Dịch giả: Anh Thư
CHƯƠNG 2

Florence đã về, không chỉ đem theo hai đứa con gái nhỏ mà cả Bheki, con trai mười lăm tuổi nữa.
Tôi nói "Florence, nó ở đây lâu không? Làm gì có chỗ cho nó?"
Florence đáp "Nó không ở với tôi thì sẽ rắc rối. Chị tôi không trông được nó. Tình hình ở Guguletu rất xấu".
Vậy là bây giờ tôi có năm người ở sân sau. Năm người, một con chó, hai con mèo. Gặp trường hợp này, một bà già cô đơn chả biết làm thế nào.
Hồi đầu tháng lúc Florence ra đi, tôi đảm bảo với cô là sẽ lo được việc nhà. Cố nhiên tôi đã bỏ mặc hết. Chẳng bao lâu sau gian gác đầy mùi chua loét, chăn gối bẩn thỉu, bột tan vãi khắp nơi. Bây giờ tôi xấu hổ nhìn cô đi xem xét các chỗ, tay chống nẹ, mũi đánh hơi và nhìn tôi bất lực. Rồi cô ta ra tay dọn dẹp. Đến cuối ngày nhà bếp và nhà tắm bóng lộn, phòng ngủ sạch sẽ ngăn nắp, bàn ghế thơm mùi xi. Tôi nói chiếu lệ "Florence, thật là tuyệt. Không có cô tôi chả biết làm thế nào". Tất nhiên tôi biết chứ, nghĩa là tôi sẽ trở lại với cái tính bàng quan trì trệ của tuổi già.
Xong việc của tôi, Florence quay sang làm những việc riêng, đặt nồi súp lên bếp rồi đem hai con gái nhỏ vào nhà tắm. Nhìn cô ta tắm cho chúng, lau mặt mũi chân tay bằng những động tác mạnh mẽ, dứt khóat, mặc cho bọn trẻ kêu rên, tôi nghĩ bụng người đàn bà này thật đáng khâm phục. Cũng may mà cô ta không phải mẹ tôi!
Tôi ra gặp thằng bé đang thơ thẩn trên sân. Trước kia nó có tên là Digby, bây giờ là Bheki. Tuổi nhỏ nhưng nó đã cao lớn, có cái nhìn nghiêm nghị như Florence. Tôi nói "Không ngờ cháu đã lớn thế". Nó không đáp. Nó không còn là đứa nhỏ tươi cười như trước đây khi chạy ra chuồng thỏ ôm một con vào ngực. Chắc nó đang buồn vì phải xa bạn và trốn về đi chơi với hai em nhỏ ở sân sau.
Tôi hỏi Florence "Trường đóng cửa từ bao giờ?"
Từ tuần trước. Các trường ở Guguletu, Langu Nyanga đều đóng. Trẻ con chẳng biết làm gì, chỉ dạo quanh gây sự ở các phố. Ở đây tôi còn trông được nó.
Không có bạn, nó càng sốt ruột.
Cô ta nhún vai, không cười. Tôi chưa bao giờ thấy cô ta cười. Có lẽ chỉ ngồi riêng với  các con cô ta mới cười.
 
Florence hỏi "Người này là ai thế?"
Tôi nói "Anh ta tên là Vercueil. Vercueil, họ Verskeuil hay Verskuil gì đó. Thấy anh ta bảo thế. Tôi chưa bao giờ nghe thấy tên đó. Tôi để anh ta ở đây ít lâu. Anh ta có con chó. Bảo bọn trẻ nếu chơi với nó thì đừng đùa quá. Chó con dễ cắn bậy lắm".
Florence lắc đầu.
Tôi nói "Nếu anh ta gây rắc rối, tôi sẽ mời đi. Nhưng anh ta không làm gì bậy thì không mời đi được".
 
Một ngày mát và có gió. Tôi mặc áo ngủ ngôi trên hiên. Dưới sân, Vercueil đang chữa máy cắt cỏ. Bọn con gái đến xem. Đứa lớn, theo Florence nói, tên là Hope (chắc cô ta không nói tên thật). Nó ngồi  cách đó một quãng, hai tay kẹp vào đùi, anh ta không nhìn nó. Nó đi đôi dép đỏ mới mua. Đứa bé, tên là Beauty, cũng đi dép đỏ, lảng vảng gần sân cỏ, chân đá lung tung, thỉnh thoảng ngồi sụp xuống.
Tôi nhìn con bé đi đến chỗ Vercueil, hai tay giang ra nắm chặt. Nó suýt ngã vào máy nhưng anh ta túm được tay nó kéo ra. Nó loạng choạng, ngã vào người anh ta. Anh ta lại lôi nó ra xa hơn. Như hai người đang đùa với nhau vậy. Chẳng lẽ anh chàng Vercueil nghiêm túc cũng biết đùa?
Beauty lại nhảy đến. Anh ta tránh. Bỗng anh ta đặt chiếc máy cắt cỏ đang tháo dở sang bên, một tay nắm con bé, tay kia nắm được Hope, cả ba xoay tròn, chậm rồi nhanh dần. Hope đi dép đỏ phải chạy theo đứa bé quay lơ lửng trên không và kêu lên khoái chí. Con chó nhỏ sau cổng thấy thế cũng nhảy cỡn sủa ầm ĩ. Rất vui!
Vừa lúc đó Florence xuất hiện, ba người đang quay dừng lại. Florence nói gì đó. Hope bỏ tay Vercueil và kéo em ra ngoài. Hai đứa bỏ đi chỗ khác. Nghe cửa đóng sầm. Con chó tiếc cảnh vui vừa rồi rít lên.  Vercueil quay lại với máy cắt cỏ. Nửa giờ sau, trời bắt đầu mưa.
Thằng lớn, Bheki, ngồi trên giường Florence đang xem những tạp chí cũ. Góc phòng, Hope nhìn nó cầu nguyện. Chán xem báo rồi, Bheki đi ra ngoài chơi ném bóng quần vợt lên cửa nhà xe. Nghe tiếng bóng đập thình thình rất khó chịu. Tôi phải lấy gối áp lên hai tai mà vẫn nghe thấy. Tôi bực mình lên tiếng hỏi "Bao giờ trường mở lại?" Florence đáp "Để tôi bảo nó thôi đi", một phút sau không còn tiếng thình thình nữa.
Năm ngoái, khi bắt đầu có những chuyện rắc rối ở trường, tôi nói với Florence "Vào thời của tôi, con người coi giáo dục như một thứ đặc quyền. Cha mẹ phải tiết kiệm lắm mới có tiền cho con cái đi học. Thế đó, ai nghĩ đến đốt trường là điên rồ".
Florence đáp "Thời nay khác rồi".
Cô tán thành việc trẻ con đốt trường học ư?
Florence nói "Không thể nào bảo chúng nó khác được đâu. Bây giờ mọi thứ đã thay đổi rồi. Với chúng nó thì chẳng còn bố mẹ gì hết".
Tôi nói "Vô lý. Bao giờ mà chẳng có bố mẹ". Chúng tôi nói đến đó rồi thôi.
Về chuyện rắc rối ở các trường học, không thấy đài, ti vi hay báo chí đả động gì hết.  Ngoài kia người ta tính cho tất cả đám trẻ đất nước này được sung sướng  ngồi vào bàn học và dạy chúng về hình vuông cạnh huyền cùng loài vẹt ở rừng rậm Amazone. Tôi biết được những sự kiện ở Guguletu là do Florence nói lại, hoặc đứng ngoài hiên nhìn về phía đông bắc, cụ thể là hôm nay Guguletu không bị đốt, hoặc nếu có cũng chỉ cháy tí chút thôi.
Đất nước này đang cháy âm ỉ, nhưng dù với ý muốn tốt đẹp nhất thì tôi cũng chỉ quan tâm phần nào thôi. Quan tâm thật sự của tôi đã hướng cả vào bên trong, mọi sự vật và lời nói dành cho sự vật đang chạy khắp cơ thể. Một sự chiếm đóng nhục nhã, đôi khi còn lố bịch nữa. Quần áo của ông chủ ngân hàng bị cháy thì người ta đem chuyện ấy ra cười đùa, nhưng một kẻ ăn mày bị đốt chết thì chẳng ai nói đến. Tôi không sao chịu nổi. Tôi muốn kêu to với Florence "Cô hãy nhìn tôi đây này! Tôi cũng đang bị đốt chết đây!"
Tôi luôn luôn cẩn thận với từng chữ của lời nói để không bị mắc kẹt. Mỗi khi đọc sách, tôi nhảy dòng, thậm chí đôi khi nhảy cả đoạn, mắt lúng liếng chỉ muốn tìm bóng dáng một chữ đang nấp kín ở đâu đó.
Trong bóng tối, nằm đơn độc trên giường, ý muốn tìm ấy càng thôi thúc mạnh. Tôi cảm thấy bị cuốn vào đó, tưởng mình như đứa trẻ mặc áo dài trắng, đội mũ rơm, đi trên bãi cát mênh mông trống vắng. Chim bay quanh người. Tôi giữ chặt mũ, cắm chân xuống đất đi ngược chiều gió. Lát sau, đến chỗ vắng không có ai nhìn mình, tôi không phải cố nữa. Thư giãn, rồi như có một bàn tay đẩy sau lưng. Tôi nhẹ người, không cưỡng lại. Lúc đó chỉ đi từ từ, rồi chạy, để cơn gió mang đi.
Đêm đêm gió mang tôi tới Người lái buôn thành Venice. Shylock, anh chàng Do thái lên tiếng "Chẳng phải tôi cũng ăn, ngủ và thở như bà đấy ư?" Anh vung lưỡi gươm, đầu gươm dính mảnh thịt máu nhỏ ròng "Chẳng phải tôi cũng chảy máu như bà đấy ư?" Anh chàng Do thái có bộ râu dài, đội mũ chóp, nhảy múa như điên trên sân khấu.
Giả thử có ai ở đây, tôi cũng khóc lên như thế. Nhưng không có ai. Không có ai thì có Florence. Cô là  người duy nhất phải chịu đựng những giờ phút mỗi khi nỗi sợ hãi từ trong tôi phát ra thiêu cháy cả lá cây trên cành. Tôi muốn nghe những lời thốt ra "Sẽ không sao đâu". Tôi muốn được ai đó ôm vào ngực, Florence, hay bất kỳ ai cũng được.
Đêm qua nằm trên giường, kê gối dưới hông, tay đặt lên ngực để chỗ đau khỏi lan rộng, đồng hồ chỉ 3 giờ. Rồi tôi nghĩ thèm được như Florence ngủ trong phòng, các con nằm chung quanh, bốn mẹ con mỗi người ngủ một kỉêu, hơi thở vừa mạnh vừa trong trẻo.
