới đứng lại thở dốc và nhìn quanh.
Cô đang ở đỉnh đồi, mặt đất thoai thoải đưa xuống một mảng hoa cỏ dại đủ màu trông thật vui mắt. Duy thích chỗ này nhất. Nó không xa nhà nội là bao, nhưng ít người đến đây. Và giữa những khung cảnh tuyệt vời hơn, tình tứ hơn của Đà Lạt, thì cảnh ở đây có vẻ hoang sơ và đơn giản dưới mắt mọi người.
Nhưng trái lại, với Duy, cô cảm thấy ở chỗ này, cô rất thoải mái, rất thanh thản, có thể trải lòng ra với những đám hoa dại dưới kia. Những đóa hoa giản dị nhưng mạnh khỏe với những màu tươi tắn, những cánh hoa yêu đời và đầy nghị lực, cô mong muốn mình làm bạn với chúng và được như chúng biết bao.
Duy yêu thích nơi này, vẫn thường tự nhủ mình là chủ của nó. Cô đặt tên cho nó là "Thung lũng ngày mai". Bởi vì ở nơi đây nhìn những sắc màu tươi vui kia, cô như được tiếp thêm sức mạnh, cô như cảm thấy yêu đời, yêu mình và yêu thương mọi người. Cô như cảm thấy ngày mai thật tươi đẹp thật tràn đầy hy vọng.
Ngồi xuống tựa lưng vào thân cây, cô ngắm thung lũng của riêng cô. Cô huýt sáo vang vang bài "Bước tình hồng". Cơn cảm cúm ngày hôm qua làm cho tiếng huýt sáo lợt âm sắc quá cỡ. Nhưng mặc kệ! Ở đây chỉ có riêng cô, có ai nghe thấy mà bình phẩm đâu.
Duy về nhà vào lúc xế chiều, cô cuỗm một cái đùi gà thật ngon trong tiếng phản đối của cô Út. Lạ lùng trước sự im ắng của ngôi nhà, vừa chễm chệ trên cái ghế đẩu trong gian bếp gặm ngon lành chiến lợi phẩm, cô vừa hỏi cô Út:
- Út ơi! Nhà đi đâu vắng hết vậy Út?
Cô Út Sa chắc trong bụng còn giận Duy vì cô cãi lời không chịu ăn kiêng, Út không trả lời.
Duy gật gù:
- A! Con hiểu rồi. Chắc là từ sáng đến giờ không thấy con, nên nội lẫn cô Hai và cả chị Uyển Thanh đổ xô đi tìm con chứ gì? Chắc họ sợ con yếu sức rồi bệnh lại.
- Chỉ có nội là lo cho mi thôi, nhưng may là nội cũng đi đâu từ trưa, nếu không thôi nội cũng chờ mi về bằng cái roi mây đó. Ai mà thèm đổ xô tìm kiếm con nhỏ có cái chân hoang như mi.
Duy tủm tỉm cười, chép chép miệng ra vẻ miếng gà ngon quá chứ không phải khoái chí vì cô đã bắt được cô Út mở miệng.
Cô tằng hắng giọng như hiểu biết:
- À, thì ra những người còn lại đi xuống phố chợ rồi?
- Họ thì cũng đi từ sau bữa ăn sáng - Cô Út vẫn vừa nhồi bột, vừa cố tình "báo cáo" cho Duy - Phố chợ đâu có xa xôi gì mà đến giờ vẫn chưa về.
Duy ngưng ngang miếng gà đang nhai. Câu hỏi nhóng của cô vậy mà đúng sao? Họ đi xuống phố chợ. Vậy thì cô phải bỏ dự định của mình đi thôi, kẻo lại gặp mặt ở đó. Phố chợ Đà Lạt không có bao con đường, chỉ loanh quanh rồi lại chạm trán nhau thì thật đáng ngán.