Tôi nghĩ bụng, xưa kia mình đã có đủ mọi thứ. Bây giờ mọi người có đủ mọi thứ, còn tôi chẳng có gì.
Bốn mẹ con thở đều, không vấp váp, êm như tiếng quả lắc đồng hồ.
Tôi gập đôi tờ giấy, viết cho Florence mấy chữ "Đêm hôm qua tôi không ngủ được. Tôi sẽ dậy muộn. cô bảo bọn trẻ yên lặng. Cám ơn cô. E.C." Tôi xuống nhà và đặt mảnh giấy ở bàn bếp. Rồi tôi run rẩy quay về giường nằm, uống viên thuốc lúc bốn giờ, nhắm mắt. khoanh tay chờ ngủ mà vẫn không ngủ được.
Tôi không thể có được những gì cần ở Florence. Những gì muốn cũng không thể có được.
Năm ngoái, khi đứa bé mới ra đời, tôi đánh xe đưa Florence đến Brackenfell, nơi chồng cô ta làm việc. Chắc cô ta tưởng tôi chỉ đưa đến đó rồi quay xe về, Nhưng tôi tò mò, muốn nhìn mặt anh kia và xem vợ chồng họ gặp nhau ra sao, vì thế tôi theo cô ta đi vào.
Hôm ấy đã là cuối chiều thứ bảy. Từ chỗ đậu xe, chúng tôi theo con đường đất khá dài, qua vài dẫy nhà lụp sụp, đến một chỗ có người mặc bộ đồ lao động đang đứng sau lưới thép, quanh chân anh ta có đám gà con đang tìm ăn. Hope, đứa con gái, vùng chạy lên bám tay vào lưới thép. Anh chàng kia và Florence chỉ cần nhìn nhau là đủ.
Chẳng ai có thì giờ chào hỏi. Anh ta, William, chồng Florence, đang làm một thứ việc không thể dừng tay. Việc anh ta là tóm lấy một con gài, dốc ngược và kẹp nó vào hai đầu gối, lấy sợi dây thép nhỏ vào chân rồi chuyển cho người thứ hai, trẻ tuổi hơn, cậu ta treo con gà lên móc, con gà đập cánh, kêu quang quác, móc nằm trong dây chuyền đưa con gà vào nhà nơi có người thứ ba mặc quần áo dầu, người đầy móc đứng sẵn nắm đầu  con gà, kéo dài cổ và chặt một nhát bằng con dao nhỏ rồi quẳng đầu nó vào chiếc thùng đựng đầu gà để gần đó.
Việc của William là thế. Nhìn cảnh ấy tôi nghĩ thầm nếu biết như thế đã chẳng dám xem. Anh ta làm việc ấy cả sáu ngày trong tuần. Chỉ có mỗi việc buộc chân gà. Hoặc anh ta lần lượt thay chân người khác, treo lên móc, chặt cổ gà. Việc đó mỗi tháng kiếm được một trăm rand, cộng thêm các bữa ăn. một việc anh ta đã làm mười lăm năm. Cho nên không thể không sợ rằng mấy con gà được tôi nhồi bánh mì, sữa tươi, hành tỏi, ít ra cũng đã bị kẹp trong đầu gối anh chỗ này, bố những đứa con của Florence. Từ năm giờ sáng lúc tôi còn đang ngủ, anh ta đã phải dậy để nước rửa các gầm chuồng, đổ thức ăn vào máng, quét dọn, rồi ăn sáng xong là bắt đầu mổ giết, nhổ lông, rửa ráy ướp lạnh, đóng gói hàng nghìn đầu và chân gà, hàng trăm thước ruột gà, hàng núi lông gà.
Nhìn cảnh đó lẽ ra tôi bỏ đi ngay, phóng xe về nhà để cố quên đi tất cả. Nhưng tôi vẫn đứng lại bên ngoài lưới thép, mê mải nhìn ba người xử lý cái chết của giống con chim không biết bay nữa. Con bé đứng bên ngoài ngón tay móc vào lưới, cũng nhìn một cách say mê. Giết và chết rất khó mà cũng rất dễ thế đấy.
Đến năm giờ là cuối ngày, tôi phải tạm biệt. Trong lúc tôi đánh xe về ngôi nhà trống vắng, William đưa Florence và các con về chỗ họ. Anh ta tắm rửa, cô ta đổ gạo và nồi nấu cháo gà bằng  bếp dầu, rồi cho con cái ăn. Hôm đó là thứ Bảy. Một số công nhân ở các nơi khác đến thăm viếng lẫn nhau hoặc giải trí. Florence và William đã có thể cho bọn trẻ ngủ ở chiếc giường chung rồi hai người đi dạo lúc trời tối còn ấm áp.
Họ đi dọc lề đường, kể lại cho nhau nghe những gì xảy ra tuần trước, kể về đời sống của mỗi người.
Lúc họ về bọn trẻ đã ngủ say. Họ treo trước giường một tấm chăn  cho được kín đáo. Rồi hai người có cả đêm dành cho nhau, cả đêm trừ một nửa giờ Florence phải bỏ ra ngoài cho con bú trong bóng tối.
Sáng chủ nhật – William – không phải tên thật, chỉ là do người ta biết đến ở chỗ làm việc thôi – mặc quần và đội mũ, đi đôi giày tử tế. Anh ta cùng Florence ra bến xe buýt, cô ta cõng đứa bé, còn anh ta dắt Hope. Họ đi xe buýt đến Luilsrivier, rồi ngồi taxi về nhà cô chị ở Guguletu là nơi họ gửi thằng con trai.
Mẹ hỏi "Anh có muốn ăn uống gì không?"
Anh ta theo mẹ vào bếp. Con chó theo sau. Mẹ cắt cho anh ta miếng bánh kẹp thịt. Anh ta cắn miếng bánh nhưng hình như đã quên nhai, đứng dựa lưng vào bậu cửa. Ánh đèn chiếu vào cặp mắt xanh ngơ ngác. Con chó rên ư ử. Lát sau mẹ sốt ruột nhắc "Tôi phải dọn dẹp đây", rồi bước ra, đóng cửa bếp. Anh ta không nói gì, lẳng lặng bỏ đi. Ra đến góc đường, mẹ thấy anh ta quăng miếng bánh. Con chó nhảy lên đớp.
Vào thời của con làm gì có lắm người vô gia cư như thế này. Bây giờ họ là một phần của đời sống ở đây rồi. Họ có làm gì cho mẹ phải sợ không? Không. Họ chỉ thỉnh thoảng ăn xin, trộm cắp, vứt bẩn, làm ỗn, và say rượu, chẳng có gì ghê gớm. Có sợ là mẹ sợ bọn trẻ miệng còn hôi sữa mà tham lam như cá mập. Có lẽ cánh cửa nhà tù cũng đang đợi chúng. Còn trẻ măng mà sao chúng coi rẻ tuổi niên thiếu, coi rẻ thời buổi kỳ diệu, coi rẻ thời tâm hồn chúng đang độ lớn. Tâm hồn và các bộ phận trong cơ thể chúng như đã tàn tạ, không phát triển. Còn những anh em da trắng của chúng bên kia ranh giới chia cắt cũng thế, mỗi ngày càng chui rúc và ngủ kỹ trong kén. Đâu còn những buổi học bơi, cưỡi ngựa, tập múa ba lê, đánh cầu trên sân cỏ. Cuộc sống của chúng lặng lẽ trôi sau những bức tường rào có chó dữ canh gác bên ngoài. Đâu còn những đứa trẻ đáng yêu tóc vàng, ngây thơ, mặt mày rạng rỡ dịu dàng như các thiên thần. Những gì chưa ra đời cũng bị lãng quên ở ngay nơi chúng sống. Chúng ngây thơ như những ấu trùng, béo trắng, ngâm trong mật để hút ngọt qua làn da mỏng manh. Tâm hồn chúng chết lịm trong thứ hạnh phúc trừu tượng.
Tại sao mẹ lại cho người đó ăn? Nếu con chó đó (có lẽ anh ta ăn cắp con chó ở đâu đó) mẹ cũng cho thế. Như mẹ thường cho con bú vậy. Có để mà cho và cho tất cả những gì mình có, chẳng phải là điều vẫn thôi thúc ta hay sao? Từ thân hình tàn héo như của một người già cũng muốn vắt cạn cho đến giọt sữa cuối cùng. Muốn cho đi. Muốn bồi bổ. Giá thử lúc này anh ta muốn bầu vú của mẹ để đổi lấy cái chết, mẹ cũng sẵn sàng cho được.
Sáng nay lúc đem cà phê đến, mẹ thấy anh ta đái xuống cống. Nhưng anh ta không tỏ ra ngượng ngập.
Mẹ hỏi "Anh muốn làm việc không? Ở đây có nhiều việc cho anh làm đấy".
Anh ta không nói gì, vẫn uống cà phê, hai tay ôm lấy cái cốc.
Mẹ nói "Thế là anh phí phạm cuộc đời mình. Anh đâu còn là  trẻ con nữa? Anh sống như vậy sao được? Sao anh có thể lang thang suốt ngày mà không làm gì hết? Tôi không thể nào hiểu được".
Đúng là mẹ không thể nào hiểu được. Mẹ rất ghét cái thói ươn hèn, gặp sao hay vậy, để mình dần dần tan rã.
Anh ta làm cho mẹ rất khó chịu. Lần đầu tiên anh ta nhìn thẳng vào mẹ rồi nhổ xuống đất, ngay cạnh chân mẹ, một bãi đặc quánh vàng khè lẫn màu nâu của cà phê. Rồi anh ta vứt chiếc cốc vào chỗ mẹ và bỏ đi.
Thế đấy. Anh ta không nhổ vào người mẹ, mà nhổ trước mặt để mẹ trông thấy mà suy nghĩ. Cách nói của anh ta thế đấy. Một thứ ngôn ngữ đi trước ngôn ngữ. Nhìn mẹ rồi nhổ. Cái nhìn gì lạ thế nhỉ? Cái nhìn đối với người đàn bà ở vào tuổi có thể làm mẹ anh ta. Đây, cà phê của bà đây!
Đêm qua không thấy anh ta ngủ chỗ cũ. Đống hộp giấy cũng không còn. Mẹ đi quanh chỗ đó bỗng nhìn thấy cái túi Hàng không Cananda ở lán củi, và một chỗ anh ta đã dọn để ngủ. Mẹ biết chắc thế nào anh ta cũng quay lại.
Viết được sáu trang rồi. Toàn viết về một người mẹ chưa gặp bao giờ và sẽ chẳng bao giờ gặp. Tại sao mẹ viết về anh ta? Vì anh ta cũng là mẹ mà không phải là mẹ. Vì mẹ thấy được mẹ trong cái nhìn của anh ta mà không thể nào viết ra được. Nếu không như vậy, những dòng mẹ viết đây chẳng là thế nào, chỉ là tiếng kêu rên trầm bổng. Viết về con chó của anh ta cũng là viết về mẹ. Viết về ngôi nhà cũng là viết về mẹ. Anh ta, ngôi nhà, con chó, dù viết thế nào mẹ cũng chỉ muốn những lời này giúp mẹ bước được tay đến chỗ con. Nếu là ở thế giới khác, mẹ chả cần đến những lời đó. Mẹ chỉ việc xuất hiện ở cửa nhà con và bảo "Mẹ đến thăm con đây", thế là đủ. Mẹ sẽ ôm con và được con ôm mẹ. Nhưng ở thế giới này, lúc này, mẹ phải đến với con bằng những lời như vậy. Ngày ngày mẹ biến thành lời và gói nó vào trang giấy như gói kẹo, những chiếc kẹo vẫn dành cho con gái mẹ, cho ngày sinh của con, ngày con ra đời. Đó là những lời ngoài thân thể mẹ, là những giọt sữa của mẹ, để khi mở ra con sẽ nhận lấy, bú lấy, hấp thụ. Người ta bảo đó là những giọt sữa đã quá cũ, của người già, được gói lại bằng tình yêu, thứ tình yêu chỉ cảm thấy đối với người ta hiến dâng, để được ngấu nghiến hoặc vứt bỏ.
Mưa tầm tã suốt buổi chiều. Tối đến mới nghe tiếng lạch cạch ngoài cổng, và một phút sau có tiếng chân con chó chạy trên hiên.
Mẹ đang coi ti vi. Một vị mục sư hay phó mục sư nào đó đang thông báo cho cả nước. Mẹ đứng nghe. Mỗi khi họ nói mẹ đều đứng nghe để tỏ ra tự trọng (trước một tiểu đội hành quyết, ai mà dám ngồi?). Ons buig nie voor dreigmente nie, ý ông ta nói "Chúng ta không khuất phục sự đe doạ". Trước sau các bài diễn văn của họ chỉ có thế.
Cánh màn sau lưng mở ra. Mẹ biết đó là anh ta, một người mẹ không biết tên. Anh ta nhìn thấy mẹ qua tấm gương. Mẹ vặn nhỏ tiếng đủ nghe, dù không nghe rõ lời cũng nghe được những tiết tấu Phi châu nện huỳnh huỵch xuống đất như tiếng búa. Anh ta với mẹ cùng nghe. Nỗi nhục của cuộc sống ở đây, dưới quyền họ, là mỗi khi mở tờ báo hay mở ti vi chẳng khác nào như quỳ xuống để họ đái lên mình. Sống dưới quyền họ là sống dưới những bụng phệ, những bọng đái của họ. Đã có lúc mẹ nhủ thầm ""Các người sắp đến ngày tận số rồi!". Vậy mà đến tận bây giờ họ vẫn còn sống nhăn, sống lâu hơn mẹ.
Mẹ chuẩn bị đi mua hàng. Vừa mở cửa nhà xe thì mẹ lên cơn đau. Cơn đau giống như một con chó nhảy đến cắn vào lưng. Mẹ kêu lên, không cử động được nữa. Anh ta ở đâu xuất hiện và đưa mẹ vào nhà.
Mẹ nằm nghiêng trên ghế dài. Phải nằm nghiêng như thế mới đỡ đau. Anh ta đứng chờ. Mẹ bảo "Anh ngồi xuống đi…" Anh ta ngồi xuống. Cơn đau bắt đầu giảm. Mẹ nói "Tôi bị ung thư. Bệnh đã ăn vào xương tuỷ nên mới đau thế".
Không chắc anh ta hiểu mẹ nói gì.
Im lặng một lúc. Rồi anh ta lên tiếng "Nhà này rộng lắm. Bà có thể cho ở trọ được đấy".
Mẹ làm ra vẻ mệt mỏi.
Anh ta nói tiếp "Bà có thể cho sinh viên thuê phòng".
Mẹ ngáp, tưởng như răng sắp rụng hết, phải đưa tay che miệng. Nếu là trước kia thì mẹ đã thấy ngượng. Bây giờ mẹ không ngượng nữa.
Mẹ nói "Tôi có một cô giúp việc. Cô ta đi thăm bà con đến cuối tháng mới về. Anh có bà con gì không?"
Nói lạ! Có bà con là thế nào? Tôi có bà con không? Anh có phải là bà con của tôi không? Không đâu. Có lẽ chỉ Florence mới đủ tư cách để nói cô ta có bà con.
Anh ta không đáp. Có vẻ như anh ta không có con, không có con ở đời này, mà cũng không có cả tuổi trẻ trong quá khứ nữa. Mặt anh ta xương xẩu, da sần sùi. Nếu nhìn vào đầu con rắn không thể hình dung nó già hay trẻ, thì cũng không thể thấy được bóng dáng một đứa trẻ đàng sau khuôn mặt anh ta. Mắt anh ta xanh lè như mắt động vật, đâu có thể nhìn vào đôi mắt ấy mà thấy được đứa trẻ?
Mẹ nói "Chồng tôi với tôi đã chia tay từ lâu. Ông ấy đã mất. Tôi có đứa con gái ở Mỹ. Nó ra đi năm 1976, đến nay vẫn chưa về. Nó lấy một anh chồng Mỹ. Sanh được hai cháu".
Con gái mẹ. Con là da thịt của da thịt mẹ. Chính con đấy.
Anh ta rút bao thuốc lá. Mẹ nói "Xin đừng hút thuốc trong nhà".
Mẹ lại nói "Anh tàn tật thế nào? Anh bảo là có phụ cấp tàn tật hả?"
Anh ta giơ bàn tay phải. Ngón cái và ngón trỏ duỗi ra, ba ngón kia cụp trong lòng bàn tay. Anh ta nói "Mấy ngón này không cử động được".
Mẹ nhìn ba ngón cụp, móng tay đầy những ghét bẩn, bàn tay sần sùi, rõ ràng không phải do lao động.
Có phải do tai nạn không?
Anh ta gật. Cái gật chẳng nói lên điều gì.
Mẹ nói "Tôi sẽ thuê anh cắt cỏ".
Suốt một giờ, anh ta thờ thẫn đem kéo ra cắt lá ở hàng rào và mấy đám cỏ đã mọc ngang đầu gối. Rồi anh ta bỏ đó. Anh ta nói "Loại việc này không phải của tôi". Mẹ trả tiền một giờ làm cho anh ta. Lúc bỏ đi anh ta vấp chân vào khay thức ăn của mèo, làm vung vãi khắp nơi.
Nói chung anh ta chẳng được việc gì, chỉ làm phiền. Nhưng mẹ có chọn anh ta đâu. Anh ta tự đến đó thôi. Hoặc giả anh ta chọn nhà nào không có chó. Nhà này chỉ có mèo.
Có người lạ nên đám mèo nhốn nháo. Chúng vừa thò ra thì đã bị chó nhảy đến vồ, phải trốn đàng sau cửa. Hôm nay mèo không chịu ăn. Mẹ đoán chúng không ưa thức ăn để trong tủ lạnh. Mẹ pha ít nước nóng vào thịt. (Chả biết thịt gì, hải cẩu hay cá voi?) Chúng vẫn chăm chỉ lượn quanh, quệt đuôi vào đĩa. Mẹ bảo "Ăn đi!" và đẩy đĩa thức ăn đến. Con to giơ chân và không thèm đụng vào đĩa. Mẹ bực mình quát "Không ăn thì cút đi! Mệt với chúng mày lắm!" rồi mẹ ném cái dĩa vào chúng. Có điều lạ là tiếng quát vừa rồi khiến mẹ thấy thú vị. Tốt với người như thế đủ rồi! Tốt với mèo như thế cũng đủ rồi! Mẹ lại hét "Chúng mày chết hết cả đi!" Đám mèo bỏ chạy. Móng chân của chúng cào rách cả thảm nhựa.
Ai cần gì chứ? Khi có tâm trạng ấy mẹ chỉ muốn đặt tay lên bàn và lấy dao chặt đứt, không cần suy nghĩ. Mẹ cần gì cái thân thể đã phản bội mình? Nhìn bàn tay, nhìn quanh tìm dụng cụ, nhưng mẹ chỉ thấy cái móc dùng khều đồ vật. Cả đôi chân này, cả đôi nạng xa xa này, việc gì phải mang chúng đi khắp nơi? Việc gì phải mang chúng vào giường, để dưới chăn, ôm lấy nhau mà không ngủ được giữa bao nhiêu thứ bề bộn chung quanh? Rồi cái bụng này nữa, sao cứ sôi ùng ục? Rồi con tim này nữa, sao cứ đập hoài? Chúng còn liên quan gì đến mẹ nữa?
Trước khi chết, ốm đau là để cho cơ thể thích ứng dần với sự héo hắt. Dòng sữa nuôi nấng ta cạn dần, chua loét, xa rời bộ ngực và ta bắt đầu lắng chìm trong cuộc sống khác. Nhưng cuộc sống ban đầu này, cuộc sống trên cơ thể trái đất này, liệu có thể tốt hơn được không? Mặc dù bao nhiêu tăm tối, thất  vọng, điên khùng, mẹ vẫn không thể nào từ bỏ tình yêu đối với cuộc sống.
 
Lúc đau mẹ uống hai viên thuốc của bác sĩ Syfret rồi nằm trên ghế dài. Vài giờ sau mẹ tỉnh dậy, ngơ ngác, người lạnh toát, mẹ lần mò lên gác rồi để nguyên quần áo chui vào giường.
Nửa đêm mẹ chợt thấy hình như có ai trong phòng. Nhưng đoán chỉ có thể là anh ta. Anh ta hoặc mùi của anh ta, xuất hiện rồi biến mất.