Nuốt vội cho xong miếng gà, cô quẳng cái xương vào giỏ rác ở góc bếp thật điệu nghệ, giống y như cầu thủ bóng rổ ném banh vào lưới vậy. Miếng xương gà rời vào giỏ rác gọn hơ, kêu cái soạt, làm cô Út giật mình, dáo dác nhìn quanh từng góc bếp.
Chạy lại bồn rửa tay và rửa mặt, Duy phì cười khi với tay lấy cục xà bông.
- Con chọi cái xương gà đó, không phải con chuột, con gián gì đâu.
Cô Út lườm cô nhưng cũng thở phào nhẹ nhõm. Duy phá ra cười cho điệu bộ nhát gan ấy. Cô đi ra khỏi bếp bằng cửa sau thông qua mảnh vườn nhỏ.
Cô Út chồm ra hỏi chặn:
- Mi lại đi đâu đó?
Duy đáp tỉnh queo, chân vẫn đều bước:
- Con đón nội thôi mà.
Giọng cô Út còn vang phía sau:
- Mi mà đón nội sao? Ai mà thèm tin. Mà có biết nội đi đâu còn bịa ra là đón...
Tay thọc vào túi quần jean để che bớt cơn gió chiều làm mấy đầu ngón tay tê lạnh. Duy bước chậm qua khỏi mảnh vườn nhà. Ở đây cũng nhiều hoa, do chính tay cô Út chăm sóc, nhưng Duy vẫn thấy không đẹp bằng thảm hoa cỏ dại ở thung lũng ngày mai của mình.
Thân thể còn suy nhược sau hơn ngày trời cảm lạnh trong phòng, cuộc rong chơi từ sáng đến giờ cũng làm đôi chân cô mỏi mệt, nhưng Duy chưa chịu về, chưa chịu trở lên căn phòng của cô. Cô vẫn còn muốn đi đâu đó, lang thang cho hết một ngày đẹp như hôm nay.
Chân bước loanh hoanh thế nào mà cô lại đến gần ngôi nhà thờ. Cái tượng con gà cao tít bên trên tháp chuông làm cô phải ngóng cổ nhìn. Ngày xưa, khi cô còn nhỏ xíu, cha thường kể cho cô nghe một câu chuyện cổ tích về con gà. Nó hợm hĩnh, tự cao tự đại và ngu ngốc nên kết quả là "được" đứng ở trên ấy. Câu chuyện dĩ nhiên là không được đến tai nội, vì nội vốn sùng đạo. Và Duy thì rất khoái những câu chuyện cổ ngoài lề thế này, nên cô nhớ rất dai.
Bỗng dưng Duy thở dài. Đã lâu cô không dám nhắc đến ba, cô không dám chạm vào sợi dây quá khứ thiêng liêng của mẹ, sợ rằng mẹ lại buồn nhớ chuyện xưa.
Không định hướng để rong chơi tiếp. Duy tặc lưỡi. Đi đón nội vậy. Cô vừa nghĩ ra có thể nội ở nhà thờ. Cô thả theo con dốc nhỏ để đến nơi mà mỗi lần lên Đà Lạt, mỗi sáng chủ nhật, nội đều đánh thức và kèm Duy đi xem lễ. Những không khí trang nghiêm không thích hợp với Duy lắm, nhưng vì sợ nội buồn, nên Duy cũng chịu khó chìu ý nội.
Người ta nói đến chùa chiền, đến nhà thờ mà không thành tâm thì cũng vô ích. Duy cũng dư hiểu những lần xem lễ của mình chắc hẳn là vô ích rồi. Vì ngoài những lúc lén ngáp vặt vạ nhìn vẩn vơ trong nhà thờ ra, cô chả nghe được để hiểu hôm đó cha rao giảng về việc gì.
"Mình đúng là một con chiên lạc loài, một con chiên làm biếng số một". Duy nghĩ bụng. Chắc Chúa trên cao không được hài lòng cô lắm.