Có tiếng cạch ở đầu cầu thang. Mẹ đoán anh ta vào phòng đọc sách, bật đèn. Mẹ cố nghĩ xem trên bàn có giấy tờ gì cần phải giấu đi không nhưng đầu óc lơ mơ không nghĩ gì được. Anh ta xem các kệ sách. Mẹ đóan anh ta sắp xếp lại cho gọn với đống báo cũ. Rồi anh ta ngắm những bức tranh trên tường. Tranh Sophie Schliemann ở kho tàng Agamemnon, tranh Demeter lấy cắp ở bảo tàng Anh. Rồi anh ta khẽ rút ngăn kéo bàn. Ngăn trên toàn những thư từ, biên lai, tem cũ và ảnh. Anh ta không quan tâm. Ngăn dưới có hộp xì gà đựng tiền lẻ các loại. Anh ta thò ngón tay cong queo lấy ra hai đồng năm peseta, đủ để đổi sang tiền rand, nhét vào túi.
Anh ta không phải là thiên thần. Chỉ như loại côn trùng nấp trong khe tường, chờ lúc tối đèn bò ra sục sạo.
Nghe anh ta ra đầu cầu thang, khẽ mở hai lần khoá. Mẹ muốn nói thầm cho anh ta nghe: anh chỉ là đồ rác rưởi, chỉ là thứ ký ức đã chết yểu, nhưng lúc ấy đầu của mẹ mụ đi, chẳng còn biết gì nữa.
 
Mẹ nằm cả ngày trên giường. Chẳng muốn làm gì, chẳng muốn ăn gì. mẹ đọc Tolstoy, không phải đọc chuyện nổi tiếng vê ung thư đâu, vì mẹ đã quá biết rồi, nhưng đọc chuyện về một thiên thần đến ở chung với anh thợ giày. Giả thử có cơ hội, mẹ sẽ đi bộ xuống phố Mill ti1m thiên thần riêng đem về nhà giúp mẹ được đấy. Nhưng không có đâu. May ra vùng ngoại ô có thiên thần nào đó ngồi hong nắng ngủ gật trên cột cây số, chờ cơ hội. Có lẽ ở trại những người thất nghiệp chứ ở phố Mill hay ngoại ô đều không có. Các thiên thần đã bỏ vùng ngoại ô mà đi cả rồi. Mỗi khi có người lạ ăn mặc rách rưới đến gỗ cửa thì đó chỉ là kẻ vô gia cư, một anh nghiện rượu, hay một tâm hồn lảng vảng nào thôi. Thế mà sao lòng ta vẫn thèm muốn được thấy ngôi nhà yên tĩnh rung lên cùng tiếng hát thiên thần như trong truyện cổ tích vậy.
Ngôi nhà đã mệt vì chờ đợi, đã chán không muốn gắn vào nhau nữa. Ván sàn đã không còn rung nữa. Dây điện cách ly đã khô cứng, dễ gẫy, các ống nước han rỉ. Ốc vít ở ống máng đã rời ra, tuột khỏi gỗ mục. Mái ngói đầy rêu. Ngôi nhà xây tử tế nhưng không có tình yêu, bây giờ lạnh lẽo, chây ì, sắp chết. Những bức tường tuy đã được mặt trời châu Phi chiếu rọi nhưng không bao giờ ấm lên được, dù những viên gạch được bàn tay của các phạm nhân xây nên đã luôn luôn toả sáng.
Hè năm ngoái, khi đám thợ đến lắp cống, mẹ thấy họ moi ra những ống cũ. Họ chui xuống hai thước, nhặt những gạch vỡ và sắt rỉ, cả móng ngựa nữa, nhưng không thấy có xương người. Công trường này chưa hề có bóng người, chỉ là chỗ của hồn ma và các thiên thần, chẳng có gì thú vị.
Mẹ viết thư này không phải để bộc lộ những gì trong lòng mẹ. Nó bộc lộ điều gì đó, nhưng không phải là trái tim của mẹ.
 
Sáng nay xe không nổ máy, mẹ phải yêu cầu anh ta, người đến ở nhờ, ra đẩy giúp. Mẹ ngồi trong, anh ta đẩy xe ra lối đi. Rồi anh ta đập tay vào mui xe hét to "Đi được rồi!" Máy nổ. Mẹ quay xe ra đường cái. Được một quãng, mẹ dừng lại nói với anh ta qua làn khói "Tôi phải đi Fish Hoek. Anh muốn đi không?"
Thế là hai người cùng đi, con chó ngồi ghế sau, ngồi chiếc xe Hillman màu xanh từ thời con còn nhỏ. Đã một lúc lâu mà hai người không nói câu nào. Xe chạy qua bệnh viện, trường Đại học, toà Giám mục. Con chó gác đầu lên vai mẹ hứng gió thổi vào mặt. Xe leo lên đồi Wynberg. Bên kia đồi là một con dốc dài, mẹ tắt máy cho xe tự lăn dọc bờ biển. Càng lăn nhanh, tay lái càng rung bần bật. Con chó khoái chí rên ư ử. Hình như lúc đó mẹ cũng mỉm cười, có lẽ nhắm mắt nữa.
Xuống đến chân đồi, xe chậm dần. Mẹ liếc nhìn anh ta. Anh ta vẫn ngồi im, thản nhiên. Khá đấy! Mẹ nghĩ bụng.
Mẹ nói "Hồi còn nhỏ, tôi thường nhảy xe đạp không phanh xuống cái dốc này. Xe đạp của ông nội tôi. Ông ấy hay đố tôi làm thế. Tôi chả biết sợ là gì. Trẻ con không quan niệm chết là thế  nào. Chẳng bao giờ chùng nghĩ rằng có lẽ mình không chết.
"Tôi thường nhảy xe đạp của ông anh đi xuống những dốc cao hơn thế này. Càng nhanh càng thấy khoái, cảm thấy như sự sống bung ra ngoài da thịt. Con bướm khi mới ra đời chắc cũng cảm thấy như vậy".
với chiếc xe cũ kỹ này, ta vẫn có thể thoải mái và tự lăn dọc bờ biển. Nếu là xe mới, hễ tắt máy thì tay lái bị khóa lại. Hẳn anh cũng biết thế. Nhưng đôi khi người ta sai lầm hoặc quên đi, không để xe bám đường, thế là xe quay ngang và lao xuống biển.
Lao xuống biển. Vật lộn sau tay lái bị khóa chặt, trong khi ta cố ngoi lên nhìn bong bóng lấp lánh ánh mặt trời. Điều đó xảy ra không? Có nhiều người làm thế không? Nếu ta đứng trên đỉnh Chapman vào buổi chiều thứ bảy có thể thấy cảnh người ta lao xe xuống biển như thế được không?
Mẹ nói tiếp "Có một chuyện tôi muốn kể anh nghe. Hồi còn nhỏ, vào những năm đầu thế kỷ, gia đình tôi thường ra biển vào những ngày lễ Giáng sinh. Đó là thời của xe bò. Người ta đi xe bò suốt từ Uniondale ở miền Đông đến vịnh Plettenberg ở cửa sông Piesangs, đi hàng trăm dặm mà không biết phải mất bao nhiêu ngày. Người ta cắm lều nghỉ lại bên đường.
Một trong những chỗ dừng chân là đỉnh đèo. Ông bà tôi ngủ trong xe, mẹ tôi và các con nằm gầm xe. Chuyện là như thế này: trong đêm vắng trên đỉnh đèo, mẹ tôi chui vào chăn cùng các anh chị tôi, ngắm nhìn các ngôi sao trên trời qua khe bánh xe bò. Lúc ngắm nhìn, mẹ tôi tưởng các ngôi sao di chuyển. Không biết là các ngôi sao di chuyển hay bánh xe di chuyển, từ từ, rất chậm. Mẹ tôi nghĩ: làm thế nào bây giờ? Nếu xe di chuyển thì sao đây? Có nên báo cho mọi người biết không? Nếu cứ nằm yên để xe lăn xuống chân núi mà ông bà lại nằm trong đó thì sao? Nhưng nếu chỉ là tưởng tượng thế thôi, thì sao?
"Mẹ tôi sợ hãi, tim đập thình thình, nhìn sao di chuyển, nghĩ bụng không biết có nên gọi ai không. Nghe tiếng xe cọt kẹt, mẹ tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết, trong giấc ngủ toàn mơ thấy chết. Đến sáng mẹ tôi tỉnh dậy thấy mọi thứ vẫn bình thường. Xe vẫn còn đó, ông bà vẫn còn đó, ai nấy khoẻ mạnh, chẳng có chuyện gì hết".
Đã đến lúc anh ta phải nói gì đi chứ, hoặc nói về đồi núi, về xe hơi, xe đạp, về bản thân hoặc tuổi nhỏ. Nhưng anh ta vẫn lầm lì, im lặng.
Mẹ lại nói tiếp "Mẹ tôi không nói lại cho ai biết về những gì bà nghĩ đêm trước. Có lẽ mẹ tôi chờ đến khi đẻ tôi mới nói chăng. Tôi nghe bà kể lại nhiều lần bằng nhiều cách. Gia đình vẫn đi tiếp đến sông Piesangs. Ôi cái tên sao mà rực rỡ và đáng yêu thế! Tôi chắc đó phải là nơi đẹp nhất trần gian. Mấy năm sau khi mẹ tôi qua đời, tôi đến thăm vịnh Plettenberg và lần đầu trông thấy sông Piesangs. Không phải sông, chỉ là một lạch nước đầy rong rêu, tối đến đầy muỗi, một nơi để các đoàn người dừng chân, để trẻ con hò hét, để những người lớn đi chân đất mặc quần cụt mang bếp ga nướng xúc xích. Chẳng phải Thiên đường một tí nào. Cũng chẳng phải chỗ để hàng năm người ta đến chơi sau bao nhiêu ngày trèo đèo lội suối".
Lúc này xe đã leo lên đường Boyes. Thật y như nhân vật Rocimante trong truyện, muốn cũng không làm được gì vì đã già yếu. Mẹ nắm chặt tay lái, cố thúc cho xe đi tới.
Lên đến Muizenberg, nhìn xuống vịnh Giả Tạo, mẹ dừng xe tắt máy. Con chó lại rên ư ử. Mẹ cho nó ra ngoài. Nó ngửi đống đá, bụi cây, rồi co chân đái. Mẹ và anh ta đứng n='height:10px;'>
Bheki nói "Phải có giấy phép mới đến được ư?" Nó và thằng bạn nhìn nhau. "Chúng tôi phải có giấy phép ư?" chúng chờ tôi đáp, vẻ thách thức. Chiếc radio vẫn phát một thứ tiếng gì không phải tiếng người, nghe rất mệt. Tôi chỉ muốn giơ tay lên bưng lấy tai.
Tôi nói "Tôi không nói giấy phép. Nhưng các cậu có quyền gì mà đến đây đánh người này. Người này đang ở đây. Đây là nhà anh ta".
Mũi Florence phập phồng.
Tôi quay lại nói với cô ta "Phải, anh ta sống ở đây. Và đây cũng là nhà anh ta".
Florence nói "Anh ta sống ở đây nhưng là đồ bỏ đi, đồ vô tích sự".
Juis moer! – Vercueil nói. Anh ta nhấc mũ ra, tay cầm vào vành mũ, rồi giơ lên như muốn đánh cô ta – Juis moer!
Bheki giằng lấy mũ ném lên nóc nhà xe. Con chó sủa ầm ĩ. Chiếc mũ lăn dần xuống dốc mái.
Tôi nhỏ giọng nói riêng với Florence "Anh ta không phải là đồ bỏ đi. Không có ai là bỏ đi hết. Chúng ta đều là người với nhau cả".
Nhưng Florence không thích nghe giảng giải. Cô ta nói "Đồ vô tích sự còn uống rượu. Suốt ngày chỉ uống rượu. Tôi không thích anh ta ở đây".
Có phải anh ta vô tích sự thật không? Có lẽ đúng thế. Vô tích sự là một thành ngữ cổ của nước Anh, đến nay ít nghe ai nói.
Tôi bảo "Anh ta làm liên lạc cho tôi".
Florence nhìn tôi vẻ hoài nghi.
Tôi nói "Anh ta giúp tôi gởi thư".
Cô ta nhún vai. Vercueil cầm lấy mũ rồi cùng con chó thờ thẫn đi ra. Tôi nghe tiếng anh ta cài then cổng. Tôi nói "Bảo bọn trẻ đừng động đến anh ta. Anh ta chẳng làm gì hại ai hết".
Như con mèo già bị đám mèo đực mới lớn đuổi cắn Vercueil lánh về một chỗ kín để chữa trị vết thương. Tôi hình dung trước cái cảnh mình sẽ như một bà già đi tìm con mèo, đến các công viên khẽ gọi "Ông Vercueil! Ông Vercueil!".
Florence thì tự hào ra mặt vì việc Bheki tống khứ được anh chàng vô tích sự, nhưng cô ta đoán hễ trời mưa là thế nào anh ta cũng quay lại. Còn tôi, tôi đoán rằng anh ta không về chừng nào mấy thằng bé kia còn ở đây. Tôi bảo Florence "Cô làm thế thì Bheki và đứa bạn của nó tưởng có thể giơ tay đánh người lớn mà không bị trừng phạt. Đó là sai lầm. Dù cô nghĩ thế nào đi nữa. Vercueil cũng là bậc huynh trưởng của chúng nó!".
Cô càng nhân nhượng, chúng càng hỗn láo. Cô bảo là khâm phục thế hệ con trai của cô vì chúng nó chẳng sợ gì hết. Cô hãy coi chừng, lúc đầu chúng nó có thể bất chấp chuyện sống của bản thân chúng, nhưng rồi sau cùng chúng sẽ bất chấp cả cuộc sống của mọi người khác. Cô khâm phục chúng như thế là không hay đâu.
Tôi cứ nghĩ mãi về những gì cô nói hôm trước. Cô bảo là thời buổi này chẳng còn cha mẹ gì nữa. Tôi không thể tin đó là cô nói thật. Không có cha mẹ thì con cái làm sao lớn lên được. Có những việc đốt phá, giết chóc, những hành động nhẫn tâm, kể cả việc chặn đánh ông Vercueil vừa rồi. Thử hỏi ai có lỗi? Tất nhiên là cha mẹ có lỗi, vì họ bảo con cái "Chúng mày muốn làm gì thì tùy, bây giờ chúng mày đã lớn rồi. Bố mẹ thôi, không bảo được nữa". Thực ra có đứa con nào muốn nghe cha mẹ nói thế? Nó sẽ bỏ đi với tâm trạng hoang mang, nghĩ bụng "Bây giờ mình chẳng còn cha mẹ nữa. Thà cha mẹ chết đi cho xong". Cô rũ bỏ trách nhiệm với chúng là đẩy chúng vào chỗ chết đấy.
Florence lắc đầu dứt khoát "Không đâu".
"Cô nhớ năm ngoái cô nói gì khi thấy việc phi lý xảy ra trên phố không? Cô bảo cô "trông thấy một bà bị chúng đốt, bà ta kêu cứu nhưng đám trẻ cứ đứng đó cười, không những thế chúng còn đổ thêm dầu vào bà ta nữa". Chính cô nói "trông thấy những cảnh như thế tôi làm sao mà sống được".
Phải, đúng là tôi nói thế. Nhưng ai đã biến chúng thành kẻ ác độc như vậy? Chính bọn da trắng đã biến chúng thành độc ác! Đúng thế đấy! – Cô ta thở dài, buồn bã. Chúng tôi đang ngồi trong bếp. Cô ta đang ủi quần áo, cầm bàn ủi nhấn mạnh xuống. Cô ta ngước nhìn tôi, tôi khẽ nắm lấy tay cô ta. Cô ta nhấd bàn ủi lên, để lại trên mặt vải một miếng cháy xém.
Không tình thương, tôi nghĩ bụng. Đây là một cuộc sống không tình thương, không giới hạn. Một cuộc sống xứng đáng nhưng đã bỏ lỡ.
Tôi khẽ nói tiếp "Một ngày kia chúng lớn lên, cô tưởng chúng không còn ác độc nữa sao? Chúng sẽ trở thành cha mẹ như thế nào nếu người ta bảo là cái ác của cha mẹd đã qua rồi? Liệu có thể tái tạo được cha mẹ không khi ý tưởng về cha mẹ trong lòng ta đã bị phá huỷ? Chúng đấm đá đánh đập anh ta chỉ vì anh ta uống rượu. Chúng đốt chết người ta mà còn đứng đó cười. Vậy chúng sẽ đối xử với con cái chúng như thế nào? Liệu chúng còn  có thể yêu thương được nữa không? Trong con mắt ta, trái tim chúng đã biến thành đá, vậy cô bảo sao? Cô sẽ bảo "nó không phải là con tôi, nó là con người da trắng, nó là quỷ do người da trắng tạo nên". Có phải cô chỉ biết nói thế thôi? Cô đổ hết tội cho người da trắng là xong chứ gì?"
Florence nói "Không, không đúng. Tôi không để mặc các con tôi". Cô ta vôi gấp khăn lại. "Chúng nó là những đứa con ngoan. Chúng sắt đá lắm. Tôi tự hào về chúng". Cô ta trải mấy chiếc áo gối lên mặt bàn. Tôi chờ cô ta nói tiếp nhưng không thấy nói gì thêm nữa. Cô ta không quan tâm đến việc tranh luận với tôi.
Tôi suy nghĩ về những đứa trẻ được gọi là sắt đá ấy. Bản thân của Florence đâu phải là sắt đá? Cái tuổi sắt đá. Sau đó là tuổi đồng chắc? Bao lâu nữa thì cái tuổi mềm yếu sẽ trở lại chu kỳ của nó, trở lại tuổi đất sét, tuổi trái đất. Một bà mẹ khắc khổ, có trái tim sắt đá, đẻ những đứa con là chiến binh của dân tộc? "Tôi tự hào về chúng", cô ta nói thế để tự che đậy cho mình hay che đậy cho chúng?
Còn tôi? Trái tim của tôi ở đâu trong tất cả những chuyện này? Đứa con duy nhất của tôi đang ở xa đây hàng ngàn dặm, sống an toàn. Tôi sẽ trở thành tro bụi, và tôi còn thiết gì nữa khi tuổi trẻ đang bị khinh rẻ, khi bọn chúng ở trường bảo nhau chớ bao giờ cười, chớ bao giờ khóc, mà chỉ giơ nắm đấm như giơ búa? Phải chăng thời này không đúng lúc của nó, cái thời chui lên từ lòng đất, thời bị khinh rẻ, vô lý? Nhưng rút cuộc thì cái gì sinh ra tôi sắt đá nếu không phải đó là tuổi của đá hoa cương? Chẳng phải ta đã có những Vocrtrekkers, những thế hệ vocrtrekkers nối tiếp, những lớp trẻ Phi Châu nghiêm nghị, cứng rắn, hành quân hát những bài ca yêu nước, chào cờ và nguyện chết cho tổ quốc đó sao? Ons sal lewe, ons sal sterwe. Chẳng phải vẫn c`on những tên da trắng cuồng tín thuyết giáo cho chế độ cũ, chế độ kỷ luật, lao động, bảo thủ, hy sinh, chết chóc, dạy cho những trẻ còn quá nhỏ để buộc dây giày cho chúng đó sao? Từ đầu đến cuối chỉ là cơn ác mộng! Tinh thần Geneva chiến thắng ở Châu Phi. Calvin khoác áo dài đen, tỉnh khô, thản nhiên xoa tay hài lòng với hậu thế, miệng cười lạnh lùng. Calvin chiến thắng, tái sinh trong bọn giáo điều và bọn săn lùng kẻ ngoại đạo ở cả hai phía. Bỏ được tất cả những cái đó phía sau lưng thì may mắn biết chừng nào!
Thằng bạn Bheki đến bằng chiếc xe đạp màu đỏ, bánh to màu xanh nhạt. Đêm qua trước lúc đi ngủ tôi còn trông thấy chiếc xe ngoài sân, bóng loáng dưới ánh trăng. Bây giờ sáng nay nhìn ra ngoài cửa sổ, chiếc xe vẫn còn đó. Tôi uống vài viên thuốc buổi sáng rồi ngủ thêm vài giờ nữa. Tôi mơ thấy mình bị mắc kẹt trong đám đông. Người ta đẩy tôi, đánh tôi, chửi tôi bằng những lời doạ dẫm bậy bạ tôi không sao hiểu được. Tôi đánh lại nhưng tay tôi như tay trẻ con, chỉ đánh phù phù như đánh hơi.
Có tiếng ai nói to làm tôi tỉnh dậy. tiếng của Florence với người nào đó. Tôi rung chuông gọi, rung một lần, hai lần, ba lần, bốn lần. Cuối cùng Florence mới đến.
Florence, ai ở ngoài ấy thế?
Florence nhặt chiếc vỏ chăn dưới đất, gấp lại để dưới chân giưỡng rồi trả lời:
Chẳng có ai đâu.
Đêm qua thằng bạn của con cô có ở lại đây không?
Có. Đêm tối nó không dám về bằng xe đạp, nguy hiểm lắm.
Vậy nó ngủ ở đâu?
Florence nghĩ ngợi. "Ở nhà xe. Bheki với nó ngủ trong nhà xe".
Làm sao chúng vào nhà xe được?
Chúng mở cửa sổ.
Trước khi làm thế, sao chúng không hỏi tôi?