Nhưng dù biết rõ việc đều đặn mỗi lần theo nội đi xem lễ đối với đạo là vô hiệu quả nhưng cô vẫn làm. Vì miễn là nội vui, miễn là với nội, sự ngoan ngoãn ấy đạt hiệu quả là được rồi.
Ngang qua hang đá, Duy thoáng thấy một bóng người cúi đầu trầm ngâm trước tượng Đức mẹ. "Một anh chàng sùng đạo", cô nghĩ vậy. Dáng dấp người ấy thoạt nhìn khá giống Phong, nhưng mái tóc ngắn gọn gàng chứ không bồng bềnh "nghệ sĩ" như Phong.
Vả lại, anh ta mặc bộ quần đen. Sơ mi đen và jean đen, chẳng phải Phong rồi. Duy nhếch miệng cười. Có bao giờ Phong mặc màu đen đâu, và anh còn ghét cay đắng jean nữa chứ.
Duy cũng không thích màu đen. Màu u ám, tối tăm quá. Cô thích màu sặc sỡ để khuấy động khung cảnh xung quanh, khuấy động cuộc đời vốn tẻ nhạt. Ví dụ cái áo cam cô đang mặc chẳng hạn.
Duy đưa tay ngắt vội một chùm mimosa cạnh lối đi, một chùm hoa thật đẹp:
- Này cô, hoa trong khuôn viên nhà thờ không phải để ngắt đâu.
Một giọng nói trầm răn đe làm Duy khựng người. Cô từ từ quay lại. "À, con chiên ngoan đạo mặc bộ quần áo đen thui khi nãy đây mà".
Thấy cô vẫn đứng nheo mắt nhìn từ đầu đến chân mình mà không trả lời, người áo đen lại lên tiếng khi bước lại gần cô:
- Tại sao cô hái hoa ở đây?
- Anh là ai? - Duy hỏi ngược lại.
Người nọ cau mày:
- Tôi đang hỏi cô mà?
Duy nhướng mắt thản nhiên:
- Thì tôi cũng đang hỏi anh đấy.
Ánh mắt người kia thoáng một tia ngạc nhiên, anh ta vẫn nghiêm giọng:
- Nhưng tôi hỏi cô trước, cô chưa trả lời tôi.
Duy ngoan cố:
- Tôi sẽ nói nếu anh trả lời tôi trước anh là ai, có trách nhiệm, bổn phận gì ở đây? Tại sao lại lên mặt la lối khi thấy tôi hái hoa?
Người nọ nhăn mặt như chối tai với những lời lẽ ngang ngược của Duy, anh ta lạnh lùng nói:
- Nhưng đây là khuôn viên nhà thờ, hoa cô vừa hái là nằm trong khuôn viên này.
Duy vẫn đứng thẳng người huơ huơ chùm hoa trước mặt anh ta:
- Hoa của anh?
- Dĩ nhiên không, tôi vừa bảo là hoa ở đây của nhà thờ này mà - Giọng anh ta khó chịu - Đây là hoa công cộng.
Duy như vừa hiểu ra, cô gật gù:
- Phải rồi, hoa công cộng. Vậy có phải là hoa của anh đâu mà sao anh hoạnh họe tôi?
Người kia sầm mặt:
- Cô phá hoại của công mà còn nói ngược nữa, sao không biết phục thiện gì hết vậy?
Duy lạ lùng trố mắt nhìn anh ta:
- Kỳ vậy? Tôi hái một chùm hoa thôi, có làm điều gì tội lỗi, ác đức đâu mà anh bảo phải phục thiện?
- Cô bảo cô không có lỗi?
- Ừ, phải rồi - Duy vẫn nói cứng.
Người kia hỏi vặn:
- Hoa không phải của cô? Không phải cô trồng, phải không?
Ngắm nghía chùm hoa trên tay, Duy ra vẻ miễn cưỡng công nhận:
- Tôi không biết làm nhiều việc, trong đó có việc trồng hoa.
Người áo đen gật đầu hài lòng một chút với câu trả lời của Duy, anh ta hỏi tiếp
- Hoa đã không phải của cô, không phải cô trồng, vậy sao cô hái? Cô có biết trồng nó khó khăn lắm không?
Câu trả lời tiếp theo đối với Duy thật quá dễ dàng:
- Tôi không biết trồng hoa thật, nhưng tôi biết hái hoa - Cô nhướng mắt điềm nhiên nói - Việc trồng cây và chăm sóc hoa tất nhiên là khó khăn rồi, tôi đâu có làm được. Nhưng hái hoa thì lại khác, hái dễ thôi mà, nên tôi biết hái hoa, vậy thôi!
Mắt người kia trợn ngược. Cái giọng điệu của Duy ngang ngược, vô lý quá. Không thể chịu nổi, anh ta gằn giọng:
- Người ta đã khó nhọc trồng và chăm bón cho hoa cỏ nơi đây, chính là để làm đẹp thêm ngôi giáo đường này. Đó chính là tài sản công cộng để mọi người ngắm nhìn. Cô đã phá hoại mà còn cài lẫy nữa chứ. Cô có quyền gì mà đến đây phá phách? Hết chỗ phá rồi hả?
Nhìn kỹ càng thêm lần nữa con người có cái mặt quàu quạu mà ngay từ đầu, cô đã có ác cảm, Duy cười khẩy:
- Này anh, nãy giờ tôi trả lời anh cũng khá bình thường đấy chứ, còn anh thì lại bắt đầu tuôn ra những lời khiếm nhã, khó nghe rồi. Tôi hái hoa thôi, sao anh gán cho tôi tội phá phách? Vậy anh có quyền gì mà hạch hỏi ở đây?
Người áo đen đúng như Duy đoán là loại người cộc tính, hắn ta nói xẵng:
- Muốn hái sao không ra ngoài kia mà hái? Ngoài khuôn viên nhà thờ thiếu gì hoa?
Duy chắc lưỡi:
- Bên ngoài hoa không đẹp bằng.
- Cô...
- Tôi sao kìa? - Duy nhướng mắt cắt ngang lời nói ngắt ngứ vì bắt đầu nổi giận của người kia.
Giọng hắn ta như nghiến lại:
- Tôi chưa từng thấy ai có lỗi rõ ràng mà còn không biết nhận lỗi, mà còn trâng tráo gây gổ như cô.
Duy cười nhạt:
- Còn tôi thì chưa từng thấy ai đóng vai cố đạo dở như anh.
Người nọ nóng mặt cao giọng:
- Cô nói vậy nghĩa là gì?
Tệ thật! Duy lắc đầu, nói thế mà cũng không hiểu. Cô ra vẻ kiên nhẫn giải thích:
- Tôi nhận thấy anh là dạng người rất dễ quạu, dễ xúc phạm người khác, đâu có hợp với vai trò rao giảng, lên mặt dạy đời đâu. Hoa tôi hái cũng không phải anh trồng, sao anh lại bắt lỗi và sừng sộ tôi như vậy? Tôi có phá hoại hoa cỏ nhà thời thì để người nhà thờ lên tiếng chứ. Đừng có tự tròng vào mình bộ áo màu đen thui rồi tưởng trời chiều nhập nhoạng mà chận người, đem bộ mặt hình sự cũng đen thui của anh ra mà răn dạy.
Cô nhún vai:
- Xin lỗi nhé, mắt tôi còn tinh tường lắm. Và tôi cũng biết cha Vinh và ông Từ ở đây. Tốt hơn hết anh đừng mượn vai nữa.
Nói dứt, Duy quay người định bước đi. Tên kia thật lẹ làng vụt bước nhanh hơn chặn cô lại:
- Cô đứng lại!