Florence im lặng nhặt chiếc khay.
Florence này, thằng bé đó định ở lại nhà xe ư? Chúng ngủ trong xe của tôi hay sao?
Florence lắc đầu. "Tôi cũng chả biết. Bà phải hỏi chúng".
Bữa trưa, chiếc xe đạp vẫn còn đó. Hai thằng ấy đi đâu không rõ. Tôi ra hộp thư thấy có chiếc xe cảnh sát màu vàng đỗ bên kia đường, trong xe có hai người mặc đồng phục, người ngồi phía bên này đang ngủ, áp mặt vào cửa kính.
Tôi ra hiệu cho người ngồi sau tay lái. Xe nổ máy, người đang ngủ bật dậy, chiếc xe trèo lên hè rồi quay vòng đến chỗ tôi đứng.
Tôi tiếng họ bước ra ngoài xe nhưng họ vẫn ngồi im không nói gì, chờ tôi lên tiếng. Một làn gió lạnh phía tây bắc thổi đến. Tôi kéo áo che cổ. Radio trong xe lạo xạo. "Vier-drie-agt", tiếng một người đàn bà nói. Họ không để ý. Họ còn trẻ, mặc bộ đồ xanh.
Tôi hỏi "Tôi có thể giúp được gì? Các anh chờ ai chăng?"
Bà có thể giúp được gì ư? Tôi cũng chả biết. Bà cứ nói xem, bà có thể giúp chúng tôi được gì?
Tôi nghĩ bụng, vào cái thời của tôi, cảnh sát nói năng với phụ nữ rất lễ phép chứ đâu có thế. Vào cái thời của tôi, trẻ con không đến trường học. Vào cái thời của tôi ngày nay câu đó chỉ còn thấy trong những bức thư  gởi đến toà báo. Các cụ rất giận dữ, chỉ biết đặt bút viết câu đó, coi như vũ khí cuối cùng. Bây giờ thì "vào cái thời của tôi" đã hết rồi. Nó đã trở thành quá khứ trong cuộc sống.
Nếu các anh định tìm hai thằng đó thì tôi xin nói là chúng đã được tôi cho phép ở đây rồi.
Bà bảo hai thằng nào?
Hai thằng đến đây chơi chứ ai. Chúng là học sinh ở Guguletu.
Tiếng đài trong xe kêu òng ọc.
Không đâu bà ơi. Tôi chả biết thằng nào ở Guguletu hết. Bà muốn chúng tôi tìm hộ bà ư?
Họ nhìn nhau như có ý trêu chọc. Tôi nắm tay nắm cửa xe. Áo để hở, gió lạnh lùa vào cổ, vào ngực. Tôi nói bằng giọng khinh khỉnh "Vào cái thời của tôi cảnh sát không nói với phụ nữ như thế đâu". Rồi tôi quay lưng đi vào.
Phía sau, đài trong xe lại quang quác như con gà mái. Có lẽ họ cố tình tạo ra thế. Tôi không thèm để ý. Một giờ sau, chiếc xe màu vàng ấy vẫn còn đỗ ngoài cổng.
Tôi bảo Florence "Thật tình tôi muốn cô đuổi thằng bé ấy về nhà. Nó sẽ gây rắc rối cho thằng con cô đấy".
Florence đáp "Tôi không đuổi nó về được. Nếu nó đi thì Bheki cũng đi theo. Chúng nó là thế". Cô ta chụm hai ngón tay giơ lên trời "Chúng nó ở đây an toàn hơn. Ở Guguletu luôn có chuyện rắc rối. Cảnh sát bất ngờ ập đến, bắn lung tung".
Chúng bắn ở Guguletu sao? Florence biết thế ư? Cô ta biết cả những chuyện cách đây hàng ngàn dặm. Còn tôi chả biết gì hết. Những tin tức tôi nhận được đâu có nói gì về những chuyện rắc rối, bắn giết. Đất nước này, theo tôi biết, chỉ có những người láng giềng sống với nhau vui vẻ.
Nếu chúng về đây trốn tránh những vụ đánh nhau thì cảnh sát đuổi theo chúng làm gì chứ?
Florence thở dài. Từ khi đẻ đứa nhỏ, hình như trong lòng cô ta chứa chất điều gì bất mãn. Cô ta nói "Thừa bà, xin bà đừng hỏi tôi. Tại sao cảnh sát đuổi theo bọn nó, tại sao họ bắn và bỏ chúng vào tù? Xin bà đừng hỏi tôi nữa".
Tôi nói "Thôi được, tôi không hỏi nữa. Nhưng tôi không muốn nhà này của tôi biến thành chỗ cho những kẻ chạy trốn khỏi thành phố về trú ngụ".
Florence dướn người, vặn lại "Nhưng tại sao không được chứ? Tại sao không được chứ?"
Tôi mở vòi nước nóng, cởi quần áo, cố ngồi vào bồn tắm ngâm mình xuống nước. Tại sao không được? Tôi cúi đầu, tóc rũ xuống đầy mặt, chạm vào nước. Những đường gân xanh mở hàng cháo, mở quán trọ. Nhưng tôi không làm thế. Tại sao vậy? Vì đất nước này chẳng còn gì là tinh thần từ thiện nữa. Vì những người nhặt từ thiện cũng khinh rẻ nó, còn những người cho thì cho với trái tim miễn cưỡng. Từ thiện mà không đi từ trái tim đến trái tim thì có nghĩa gì? Anh tưởng từ thiện là thế nào? Cháo ư? Tiền ư? Từ thiện là từ la tinh chỉ trái tim. Nhận hay cho đều khó như nhau. Phải cố gắng lắm mới được. Mong anh học được điều ấy. Mong anh học được điều gì đó chứ không nằm khàn thế này".
Mẹ nói dối đấy thôi. Từ thiện, caritas, chẳng liên quan gì đến trái tim hết. Nhưng nếu những điều mẹ cầu nguyên đều dựa trên từ nguyên giả dối thì có sao? Hình như anh ta không nghe mẹ nói gì. Có lẽ với đôi mắt lanh lẹn ấy, anh ta băn khoăn về rượu hơn mẹ tưởng. Hoặc anh ta chẳng quan tâm đến gì hết. quan tâm là cái gốc đích thực của từ thiện. Mẹ chờ cho anh ta quan tâm, nhưng anh ta không hề quan tâm. Anh ta đã ở ngoài phạm vi của sự quan tâm, không cần quan tâm đến cái gì hết.
 
Cuộc sống ở đất nước này chẳng khác gì cuộc sống trên con tàu sắp chìm, một con tàu cũ kỹ mà thuyền trưởng thì say bét nhè, thuyền viên thì cáu gắt, phao cứu hộ thì thủng, vì thế mẹ phải luôn để chiếc đài sóng ngắn ở cạnh giường. Phần lớn thời gian dài chỉ nói để mà nghe, nhưng đến đêm, nếu chịu khó tìm sẽ thấy những đài phát âm nhạc. Đêm qua mẹ nghe đi nghe lại một đài không biết ở đâu phát. Helsinki? Đảo Cook? Họ phát quốc thiều các nước, nhạc hay tuyệt trần, thứ nhạc đã bỏ ta mà đi từ nhiều năm nay, nay trở lại như đến từ các ngôi sao đã đổi dạng, nghe dịu dàng, chứng tỏ những gì ta cho đi sẽ có ngày trở lại, bao bọc quanh ta trong một vũ trụ khép kín, tròn như quả trứng.
Mẹ nằm trong đêm tối, nghe nhạc từ các vì sao dội đến, nghe tiếng lào xạo, ù ù, như bụi sao băng, mẹ mỉm cười, lòng rộn ràng cảm tạ những tin tốt lành từ xa xăm gởi đến. Mẹ nghĩ chỉ có một ranh giới không thể khép lại được, đó là ranh giới trên kia, giữa nước Cộng hoà Nam Phi và lãnh địa của bầu trời, nơi mẹ phải tìm đến, mà không cần có hộ chiếu.
Bị tiếng nhạc quyến rũ (mẹ nghĩ có lẽ đó là của Backhausen), chiều nay mẹ ngồi vào đàn piano chơi vài bản cũ, những khúc dạo clavier của Bach, của Chopin, của Brahms, những bản  của Novello và Angener bị mối xông rách tả tơi, gần thành bụi. Mẹ chơi tồi hơn bao giờ, đọc nhầm những hợp âm như cách đây nửa thế kỷ, ngón tay lập cập vì bệnh đã vào xương tuỷ, không chữa được nữa. (Mẹ nhớ đến những khúc xương được các nhà khảo cổ ca tụng, xương có bệnh hoặc bị đầu tên bắn vỡ, những khúc xương được lịch sử ghi lại từ thời chưa có lịch sử).
Rồi sau khi đã mệt với sự ngọt ngào của nhạc Brahms, mẹ nhắm mắt đánh hợp âm, ngón tay rờ rẫm tìm hợp âm quen thuộc, những chỗ ngày xưa gọi là hợp âm chết, hợp âm của lòng mình. (Đây là mẹ nói về mẹ thời trước thời của con, đi qua phố vào chiều thứ Bảy nóng nực, nghe trong ngôi nhà trước mặt vọng ra tiếng đàn cô gái đồng trinh mò mẫm tìm những nốt nhạc thèm khát đã bỏ đi tự bao giờ. Đó là những ngày tươi đẹp nhưng buồn thảm, và bí ẩn nữa, những ngày còn thơ ngây.)
"Jerusalem!" Mẹ khẽ hát lên, đánh vào hợp âm ngày xưa mẹ từng nghe khi ngồi dưới chân bà ngoại. "Người đã xây dựng Jerusalem ở nơi đây chăng?"
Cuối cùng mẹ lại quay về với Bach, vụng về đánh lại bài fuga ở Quyển Một. Âm thanh rồi rắm, dòng nhạc mờ ảo, nhưng qua vài nhịp thì âm nhạc đích thực lại xuất hiện, thứ nhạc không bao giờ chết, rất tin tưởng và trong sáng.
Mẹ chỉ chơi để mẹ nghe thôi. Chợt phím đàn cạch một tiếng, có bóng người qua cửa sổ, mẹ biết anh ta đang đứng nghe bên ngoài.