Như dự đoán trước Duy né sang phải, cố bước. Hắn bước gấp để chận lần nữa. Cô vẫn né qua, né lại để ngoan cố bước đi cho bằng được. Nhưng khổ nỗi, hắn cao to và chân lại dài, nên dù cô có lanh lẹ, hắn vẫn chỉ bước gấp là bắt được cô
Thoát không khỏi, Duy đứng lại. Hắn cũng trước mặt, trừng trừng nhìn cô, không nói câu nào.
"Mặt hắn dữ ghê!" Duy thầm nghĩ khi thấy rõ đôi lông mày cau lại khắc nghiệt và cái quai hàm đang bạnh lại hầm hừ của bộ mặt thật gần của hắn. "Mình chọc hắn giận rồi".
Duy thản nhiên nghếch mặt nhìn. Hắn cũng quắc mắt trông xuống. Không ai lên tiếng, nhưng đều gầm gừ trong thầm lặng để thủ thế với nhau.
Tư thế khiến Duy mỏi cổ vì phải ngước kênh hắn, nhưng cô nhất định không quay đầu chịu thua.
Cả hai đứng như thế. Đối mặt nhìn vào mắt nhau và có cùng một cảm giác giống hệt nhau là ghét nhau thậm tệ. Duy có thêm một cơ hội kiểm chứng lại giác quan thứ sáu của mình. Cô tự nhủ: "Nếu trên cuộc đời này, ông trời có nặn ra một con người mà kỵ với mình nhất, mà đáng ghét, khó ưa nhất, chính là tên quạ đen đang đứng trước mặt mình đây. Hèn chi khi nãy thấy hắn là mình ghét liền, hắn mở miệng là mình giở giọng châm chích liền"
Hai người cứ đứng thẳng kình nhau. Cho đến khi một giọng nói ngạc nhiên cất lên:
- Ủa, có chuyện gì vậy?
Cả Duy lẫn tên kia đều giật mình quay lại và đều bật ra cùng một lúc, tuy hai câu khác nhau:
- Cha! Thưa cha.
- Ý, nội!
Quả thật đứng trước mặt họ là cha Vinh, vị cha xứ của nhà thờ và một nhóm năm, sáu ông bà lớn tuổi, trong đó có nội của Duy.
Bà nội Duy bước lại gần đứa cháu lạ lùng hỏi:
- Con Duy đến rồi à? Sao lại đứng sựng ở đây? Sao không chào ai hết vậy?
Duy đáp nhanh sau cái gật đầu chào mọi người:
- Con đi đón nội.
Bà nội nhìn sang "đối thủ" của Duy, giọng bà ngạc nhiên:
- Ủa cậu Nguyễn đây mà? - Bà quay qua Duy - Con có quen cậu Nguyễn?
"Thôi chết" Duy than thầm. "Nội cũng có quen biết hắn. Không chừng hắn có liên hệ gì với nhà thờ".
Duy còn đang lo ngại kiếm cách trả lời thì cha Vinh cũng lên tiếng hỏi tên nọ.
- Nguyễn cũng quen cô Duy rồi à?
Người tên Nguyễn chưa trả lời vội, hắn ta liếc về phía Duy như thắng thế. Nhưng vẻ đắc thắng chưa kịp lộ ra thì hắn lại đổi thành chưng hửng. Chùm hoa mimosa hái trộm khi nãy còn trên tay Duy mà bây giờ đã biến mất rồi. Hắn nhăn mặt.
Hắn xụ mặt thì Duy lại cười. Tang chứng không có, lấy gì kiện cáo cô. Duy cười với nội:
- Con tìm nội, vừa hỏi thăm đường anh này thôi.
Mọi người à lên một tiếng như hiểu ra. Trời chiều tối, mắt ai cũng kẻm nhẻm, kèm nhem, họ đâu phân biệt được cảnh hỏi thăm đường với cảnh kênh nhau. Họ gọi nhau về nhà, không quên chào cha xứ và người có tên Nguyễn.
Chỉ còn lại bà nội Duy và cha Vinh. Cha cất tiếng mời:
- Thôi, chúng ta trở lại phòng khách đi. Sẵn có cô Duy và cả Nguyễn nữa này. Thế thì tốt quá.
Duy kinh ngạc nhìn nội. Nội gật đầu như đồng ý với lời cha, giục Duy đ theo. Duy nhìn cha Vinh, ông khoan thai đi trở lại ngôi nhà ngói đỏ bên hông nhà thờ, sau câu nói tối nghĩa lạ. Cô quay nhìn hắn, hắn thản nhiên như hiểu rõ ý nghĩa của cha Vinh.
"Ai cũng hiểu chỉ có mình.... chả hiểu". Duy ngán ngẩm thầm cho tình thế lúc này của mình, cô đành theo họ vậy.
Cha Vinh đưa mọi người trở vào phòng khách của cha, nơi còn dư âm của một buổi hội họp với ly tách rải rác và các ghế ngồi quây quần.
Trỏ một cái ghế bành nước gỗ lên sáng loáng, cha bảo Duy ngồi và mời ngồi gần đó.
Còn Nguyễn?
Duy sửng sốt nhìn thấy anh ta điềm tĩnh kéo ghế ngồi đối diện cô, thật sát đến nổi đầu gối anh ta chạm phải cô, nét mặt vẫn kín bưng.
- Nội - Duy kêu lên.
Nội đang lắng nghe cha Vinh nói chuyện gì đó, nghe tiếng gọi của Duy, nội ngẩng lên:
- Gì vậy con? Sao không ngồi yên đó để cậu Nguyễn khám cho kỹ?
"Khám cho kỹ? Cái gì mà khám cho kỷ". Mắt Duy kinh ngạc lia từ nội đến hắn. Đột nhiên cô vụt hiểu ra. Phải rồi hắn ta, cái tên Nguyễn này là... bác sĩ. Hắn chính là người kê toa cho Duy uống mỗi cữ thuốc cả nắm đây sao?
Duy chớp mắt nhìn kỹ anh ta. Mặt mày đã bớt cau có khó ưa, nhưng vẫn còn nét nghiêm trang và lại còn thêm phần ngạo nghễ nữa chứ. Duy mím môi. Anh ta ngạo nghễ là phải rồi. Vì bây giờ tình thế đảo ngược, anh ta quen biết cả cha Vinh và nội, anh ta là bác sĩ và anh ta biết ngay từ khi Duy gọi nội. Duy là bệnh nhân của anh ta. Bởi vậy nhìn cái cằm anh ta mà xem, hếch lên trông thật chướng mắt.
Nhưng dù có chướng mắt cách mấy Duy cũng không dám lộ ra. Hắn ta chắc cũng biết vậy nên "vô tư" khám bệnh. Đầu tiên, anh ta thản nhiên sờ trán cô, săm soi, chăm chú vào mặt mũi cô và rồi anh ra lệnh:
- Há miệng ra nào?
Duy mím môi lắc đầu.
Hắn vẫn tỉnh bơ lặp lại:
- Hãy há miệng ra.
Duy phản đối:
- Tôi đã hết bệnh rồi. Nhìn thôi cũng đủ biết, cần gì phải khám xét cái gì nữa.
Nội nghe ra giọng Duy, bà quay lại rầy:
- Con Duy có ngoan ngoãn để cậu Nguyễn khám cho không? Càu nhàu gì đó?
Duy phân bua với nội:
- Nhưng hôm nay con đã hết bệnh thật rồi mà nội. Nội cũng cho phép con ra ngoài rồi?
Nội cau mày:
- Cảm cúm làm gì chỉ một ngày mà hết. Ngày hôm qua con bị nóng lạnh hắt hơi và ho tùm lum. Cậu Nguyễn vì có công việc gấp nên chỉ kịp kê toa cho con thôi. Hồi nãy cậu trở về, nội đã nhờ cậu xem mạch lại cho con. Chắc con gặp Uyển Thanh dọc đường chứ gì? Nó không bảo với con sao?