Mẹ lại cố chơi nhạc Bach để cho anh ta nghe. Xong nhịp cuối, mẹ đậy đàn lại, để tay lên đùi ngắm bức chân dung ngoài bìa, người có chiếc cằm bạnh mỉm cười mắt long lanh nhìn mẹ. Mẹ nghĩ đó mới thực là chân dung có tinh thần, không giống như chân dung trong miếu thờ! Nay tinh thần ấy đang ở đâu? Đã bay lên tầng cao khí quyển cùng âm hưởng từ bàn tay mẹ mò mẫm chăng? Âm nhạc còn nhảy nhót trong lòng mẹ ư? Hay đã tìm đường đến với con người mặc quần áo xộc xệch đang đứng nghe ngoài cửa kia? Hay trái tim hai người, nơi xuất phát của tình yêu, đã buộc chặt vào nhau qua những hợp âm mẹ vừa dạo trên đàn?
Chuông điện thoại reo. Một bà ở ngôi nhà bên kia đường gọi báo cho biết có một kẻ lang thang đang rình mò bên ngoài. Mẹ đáp "Không phải kẻ lang thang đâu, anh ta giúp việc cho tôi đấy".
Mẹ đã thôi không trả lời điện thoại. Mẹ không muốn nói chuyện với ai khác ngoài con và người trong bức chân dung, người hạnh phúc trên thiên đường. Vậy mà con và người đó chẳng thấy gọi cho mẹ.
Thiên đường. Mẹ hình dung thiên đường là một sảnh đường khách sạn có trần cao trong đó nghệ thuật âm nhạc phức hợp nhẹ nhàng vang lên qua hệ thống loa công cộng, một nơi ta có thể ngồi gọn trong ghế bành bọc da mà không đau, một sảnh đường chứa đầy những người thiêm thiếp nghe âm nhạc, trong khi mọi linh hồn khác đi qua đi lại như những làn hơi. Một nơi đông đảo linh hồn. Không biết họ có mặc quần áo không nhỉ? Hình như có, nhưng trên tay không có gì. Một nơi ta không đem theo bất cứ gì ngoài quần áo trừu tượng và ký ức trong đầu, ký ức tạo ra bản thân. Một nơi không có sự cố. Như nhà ga xe lửa sau khi đã bỏ hết toa tàu. Ngồi nghe âm nhạc thiên thần và vô tận ấy, ta không chờ đợi gì hết, chỉ nghe ký ức nhắn nhủ bên tai.
Có thể ngồi yên trong ghế bành nghe nhạc mà không lo ngôi nhà mình đã đóng hết cửa, bên trong tăm tối, còn đám mèo không được ăn vẫn lảng vảng ngoài vườn được không? Có thể, nếu không thiên đường để làm gì? Chết mà không người thừa kế - xin lỗi phải nói điều này – thật không tự nhiên chút nào. Để được bình an, tâm hồn thanh thản, ta cần biết sau ta thì đến tiếp người đó phải có mặt trong căn phòng ta từng sống.
Mẹ nghĩ đến những trang trại bỏ hoang khi đi qua vùng Karoo ở bờ biển phía Tây. Chủ những trang trại này đã bỏ chạy lên thành phố từ nhiều năm, cửa ngõ đóng ván, cổng khóa chặt. Bây giờ chỉ có một dãy nhà giặt, khói phun đầy trời, trẻ chơi đùa ở sân sau, thấy xe đi qua là giơ tay vẫy. Một vùng đất trong quá trình dân chủ. Những kẻ thừa kế lặng lẽ xuất hiện. Vùng đất bị chiếm bằng vũ lực, bị sử dụng, phá đi phá lại, mấy năm nay bỏ hoang. Có lẽ những kẻ chiếm đất cũng yêu quý vùng này nhưng chỉ yêu quý khi họ còn trẻ. Bây giờ thì lịch sử tuyên án, họ không còn yêu quý nữa.
Sau mỗi lần có chuyện gì, họ bắt người ta chìa ra  xem có lấy gì của họ không. Một hòn sỏi, một chiếc lông chim cũng không được. Thậm chí họ còn xem có giấu hạt cải nào trong kẽ móng tay không.
Tất cả đều chỉ là những con số, cộng vào nhau như thế, trừ đi trừ lại, chia đi chia lại, đến lúc đầu óc rối bù. Ngày nào mẹ cũng tính, trong lòng nhen nhóm một hy vọng rằng trường hợp của mẹ không phải là sai phạm. Nhưng ngày nào mẹ cũng đứng trước tình trạng như cũ, tức là phải chết và quên lãng. Từ trong phòng khám, bác sĩ Syfret nói "Chúng ta phải đối mặt với sự thật". Nghĩa là phải đối mặt với bế tắc. Nhưng ông ta có đối mặt với nó đâu, chỉ có mẹ thôi.
Mẹ nghĩ đến những tù nhân đứng trên miệng hố, chờ đến khi bị bắn xác họ sẽ rơi xuống đó. Họ van nài đội hành quyết, họ khóc, nói đùa, xin hối lộ, hứa cho tất cả những gì họ có, cả nhẫn ở ngón tay, cả quần áo đang mặc. Bọn lính chỉ cười. Dù sao thì chúng cũng lấy hết, lấy cả răng vàng trong miệng họ nữa.
Chỉ có nỗi đau chạy qua người mẹ. Không có sự thật. Một ảo ảnh sẽ bất ngờ đem mẹ đi khỏi ngôi nhà trống này, để mặt trời chiếu qua cửa sổ vào chiếc phòng không, hoặc đem mẹ tới vịnh Giả Tạo có nền trời xanh trong veo, phẳng lặng, đến một thế giới mẹ đã sống cả đời nhưng trong đó không có mẹ. Ngày lại ngày, đời mẹ trốn tránh và sợ hãi chính cái nhìn của mình. Sự thật duy nhất còn lại chỉ có cái chết. Mẹ không thể nào chịu nổi khi nghĩ đến cái chết. Mẹ luôn luôn nghĩ đến chuyện khác, không dám nghĩ đến cái chết, không dám nghĩ đến sự thật.
Mẹ cố ngủ. Đầu óc trống rỗng. Mẹ bắt đầu cảm thấy yên tĩnh. Sắp ngủ được rồi đây, mẹ nghĩ bụng. Tốt nhất là ngủ cho ngon. Đúng vào lúc sắp quên hết bỗng một cái gì bật ra, kéo mẹ lại, và cái đó chỉ có thể gọi là thật. Mẹ vùng dậy. Nằm thức trên giường, mọi thứ lại yên. Một con ruồi đậu trên má mẹ, xoa tay xoa chân, bắt đầu thăm dò. Nó chạy qua mắt mẹ còn đa mở, mẹ muốn chớp mắt để đuổi nó đi nhưng không chớp được. Bằng con mắt vừa là của mẹ vừa không phải của mẹ, mẹ nhìn con ruồi. Phải nói là nó đang liếm môi. Mẹ không thể nhận ra bộ mặt của những cơ quan trên mình nó động đậy. Nhưng nó đang ở trên người và đang chạy qua người mẹ. Nó là sinh vật của thế giới khác.
Đã hai giờ chiều. Mẹ nằm trên ghế dài, hoặc trên giường, cố nhấc đít vì chỗ ấy đau hơn cả. Mẹ tưởng tượng đến Esther Williams, đến những cô gái mũm mĩm mặc áo tắm loè loẹt, thoải mái bơi ngửa nhìn trời xanh, vỗ nước hát, nghĩ đến những cây đàn ghita vô hình bật dây phần phật, nghĩ đến miệng các cô gái, hình vòng cung tròn trặn, đỏ chót. Họ đang hát gì thế nhỉ. Hoàng hôn…từ biệt…Tahiti. Bỗng mẹ thấy thèm muốn được coi lại Savoy xưa, mua vé bằng tiền xu nay được đem nấu chảy chỉ còn vài đồng trong ngăn kéo, một mặt khắc hình George VI, ông vua tốt bụng hay nói lắp, còn mặt kia có đôi chim họa mi. Chim hoạ mi. Mẹ chưa từng nghe họa mi bao giờ, và sẽ không bao giờ được nghe nữa. Mẹ ôm ấp sự ham muốn, nỗi tiếc thương, nhà vua, các cô gái bơi, ôm ấp bất cứ gì đến với mẹ.
Mẹ ngồi dậy mở ti vi. Một kênh có bóng đá. Kênh khác có một người da đen đặt tay lên quyển Kinh Thánh, cầu nguyện cho mẹ bằng thứ ngôn ngữ gì chẳng rõ. Một cánh cửa mẹ mở cho thế giới tràn vào, thế giới ấy sẽ đến với mẹ. Nhìn qua cánh cửa như nhìn vào đường ống vậy.
Ba năm trước có một vụ trộm (mẹ đã viết trong thư, chắc con còn nhớ). Bọn trộm chỉ lấy những gì chúng có thể mang đi được. Trước khi bỏ đi chúng lục lọi các ngăn kéo, lật đệm giưỡng, đập vỡ cốc chén chai lọ, vứt các bát đĩa đựng thức ăn ra đầy nhà.
Mẹ ngạc nhiên hỏi viên thám tử "Tại sao chúng phải làm thế? Làm thế thì chúng được cái gì?"
Anh ta đáp "Chúng nó là thế. Bọn thú vật!"
Sau vụ đó mẹ cho lắp song sắt lên cửa sổ. Một người Ấn độ béo phục phịch đến lắp. Sau khi bắt vít và đặt song sắt lên khung cửa, anh ta đổ keo lên đầu đinh và giải thích "Làm thế chúng không tháo ra được" Lúc ra về anh ta còn đập vào tay mẹ nói "Bây giờ bà đã an toàn rồi".
"Bây giờ bà an toàn rồi". Y như lời của người coi vườn thú mỗi tối khóa cửa để bảo vệ chim đô đô không cất cánh và vô tích sự. Con đô đô cuối cùng già yếu, quá thời đẻ trứng. "Bây giờ bà an toàn rồi". Con đô đô bị nhốt chặt trong khi bọn tìm mồi vẫn rình rập bên ngoài. Con đô đô quang quác trong tổ, chỉ ngủ một mắt mệt mỏi chờ đến sáng. Nhưng nó được an toàn trong lồng, không ai đụng đến song sắt, dây điện. Còn có điện thọai để gọi cấp cứu khi cần, còn dây cáp truyền hình để tiếp nhận ánh sáng của thế giới bên ngoài, còn ăng ten để nghe tiếng nhạc từ các vì sao dội đến.