- Uyển Thanh? - Duy ngạc nhiên.
Thì ra nội đã nhờ và hắn ta đồng ý khám bệnh cho cô, nội bảo Uyển Thanh về gọi cô. Nhưng sự thật Duy có gặp Uyển Thanh đâu, nên cô thật kinh ngạc khi thấy tự dưng mình bị nhét vào ghế và bị... khám vô tội vạ thế này.
Duy cố giải thích với nội:
- Con có gặp chị Uyển Thanh đâu? Con đâu phải đến để khám bệnh, con đến đón nội mà. Con không khám đâu.
Nội có vẻ ngạc nhiên và không tin mục đích của cô khi đến nhà thờ. Không tiện nói với Duy nhiều, nội phẩy tay:
- Thì dù gì đi nữa con cũng ở đây rồi cũng may có mặt luôn cậu Nguyễn, để cậu ấy khám cho con kỹ hơn thì nội mới yên tâm.
Nói rồi nội lại quay qua cha Vinh bàn bạc tiếp về việc gì đó. Duy nghe loáng thoáng như sơn sửa lại tháp chuông. Không còn nội binh vực cô nữa rồi. Duy đành ngồi yên trở lại.
Nguyễn vẫn lặng thinh chờ đợi cuộc đối đáp của hai bà cháu, bây giờ mới lên tiếng:
- Thế nào?
Câu hỏi được Duy hậm hực trả lời bằng hành động. Cô... há miệng ra.
Nguyễn chúi đầu ngắm nghía trong vòm miệng cô chán chê. Anh ta nói thầm chỉ vừa đủ cô nghe:
- Há to thêm chút nào, khi nãy thấy cô cũng miệng lưỡi ghê lắm mà, cũng cao tiếng mạnh miệng lắm mà.
Duy tức giận ngậm miệng lại liền, cô cắn phải cái đồ nghề bằng thép có hình thù giống cái muỗng dẹt của Nguyễn một cái cốp, làm răng cô ê ẩm đến nhăn nhó mặt mày.
Nguyễn thản nhiên rút dụng cụ ra khỏi miệng Duy lau chùi cẩn thận, phân tích bệnh cũng cẩn thận một cách cường điệu:
- Cô đang chuyển qua đau họng đấy. Uống đúng theo toa tôi cho sẽ khỏi - Và anh ta nói qua kẽ răng thật nhỏ riêng với cô - Bệnh này tối kỵ gân cổ cãi cọ ngang ngược, nếu không giọng cô sẽ bị bể tiếng giống như mấy cái loa bị rè vậy, nghe cứ quang quác quang quác vào tai người ta.
Duy trợn mắt tức tối kinh khủng, cô liếc nhanh ước lượng khoảng cách từ cô đến nội. Không được rồi! Còn gần quá. Cô mà độc địa phang vào mặt hắn câu nào là e tới tai nội ngay.
Duy đành làm thinh nhẫn nhịn. Trong lòng hầm hè vô số lời lẽ "êm tai" dành cho tên bác sĩ nhiều chuyện này, đành để lúc khác vậy.
Nguyễn quay qua hý hoáy viết vào cuốn sổ tay. Xong, anh ta xé rời và đưa cho cô tờ giấy. Duy liếc nhìn dửng dưng:
- Vẽ giời bò gì ở đây?
Nguyễn hơi bất ngờ vì không tưởng tượng Duy vẫn ương bướng phản pháo. Dù giọng nói của cô nhỏ rí như sợ cha Vinh và nội cô nghe lọt, nhưng thái độ và câu nói vẫn bất trị như nãy vậy.
Nguyễn buông gọn:
- Toa thuốc đó.