Truyền hình. Tại sao mẹ lại xem truyền hình? Khi nào cũng vậy, chỉ thấy cuộc diễu hành của các vị chính trị. Nhìn những khuôn mặt bệ vệ, trơ tráo, đã quen từ thưở bé, mẹ cảm thấy tối sầm, muốn nôn mửa. Đó là bọn con trai xưa kia toàn ngồi cuối lớp, mặt mày vênh váo, ngu ngốc, nay lớn lên đề bạt thành những người cai trị đất nước. Chúng và cha mẹ, cô cậu, anh chị chúng, đều là một lũ châu chấu ma, mắc dịch, trải khắp nước, chỉ biết ngấu nghiến nuốt chửng cuộc sống mọi người. Nhưng sao mẹ lại xem chúng trên ti vi dù biết là khủng khiếp, đáng căm ghét? Sao mẹ lại cho chúng vào nhà? Vì chế độ cai trị của họ hàng châu chấu ma ấy là sự thật ở Nam Phi, một sự thật khiến mẹ muốn nôn mửa. Chúng không bận tâm đến bất chấp hợp pháp. Chúng vứt bỏ hết lý trí, cho là không quan trọng. Điều hấp dẫn đôi với chúng là quyền lực, và vô ý thức của quyền lực. Chúng phè phỡn, nói như nuốt tươi cuộc sống, rồi ợ chua. Chúng là những bọn thú biết nói. Chúng ngồi với nhau một chỗ, tranh luận sự việc và ra nghị định như những nhát búa: chết này, chết này, chết này. Chúng không sợ mùi hôi thối. Mắt chúng híp như mắt lợn, chúng mang trong người cái ranh ma của những thế hệ nông dân. Chúng còn tìm cách hại nhau nữa. Chúng lấy dần những mảnh đất mà nông dân phải mấy chục năm mới làm ra được. Đó là bọn Phi châu mới, bụng ỏng, cằm bạnh, ngồi ghế cơ quan, những Cetshwayo, những Dingane da trắng. Chúng mang sức nặng của quyền lực ấn xuống. Những hòn dái to tướng của chúng ấn xuống vợ con, ấn cho tóe lửa. Trái tim của chúng không còn một tia lửa nào. Trái tim c húng nặng nề, chậm chạp, như những chiếc bánh đúc làm bằng máu.
Thông điệp của chúng không thay đổi. Rất ngu ngốc, mãi mãi vẫn ngu ngốc. Sau nhiều năm ngẫm nghĩ về từ nguyên, chúng đạt được chiến công, đó là những sự ngu ngốc lên trình độ của đức tính. Chúng gây sợ hãi, tước bỏ cảm giác, bắt câm miệng, bắt chết, chúng gây kinh ngạc làm  cho bất tỉnh. Từ sợ hãi đi đến mất cảm giác, thờ ơ, lãnh đạm. Ngu ngốc làm năng lực trở thành đờ đẫn, bàng quan, không suy nghĩ, không cảm thấy gì. Từ sợ hãi đến choáng váng, sững sờ. Từ ngu ngốc đến choáng váng, ngạc nhiên, biến thành đá. Thông điệp của chúng là không bao giờ thay đổi. Thông điệp của chúng biến con người thành đá.
Mẹ cùng anh ta ngồi xem tuổi vi nhưng chẳng khác gì con chim giương mắt nhìn con rắn, bị con rắn mê hoặc sắp nuốt chửng. Mê hoặc là tỏ lòng tôn kính cái chết. Vào quãng tám chín giờ, mọi người tề tựu xem chuyến phô diễn, y như cuộc diễu hành của các giám mục trong chiến tranh Franco vậy. Chúng nghiên cứu các hiện tượng để chứng minh cho mọi người thấy cái chết như thế nào. Cái chết muôn năm! Chúng kêu gào đe doạ. Phải giết chết bọn trẻ. Phải giết chết cuộc sống. Chúng là giống lợn rừng chưa bị thiến, ăn sống nuốt tươi cả con cháu của chúng, biến thành cuộc chiến của thú rừng.
Mẹ tự nhủ đây không phải mẹ xem chúng nói đâu mà xem sự thật là thế nào đàng sau sự dối trá đó. Nhưng làm gì có sự thật?
Mẹ thiếp đi (đây là mẹ vẫn viết về chuyện hôm qua), rồi đọc sách, rồi lại thiếp đi. Mẹ pha ấm trà, đặt đĩa hát lên máy. Từng nhịp một, biến tấu của Goldberg dựng đứng trong không gian. Mẹ bước ra cửa sổ. Trời đã gần tối. Anh ta ngồi hút thuốc, dựa lưng vào nhà đốm lửa lập loè ở đầu điếu thuốc. Có lẽ anh ta trông thấy mẹ, có lẽ không. Cả hai nghe ngóng.
Lúc này mẹ chắc anh ta cũng nghĩ anh ta đang chờ mẹ làm tình.
Tuy ý nghĩ đó chợt đến và mẹ cảm thấy ghê tởm nhưng mẹ vẫn nghĩ, không e ngại. Anh ta và mẹ đã dính vào nhau, mắt nhắm nghiền, cùng đi xuống con đường xưa. Không phải như hai bạn đồng hành! Như người đi xe buýt ở vùng Sicily, mặt kề mặt, thân kề thân với người xa lạ. Có lẽ đó là cuộc sống ở kiếp sau, không phải trong hành lang với chiếc ghế bành và âm nhạc, nhưng là trên xe buýt đầy chật người không biết nơi định đến và đi đâu. Xe chỉ đủ chỗ để đứng, đứng mãi mỏi chân, ép mình với những người xa lạ. Không khí đặc quánh, nặng nề, toàn nghe tiếng thở dài, lầm bầm, chửi rủa, xin lỗi. Da thịt tiếp xúc ồ ạt. Luôn nhìn vào mắt nhau. Cuộc sống riêng tư thế là chấm dứt.
Anh ta ngồi xổm trên sân, hút thuốc, nghe ngóng. Hai linh hồn, của anh ta, của mẹ, quấn vào nhau, đê mê. Như côn trùng chụm đuôi vào nhau, hai đầu quay hai phía, nằm im, nghe lồng ngực giật giật tưởng là đang thở. Hoàn toàn yên lặng, đê mê.
Anh ta quẳng điếu thuốc. Tia lửa bắn toé khi điếu thuốc rơi xuống đất. Rồi lại tối đen.
Mẹ nghĩ đến ngôi nhà này. Thế giới này, ngôi này này, âm nhạc này, nghĩ đến tất cả.
 
Mẹ nói "Đây là con gái tôi. Đứa con gái tôi đã nói với anh rồi. Nó đang sống ở Mỹ". Nhìn trong ảnh, anh ta thấy khuôn mặt con dễ thương, một thiếu phụ ngoài ba mươi, nền sau lưng là cánh đồng xanh, con giơ tay giữ mớ tóc bay trong gió. Con có vẻ tự tin. Đúng là bây giờ con đang như thế, con là một phụ nữ đã tìm thấy chính mình.
Đây là những đứa con của vợ chồng nó.
Hai cậu bé đội mũ, mặc áo, đi ủng, đeo găng và đứng bên người tuyết, chờ bấm máy ảnh.
Tạm nghỉ. Mẹ cùng anh ta ngồi trong bếp. Mẹ dọnó trà và bánh quy Marie để trước mặt anh ta. Bánh quy Marie là thức ăn cho người già, những người không còn răng.
Có một chuyện tôi muốn anh làm giúp trước khi tôi chết. Tôi muốn gởi một số giấy tờ cho con gái tôi. Nhưng chỉ gởi sau thôi. Việc này quan trọng, nhưng tôi không tự đi gởi được. Tôi chuẩn bị mọi thứ, gói ghém, dán tem. Anh chỉ việc đem gói đó giao cho quầy bưu điện. Anh giúp tôi được không?
Anh ta quay người có vẻ không bằng lòng.
Nếu tôi làm được thì đã không nhờ anh giúp. Nhưng chả có cách nào khác, vì tôi sẽ không còn sống nữa.
Anh ta nói "Bà không nhờ ai khác được ư?"
Được chứ. Nhưng tôi chỉ yêu cầu anh thôi. Đây là những giấy tờ và thư riêng, cho con gái tôi thừa kế, đó là tất cả những gì tôi có thể cho nó, tất cả những gì tôi nhận từ đất nước này. Tôi không muốn bất cứ ai khác mở nó ra đọc.
Giấy tờ riêng. Giấy tờ này, những lời này, hoặc con phải đọc ngay bây giờ nếu không sẽ chẳng bao giờ đọc nữa. Liệu có đến tay con được không? Đã đến chưa? Hỏi để hỏi mà thôi, vì mẹ biết sẽ chẳng bao giờ biết được câu trả lời. Với mẹ thì thư này mãi mãi sẽ chỉ là những lời trong làn sóng, một thứ thông điệp trong chai có dán tem Cộng hoà Nam Phi và đề tên con.
Anh ta, người đưa tin, loay hoay chiếc thìa nói "Tôi cũng chả biết".
Anh ta không hứa. Mà dù có hứa thì cuối cùng anh ta cũng làm theo ý mình. Có dặn gì đi nữa cũng không hiểu anh ta được, vì người chết không còn là người nữa. Quy luật là như vậy. Mọi hợp đồng mất giá trị. Người chết không thể bị lừa, không thể bị phản bội, trừ khi ta mang theo trong lòng và phạm tội ở đó.
Mẹ nói "Không sao đâu. Tôi đã định yêu cầu anh đến đây ở và chăm sóc giùm đám mèo. Để tôi thu xếp cách khác vậy".
Thu xếp cách nào khác? Ở Ai cập, họ chôn mèo theo chủ. Mẹ cũng muốn như thế sao? Muốn thấy những đôi mắt vàng khè chạy đi chạy lại, tìm đường chui ra khỏi hầm tối hay sao?
Mẹ nói "Tôi sẽ bỏ chúng thôi. Chúng đã quá già, không cho đi đâu được".
Trước cảnh anh ta im lặng, những lời của mẹ chỉ như nước vỗ vào đá.
Mẹ lại nói "Tôi phải làm gì cho chúng chứ, nhưng chẳng làm được gì hết. Ở vào địa vị tôi, chắc anh cũng nghĩ thế".
Anh ta lắc đầu. Không phải thế. Đúng là không phải thế. Trước sau thì một đêm dông nào đó, khi ngọn lửa nhân tạo trong mạch máu không còn đủ nóng để duy trì anh ta nữa, anh ta sẽ chết. Anh ta sẽ chết ngoài cửa hay trên một lối đi, hai tay khoanh trên ngực. Người ta sẽ tìm thấy anh ta cùng con chó này hay con chó khác nằm bên cạnh kêu ư ử và liếm mặt. Người ta sẽ cho anh ta lên xe chở đi, bỏ lại con chó trên phố, và thế là hết. Chẳng thu xếp gì, chẳng để lại gì, cũng chẳng có lăng miếu gì hết.
Anh ta nói "Để tôi đem cái gói của bà ra bưu điện".