Rồi chẳng có vị thần chiến tranh náo xúi giục hối thúc, anh ta nói thêm như trả đũa Duy:
- Uống đủ uống đúng thì mới mong bình thường trở lại, không cứng đầu xấc láo nữa.
Duy mỉm cười miệng nói một câu mà nhìn từ xa thì cứ tưởng một câu cám ơn lịch sự, nhưng Nguyễn lại ở cạnh cô thì lại nghe lọt vào lỗ tai rằng:
- Bình thường giống kiểu anh chứ gì? Nhiều chuyện, xì tin, ta đây, đạo đức giả, dỏm!
- Cô... - Nguyễn tím mặt.
- Xong rồi chứ Nguyễn? - Cha Vinh đang đi lại họ và hỏi.
Nguyễn hậm hực lia mắt ác cảm vào Duy, miệng trả lời cha Vinh:
- Em xong rồi.
Duy trố mắt ngạc nhiên, hắn vừa mở cái miệng bậy bạ xưng "em" với cha kìa. Quái chưa!
Như cũng nhận ra sự lỡ lời của mình, Nguyễn vội đứng dậy:
- À... xin lỗi cha.
Cha Vinh cười đôn hậu:
- Không sao.
Nội cũng đến bên Duy, bà bảo cô:
- Cám ơn cậu Nguyễn và cha đi con rồi ta về để cha còn nghỉ.
Duy chào cha, cô cũng cất lời cám ơn Nguyễn. Câu cám ơn bình thường thôi, nhưng cặp mắt nheo nheo của Duy như báo một lời tuyên chiến, Nguyễn nghe mà khó chịu vô cùng.
Và Duy đưa nội về. Trời đã tối, nội đi chậm. Vừa đi nội vừa hỏi cô về ngày hôm nay của cô.
Duy kể sơ với nội mình đã đi dạo để hít thở khí trời. Về nhà dùng cơm trưa và uống thuốc - Điều này xạo hoàn toàn, vì cô đã quên mất cữ thuốc trưa nay. Cô kể chút ít về tâm trạng khoan khoái của mình khi ra ngoài, kể cả chút ít về cuộc nói chuyện giữa cô và tên bác sĩ lấy cái họ của người ta làm tên mình.
Cô không kể vì cô để dành những sự kiện về cuộc chiến này trong bí mật. Hôm nay cô đã tạm thắng hắn, nhưng vẫn chưa hài lòng mấy. Người khó ưa như hắn nếu còn gặp cô còn kình dài dài. Không thể để nội biết, nội sẽ rầy cô sao.
 
Duy đang đứng thẳng người cho cô Út đo thử để đan cho cô một cái áo len mới theo lệnh của nội. Duy dứng yên nhìn bà cô trẻ của mình miệng lẩm nhẩm tính toán mà buồn cười.
Mặc dù cô Út có nói với Duy rằng đã học đan áo len qua sách vở và đã từng đan cho chính Út một cái, nhưng cô vẫn không hy vọng có một áo mới lắm. Cứ nghiệm thì thấy, đây là lần đo ướm thứ ba rồi kể từ khi Út bắt đầu đan cho Duy, Út đang từ lúc cô mới lên Đà Lạt hai ngày và cho đến bây giờ, khi cô bị nhiễm lạnh bị cảm cúm rồi bây giờ đã khỏe lại mà cái áo vẫn chỉ mới được một mảng to hơn bàn tay cô tí xíu.
"Ra phố chợ mua quách" Duy đã nghĩ thế, nhưng lại không dám nói ra, cô e sự nhiệt tình ham nữ công gia chánh của cô Út bị tư tưởng làm bê làm biếng của mình xúc phạm. Vì vậy dù áo cũ có cụt, có ngắn, cô vẫn cứ phải mặc dài dài, và sợ rằng còn phải mặc cho hết tháng rong chơi ở Đà Lạt, cho đến ngày cô phải về Sài Gòn.